Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Những khúc hát đồng dao

Những khúc hát đồng dao
Một anh bạn viết phàn nàn với tôi như một nỗi tiếc nuối khôn nguôi rằng: “Lâu rồi không nghe ai hát đồng dao. Cả những đứa trẻ ở miền quê xa cũng đã bắt nhịp được với cuộc đua của những con số trong sổ điểm. Và làm quen với việc hàng ngày còng lưng cõng những chiếc ba lô sách đến trường từ sáng đến tối. Bây giờ, những đứa trẻ sinh ra đều phải là thiên tài. Khi bọn mình lớn lên, “trẻ con” xa lạ với “thiên tài”. Những đứa trẻ quanh mình chỉ quen với những bài đồng dao mỗi sáng và mỗi tối, với đất đai và cỏ cây, với con cua, con bống, cái dần, cái sàng. Bây giờ, mười lăm năm sau, những đứa trẻ ấy đang học tiến sĩ ở nước ngoài, khi chưa đầy 30 tuổi. Bây giờ, những đứa trẻ ấy là kiến trúc sư, giảng viên đại học, nhà báo và nhạc sĩ, vẫn sống hạnh phúc với mỗi ngày đang đến và những câu đồng dao trong ký ức.”
Nói vậy rồi anh hất hàm hỏi tôi:
– Ông có còn nhớ được bài đồng dao nào không? Đọc thử mình nghe với nào?
Anh nói vậy rồi ngả đầu bên thành ghế, mắt nheo nheo nhìn bóng cau vươn dài ngoài hiên. Đó là những giây phút bạn tôi hoài niệm về một thời tuổi thơ của mình đã gắn bó với làng quê, gắn bó với những “bóng tre đu trên những hàng cau”, với những câu ca dao về “cái bống, cái bang” và nhất là những bài đồng dao với nhịp điệu nhanh và vui nhộn mang đậm tính cách của trẻ thơ vốn hiếu động. Tuy là bạn văn thân thiết của nhau, ngoài sở thích chung là ham mê văn chương thì mỗi chúng tôi lại có những khác biệt nhiều khi cảm tưởng như là đối lập nhau.

Ví như anh nói năng nhẹ nhàng, khéo léo, và hầu như không bao giờ làm mất lòng ai kể cả khi bức xúc nhất. Còn tôi lại ưa ồn ào, sôi nổi, tính thẳng thắn, bộc trực không thích nịnh nọt bất kể ai, cần thiết là “bắn thẳng” ngay tắp lự. Có lẽ vì thế mà chúng tôi trở nên thân thiết và thành một cặp bài trùng không thể thiếu nhau luôn bổ sung và hỗ trợ cho nhau trong cuộc sống thường ngày! Nghe bạn yêu cầu có vẻ như thách đố vậy tôi đọc luôn:
– “Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Đến ngõ nhà trời/ Lậy cậu lậy mợ/ Cho chó về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà bới bếp/ Ù òa ù ập/ Đóng sập cửa vào!
– Kéo cưa lừa xẻ/ Anh thợ nào khỏe/ Về ăn cơm vua/ Anh thợ nào thua/ Về bú tí mẹ!”
Nghe tôi đọc xong hai bài đồng dao, bạn tôi nhổm ngay dậy, đập tay xuống mặt bàn một tiếng rồi cười ha hả, vẻ khoái chí lộ rõ trên gương mặt anh:
– Đúng ông quả không hổ danh là nhớ dai. Tôi nhớ những đêm trăng mùa trung thu tháng 8 bọn trẻ mình chơi trò nú tìm đồng thanh gào rõ to bài: “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế/ Bắt dế đi tìm/ Con chim làm tổ/ Ù òa ù ập”. Thằng nào không may bị nắm ngón tay lại buộc phải đi tìm thì tức phải biết. Rồi những ngày mưa rào dầm dề, làng quê chìm trong làn mưa, mình nhớ một lần nón lá áo tơi theo mẹ ra đồng bắt cá rô ngược nước. Giữa rãnh nước chảy ngang đường, mấy con cá rô trườn mình ngược nước lao ngay trên mặt đường. Mẹ bắt chúng cho vào giỏ rồi mẹ đọc mấy câu đồng dao: “Cá rô cá rạch/ Gặp trận mưa rào/ Mày chẳng ở ao/ Mày lên rãnh nước/ Nước xuôi mày ngược/ Mày thích ra sông/ Thỏa chí vẫy vùng…”. Hai mẹ con bì bõm ngoài đồng theo những rạch nước chảy chờ lũ cá ngược để bắt. Ngày ấy, cá đồng nhiều nên hai mẹ con cũng bắt được cả giỏ. Giờ mỗi khi hè về, nhìn những cơn mưa xối xả mà lòng vẫn nhớ hoài những ngày thơ ấu ấy.

Bạn tôi nói đúng. Ấu thơ của chúng tôi ngày ấy lớn lên cùng những câu hát đồng dao. Những câu hát dân dã mà lúc đó chúng tôi chỉ thuộc lòng chứ chả hiểu gì về ý nghĩa của nó ra sao nhưng cứ thấy vui, thấy thích bởi những câu hát đó chứa đựng một tâm hồn trong trẻo, một cái nhìn hồn nhiên trước cuộc đời. Những chiều mưa dai, ngồi trước hiên nhà nhìn bong bóng mưa lần lượt cái nổi cái vỡ, bọn trẻ lại đồng thanh đọc bài đồng dao xen trong tiếng mưa rơi rả rích mà thấy thời gian như mau trôi đi, cơn mưa như ngắn lại: “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm đun bếp”…
Nói ra có người lại bảo người già hay ngớ ngẩn, hoài niệm dở hơi nhưng thật tình ông bạn văn của tôi nói rất có lý xin dẫn lời của ông để thay cho lời kết bài viết này: “Tôi thấy buồn vì người ta đã bỏ quên những khúc đồng dao đâu mất, loại chúng khỏi cuộc sống của trẻ con, xóa chúng khỏi ký ức của người lớn. Có ai đó đã nói rằng, khi người ta còn nhớ về tuổi thơ, là người ta còn có thể sống tốt đẹp. Trở về với đồng dao, là trái tim ta trở về với niềm hứng khởi nguyên sơ và ngời sáng. Tình yêu cuộc sống bỗng trỗi dậy và được thanh lọc khỏi những bộn bề rác rưởi của bao nhiêu năm tháng bon chen. Cuộc đời bắt đầu từ những điều nhỏ bé, thời gian bắt đầu từ một giây. Và nhân loại, chẳng phải bắt đầu từ trẻ con đó sao?!”.
Thì ra là vậy con người thường có những ước mơ nhiều khi rất oái oăm khi bé thì ước mau chóng thành người lớn, nhiều đứa trẻ khi đọc xong chuyện Thánh Gióng cứ mơ sau một đêm trở dậy mình trở thành tráng sĩ. Khi về già lại mong được trẻ mãi, nhiều vị hoàng đế trong đó có Tần Thủy Hoàng hằng ước muốn tìm được thuốc “trường sinh bất lão”!.
Còn ở tuổi U60 như bạn tôi lại có ước mơ giản dị là tìm lại những khúc hát đồng dao và đem nó trả lại cho con trẻ nơi học đường. Ước mơ thật giản dị, nhưng có lẽ cũng không hề dễ thực hiện!.
Bùi Nhật Lai
Theo http://vannghethainguyen.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...