Lý luận và phê bình văn học
(Đọc Phê bình ký hiệu học - đọc văn như là hành trình
tái thiết
Trong nói và viết, nhà nghiên cứu Lã Nguyên (La Khắc Hòa) đều
có khả năng chiếm lĩnh không gian. Chuyện đời, chuyện học thuật, qua cái nhìn,
qua giọng nói, qua chất văn của ông đều trở nên cực kỳ sinh động. Những ý tưởng
dù trừu tượng đến đâu cũng trở thành hình khối, chúng chạm vào người đọc, gây
ngạc nhiên, gây ấn tượng và tất nhiên áp đảo người đọc ngay tức thì, trạng thái
như khi ta ngồi xem một phim hành động.
Sức mạnh ấy từ đâu đến? Câu hỏi ấy càng nhiều lần hiện lên,
khi tôi đọc Phê bình ký hiệu học - đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ.
Từ khi gặp Lã Nguyên ngoài đời, tôi ấn tượng nhất là đôi mắt của ông (và sau đó
là chất giọng hài hóm). Hơn nữa ký hiệu học, cũng như các trường phái phê bình
thuộc xu hướng văn bản, với tinh thần khách quan tối đa trong khả năng cho
phép, thường khuyến khích việc ghi nhận hơn là đánh giá. Với công trình này, bằng
góc nhìn ký hiệu học, Lã Nguyên đã quan sát văn học Việt Nam, từ khía cạnh vi
mô (các yếu tố trong văn bản) để đưa ra những kết luận mang tính vĩ mô (về tác
giả, trào lưu, giai đoạn, căn tính văn học Việt).
Theo tôi, sức mạnh của công trình này đến từ một chuỗi các yếu
tố, chủ quan, khách quan, gần, xa. Những năm tháng ở Liên Xô, Lã Nguyên đã tích
lũy được nhiều kiến thức giá trị bên cạnh khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là ông
đã tập trung đi vào một hướng chuyên sâu (mà theo tôi là hướng mà nước Nga có
khả năng đóng góp tốt nhất trong tiến trình lý thuyết thế giới): tiếp cận văn
chương bằng các gợi ý của ngôn ngữ học.
Các trường phái phê bình theo xu hướng xem văn bản là trung
tâm đã chinh phục giới cầm bút, làm nên những bước tiến không ngừng từ cuối thế
kỷ XIX đến nay, bởi chúng kế thừa tu từ học (xưa) và những thành tựu to lớn của
ngôn ngữ học (nay) trên một tinh thần vừa chuyên sâu, vừa tích hợp. Là kết tinh
của việc đọc, nghĩa là xuất phát từ sự tiếp xúc với sáng tác, trong quá trình vận
động, bản thân mỗi trường phái lại có vô số những xu hướng khác nhau, phê bình
kí hiệu học cũng không phải là ngoại lệ. Lã Nguyên tuyên bố mình chọn chỗ đứng
của phê bình kí hiệu Nga, cụ thể là trường phái Tartus - Moskva của Y. Lotman
(mà ông chủ ý dịch để giới thiệu ở phần “Phụ lục”).
Một ý thức sáng rõ, nhất quán về chỗ đứng quan sát và phương
pháp tiến hành là ưu điểm rõ rệt của công trình này. Để người đọc không bỡ ngỡ
(vì thấy mọi điều quá mới) hay sốt ruột (vì nghe lại những điều khá quen thuộc,
nặng nề), Lã Nguyên đã khéo léo mời chúng ta cùng bước vào cuộc quan sát dài
(những 407 trang sách in khổ lớn) của ông bằng “Thay lời nói đầu” có tên
là Ký hiệu học và phê bình văn học (6 trang). Ở đó, bức tranh ký hiệu
học hiện lên, rất thoáng, với những thông tin và luận giải xác đáng, đặc biệt
là hiệu năng và tính khoa học của những phát hiện từ phê bình ký hiệu học (1).
Theo Lã Nguyên, ưu thế của phê bình ký hiệu học xuất phát từ mấy lý do:
1/ Bản
chất của ký hiệu (tên gọi, ý nghĩa và nghĩa, làm nên tính quan niệm, tính tham
chiếu và tính quy ước);
2/ Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật (môtíp mang chức
năng giao tiếp; là “nghệ thuật nói gián tiếp”; tác động gián tiếp; nói bóng,
nghĩa là sử dụng các thủ pháp tu từ);
3/ Văn bản nghệ thuật là thiết chế có “phẩm
chất trí tuệ”, là hiện tượng đa ngữ, mang tính vị ngữ, là những hình tượng - ký hiệu mơ hồ. Cho rằng văn bản nghệ thuật là “ngôn ngữ nội tâm”, “rất giống với cổ
vật khảo cổ”, Lã Nguyên nói rõ: “Mọi cố gắng của chúng tôi đều hướng tới mục
đích khảo cổ học tri thức, nhằm vào việc tái cấu trúc các hệ thống ngôn ngữ đặc
thù làm nên các loại hình diễn ngôn trong văn học nghệ thuật của một giai đoạn
lịch sử và trong sáng tác của một số nhà văn, nghệ sĩ”, công việc ấy sẽ được tiến
hành “dưới ánh sáng của ký hiệu học diễn ngôn và thi pháp học lịch sử”, nhằm
đưa ra những “nhận xét”, “kết luận” “dưới dạng những giả định khoa học”
(tr.9-10). Khởi điểm hành trình quan sát của Lã Nguyên là đi từ thực tiễn văn học,
mời gọi mọi người cùng quan sát.
Một đời làm nghề giáo và nghiên cứu, Lã Nguyên đã quan sát rất
kỹ các hiện tượng văn học ở miền Bắc Việt Nam thế kỷ XX, hơn thế, ông còn có những
trải nghiệm trực tiếp trong đời sống, thấm thía, mừng vui về những đổi thay.
Như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã nói một cách tinh tế trong “Lời bạt”: “Sự giải
mã của Lã Nguyên đối với văn học giai đoạn trước (...) có ý vị như một phản tỉnh,
một tái nhận thức, một lời chào biệt (...). Sự giải mã đối với Nguyễn Huy Thiệp,
Phạm Thị Hoài, Nguyễn Xuân Khánh... lại có ý vị khác. Nó là giải mã đồng thời
là chào mừng, mời gọi một ngôn ngữ mới, thúc giục chúng nảy sinh” (tr.403).
Công trình này là tập hợp những bài nghiên cứu được công bố từ
1987 đến 2017 - ba mươi năm cho một hướng đi, kiên trì, say mê, nồng nhiệt. Cùng
với khát vọng duy trì tính khách quan hệ thống vốn có của phê bình ký hiệu học,
trong Lã Nguyên còn có một trực giác nghệ thuật (tiên thiên, hậu nghiệm) sắc
bén và một chất hài hước bẩm sinh, để ông không chịu thu mình vào các mô thức
quy phạm có trước mà luôn chực phóng mình vào những khám phá bất ngờ, cả trên ý
tưởng và từ ngữ.
Tiếng nói thời đại (6 bài (2)) và Ngôn ngữ nhà văn (8 bài (3))
đã hợp thành một cấu trúc khoa học mang rõ tinh thần dõi theo “lời”, đi từ
không gian cộng đồng đến thế giới cá nhân, và cả hai tương chiếu, soi sáng cho
nhau, làm nên bức tranh sống động của một dòng văn học đang mải miết chảy thoát
khỏi cái áp lực to lớn của “con đập thủy điện” một thời để trở lại nhịp nước tự
nhiên.
Một trong những đặc điểm lớn của xu hướng phê bình văn bản
nói chung và phê bình ký hiệu học nói riêng là thường chăm chú vào “nội thất”,
vào chi tiết, vào cấu trúc nội tại của văn bản (text) mà xem nhẹ các văn cảnh
(context). Lã Nguyên đã rất trung thành với tinh thần ký hiệu học, nghĩa là bám
sát vào hệ thống ký hiệu trong văn bản, soi chúng bằng “kính lúp”, nhưng vẫn hết
sức coi trọng bối cảnh. Nhiều khi ông dùng đến “kính viễn vọng” để nhìn thấu
quá khứ - tương lai, Đông - Tây, Việt Nam - thế giới.
Viết về các nhà văn, Lã Nguyên sử dụng giọng văn đối thoại. Ở
đây chất phê bình rõ nét. Và cái tôi của nhà phê bình ấy truyền cho chúng ta cảm
giác thực của ông, khi tiếp xúc với văn bản.
Tố Hữu là tác giả được Lã Nguyên ưu ái nhất, đã xuất hiện ở cả
hai phần của cuốn sách. Với cái tên Thơ Tố Hữu - kho “ký ức thể loại” của văn học
từ chương, Lã Nguyên đã đưa vào không gian Việt một nội hàm mới cho khái niệm từ
chương, và căn cứ học thuật của nó được ông chú thích từ tài liệu tiếng Nga (4).
Khác với lệ thường, ở đây tác giả không giới thuyết khái niệm từ chương, nhưng
qua toàn bài viết, chúng ta có thể nhận ra tác giả hiểu văn học từ chương là
văn học được xây dựng trên những công thức cố định, không bắt nguồn từ đời sống
mà từ “những tri thức khả tín (bất kiểm chứng)” (tr.192). Từ đó, Lã Nguyên đưa
ra một kết luận có tầm khái quát: Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa “có xu hướng
quay về với các truyền thống từ chương” (tr.235). Có thể thấy, Lã Nguyên đã thể
hiện rõ kiến thức và trường liên tưởng đáng nể của mình ở sự dung hợp Đông -
Tây nơi các mô thức tu từ mà ông gọi là các “khuôn mẫu từ chương” (tr.231).
Cũng như Tố Hữu, Nguyễn Huy Thiệp chiếm nhiều trang trong tập
sách. Ba bài viết kế tiếp nhau (5) cho thấy Lã Nguyên nghiên cứu rất kỹ về tác
giả này, ở đó, ông đưa ra những đúc kết thuyết phục.
Những lược thuật trên đây cho thấy công trình của Lã Nguyên
mang lại nhiều thông tin và ý tưởng rất đáng chú ý. Có thể nói, từ trang đầu
tiên đến trang cuối cùng, không một trang nào mà người đọc không nhặt được những
điều lý thú. Nghiêm ngặt về bố cục: mỗi bài luôn có “Dẫn nhập” hoặc “Mở”, các nội
dung chính và “Kết luận” hoặc “Mấy lời kết”. Sáng tạo trong cách đặt các tiêu đề
lớn nhỏ: Nhìn lại các bước đi. Lắng nghe những tiếng nói; Thơ Tố Hữu - kho “ký ức
thể loại” của văn học từ chương... Rành mạch về diễn giải, lồng ghép các nội
dung lý thuyết trong từng trang phân tích vấn đề, văn bản một cách tự nhiên,
khúc chiết. Những câu hỏi nghiên cứu thường xuyên xuất hiện, để từ đó tác giả
trả lời - một cách viết rất động mang tinh thần mời gọi cùng đối thoại, cùng
suy nghĩ. Không chỉ hỏi và trả lời, nhiều lần tác giả còn dõng dạc xác định chủ
kiến của mình, như “Thế nào là nhà văn lớn? Xin thưa, tôi có chuẩn mực riêng để
định giá” (tr.137), cũng như không ngần ngại bày tỏ cảm xúc mạnh với những từ cảm
thán và lối văn khẩu ngữ hoàn toàn thoải mái.
Những khám phá ấn tượng và câu chữ có hồn của Lã Nguyên đã
làm cho công trình này hấp dẫn tôi ngay lần đọc đầu tiên. Dù chưa được thâm nhập
sâu về phê bình ký hiệu học, tôi nhận ra sức mạnh ghê gớm của nó. Trên con đường
phát triển của mình, các nhà ký hiệu học cũng như các nhà cấu trúc luận đã nhận
ra rằng, đối tượng của cách đọc này rất rộng, đó là diễn ngôn, là văn bản nói
chung, bờ ranh của cái gọi là nghệ thuật mờ đi. Đôi khi với ký hiệu học hay cấu
trúc luận, người ta có thể viết được một bài phê bình rất hay, rất sang trọng về
một văn bản bình thường, xoàng xĩnh. Thách thức lớn nhất đối với người quan sát
văn chương bằng đôi mắt ký hiệu học này có lẽ Lã Nguyên đã vượt qua. Hình như
trong niềm hứng khởi, giọng văn của Lã Nguyên đôi lúc cũng khá vang. Tôi muốn
ông chú ý hơn biên độ của khái niệm “văn học Việt Nam” khi đưa ra các luận điểm
khái quát chắc nịch. Tôi muốn ông xác định lại nội hàm giới hạn của một số thuật
ngữ khoa học mà ông dùng, vốn đã định hình và phổ biến trong không gian học thuật
thế giới.
Quan sát Lã Nguyên, từ công trình Phê bình ký hiệu học -
đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ, tôi nhớ đến đồng thời phong cách
nghiên cứu của giáo sư Trần Đình Hượu (chiêm nghiệm sự vận động của văn chương
Việt trong cái nhìn văn hóa và lịch sử) và phong cách phê bình của Trương Tửu -
Nguyễn Bách Khoa (táo bạo trong tiếp thụ và vận dụng lý thuyết đến từ phương
Tây).
Công trình của Lã Nguyên chắc chắn sẽ mở ra những cảm hứng đối
thoại mới về văn chương và truyền lửa cho những ai say mê chữ nghĩa.
Chú thích:
1. Lã Nguyên khẳng định: “Văn hóa học chính là ký hiệu học và
ký hiệu học là con đường duy nhất giúp tiếp cận hữu hiệu các hiện tượng văn
hóa, bao gồm cả văn học nghệ thuật”; “Bước ngoặt ở nửa sau thế kỷ XX được gọi là
“bước ngoặt ngôn ngữ học” (tr.6). Theo tôi, hai nội dung này có thể còn thảo luận.
2. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa như một hệ hình
giao tiếp nghệ thuật; Nguyên tắc vẽ tranh, tạc tượng đài và chủ nghĩa hiện thực
thị giác trong văn học Việt Nam trước 1975; Diện mạo văn học Việt Nam trước
1975; Vị thế của văn học trên sân chơi văn hóa trong tiến trình lịch sử; Nhìn lại
các bước đi. Lắng nghe những tiếng nói; Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam: quốc tế
và bản địa, cách tân và truyền thống.
3. Nguyễn Tuân - nhà văn của hình dung từ; Mấy cách tân
nghệ thuật của truyện ngắn Nam Cao; Thơ Tố Hữu - kho “ký ức thể loại” của văn học
từ chương; Về truyện ngắn Ma Văn Kháng; Về những cách tân nghệ thuật trong Hồ
Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh; Nguyễn Huy
Thiệp và bước ngoặt của văn học Việt Nam sau 1975; Những dấu hiệu của chủ nghĩa
hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm
Thị Hoài; Tôi đọc Miền hoang của Sương Nguyệt Minh.
4. Theo tôi, còn có một cách hiểu khác về khái niệm “từ
chương”: lối văn chỉ coi trọng hình thức, kỹ xảo, không chú trọng nội dung,
không thiết thực. Thơ Tố Hữu là thơ ca tuyên truyền, chủ trương giản dị dễ hiểu,
tác động rõ rệt lên người đọc, sẽ không tương thích với cách hiểu này. Vì vậy,
nếu tác giả giới thuyết khái niệm theo cách hiểu của mình thì sẽ thuyết phục
hơn.
5. Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam: quốc tế và bản địa,
cách tân và truyền thống; Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn học Việt Nam
sau 1975; Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua
sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài.
12/12/ 2018
NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
Nguồn: VNQĐ, 11.12.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét