Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Con đường bao dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 2

Con đường bao dung
Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 2
Bài 5
Những sinh hoạt chính yếu của con người
Bài chia sẻ này sẽ lần lượt khảo sát những sinh hoạt «làm người», trong năm lãnh vực chính yếu sau đây:
- Thực tế,
- Lối nhìn hay là quan điểm «làm người và thành người»,
- Đời sống xúc động.
- Ngôn ngữ,
- Những quan hệ trao đổi xã hội qua lại hai chiều giữa người này với người khác, bằng phương tiện ngôn ngữ có lời và ngôn ngữ không lời.
1.- Thực tế của tôi (Thấy, Nghe, Tiếp cận)
Thực tế là tất cả những gì tôi thấy, tôi nghe và tiếp cận với tay chân hay là làn da và thớ thịt của tôi.
Một người khác cùng chung sống và đang có mặt với tôi, từ một vị trí hay là ở một góc độ khác, có thể ghi nhận một thực tế khác, hoàn toàn khác biệt, thậm chí mâu thuẫn với thực tế của tôi.
Chính vì lý do ấy, bao lâu hai người chưa trao đổi qua lại, chia sẻ, góp chung lại với nhau, với một thái độ lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau, thực tế của tôi chưa thể nào xích lại gần với thực tế của người kia.
Vấn đề trở nên phức tạp và phiền toái hơn nữa, khi mỗi người dựa vào những kinh nghiệm quá khứ hay là những dự phóng tương lai, để trình bày về những thực tế có liên hệ gần hoặc xa với mình. Ví dụ: Thực tế của Đất Nước Việt Nam, là gì một cách thực sự và khách quan, một đàng đối với một người ở lại trong Nước. Đàng khác, cũng một thực tế ấy là gì, đối với một người đã ra đi và đang sống ở Nước Ngoài? Nếu hai người có hai chính kiến hay là ở vào hai thế hệ, hoặc lớp tuổi khác nhau, sự cách biệt giữa hai loại thực tế của hai người ấy càng trở nên lớn lao hơn, có khi còn khai trừ và loại thải lẫn nhau.
Sau cùng, chúng ta dùng ngôn ngữ, để diễn tả thực tế được cưu mang trong nội tâm của mình. Khi bộc lộ nội tâm như vậy, chúng ta không thể không sử dụng ba cơ chế hay là xu thế cần thiết và tất yếu, có mặt trong mọi ngôn ngữ, như : tổng quát hoá, gạn lọc và chủ quan hóa:
Tổng quát hóa có nghĩa là khởi phát từ hai hoặc ba nhận xét cụ thể, chúng ta nhảy vọt lên và đề xuất một kết luận có tính qui luật và thường hằng: Thực tế luôn luôn là như vậy, và phải tiếp tục như vậy, trong mọi trường hợp, đối với mọi người.
Gạn lọc là xu thế chỉ chọn lựa những sự kiện cụ thể, thích hợp với hoàn cảnh và kinh nghiệm của bản thân tôi, và từ đó tôi cố tình loại trừ và kết án những gì đi ngược lại với những tin tưởng hoặc định kiến đã có mặt trong nội tâm của tôi.
Chủ quan hoá là xu thế gán ghép hoặc áp đặt cho kẻ khác một ý nghĩa do tôi khám phá và đề xuất. Thực tế đối với tôi là như vậy, cho nên mọi người phải chấp nhận thực tế ấy, như là một hiển nhiên, không cần khảo sát thêm và kiểm chứng một cách dài dòng, phức tạp.
Khi ý thức một cách sáng suốt, đến ba cơ chế tâm lý này, luôn luôn có mặt trong ngôn ngữ và tác phong trao đổi hằng ngày, chúng ta sẽ cố quyết học tập hai thái độ, nhằm thăng tiến bản thân và tôn trọng tính người của mọi anh chị em đang có quan hệ với chúng ta.
- Thái độ thứ nhất là LẮNG NGHE chính mình, để đề phòng bao nhiêu cạm bẫy, do chúng ta tạo nên, khi phê phán, đánh giá, tố cáo và kết án kẻ khác. Tổ tiên và cha ông chúng ta đã đề nghị «hãy đánh lưỡi bảy lần trước khi nói», có nghĩa là  «hãy thức tỉnh», không mê muội, trầm mình trong những định kiến hoàn toàn vô thức. Nói cách khác, khi đi, tôi biết tôi đang đi. Khi nói, tôi biết tôi đang nói…
- Thái độ thứ hai là Lắng Nghe và Tôn Trọng kẻ khác, tạo mọi điều kiện thuận lợi và tốt hảo, nhằm giúp họ diễn tả và trình bày thực tế, do chính họ ghi nhận. Khi chúng ta lắng nghe như vậy, chúng ta đã cho phép người ấy «trở thành người».
2.- Tư Duy
Sau khi ghi nhận thực tế với năm giác quan,  chúng ta sử dụng TƯ DUY, để tổ chức, khẳng định và trình bày LỐI NHÌN của mình. Lối nhìn, tùy theo cách dùng ngôn ngữ của mỗi tác giả, còn mang những tên gọi khác nhau như: ý kiến, quan điểm, lập trường hay là vũ trụ quan.
Nhằm phát huy và thao tác con đường tư duy một cách sáng suốt, có hệ thống và khoa học, chúng ta cần từ từ đi lên từng bước, theo năm cấp thang suy luận sau đây:
- Cấp thứ nhất là thâu lượm, khảo sát và kiểm chứng các dữ kiện cụ thể và khách quan có liên hệ đến một vấn đề mà chúng ta muốn giải quyết.
- Cấp thứ hai là đề xuất một hay nhiều giả thuyết, nhằm khám phá ý nghĩa của thực tế hay là vấn đề mà chúng ta đang nhận diện và đối diện.
- Cấp thứ ba là chọn lựa một hướng đi, hay là mục đích tối hậu. Từ đó, chúng ta xác định đâu là ưu tiên số một - hay là mục tiêu quan trọng nhất - trong bao nhiêu dự phóng của chúng ta.
- Cấp thứ tư là chuyển biến mục đích tối hậu thành những hiện thực hay là những tác động cụ thể hằng ngày.
- Cấp thứ năm là đánh giá kết quả cuối cùng, sau một thời gian thực hiện, bằng cách trở về đối chiếu với thực tế lúc ban đầu, để xác định đâu là thành quả khả quan và đâu là những tồn tại chưa được khắc phục. Nói cách khác, chúng ta thất bại, vì những cản trở nào?  Hay là chúng ta đã thành tựu, nhờ vào những năng động nào? Dựa vào cách đánh giá ấy, chúng ta sẽ thêm, bớt hay là chuyển hướng thế nào, trong bao nhiêu dự án sắp tới?
Trong cách dùng từ, để tránh những ngộ nhận đáng tiếc có thể xảy ra, chúng ta cần phân biệt hai động tác có ý nghĩa và phần vụ hoàn toàn khác nhau:
Một bên là nhận định, đánh giá tác phong hay là hành vi của chúng ta và của người khác.
Bên kia là phê phán, xét đoán giá trị của con người, với một đoàn tùy tùng dài thòng lòng như tố cáo, loại trừ, chửi bới và tấn công...
Trong cuộc sống làm người, chúng ta không thể không nhận định và đánh giá công việc cũng như hành vi của mình và của người khác.
Một cách đặc biệt, khi có nhiệm vụ giáo dục và hướng dẫn ai, phải chăng công việc quan trọng bậc nhất của chúng ta là giúp cho người ấy càng ngày càng phát huy khả năng đánh giá tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời, bắt đầu từ những gì họ nói và làm?
Đánh giá như vậy có nghĩa là xác định và phân biệt, theo những tiêu chuẩn đang được thịnh hành trong môi trường xã hội, văn hóa và giáo dục: cái gì đúng và cái gì sai, cái gì thích hợp và cái gì không thích hợp với đời sống và quan hệ xã hội…
Tuy nhiên, khi làm công việc ấy, chúng ta cần ý thức một cách rõ ràng và sáng suốt: trong mọi hoàn cảnh, đánh giá công việc hay là tác phong của một người không phải là phê phán giá trị và bản sắc làm người của người ấy.
Cho nên, trên con đường đi tới của tư duy, một đàng với sứ điệp «TÔI», chúng ta khẳng định quan điểm và xác tín của mình. Đàng khác, chúng ta lắng nghe và tôn trọng người khác, cho phép họ diễn tả và trình bày ý kiến của mình, mặc dù đó là một trẻ em, đang ở vào lứa tuổi «học làm người». Trái lại, khi «nói THAY nói THẾ», hay là «cố tình áp đặt từ trên và từ ngoài» cho kẻ khác, một lối nhìn, một cách đơn phương và độc tài, chúng ta chưa thực sự làm người. Đồng thời, chúng ta đang làm tổn thương giá trị làm người, hay là xói mòn lòng tự tin và khả năng học tập của người ấy.
3.- Xúc Động
Tư duy, như vừa được nói tới, có phần vụ sáng soi và điều hướng chúng ta, trong mọi chương trình và kế hoạch hành động. XÚC ĐỘNG, trái lại, là động cơ thúc đẩy chúng ta thực hiện và hoàn thành công việc, nhằm thoả mãn mọi nhu cầu chính đáng và cơ bản trong cuộc sống làm người. Chính vì lý do đó, khi các nhu cầu làm người được đáp ứng và toại nguyện, chúng ta vui sướng, hạnh phúc và an bình. Trong trường hợp ngược lại, những xúc động như sợ hãi, lo buồn và tức giận sẽ xuất hiện trong nội tâm, như một tiếng còi báo động nhằm đánh thức và thúc giục chúng ta «hãy diễn tả, chia sẻ và chuyển hoá tình huống hiện tại». Không được hoá giải như vậy, xúc động sẽ tràn ngập và khống chế tư duy, như một dòng thác lũ phá vỡ bờ đê và làm băng hoại mọi mùa màng trong những cánh đồng hai bên.
Thêm vào đó, ở bên dưới mỗi xúc động đang làm cho nội tâm và nhất là các sinh hoạt bình thường của tư duy bị tê liệt, chúng ta hãy lắng nghe và khám phá một hay nhiều NHU CẦU của cuộc sống làm người. Hãy lắng nghe và nhìn nhận, một cách chân thành và cẩn trọng, những nhu cầu cơ bản ấy. Phải chăng đó là cách hoá giải hữu hiệu và cũng là con đường làm người cần được mỗi người học tập, tôi luyện trong suốt cuộc đời.
Nếu chúng ta không đáp ứng, với những phương thức vừa được trình bày, xúc động sẽ trở thành BẠO ĐỘNG trong ngôn ngữ và hành vi. Ở cuối chặng đường thoái hoá, xúc động sẽ trở thành hận thù và chiến tranh. Và con người lúc bấy giờ, sẽ biến thân thành muông thú đối với nhau, trong mọi quan hệ qua lại hai chiều, như “Tao hơn - mày thua, Tao tốt - mày xấu, Tao có lý - mày phi lý…”. Tắt một lời, “Mors tua, vita mea”, có nghĩa là “Mày phải chết, để cho tao sống, chúng ta không thể đội trời chung”.
Trong khuôn khổ của bài chia sẻ này, tôi chỉ đề cập đến ba xúc động chính yếu sau đây mà thôi:
- Thứ nhất là TỨC GIẬN. Xúc động này có phần vụ nhấn mạnh rằng: «Tôi đang cần TỰ DO và tôi cần khẳng quyết quyền KHÁC BIỆT, đối với những người đang chung sống hai bên cạnh.
- Thứ hai là BUỒN PHIỀN. Sứ điệp của xúc động này là: «Tôi đang cần tạo lập những QUAN HỆ hài hòa và mới mẻ, với con người và sự vật đang bao quanh tôi».
- Thứ ba là LO SỢ. Xúc động này đang dùng ngôn ngữ không lời, để nhắn nhủ cho chính chúng ta rằng: «Tôi đang cần được sống trong bầu khí AN TOÀN. Xin đừng có ai đe dọa, tố cáo và kết án tôi».
Khi cả ba nhu cầu cơ bản ấy được lắng nghe, trân trọng, đáp ứng và toại nguyện, ai ai trong chúng ta cũng sẽ tự nguyện thi thố tài năng của mình một cách tối đa và tốt hảo, trên con đường làm người. Đồng thời, một cách hăng say và nhiệt tình, chúng ta sẽ vận dụng mọi cơ may, để đóng góp và xây dựng cho kẻ khác, để họ cũng có những điều kiện làm người như chúng ta, với chúng ta và nhờ chúng ta.
4.- Quan Hệ Xã Hội
Sinh hoạt thứ bốn, trên tiến trình làm người của chúng ta, là kết dệt những quan hệ ĐỒNG CẢMĐỒNG HÀNH, với anh chị em đồng bào và đồng loại. Theo lối nhìn của tác giả Stephen COVEY, đây là loại quan hệ «Người Thắng - Tôi Thắng - Chúng ta cùng Thắng». Không có kẻ hơn, người thua. Không có người tự tấn phong là hạng «siêu nhân», và những thành viên còn lại được cư xử và đối đãi như là «công cụ», «đồ vật», «bệ gác chân», hay là «một loại người phó sản».
Trong hiện tình thoái hoá của đời sống làm người, vì những lý do thực tiễn, quan hệ XIN CHO đã bị đầu độc và ô nhiễm trầm trọng. Xin có nghĩa là quị lụy, sụp lạy trước một «phú ông». Cho có nghĩa là ban phát một cách nhỏ giọt, từ trên và từ ngoài, một cách tùy nghi và tùy tiện.
Trong khi đó, quan hệ bình thường và lành mạnh giữa người và người, nhất là trong địa hạt Tình Yêu dâng hiến, bao gồm bốn động tác cơ bản: XINCHO, NHẬN TỪ CHỐI.
Hẳn thực, chính lúc tôi cho, tôi đang nhận lại bao nhiêu hồng ân, bằng cách này hoặc cách khác. Khi xin ai một điều gì, tôi đang nhìn nhận tính chủ thể của người ấy. Cho nên, tôi không có thái độ cướp giật, ép buộc, đòi hỏi, đấu tranh, giống như hùm beo muông sói.
Cũng trong tinh thần và lăng kính ấy, khi ai xin tôi một điều gì, tôi cần khảo sát điều kiện thực tế của mình, để có thể chọn lựa một trong hai con đường: Một là CHO một cách bình tâm và thanh thản. Hai là từ chối, trả lời «KHÔNG», một cách nhã nhặn và khiêm tốn. Xin như vậy không phải là nài nỉ, ép buộc người kia phải cho. Và khi cho trong tinh thần ấy, tôi không phải là người ở trên, ban phát xuống một cái gì dư thừa, vô ích và vô dụng. Trong cách cho như vậy, tôi không cưu mang một hậu ý là «thả tép câu tôm». Hẳn thực, khi cho bất kỳ một điều gì, một cách thực sự và trọn vẹn, tôi CHO chính CON NGƯỜI của tôi. Tôi CHO cả MỘT TẤM LÒNG làm người, khả dĩ kêu mời người khác cũng làm người với tôi va giống như tôi.
Chính vì bao nhiêu lý do vừa được đề xuất như vậy, trong mọi quan hệ bao gồm tình yêu, tình bạn, tình anh chị em đồng bào, đồng loại… tôi dùng sứ điệp «NGÔI THỨ NHẤT, TÔI», để diễn tả vả khẳng định con người của mình, thay vì lạm dụng ngôi thứ hai, để nói thay, nói thế cho kẻ khác, theo kiểu «cả vú lấp miệng em», hay là áp đặt từ trên và từ ngoài những «quy luật» như: Phải, Cần, Nên, Không được...
Trong tinh thần và lăng kính ấy, khi biết lắng nghe và tôn trong con người đang có mặt và chung sống, chúng ta sẽ có khả năng sáng tạo và thiết lập với mọi người, những quan hệ xây dựng và hài hòa, còn mang tên là «tương sinh, tương thành». Hẳn thực, khi chúng ta cố quyết «làm người», chúng ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ khác «thành người, với chúng ta, nhờ chúng ta và như chúng ta».
Bốn bước đi tới trong mỗi quan hệ tiếp xúc và trao đổi
Nhằm cụ thể hoá những ý kiến vừa được quảng khai, sau đây là bốn bước cần thực hiện, mỗi lần chúng ta thiết lập những quan hệ xây dựng và hài hòa với người khác, nhất là khi đối diện những phản ứng xúc động đang leo thang, tràn ngập và sắp bùng nổ:
Bước thứ nhất: Tôi Nghe, tôi Thấy… Tôi ghi nhận sự kiện khách quan, cụ thể trước mắt mình.
Khi làm như vậy, tôi tìm cách phản ánh và kiểm chứng : có phải, có đúng như vậy không?
Bước thứ hai: Kêu ra ngoài, gọi tên xúc động đang ẩn núp ở dưới sự kiện.
Ví dụ: Em/chị nói như vậy có nghĩa là em/ chị đang BUỒN, GIẬN, hay là SỢ phải không? Khi tiếp xúc với trẻ em, chúng ta chỉ cần xoay lui xoay tới với 3 xúc động chính yếu này mà thôi.
Bước thứ ba: Sau khi lắng nghe và ghi nhận xúc động, chúng ta tìm hiểu thêm: Chị/em đang CẦN gì? NHU CẦU quan trọng bậc nhất của chị/ em có phải là?
Bước thứ tư: Vậy theo em/chị, trong hoàn cảnh và vị trí của tôi, tôi có thể làm gì cụ thể, để đáp ứng nhu cầu của em/ chị? Chị/ em yêu cầu tôi LÀM gì?
Sau khi lắng nghe, ghi nhận, tôi xin trả lời:
- Về yêu cầu thứ nhất mà chị vừa trình bày, tôi có thể làm được.
- Về yêu cầu thứ hai... tôi không có khả năng và điều kiện để làm.
Khi từng bước đi lên như vậy, tôi lưu tâm đến những cách làm quan trọng sau đây:
- 1) Dùng sứ điệp TÔI, để nói về mình, cũng như khẳng định mình một cách trung thực. Điều cần đề phòng là nói thay nói thế kẻ khác, thuyên giải, bói đoán, áp đặt cho kẻ khác những lối nhìn hoàn toàn chủ quan.
- 2) PHẢN ẢNH, nghĩa là nói lại với ngôn ngữ của mình, những gì chúng ta đã ghi nhận và đón nhận, khi lắng nghe và đặt trọng tâm vào con người của kẻ khác.
- 3) KIỂM CHỨNG bằng cách yêu cầu kẻ khác nói rõ: những điều tôi hiểu về họ, có hoàn toàn ăn khớp với quan điểm của họ hay không?
- 4) KHÔNG KHUYÊN BẢO, nghĩa là đề nghị cho kẻ khác những lối nhìn và cách làm của chính chúng ta.
- 5) Thay vì bói đoán hay là tưởng tượng, tôi GHI NHẬN một cách khách quan, những gì mắt thấy, tai nghe, phát xuất từ người đang trao đổi với tôi.
- 6) Thay vì ÁP ĐẶT một cách vu vơ, nghĩa là đề xuất một lối nhìn hoàn toàn chủ quan, do chính tôi khám phá, xây dựng và tưởng tượng, tôi chỉ cố gắng TRUNG THỰC NÓI VỀ MÌNH LẮNG NGHE cũng như TÌM HIỂU ý kiến của người khác, khi họ phát biểu.
- 7) Khi thiết lập những quan hệ ĐỒNG CẢM như vậy, chúng ta tạm thời đóng vào ngoặc, không đề cập vấn đề đồng ý hay bất đồng, về mặt tư tưởng và quan điểm. Chúng ta chỉ làm công việc nhìn nhận con người và tôn trọng giá trị làm người của họ mà thôi.
Thể theo lối nhìn và kinh nghiệm hòa giải của tác giả Marshal B. ROSENBERG, chúng ta chỉ cần tôn trọng một cách nghiêm chỉnh và chính xác, bốn bước từ từ đi lên, như được đề nghị, chúng ta sẽ có khả năng đề phòng và ngăn chận hiện tượng xúc động biến thành bạo động, trong hành vi của chính chúng ta, cũng như trong hành vi của kẻ khác.
Chính vì lý do này, mỗi lần có hiện tượng xúc động « bùng nổ » nơi trẻ em, tôi đề nghị những cách hành xử sau đây:
- Thứ nhất, người lớn hãy có mặt với trẻ em, đừng bỏ đi nơi khác,
- Thứ hai, thay vì ngăn chận, ức chế, bằng ngôn ngữ hoặc hành vi, chúng ta chỉ bình tĩnh phản ánh: Mẹ thấy con bùng nổ. Con có thể nói lên cơn tức giận của con. Mẹ cho phép con diễn tả, nói ra, bộc lộ ra ngoài. Nếu tức quá, con hãy tức với cái gối này đây. Trường hợp trẻ em đánh đập kẻ khác, chúng ta chỉ cầm tay, giữ chặt trẻ em lại và nói: Con tôi tức quá, giận quá. Con có thể giận cái ghế, cái gối. Nhưng không bao giờ đánh em, đánh mẹ. Điều cốt yếu trong lúc này là chúng ta giữ nét mặt và thái độ bình tĩnh, không ức chế và trừng phạt.
- Thứ ba, sau khi trẻ em đã trở về tình trạng ổn định, chúng ta tìm hiểu nhu cầu của trẻ em: Con cần gì, hãy nói ra cho mẹ biết. Trường hợp trẻ em không nói, chúng ta có thể thuyên giải, đưa ra một lý do hay là đặt câu hỏi. Động cơ chính trong cách làm và cách nói của chúng ta, vào lúc này là có mặt và trao đổi, phản ánh, hơn là khám phá sự thật hay là nguyên nhân đích thực của hành vi bùng nổ.
- Thứ bốn, để kết thúc, chúng ta đề nghị một trò chơi. Hai mẹ con có thể cầm tay nhau, đi quanh một vòng… Nếu người lớn đã có thói quen tiếp xúc, trao đổi như vậy… dần dần họ sẽ tìm ra những cách làm và lời nói thích hợp. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại, điều quan trọng ở đây là có mặt và trao đổi. Nội dung không thiết yếu bao nhiêu.
Và khi người mẹ biết tạo quan hệ Đồng Cảm như vậy, bà là cái KHUNG bao bọc, che chở, tạo an toàn tình cảm cho đứa con, trong mọi tình huống thuận lợi cũng như bất lợi.
Trong tinh thần và lăng kính này, Lắng Nghe, Có Mặt và Đồng Cảm, là những quà tặng lớn lao, cho những người đang tiếp xúc với chúng ta, bất kể người ấy đang còn là một trẻ em, hay đã trưởng thành và có những trách nhiệm, trong lòng xã hội.
5.- Ngôn Ngữ
Như đã được trình bày từ đầu, Nội Tâm bao gồm năm thành tố khác nhau, nhưng bổ túc và kiện toàn cho nhau:
- Cửa Vào làm bằng năm giác quan (Input),
- Tư Duy và Xúc Động là hai Thành Tố thuộc Tiến Trình Biến Chế và Chuyển Hóa (Processing),
-  Hai Thành Tố thứ tư và thứ năm là Cửa Ra bao gồm Ngôn Ngữ và những Quan Hệ xã hội giữa người với người (Output).
Vì lý do sư phạm, tôi đã chọn lựa thứ tự trước-sau, trong-ngoài. Trong thực tế, năm thành tố ấy giao thoa chằng chịt, tác động qua lại, kết dệt với nhau những quan hệ nhân quả hai chiều. Hẳn thực, một trong năm thành tố có thể là nhân, có khả năng phát sinh, điều hướng hoặc điều động bốn yếu tố còn lại. Khi khác, chính yếu tố ấy lại là thành quả chịu ảnh hưởng lớn lao của một thành tố khác.
Tư duy chẳng hạn, mang lại cho đời sống của con người một hướng đi, một ý nghĩa, một mục đích. Tuy nhiên, không có xúc động làm động cơ thúc đẩy, làm sao con người có thể có khả năng chuyển biến một chương trình, một kế hoạch thành hoa quả cụ thể trong lòng cuộc đời. Nhưng khi không có ánh sáng của tư duy soi sáng và hướng dẫn, xúc động sẽ tức khắc bị tràn ngập và gây ra nhiều đổ vỡ trong đời sống xã hội…
Nói khác đi, xúc động cần được gọi ra ngoài, đem ra vùng ánh sáng của ý thức và ngôn ngữ. Lúc bấy giờ, xúc động không còn là một «Xung Năng» hoàn toàn vô thức, một sức thúc đẩy, dồn ép, tạo căng thẳng. Trong tiếng Anh, sức mạnh ấy mang những tên chuyên môn như Drive, Urge hay là Pulsion.
Trong lăng kính vừa được trình bày, ngôn ngữ là một phương tiện được dùng, để GỌI RA NGOÀI, hay là MANG RA VÙNG ÁNH SÁNG, những gì được cưu mang trong nội tâm. Đối với bốn thành tố khác - là giác quan, tư duy, xúc động và quan hệ xã hội - ngôn ngữ đóng vai trò tổ chức, xếp đặt, diễn tả, phản ánh hay là giải toả. Nhờ ngôn ngữ, chúng ta đặt tên hay là gọi tên, cho những gì chúng ta thấy, nghe, cảm. Tuy nhiên, ngôn ngữ không phải là sở hữu riêng tư của một cá nhân. Đó là phương tiện của cả một tập thể, một cộng đồng, một nền văn hoá, có khả năng mở ra cho chúng ta những cánh cửa bao la, diệu vợi, một bầu trời tự do và sáng tạo. Đồng thời, ngôn ngữ cũng là một cạm bẫy đầy hiểm nguy và tai hoạ. Chẳng hạn, chúng ta dùng ngôn ngữ, để tìm hiểu, khám phá lối nhìn và quan điểm của kẻ khác. Nhưng chúng ta cũng có thể dựa vào ngôn ngữ, để áp đặt cho kẻ khác những cách làm, những lối suy tư mà chúng ta lầm tưởng đó là chân lý ngàn đời, là qui luật bất di bất dịch, phổ cập bất kỳ ở đâu.
Bao nhiêu nhận xét ấy cho phép chúng ta ý thức đến ít nhất ba phần vụ khác nhau của ngôn ngữ:
- Thứ nhất, đó là một phương tiện cần được đặt dưới quyền sử dụng của tư duy, nhằm tổ chức và định hướng cuộc đời.
- Thứ hai, đó cũng là một dụng cụ hữu ích và hữu hiệu, để chúng ta thiết lập quan hệ tiếp xúc và trao đổi, chia sẻ và đồng cảm với những người cùng chung sống trong môi trường xã hội.
- Thứ ba, xuyên qua con đường ngôn ngữ, chúng ta thực thi công việc phản ánh, có nghĩa là từ từ gọi ra vùng ánh sáng của ý thức, bao nhiêu động lực đen tối, mập mờ, bao nhiêu xung năng vô tổ chức, cũng như bao nhiêu tiếng nói còn đang bị ức chế, trấn áp, chưa được coi trọng và lắng nghe.
Không nhìn nhận và coi trọng đúng tầm ba vai trò và ba giá trị ấy của ngôn ngữ, trong các phương pháp tiếp cận và giáo dục, chúng ta sẽ lập tức biến ngôn ngữ thành một dụng cụ nhồi nhét, nhồi sọ. Một cách vô tình và vô thức, chúng ta biến trẻ em thành một con sáo, con cưỡng học nói, hay là một chiếc máy vô hồn ghi âm và phát âm.
Nói cách khác, bao lâu trẻ em tự kỷ còn có những vấn đề «xúc động tràn ngập hay là bùng nổ», điều quan trọng bậc nhất là tạo ra những điều kiện, những bầu khí, những khung cảnh an toàn thể lý và tâm linh. Tôi gọi đó là «cái KHUNG bền vững», bao bọc và che chở trẻ em, đối với mọi va chạm trong cuộc đời.
Bao lâu trẻ em còn sống bít kín, đóng khung trong những hành vi lặp đi lặp lại, ưu tiên số một hay là nhu cầu cơ bản nhất, cần khám phá, để chuyển hóa tình trạng hiện tại của trẻ em, là thiết lập với trẻ em -một cách vô điều kiện và đơn phương về phía chúng ta - những quan hệ xã hội.
Quan hệ xã hội này làm bằng những động tác cụ thể như: có mặt, lắng nghe, nhìn ngắm, sung sướng, hạnh phúc, sẵn sàng đồng cảm và đồng hành với trẻ em.
Bài 6
Mặc cảm là gì?
Khi bàn đến nội tâm của con người, Phân Tâm Học của FREUD  trình bày hai cách tổ chức khác nhau, còn được gọi là hai cấu trúc của bộ máy tâm linh.
Cấu trúc thứ nhất gồm có ba thành phần khác nhau: Thành phần thứ nhất là «Cái Tôi» hay là Bản Ngã. Thành phần thứ hai là Siêu Ngã, còn mang tên là «Cái Trên - Tôi», có phần vụ soi sáng và hướng dẫn Bản Ngã. Đó là một loại «bản đồ tâm lý» cho phép Bản Ngã tìm ra những đường đi và nẻo về, ở giữa lòng cuộc đời. Sau cùng là thành phần Tự Ngã, còn được gọi là «Cái Ấy». Đó là kho tàng nguyên liệu tự nhiên, bẩm sinh, có sẵn trong hành trang vào đời, từ ngày chúng ta được cưu mang, trong cung dạ của Mẹ. Những nguyên liệu nầy sẽ từ từ được chuyển biến thành vật tư kiến dựng ngôi nhà Bản Ngã, trong suốt tiến trình học làm người, còn mang tên là tiến trình xã hội hóa.
Cấu trúc thứ hai bao gồm hai chế độ sinh hoạt khác nhau: Ý Thức và Vô Thức. Khi sống trong chế độ ý thức, tôi biết tôi là ai, đang làm  gì… Khi ăn, tôi biết tôi đang ăn. Khi làm, tôi biết tôi đang làm. Khi phát biểu, tôi biết rành mạch đâu là sự kiện khách quan, đâu là giả thuyết, đâu là những kết luận phát xuất từ tôi, đâu là những dư luận đồn thổi, không được kiểm chứng... Nói một cách vắn gọn, khi tôi sống trong ánh sáng của ý thức, tất cả những gì xảy ra, trong và ngoài, trước mắt tôi, đều là bài học và kinh nghiệm quí hóa giúp tôi xây dựng bản thân và cuộc đời. Nhờ đó, tôi trở nên một Bản Ngã kiên cường và vững mạnh, có khả năng LÀM CHỦ bản thân và kiến dựng  đời sống.
Trái lại, khi ở trong chế độ Vô Thức, tôi hoạt động như một bộ máy vô hồn. Nhiều sức ép bắt nguồn từ Tự Ngã, còn mang tên là Xung Năng, tác động trên tôi, thúc đẩy tôi. Thêm vào đó, khi phải đối diện với lối nhìn xoi móc và cay nghiệt của Siêu Ngã, tôi dễ dàng hóa thân thành «một con múa rối», bị lèo lái, điều khiển từ ngoài và từ trên. Thay vì làm một chủ thể có khả năng sáng tạo cuộc đời, tôi chỉ là một «đồ vật», một «đối tượng», lênh đênh, phiêu bạt giữa dòng đời. Khi bị kích thích, tôi phản ứng một cách máy móc, tự động và một chiều. Hẳn thực, không có trước mặt những con đường thứ hai, để cân nhắc, phân biệt, đánh giá… làm sao tôi có thể trở nên con người tự chủ, biết quyết định và chọn lựa một cách tự do, hài hòa, linh động và sáng tạo.
Nói theo ngôn ngữ của Phân Tâm Học, Bản Ngã của tôi bị chèn ép, kềm kẹp, giữa hai đối lực đang tranh giành quyền lực và ảnh hưởng. Một bên là Siêu Ngã áp đặt cho tôi những cách làm, những nguyên lý hành động. Và bên kia là Xung Năng, với những sức ép khắt khe, những đòi hỏi mãnh liệt, những thèm khát đầy quyến rủ… cơ hồ một dòng thác lũ lôi cuốn và phá hủy tất cả những bờ đê ngăn chận, trên con đường đi tới của mình. Rốt cuộc, sống thường xuyên, ở giữa hai gộng kềm khắc nghiệt như vậy, tôi không biết: Tôi thực sự là ai? Bản Ngã của tôi đặt trọng tâm ở chỗ nào? Tôi có những nhu cầu cơ bản nào? Khả năng và giá trị, mà tôi  cần kiên trì đeo đuổi và ngày ngày thực hiện, gồm có những gì, trên con đường vạn nẻo của cuộc đời? Rốt cuộc, tôi chỉ «theo đuôi kẻ khác», nghĩa là thừa hành, tuân lệnh, bị động, lệ thuộc, «nhắm mắt đưa chân». Đến một lúc nào đó, khi không còn chịu đựng được tình trạng «làm đồ vật, công cụ» để kẻ khác sử dụng và sai khiến, lúc bấy giờ tôi bùng nổ, phản loạn, hủy hoại mình như một con thiêu thân. Sau khi hồi tỉnh lại, tôi tố cáo, phê phán, trách móc chính mình, gán cho mình những danh hiệu xấu xa và tệ hại, đang có mặt trong ngôn ngữ thường ngày.
Ngoài ra, trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi với kẻ khác, thậm chí với những người thân tình, bằng hữu… tôi có xu thế «CẢM» và «THẤY» mình là người luôn luôn «thua thiệt, bị lép vế, lạm dụng và lợi dụng». Không ai thương tôi thực sự. Không ai kính trọng tôi. Không ai hiểu tôi và lắng nghe tiếng kêu trầm thống của tôi. Những tâm tình, xúc động sâu xa và thầm kín, đang sôi sục và rền rĩ trong nội tâm, không một ai trong trời đất này có khả năng chia sẻ với tôi. Họ chỉ tố cáo, phê phán, trừng phạt. Nói tóm lại, cô đơn và cô độc là thân phận và số kiếp đọa đày của tôi. Tôi cảm thấy mình là người hoàn toàn xa lạ và bất hạnh, trong mọi môi trường của cuộc sống làm người.
Xuyên qua một vài đường nét chính yếu vừa được đề xuất như vậy, tôi đã cố gắng phác họa và mô tả một phần nào, con người đang cưu mang trong nội tâm nhiều mặc cảm.
- Con người ấy chìm đắm trong vô thức, hơn là sống trong ánh sáng của ý thức.
- Con người ấy cảm thấy mình là nạn nhân của nhiều đối lực bên ngoài và bên trong, hơn là làm chủ bản thân và nắm vững vận mệnh của mình.
- Con người ấy phản ứng một cách bốc đồng, bột phát và lộn xộn… hơn là sáng tạo và xây dựng , khẳng định chính mình và từng bước đi lên thực hiện mỗi ngày những hoài bảo, mộng mơ  trong cuộc đời.
- Trong mọi tình huống, khi va chạm với kẻ khác, con người ấy cảm thấy mình bị thua thiệt, bất hạnh và cô đơn.
- Sau cùng, con người ấy không biết rõ mình là ai: Hiện tại họ có những nhu cầu cơ bản nào? Họ cần phải chọn lựa ưu tiên nào, trong cuộc đời, để hăng say dấn thân, nhập cuộc, xây dựng bản thân và thăng tiến anh chị em đồng bào?
Trước khi phân tích, tìm hiểu tâm trạng rất đa phức và phiền toái nầy, chúng ta hãy lắng nghe lời tự thú của LÝ MINH NGUYỆT đang sống và giam hãm mình trong vòng mê cung của mặc cảm :
«Tôi vừa đọc trong sách một đọan văn nói về tính nhút nhát, rụt rè. Tôi thấy đó là một tính xấu, đúng như người ta nói. Tôi sợ hết mọi người. Ở lớp, thấy thầy cũng sợ, bạn cũng sợ. Về nhà, thấy chị em, tôi cũng sợ. Tôi không hiểu sao cả. Đôi lúc, tôi thấy mình sao hèn nhát quá. Hình như tôi không còn là tôi, không dám làm gì, nói gì cả. Mặc dù chẳng ai làm gì, nhưng sao tôi cứ sợ. Tôi lo quá. Cứ như thế này, tôi chẳng ăn làm gì được…»
2. Những tiêu chuẩn để phát hiện 
Những sơ đồ tâm lý,
Những tập  tục xúc động,
Những yếu tố dẩn khởi.
Làm sao phát hiện sự có mặt của những Mặc Cảm, trong nội tâm của chính mình, và trong cuộc sống của người khác?
Như tôi đã nhấn mạnh trên đây, đối với người đang bị mặc cảm khống chế, tất cả bốn loại sinh hoạt của nội tâm đều bị rối loạn, ối đọng và ô nhiễm:
Thứ nhất, nhận thức bị bóp méo, xuyên tạc, không phản ảnh thực tại khách quan bên ngoài.
Thứ hai, lối nhìn về mình và về người khác có chiều hướng tiêu cực, phiến diện và một chiều. Khi đã không tìm ra giá trị nội tại của mình, họ không thể nào đặt niềm tin yêu vào kẻ khác, môït cách lâu bền và trung thực.      
Thứ ba, đời sống xúc động di chuyển từ cực đoan nầy đến cực đoan khác: khi thì câm nín, lo sợ, dồn nén, khi thì bùng nổ, bạo động, tràn ngập như nước vỡ bờ. Khi không tiếp xúc và lắng nghe tiếng kêu trầm thống của xúc động, làm sao tôi có khả năng khám phá những nhu cầu cơ bản của mình, trong cuộc sống làm nguời?
Thứ bốn, trong địa hạt trao đổi giữa người với người, quan hệ nhị nguyên - Tao hơn Mày thua - là tên du kích len lỏi, nằm vùng trong tất cả mọi môi trường sinh hoạt. Đó là nguồn gốc hay là nguyên nhân phát sinh mọi phản ứng xung đột và hận thù, chia rẽ và bạo động, thậm chí giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái. Cũng vậy, giữa anh chị em đồng bào, trong lòng quê hương và dân tộc, thay vì bổ túc, kiện toàn cho nhau, và chấp nhận nhau… họ tìm cách phân biệt một cách rõ ràng: Ai trắng ai đen? Ai hơn ai thua? Ai mạnh ai yếu? Ai bạn ai thù? Và khi đã gắn cho ai nhãn hiệu «địch thù», họ sẽ tìm ra mọi cơ hội và lý chứng, để qui định vị trí của người kia trong hàng ngũ phản loạn, phá hoại, và chống đối. Hẳn thực, theo cách nhận định của Tâm lý đương đại, lối nhìn là một «lời tiên tri», có khả năng biến thành hiện thực những tin tưởng có mặt trong nội tâm. Khi tôi tin làm sao, thế nào tôi cũng sẽ thấy thực tại y như vậy. Phải chăng cha ông chúng ta đã thường nhắc nhở: «Yêu nên tốt, ghét nên xấu»?
Nói tóm lại, khi tôi bị mặc cảm khống chế, tôi không còn mở mắt, để nhìn. Không còn mở tai, để lắng nghe. Không còn mở rộng lòng, để học tập, đón nhận và tiếp thu những tin tức mới lạ trong cuộc đời. Cơ hồ một kẻ mê muội và mù quáng, tôi chỉ phản ứng, nghĩa là nhai đi nhai lại những sơ đồ tâm lý thô thiển và giản lược, đã có sẵn trong tâm tư từ bao nhiêu đời. Đó cũng là những tập tục xúc động xa xưa, cỗ đại, đã lỗi thời, lạc hậu, không còn thích ứng với những tình huống của hiện tại. Thế nhưng, chúng nó vẫn còn bám trụ trong những tầng sâu của nội tâm, ngày ngày tiếp tục lèo lái, điều khiển, chỉ đạo toàn diện cuộc đời hôm nay của tôi, trong những lãnh vực nhận thức, tư duy, quan hệ, và giao tiếp.
2.1. Những sơ đồ nội tâm
Nhằm trình bày một cách cụ thể thế nào là sơ đồ tâm lý, tôi xin liệt kê một số cơ chế hoạt động, thường xuyên có mặt và được vận dụng, mỗi lần chúng ta nhận thức về thực tại khách quan bên ngoài :
Thứ nhất là sàng lọc hay là chủ quan hóa, có nghĩa là giữ lại những tin tức thích hợp với chờ đợi của mình, và loại bỏ bao nhiêu sự kiện khách quan khác cùng có mặt.
Thứ hai là tổng quát hóa quá khích : sự kiện chỉ xảy ra một lần, đã được ghi nhận như một qui luật tất yếu, thường hằng.
Thứ ba là phỏng đoán: giải thích một cách tùy tiện, thể theo những tâm trạng và tâm tình hiện tại của mình, thay vì dựa vào những sự kiện khách quan để rút ra những kết luận.
Thứ bốn là kết luận vội vã: rút tỉa những lời khẳng định, từ vài ba tin tức, trước khi kiểm chứng tính khách quan và đáng tin tưởng của những dữ kiện ấy.
Thứ năm là cường điệu: thổi phòng, phóng đại ý nghĩa của một vài tin tức, và không đánh giá đúng tầm những kết quả toàn diện của vấn đề. Theo lối nói bình dân, đó là xu thế «có bé, xé ra to».
Thông thường, mỗi lần nhận thức về một vấn đề, tất cả chúng ta, không trừ sót một ai, đều sử dụng những cơ chế tâm lý trên đây. Tuy nhiên, những ai sống trong ánh sáng của ý thức và làm chủ bản thân mình, luôn luôn sẵn sàng «xét lại» và điều chỉnh cách hành xử của mình, khi phải đối diện với những ý kiến khác biệt của những người hai bên cạnh, nhất là những ai có lập trường hoàn toàn đối kháng với chúng ta. Có khả năng tư duy linh động, đầy sáng tạo là những người có thể quay trở lui, chấp nhận nhìn lại mình, với ánh sáng của những người khác đang có mặt trong nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau. Trái lại, khi chúng ta bị mặc cảm khống chế, một trong năm lề lối nhận thức trên đây trở thành con đường độc lộ, một chiều. Chúng ta bám trụ, đóng chốt, giam hãm mình trong một lối nhìn khô cằn, vô hiệu, đang xuyên tạc và bóp méo thực tại. Đó là những sơ đồ tâm lý điều khiển, lèo lái những đường đi nẻo về hằng ngày của chúng ta. Chúng ta biến mình làm con tin, hay là «nạn nhân tự nguyện», thay vì sáng tạo bản thân và cuộc đời. Chúng ta vòng vo, luẩn quẩn, nhai đi nhai lại «những điều xưa bày nay làm». Chúng ta ngụp lặn trong khổ đau, héo mòn, tê liệt… nhưng không biết thoát ra ngoài bằng cách nào. Thực ra, ngục tù không phải ở ngoài, bao quanh chúng ta, do kẻ khác áp đặt. Ngục tù đang có mặt ở giữa nội tâm, trong chính lối nhìn của con người mang nặng mặc cảm
2.2. Những tập tục xúc động
Thông thường, mỗi xúc động, bắt nguồn từ lối nhìn và được cảm nghiệm trong nội tâm. Những ai sáng suốt, sống trong ánh sáng của ý thức và có khả năng làm chủ bản thân, sẽ tìm cách bộc lộ, diễn tả mình một cách bình tâm, thể theo một tiến trình bao gồm bốn bước đi lên:
· Bước thứ nhất là xác định những điều kiện khách quan của môi trường sinh sống hiện tại.
· Bước thứ hai là gọi tên xúc động đang xuất hiện.
· Bước thứ ba là phát hiện và diễn tả nhu cầu đang ẩn núp ở đằng sau mỗi xúc động.
· Bước thứ bốn là tìm cách thỏa mãn hay là yêu cầu kẻ khác giúp mình thỏa mãn những nhu cầu chính đáng ấy. Khi gặp trở ngại, ở nơi nầy, với người nầy, tôi linh động đi tìm những điều kiện thuận lợi, ở nơi khác, với người khác, cho  đến khi nào được toại nguyện.
Thay vì sáng tạo và làm chủ vận mệnh của mình như vậy, những ai đang bị mặc cảm khống chế, sẽ có xu thế trở lui với những tập tục quen thuộc mà họ đã học tập, đắc thủ, trong những giai đoạn xa xưa, từ những tháng ngày thơ ấu, chung quanh 2 hoặc 3 năm cho đến 6 tuổi. Những tập tục xúc động nầy là những thể thức giải quyết vấn đề nhu cầu, có giá trị và hiệu năng cho một đưa bé chưa biết suy luận. Nhưng đối với những người đã bước vào tuổi trưởng thành, những tập tục xúc động nầy đã lỗi thời, lạc hậu, không còn thích hợp với điều kiện sinh sống hiện tại.
Vì lý do sư phạm, trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi chỉ trình bày một cách vắn gọn, mười tập tục xúc động chính yếu. Trong thực tế của cuộc sống làm người, những tập tục nầy giao thoa chằng chịt, kết dệt vào nhau, chồng chéo lên nhau, ảnh hưởng qua lại hai chiều.
Thứ nhất, tôi cảm thấy bị bỏ rơi một mình, trong lòng cuộc đời. Không ai có mặt với tôi, bên cạnh tôi, thậm chí mẹ tôi. Cho nên, tôi lo ngại, sợ hãi.  
Thứ hai, tôi cảm thấy thiếu tình thương, không ai lắng nghe, lại gần. Tôi có những nhu cầu, tôi đói, tôi khát… Không có ai lưu tâm đến tôi. Cho nên, tôi bức tức, giận hờn, thét gào, buồn khổ, thất vọng. Rốt cuộc, tôi trầm mình trong lãnh đạm, khép kín mình, từ chối tiếp xúc.  
Thứ ba, tôi cảm thấy không có giá trị. Tôi không có tiếng nói. Tôi không có quyền phát biểu ý kiến riêng tư của mình. Cho nên, bề ngoài, tôi câm nín. Nhưng trong đáy sâu tâm hồn, tôi oán hận, phản loạn.
Thứ bốn, tôi cảm thấy bị hà hiếp, lạm dụng. Cho nên, tôi nghi kỵ mọi người. Tôi không thể tin tưởng vào một ai. Tôi muốn đập phá, hủy hoại tất cả và xách gói ra đi, biệt tăm biệt tích.
Thứ năm, tôi cảm thấy xấu xí, dễ ghét, bị coi thường, khinh thị và bạc đãi. Nói khác đi, tôi cảm thấy mình chỉ là phế liệu, trước con mắt mọi người. Cho nên, tôi xa lánh mọi người. Hay là, theo luật bù trừ, tôi có những hành vi ngang tàng, bướng bĩnh, lập dị. Tôi tỏ thái độ bất cần, trước nhận xét của người khác, trong đó có những người thương tôi, muốn xây dựng, đóng góp cho tôi.
Thứ sáu, tôi cảm thấy bị loại trừ. Bạn bè không cho phép tôi nhập vào hàng ngũ, cùng chơi đùa với họ. Cho nên, tôi cảm thấy mình cô đơn, lạc lỏng. Tôi chỉ là con vịt giữa bầy gà. Không ai giống như tôi. Cuộc sống thật cô đơn, hãi hùng, buồn chán
Thứ bảy, tôi cảm thấy bị đe dọa. Giữa đấu trường của cuộc đời đầy hiểm nguy và cạm bẫy, không một ai bênh đỡ tôi. Cho nên, tôi run sợ, lo âu. Tôi cảm thấy bất ổn, trong mọi nơi, với mọi người.
Thứ tám, tôi cảm thấy vụng về, thất bại. Cha mẹ tôi thường trách mắng: mày đụng vào đâu, là hư hại ở đó. Cho nên, bây giờ, tôi không dám mạo hiểm. Sở dĩ tôi thành tựu được một đôi việc, là do tình cờ may rủi mà thôi.
Thứ chín, tôi cảm thấy băn khoăn, lo ngại, cầu toàn. Tôi không bao giờ thấy mình thành đạt một cách mỹ mãn, trong bất cứ công việc gì. Kết quả cụ thể không mang lại niềm vui, vì tôi luôn luôn thấy mình «chưa đạt», thất bại, ở dưới trung bình. Khuyết điểm còn có mặt khắp nơi. Khi quét nhà, thế nào tôi cũng tìm thấy rác trong mọi xó xỉn. 
Thứ mười, tôi cảm thấy mình ngoại lệ, xuất chúng. Cho nên, tôi không tuân thủ những qui luật và những giới hạn bình thường, giống như mọi người. Vì quá đề cao và chú trọng những điểm khác biệt trong con người, tôi bỏ quên những đồng điểm, đang nối kết tôi lại với người khác. Khi cho phép mình sống ngoại lệ, khác người, tôi không ý thức rằng: tôi thuộc loại người «phạm pháp, vô kỹ luật», có xu thế thống trị và đàn áp người anh chị em. Những xung năng rừng rú, man dại của tôi không được giáo hóa, để chấp nhận những khuôn khổ tất yếu của cuộc sống làm người.
2.3. Yếu tố dẫn khởi
Tất cả những sơ đồ tâm lý và những tập tục xúc động, như tôi đã nhấn mạnh trong các phần vừa qua, đã xuất hiện và thành hình, trong cuộc đời của một đứa bé, trước 6 tuổi. Vào giai đoạn tăng trưởng và phát triển này, khả năng suy luận chưa có mặt. Tuy dù  đã xuất hiện, ngôn ngữ chưa phải là phương tiện tinh nhụê, thuần thục, cho phép trẻ em bộc lộ nội tâm, diễn tả những xúc động và ý thức về những nhu cầu của mình. Trong lãnh vực nhận thức, trẻ em cũng chưa thể phân biệt một cách rõ ràng, rành mạch, thực tại khách quan bên ngoài và những tâm tình, tâm trạng bên trong nội tâm. Nói theo ngôn ngữ của Phân Tâm học, trẻ em đang còn sống trong chế độ vô thức. Do đó, trẻ em chỉ phản ứng một cách máy móc, tự động, khi cảm nghiệm một cách mơ hồ một nhu cầu thể lý như đói và khát… khi ghi nhận một kích thích trên làn da, thớ thịt của mình, như nhiệt độ nóng lạnh, ánh sáng chói chang, sự có mặt hay vắng mặt của mẹ.
Những cảm nghiệm bên trong hay là những kích thích bên ngoài, vào giai đoạn nầy, đều là những yếu tố dẫn khởi (Trigger trong tiếng Anh, hay là déclencheur trong tiếng Pháp, không thể lẫn lộn và đồng hóa với Cause có nghĩa là nguyên nhân phát sinh và tạo ra kết quả). Đó chỉ là  những điều kiện, những cơ hội, có phần vụ gợi ý, để trẻ em bộc lộ những phản ứng xúc động của mình. Cứ mỗi lần yếu tố dẫn khởi có mặt, là bấy nhiêu lần trẻ em có phản ứng xúc động. Ngày này qua ngày khác, được lặp đi lặp lại nhiều lần, phản ứng sẽ trở thành một tập tục ổn định, kiên cố. Yếu tố dẫn khởi được so sánh như một nút bấm hay là một loại «công tắc» điện. Công tắc được bấm lên, thì ánh sáng xuất hiện. Con người bị mặc cảm khống chế, cũng có xu thế phản ứng giống y hệt như vậy. Khi có một yếu tốâ dẫn khởi tương tự như trước đây, tái xuất hiện trong môi trường sinh hoạt hiện tại, hay là trong các quan hệ tiếp xúc, thì người ấy phục hoạt, làm sống lại một cách tự động toàn bộ tập tục xúc động của mình, giống như trong tuổi thời thơ ấu. Cơ hồ, khi «rút một chiếc giây leo», chúng ta «làm chuyển động cả một khu rừng già». Yếu tố dẫn khởi có thể là một nhận xét vẩn vơ, một giọng nói, một liếc nhìn, một tà áo…có khả năng gọi trở về toàn bộ những kinh nghiệm xúc động u tối, ảm đạm, nhức nhối và thương đau, thuộc quá khứ.
3.- Phương thức hóa giải
Hóa giải, theo lối nhìn của Phân Tâm Học, không có nghĩa là diệt trừ, tiêu hủy hay là làm tan biến. Với tinh thần BẤT NHỊ và bất bạo động, tôi chấp nhận, nhìn nhận và đón nhận tất cả những gì đang có mặt, trong hành trang của bản thân và cuộc đời. Hiện tại, Tự Ngã còn rừng rú, man rợ. Nhưng đó là nguồn nguyên liệu quí hóa. Siêu Ngã đang khắt khe và hạn chế, cơ hồ nhiều con đường «đầy ổ gà», đó đây trên Quê hương. Nhưng chính tôi cố quyết ra tay kiến dựng những con đường mới, nối lại những chiếc cầu gãy đổ.
Nhìn nhận như vậy không có nghĩa là chịu đựng, buông xuôi, đầu hàng, bất động, “nhắm mắt đưa chân, để xem Con Tạo xoay vần nơi nao». Trong lòng cuộc đời, chúng ta là người luyện vàng, có khả năng chuyển biến đồng, chì, sắt, thép… và bao nhiêu quặng sản khác thành vàng nguyên chất. Và để có khả năng luyện vàng như vậy, chúng ta phải HỌC. Phải HỎI. Phải tay làm hàm nhai. Phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Phải bắt tay vào làm. Không ngồi đợi, một cách vớ vẩn, quả sung từ trời rơi xuống trong miệng của mình. Phép lạ ở trong lòng cuộc đời. Phép lạ có mặt trong những khó khăn mà chúng ta đang gặp, trên từng bước đi, từ ngày vào đời. Thay vì ngồi ù lì, bất động, phàn nàn, chưởi bới, chúng ta hãy THẤY: Nếu chưa có một ngàn, chúng ta đang có một trăm. Nếu chưa có một trăm, ít nhất chúng ta đang có mười. Nếu mười chưa có, phải chăng chúng ta đang có một? Thậm chí một cũng thiếu vắng, lúc bấy giờ, chúng ta vẫn còn có thể làm bùn đất, để vun bón một giây khoai, một củ chuối… Đối với một con người cần cù, lam lũ, Phép lạ luôn luôn  có mặt trong bàn tay của mình.
Hởi người Em, mà tôi đã đặt tên là Lý Minh Nguyệt trên đây, có nghĩa là Mặt Trăng Sáng. Em đang sợ, sợ đến độ tê liệt như một đứa bé chung quanh tuổi đời 8-9 tháng. Em đang muốn bám chặt tà áo của mẹ, và không chịu đựng được tình huống xa rời mẹ… cho phép mẹ đi chợ, đi thăm ruộng đồng… Em hãy lắng nghe lời ca dao:
«Ra đi, biết đó, biết đây.

«Ở nhà với Mẹ, biết ngày nào khôn?»
Với tuổi đời 69, tôi cũng «khóc nhè» như trẻ thơ, mỗi lần xa quê hương, xa mẹ. Xa anh chị em bạn bè. Xa khóm lau, bụi chuối, xa khu vườn trồng rau của mẹ. Xa bờ ao mà ngày trước, tôi thường ra ngồi câu cá, để đợi mẹ đi chợ trở về. Có người đã chê cười, gắn cho tôi nhiều nhản hiệu như: «ấu trĩ, bệnh hoạn, tâm thần…». Tôi đã ngã bệnh, thoái hóa, tê liệt, kiệt quệ trong một thời gian. Nhưng, như tôi đã nói trước đây, phép lạ có mặt trong mỗi người, mỗi cuộc sống. Tôi đã vùng chỗi dậy. Và tôi đã nghĩ đến thân phận mong manh, yếu mềm  của những đứa em, giống như tôi. Cho nên, tôi đã nghiên cứu, học hỏi… Kết quả là tôi đả khám phá được kỹ thuật đồng cảm và ý thức hóa những xúc động, bằng cách  từng bước kinh qua bốn giai đoạn vươn tới.
Hôm nay, sau khi trình bày nỗi lo sợ làn tràn, lây lất… đang khống chế nội tâm của em, em hỏi tôi: cần làm gì, để thoát ra ngoài vòng vây hãm độc hại ấy. Tôi xin cám ơn Em, về lòng tin tưởng và những lời tâm sự ấy. Câu trả lời của tôi: Phép lạ ở trong em. Em hãy «làm phép lạ» cho mình và cho người. Tự khắc, phép lạ sẽ đâm chồi, nảy lộc, kết sinh hoa trái. Em không làm phép lạ, thì không có một ai trên Trời, dưới Đất có thể làm phép lạ, thay thế cho Em.
Làm phép lạ là biến bệnh hoạn, mặc cảm… thành sức sống tràn đầy và vươn lên.
- Mặc cảm, như bây giờ em đã biết, xảy ra khi Siêu Ngã áp chế cho chúng ta những tư duy độc lộ, ép buộc chúng ta  nhắm mắt đi theo những con đường MỘT CHIỀU.
- Mặc cảm là tai họa, gông cùm… khi xung năng đảo lộn mọi qui luật và thứ tự tất yếu của cuộc đời.
- Khi mặc cảm trấn ngự bản thân, chúng ta bơ vơ, lạc lỏng, không biết mình là ai. Nhu cầu cơ bản của tôi là gì? Nhu cầu của người khác bị tôi khinh thị và đàn áp…
Sinh lực và năng động, trái lại, là hoa trái, mùa màng, khi chúng ta thực thi những động tác cụ thể như sau:
Chủ động trở thành một Siêu Ngã có khả năng soi sáng và hướng dẫn người khác, nhất là trẻ em và giới trẻ, trong môi trường gia đình và xã hội. Thay vì làm Siêu Ngã độc tài và đàn áp những sức sống hồn nhiên, yêu đời. Hay là tạo bầu khí ngột ngạt, đầy tố cáo, phê phán, xung đột và hận thù trong mọi quan hệ trao đổi giữa người với người.
Cho phép trẻ em và giới trẻ phát biểu ý kiến của mình.
Dạy cho trẻ em và giới trẻ diễn tả xúc động và ý nguyện của mình một cách cởi mở, bình tĩnh, lịch sự và an toàn.
Đồng cảm, nghĩa là lắng nghe, tìm hiểu, đón nhận và nhìn nhận những khó khăn, vấn đề và nỗi lòng ấm ức của người đối diện.
Tạo những điều kiện thuận lợi, thuộc mức độ thực tế của mình, để kẻ khác có cơ may thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ.
Khi chúng ta có khả năng CHO như vậy, tự khắc chúng ta sẽ NHẬN lại một quà tặng cao quý: Trở thành NGƯỜI. Khi chúng ta giúp kẻ khác hóa giải những mặc cảm đang khống chế nội tâm và làm băng hoại cuộc đời của họ, mặc cảm không còn là trở ngại. Mặc cảm đã trở nên cho chúng ta một bài học, một kinh nghiệm. Nhờ đó, chúng ta biết đồng cảm với những người đang khổ đau, trong cuộc đời. Không can trường đi vào vùng bão tố, làm sao chúng ta tìm ra cho mình và cho người khác, con đường đi ra khỏi bão tố?
Bài thứ 7
Bốn vị BỒ TÁT
Lời giới thiệu: Tôi vừa nhận được lá thư của một người bạn trẻ, đầy nước mắt và thương đau… trước bao nhiêu hận thù và hằn hộc của những người chung quanh.
Tôi đã thinh lặng ngồi xuống viết lá thư này.                                        
Đọc những dòng chia sẻ quí hóa của Anh, tôi rất xúc động, vì cảm nhận một cách sâu sắc trong máu xương da thịt của tôi «thế nào là bị loại trừ, xua đuổi và tấn công…», trong lòng cuộc đời.
Càng nhớ lại những trăn trở của mình, có lẽ cũng như khi ở vào  lứa tuổi hiện tại của Anh, tôi càng đồng cảm với Anh. Một cách đặc biệt, tôi hiểu được lòng Anh, trước phản ứng lãnh đạm của nhiều người chưa hiểu Anh hay là hiểu không đúng với con người thực chất và sâu xa của Anh.
Tuy nhiên, tôi cũng xin thú thật với Anh: nhờ trải qua bao nhiêu chìm nổi trong cuộc đời, xuyên suốt thời gian trải dài 70 tuổi, bây giờ tôi mới thấy được rằng đa số - nếu không dám nói là tất cả - những người có những phán ứng tố cáo, nghi kỵ... trước thiện chí của chúng ta, không phải vì họ xấu trong căn cơ gốc ngọn của họ. Thực ra, họ là những người đang đau khổ trong bản thân và cuộc đời.
Chính khi bị đau khổ nghiền nát như vậy, chúng ta có mắt, nhưng không còn thấy, có tai nhưng không còn nghe. Có thấy và nghe chăng nửa, vì đau khổ, chúng ta lại có xu thế xuyên tạc, bóp méo và cắt xén những quan điểm và lối nhìn của kẻ khác.
Trước những tình huống nghiệt ngã tương tự, thay vì bực bội, để rồi ta thán, làm khổ cho chính bản thân mình, tôi bây giờ đã và đang ngày ngày cố gắng rèn luyện một thái độ như thế này: Vì họ là những người khổ đau ê chề trong cuộc đời, tôi chỉ có một thái độ duy nhất là THỨ THA.
Thứ tha, theo tôi, không phải là lối nhìn trịch thượng, kiêu hãnh, ban phát. Nhưng là đoái thương nhìn cuộc đời, đồng cảm, giữ lòng mình cho bình an thanh thản, trước bao nhiêu rối loạn và xáo trộn, sóng gió và mây mù...
«Giữa bão tố, HỒN Đại Dương vẫn lặng,
«Ngày sương mù, LÒNG Trời Cao cứ nắng».
Trong Phật Giáo, tôi thích nhất hình ảnh của 4 vị Bồ Tát:
- 1) Vị thứ nhất mang tên là TRÌ DỊA, chuyên môn đi nối lại những cây cầu gãy.
- 2) Vị thứ hai là THƯỜNG BẤT KINH, đi đâu cũng rỉ tai cho mọi người biết rằng: "Anh có khả năng để tiến tới, Chị có đầy đủ trí tuệ, để giải quyết mọi vấn đề, Em đang được yêu thương…"
- 3) Vị thứ ba là ĐỊA TẠNG, muốn có mặt với những người khổ đau nhất trong cuộc đời.
- 4) Vị thứ tư là QUÁN TỰ TẠI - còn được gọi là Quan Thế Âm - sẵn sàng lắng nghe tiếng kêu đau thương của con người và tìm mọi cách để đi tới với họ, trong bất cứ hình dáng và bộ mặt nào... Trong công việc nầy, Ngài có trăm con mắt để thấy, trăm cánh tay để làm, trăm đôi chân để lại gần, trăm con tim để yêu thương.
Bao lâu địa ngục trần gian chưa hoàn toàn trống không… bốn vị Bồ Tát ấy vẫn còn tình nguyện ở lại, chia sẻ và đồng hành với anh chị em bà con đồng bào nghèo cực, khốn khổ và lầm than của mình…Cơ hồ  Trẻ Bé Thiên Chúa, «NGÀY HÔM NAY» vẫn đang còn tiếp tục sinh ra Làm Người, trong hang bò máng cỏ… giữa lòng nhân loại.
Tôi cầu chúc cho Anh ngày ngày cố quyết trở thành như các vị ấy, để sẵn sàng phục vụ những người anh chị em đồng bào và đồng loại của mình, khi khoác vào mình bất cứ chiếc áo nào.
Bài thứ 8
Thánh Gióng hay là Phù Đổng Thiên Vương
và con đường «TRỞ VỀ TRỜI» của con Rồng cháu Tiên
Xuyên qua nhiều câu chuyện Huyền Sử, Tổ Tiên và Cha Ông từ đời các Vua Hùng, đã trối trăng lại cho chúng ta những sứ điệp LÀM NGƯỜI. Với một thái độ khiêm cung và lắng nghe, học hỏi và tìm kiếm, chúng ta có thể rút tỉa từ những sứ điệp nầy, những bài học giữ Nước và dựng Nước, nhất là khi có những hiểm họa trầm trọng xảy ra trong lòng Quê Hương và khả dĩ làm băng hoại tiền đồ của dân tộc.
Trong các bài chia sẻ, được đăng tải đó đây, trên nhiều tờ báo ở trong và ngoài Nước, tôi đã lần lượt trình bày và khảo sát một số sự việc quan trọng như  sau:
- Thứ nhất, nguồn gốc rồng tiên của người Việt Nam đã được đề cập, trong câu chuyện kết duyên giữa Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Từ đó, một trăm đứa con được cưu mang trong cùng một bọc trứng. Cho nên ngày hôm nay, chúng ta có tập tục gọi nhau là anh chị em ĐỒNG BÀO, bất chấp những nét khác biệt giữa người ở Bắc và kẻ ở Nam, giữa người làm ăn ở vùng sơn cước và kẻ sinh sống ở miền đồng bằng...
- Thứ hai, vào những ngày tháng đầu tiên của dân tộc, Lạc Long Quân đã đích thân thực hiện ba công trình kỳ vĩ là hóa giải Ngư Tinh, Mộc Tinh và Hồ Tinh, để cho con cháu có thể an cư lạc nghiệp, trên mọi vùng trời, vùng biển và vùng đất của Quê Hương. Tuy nhiên, ba con yêu tinh ma quái ấy vẫn luôn luôn tồn đọng và tìm cách tái sinh trong quả tim của từng người, từ đời nầy qua đời nọ, dưới nhiều hình thức ngụy trang khác nhau.
- Thứ ba, mỗi lần con cái, cháu chắt đối diện một vấn đề và lên tiếng cầu cứu, nếu Lạc Long Quân không đích thân xuất hiện, Ngài thường sai phái Thần Kim Quy, đến hỗ trợ những công trình xây dựng và bảo vệ Non Sông.
- Thứ tư, chừng nào con Hồng cháu Lạc đoàn kết và nhất tâm với nhau, họ có khả năng vượt thắng mọi trở ngại và đánh tan mọi kẻ thù, cho dù xuất phát từ phương bắc, phương nam hoặc phương tây. Trái lại, tình trạng «nồi da xáo thịt» hay là «gà một nhà bội mặt đá nhau» là tên nội thù độc ác và nguy hiểm, đã từng làm băng hoại Non Sông, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Mặc dù câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh đã cảnh tỉnh về tai ương hoạn nạn ấy, ngày hôm nay, vào thời đại Nghìn Năm Thứ Ba, chúng ta vẫn còn duy trì thái độ «bịt tai nhắm mắt, đóng kín mọi cửa lòng», nghĩa là ngoan cố, tiếp tục xếp hàng thành hai phe, tố cáo và kết án lẫn nhau. Chính vì lý do nầy, bạo động và hận thù đang còn bám trụ trong tâm tư và ngôn ngữ hằng ngày của mỗi người Việt Nam.
Câu chuyện về Thánh Gióng bổ túc và kiện toàn những bài học «giữ Nước và dựng Nước» trên đây, bằng cách thêm vào ba chi tiết mới lạ:
- Thánh Gióng là người thần dân của Nước Trời. Ngài được sai phái đến đầu thai ở Làng Phù Đổng thuộc Quận Vũ Ninh, trong tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Khi lên ba tuổi, Ngài đã đi ra chiến trận, đánh tan giặc Ân và mang lại thanh bình cho Đất Nước, vào một giai đoạn rất đen tối và ngặt nghèo của lịch sử Nước Nhà.
- Sở dĩ Thánh Gióng đã thành công một cách nhanh chóng và dễ dàng, là vì nhờ được bà con xa gần trong xóm làng đã tích cực nuôi nấng và đóng góp : cho ăn cho mặc, cho ngựa cho gươm... cho Tình Thương và Lòng Hiểu Biết.
- Sau khi hoàn tất công việc «dẹp loạn giặc Ân», Thánh Gióng đã tức khắc và can đảm tìm đường trở về trời, chỉ để lại một vài dấu chân đậm nét trên vùng đất Đồ sơn (cách Hà Nội 15 Km đường chim bay) và còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Câu chuyện nầy được kết cấu một cách rất đơn sơ, với vài ba chi tiết thô thiển và mộc mạc. Bộ mặt bên ngoài xem ra có vẽ hoang đường và loạn tưởng, theo kiểu «bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia», cơ hồ một giấc chiêm bao thoáng qua và vô nghĩa, xuất hiện và biến tan, trong tâm tư của mỗi người. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết dừng lại, đào bới, lắng nghe, tìm hiểu một cách khiêm cung và cẩn trọng... Hồn Nước, Hồn Non sẽ từ từ hiện về, trong cõi lòng của những ai đang sẵn sàng chờ đợi và đón nhận, biết nhìn và biết nghe
Trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi sẽ lần lượt trình bày con đường khám phá mà tôi đã đi qua, những vấn nạn mà tôi đã cưu mang ấp ủ, trong bao nhiêu ngày tháng, cũng như những câu trả lời mà tôi đã thừa kế, từ khi bước vào tuổi đời «lục thập nhi nhĩ thuận», có nghĩa là biết thức tỉnh và lắng nghe những loại ngôn ngữ không lời và hình tượng của các bậc tiền bối.
Nói cách khác, ba câu hỏi sẽ được đề cập và khảo sát một cách tường tận, trong các phần sau đây:
- Thứ nhất, giặc ÂN là ai? Là gì? Phát xuất từ nơi đâu? Ở vào giai đoạn nào?
- Thứ hai, Thánh Gióng đã đối ứng và khắc phục tên địch thù này, với những hành trang và khí giới nào?
- Bí quyết thành công của Thánh Gióng  bắt nguồn từ những động cơ và khả năng nào
1. Giặc ÂN trong tác phong và ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta
Từ đời các Vua Hùng cho đến những triều đại cuối cùng của Nhà Nguyễn, Đất Nước Việt Nam đã phải đối đầu với nhiều loại giặc khác nhau, xuất phát từ phương Bắc. Đó là giặc Hán, giặc Tống, giặc Nguyên, giặc Minh và giặc Thanh. Không một lần, sử sách chính thức nói đến sự kiện giặc Ân tràn vào xâm chiếm Đất Nước của chúng ta, tuy dù trong lịch sử của Trung Hoa, theo ý kiến của Đào Duy Anh, vào những năm 700 sau Công Nguyên, có một đời Vua mang tên là ÂN.
Sau nhiều năm nghiên cứu, học hỏi và tìm kiếm, tôi nhận thấy rằng : những câu chuyện Huyền Sử, cho dù được sáng tác trong nhiều hoàn cảnh và giai đoạn hoàn toàn khác nhau, vẫn có liên hệ chặt chẽ và mật thiết với nhau. Câu chuyện đến trước có thể chỉ nêu lên vấn đề một cách sơ phác. Những câu chuyện đến sau, sẽ bổ túc và soi sáng hay là từ từ đề nghị những lề lối giải quyết, thích ứng với từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, lề lối thuyên giải - nghĩa là khám phá ý nghĩa và hướng đi trong cuộc đời - vẫn tùy thuộc cảm nghiệm của mỗi người, nhất là sau khi họ biết ngồi lại, lắng nghe, trao đổi, đón nhận những ý kiến đóng góp của kẻ khác.
Trong tinh thần và lăng kính vừa được đề xuất như vậy, câu chuyện về Thánh Gióng được xem là một tia nắng mặt trời đang từ từ xóa tan những đám mây mù ảm đạm, phát xuất từ những xung đột sống mái giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Đàng khác, chúng ta cũng còn có thể mạnh dạn khẳng quyết thêm rằng: Thánh Gióng là người thừa kế trực tiếp công trình của Lạc Long Quân. Công việc của Ngài là ngày ngày tiếp tục dẹp tan Ngư Tinh, Mộc Tinh và Hồ Tinh, trên những vùng đất khô cằn của Quê Hương cũng như trong cõi lòng sỏi đá của mỗi người. Chính trong giờ phút hiện tại này, phải chăng Thánh Gióng cũng như Thần Kim Qui đang hiện hình trở về với chúng ta, để giúp chúng ta «dẹp tan giặc ÂN», trong những quan hệ giữa chúng ta và anh chị em đồng bào?
Nói khác đi, giặc ÂN là «giặc TÌNH», «giặc NGHĨA» hay là «giặc QUAN HỆ» giữa cha mẹ và con cái. Giữa vợ và chồng. Giữa anh, chị và em. Giữa những người đã cùng nhau chia sẻ những nỗi niềm ưu tư và hy vọng, cũng như những đắng cay và trăn trở hoàn toàn giống nhau. Hẳn thực, khi giặc ÂN len lỏi nằm vùng trong tâm tư và thái độ, tác phong và ngôn ngữ hằng ngày, tự khắc bầu khí quan hệ giữa những người cùng chung sống trong môi trường, sẽ bị đầu độc và ô nhiễm. Họ đánh mất khả năng đồng hành và đồng cảm trên con đường giữ Nước và dựng Nước. Tình đồng bào cũng do đó, bị hoen ố, chà đạp và phản bội. 
Trước đây, như người xưa thường dạy bảo, «bên ướt mẹ nằm, bên ráo con nằm». Bây giờ đây, trong một số trường hợp, những câu nói trao đổi giữa hai mẹ con đã trở thành «tên bay đạn lửa» có đầu ngòi tự động, đi tìm đường sát hại lẫn nhau. Trước đây, khi chưa cưới nhau, hai anh chị đã cùng nhau thề thốt: «chúng ta yêu nhau, từ kiếp nầy qua kiếp khác». Không ngờ, sau khi đã trở thành vợ chồng, chính hai người ấy lại lên tiếng nguyền rủa nhau: «mầy và tao không thể nào đội trời chung», hay là «mày phải chết, để cho tao sống».
Tệ hại biết chừng nào cho Đất Nước và Dân Tộc, nếu từ hai hay ba tuổi trở lên, khi con cái, cháu chắt chúng ta bắt đầu học nói, chúng nó đã ngày ngày ngụp lặn trong những quan hệ chưởi bới, tố cáo và mạt sát lẫn nhau trong thế giới của người lớn. Làm sao chúng nó có thể trở thành những thế hệ Thánh Gióng, luôn luôn «COI DÂN LÀ TRỌNG» nếu trước mặt và chung quanh chỉ được trình bày những bài học đàn áp, bốc lột, hối lộ, tham tàn, hống hách và quan liêu 
Hẳn thực, với câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng, Tổ Tiên và Cha Ông đang nêu ra cho chúng ta duy một câu hỏi chính yếu: chúng ta đang dạy con cái thế nào, xuyên qua tác phong và ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta? Có lẽ chúng ta có xu thế ta thán về một số hiện tượng đau buồn đang có mặt trong lòng Quê Hương, như bụi đời, xi đa, xì ke, ma túy của giới trẻ? Thế nhưng, mấy người ý thức được một cách sáng suốt rằng: Không ai ngoài chúng ta là nguyên nhân đã tạo sinh giặc ÂN trong môi trường gia đình và học đường. Do đó, phải chăng chính chúng ta là người đầu tiên có trách nhiệm và sứ mệnh dẹp tan giặc ÂN đang khống chế tâm tư và đời sống tình cảm, bằng cách ngày ngày thay đổi lối nhìn của mình? Không cố gắng tôi luyện lại lời ăn tiếng nói, khi tiếp xúc và trao đổi với con cái, cũng như khi làm việc với bạn bè xa gần, chính chúng ta đang phản bội Đất Nước và bôi nhọ nguồn gốc Rồng Tiên của chúng ta.
2. Từ bỏ những phản ứng máy móc tự động và sáng tạo những kỹ năng tương sinh, tương thành
Trong phần sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau lần lượt phát hiện những điểm tiêu cực cần đề phòng, cũng như những điểm tích cực cần phát huy và học tập, trong mỗi quan hệ hằng ngày giữa người với người.
2.1. Những tập tục phá hoại 
Trong khuôn khổ của chương nầy, thay vì trình bày và giải thích dài dòng, tôi chỉ liệt kê một cách vắn gọn những tập tục tiêu cực và phá hoại, cần được đề phòng và xa lánh, trong những tình huống tiếp xúc và trao đổi hằng ngày.
-  Tập tục tai hại đầu tiên là sử dụng tư tưởng nhị nguyên «Tao đúng mày sai, tao có lý, mày vô lý, tao tốt mày xấu, Tao chính mày ngụy…», trong các hình thức giao tế với anh chị em đồng bào.
-  Chính vì tư tưởng nhị nguyên này, chúng ta cố quyết áp đặt cho kẻ khác lối nhìn, quan điểm, cách nhận thức của chúng ta. Với sứ điệp «ngôi thứ hai», cũng như với những loại động từ như «phải, nên, cần...», chúng ta rót ra những mệnh lệnh từ trên và từ ngoài, đòi buộc kẻ khác tuân hành hay là xa lánh. Ví dụ: «Mày phải câm miệng lại và nghe tao nói», hay là «mày không được trả lời với tao như thế»...
- Trong những cách truyền lệnh hay là áp đặt một lối cư xử và hành động, như vừa được trình bày, ý đồ sâu xa của chúng ta là «THAY ĐỔI kẻ khác tận gốc rễ, từ đen qua trắng», phủ nhận quyền tự quyết và quyền làm chủ thể cũng như tính khác biệt và độc đáo của họ. Bằng cách này hay cách nọ, chúng ta không cho phép kẻ khác «khẳng định bản sắc làm người của mình». Họ chỉ là công cụ, đồ vật, phương tiện, trong tầm tay sử dụng và ảnh hưởng của chúng ta.
- Trường hợp họ chống đối, phản động, không tuân phục, nghĩa là từ khước trở thành lệ thuộc... chúng ta sẽ có phản ứng như tố cáo, phê phán, la mắng, chửi rủa, kết án, quy lỗi và loại trừ ...
- Với những ai đã kết dệt những quan hệ gắn bó và thân tình, như con cái, vợ chồng, bạn bè thiết cốt... chúng ta sẽ sử dụng tình cảm để tạo áp lực, như khóc la, tuyệt thực, ngã bệnh, cắt đứt liên lạc, đóng kín cửa phòng, hay là cố thủ trong một thái độ câm nín suốt ngày, với bất kỳ ai...
- Một cách đặc biệt, khi nói về kẻ khác, chúng ta dễ dàng sa vào ba loại cạm bẫy máy móc và tự động. Thứ nhất là xu thế tổng quát hóa, còn được gọi là cường điệu, có ít xít ra cho nhiều. Thứ hai là xu thế gạn lọc, nghĩa là chỉ giữ lại những tin tức có khả năng củng cố lập trường có sẵn của chúng ta. Đồng thời, chúng ta loại trừ, không ghi nhận những tin tức không có lợi cho chúng ta. Thứ ba là xu thế bóp méo và xuyên tạc. Chúng ta giải thích thực tế, theo lối nhìn chủ quan hay là những định kiến đã có sẵn từ bao nhiêu đời, trong nội tâm và lòng tin tưởng của chúng ta. Chính vì những lý do này, khi phê phán và kết án kẻ khác, chúng ta dễ dàng gán cho họ những nhãn hiệu rất hồ đồ. Ví dụ: «Người Nam của các ông thì luôn luôn ba hoa chích chòe. Còn người Trung của chúng tôi thì không bao giờ tiêu xài phung phí...». Có bao giờ chúng ta biết dừng lại, lắng nghe mình, để đặt ra những câu hỏi phản tỉnh: «Người Nam» là ai? «Người Trung» ở vùng nào? Cách nói «Luôn luôn» phải hiểu như thế nào? «Không bao giờ» có ý nghĩa làm sao? Có những ngoại lệ hay là không, khi bạn dùng lối nói «Không bao giờ»?
- Ở bên dưới bao nhiêu thái độ, tác phong và lời nói, mà tôi vừa liệt kê và khảo sát trên đây, tư duy quá khích «HOẶC CÓ HOẶC KHÔNG» là nguyên tắc và động cơ nền tảng, khả dĩ lèo lái mọi đường đi nẻo về của chúng ta, khi tiếp xúc và trao đổi với kẻ khác, nhất là với giới trẻ. Thực tế cụ thể, trái lại, trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn luôn là một hiện tượng «VỪA CÓ VỪA KHÔNG». Giữa trắng và đen, giữa tốt và xấu, giữa sự thật và gian dối... còn có bao nhiêu sắc độ từ mạnh xuống yếu, đang ở chung với nhau, ở sát cạnh nhau, hòa trộn vào nhau, trong thân phận và điều kiện làm người của chúng ta, cũng như trong tác phong và ý định của kẻ khác. Hiểu được điều cơ bản này, chúng ta sẽ biết thức tỉnh, không cho phép mình «nói về, nói thay hoặc nói thế» kẻ khác, theo kiểu «cả vú lấp miệng em». Thay vào đó, chúng ta sẽ tôi luyện kỹ năng sử dụng sứ điệp «TÔI», để nói về mình. Diễn tả con người của mình. Sẵn sàng chia sẻ lối nhìn, quan điểm và lập trường chủ quan đang có mặt trong tâm hồn.
Trung thực và liêm chính phải chăng là hành trang của Thánh Gióng, và tất cả những ai có kế sách xây dựng và phát huy những quan hệ đồng hành và đồng cảm, trong lòng Quê Hương và Dân Tộc?.
2.2.  Những kỹ năng và động tác cụ thể cần phát huy, khi thiết lập những quan hệ tôn trọng và hài hòa với anh chị em đồng bào
Những loại giặc từ Trung Hoa, Pháp quốc và Bắc Mỹ đã nhất loạt nêu cao ngọn cờ Nhân Nghĩa, để xâm lăng Đất Nước của chúng ta và áp đặt cho anh chị em đồng bào những hình thức nô lệ kiểu cũ và kiểu mới. Với khí thế hào hùng và tinh thần đoàn kết, dân tộc chúng ta đã sử dụng mọi loại khí giới, để thủ tiêu, tàn sát và ép buộc họ rút ra khỏi biên thùy. Sau một ngàn năm «nô lệ giặc Tàu», sau một trăm năm «đô hộ giặc Tây», chúng ta vẫn có thể vùng đứng lên, lật đổ chế độ thực dân xâm lược.
Tuy nhiên, khi cha mẹ, anh chị em, bà con xa gần... là giặc ÂN, giặc TÌNH, giặc NGHĨA, giặc QUAN HỆ... đang áp đặt cho chúng ta lối nhìn, quan điểm, lập trường của họ, chúng ta sẽ có những con đường đi như thế nào? Xung đột, hận thù... như Sơn Tinh và Thủy Tinh đã từng chọn lựa? Với cách làm này, chúng ta chỉ trối lại cho con cái và cháu chắt một gia tài đổ nát và tang thương. Nếu Tổ Tiên và Cha Ông hiện về và hỏi chúng ta: chúng ta đang làm gì với «dòng máu Rồng Tiên trong huyết quản», câu trả lời của chúng ta sẽ như thế nào?
Chính Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ đã gặp những khó khăn tương tự, trong địa hạt quan hệ, từ ngày lập Nước và khai Quốc. Hai vị đã chọn lựa con đường «VỪA ra đi mỗi người một ngả, VỪA trở về với nhau», trong mỗi giây mỗi phút của cuộc đời.   
Trong nền văn hóa Âu Tây ngày nay, nhan nhản khắp nơi, theo thiển ý của tôi, hình như đó cũng là con đường có xu thế tập hợp nhiều người. Chẳng hạn, trong lãnh vực vợ chồng, họ ra tòa ly dị. Nhưng họ vẫn duy trì quan hệ bạn bè với nhau. Vì lợi ích của con cái, họ vẫn trao đổi và tiếp xúc với nhau.   
Trong lãnh vực chính trị, từ hai vị trí đối lập Tả và Hữu, họ dùng ngôn ngữ, để mạt sát lẫn nhau một cách thậm tệ. Nhưng họ biết tri chỉ, dừng lại, không đâm đầu vào con đường bạo động hay là thủ tiêu, ám sát và khủng bố. Họ tôn trọng luật pháp và chọn lựa con đường luật pháp, với những chuẩn mực khách quan và công bình, đối với mọi người.
Trong câu chuyện Huyền Sử, Thánh Gióng đã đề nghị và giới thiệu cho chúng ta một con đường hoàn toàn mới lạ và độc đáo, không hẳn hoàn toàn đồng ý với cách hành động của Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Đó là con đường «can thiệp sớm», trong địa hạt giáo dục.  
Hẳn thực, trên một tiến trình làm người, bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau như A,B,C,D,E... Khi có một vấn đề trầm trọng xảy ra ở giai đoạn C hoặc D, nếu chúng ta chỉ giải quyết vấn đề ở C hoặc D mà thôi, cách giải quyết vấn đề của chúng ta sẽ bị thui chột, không hoàn toàn hữu hiệu, nếu không nói là đã và sẽ thất bại hoàn toàn.
Lý do là khi một vấn đề bùng nổ, xuất hiện ra bên ngoài ở giai đoạn C, trước đôi mắt chứng kiến của mọi người có mặt, chính vấn đề ấy đã được cưu mang thai nghén, dưới thể hạt mầm, trong các giai đoạn sớm hơn, như ở A và B chẳng hạn. Không can thiệp từ đầu và tìm cách giải quyết vấn đề, khi còn ở trong thể trạng trứng nước, chúng ta chỉ hoài công: «Tiếc công đan giỏ bỏ cà, giỏ thưa, cà lọt, công đà uổng công».
Trở về với câu chuyện Thánh Gióng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng: Khi vừa lên ba tuổi, Thánh Gióng đã được Mẹ và bà con xa gần «cho ăn, cho mặc... cho ngựa, cho gươm...» Không được nuôi dưỡng, cư xử và đãi ngộ như một Thần Dân của Nước Trời, từ khi đầu thai trong lòng Mẹ, không được lắng nghe, kính trọng, trả lời... lúc lên ba tuổi, Thánh Gióng sẽ suốt đời chỉ là «một đứa bé khuyết tật, không biết đi, không biết nói...».
Thể theo lối nhìn của tác giả Donald Winnicott, nhờ được bồng bế thương yêu (Holding), nhờ được cư xử và đối đãi như một con người quan trọng, có giá trị (Handling), cũng như nhờ được nuôi nấng, dạy dỗ theo từng cấp độ phát triển và tăng trưởng (Object presenting), một đứa bé mới có khả năng từ từ trở thành một con người TỰ TIN. Khi lớn khôn, em sẽ ý thức mình là con người có giá trị, được thương yêu và kính trọng. Đồng thời, tùy vào những giai đọan học tập và phát triển, em sẽ hội nhập những kỹ năng, nghĩa là biết làm, biết sống, biết tiếp xúc và trao đổi, biết thích ứng với mỗi người và mỗi hoàn cảnh, trong đời sống giao tế.
Trong lăng kính ấy, khi tự tin, tôi biết: Tôi là ai? Tôi xuất phát từ đâu? Tận điểm của cuộc đời tôi là gì? Ở vào vị trí hiện tại, tôi có những khả năng và khuyết điểm nào? Tôi có những ước mơ và hoài bảo như thế nào? Để biến ước mơ thành hiện thực, tôi cần thực hiện những động tác cụ thể nào? Và khi hoạt động, tôi biết đánh giá những thành quả khách quan theo ba chiều hướng: Trường hợp tôi thành công, tôi biết rõ con đường cần tiếp tục đi tới là đâu. Khi thất bại, tôi biết chuyển hướng như thế nào. Khi sai lầm, tôi biết can đảm dừng lại, rút tỉa những bài học và kinh nghiệm.
Nói tóm lại, trong quan hệ giữa người với người, tôi chỉ lo tập luyện làm người về phía tôi. Tôi không đánh mất tính người và tình người, cho dù người bên kia chưa làm người. Thậm chí, họ còn làm muông thú, ở một khía cạnh nào đó, đối với tôi.
Nhằm sáng tạo và xây dựng những «quan hệ tốt đẹp và hài hòa» với anh chị em đồng bào, trong môi trường sinh sống và hoạt động thường nhật, tôi cần ngày ngày học tập, tôi luyện và thực hiện những động tác cơ bản sau đây:
- Động tác một, tôi dùng sứ điệp ngôi thứ nhất, để nói về những thực tại đang có mặt trong nội tâm: Lối nhìn, xúc động, nhu cầu, sở thích và yêu cầu. Tôi nói về tôi, một cách trung thực, thay vì bói đoán, tưởng tượng ý định và ý kiến của kẻ khác. Nói cách khác, tôi không nói thay, nói thế, nhất là áp đặt cho kẻ khác những ý đồ chủ quan của tôi.
Động tác hai, khi trình bày lối nhìn, tôi nêu rõ những sự kiện cụ thể và khách quan được dùng làm cứ điểm cho những kết luận của tôi. Sự kiện có nghĩa là những điều chính tôi thấy và nghe, chứ không phải là những dư luận hay là lời đồn thổi.
Động tác ba, khi nói về xúc động, tôi phân biệt một cách rành mạch: hoàn cảnh khách quan, nhu cầu, tên gọi của xúc động, và lời yêu cầu của tôi xuất phát từ xúc động ấy. Tôi không lẫn lộn yêu cầu với đòi hỏi, ép buộc. Ngoài ra, nhu cầu là một điều chính yếu cho sự sống còn của tôi. Trái lại, sở thích hay là nguyện vọng có thể được hoán chuyển, thay đổi và trì hoãn hay là không bao giờ được thỏa mãn và thực hiện.
- Động tác bốn: Khi thiết lập và xây dựng quan hệ, tôi di chuyển, một cách linh động và thoáng thoát, tùy trường hợp, giữa bốn hướng chọn lựa sau đây: Cho, Nhận, Xin và Từ Chối. Cho có nghĩa là hiến tặng, chứ không phải là ép buộc, áp đặt. Nhận là đón lấy từ tay của người khác, một cách thanh thản, sung sướng và tự do, chứ không phải là tước đoạt hay là chịu đựng, lệ thuộc. Xin là cầu mong một ân huệ, chứ không phải là đòi hỏi hay là cướp lấy trên tay của người khác. Trường hợp điều người khác trao tặng cho tôi, nếu không thích hợp với nhu cầu của tôi, hay là khi điều họ xin tôi, tôi còn cần dùng và muốn giữ lại... tôi có khả năng từ chối, một cách tự do và an lạc, thanh thản và hài hòa.
Một cách đặc biệt, khi kẻ khác áp đặt cho tôi một nhãn hiệu, một lời tố cáo, một cách làm không thích hợp... thay vì phản công hoặc chống đối, giận hờn hay là trầm cảm, đặt mình trong tình huống xung đột, tôi chỉ cần thanh thản TRẢ LUI cho tác giả «tác phẩm» của họ. Ví dụ: «Tôi vừa nghe bạn nói: tôi là "thằng nói láo". Nhãn hiệu ấy không đúng và không thích hợp với con người thực sự của tôi. Vậy tôi trả về cho bạn lời bạn nói. Tôi không nhận quà tặng đã bị đầu độc và ô nhiễm như vậy».
- Động tác năm: Khi chọn cách làm «Trả lui» ấy, tôi chỉ nhắm khẳng định chính mình, thay vì có thái độ tấn công hoặc phản kích hay là đánh mất an lạc của lòng mình. Tôi đang cố quyết LÀM NGƯỜI về phía tôi.
- Động tác sáu: Khẳng định mình mà thôi chưa đủ. Khi trao đổi với người đối diện, tôi còn phải kêu mời và tạo mọi điều kiện thuận lợi, để giúp họ cũng khẳng định mình, như tôi, với tôi, bằng cách lắng nghe, tìm hiểu thực tại, lối nhìn, quan điểm, khung qui chiếu của họ.
- Động tác bảy: Tôi nêu lên những nhận xét «phản hồi» và những câu hỏi mở, để thúc giục họ diễn tả con người của mình, một cách sâu sát và cởi mở, trong sáng và toàn diện. Nói khác đi, tôi giúp họ bổ túc và kiện toàn, đào sâu và mở rộng những điều chỉ mới hàm tiếu, trong lời phát biểu của họ. Công việc khai sáng và mở đường nầy đòi hỏi ở chúng ta nhiều tỉnh thức và kiên nhẫn, bởi vì vô thức hay là vô minh đang len lỏi nằm vùng trong nội tâm của mỗi người. Thêm vào đó, khi khổ đau tràn ngập và khống chế tư duy, chúng ta «có mắt nhưng không thấy, có tai nhưng không nghe».
- Động tác tám: Ở đây tôi nhắc lại điều mà tôi đã trình bày trước đây. Khi người đối diện nêu ra những nhận xét hoàn toàn tiêu cực và vô bổ, có tính xúc phạm đến bản sắc làm người của tôi, tôi chỉ cần sử dụng kỹ thuật «Trả Lui», một cách bình tĩnh và hồn nhiên, thông suốt và trôi chảy, cơ hồ một con sông uốn mình giữa đồng cỏ xanh.
- Động tác chín: Con người - hay là chủ thể trao đổi - có giá trị và tầm mức quan trọng HƠN đối tượng hoặc nội dung được trình bày. Cho nên, khi lắng nghe và tìm hiểu ai, chúng ta đặt trọng tâm vào chính con người của họ. Qua lời nói bên ngoài của họ, có lẽ chúng ta đang bị tấn công, kết án, tố cáo, xuyên tạc, mạ lị, khinh thường... Nhưng nếu chúng ta sáng suốt ý thức rằng : người ấy đang khổ đau, người ấy chưa bao giờ có cơ may học như chúng ta đã học... chúng ta sẽ thương hơn là loại trừ. Còn hơn thế nữa, nếu người ấy là «ĐỒNG BÀO», phát xuất từ một cung lòng của Mẹ như chúng ta, chúng ta chỉ có một câu trả lời: Tình Thương vô điều kiện. Với một tấm lòng bao la như Đại Dương của Lạc Long Quân, với một lối nhìn cao cả như Bầu Trời của Mẹ Âu Cơ, cho dù người đồng bào là gì gì chăng nữa, họ là «Một mảnh đất của QUÊ HƯƠNG».
- Cho nên, sau đây là động tác mười. Lắng nghe ai là NHÌN NHẬN vô điều kiện. Đằng sau một bộ mặt hống hách, ở bên dưới những lời tuyên bố sắc nhọn, gai gốc và độc ác, nếu chúng ta biết lắng nghe và có một lối nhìn xuyên thấu, chúng ta sẽ dễ dàng khám phá trong con người ấy, một vết thương lòng đang rướm máu và chưa bao giờ được ai băng bó, thoa dịu. Có lẽ chúng ta là người đầu tiên đang mang đến cho họ một chút hơi ấm tình người... Người ấy đang cần được NHÌN NHẬN, với những câu nói phản hồi như: «Qua những lời anh vừa phát biểu, tôi ghi nhận rằng: anh đang tức bực và lo buồn... anh đang gợi lại một thời thơ ấu mồ côi mẹ... anh đang lo sợ trong môi trường sinh hoạt ngày nay, giới trẻ đang phanh phui mọi chuyện trong đời tư của anh...»
3. Bí quyết thành công của Thánh Gióng
Như trước đây tôi đã gợi ý, câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng có một «bề mặt» hoang đường và vô tưởng. Những chiến công oanh liệt của Ngài «xem ra» chỉ là điều bịa đặt dành cho trẻ con. Tuy nhiên, đối với những ai biết lắng nghe ngôn ngữ hình tượng của Tổ Tiên, Thánh Gióng không phải là ai xa lạ. Thánh Gióng là tôi, là anh, là chị, là em... đang trực diện với những vấn đề sôi bỏng của thế giới ngày hôm nay. Giặc quan hệ đang bủa vây chúng ta, ở khắp nơi, trong cũng như ngoài Nước. Tại một số gia đình, chẳng hạn, cha mẹ và con cái vào lứa tuổi mười sáu, đôi mươi... là hai đường song song vạn kiếp, không bao giờ có điểm hội tụ. Trong các đô thị đại công nghiệp, mái ấm gia đình đã trở thành một quán trọ, một nơi để qua đêm, không hơn không kém. Có dịp chứng kiến cảnh tượng cha mẹ và con cái trao đổi với nhau, tôi có cảm tưởng rằng họ là hai vị dân biểu thuộc phe tả và phe hữu đang chửi rủa lẫn nhau một cách thậm tệ, thiếu văn minh, trước mặt toàn dân có tiếng là văn minh và tiến bộ.
Với điều kiện và hành trang nào, chúng ta có thể xây dựng lại Ngôi Đền Cổ Loa, trong địa hạt quan hệ giữa người với người, giữa anh chị em đồng bào?
Câu chuyện Huyền Sử về Thánh Gióng đã đề nghị câu trả lời trong ba chiều hướng khác nhau:
Thứ nhất, bài học về Quan Hệ phải được học và phải được dạy cho trẻ em, từ khi chúng nó lọt lòng mẹ. Trên đây, trong phần 2, tôi đã mạo muội sơ phác những gì nên tránh và những động tác nào cần tôi luyện. Bài học này cần trở nên một kế sách «giữ Nước và dựng Nước» của toàn dân. Khi người lớn ý thức mình cần phải dạy, họ sẽ học một cách chu đáo hơn. Dạy phải chăng có giá trị tương đương như ba lần học?
Thứ hai, duy những ai có «CHẤT TRỜI» trong lòng mình, giống như Thánh Gióng, mới có khả năng thấm nhuần bài học về quan hệ. Hẳn thực, không ý thức về tình Anh Chị Em, tình đồng bào, làm sao chúng ta có thể «ĐI LÊN TRỜI», hướng thượng? Làm sao chúng ta có thể NHÌN NHẬN vô điều kiện «chủ thể làm người» của anh chị em đồng bào, trong lòng Quê Hương, thậm chí khi họ có những hành vi sai trái, phản bội... Chia sẻ, đối thoại, giáo dục là con đường duy nhất tất yếu phải đi, nếu Con Rồng Cháu Lạc muốn tồn tại. Mỗi người, cho dù là tội phạm, vẫn mang «chất Trời» trong lòng mình. Cho nên, Khả Năng ĐI LÊN, TRỞ VỀ TRỜI vẫn luôn luôn ở trong tầm tay của mỗi người biết và được cư xử là người anh chị em.
Thứ ba, «lưỡi gươm» hay là dụng cụ tác động của chúng ta, trong lãnh vực xây dựng và phát huy quan hệ, có thể cùn mòn và gãy đổ. Nhưng sáng tạo là gia tài và gia sản của chúng ta, trong mọi tình huống. Sau khi lưỡi gươm đã trở thành vô hiệu, phải chăng Thánh Gióng đã nhổ bứt lên cả một bụi tre vàng, để xua đuổi địch thù ra khỏi Đất Nước?
Cái gì Thánh Gióng đã làm được ngày qua, tôi cũng có khả năng làm như Ngài ngày hôm nay.
Bài thứ 9
Bảy hạt ngọc cho con
1. Con hãy lấy Hạnh của Đất mà sống
Đất bị người người khạc nhổ,
Nhưng vẫn kết sinh hoa lợi,
Cho người người ấm no.
2. Con hãy lấy Hạnh của Nước mà sống
Nước chấp nhận mang vào mình,
Vết nhơ của bao nhiêu bàn tay,
Để đem về tẩy luyện trong lòng Biển Mặn.
3. Con hãy lấy Hạnh của Khí mà sống
Khí đi vào bên trong lòng mỗi người,
Để mang dưỡng sinh cho từng tế bào, từng hạt máu,
Không quên sót một ai.
4. Con hãy lấy Hạnh của Trời mà sống
Trời ở trên cao thật cao.
Nhưng đồng thời, Trời ở dưới thấp thật thấp.
Không có Trời, con không có chi hết.
Nhưng chính Trời cũng không có chi hết.
Trời hoàn toàn trống không,
Để gọi mời con trở thành Cao Cả và Diệu Vợi.
5. Con hãy lấy Hạnh của Lửa mà sống
Ai ấm áp cho bằng Lửa?
Nhưng ai khinh thường Lửa,
Tự khắc người ấy rước họa vào mình.
Lửa không phải là Trời.
Nhưng Lửa thay thế Trời,
Khi con ở trong đêm tối,
Hay là đang trải qua những ngày đông lạnh lẽo.
6. Con hãy lấy Hạnh của Đêm mà sống
Nhờ đêm, một ngày mới bắt đầu trở lại,
Sau khi nhọc lụy được giấc mơ ủi an, ấp ủ và chuyển hóa.
Nhờ Đêm, mắt con mới thấy được rằng:
Tên con đã được viết sẵn bằng ánh sao lấp lánh,
Giữa Đại Duơng Ngân Hà của Vũ Trụ.
7. Con hãy lấy Hạnh của Mẹ mà sống
Mẹ là người để cho con học thương, cũng như học ghét.
Thương mà không bị mất mát và bó buộc.
Ghét mà không sợ bị loại thải hoặc bỏ rơi.
Thương Mẹ, không phải vì Mẹ vô tì tích.
Ghét Mẹ, không phải vì Mẹ làm «tinh yêu ma quái».
Trong người Mẹ dễ thương,
Còn có nhiều chỗ, để cho con học ghét.
Trong người Mẹ dễ ghét,
Còn vô số điểm, giúp con học thương.
Nhờ biết thương cũng như biết ghét,
Con mới học được bài học làm người.
Hè 2008
Nguyễn Văn Thành
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...