Thơ và Thiền gặp nhau trong trực giác và cảm nhận của tri thức. Thơ chứa
đựng một yếu tố siêu tưởng, siêu lý vượt ra ngoài mọi khả năng suy tưởng hơn là
biểu lộ cụ thể, thơ thường tiềm ẩn trong vị trí của tiềm thức, tiềm thức xung đột
với lý trí rồi xuất phát ra từ một trực giác tự nhiên để trở thành thơ.
Vì vậy; thơ không cần phải có nghĩa tự nó đã hiện hữu (Poem
should not mean, but be. (Archibald Macleish) cho nên thơ vô hình dung hòa nhập
với thiền tính mà không hay!.
Thiền là gì? Là tĩnh lặng, trầm lắng để hồn siêu thoát, vượt
thế tục để đi vào cõi riêng của không tánh, quán tưởng cái điều không hiểu thấu
được; ngược lại, thơ thuộc về tâm tưởng chủ quan của thi sĩ, người ngoài không thể
bắt gặp. Thiền và Thơ nó nằm trong cái thế giới siêu hình, đôi khi trở thành hữu
hình và vô hình.
Đời Đường; lý giải về thơ rất nhiều nhưng cuối cùng đi tới kết
luận “Thi thị khả giảng bất khả giảng chi gian” có nghĩa thơ có cái giảng và có
cái không thể giảng được. Thơ và Thiền nằm trong cái siêu nhiên ấy. Thiền tạo cho
tâm lắng đọng và từ sự lắng đọng phát ra được trí vô sư. Thơ cũng thế;
đôi khi nó trở thành vô ngôn,nhưng đến một lúc nào đó khi tâm tĩnh thì nhận ra
được, đọc ra một câu thơ, cảm nhận được thì lúc đó Thiền và Thơ gọi là Ngộ và
Nhận. Cả hai dung nạp một tâm thức quán “Đó là tâm thức và trí tưởng của ta đủ
khả năng giúp ta sáng tạo những gì mà ta nhận thức” G. Bachelard. Do đó giữa thơ
và thiền đã nói lên cái biểu tượng (Embodiment) tự nó trong một tư thế riêng
biệt (Self-poised). Kết hợp hai điều kiện trên mà nẩy sinh ra một thứ thi ca ngẫu
hứng không suy tư (It is poetically irrational).
Trọng tâm của thơ là cảm xúc hơn là suy tưởng, còn thiền là thức
tĩnh để nhận thức. Thơ và Thiền là hai thế giới bí ẩn và khó hiểu. Thơ nó nằm
trong cõi phi ấy nhưng vẫn khởi đi từ cõi thật để đạt tới chân tâm của thiền. Học
giả Lâm Ngữ Đường nói: ”Thơ có nhiệm vụ thay thế tôn giáo nghĩa là nhiệm vụ làm
cho tâm hồn thanh khiết, cảm nhận được cái đẹp của vũ trụ và gây cho con người cảm
hoá được giữa người và sinh vật”.
Cũng nên nhớ rằng thơ không còn lý tưởng hóa mà trở nên thi vị
hóa lãng mạn của thơ. Người ta đã sử dụng thi ca như sứ giả tinh nhã đem thông
điệp từ bi bác ái, huyễn đồng với mọi sinh vật trong vũ trụ để giải thoát con
người ra khỏi vô minh.
Thơ và Thiền từ Đông sang Tây trợ duyên nhau mà làm nên những
bài thơ siêu việt.
Phương Đông xưa nay là quê hương,xứ sở của Thiền. Từ đời Đường
cho cuối đời Thanh vẫn còn phản phất thiền thi. Việt Nam ta từ Lý, Trần
đầy đặc thơ thiền, một giòng thơ thiền của trí tuệ giác ngộ (tinh thần
Bát Nhã Ba La Mật) Bài thơ Không Hữu (Có Không) của thiền sư Vạn Hạnh rất sâu sắc:
Có thể có tự mảy may
Không thì cả vũ trụ này cũng không
Có không ở bóng nguyệt lòng sông
Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào.
Đời nhà Lý. Thiền sư Không Lộ diễn tả thơ trong cái hư vô của
thiền đạo. Hai câu thơ tượng trưng; Không Lộ đã nói lên cái “không” của thiền:
Một thuở lên cao đầu gió núi
Hú dài một tiếng lạnh hư không.
Đời nhà Lê. Nguyễn Trãi dẫu làm quan nhưng ông đã gởi gắm hồn
ông với thiên nhiên, cảm hứng với thiền thơ:
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu sương mở xem.
Đời Đường Trung Quốc (618-907). Vương Duy thi, họa sĩ, Liễu Công
Nguyên, Giả Đảo, Trương Kế. Đại để thơ của mấy vị đều tiêu sái, thoát tục chẳng hạn:
Chỉ vào trong núi như mơ
Tìm đâu cũng thấy mây mờ thâm sâu.
(Chỉ tại thử sơn trung.Vân thâm bất tư xứ) Giả Đảo.
Thiền thơ thì phải nói Nhật Bổn là đất gieo thơ vào thiền và
thiền cú trở nên Hài Kú; thơ ngắn, ý tứ cô đọng rất thích hợp với tình cảnh sâu
lắng nội tâm của Thiền. Bashô một nhà thơ thiền lừng lẫy của Nhật tả chùa:
Đám mây hoa
Hồi chuông từ chùa
Ueno?
Hay
Akakusa?
Thơ của Bashô(1644-1694) và của Trương Kế (Phong Kiều Dạ Bạc)
đều dâng lên tiếng chuông chùa như thức tĩnh khách trần gian làm tiêu tan tục lụy
để về với hư vô. Chất thiền thơ, tự có; trong thơ có thiền trong thiền có thơ.
Phương Tây phải nói tới William Blake (1757-1827) Blake giỏi
về thi, họa và điêu khắc. Ông đã sáng tạo ra bản in bằng mạ đồng khắc bằng
acit, sắc màu tô bằng tay còn được lưu truyền đến nay. Ngoài ra ông còn nhiều
danh họa khác như bức “Hành hương về Canterbury” Thơ; ông làm lúc 12 tuổi, để lại
hai thi phẩm nổi tiếng Bài Hát Ngây Thơ (Song of innocence) và Bài Hát Kinh
Nghiệm (Song of experience) ấn hành năm 1794. Cả hai tập trên tiêu biểu về sự Hồn
Nhiên lẫn Bí Ẩn, Kinh Nghiệm giữa yếu đuối và áp bức, ông tin rằng:” tất cả mọi
sự vật đều hiện hữu trong trí tưởng” Điều này giống như Quán Tưởng mà Phạn ngữ
gọi là Dhyana, Thiền Na và chuyển thành Thiền. Như vậy Blake đã sáng tác lúc vào
thiền (?).
William Blake là nhà thơ giàu cảm xúc và suy tưởng sâu sắc, kỳ
lạ nhất là bài Những Điềm Báo Thơ Ngây (Auquiries of innocence) có tính chất
triết lý nhân sinh ngụ ý diễn tả về Chân Như tức là sự thật tuyệt đối vô cùng
vĩnh cửu trong hữu hạn. Blake thiền ở phép dùng nghịch lý để thức tĩnh con người. Vì
theo Blake chân lý ở mọi nơi là Chân Ngã hoặc Viên Không.
Giới thiền tâm đắc bài thơ này của Blake vì chứa đựng ý nghĩa của Bát Nhã Ba La Mật (Trí tuệ giải thoát) thơ như sau:
Thấy thế giới trong hạt cát
Và bầu trời trong bông hoa dại
Nắm vô cùng trong lòng bàn tay anh
Và vĩnh viễn trong một giờ.
(To see a world in a grain of sand
And a heaven in the wild flower
Hold infinity in the palm of your hand
And internity in a
hour) (1880)
Đây là bài thơ có trước thuyết Tương Đối của A.Einstein mới
tìm thấy vào năm 1905. Người đời xem thi hứng của Blake là thần kỳ như sấm ký sự
tượng trưng của Blake trở nên bất hủ.
Thiền thơ và Thơ thiền hoàn toàn không có nghịch lý, ngôn từ
như ta thấy trong chất thơ cũng như trong những công án của thiền mà sự
Vô Phân Biệt Trí (Nirvikalpajnãna) là một sự chứng nhập thực tại, trực tiếp và
tràn đầy không chủ thể, không đối tượng, không thời gian và không gian vượt thoát
ra từ ngôn từ như Jacques Prevert (1900-1977) đã viết ra tập Ngôn Từ
(Paroles) và J.P. đã biểu lộ ngôn ngữ mới lạ gây cho người cảm nhận được giữa
thơ và đời mà tựu chung hướng tới sự vô ngôn, vượt ra khỏi khuôn phép để đạt đến
Chân Như. Chân như của thiền là ấn chứng sự Vô Phân Biệt. Tô Đông Pha viết ra
trong bài Lô Sơn:
Lô Sơn yên tỏa Triết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiên
Đạo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô Sơn yên tỏa Triết giang triều
(Mù tỏa Lô Sơn sóng Chiết giang
Khi chưa đến đặng hận muôn ngàn
Đến rồi về lại không gì lạ
Mù tỏa Lô Sơn sóng Chiết giang) (Thích Mật Thể dịch)
Chân lý của Thiền còn thể hiện được sự lạc quan, yêu đời Thường
Lạc của Mãn Giác thiền sư (1045-1096) Kệ “Cáo Tật Thị Chúng”:
Xuân đáo bách hoa khai
Xuân khứ bách hoa lạc
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Xuân đến trăm hoa nở
Xuân đi trăm hoa rụng
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước nở cành mai).
Cái vô cùng của Thiền rốt ráo Chân Như tức Vô Ngã, Vô Thường, Vô
Tác (không mong cầu không nắm bắt) Kinh ngạc về Chân Như của Thiền; Xuân Diệu cảm
tác như sau:
Ôi từ không đến có
Xảy ra như thế nào
Nay má hây hây gió
Trên lá xanh rào rào
(Quả sấu non trên cao)
Huy Cận ngạc nhiên hơn trước lẽ Không Tịch của Thiền, ông viết:
Các vị ngồi đấy trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm chiều.
(Các vị La Hán chùa Tây Phương)
Thiền thơ trở nên kinh kệ dành cho tu sĩ và thơ thiền của thi
sĩ vô hình dung trở thành lý giải nhân sinh của nhân gian, giữa đạo lý với con
người nhất là đối với người tu Phật bao gồm Bát Nhã, Sắc Không, Hư Vô, Chân Như và
Vô Thường.
Thi ca không có hình ảnh thì không còn là thi ca nữa cũng như
đi vào suy luận siêu hình thì thiền không còn là thiền nữa. Cho nên ta không lấy
làm lạ các thiền sư dùng những câu thơ thiền làm thiền ngữ gọi nôm na là Thiền
Thơ mỗi khi một thiền sư có tâm hồn thi sĩ tự khắc diễn tả thực chứng bằng thi
ca và hướng dẫn thiền giả bằng những hình ảnh thi ca.
Nhưng nếu có sẳn cơ bản thiền hay ý thức tôn giáo thì người
nghệ sĩ; nói chung, trong một giây phút tình cờ nào đó có thể bộc lộ tâm thức thiền
hay ý thức tôn giáo của mình qua thi, họa, nhạc…
Nếu nói rằng Thiền cũng là một nghệ thuật thì nghệ thuật đó
phải là “không biểu tượng” bởi thiền không có đối tượng quần chúng, đối tượng của
thiền là vô vi, vô cực, hư không, không có trong mà chẳng có ngoài, không có ta mà
cũng không có người (tha nhân). Cái mà không nói được bằng lời, không hiểu được bằng
ý thức, bằng trí luận. Nhận ra được cái gọi là ”tâm hoa nở” trong thơ, nhạc, tranh
khán thính giả chín muồi tâm thức thiền mới “đồng thanh tương ứng” để tiếp nhận
thiền thơ không qua ý thức, không thông qua trí luận.
Thiền và Thơ giúp cho con người thoát khỏi những khổ lụy để sống
vui, sống thanh thản, không thắc mắc, không hoài nghi, yếm thế.
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi
(Ta về của Tô Thùy Yên)
Mới đọc qua có cảm nhận như một sự từ chối,thái độ bi quan,lời
than thở sâu đắm trong tâm hồn nhưng đọc kỷ sẽ cảm nhận bốn câu thơ đã chứa đựng
trọn vẹn chất Thiền của Phật giáo. Câu đầu tán thán sự bi hùng cho thân phận. Câu
hai chữ “từ tâm” tự nó đã phô diễn một tâm Từ bi, Bồ đề tâm, Tâm Bát Nhã nếu
không từ con tim thì làm sao cảm thấy độ lượng tình thương của trời đất. Câu ba
“cảm ơn hoa” hoa đây là tâm, ngộ ở hoa tâm nở là tâm thông. Câu bốn “nỗi lẻ loi”
nói lên nỗi xót thương của con người, nói lên nỗi cô đơn của nhà thơ đối diện với
vực sâu đó là triết lý nhị nguyên, kết hợp với oan nghiệp (Karma) Nỗi lẻ loi của
Tô Thùy Yên là cái tâm hư không mà nhà thơ thay mặt cho Thiền Thơ. Thiền và Thơ
là cái Nhất Như luôn gắng bó mà cả hai không nói nên lời chỉ nói lên từ tâm thức
mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét