Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Nhớ khoảng sân vàng ngập nắng

Nhớ khoảng sân vàng ngập nắng
Chiều nay nhận được ít cá khô, chuối ép và lọ mắm tép gửi từ quê lên lòng tôi nghe nhoi nhói. Những thứ quà quê giản đơn này mẹ đã chắt chiu dành dụm, được hong nơi khoảng sân nhỏ trước nhà dưới cái nắng vàng ngọt mật vùng châu thổ. Nhớ làm sao khoảng sân nhỏ nơi quê nhà!
Ngôi nhà nhỏ của gia đình tôi xây hướng ra mặt sông nên dù trong những ngày nắng gió từ sông thổi lên vẫn nghe mát rượi. Phía trước nhà là một khoảng sân khá rộng. Cái sân này đã đi vào những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ tôi. Lúc tôi còn bé, sân lót gạch tàu, tôi cùng những đứa trẻ trong xóm tụ họp lại chơi bịt mắt bắt dê, chơi đuổi bắt, tiếng cười vang vọng khắp sân. Nơi này cũng là nơi tôi tập chạy xe đạp. Không hiểu sao ngày nhỏ cứ ngồi lên xe là người cứ vặn vẹo khiến chiếc xe khó lái vô cùng. Sau nhiều lần té xuống sân đau điếng, đầu gối sưng bầm thì tôi cũng đã biết chạy xe đạp. Sau này lớn lên lâu lâu về bắt gặp những đứa nhỏ trong xóm chạy xe đạp quanh sân chơi tôi lại tủm tỉm cười như bắt gặp lại ký ức ngày nhỏ của mình.
Khi tôi lớn lên, khoảng sân được chia làm hai phần, phần vẫn giữ lại những viên gạch tàu đã nhuốm màu thời gian, phần ba xây thành sân xi măng. Vào mùa gặt lúa, khoảng sân sẽ ngập tràn trong sắc vàng óng ánh của lúa. Tôi được phân công nhiệm vụ canh chừng gà không cho chúng chạy vào bới hoặc ăn thóc. Vài tiếng một lần lại đội nón lá đi trở cho lúa khô đều. Không ít lần tôi mải chơi với chúng bạn lén mẹ ra vườn dừa, đến khi nghe tiếng mẹ la chạy vào thì đã thấy lũ gà bới lúa văng ra tung tóe. Dưới cái nắng hanh vàng, từng hạt lúa trở mình tí tách. Đi giữa những hạt lúa căng vàng, cảm giác chân mình nghe xon xót vì bị đâm vào da nhưng trong lòng lại thấy hạnh phúc vì một vụ mùa bội thu.      
Sự chút chăm, tiện tặn của mẹ chỉ cần nhìn vào sân là thấy. Chiếc sào phơi áo bên trái sân hong những bộ quần áo để đi ruộng của ba mẹ. Những chiếc áo lấm tấm thâm kim vì mồ hôi đã bao lần khiến tôi cay cay khóe mắt. Phía sau nhà mẹ có trồng một ruộng bắp, những trái nào còn vừa ăn sẽ được mẹ hái đem cho người ta bán bắp luộc. Những trái già lại được mẹ đem ra sân, trải trên tấm bạt ni long hong khô rồi xay ra làm thức ăn nuôi gà, nuôi lợn. Cứ nhà có trái gì già mẹ lại tỉ mỉ lấy hạt, đem ra chiếc nia phơi khô để dành có giống cho mùa sau. Khoảng sân cũng là nơi ba phơi củi. Ba bảo những ngày nắng tranh thủ phơi để khi mùa mưa xuống có củi mà đun nấu. Thật vậy, cái gian bếp của mẹ không khi nào vơi đi củi trên kệ bởi hằng ngày ra vườn cứ có nhánh cây nào hư gãy ba lại lấy về, chẻ ra rồi phơi ngay ngắn trên sân.    
Khi tôi trở thành sinh viên đi học xa nhà, cái sân sẽ trở thành nơi mẹ phơi những món quà quê gửi lên cho tôi. Trong cái nắng vàng ươm, từng con cá, con tôm sẽ trở mình, căng bóng rồi khô dần, cái vị nắng gió quê hương như thấm vào từng thớ thịt. Mấy nải chuối xiêm, chuối già trong vườn qua bàn tay khéo léo của mẹ cho ra món chuối ép phơi khô ngọt lành. Để làm món này, mẹ luôn để cho chuối thật chín, mùi hương lan tỏa mới đem đi ép. Từng trái, từng trái sau khi ép được sắp lên chiếc nong to, phía dưới kê ba chiếc ghế đẩu. Dưới cái nắng gắt, chuối sẽ dần chuyển sang màu vàng sẫm, phần mật sóng sánh tuôn ra hòa vào miếng chuối ngọt ngào, đậm vị.
Chiều nay giữa chốn thị thành, mùi cá khô, chuối ép cứ nồng nàn, len lỏi vào sâu thẳm tâm hồn. Nó nhắc nhớ tôi về một miền quê xa, nơi có bóng bà bóng mẹ ngày đêm tảo tần, nhắc tôi về một thái độ sống và cố gắng làm việc thật tốt. Nơi quê ấy bóng nắng soi lên dáng hình của ba, của mẹ trên khoảng sân vàng ngập nắng. Thương quá những giản đơn mà thân tình, thiêng liêng như chính hồn quê cố xứ.
Phong Dương
Theo http://www.bongtram.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...