Nhà thơ Lưu Trọng Lư:
Thi sĩ nào mà chẳng đa tình là câu nói cửa miệng của mọi người
dành cho giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà thơ. Người thơ mà không đa tình
mới là chuyện lạ. Thi ca từ thoạt kỳ thủy, trong bản chất của nó đã là một
nàng.
Chẳng thế mà trong thần thoại Hy Lạp, người thống lĩnh thi ca
là một nữ thần, chứ không phải là nam thần như ở các lĩnh vực khác. Còn ở ta,
trong số các nhà thơ hàng đầu, có lẽ Lưu Trọng Lư là người đa tình nhất, xét cả
về khía cạnh thi ca và cả về tình cảm riêng tư.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư sinh ngày 19/6/1912 tại xã Hạ Trạch,
huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình quan lại nhỏ, có truyền thống
Nho học. Hầu hết từ người cha là Lưu Trọng Kiến và cả ba anh em Lưu Trọng
Tuần, Lưu Kỳ Linh, Lưu Trọng Lư đều lớn lên cùng theo bút nghiệp và đều đã để lại
cho đời những tác phẩm văn chương có giá trị.
Thuở nhỏ, ông học ở quê, rồi lên tỉnh. Lớn lên ông theo học tại
trường Quốc học Huế cho đến hết năm thứ ba, thì ra Hà Nội học tiếp. Tuy nhiên
ông đã bỏ học giữa chừng để đi dạy tư, viết văn và làm báo kiếm sống.
Năm 20 tuổi, 1932, Lưu Trọng Lư là một trong những nhà
thơ khởi xướng và tích cực cổ vũ cho Phong trào Thơ Mới khi nó mới manh
nha. Sau đấy một năm, 1933-1934, Lưu Trong Lư chủ trương mở Ngân Sơn tùng thư tại
Huế.
Ông mất ngày 10/8/1991 và hiện thi hài của ông được lưu giữ
trong nhà lưu niệm tại quận VII, thành phố Hồ Chí Minh. Đám tang ông có nhiều vị
lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như đại diện văn nghệ
sĩ của các tỉnh đến viếng, dâng hương. Bên cạnh lời viếng của đồng chí Tổng Bí
thư Đỗ Mười khi ấy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có bài thơ của nhà thơ Tố Hữu,
người cùng thời đã khóc ông: Lưu Trọng Lư ơi biệt cõi trần/ Tiếng thu man
mác nhạc trong ngần/ Nửa đêm sực tỉnh đời pha mộng/ Da diết lòng anh một chữ
Nhân. Ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm
1996.
Cuộc đời văn nghiệp của ông đã để lại một khối lượng tác phẩm
khá đồ sộ. Về thơ có: Tiếng thu (1939), Tỏa sáng đôi bờ (1959), Người
con gái sông Gianh, 1966), Từ đất này (197l), Chị em (1973), Đây
mùa thu tới (1987), Bâng khuâng (1988), Bao la sầu (1989),…Về
sân khấu: Nữ diễn viên miền Nam (cải lương), Cây thanh trà (cải
lương), Xuân Vỹ Dạ (kịch nói), Anh Trỗi (kịch nói), Hồng
Gấm, tuổi hai mươi (kịch thơ, 1973). Văn xuôi có: Người sơn nhân (truyện,
1933), Chiếc cáng xanh (truyện, 1941), Khói lam chiều (truyện,
194l), Mùa thu lớn (tuỳ bút, hồi ký, 1978), Nửa đêm sực tỉnh (hồi
ký, 1989).
Cùng thời với Lưu Trọng Lư có nhiều tài năng thơ như: Tế Hanh
(Quảng Ngãi), Tố Hữu (Thừa Thiên- Huế), Chế Lan Viên (Quảng Trị), Hàn Mặc Tử,
Nguyễn Xuân Sanh (Quảng Bình), Xuân Diệu (Hà Tĩnh),... Số bạn bè cùng trang lứa
từ Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên đến Lưu Trọng Lư và một số người khác đã
lần lượt ra đi trở thành người thiên cổ và bất tử, bởi họ đã ghi đậm tên tuổi mình
trong ký ức của nhiều người cùng thời và hậu thế. Đã có người cho rằng Lưu Trọng
Lư là chủ soái của Phong trào Thơ Mới. Xét về một khía cạnh nào đấy không phải
là quá. Chả thế mà trong Thi nhân Việt Nam, Lưu Trọng Lư là người đứng thứ
hai về số bài thơ được Hoài Thanh và Hoài Chân tuyển chọn, 11 bài, chỉ xếp sau
Xuân Diệu, 15 bài. Điều ấy cho thấy vị thế của ông trong làng Thơ Mới lúc bấy
giờ. Còn giới văn nghệ sĩ Quảng Bình đã đặt tên cho giải thưởng văn nghệ tỉnh
nhà: Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Lưu Trọng Lư, 5 năm trao giải một lần.
Không chỉ riêng với thi sĩ họ Lưu, mà thời ấy nhiều thanh
niên trí thức mới hai mươi tuổi đời đã đàng hoàng lắm, chí ít họ cũng tự cảm thấy
mình là chủ nhân đích thực của chính cuộc đời mình, bằng cách nhận lấy việc
thay đổi những thói quen cũ mèm, nhàm chán của mấy ông đồ suốt ngày đi rao giảng
đạo đức theo sách thánh hiền. Lưu Trọng Lư cũng chỉ là một người có học hơn tí
chút so với đám thanh niên thời ấy, nhưng ông đã đón nhận Thơ Mới một cách hồ hởi,
như diều đón gió để rồi ông lao vào làm tất cả những gì có thể, đặng thúc đẩy
nó tấn tới. Ông đã từng đi diễn thuyết về sự cần thiết phải ủng hộ Phong trào
Thơ Mới, viết thư để tranh luận với Tản Đà về quan niệm về thơ thời nay, làm cả
một bài thơ trào phúng để giễu cợt lối thơ cảm khái theo niêm luật, thù tạc vô
cảm. Lưu Trọng Lư luôn hướng ngòi bút của mình vào sự phân biệt tâm lý già trẻ
một cách rạch ròi khiến Hoài Thanh và Hoài Chân đã dẫn lại trong phần mở đầu cuốn Thi
nhân Việt Nam, 1932-1941: Các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những
màu xanh nhạt... Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta nao nao vì tiếng
gà lúc đúng ngọ....
Xét về khía cạnh con người, trong thơ Lưu Trọng Lư còn nhiều
duyên nợ với các nhà Đường thi như Lý Bạch, Đào Tiềm, Tô Đông Pha,… và có một
phần giống với Tản Đà. Trong khi với Xuân Diệu luôn muốn ôm lấy cả cuộc đời,
hăm hở đi tìm những cảm giác mới lạ và có được những cuộc hưởng thụ thật đủ đầy
hay như Hàn Mạc Tử thì: Hôm nay có một nửa trăng thôi,/ Một nửa trăng ai cắn
vỡ rồi!... (Một nửa trăng)
Còn Lưu Trọng Lư dường như lại chỉ mong được sống phóng túng
giữa tình thực và tình mộng. Chính vì lẽ đó mà thơ Lưu Trọng Lư như một thế giới
xa vắng, mộng ảo, rất gần với cổ thi. Ông như người đi trên một chiếc cầu bập
bênh, chỉ cần trọng lực của thế giới tâm tưởng lắc nhẹ sang đời thực là ông có
thể yên tâm với cuộc sống hiện hữu.
Trớ trêu là, ông sinh ra giữa buổi giao thời, đổi thay chóng
mặt. Luồng gió lạ Tây phương thổi vào nước ta những năm đầu thế kỷ XX theo sau
gót giày đinh xâm lược của thực dân Pháp, khiến một người như Lưu Trọng Lư cũng
dễ dàng bị cuốn theo chiều gió, hỏi còn ai có thể ngồi yên được. Phong trào Thơ
Mới dù chỉ tồn tại khoảng 10 năm (1932- 1941) đã nhanh chóng tạo thành một diễn
ngôn có tính lịch sử, bởi chính sự mới lạ, phóng túng của nó, khiến cả một thế
hệ thanh niên trí thức thời ấy hùa theo. Phong trào Thơ Mới đã thực sự giải
phóng cho những năng lượng sáng tạo tiềm tàng trong giới trẻ lúc bấy giờ, làm
nên bản hợp xướng thi ca mang tinh thần của một thời đại mới.
Nói đến Lưu Trọng Lư, người ta không thể không nhắc đến tập
thơ Tiếng Thu của ông. Vì ở đấy dường như tất cả bản thể thi ca, những
gì tinh túy nhất của hồn thơ ông đã được phơi bày ra quá phân nửa, đặc biệt là
bài Tiếng Thu: Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức?/ Em không
nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ?/ Em không nghe rừng
thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô?
Hình ảnh, giọng điệu và ngôn ngữ thơ không có gì quá mới lạ.
Có chăng cái mới ở đây là tâm trạng của thi nhân. Hình ảnh con nai vàng
ngơ ngác/ đạp trên lá vàng khô thời ấy rất phổ biến, đến mức trở thành câu
cửa miệng đối với lớp thanh niên trí thức thành thị và từ hơn nửa thế kỷ nay nó
đã trở thành biểu tượng cho những người đang trên đường đi tìm lý tưởng sống
cho mình, mà loay hoay mãi vẫn chưa tìm được. Có thể nói những thời khắc tâm trạng
như thổn thức, rạo rực, xào xạc, ngơ ngác chính là tiếng
lòng của những chàng trai, cô gái ở tuổi mới chập chững bước trên con đường đời.
Ngay cả một người được coi là có ý chí sắt đá như Tố Hữu cũng không tránh khỏi
cảm giác bâng khuâng, ngơ ngác, khi tuổi đời mới đôi mươi: Bâng khuâng đứng
giữa hai dòng nước/ Chọn lấy một dòng hay để nước trôi (Từ ấy).
Tâm trạng chới với, hụt hẫng khi thời cuộc đổi thay mau lẹ,
khiến những người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm sống dễ bị chao đảo. Họ như bị lạc
vào cõi u mê, không biết đâu là thực, đâu là mộng, không nhìn rõ cái gì và cũng
không biết điều gì sẽ xảy ra, nên đành chấp nhận làm kẻ đi đêm, sờ xoạng, lẩn
thẩn mong sao trời mau sáng: Cái quay búng sẵn lên trời/ Mờ mờ nhân ảnh
như người đi đêm (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều).
Thậm chí, đối với Lưu Trọng Lư tiếng gà gáy trưa lại xao xác,
não nùng hơn nỗi buồn xa ngái của tiếng gà gáy đêm. Tâm trạng vừa muốn tiến về
phía tương lai, nhưng vừa đi vừa ngoái nhìn lại quá khứ, như một thế giằng co
ghê gớm được chuyển hóa vào nội lực cá nhân làm cho người thơ không thể nào vượt
thoát. Tâm trạng u sầu, dùng dắng ấy là rất phổ biến đối với đại bộ phận thanh
niên trí thức lúc bấy giờ, nhưng với thi sĩ họ Lưu nó càng được biểu hiện rõ
nét hơn: Mỗi lần nắng mới hắt bên song,/ Xao xác gà trưa gáy não
nùng./ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,/ Chập chờn sống lại những ngày không./
Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời/ Lúc người còn sống tôi lên mười./ Mỗi lần nắng
mới reo ngoài nội,/ Áo đỏ người đưa trước dậu phơi./ Hình dáng me tôi chửa xóa
mờ,/ Hãy còn mường tượng lúc vào ra./ Nét cười đen nhánh sau tay áo,/ Trong ánh
trưa hè trước dậu thưa. (Nắng mới).
Hay hình ảnh cô gái hàng xóm có mái tóc hương đồng, ngồi quay
tơ, đệt lụa dưới ánh trăng suông cũng làm cho thi sĩ động lòng trắc ẩn, khiến nỗi
buồn lan từ mái tóc sang thơ của chàng, để rồi đến một lúc nào đấy nỗi buồn kia
chuyển thành nỗi buồn tênh của dòng thời gian hay là của dòng đời thi sĩ buổi
giao thời, chắc hẳn chỉ có người thơ mới biết: Vầng trăng từ độ lên ngôi/
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ/ Để tóc vướng vần thơ sầu rụng/ Mái tóc buồn thơ
cũng buồn theo/ Năm năm tiếng lụa se đều/ Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong
cây/ Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay/ Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông/ Nghiêng nghiêng
mái tóc hương nồng/ Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh (Thơ sầu rụng).
Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh từng tâm sự: Mỗi
lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thật
không phải thơ, nghĩa là những công trình
nghệ thuật mà chính tiếng lòng thổn thức cùng hòa trong tiếng
thổn thức của lòng ta.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp VHNTVN
đã có một nhận xét khá tinh tế, gọn mà đủ về Lưu Trọng Lư: Thơ Lưu Trọng
Lư chân thật, hồn nhiên, dịu dàng nhiều bài mình thích.
Có lẽ một trong những mối tình đẹp và cũng xứng với trai tài
sắc, gái sắc tài trong giới thi nhân Việt những năm đầu thế kỷ XX là mối tình thơ mộng
của chàng thi sĩ họ Lưu với mỹ nữ Phùng Thị Cúc (*)
Trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân,
Lưu Trọng Lư được đánh giá rất cao, xếp hàng nhất nhì trong làng Thơ Mới với
các bài thơ nổi tiếng như: Nắng mới, Thơ sầu rụng, Giang hồ, Tình
điên, Tiếng thu, Còn chi nữa, Xuân về, Một mùa đông, Chiều
cổ, Điệu huyền, Thú đau thương, nhưng đáng chú nhất là bài Một
mùa đông. Bài thơ vừa như tình thuật, vừa như tự truyện, hồi ký về diễn tiến mối
thâm tình thơ mộng mà dang dở bằng thơ của thi sĩ với cô nữ sinh trường Đồng
Khánh, Huế, Phùng Thị Cúc.
Khi Phùng Thị Cúc mới là một cô nữ sinh, từ Huế ra Hà Nội học
trường Thăng Long. Trên chuyến tàu tốc hành từ Huế ra Hà Nội, cô được người chị
là bạn của nhà thơ Lưu Trọng Lư gửi gắm nhà thơ trông nom giùm em gái, với lời
dặn thân tình Dọc đường giúp em một chút. Vì chàng thi sĩ họ Lưu hơn cô nữ
sinh họ Phùng những 8 tuổi, lại đã từng quen với đất Hà thành từ trước đó khá
lâu, nên ra dáng một ông anh và đáng để cho bạn tin cậy, gửi nhờ cô em.
Các cô gái Huế thời ấy thường sang trọng, đài các. Còn Cúc lại
là hoa khôi của trường Đồng Khánh, nên sự kiêu kì có thể vì thế mà tăng lên? Với
một gương mặt kiều diễm, kiêu sa, một đôi mắt buồn vời vợi, cùng má lúm đồng tiền
mỗi khi nhoẻn miệng cười đã hút hồn chàng thi sĩ đa tình, giàu mộng tưởng Lưu
Trọng Lư ngay từ phút gặp gỡ ban đầu. Suốt chặng đường dài từ Huế ra Hà Nội,
trên tàu hai người chẳng mấy khi nói với nhau. Cúc ngồi im lặng ngắm cảnh dọc
đường, còn thi nhân cũng chỉ biết lặng người ngồi ngắm giai nhân.
Con tàu hú còi vào ga Hà Nội. Cúc có vẻ như lo lắng vì lần đầu
tới thủ đô. Còn chàng thi sĩ họ Lưu chỉ biết giữ lời bạn dặn rằng đưa em nó đến
tận nơi. Tìm đến đúng địa chỉ, Lư đưa Cúc lên tận căn gác nhỏ, lắt léo những bậc
cầu thang, nơi những người bạn, người chị của Cúc đang tá túc ở đấy. Sau vài
câu dặn dò, chàng bịn rịn chia tay. Chẳng hiểu duyên số thế nào, khi vừa ra đến
đường, tình cờ Lưu Trọng Lư gặp thi sĩ Phạm Hầu, một người bạn khi ấy đang học
trường Cao đẳng Mỹ thuật, Hà Nội mời vào nhà chơi. Trớ trêu là khi lên gác nhà
Phạm Hầu, mở cửa sổ ra, Lưu Trọng Lư giật mình khi nhìn thấy Cúc ở ngay căn
phòng đối diện.
Lưu Trọng Lư vốn là người hồn nhiên, thật thà và mơ mộng, nên
khi thấy thế ông liền quay vào nói ngay với bạn: Mình ở luôn đây với cậu
được không? Được lời như cởi tấm lòng Phạm Hầu đồng ý ngay lập tức,
không một chút đắn đo vì ông đâu biết tình ý sâu xa của Lưu Trọng Lư. Thế là
chàng thi nhân si tình sung sướng ngây ngất vì được ở cạnh ngắm giai nhân. Suốt
mùa đông năm đó, giữa cái giá lạnh của tiết trời Hà Nội nhà thơ đã được sống
trong sự ấm áp dịu nhẹ của một mối tình sáng trong, thơ mộng.
Ở bên này cô gái đâu dám vô tình. Bởi ngay lần đầu tiên,
khi ông anh dẫn đường cho mình vừa nhìn qua cửa sổ đã bắt gặp đôi mắt
Cúc mở to, sững sờ nhìn thi sĩ rồi sau đó bối rối mỉm cười rời khỏi khung cửa.
Sau này, thật lạ lùng mỗi khi nhà thơ bất thần mở cửa sổ lại nhìn thấy Cúc khi
thì ngồi đọc sách ôn bài, lúc thì đang cắm một lọ hoa hay chẳng làm gì chỉ ngồi
suy tư mơ mộng. Chỉ cần nghe một tiếng ho nhẹ, nhà thơ mở hé cửa nhìn sang đã bắt
gặp nụ cười bối rối, e thẹn của hoa khôi Đồng Khánh thưở nào. Một lần, không biết
vì chuyện gì mà nàng ném sang bên này một cái nhìn hờn giận, trách móc khiến
nhà thơ ngơ ngẩn mấy hôm liền.
Thế rồi chẳng hiểu từ bao giờ hình bóng cô nữ sinh xứ Huế cao
sang và kiêu sa ấy đã
in đậm trong tâm trí chàng thi sĩ đa tình và trở thành nguồn
cảm hứng cho việc ra đời nhiều tác phẩm thi ca, trong đó có bài thơ Một
mùa đông. Bài thơ như một The love story (thiên tình sử) đầy mộng và
thơ. Riêng nỗi đau của thi nhân là có thật. Bài thơ được cấu tứ làm 4 đoạn diễn
tả và lý giải vì sao người thơ buồn, một nỗi buồn sáng trong đến thánh thiện. Kể
từ lần đầu gặp em, rồi suốt quá trình đeo bám tận đến ngày tiễn biệt
em lên tàu sang Pháp chữa bệnh và cũng là sang một bến bờ mới tình yêu và vĩnh
viễn anh mất em, nếu còn chỉ là trong tâm tưởng: Thuyền yêu không ghé bến
sầu/ Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng/ Hãy như chiếc sao băng băng mãi/ Ðể
lòng buồn, buồn mãi không thôi.
Sinh thời nhà thơ Lưu Trọng Lư có kể lại rằng, sau một thời
gian hai người quen biết và sống gần nhau, tình cảm cũng vì thế mà gắn bó hơn.
Một lần hai người đi chơi chùa Thầy cùng với một số bạn bè. Sau một hồi leo
núi, vãn cảnh chùa, chẳng hiểu ông Trời xui khiến thế nào để lại chỉ có chàng
và nàng đi bên nhau trong sự bẽn lẽn, ngập ngừng, ai cũng biết mà chẳng ai tiện
nói ra lúc này. Đến trưa mọi người cùng trở lại tụ tập nơi sân chùa ăn trưa với
gà quay và rượu vang Pháp. Cúc uống vài li rượu vang nho khiến đôi má ửng hồng
và cặp môi nhuốm màu nho chín. Trán mỹ nhân buông vài lọn tóc đen nhánh cứ xõa
mãi vào tâm chí nhà thơ. Để rồi vào một ngày đẹp trời tất cả hình bóng người
con gái ấy đã tạo nên một tuyệt phẩm thi ca với những hình ảnh và câu thơ rất cụ
thể, thực sự đã ám ảnh bao người, nhất là đối với những ai đang say trong mối
tình đầu.
Mọi cuộc tình kết thúc có hậu âu cũng là chuyện thường tình,
nhưng chỉ là sự được việc mà thôi. Mà đã chăm chăm để được việc thì
còn lấy đâu ra mộng đẹp, tình thơ nữa. Hồ Dzếnh, một thi sĩ cùng thời, kém Lưu
Trọng Lư 4 tuổi, đã rất có lý khi ông cho rằng: Tình chỉ đẹp những khi còn
dang dở… Thế nhưng, có lẽ bởi chính cái sự dang dở ấy giữa thi sĩ họ
Lưu và mỹ nhân Phùng Thị Cúc, mà hậu thế mới được tận hưởng câu chuyện tình bằng
thơ vừa mơ mộng, vừa vời vợi buồn đến tan nát lòng nhau, để đến khi hai người gặp
lại nhau (1975) chàng đã ngoại lục tuần, còn nàng cũng đã ở tuổi 55 trong tư
cách là nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị không chỉ nổi tiếng ở Pháp, mà còn nổi tiếng
khắp châu Âu.
Thế mới hay câu trai anh hùng, gái thuyền quyên luôn
đúng, cả trong cuộc đời cũng như trong thi ca và mãi vẫn là niềm mơ ước của biết
bao người.
Tham khảo:
(*) Phùng Thị Cúc sinh ngày 18/8/1920 tại làng Châu Ê, xã Thủy
Bằng, ven đô Huế, quê nội ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Cúc là con
ông Phùng Duy Cẩn từng làm quan triều Nguyễn, có thời làm tham công chỉ huy việc
xây lăng Khải Định. Mồ côi mẹ từ lúc 3 tuổi, Cúc theo cha lên sống ở Tây
Nguyên. Cúc đã đi khắp các tỉnh vùng cao nguyên trung phần này ròng rã 9 năm, rồi
mới trở lại Huế học trường Đồng Khánh.
Năm 1946, cô theo học Nha khoa, Đại học Y Hà Nội, ngay khóa đầu
tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày toàn quốc kháng chiến, tân
sinh Phùng Thị Cúc ra vùng tự do phục vụ cho cách mạng. Vì một cơn bạo bệnh, cô
được đưa sang Pháp điều trị. Tại Pháp sau khi khỏi bệnh, Phùng Thị Cúc tiếp tục
theo học và tốt nghiệp bác sĩ nha khoa. Sau đó cô đã kết hôn với bác sĩ Bửu Điềm.
Có lẽ vì thế mà cái tên Điềm Phùng Thị ra đời từ đó.
Tuy nhiên đến tuổi 30, cuộc đời Phùng Thị Cúc lại rẽ sang một
lối khác. Người bác sĩ trẻ này tìm đến với nghệ thuật điêu khắc. Và phải mất tới
16 năm sau nữa, bà mới có cuộc triển lãm đầu tiên. Bà được bầu là Viện sĩ Thông
tấn Viện Hàn lâm khoa học, văn học và nghệ thuật châu Âu và được đưa vào danh
sách những tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong từ điển Larousse của
Pháp. Những năm cuối đời bà quay về sống ở quê hương và đã mất ở Huế năm 2002.
ĐỖ NGỌC YÊN
Nguồn:Newvietart.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét