Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt vừa ra đi ngày
8/10/2019 tại Sài Gòn, thọ 81 tuổi. Bài viết này viết cách nay 6 năm diễn tả cuộc
sống của nhà văn này trong những năm cuối đời. Việt Luận xin đăng lại để tưởng
nhớ một ngôi sao sáng trong nền văn học Việt Nam.
Ðã từ nhiều năm nay, Trần Tuấn Kiệt không còn ra ngồi cà phê
lúc sáng sớm ở mấy cái quán đầu hẻm gần nhà.
Anh bảo, trong người mệt ngồi chỉ chốc lát là cái đầu cứ quay
quay muốn té.
Anh có nói trạng thái quay quay này ở đầu một tập thơ tự in của
anh: “Sau này tôi không thể suy nghĩ, viết gì được cả. Ðầu óc căng như búa nện
vào mỗi khi viết một, hai câu. Vì thế có những ý nghĩ gì, tôi cố ghi vội thành
lời ra đây thôi.” (Trong Tia Chớp Hoàng Hôn, Sài Gòn, 1997).
Ngồi cà phê có nghĩa là ngồi đấy, ở quán, có khi chỉ một
mình, mà suy nghĩ đủ chuyện. Trong một thời gian dài từ ngày gia đình anh dời
nhà về đây, khoảng cuối những năm 1960, tôi hay tìm được anh ở mấy cái quán rải
dài từ chỗ cầu Thị Nghè đến ngã tư Hàng Xanh. Ngày còn đi dạy, trước cũng như
sau năm bảy lăm, tôi lâu lâu ghé qua với anh như thế sau giờ đến lớp ở trường
Văn Khoa. Ðược cái cũng tiện, từ bên Quận 1 tạt qua Thị Nghè đoạn đường chỉ non
cây số.
Ngồi đấy, tôi hay được nghe Kiệt lẩm nhẩm đọc thơ mình, những
câu thơ cũ hay mới xa gần chuyện bạn bè, chuyện thế cuộc nhân sinh… Có khi đang
trầm ngâm, Kiệt bỗng đọc lớn lên mấy vần thơ, bảo nó mới nảy ra trong đầu, rồi
lặp đi sửa chữ này, lặp lại sửa chữ kia, cuối cùng ngả người nói, “Xong.” Ðấy
là một trong những cách Trần Tuấn Kiệt làm thơ.
Anh sinh năm 1939, quán làng Tân Quy Ðông, Sa Ðéc, bỏ lên Sài
Gòn từ năm mười hai, mười ba tuổi, sống trôi dạt vào con đường văn nghệ vừa như
một ngẫu nhiên vừa như một tất yếu. Chẳng lạ gì, hình ảnh quê hương một thủa ấu
thơ hay hiện ra trong thơ anh:
Ta sinh ra đời
Bên một bến sông dài
Bờ sông đầy lau sậy
Sóng cồn vỗ xa khơi
Thời nhỏ học hành ít
Làng quê tuổi ấu thơ
Khói lửa đêm mịt mờ
Vườn tược càng xác xơ
(Trong Tia Chớp Hoàng Hôn, vừa dẫn)
Bên một bến sông dài
Bờ sông đầy lau sậy
Sóng cồn vỗ xa khơi
Thời nhỏ học hành ít
Làng quê tuổi ấu thơ
Khói lửa đêm mịt mờ
Vườn tược càng xác xơ
(Trong Tia Chớp Hoàng Hôn, vừa dẫn)
Những câu thơ cứ rơi vãi thế nào, rồi anh lượm lại thế nào,
thành ra bài ra bản thế nào, để xuất bản thế nào, chỉ biết trước nay người ta vẫn
cho anh là người in được nhiều thơ nhất trong số những người làm thơ cùng thời.
Theo tôi, sau 1975 anh làm thơ còn nhiều hơn trước đó nữa
nhưng mà không in ra được, mấy lần anh bảo, “Cứ thấy tên mình là họ gạt phăng
đi.”
Vào cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, người con gái lớn
của anh, cháu Trần Thị Thùy Nhiên, đã in cho bố những tập thơ mà sau đấy anh đã
cho tôi: Hồng Hạc (1996, 65 tr.), Tia Chớp Hoàng Hôn (1997, 112 tr.), Nghịch
Hành (2000, 120 tr.), Tình Xuân Vạn Cổ (2000, 44 tr.), Sử Thi (2000, 114 tr.),
Chân Ngôn (2000, 92 tr.). Những tập thơ tự in nhỏ cỡ bàn tay người lớn, khổ
10.5×15. Trong số này, anh có nhờ tôi viết tựa cho tập Sử Thi.
Ðấy là một cách anh hiện diện để dòng thơ anh không bị gián
đoạn. Tôi có ghi nhận điều này trong bài tựa vừa nói: “Có thể, giá trị nằm ở sự
hiện diện. Vấn đề là hiện diện như thế nào mà thôi. Trần Tuấn Kiệt đã hiện diện
trong thơ và trong thời của ông như một nhà thơ mà bấy nay không thể nói khác.
Cho nên, bây giờ với bất cứ một cách nào ông cũng có thể hiện diện như đã từng
hiện diện.
“Với thời gian, với tuổi tác hay hoàn cảnh, mọi suy nghĩ đổi
thay. Hình như có lúc nhà thơ thấy có điều muốn nói cùng các bậc triết giả.
Nhưng thường thì ông vẫn dung dị mà chất chứa với bao điều gần gũi quanh đời.
Cái cao và cái thấp, cái lớn và cái nhỏ, cái lý tưởng và cái tầm thường,… xem
ra chỉ là một.
“Trong bất chợt lóe ra cả cái thần của bước truân chuyên một
kiếp người, nhà thơ nhớ đến cái cội nguồn mình với bao kỷ niệm huyền ảo. Những
kỷ niệm đó, có khi chỉ là một tiếng dế kêu, một cọng lau cô độc, một phận người
bán vé số bên lề đường phố thị hay bóng dáng mịt mờ một người bạn dưới quê nay
không bao giờ còn gặp lại nữa… Ở đó cái vui buồn, sướng khổ một đời có thể khiến
ai ngó vào có khi đến phải trào nước mắt.
“Và vì thế vẫn có thơ, và nhà thơ vẫn bước đi trong đời với
bao điều thân ái đâu đây.” (Sài Gòn, tháng 4-2000).
Sự hiện diện ở đây, là sự nối tiếp những gì đã có từ Lời Gửi
Cây Bông Vải (NXB Quán Thơ, Sài Gòn, 1969 - giải nhất Thơ toàn quốc 1969), hay
Niềm Hoan Lạc Thần Linh và Ngục Tù (Nxb Hồng Lĩnh, Sài Gòn, 1972), cùng nhiều tập
thơ khác của Kiệt cùng thời gian. Nó còn là một động lực để anh tiến tới hệ thống
hóa dần những dòng thơ tản mác của mình, để có mấy tập thơ nữa mà tôi biết: Thơ
tuyển Trần Tuấn Kiệt - Phan Bá Thụy Dương (tự in, Sài Gòn, 2004, 180 tr., khổ
14 x 20), Thơ Trần Tuấn Kiệt (tự in, Sài Gòn, 2012, 49 tr., khổ giấy A4), Mục Tử
Ca (tự in, Sài Gòn, 2012, 37 tr., khổ giấy A4 – với tranh bìa của Hồ Hữu Thủ, lời
tựa của Bùi Giáng, lời bạt của Nguyễn Thị Hàm Anh).
Những tập thơ tự in này, có khi in ra rồi để mãi như thế, có
khi in ra để chuẩn bị xin phép xuất bản, về một mặt nào đó là chuyện hợp pháp
hay không hợp pháp, nhưng về một mặt nào đó khác thì lại không thể bảo nó không
là sản phẩm văn học. Sản phẩm văn học không phải là tất cả những gì được bất kỳ
ai viết ra.
Sự phân biệt hợp pháp hay không hợp pháp chỉ có ý nghĩa trong
việc quản lý xã hội ở ta mà thôi. Với nhiều nguồn xuất xứ như hiện nay, sản phẩm
văn học có thể ở trong luồng hay ngoài luồng. Nhà nghiên cứu văn học không phải
chỉ đọc tác phẩm mà còn phải tìm ra tác phẩm để đọc, bất kể tác phẩm ở đâu và
thuộc dạng xuất bản nào, trong hay ngoài nước, sách in hay sách trên mạng
Internet.
Việc nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại không thể không lưu
ý đến thực tế kể trên.
Căn nhà Trần Tuấn Kiệt ở bây giờ, xưa là một căn nhà trệt lợp
tôn trong một khu gia binh thời chế độ cũ. Cuộc sống ở căn nhà cũ gần chợ Vườn
Chuối, sau bao chao đảo kinh tế, bị thời cuộc “dồn đuổi” quá, vợ chồng anh phải
bán đi để sống dạt ra xa với hy vọng yên thân được trong điều kiện bản thân còn
trong tuổi quân dịch…
Anh luôn luôn có nhiều bạn, nhưng bạn bè đến nhà ở hai nơi cũ
và mới có khác nhau.
Căn nhà cũ của Kiệt ở trong một con hẻm nhỏ của đường Phan
Ðình Phùng (sau 1975 là Nguyễn Ðình Chiểu). Mỗi khi ghé đấy, tôi hay ngồi với
Kiệt trên cái gác gỗ lợp tôn nhà anh, từ cửa sổ nhìn sang nhà lồng chợ Vườn Chuối
lô nhô những mái tôn dưới tầm mắt. Những năm 1960 là thời điểm cực thịnh của
văn nghệ Sài Gòn, nhiều bạn trong giới văn nghệ đến đây với anh, và tôi cũng
quen được nhiều người trong số họ vào những dịp này. Chị Kiệt-chị Hương, bao giờ
cũng tươi tỉnh trong cái hạnh phúc giao tình chúng bạn của chồng.
Về nơi ở mới, bạn bè đến với anh ít có tính tập trung hơn, một
phần vì tai ương chiến tranh đã làm nhau tản mác, một phần vì cuộc sống vật chất
chung của xã hội đi xuống nhất là sau biến cố ba mươi tháng tư. Căn nhà cấp bốn
có một thời gian được ngăn ra làm hai bằng một tấm ván trên có treo tấm bằng Giải
Văn học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1969. Ở tại căn nhà này, anh chị đã dựng vợ gả
chồng cho các con, và mỗi lần như thế tôi và nhà tôi đều có mặt để chúc hạnh
phúc cho các cháu.
Rồi liên miên những đe dọa vì phải mang danh văn nghệ sĩ chế
độ cũ, anh luôn luôn bị căng thẳng. Vốn tính nóng, ít biết nhượng bộ, có lần
anh đã mạnh tay với người khác khi bị đụng chạm tự ái mà đích thực là lòng tự
trọng thời cuộc, đến độ bị chính quyền địa phương chỉ định sống cách ly một thời
gian. Rồi thì sau đó có dạo anh chị lên ở một căn nhà trên Phú Châu, Thủ Ðức, bảo
là để trông nhà cho một người cô mới đi xa,được đâu hơn năm. Một căn nhà gạch gọn
ghẽ trên một thửa đất rộng xem ra cái cảnh thảnh thơi. Tôi cũng hay chạy xe lên
đây với anh. Có lần ngồi trên miệng cái hố nước rộng ở góc vườn, anh kể cho tôi
nghe cái tâm cảm những ngày bị sống cách ly, khổ thì không khổ gì nhưng cô đơn
khủng khiếp, và anh đã đọc cho tôi nghe bài thơ anh bảo mới làm, để “Tặng hai vợ
chồng chủ quán ở Phú Châu, Thủ Ðức”:
Tình sâu nghĩa nặng hôm nay
Thổi theo hướng gió vèo bay qua trời
Ngàn năm sau, nhớ đến người
Quán chiều ai đó đón mời hồn xa
Thì ra ở đâu cũng phải là quán.
(Bài này sau anh đưa vào Tia Chớp Hoàng Hôn)
Tôi như có cái duyên gặp Kiệt trong những tình huống có vẻ tuyệt vọng như thế. Nhớ hồi đầu những năm 1970, tôi và anh bạn đồng môn thời trung học là Ðỗ Tiến Ðức, bảo lãnh cho Kiệt từ Trung tâm Quản trị Trung ương là nơi anh đang bị giữ vì có liên quan đến chuyện quân dịch, để về nhà ăn Tết. Sau này nghe chị Hương kể, Kiệt không muốn các bạn mình bị liên lụy cho nên đã vào trại trình diện đúng hạn.
Thổi theo hướng gió vèo bay qua trời
Ngàn năm sau, nhớ đến người
Quán chiều ai đó đón mời hồn xa
Thì ra ở đâu cũng phải là quán.
(Bài này sau anh đưa vào Tia Chớp Hoàng Hôn)
Tôi như có cái duyên gặp Kiệt trong những tình huống có vẻ tuyệt vọng như thế. Nhớ hồi đầu những năm 1970, tôi và anh bạn đồng môn thời trung học là Ðỗ Tiến Ðức, bảo lãnh cho Kiệt từ Trung tâm Quản trị Trung ương là nơi anh đang bị giữ vì có liên quan đến chuyện quân dịch, để về nhà ăn Tết. Sau này nghe chị Hương kể, Kiệt không muốn các bạn mình bị liên lụy cho nên đã vào trại trình diện đúng hạn.
Thế rồi, một vận hội mới đã đến với Kiệt. Cái tên Trần Tuấn
Kiệt bị người ta gạt phăng đi lại là cơ hội để những cái tên mới thay thế để
lách vào việc viết. Vào những năm 1980, việc xuất bản sách ở Sài Gòn có thêm một
cung cách mới. Công việc của một nhà xuất bản có khi trao khoán cho một số người
biết nghề (ít ra là đã có người nghĩ thế),họ đứng ra nhận lãnh bản thảo của người
viết, lấy danh nghĩa nhà xuất bản để xin phép rồi in ra, đem bán. Kiệt xoay ra
viết sách võ, truyện kiếm hiệp, theo sự gợi ý của những người anh quen trong
hàng ngũ kể trên. Hẳn là ai cũng biết tình trạng này của Kiệt cả nhưng người ta
cũng lờ đi. Kiệt viết rất nhanh trên những cuốn vở học trò, sách viết đến đâu
người ta mua bản quyền đến đó. Ðược cái, sách bán được, đâm ra Kiệt có tiền. Cứ
nghe anh khoe:
Năm mươi sách võ bội thu rồi
Tiền bạc xài vung thật đã đời
Năm năm chợt hết ngồi tư lự
Thôi thế cam đành - vạn sự chơi
(Trong Nghịch Hành, đã kể)
Ðồng tiền kiếm được Kiệt đem sửa căn nhà đang ở cho khang trang hơn mà anh ở cho đến hôm nay. Ngôi nhà mới sửa cũng có một căn gác gỗ. Ở nơi vừa làm chỗ ngủ vừa làm chỗ viết lách này của anh, chúng tôi hay ngồi bệt xuống sàn nói đủ chuyện văn chương. Kiệt nhớ, quyển đầu tiên anh bán được cho nhà xuất bản là quyển Dịch Cân Kinh, ký tên Hồng Lĩnh Sơn, khoảng 1988. Viết sách kiếm hiệp, Kiệt còn ký nhiều tên khác nhau nữa: Việt Thần, Việt Long, Duy Thức v.v…
Tiền bạc xài vung thật đã đời
Năm năm chợt hết ngồi tư lự
Thôi thế cam đành - vạn sự chơi
(Trong Nghịch Hành, đã kể)
Ðồng tiền kiếm được Kiệt đem sửa căn nhà đang ở cho khang trang hơn mà anh ở cho đến hôm nay. Ngôi nhà mới sửa cũng có một căn gác gỗ. Ở nơi vừa làm chỗ ngủ vừa làm chỗ viết lách này của anh, chúng tôi hay ngồi bệt xuống sàn nói đủ chuyện văn chương. Kiệt nhớ, quyển đầu tiên anh bán được cho nhà xuất bản là quyển Dịch Cân Kinh, ký tên Hồng Lĩnh Sơn, khoảng 1988. Viết sách kiếm hiệp, Kiệt còn ký nhiều tên khác nhau nữa: Việt Thần, Việt Long, Duy Thức v.v…
Thế mới biết, chỉ ở một cái tên thôi nhiều khi lại là những
chuyện vui hay buồn thậm chí là một lằn ranh của sự sống và sự chết, sự thành
hay sự bại. Dù gì đi nữa, trong chuyện chữ nghĩa chuyên chở cuộc sống, Kiệt đã
có thể tự thỏa mãn phần nào về vai trò một người viết văn của mình.
Vẫn là cuộc sống với phong ba nhục thể và bao điều trăn trở về
kiếp người trong biến thiên thời cuộc. Vẫn là thực tại này đã từng bôn ba quá
khứ với bao dấu nhớ con người hay cảnh vật. Vẫn cứ là ta đây với chập chùng suy
tưởng trong xuôi chuỗi ngày già.
Tuổi già có thể cuốn trôi đi tất cả?
Về già nước mắt hay rơi
Cổ thêm hay nghẹn uất lời nước non
Tóc bay hoa lá bãi cồn
Thơ rơi lá rụng dập dồn như mưa
(Trong Nghịch Hành, đã kể)
Về già nước mắt hay rơi
Cổ thêm hay nghẹn uất lời nước non
Tóc bay hoa lá bãi cồn
Thơ rơi lá rụng dập dồn như mưa
(Trong Nghịch Hành, đã kể)
Tỉnh hay mê, mê hay tỉnh, thực hay là ảo, biết đâu những cơn
mộng đẹp chờn vờn?
Hoa vàng bay rơi rơi
Sông bến động sương mù
Bờ lau thuyền nhẹ tếch
Ngày tháng cùng viễn du
(Trong Hồng Hạc, đã kể)
Sông bến động sương mù
Bờ lau thuyền nhẹ tếch
Ngày tháng cùng viễn du
(Trong Hồng Hạc, đã kể)
Mê hay tỉnh, tỉnh hay mê, ảo hay là thực, còn đó mối băn
khoăn chẳng riêng của một ai hôm nay:
Mâu thuẫn vẫn còn đó
Ðau thương khắp thế gian
Ðói nghèo và bạo lực
Chiến tranh với hòa bình
(Trong Tình Xuân Vạn Cổ, đã kể)
Ðau thương khắp thế gian
Ðói nghèo và bạo lực
Chiến tranh với hòa bình
(Trong Tình Xuân Vạn Cổ, đã kể)
Có thể nói, sức làm thơ của Trần Tuấn Kiệt vẫn mạnh, rất mạnh.
Làm thơ như một bản năng, tôi nghĩ thơ Kiệt từ đó chưa dừng lại, thơ làm ra có
hay hay không thì cũng là thơ Trần Tuấn Kiệt. Và nó như con người Kiệt, mạnh mẽ,
bạo liệt mà không để tự đánh mất mình bao giờ. Anh không chịu sự đánh đổi bằng
mọi giá với bất kỳ ai để có được sự đầy đủ hơn trong cuộc sống vật chất hay thuận
lợi hơn trong con đường văn nghệ của mình. Anh cũng không sa đà vào chỗ nói
năng bất mãn hoặc phê phán vụn vặt giữa một thực tế còn bao nỗi ngổn ngang. Có
lẽ đấy là điều đã làm nên giá trị đạo đức văn nghệ ở con người Kiệt.
Năm nay đã ở vào tuổi bảy mươi tư, Trần Tuấn Kiệt sức khỏe đã
kém đi nhiều, đang là nhân chứng cho cả một giai đoạn văn học Việt Nam mà anh
có một phần đóng góp trong đó.
Tôi hơn Kiệt một tuổi, vẫn thường đến với anh những ngày này.
Ðộ rày anh cũng ít đi đâu,đến nhà thường là gặp. Cứ mỗi lần gặp là lại thấy cái
dáng lững thững rất riêng của anh, dù chỉ trong mấy bước chân đi. Một lần, tôi
ghé lúc ngang sáng, anh đi từ trong nhà ra, miệng lẩm nhẩm mấy câu thơ trong tập
Chân Ngôn, “Ta giang hồ thuở bé/ Quên cả tình mẹ cha/ Giờ đến ngày giỗ mẹ/ Thấy
cả lòng xót xa,” đoạn bước đến vỗ vỗ vào cái xe máy của tôi với đôi mắt dân dấn
đỏ rồi trầm giọng xuống đầy vẻ thân thương, “Mày còn đem được lão huynh lại
chơi với tao, cám ơn mày!”.
26.8.2013
Nguyễn Văn Ðậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét