Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

Một chuyến đi Tây

Một chuyến đi Tây
Giữa mùa hè; tôi nhận được điện thoại của bạn tôi ở Paris, tôi ngạc nhiên vì tay này mấy năm gần đây bặt vô âm tín, tưởng như y thay đổi cuộc đời? Nay lại gợi ý, cù rủ tôi đi Pháp, đến Paris tham dự hội thơ, tổ chức vào mùa thu sắp tới. Nghe có hội thơ, lôi cuốn tôi ngay.Thế là phải kiệm ước mới dư tiền đi holiday, nơi du lịch mà tôi mơ từ lâu. Ở đâu thì còn chần chờ, ở Pháp thì chuẩn bị tinh thần ngay.
Bạn tôi sống ở đó khá lâu, ra nước ngoài một lượt với tôi, y sống và làm việc ở ven đô Paris, được cái y có nhà cho nên dể dàng “tá túc” với một nơi đắc địa như thế; y thị có chồng và hai con, vợ chồng còn đi làm lai rai, con lớn hết cả cho nên hai ông bà thong dong đôi phần.
Mùa thu năm ấy; tôi đáp tàu đi Pháp. Phi cơ hạ cánh, vài phút sau thì nhận ra Diễm và Thanh; chồng nàng, họ đón tôi ở cửa. Từ phi trường Orly, xe chạy xuyên qua phố thì trời đã xế chiều, đèn bực sáng, Paris rộng lớn, xe cộ tràn ngập do đó kẹt xe lung tung, mất cả giờ đường lái xe mới về đến nhà. Không gặp nhau đã lâu, chúng tôi chuyện trò không ngớt. Hành trình xa tôi thấm mệt, tắm rửa, ăn uống xong tôi xin “kiếu” để đi ngủ. Quá mệt!
Đêm xuống; tôi vội vàng đắp lên mình chiếc áo khoát (trench-coat) kaki ngả màu trông lúng túng; tung cửa đi ngay cho thỏa lòng mong ước. Café de Flore không ghé đến đây là một thiếu sót trong đời ”nghệ sĩ”. Paris sáng rực rỡ, màu sáng diễm ảo của ban đêm, tôi vượt qua cầu Pont Neuf. Sông Sein đẹp của trời đêm; như thưở đi học đã mơ, trực chỉ đến de Flore. Café giờ này vẫn còn đông khách, khác với suy nghĩ của tôi. Những bàn ghế “bistro” đầy bóng người ngồi ở hàng hiên, huyên náo và nhả đầy khói mù giữa không gian, tôi cảm thấy tôi xa lạ. Kệ! đã đi thì phải đến, đẩy cửa bước vào trong, mắt dớn dác, đầy khách ẩm thực không còn chỗ trống, trên quầy bar, còn một hai ghế cao cẳng (stool ) tôi lách mình, khiêm tốn nhón gót lên ghế ngồi bên tách café filter như tôi đã từng uống trước đây. Ngồi cạnh bên tôi một người đàn ông đứng tuổi, mặt mày phương phi, ăn vận bảnh bao, khăn quàng trắng lồng trong áo trông đúng cách ”dân tây”, miệng ngậm ống vố, tỏa khói thơm, gương mặt đăm chiêu, nhìn thẳng, bất giác người liếc nhanh qua tôi, gục đầu chào, tôi mừng thầm, những ”type” người như thế thường hay cáu (surly) tôi cũng ngại đôi phần nhưng lần này thì tôi vững tâm hơn. Tôi nhoẻn cười xã giao.
- Cậu từ đâu tới? Chinois, An-Nam-mít hay Cambodien?
- Thưa ông tôi người Việt Nam.
- Vậy thì ở quanh đây. Quận 13 phải không?
- Dạ không; tôi từ Mỹ đến đây.
- Được bao lâu rồi?
- Hôm qua.
Vài câu thăm hỏi giao tình; ông trở lại trạng thái cũ, trầm lắng và đôi mắt nhìn xa vời. Ông quay lại nói: - Hình như; khai trương đại hội thơ ngày hôm nay. Cậu có đi dự không? Đông quan khách khắp nơi đến dự. Tôi chụp ngay cơ hội, khai triển vấn đề.
- Thưa ông là nhà thơ? tôi hỏi. Ngần ngừ giây lát. - Vâng! ông trả lời.
- Vậy xin ông cho biết qúi danh? Ông nhìn tôi đăm đăm, đôi mắt nghi ngờ, tôi đọc được ý nghĩ của ông “da-vàng-mũi-tẹt mà nói chuyện làm thơ”. Ông hạ giọng dịu dàng như thái độ ân hận về sự suy nghĩ không đẹp của mình và nói rất khẽ:  - Lamartine. Tôi tá hỏa, chới với mặt mày, xanh máu mặt, không ngờ như thế, tay cầm tách café đưa lên miệng mà còn cằm cặp run.
- Cậu không sao chứ? Dạ…dạ thưa ông không sao cả. Chắc cậu thích thơ? ông hỏi.
- Tôi mê thơ ông đã từ lâu, mê sau khi đọc bài “Cái hồ” là ngẫn ngơ từ đó. Ông nhìn tôi mỉm cười đắc chí.Tôi biết nụ cười của ông không phải nụ cười tự mãn mà nụ cười hạnh phúc có người cảm nhận được thơ ông. Ông tỏ ra vui với tôi.
- Thơ tôi có xuất hiện ở Indochine Đông Dương? Ông nói.
Lamartine gục gặc cái đầu; đoạn ông kê vào tai tôi; chỉ ra ngoài, tôi thấy Chateaubriand đi vào; ông là nhà văn lừng lẫy, dáng dấp trưởng giả, người cao lớn, tóc hơi quăng, chải ngược, bềnh bồng, gương mặt trong sáng, điểm nụ cười sẳn có trên môi; khoát áo dạ đen, tay cầm đôi găng tay tiến lại bàn có người.
- Theo tôi. Lamartine nói.
Ông đưa tôi giới thiệu với mấy bạn văn. Cùng bàn với Chateaubriand có Stendhal, Balzac và Gide. Khiếp! họ đưa tay bắt với cử chỉ thân mật, tôi không dám đưa tay ra chào, nhìn lui thì không thấy Lamartine, chắc ông về tự hồi nào. Ngồi cạnh với các bậc đại sư vừa vinh dự vừa hãi hùng vì trí tuệ của họ dể sợ quá…
- Cậu có làm thơ? André Gide hỏi.
Tôi hoảng! cắt-ké mà dám trả lời có, thấy cũng ê trong lòng.
- Dạ thưa có. - Thế tốt quá! Chateaubriand khen. Ông đưa ly vang (vin rouge) lên miệng mỉm cười, cung cách uống ăn của Chateaubriand thật vương giả và sành điệu.
Cậu làm thơ lục bát, ngũ ngôn hay thất ngôn? Tôi khớp! nhưng trả lời đại.
- Dạ thưa thơ “tào lao”. Cả bàn cười ầm lên, chỉ trừ Balzac ngồi lặng không cười.
- Đúng đấy! cậu ta làm thơ đúng thời đại, không chừng hợp với đời nay, cái thể thơ đó giống như họa phái, trong cái tào lao không chừng chứa cái chất siêu thực của hậu-hiện-đại (postmodern) (?)
- Dạ không dám mô, không dám sắp lớp như thế đâu. Tôi phát biểu trong họng vừa đủ nghe, sợ đẻ chữ ra người ta cười. Chateaubriand vỗ vai tôi chỉ vào Stendhal và nói:
- Stendhal và Balzac đều là nhà văn nhưng tư tưởng phóng khoáng, cậu nên nghe họ nói. Steindhal đôi khi có hơi ngông nhưng tuyệt thú. Balzac siêu hơn; ông ta sẽ chỉ cho cậu cách sống, từ những cái xấu xa nhất đến cái đẹp nhất trên đời, ông sẽ tháo gỡ từng bộ phận của xã hội cho cậu coi và trút vào cho cậu những tư tưởng mới để cậu có cơ hội phát tiết thơ văn “tào lao” của cậu. Tôi lắng nghe những gì Chateaubriand nói, cất vào lòng mà thầm phục mấy “đại sư”.
- Cậu nghĩ là cậu ở Pháp hay hơn ở Mỹ? Stendhal hỏi tôi. Một câu hỏi nghe bình thường nhưng đã cho tôi một suy nghĩ.
- Ở đâu cũng là đất sống, tùy mình.Tôi nói.
- Tao và con Sarraute là những đứa vong quốc; tại sao tao với nó chọn đây? Stendhal quát lớn vào mặt tôi.
- Mầy hiểu ý tao nói chưa? Stendhal hớp ly rượu Cognac đoạn nhìn tôi một cách chân tình.
- Phải thế! Balzac nói. Tôi nghiệm thấy Stendhal nói đúng; đúng cho một con người nghệ sĩ thứ thiệt mới chọn Paris. Cả bốn vị ngồi trong bàn là đỉnh cao của nước Pháp, họ tiếp tục nói chuyện bên nhau, tôi đưa mắt nhìn ra ngoài chợt thấy Victor Hugo bước ra khỏi chiếc “chariot” cùng với vợ hay người tình của ông tôi chưa nhận ra được. Tôi hỏi Balzac: Lúc nầy Sainte Beuve còn lui tới với Victor không? Thưa ông.
- Sao cậu lại hỏi chuyện nầy? Chateaubriand có vẻ trách cứ tôi. Nghe nói một thời Sainte Beuve lẹo tẹo với vợ Hugo. Stendhal bịt miệng tôi.- Kìa họ đi vào. Họ là bạn thân. Không có Sainte Beuve thì không có Victor Hugo. Chateaubriand kể. Rồi hỏi tôi.
- Cậu tên gì? Cả bàn đang ngóng đợi.
- Dạ tôi tên Việt.
- Có bút hiệu không?
- Dạ thưa bút hiệu Âu Cơ. Rất hân hạnh! Rất hân hạnh!
- Cậu phải biết thêm một chút nầy: Hugo ngoài chuyện Les Misérables, Choses Vues, ông ta còn là thi sĩ Les Châtiments, Les Contemplations nữa đó, ông là bực thầy cách dùng từ, bậc kỳ tài trong việc tạo tiết điệu cho câu thơ, văn trở nên hay; kể cả mấy tay làm thơ lừng danh ở thủ đô cũng phải thán phục Hugo. Balzac kể.
Stendhal nói cho tôi hay; cậu làm thơ “tào lao” tôi chỉ cho cậu thấy; ngoài kia, cậu thấy không? Họ đang ngồi với nhau; đó là những bậc ”tổ sư thời thượng” thuộc trường phái siêu thực và thơ mới, văn mới kinh-thiên-động-điạ, cậu biết ai không? Stendhal nói.
- Dạ thưa ông Stendhal; tôi choáng cả mắt, trí tôi mờ nhận định. Quả như vậy thưa ông. Cả đời tôi chưa bao giờ gặp các bậc vĩ nhân nầy. Tôi nói.
- Mấy vị: Aragon, Éluard, Michel Butor, Nathalie Sarraute, Claude Mauriac và Robbe Grillet. Cậu thấy cạnh bàn đó là nhóm thơ cũng lừng-danh-thiên-hạ có Beaudelaire, Rimbaud, Valéry, Verlaine và một số khác ngồi mà tôi không nhận ra. Cậu muốn giao hữu với họ không? Mấy tay văn nghệ đó hào phóng không phải như tôi đâu. Stendhal nói.
Tôi tản-thần-hồn. Kinh hoàng! Xin khuyên cậu một điều nữa: ”Họ đã lưu danh được tới ngày nay là họ đáng được lưu danh” Đội ơn ông Stendhal. Ông đã cho tôi những bài học để đời.Tôi bước ra khỏi bàn đi thẳng ra ngoài để được gặp mấy bậc “đại sư” và “sư trưởng” đang nhâm nhi với nhau.Tôi nhận ra Sainte Beuve, dể nhận vì Sainte Beuve xấu trai và thô tháp lắm nhưng có tài, ông chuyên viết về phê bình. Beaudelaire là một con người ăn nói lễ phép, trọng nghĩa, ăn mặc bảnh bao và thời trang, giá đừng làm thơ mà làm nghệ sĩ ca hát thì đẹp biết mấy. Người ngồi xây lưng chính là Jules Lemaitre. Được dịp Stendhal giới thiệu tôi ngon trớn bắt tay mấy vị nầy. Họ kéo ghế mời tôi uống. Rimbaud hôm nay trông không được vui; e người có vấn đề.Tôi nghĩ vậy. Họ rất thân tình với tôi. Sao hạnh phúc thế! Chắc họ biết tôi ở xa đến cho nên giao lưu thỏa mái; có lẽ Lamartine khi về có nói qua chăng? Beauderlaire hỏi tôi:
- Cậu ở Mỹ có nghe qua Jim Morrison không?  
- Dạ…dạ, dạ nhớ ra rồi, ông ta đầu đàn ban nhạc rock’n’roll The Door.
- Thế là cậu nhớ giỏi đấy! Nhà Jim ở cạnh nhà tôi, anh ở Pháp cũng đã lâu rồi, anh nói với tôi anh thích sống ở đây và về Trời cũng ở đây, hằng năm khách mộ điệu Mỹ đến Pháp thăm Jim nhiều lắm. Cậu có dịp  ghé tôi với Jim chơi.Tôi dạ lấy lệ chứ đâu có thời gian.
Trở lại bên trong với Chateaubriand; trong góc quán nầy chắc luôn luôn là bàn ” đặc trước” có mấy vị cao niên ngồi trầm tư. Chateaubriand khoát tay: -Biết mấy “ông thần” ngồi trong góc đó không? -Dạ không. Tôi e ngại chưa nhận ra, nhưng trông gần gũi lắm; có lẽ thấy trong hình chụp trên sách báo. -Giới thiệu mấy vị: Việt ở Mỹ qua Pháp chơi và có ý muốn diện kiến mấy ông. Họ đưa tay chào hỏi thân tình. Chỉ có vị đeo kính, đầu cạo láng không bắt tay tôi chỉ gật đầu. Sau đó tôi mới biết qua từng vị là các đại họa sư Pablo Picasso, Jean Dubuffet, Amadeo Modigliani (Modi) và Jean Cocteau. Hai vị soái đầu là Picasso và Dubuffet, hai vị tóc tai bù rối là Modi và Cocteau. Picasso và Cocteau cười nói nhiều hơn, hai vị kia thì ngồi suy tư riêng mình.
Cậu thấy Paris như thế nào? Pablo Picasso hỏi tôi. -Dạ thưa hấp dẫn lắm. - Thế cậu đã đi tham quan chưa? Nên đi cho biết cái đất văn vật này, kỳ-quan-văn-học-sử. Picasso ngậm ống vố, dể đã thông tư tưởng, tài hoa từ thể cách đến tinh thần.”moi” khoái phụ nữ. Picasso thả tiếng nói tĩnh bơ, Cocteau gật đầu đồng tình, chỉ có Dubuffet ngồi trầm lắng nhắp XO, ông này khoái nhâm nhi rượu ”nhứt” và rượu trử. - Tôi ngày xưa chủ tiệm rượu. Dubuffet nói. - Cậu ở Mỹ có biết Jean-Michel Basquiat? Tay đó thiên tài, mệnh yểu. Tôi có gặp y một lần, hồi tôi triễn lảm tranh ở New York, Basquiat dể thương, gốc Haiti; tranh anh ta qúa tuyệt chiêu. Jean Dubuffet kể rất chi tiết.Trong lúc đó Modi ngồi thu mình và ngáp dài. - Hắn đói thuốc nghiện và túng quẩn cho nên bọn nầy kéo hắn vào đây cho hắn bớt cô đơn. Cocteau nói. Tôi nghiêng về với Jean Cocteau hỏi đôi điều: - Thưa ông; lúc nầy ông có viết thêm kịch bản nào cho điện ảnh? Cocteau nhìn tôi, lấy rượu uống rồi trả lời cách nhát gừng, có lẽ; ông cho tôi chưa thấu hiểu về nghệ thuật điện ảnh. Thả xuống một câu: - Thỉnh thoảng! - Cậu làm gì ở bên Mỹ? Picasso hỏi. - Dạ thưa làm đủ nghề; rảnh rỗi có vẽ vời. - Tốt, tốt. Picasso nói lớn.
- Cậu vẽ gì? - Dạ vẽ “tầm bậy” hứng là vẽ. Picasso kinh ngạc khi nghe hai chữ tầm bậy. Tôi tưởng Picasso sẽ chưởi vào mặt tôi, nào ngờ ông vỗ vào vai tôi và cười thích thú. Ông mở cặp lấy giấy bút đưa tôi vẽ. - Cậu vẽ đi cho tôi xem. Pablo giục tôi. Tôi sợ quá! Tay ngang mà dám múa-rìu-qua-mắt-thợ. - Vẽ đi; cứ vẽ đi. Cocteau giục tiếp. Tôi ngần ngừ, vì ở đó có ba vị đại họa sư ngồi chủ khảo; đâu dám. Liều! đã liều ba-bảy-cũng-liều, tôi quẹt đại chả ra con giáp nào cả. Bốn vị cầm lên xem, không ai có ý kiến. - Còn ở đây bao lâu? Picasso hỏi. - Dạ ít hôm nữa về Mỹ. - Cậu lại studio tôi chơi; bốn chúng tôi là ”tay cọ” cả, không đến tôi thì đến mấy vị nầy. Jean Cocteau vói tay lấy chai XO của Dubuffet rót cho tôi một cốc. Quán café đã thưa khách, tôi nhìn đồng hồ cũng thoạt gần nửa đêm.Thả cốc XO xuống, Cocteau chỉ tôi về cuối quầy bar. Albert Camus đang nhả khói thuốc, gương mặt khi nào cũng rầu rầu. - Cậu thích đến chào Albert không? Jean Cocteau hỏi tôi. - Albert; đây bạn tôi giới thiệu ông. Camus gật đầu, hỏi thăm qua loa, liếc nhìn tôi sượng. Albert mời tôi một ly whisky; từ đó tôi vào đề, không ngờ ông vui quá chừng. - Tôi vừa ở Algery về. Sa mạc nóng quá! Cậu qua đó chưa? Huyền bí lắm. - Dạ chưa. Hàn huyên với Albert Camus được nửa tiếng không đặc vấn đề văn chương với ông được, bởi Albert không thích nói về mình, nhất là chuyện viết lách. Ở  cái bàn gần cửa sổ có đôi tình nhân đang ngồi nhắp café khuya.Tôi nghĩ trong đầu và cười một mình. - Cậu có chuyện gì vui mà cười thế? Camus hỏi. - Dạ không có gì; vui thôi! Ông nghĩ tôi không muốn nói, đoạn nghoảnh cổ nhìn lui thì ra Jean-Paul và Simone. Albert Camus hỏi tôi: - Gặp họ lần nào chưa? - Dạ thưa chưa có cơ hội. Qua đây tôi giới thiệu cho. Albert chào hỏi lịch sự, cúi xuống hôn Simone; đoạn nói: - Một người thần tượng hai ông bà đây. Tôi lễ phép chào, đón lấy tay bà Simone và ông Jean-Paul. Họ mời tôi ngồi. - Cậu là người ViệtNam? Là thuyền nhân? (boat people) Simone de Beauvoir hỏi. - Dạ thưa đúng. - Bạn tôi Jean-Paul rất nhiều lần kêu gọi thế giới trợ giúp đồng bào cậu. Bà kể rõ. Jean-Paul Sartre ngồi im lặng ít nói dưới gọng kính đồi mồi, hút nhiều hơn nói. - Đã gặp đầy đủ văn nhân chưa? Simone hỏi tôi.
- Tôi mới nói chuyện với Homère, Corneillle và Montaigne. Họ kéo nhau đi uống bên Montparnasse, chắc sẽ trở lại đây và cậu sẽ vui với họ. Sartre kể cho tôi.Tôi tiếc hụt! là chưa gặp được André Maurois và Jacque Prevert. - Cậu tính đi Đức không? Simone hỏi. Tôi muốn gặp một số văn nhân ở Pháp như Marcel Proust, Gustave Flaubert, George Sand. Không hiểu sao đêm nay không thấy Van Gogh, Gauguin, Matisse và Monet. Chuyện đi thăm mấy cây cổ thụ Đức như Nietzsche, Hoelderlin, Heidegger chắc tôi dành vào dịp khác. - Một chuyến đi ngắn ngày mà cậu gặp được nhiều văn nhân nghệ sĩ như thế tốt lắm. Simone de Beauvoir nói.
Thấy Jean-Paul Sartre ngồi trầm tư, tôi mạnh dạn mời ông uống cái gì. - Ông có thể uống thêm cái gì với tôi? - Không; cám ơn. Tôi còn làm việc ngày mai. Thấy không khí trong quán loãng, tôi vội đặc vấn đề với Sartre. - Ông nghĩ thế nào về chủ thuyết hiện sinh mà do ông đề xướng? Ông chơi một dọc tiếng Tây:”… tu le sauvas peut-être un jour” Ngày nào đó bạn sẽ hiểu. - Chủ thuyết hiện sinh có chân lý nhân bản của nó. Ông nói. Trong L’être et le Néant tôi có viết: ”…la mauvaise foi est foi” Ngụy tín chính là niềm tin. Ông lý giải cho tôi nghe nhưng ông không thoát khỏi u hoài.Tôi mù trước tư tưởng đó. Jean và Simone muốn về; họ trả tiền nước cho tôi.Tôi đưa hai vị “khách qúy” ra cửa với lời trân trọng. Quay lưng vào quán chợt thấy mấy tay nghệ sĩ điện ảnh và ca nhạc Pháp Yves Montant; danh ca lừng lẫy của Pháp, Edith Piaf, Jean Gabin và Jean Claude Briary, họ đang cụng đầu nói chuyện với nhau. Cognac phản mùi thơm, chịu không thấu! Nhưng tiếc thay trời đã về sáng; không thể đến làm quen. Quán cũng chuẩn bị đóng cửa, người cuối cùng trong quán de Flore; tôi và một khách giang hồ khác. Tôi nhìn theo y và tôi nghĩ không chừng tay đó cũng giống như tôi…
Bên ngoài; trời đêm Paris tuyệt đẹp. Sương giăng đầy đường, tiếng vó ngựa, tiếng xe đã xa vắng chỉ còn những ngọn đèn vàng, ngoan ngoãn soi bóng chân người đi dự hội thơ về đêm nay.
Tôi mở mắt ra thì trời đã sáng toát, nghe rõ tiếng chim hót và tiếng động rì rào ở phòng ngoài, tôi đoán vợ chồng Diễm đã dậy từ lâu; tôi nhẹ tay mở khoá cửa phòng, thấy Diễm lục đục những thứ xung quanh bếp, Thanh ngồi đọc báo, thoáng thấy tôi họ vui mừng chào hỏi. -Sao? ngủ ngon không? Diễm hỏi. - Anh ngồi xuống uống café. Thanh mời. - Chắc hai ông bà chờ tôi ngủ dậy rồi mới đi làm phải không? Tôi hỏi - Xin lỗi đã làm phiền, mệt quá cho nên ngủ thẳng giấc. - Không sao; hôm nay hai chúng tôi nghỉ nhà một vài ngày, công việc ở cơ sở cũng không bận lắm và có dịp đưa anh đi chơi. Diễm nói. - Như thế nầy; sau khi uống café tụi mình xuống phố kiếm gì ăn sáng rồi sau đó đi tham quan thành phố. Thế được không? Thanh nói. - Anh Thanh xem đưa anh Việt đi Louvre hôm nay được không? Diễm hỏi. - Mai đi sớm sắp hàng trước để vào xem nhanh hơn, kẻo không đủ thời gian thăm viếng. Chiều nay còn dẫn anh đi dự hội thơ Quốc tế ở vườn Lục Xâm Bảo nữa, thế có hợp lý không! Thanh giải thích. Tôi ngơ ngáo suy nghĩ; hình như hội thơ bế mạc rồi thì phải. - Thanh xem lại chương trình hội thơ bế mạc ngày hôm nay rồi phải không? Tôi hỏi. - Không; ngày hôm nay còn và diễn tới tối, mình dư thời giờ mà! Thanh trả lời. Tôi hoài nghi điều đó; lục soát trí nhớ, thật khó mà hình dung giữa thật và ảo, đôi khi mơ hồ khó định nghĩa. Nhưng có sao đâu; dù mơ hay thực cũng là một ngày để sống và cũng là kỷ niệm cho một chuyến đi như mình mong ước.
Tiễn tôi ra phi trường trở về Mỹ; lòng nghĩ đến những người bạn tốt đã hết mình tạo điều kiện cho tôi đạt điều mong muốn và giúp tôi thực hiện chuyện làm thơ, văn, họa đó là hoài bão mà tôi ấp ủ từ lâu. Cầm tay Diễm và Thanh trước khi lên tàu, cảm thấy ngậm ngùi có được một tình bạn cao quý như thế…
Máy bay đã vào độ cao trong đám mây mờ. Tôi; với giấc ngủ say.
Võ Công Liêm
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...