Âm nhạc Việt Nam trên đường
đổi mới và hội nhập quốc tế
Nền âm nhạc mới Việt Nam đã có bề dày lịch sử ngót 90 năm, kể
từ khi xuất hiện ca khúc - hành khúc đầu tiên Cùng nhau đi hồng binh của
Đinh Nhu (1930). Năm 1943, Đề cương văn hóa của Đảng do đồng chí Trường
Chinh biên soạn với phương châm “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” đã làm kim chỉ
nam cho hoạt động sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Đã có hàng ngàn tác phẩm âm nhạc
các thể loại từ ca khúc, hợp xướng, kịch hát, kịch múa, nhạc kịch, hòa tấu, đến
nhạc giao hưởng ra đời trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc
biệt là sau khi đất nước thống nhất 1975 và trong thời kỳ đổi mới.
Trong những năm qua, âm nhạc Việt Nam tiếp tục truyền thống của
những thế hệ đi trước. Dòng chảy chính vẫn là dòng chính thống, gắn bó với mạch
nguồn dân tộc, với vận mệnh của đất nước, ca ngợi cuộc sống lao động sáng tạo của
nhân dân, ôn lại lịch sử hào hùng, ký ức về hai cuộc chiến tranh, ngợi ca tuổi
trẻ, tình yêu, thiên nhiên, hướng tới những giá trị nhân văn.
Lĩnh vực sáng tác chủ yếu, cũng là thế mạnh của âm nhạc Việt
Nam vẫn là ca khúc. Bên cạnh các nhạc sĩ lão thành thế hệ chống Pháp vẫn tiếp tục
sáng tác, lớp nhạc sĩ xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ, đến những năm đầu của
thập niên 90 của thế kỷ XX, đã khẳng định vị trí của mình. Tiếp theo các thế hệ
đàn anh, một lực lượng sáng tác trẻ đã xuất hiện và trở thành tiếng nói mới góp
phần vào đời sống ca nhạc, chiếm được cảm tình của công chúng và có tác dụng
tích cực với xã hội.
Trong lĩnh vực khí nhạc dân tộc, nhiều nhạc sĩ sáng tác, cũng
chính là những nghệ sĩ biểu diễn, đã gắn tên tuổi mình vào các tác phẩm được
công chúng ghi nhận. Đó là các nhạc sĩ Trần Quý, Quang Hải, Đôn Truyền, Xuân Khải,
Phương Bảo, Đỗ Lộc, Nguyễn Chính, Thao Giang, Khắc Chi, Hồng Thái, Thế Dân, Huỳnh
Tú, Đinh Hà Linh. Có thể kể đến: Nguyễn Văn Thương với Suối đàn t’rưng (đàn
t’rưng độc tấu), Nguyễn Đình Long với Khúc hát quê hương cho đàn
tranh, Văn Thắng với tác phẩm Cánh chim tự do (đàn tranh) và Tiếng
lòng (đàn bầu). Nhạc sĩ Hoàng Dương với Khúc nhạc tâm tình, nhạc sĩ
Quang Hải với tác phẩm cho đàn tranh độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng mang tiêu
đề Quê hương giải phóng…, nhạc sĩ Trần Quý và Chu Minh đã có một tác phẩm
giao hưởng đồ sộ cho nhạc cụ dân tộc Ouverture Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2009 Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt
Nam) thành lập Dàn nhạc Giao hưởng dân tộc là một bước tiến mới về mô hình tổ
chức và quy mô của âm nhạc dân tộc. Đội ngũ các nhạc sĩ chuyên viết cho nhạc cụ
dân tộc đã có công nâng tầm âm nhạc dân tộc lên trình độ chuyên nghiệp, tạo điều
kiện thuận lợi để âm nhạc Việt Nam giao lưu với âm nhạc quốc tế.
Nếu như với ca khúc mới, là sự tiếp thu trong giao lưu quốc tế
cộng với sự tự thân phát triển, thì trong khí nhạc, sự giao lưu, tiếp nhận này ở
nước ta là một quá trình học hỏi, tiếp thu kiến thức ở các trường đào tạo chính
quy trong và ngoài nước.
Số lượng các tác phẩm nhạc thính phòng - giao hưởng khá lớn,
với nội dung khá đa dạng, chủ yếu phản ánh các đề tài về lịch sử đấu tranh của
dân tộc, ca ngợi các vĩ nhân, anh hùng trong lịch sử hoặc trong truyền thuyết
dân gian - dân tộc, những bước đi lên trong cuộc sống đấu tranh và lao động xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc, và cả những tâm tư suy nghĩ bức xúc của con người
đương đại trước xã hội, trước vận mệnh của dân tộc. Phần lớn tác phẩm thuộc loại
có tiêu đề giúp công chúng dễ cảm nhận được nội dung tác phẩm. Tiêu đề của tác
phẩm thường liên quan chặt chẽ với nội dung, hình tượng âm nhạc chứa đựng trong
tác phẩm như: giao hưởng Đồng khởi của Nguyễn Văn Thương;
ouverture Thắng lợi của tình yêu tổ quốc” của Nguyễn Đình Tấn; giao hưởng
số 5 Mẹ Việt Nam của Nguyễn Văn Nam; ouverture Người về đem tới
ngày vui của Trọng Bằng. Một số ít là những tác phẩm không có tiêu đề,
nhưng hình tượng âm nhạc khá sáng rõ, giúp nghệ sĩ biểu diễn và công chúng thưởng
thức dễ dàng đồng cảm với tác giả về ý đồ thể hiện của mình.
Vào những năm cuối thế kỷ XX, âm nhạc kinh điển - hàn lâm đã
có vị trí đáng kể trên sân khấu biểu diễn, trong các chương trình phát thanh -
truyền hình, trong nhà trường và trong xã hội. Những hoạt động âm nhạc giao hưởng
- thính phòng đã khởi sắc mạnh mẽ với những chương trình hòa nhạc phong phú, hấp
dẫn. Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia (VNSO), Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch
Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội, Nhà hát Giao hưởng vũ kịch
thành phố Hồ Chí Minh, minh chứng cho sự trưởng thành của nền âm nhạc chuyên
nghiệp Việt Nam. Ngoài các tác phẩm kinh điển của các nhạc sĩ thế giới như:
Bach, Haendel, Mozart, Beethoven, Brahms, Grieg, Weber, Tchaikovsky, Bizet,
Strauss, Procofiev, Khachaturian, Shostacovitch, Sibélius, Ravel, Gershwin...,
các tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam như: Hoàng Việt, Nguyễn Văn Thương, Đàm Linh,
Nguyễn Đình Tấn, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Văn Ký, Trọng Bằng, Trần Trọng
Hùng, Nguyễn Thiện Đạo, Ca Lê Thuần, Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài, Đặng Hữu Phúc, Trần
Mạnh Hùng... đã được biểu diễn trong và ngoài nước.
Cần ghi nhận những hoạt động đối ngoại trong thời gian vừa
qua là nét nổi bật, mang tính đột phá, mở ra những khả năng mới để âm nhạc
chuyên nghiệp Việt Nam hội nhập với âm nhạc các nước trong khu vực và trên thế
giới. Tiêu biểu nhất làFestival Âm nhạc mới Á - Âu 2014 được tổ chức tại Việt
Nam lần đầu tiên do Hội Nhạc sĩ Việt Nam khởi xướng.
Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2014 quy tụ gần 200 nhạc sĩ, nghệ
sĩ đến từ 33 quốc gia, trong đó có những quốc gia có nền âm nhạc phát triển
như: Nga, Anh, Áo, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Thổ
Nhĩ Kỳ, Úc, Philippines, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc...
Cuối năm 2014, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trở thành thành viên
chính thức của Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á - Thái Bình Dương (ACL).
Từ năm 1975, sự phát triển của âm nhạc Việt Nam đã diễn ra
trong một bối cảnh lịch sử - xã hội đặc biệt: đất nước hoàn toàn giải phóng và
Tổ quốc thống nhất trọn vẹn, cho nên sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài, sự giao
lưu quốc tế của âm nhạc nước ta có những đặc điểm, xu thế, đòi hỏi mới.
Là một nền âm nhạc chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, đòi hỏi
có những thay đổi về đề tài - chủ đề, hình ảnh, nhân vật trung tâm không còn là
người lính, mà là những hồi ức, kỷ niệm, dư âm của chiến tranh vọng lại trong
lòng con người. Chủ đề - đề tài giờ đây nói về những quê hương được giải phóng,
những công trình xây dựng..., về tình yêu lứa đôi, về thân phận con người sau
chiến tranh trong hoàn cảnh một đất nước vươn mình đổi mới.
Để có được thành tựu trong lĩnh vực ca khúc, chúng ta phải kể
tới giai đoạn trước 1975 với những tên tuổi các nhạc sĩ như: Nguyễn Xuân
Khoát, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn
Văn Thương, Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Xuân Hồng, Trần Hoàn, Trọng
Loan, Trọng Bằng, Phạm Tuyên, Chu Minh, Hồng Đăng, Hoàng Hiệp, Đàm Linh, Nguyễn
Đình Tấn, Nguyễn Đình Phúc, Văn Chung, Trần Kiết Tường, Vũ Trọng Hối, Nguyễn
Văn Tý, Hồ Bắc, Huy Thục, Tân Huyền, Nguyễn Nhung, Doãn Nho, Thuận Yến, Lưu Cầu,
Ca Lê Thuần, Văn An, Nguyễn Thành, Văn Dung, Vũ Thanh, Trần Chung… và các những
nhạc sĩ đã hy sinh anh dũng ở các chiến trường như các anh: Hoàng Việt, Văn Cận,
Vĩnh Bảo…
Có những bài hát đã trở thành những mốc son của lịch sử
như: Giải phóng Điện Biên của Đỗ Nhuận, Tiến về Hà Nội của
Văn Cao, Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn của Lưu Hữu Phước
tức Huỳnh Minh Siêng, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của Phạm
Tuyên, Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà...
Sau khi đất nước thống nhất, lực lượng những người hoạt động
âm nhạc càng thêm đông đảo với sự bổ sung đội ngũ những người sáng tác và biểu
diễn ở các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt là lực lượng âm nhạc từ Hội Văn
nghệ Giải phóng. Chính điều này làm cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam ngày càng lớn mạnh,
phát triển đủ sức đáp ứng những yêu cầu của công cuộc đổi mới cũng như sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các nhạc sĩ chuyên nghiệp Việt Nam thực hiện việc tiếp thu và
chuyển hóa nhạc pop quốc tế cho phù hợp với thói quen thẩm mỹ của công chúng Việt
Nam. Tiếp nhận và chuyển hóa trước hết trong sáng tác và cả trong biểu diễn bằng
cách tăng cường âm hưởng dân gian - dân tộc trong giai điệu, hòa thanh và tiết
tấu. Đây cũng là hướng đi đúng mà một số nhạc sĩ sáng tác nhạc nhẹ hiện đại Việt
Nam đã đi vào khai thác và đã có những kết quả bước đầu qua sáng tác của các nhạc
sĩ: Trịnh Công Sơn; Diệp Minh Tuyền; Thanh Tùng; Phạm Minh Tuấn; Trần Long Ẩn;
Tôn Thất Lập; Nguyễn Đình Bảng; Nguyễn Cường; Trần Tiến; Dương Thụ, Trương Ngọc
Ninh; Phó Đức Phương; An Thuyên; Đỗ Hồng Quân; Trọng Đài; Từ Huy; Ngọc Khuê;
Trương Tuyết Mai; Đức Trịnh; Văn Thành Nho; Phú Quang; Nguyễn Trọng Tạo... và lớp
nhạc sĩ trẻ hơn như: Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Trung, Phạm Đăng Khương, Thập
Nhất, Lê Quang Vũ, Đỗ Bảo, Giáng Son, Tạ Quang Thắng…
Hiện nay, công chúng số đông thường chỉ chú ý vào các ca khúc
thị trường ra đời một cách vội vàng với ca từ đơn giản, sáo rỗng, âm nhạc lai
căng, thậm chí “lấy cắp” từ nhạc nước ngoài; chỉ theo dõi các ca sĩ, các
“diva”, các “sao”, các giọng ca dòng nhạc nhẹ nổi lên một thời gian như cồn nhờ
công nghệ lăng xê. Công chúng, đặc biệt là giới trẻ quên đi hoặc không biết tới
dòng âm nhạc chính thống, kinh điển bác học (thanh nhạc cũng như khí nhạc) và dòng
âm nhạc cổ truyền dân tộc. Trong nền kinh tế thị trường, âm nhạc trở thành hàng
hóa nên mọi hoạt động của guồng quay showbiz bao trùm lên đời sống âm nhạc.
Truyền hình cũng cần thu hút khán giả nên ngày càng có nhiều hơn các cuộc chơi
ca nhạc, biến âm nhạc thành những trò chơi, vô hình trung hạ thấp tính giáo dục,
tính thẩm mỹ, mà chỉ nghiêng hẳn sang lĩnh vực giải trí đơn thuần. Tình trạng
bát nháo trong thị trường âm nhạc tác động đến tất cả đối tượng, từ nhạc sĩ, ca
sĩ, đến công chúng và dần làm thẩm mỹ âm nhạc bị hạ thấp và lệch chuẩn.
Việc vay mượn nhạc đệm (nhạc Beat) có sẵn của nước ngoài để
làm nền cho một bài hát mới sáng tác là một hiện tượng cần cảnh báo và cần tỏ
thái độ nghiêm khắc phê phán. Bởi vì “công thức” hay có thể gọi là chiêu trò sản
xuất âm nhạc theo qui trình “ngược” kiểu này làm mất đi tính sáng tạo, xúc phạm
thiên chức của nhạc sĩ là lấy cảm xúc từ cuộc sống để viết nên tác phẩm chứ
không phải “ăn sẵn” trên nền nhạc vay mượn. Chiêu trò này còn dẫn đến nguy cơ
tràn lan các ca khúc nhạc trẻ mà phần cốt lõi lại được dựng trên “xương cốt” (tức
phần nhạc Beat) của ngoại quốc.
Âm nhạc của mỗi dân tộc không hề bất biến mà có sự giao thoa,
tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa âm nhạc thế giới. Ngày nay chúng ta tiếp
xúc với hầu hết các nền văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng của thế giới, từ
loại hình âm nhạc dân gian dân tộc, bác học hàn lâm đến âm nhạc đại chúng (Pop,
Rock)…
Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam luôn kiên định theo đường lối xây
dựng một nền âm nhạc dân tộc hiện đại; phát triển ba dòng âm nhạc: âm nhạc dân
gian dân tộc, âm nhạc kinh điển - hàn lâm và âm nhạc đại chúng. Đây là một
phương châm chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với bước phát triển mới của đời sống âm
nhạc, vừa duy trì, hoàn thiện và từng bước nâng cao cái gốc, cái chính thống của
nền văn hóa âm nhạc một quốc gia là các dòng nhạc dân tộc, bác học, vừa đáp ứng
nhu cầu thưởng thức âm nhạc của quần chúng rộng rãi, đặc biệt là tuổi trẻ. Cả
ba dòng âm nhạc này đều phải gắn với phương châm đi lên từ dân tộc, tiến tới từng
bước hiện đại, hội nhập với quốc tế, tức là sự hòa quyện giữa bản sắc dân tộc với
nội dung nhân văn, tiến bộ của dân tộc trong thời đại mới.
Đỗ Hồng Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét