Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Đi lễ chùa: Nét đẹp văn hóa đầu xuân

Đi lễ chùa: Nét đẹp văn hóa đầu xuân
Đầu năm, nếu như người dân ở các nơi tìm về các chùa nổi tiếng như chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), miếu Bà chúa Xứ núi Sam (An Giang), đền Bà chúa Kho (Bắc Ninh)... để cầu an, thì người dân Quảng Ngãi đến chùa Thiên Ấn (TP. Quảng Ngãi), chùa Ông (Tư Nghĩa), chùa Diệu Giác (Bình Sơn) hay Trường Bà (Trà Bồng)... để gửi gắm niềm mong ước trong năm mới.
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhiều người dân 
đến chùa Thiên Ấn (TP.Quảng Ngãi) cầu an.
Từ lâu, đi chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống. Từ mùng 1 Tết, nhiều người đã đến chùa cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Nhiều gia đình còn có quan niệm đến chùa đầu năm là để nhắc nhở con cháu luôn giữ gìn lối sống, nếp sống hướng thiện.  
Cụ Phạm Đình Diên (84 tuổi), ở thôn An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức) thường đi lễ chùa vào đầu năm mới cho biết: “Đi chùa chủ yếu là cầu mong gia đình bình an, cũng có khi cầu xin lộc, đó là một nhành cây đâm chồi với ý nguyện sinh sôi, nảy nở trong năm. Đi chùa phải với tấm lòng thành, tâm luôn thiện".
Ngày nay, nhiều người vẫn giữ nét đẹp văn hóa từ xa xưa, khi đi chùa ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ. Theo các bậc cao niên, không cần phải gấm vóc lụa là, người dân có điều kiện thế nào thì mặc thế đó, nhưng phải thể hiện sự tôn nghiêm. Ngày nay xã hội phát triển, việc đi lễ chùa có khác hơn trước. Từ cách ăn mặc đến dâng lễ đầu năm có khá hơn, nhưng đều thể hiện lòng tôn kính. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn tình trạng đi chùa cầu may. Cách ăn mặc cho đến dâng lễ đầu năm thể hiện sai lệch trong văn hóa đi chùa.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư, các tôn giáo chân chính luôn hướng con người đến điều thiện, mà con người lương thiện thì đó là nền tảng để xã hội phát triển. Trong đó, đạo Phật luôn hướng con người đến đều tốt đẹp, bài trừ tham, sân, si. Từ xa xưa, người Việt đã có văn hóa đi chùa.
Họ đến với chùa chủ yếu để lòng được thanh thản, tâm tịnh và cầu cho gia đình bình an, cuộc sống yên vui. Ngày nay, nét văn hóa đi chùa xưa vẫn còn gìn giữ. Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ, nhất là giới trẻ đi chùa theo kiểu "phong trào", chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đi chùa nên ăn mặc hở hang, đi đứng chen lấn, xô bồ... Một số người dâng lễ khuếch trương thân thế, cầu tài lộc, thăng quan tiến chức...
“Chùa là nơi thờ Đức Phật. Vì vậy, mọi người đi chùa với tấm lòng thành cầu cho tâm hồn tĩnh lặng, hạnh phúc, có mối quan hệ với gia đình, xã hội hài hòa, tốt đẹp, ăn mặc phải đàng hoàng, nói năng lịch thiệp. Đó cũng là cách giữ gìn nét văn hóa tâm linh, để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp”, ông Cao Văn Chư nhấn mạnh.
MAI HẠ
Theo http://baoquangngai.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...