Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

Nguyễn Đổng Chi với lịch sử văn học Việt Nam

Nguyễn Đổng Chi 
với lịch sử văn học Việt Nam
Ôn lại những bài học từ tấm gương lao động học thuật của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi - với không chỉ chúng ta hôm nay mà các thế hệ mai sau - vẫn ngời lên một tấm gương đầy sức sáng tạo, một người yêu nước thiết tha, sớm thể hiện bằng thành quả lao động ngay từ khi còn trẻ tuổi. Bầu nhiệt huyết ấy ngày càng lớn lên khi ở độ tuổi trưởng thành, ngày càng chín chắn hơn, già dặn hơn, sâu sắc hơn, khi lên lão và đến trọn cả cuộc đời.
1. Mục Cùng một tác giả trong sách Túp lều nát và Gặp lại một người bạn nhỏ tái bản năm 1999 cho biết: Nguyễn Đổng Chi là tác giả Kho sách bạn trẻ, truyện thiếu nhi, 5 tập, Vinh 1932-1933 và Yêu đời, truyện,Vinh, 1933 – Giải nhì báo Tiểu thuyết thứ hai. Từ năm sinh của người viết, tính nhẩm ta thấy những sáng tác đầu tay ấy chào đời khi tác giả “vừa đến tuổi công dân”. Theo dấu ấn thư tịch hiện có thì năm 1937 Nguyễn Đổng Chi 22 tuổi đã được dư luận khoa học nhân văn Pháp, Việt biết đến qua sách khảo cứu Mọi Kontum của hai tác giả Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi, do Mộng Thương thư trai xuất bản, Huế, 1937. Đặc biệt là, ở tuổi hăng hái nhất với lý tưởng của mình “trên đà tam thập”, Nguyễn Đổng Chi đã lập một kỷ lục trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam, có ý nghĩa mở đầu, có giá trị lịch sử lâu dài là công trình Việt Nam cổ văn học sử, Quyển I, Nhà xuất bản Hàn Thuyên, Hà Nội, 1942 (1).
2. Rất có thể là trước khi viết công trình nổi tiếng này, ông đã đọc hầu hết những dòng tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhà giáo có quan tâm đến nghiên cứu, phê bình văn học đương thời; hoặc ít ra là bản thân ông đã dấn thân yêu nghề bằng mọi giá, để nắm vững tinh thần học giới nhận thức về nền văn hóa dân tộc nói chung và văn học Việt Nam nói riêng. Đọc rộng, đọc tác phẩm văn học trực tiếp bằng Hán ngữ, Pháp ngữ và quốc ngữ đã truyền cảm, gợi mở những ý tưởng khoa học trong nếp tư duy của ông, khi chữ quốc ngữ đang nhanh chóng phát huy thế mạnh ở những thập kỷ đầu thế kỷ XX.
Giới học thuật lúc bấy giờ mới có một vài ý kiến tản mạn về lịch sử văn học Việt Nam, nhiều khi ý kiến còn gắn với vấn đề quốc học, chắc không vừa ý đối với tầm tri thức của Nguyễn Đổng Chi đang độ sung sức. Với con mắt tinh tường mẫn tiệp của một nhà nghiên cứu khoa học, với kho sách của ông từ Can Lộc mà khởi đi, ngày một ngày cứ đa dạng phong phú thêm mãi - rồi khi di chuyển theo bước đường sự nghiệp trên các chặng hành trình kháng chiến chống Pháp với “18 chum sách ngày xưa” ấy, cũng đã từng được lịch sử học giới nhắc đến - thì mục đích trước thư lập ngôn càng thôi thúc ông say mê làm việc. Mặt khác, thân sinh ông là Nguyễn Hiệt Chi đã từng được Nha học chính Đông Pháp giao cho cùng với Lê Thước soạn Hán văn tân giáo khoa thư (nhiều tập, xuất bản từ năm 1928), dùng làm tài liệu giảng dạy trong “Việt Nam tiểu học tùng thư”, thế nào cũng như một động lực xúc tác tới ý nguyện của ông.
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học hàng trăm năm, lại được tắm gội trong nền Tây học từng hội nhập hơn 60 năm vào đời sống văn hóa Việt, Nguyễn Đổng Chi có điều kiện tham bác để sớm nhận chân ra nhiều giá trị lâu bền trong lịch sử văn hóa Việt Nam truyền thống. Tuy nhiên, trong số không ít bộ môn chuyên ngành mà ông đã tham dự, có lẽ văn học Việt Nam đã bén duyên với ông nhiều hơn ở cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu, nhất là văn học cổ điển và văn học dân gian. Khởi nghiệp với những tập truyện ngắn và ký (bao gồm cả phóng sự và truyện ký), Nguyễn Đổng Chi đã khẳng định được khả năng trụ vững của mình; để rồi cái duyên văn tự ấy sẽ gắn bó với ông đến trọn đời: trung thực khi sử dụng tư liệu trong nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật và trau chuốt câu văn mượt mà, trong sáng trong quá trình viết văn. Đó là hai đức tính căn bản của một người cầm bút chân chính yêu nước, yêu nghề, thể hiện trách nhiệm trước lịch sử.
3. Nguyễn Đổng Chi là người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam theo tinh thần biện chứng duy vật lịch sử. Câu chuyện này cần phải nhắc lại ở đây bởi thời điểm Nguyễn Đổng Chi viết Việt Nam cổ văn học sử thì hầu hết các tác phẩm văn học Việt Nam còn trong nguyên bản Hán Nôm. Nhiều học giả đương thời khi luận bàn trên báo chí, sách vở, không coi sáng tác văn học của người Việt bằng chữ Hán là tác phẩm văn học Việt Nam. Vả lại về mặt bằng tri thức chung, cho đến giữa thế kỷ XX tình trạng “văn sử triết bất phân” vẫn còn ngự trị trên sách báo và tạp chí.
Vào khoảng trước kỳ thi học vấn Nho giáo cuối cùng năm 1918, Phạm Quỳnh đã viết: “Đến những nhà cựu học ngày nay không còn mấy nữa, nhưng còn người nào đều là người ôm cái chủ nghĩa chán đời cả. Trông thấy cái học cũ mỗi ngày một mòn mỏi đi, không thể cứu vãn được nữa, trong lòng những thương cùng nhớ, không hề xét đến tình thế tất nhiên, không hề nghĩ đến tiền đồ sự học, tựa hồ như quay mặt cả về dĩ vãng mà ngoảnh lưng lại với tương lai vậy.
Như thế thì cả quốc dân không hề lưu tâm đến cái vấn đề tâm huyết, là vấn đề chữ quốc ngữ, cả quốc dân không hề tự hỏi: một nước có thể không có quốc văn được không? Một nước muốn mưu sự sinh tồn tìm đường phát đạt, có thể đời đời học mướn viết nhờ mãi được không?
Đời trước đã lầm, đời nay phải biết tránh vết xe cũ mà đừng đi. Vì nước Nam ta xưa kia có được vài ba ông Nguyễn Du, năm bảy bà Thị Điểm, mấy cụ Bảng Đôn, mấy cụ Yên Đổ, thì chi mà quốc văn chẳng đã phong phú rồi, chi mà đến nỗi nghèo nàn như ngày nay!” (2)
Kết thúc “Tự ngôn”, Phan Kế Bính ở đầu sách Việt Hán văn khảo xuất bản năm 1930 có đoạn: “Ôi! Khoa văn chương là một khoa học rất cao, việc khảo cứu là một việc rất khó, ký giả tài sơ học thiển, đâu dám khoe khoang ngòi bút để mua thêm một trò cười cho các nhà đại phương. Song đương buổi này là buổi giao thời của tân cựu học giới, mai sau này tân học thịnh hành e có khi cái văn chương cựu thời cũng phải tiêu diệt. Văn chương ta tức là quốc túy từ mấy nghìn năm của ta, nếu để mai một theo cái tân trào mà tiêu diệt đi mất thì chẳng khá tiếc lắm ru? Bởi vậy, ký giả không tự lượng cái sức nhỏ mọn mà dám cả gan nghị luận đến đề mục to tát ấy, thực là một tấm lòng bất đắc dĩ vậy”(3).
Lại nữa, trong lời “Tựa” tập Quốc văn cụ thể (1937) của Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim đã viết: “Người mình từ đời Trần, đời Lê trở đi, nghề văn đã sành. Văn Hán tự chẳng kém gì người Tàu mà văn quốc âm thì có nhiều lối rất hay. Ấy là cái nền văn của ta đã có sẵn, mà cũng đủ lấy làm vẻ vang vậy.
Cái nền ấy của tổ tiên ta lưu truyền lại, ta nên gìn giữ lấy, rồi cố sức mà tô điểm cho tốt đẹp thêm.Văn chương của ta là cái tinh thần của dân tộc ta, cái tinh hoa của tiếng ta, dù ta có muốn sửa đổi thế nào nữa, ta cũng chưa dễ đã thoát ly được cái phạm vi các lối văn cũ. Là vì trừ lối văn xuôi ra không kể, còn lối văn vần, thì tất phải theo từ điệu và âm hưởng của tiếng nước ta mới làm được văn.
Tiếng nước ta là tiếng độc âm, không thể bắt chước những lối làm văn bằng tiếng liên âm được”(4).
Như vậy, Phạm Quỳnh kêu khó giữ lại được tinh hoa văn hóa truyền thống với một số tác gia Hán Nôm cự phách vì Nho học suy tàn. Phan Kế Bính cho rằng “khoa văn chương là một khoa học rất cao, việc khảo cứu là một việc rất khó”, sợ văn chương cổ bị tiêu diệt. Trần Trọng Kim kêu gọi “ta nên gìn giữ lấy, rồi cố sức mà tô điểm”. Dương Quảng Hàm biên soạn sách giáo khoa Quốc văn trích diễm (1924) cho các trường sư phạm và cao đẳng tiểu học đã “chọn trong mỗi thể văn lấy một vài bài đặc sắc, soạn sẵn bài giảng nghĩa để làm mẫu, không dám tự phụ rằng các bài ấy đã hoàn toàn, song gọi là phỏng theo lối bình giảng Âu Tây để giúp các giáo sư và học sinh châm chước đó mà biến hóa đặt để thêm ra”(5).
Trong khoảng 30 năm đầu thế kỷ XX, Đông Dương tạp chí in bản dịch Đại Nam nhất thống chí của Phan Kế Bính trên nhiều số, Nam phong tạp chí in Lĩnh Nam dật sử, cũng là biểu hiện bước đầu góp phần khôi phục di sản văn học cổ cận Việt Nam. Ý thức về một nền văn học có lịch sử phát sinh, phát triển và việc nghiên cứu, thẩm định giá trị nhiều mặt của các trào lưu, các xu hướng sáng tạo nghệ thuật dường như chưa có mấy người lưu ý tới. Trên tạp chí Hữu thanh năm 1924, Ngô Đức Kế viết Luận về chánh học cùng tà thuyết tranh luận với Phạm Quỳnh về Truyện Kiều, mở đầu cho một loạt bài tranh luận cùng đề tài trên Phụ nữ tân văn những năm sau.
Nhận thức rõ tình hình nghiên cứu văn học Việt Nam lúc đó còn nghèo nàn như các học giả từng lên tiếng ở trên, Nguyễn Đổng Chi tự giác gánh lấy trách nhiệm của mình, đúng vào thời khắc mà lịch sử đòi hỏi. Có lẽ còn băn khoăn nghi ngại, hay là thận trọng gìn giữ, nên ở “Lời nói đầu” cuốn sách, ông viết dè dặt khiêm nhường:
“Cái động cơ của tôi làm quyển sách này chưa hẳn là  ở chỗ chép sử văn học. Tôi còn muốn làm chức vụ người chứa đồ cổ, đi sưu tầm văn chương của tiền nhân, cái lớp người sống trước ta hàng thế kỷ trên giải đất Việt Nam này đã từng “cúi tai gài trốc” chịu bẹp dưới oai quyền của người Trung Hoa, lại đã từng phất cờ gióng trống chém Lưu Hoằng Thao, nhận chìm Ô Mã Nhi làm rực rỡ một góc trời phía đông châu Á.
Công việc của người xưa làm, lời của người xưa nói chẳng qua là những cái bóng tiếng vang của một thời. Phê bình lịch sử cũ, khen cái hay, chê cái dở có lẽ là một việc thừa. Lại nữa, lịch sử độc lập đến đầu thế kỷ XV thì bị cắt khúc. Từ nhà Hồ trở về trước và từ nhà Lê trở về sau, hai đoạn ấy cơ hồ không dính líu gì với nhau. Với một ngón cai trị độc ác người Minh đã hữu ý bôi đen lịch sử nước mình để cho tiện bề đồng hóa. Vì thế mà cái văn học cố hữu có nhiều chỗ đặc sắc ở thế kỷ thứ X cho đến thế kỷ thứ XV, kẻ hậu lai không được biết mấy nỗi nữa. Cũng vì thế cho nên quyển sách này chỉ giới hạn đến cuối nhà Hồ và chủ ý nhất là góp lượm những tài liệu tan tác ở mọi nơi không kể chữ Tàu hay tiếng ta, hay hay dở, đều trưng bày cho độc giả, tức là lớp người sinh sau được nghe thấy phảng phất một ít tiếng vang, cái bóng của người lớp trước vậy thôi”(6).
Với lý do các tác giả Việt Nam sáng tác bằng chữ Hán là văn tự vay mượn của Trung Hoa nên các tác phẩm ấy không phải là tác phẩm văn học Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu văn học chỉ chấp nhận các tác phẩm viết bằng chữ Nôm và các tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ. Song muốn đọc và viết bằng chữ Nôm thì điều kiện tiên quyết là người đó đã phải học và biết sử dụng thành thạo chữ Hán; vả lại chữ Hán cổ cũng có khá nhiều dữ kiện, giả thuyết chứng minh là có nguồn gốc Bách Việt (?). Cách đặt vấn đề khăng khăng phủ nhận sự hiện diện của nó trong văn học của người Việt rõ ràng là máy móc, hẹp hòi, không thuyết phục. Có người đồng tình, có người phản đối, nhưng chưa ai trực diện lên tiếng trên báo chi hay viết sách công khai.
Trước tình hình đó, Nguyễn Đổng Chi đã cầm bút tiên phong, ông viết cả một công trình khoa học sắc sảo Việt Nam cổ văn học sử để chứng minh rằng, văn học Việt Nam thời Cổ trung đại bao gồm cả những thành tựu sáng tác của cha ông ta bằng chữ Hán Nôm. Đó là quyết định duy nhất đúng. Nếu không trân trọng ghi nhận thành tựu văn học viết bằng chữ Hán thì mặc nhiên người nghiên cứu đã nhắm mắt bỏ qua những áng văn bất hủ như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, v.v... trong lịch sử văn học Việt Nam. Cũng vậy, cho đến thời hiện đại Bản án chế độ thực dân Pháp viết bằng tiếng Pháp, Nhật ký trong tù viết bằng chữ Hán của Hồ Chí Minh, nếu không coi là tác phẩm văn học Việt Nam thì hẳn khó lòng chấp nhận được, dầu bằng bất kì luận cứ nào!
4. Việt Nam cổ văn học sử được thai nghén trong hoàn cảnh dư luận còn tranh luận nan giải như thế. Nguyễn Đổng Chi đã vượt qua tất cả, “lượm những tài liệu tan tác ở mọi nơi không kể chữ Tàu hay tiếng ta” tiên quyết đặt vấn đề nghiên cứu theo cách nhìn nhận mới. Chắc chắn về lôgic lịch sử. Tư liệu khoa học để chứng minh rõ ràng sáng tỏ. Ý kiến dứt khoát và mạch lạc. Trong quá trình thao tác từng công đoạn để hoàn thiện công trình, tác giả phải tự mình đặt ra định hướng nghiên cứu độc lập, đọc và cảm thụ tác phẩm từ nguyên bản, sưu tầm, dịch thuật được tinh lọc ở trình độ tinh tế, sao cho hàng loạt các tác phẩm văn chính luận, cáo văn, hịch văn, thơ ca… được giới thiệu, trích dẫn có giá trị thuyết phục. Ưu điểm nổi trội là cách trình bày cô, gọn, chỉ một vài chữ tóm đúng thần thái của đối tượng, việc phân tích vào từng trào lưu, thể loại, tác giả, tác phẩm… đều không giảng giải dài dòng.
Năm chương đầu của Việt Nam cổ văn học sử là:
Chương I – Gốc gác người Việt Nam; tr.33-39
Chương II – Cỗi rễ tiếng Nam; tr.40-46
Chương III – Chữ viết đời thượng cổ; tr.47-50
Chương IV – Tư tưởng học thuật nước Tàu buổi quá khứ; tr.51-58
Chương V – Triết lý tôn giáo Ấn Độ buổi quá khứ; tr.59-75
Cấu tạo của cả cuốn sách gồm 11 chương mà năm chương đầu lại là những vấn đề dân tộc học, ngôn ngữ học, triết học… nếu tác giả dàn dựng không khéo thì thật là miên man. Song với cái nhìn góc cạnh phân minh, Nguyễn Đổng Chi viết cả 5 chương ấy rất vắn tắt; chỉ có 30 trang trên tổng số 450 trang, chiếm 1/15 của cuốn sách. Có thể nghĩ, tác giả quan niệm rằng muốn dẫn nhập độc giả hướng vào tiến trình lịch sử văn học Việt Nam - dù là văn học viết của năm thế kỷ - những tri thức cơ bản sơ lược về các ngành khoa học xã hội khác đều cần được trang bị hỗ trợ. Quan điểm “văn sử triết bất phân” của thời đại ảnh xạ rất rõ vào phương pháp nghiên cứu của tác giả là thế đấy. Cái chính là liều lượng, bởi hơn ai hết Nguyễn Đổng Chi đã từng viết sách dân tộc học, đã từng dịch sách Hán Nôm, đã từng tiếp xúc khá nhiều với tác phẩm lịch sử triết học phương Tây.
Quả thật trong lịch sử văn hóa Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, thế hệ các nhà Nho là văn sĩ phần đông còn mang nặng quan niệm bảo thủ, tin vào thần thánh, cực đoan với lý thuyết “cửa Khổng sân Trình”, không mấy ai có được cái nhìn duy vật như Phan Kế Bính lớp trước và Nguyễn Đổng Chi ở lớp sau.
Năm chương cơ bản của Việt Nam cổ văn học sử là:
Chương VII – Từ đời cổ đến Sĩ Nhiếp; tr.76- 95
Chương VIII – Ngô, Đinh, Lê (930-1009); tr.96-111
Chương IX – Lý (1010-1225); tr.112-153)
Chương X – Trần (1225-1380); tr.154-370
Chương XI – Hồ (cầm quyền 1380-1399, làm vua 1400-1407); tr.370-435
Đó mới chỉ là Quyển I của bộ sách – theo “Lời nói đầu” của tác giả. Song người đọc đã lĩnh hội được gần như trọn vẹn những phát kiến khoa học của Nguyễn Đổng Chi. Hai quyển sau, nếu như có được, là dạng sách tinh tuyển tác phẩm, giới thiệu tác giả để minh chứng cho những luận điểm khoa học của người viết ở Quyển đầu. Chú thích 2, trang 68 của Chương I ghi: “Xem chương Thơ văn hoài nghi ở Việt Nam cổ văn học sử, Quyển III”. Vậy có thể là bản thảo Quyển II và III cũng đã có mà bị thất lạc khi chưa kịp in, giới nghiên cứu và gia đình may ra có thể tìm lại.
Quan trọng hơn cả là sau một thành tựu nghiên cứu được công bố rộng rãi, những kết luận khoa học của đề tài sẽ làm thay đổi những nhận thức đã thành nếp trước đó và có tác dụng tích cực ngay đương thời và lâu dài cho một định hướng đúng, phù hợp với qui luật lịch sử phát triển của văn học.
Bắt sang chương VIII, nhận định về văn học Việt Nam thời Ngô Đinh Lê, Nguyễn Đổng Chi viết: “Về tản văn ta đã thấy dùng ở triều đình trong những thư từ qua lại với thơ Tàu cùng những sớ tấu chiếu biểu việc quan”(7). Về các tác giả thơ ca thì “Lời thơ ca đã uyển chuyển và thanh nhã. Đỗ Thuận và Ngô Chân Lưu đời [Tiền] Lê đã được lời khen của Lê Quý Đôn rằng: “câu thơ của sư Thuận sứ nhà Tống phải kinh dị, điệu ca của Chân Lưu đã nổi tiếng một thời”, mà Phạm Quỳnh cũng có nói: “Những câu thơ Hán Việt hồi đầu đó, tưởng cũng không phải là lối văn chương non nớt gì”(8). Dòng văn học tôn giáo, ở đây là Phật giáo, thì “trong phái Thiền tôn có nhiều người nghiên cứu về sấm vĩ và thường dùng lối văn vần ngăn ngắn, ở trong chiết tự tên người và nói kín những việc sẽ xảy ra”(9). Và đặc biệt khi đề cập đến văn vần quốc âm thì: “Những câu ca dao, tục ngữ, chuyện hát, ngày càng chứa chất thêm và thể thức tiệm có quy củ. Tục ngữ thì từ một câu ba chữ cho đến mươi mười lăm chữ, có hạng không vần, cử lệ những câu:
Không khảo mà xưng
Nước đến chân mới nhảy
Có hạng có vần, như:
Con dại cái mang
Ăn nên đọi nói lên lời (vần liền)
Tháng năm chưa nằm đã dậy.
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà quản tượng cưỡi voi bành vàng (vần lưng)
Sông có khúc người có lúc
Tham thì thâm (vần chân)
Đều là những câu dạy người đời về thường thức luân lý cả.
Về chuyện hát dài thì ngoài chuyện hát ái tình ta còn nhận thấy những chuyện hát chúc tụng trong những ngày tết lễ, như hát sắc bùa, hát mời rượu, hát bơi chải, hát hội đèn, v.v. đều bằng tiếng nước nhà, thường thường là lời chúc tụng vua quan”(10). Những nhận định vắn tắt như vừa dẫn là những phác họa đủ sáng rõ và chừng mực đối với “buổi khai mạc” nền văn học viết thời tự chủ của văn học Việt Nam.
5. Đặt vấn đề nghiên cứu sự phát triển của các thể loại văn học, Nguyễn Đổng Chi bước đầu đã tìm ra một lối đi mới, cho dù những đề xuất ấy không thể là duy nhất đúng tất cả đến ngày nay, nhưng ở thời điểm ông viết Việt Nam cổ văn học sử thì câu chuyện này là rất mới, chưa có tiền lệ. Có vị hủ nho còn cho lời hát dân ca là “xướng ca vô loài”, trong khi Nguyễn Đổng Chi lại nâng niu ghi nhặt. Ý tưởng khoa học về dân ca, trong sách Hát dặm Nghệ Tĩnh (11) còn được ông xem là món ăn tinh thần, không kém phần quan trọng so với nhu cầu văn hóa ẩm thực của con người. Ông viết:
“Trong đám văn vần của rừng văn Việt Nam hiện nay có thể chia làm ba hạng:
Một hạng vốn nguồn gốc tự nước nhà sản xuất như điệu lục bát, song thất lục bát, hát ả đào cùng các lối hát do điệu lục bát sinh ra như hát chèo, hát xẩm, hát đò đưa, trống quân, sa mạc, v.v...
Một hạng mượn khuôn mẫu của văn Tàu bắt đầu từ Hàn Thuyên và Nguyễn Sĩ Cố ở thế kỷ thứ XIII như các điệu bát cú, tứ tuyệt, thất ngôn, ngũ ngôn, cổ thể, phú, tứ lục, v.v.
Hạng thứ ba pha lẫn cả giống Tàu và Ta như điệu phán tuồng, thét nhạc, phú lục, v.v. và lai giống Tây như phần nhiều điệu “thơ mới” mới phát hiện gần đây”(12). Sau vài ba trích dẫn nữa, Nguyễn Đổng Chi khẳng định: “Văn học dầu là văn học nhi đồng cũng đều có ảnh hưởng đến xã hội và nghệ thuật không nhiều thì ít. Phương chi trong đó có nhiều điệu hát mà cách đây hàng thế kỷ các bậc tiền nhân mình đã có kẻ dùng để vẽ những bức tranh thời sự hoặc để bày tỏ mối cảm tình. Câu hát tuy ở miệng trẻ con đọc, nhưng đặt ra nó chính là do những bình dân đứng tuổi, có khiếu riêng về văn vần lại từng trải đời mới làm được”(13).
Ý thức nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam trong quan hệ thể loại, ở phần văn chương thời Lý sách Việt Nam cổ văn học sử, Nguyễn Đổng Chi lưu ý đến thơ ca của các Thiền sư: “Thi sĩ đời này hầu hết là tín đồ của Thích Ca, vì vậy cho nên giọng thơ có vẻ siêu nhiên thoát tục mà câu thơ thì rất cổ áo. Một vài thiền sư còn để lại ít bài chứa đầy những triết lý cao thượng. Cũng có số ít nhà chỉ cốt đạt tư tưởng chứ không ngó tới niêm luật gì cả”(14). Ông cũng nói đến tạp văn: “trừ lối phú ra thì các lối văn bia, văn phổ khuyến, minh, khánh, tán, v.v. đều làm bằng biền ngẫu, sản xuất nhiều lắm”(15), đến văn hịch: “Thể văn hịch dùng vào việc quân đã thấy tiến bộ. Các vua chúa, đại tướng thường mượn đó để hoặc tuyên bố trong đám quân mình hay bên quân địch”(16). Thâu tóm hầu hết số tác gia tác phẩm tiêu biểu thời Lý, dưới góc độ thể loại, ông nhận định: “Ngoài các lối văn chia từng thể loại kể sau đây, trong các tác phẩm của phái tăng lữ ta có thấy một bộ Tăng gia tạp lục có lẽ là một quyển tùy bút hay nhật ký của sư Viên Thông. Chỉ tiếc rằng bao nhiêu sách vở đều thất truyền nên không được rõ thế nào cả”(17).
Nối mạch phát triển văn học thời Trần, Nguyễn Đổng Chi gọi Việt điện u linh là văn tiểu thuyết: “Quyển Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên và quyển Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (?) đều biên chép các thần thoại cổ tích truyền tụng trong dân gian và ở các dã sử. Ấy là những đoản thiên tiểu thuyết có tính cách thần quái, hay là những chuyện lịch sử thêm lời bịa đặt gần giống như lịch sử tiểu thuyết”(18). Và “sau hết ta còn thấy lối tiểu thuyết viết bằng văn vần. Lê Quý Đôn có sưu tầm được một bài Chiếc giày thơm của vô danh trong Toàn Việt thi lục.
Đây là kiểu mẫu của một lối tiểu thuyết trữ tình và dùng thuyết tiền định làm kết luận”(19).
Rồi còn có văn ngụ ngôn: “Lối văn ngụ ngôn khởi điểm tự đời Lý là do lối văn thí dụ (avadana) trong Phật học mà ra. Khi vua Lý Thái Tông sai sứ triệu sư Huệ Sinh về kinh, sư đáp với sứ giả rằng: “Ngươi hãy xem một con vật để làm cỗ cúng. Đi theo dây lụa, được nuôi rau cỏ ngon. Kịp khi dắt vào nhà Thái miếu dẫu muốn sống lâu cũng không thể được, huống gì vật khác”. Tuy vậy văn ấy cũng không có mấy nỗi.
Đời Trần văn ấy thịnh hơn. Tướng Trần Khánh Dư khi bị vua Nhân Tông trách về tính tham lam đáp một câu rằng: “Tướng là con diều, quân là con vịt, lấy vịt nuôi diều có quái lạ gì”(20). Sau khi dẫn một ngụ ngôn nói về quan hệ Việt – Chăm, tác giả viết tiếp: “Cuối đời Trần có thơ vịnh thập cầm của Trần Nguyên Đán ý bảo Thượng hoàng Nghệ Tông gửi gắm con cháu cho Hồ Quý Ly là một việc mà kết quả trái ngược. Trong thơ còn truyền có câu:
Gửi con cho bác quạ già,
Biết là bác quạ thương là chẳng thương.
Bên văn Việt ngữ có chuyện Trê Cóc (?). Đây là một vài bài văn dài không có tên người làm, nói con cóc đi kiện cá trê vì nó nhận gian mất con. Quan phủ bắt trê, vợ trê phải đút lót cả quan nha. Đến khi nha lại về khám làm biên bản nói những con nòng nọc giống trê như hệt, cóc phản tọa lại bị giam, vợ cóc đi tìm thầy kiện là nhái bén […] Nhưng vợ cóc lại muốn tranh thi, chờ cho nòng nọc đứt đuôi tìm về, bấy giờ mới đưa đơn lên trình. Trê bị tra tấn thú thực, liền bị đày. Về phần cóc được kiện, nhưng không khỏi lễ tạ khắp nơi, vì:
Bước ra khỏi chốn cung đường
Thông Chiên giật lễ; đề Tôn cướp tiền.
Ôm đầu vỗ vế ngả nghiêng
Kẻ đòi hồ rượu, người xin bao chè.
Đại để là một bức tranh vẽ cảnh kiện cáo vô ích và quan lại tham nhũng” (21).
Đưa Truyện Trê Cóc vào Việt Nam cổ văn học sử, Nguyễn Đổng Chi căn cứ vào Bùi Huy Bích. Ông có đánh một dấu hỏi nghi ngờ và chú thích rõ: “Bùi Huy Bích cho quyển văn này [Trê Cóc] do một gia khách ở nhà Trần Liễu làm ra, ám chỉ vào việc vua Thái Tông cướp chị dâu trong khi có mang, lấy con anh ở trong bụng mẹ làm con mình. Họ Bùi lấy bốn chữ “đoạt nhân thủ tử” làm định án”(22). Chứng tỏ, việc xác định Truyện Trê Cóc sản sinh vào thời điểm nào vốn đang là phân vân của nhà văn học sử, nhưng ông vẫn đặt niềm tin ở lời thẩm xét xem ra không phải không có lý của một học giả có tiếng là uyên bác ở thế kỷ XVIII. Hơn nữa, việc giới thiệu thể loại ngụ ngôn Việt Nam đã có một vị trí đáng đề cập trong lịch sử văn học thời này là điều có thể chấp nhận. Thêm vào đấy, cách lý giải của Nguyễn Đổng Chi giúp ta nắm được hai đặc điểm: 1. Tác phẩm ngụ ngôn thời Trần, Hồ, Lê… thường khuyết danh; và 2. Hình thức thể hiện cùng nội dung phản ánh bộc lộ vốn kiến thức bác học và dân gian hòa quyện nhuần nhuyễn trong văn phong người viết. Câu chuyện được nhà học giả phân tích, lập luận từ những năm bốn mươi của thế kỷ XX mà đến nay, và có lẽ là còn lâu hơn nữa, vẫn còn giá trị khả thủ.
Trong mục Thơ ca và thi xã thời Trần, tác giả cho rằng: “chỉ có món thơ là phát đạt hơn cả. Hai phần ba các sách trước tác đều là thi tập. Ngoại giả mỗi nhà có một ít bài lưu truyền thì nhiều lắm không thể kể xiết” (23). Nhằm phân tích sâu hơn về các vẻ đẹp khác nhau của từng nhóm sáng tác, tác giả đã chia nhỏ thành: – Lối thơ nhàn tản là do “hấp thụ lấy văn hóa Tàu và Ấn Độ lại nặng lòng về chủ nghĩa thiên nhiên nhiều”(24), như Trần Quang Triều (1287 – 1325), Trần Quốc Tảng (1252 – 1313), Nguyễn Xưởng (? – ?), Mạc Đĩnh Chi (1272 (?) – 1346), Phạm Tông Mại (? – ?), Trần Quốc Toại (? – ?)…; – Lối thơ cao siêu “có nhiều khí vị mới mẻ khác hẳn với làng thơ đương thời”(25) của sư Huyền Quang ((?) – 1334), “lời thơ sáng suốt u dật… nhàn nhã…tự tại”(26) của Chu An; – Lối thơ cảm khái “cảm khái thời thế, ẩn mà không quên việc đời”(27) của Trần Nguyên Đán (1325 – 1390)… ; – Lối thơ hùng tráng “khảng khái chan chứa một tấm lòng thương nước thương nòi, lời lẽ mạnh mẽ, đời trước chưa từng biết mà đời sau cũng không bao giờ bằng”(28), như của Trần Quang Khải (1241 – 1294), Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320), Trần Nhân Tông (1257 – 1308), Trần Minh Tông (1301 – 1358), Trần Nghệ Tông (1321 – 1394), Phạm Sư Mạnh (? – ?); – Lối văn khôi hài và trào phúng như của Nguyễn Sĩ Tố [Cố] (? – ?), Đoàn Nhữ Hài (? – ?), Nguyễn Công Phụ (? – ?) “có một vẻ cười cợt ở trong giọng thơ”(29); – Lối thơ vịnh sử “mới [xuất] hiện, nên chỉ có ít mà phần nhiều là những bài vịnh sử Tàu”(30), của Trần Anh Tông (1276 – 1320), Trần Dụ Tông, Trần Lôi (? – ?)…; – Lối thơ sứ trình “hào mại, trong trẻo u dật có cái khí cách Đỗ Lăng”(31) của Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370), Phạm Sư Mạnh (? – ?), hoặc của một sứ giả khuyết danh đến Tây hồ (Hàng Châu) đề thơ còn “có khí vị lạ hơn”(32); – Lối thơ thù phụng “dùng trong sự thù tạc giao tế… nhất là xướng họa đối đáp với sứ Tàu”(33), như thơ của các vị vua Trần Thái Tông, Trần Minh Tông hay các trọng thần Trần Quang Khải, Phạm Sư Mạnh; – Loại văn biền ngẫu: có phú: “Phú đời Trần…lạ kỳ hùng vĩ, lưu loát, tốt đẹp”(34) của Mạc Đĩnh Chi và nhất là Trương Hán Siêu với “bài phú sông Bạch Đằng tả hai chiến công lừng lẫy của Ngô Quyền và Trần Quốc Tuấn ở trên sông ấy”(35), lại còn cả “phú quốc văn… cũng đã xuất hiện. Người sáng thủy ra nó là Nguyễn sĩ Cố”(36); có biền văn trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông “tả cảnh, tả tình, lý thuyết, đều đẹp đẽ, giản dị, như nói suôn một hơi mà đối chọi chan chát. Tác giả có một ngòi bút tả chân sắc sảo, đáng kể là đứng đầu phái tả chân ở thời ấy”(37).
Cách phân chia tiểu mục và điểm xuyết một vài ý rất kiệm lời như trên có thể nói là đã thấu triệt được tinh thần của các thể loại văn học thời cổ. Nguyễn Đổng Chi còn nhắc thêm thể câu đối gọn trong vài dòng và đặc biệt dành ba mục riêng cho: 1. “Văn chương phái ở ngoại quốc”, như Trần Ích Tắc, Trần Tá Viên, Lại Ích Quy, Lê Trắc “hầu hết là những lời thù phụng, đạp gót giày vào người bản quốc để tôn trọng người nước mình hàng”(38) (tuy vậy ông vẫn không quên dẫn kèm hai loại ý kiến đánh giá tương phản về văn phái này nhằm giúp bạn đọc cân nhắc); 2. “Ngọn cờ tiên phong của văn học quốc âm: Hàn Thuyên” (có phụ thêm Nguyễn Sĩ Cố và nàng Điểm Bích trong Tam tổ thực lục), với một nhận xét chung, nghiêm túc mà vẫn ưu ái: “cây quốc văn dẫu bị cây Hán văn to lớn “cớm” không xanh tốt, nhưng cũng còn giống truyền nối cho đến ngày nay” (39); và 3. “Thơ ca bình dân”: “Các lối phong dao tục ngữ - cùng câu đố - đến đây đã thịnh hành lắm. Người ta phô diễn ra nhiều lối mà thông dụng nhất là lối tượng trưng cùng khôi hài và trào phúng” (40).
Có thể nói, Việt Nam cổ văn học sử thâu tóm tất cả mọi giá trị tinh hoa của cả hai dòng văn học dân gian và bác học, đã được cha ông ta ghi chép lại hoặc sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm từ các nguồn tư liệu có sớm cho đến những năm đầu thế kỷ XV, mở ra một hướng nghiên cứu rất mới, độc sáng so với đồng đại. Hơn bảy thập kỷ đã qua đi, nhưng những đóng góp quan trọng về phương pháp luận của học giả Nguyễn Đổng Chi vẫn còn nguyên giá trị. Những dòng văn học, thể loại văn chương, nhóm xu hướng sáng tác, bộ phận tác phẩm của người Việt sống ở nước ngoài…đều được ông xem xét dưới góc độ nghệ thuật sáng tạo ngôn từ, đặng tìm ra những điểm sáng về tư tưởng chủ đề và nội dung phản ánh, tinh thần yêu nước và những nét đẹp hồi quang từ cuộc sống. Không kể lể rườm rà, chú trọng chứng lý hơn bình +giảng, cách viết đúng phong cách văn học sử.
6. Cuối những năm năm mươi của thế kỷ trước, sau khi Ban nghiên cứu Văn sử địa được thành lập (1953), nhóm tác giả Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan trong Ban Văn đã “biên soạn một bộ lịch sử văn học Việt Nam” (41) và “bắt đầu bằng công tác nghiên cứu và phê bình các tác phẩm văn học thành văn hay truyền miệng xưa và nay, nhất là các tác phẩm văn học xưa” (42). Vậy là đúng mười lăm năm sau khi xuất bản Việt Nam cổ văn học sử Nguyễn Đổng Chi lại trở thành một trong bốn tác giả sách Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam gồm năm quyển. Quyển I in xong ngày 25 tháng 11 năm 1957; Quyển V in xong ngày 15 tháng 7 năm 1960 và có phụ chú là trọn bộ. Lời nói đầu ở Quyển I nêu rõ ba đặc điểm lớn của lịch sử văn học Việt Nam là: 1– Văn học Việt Nam có một bộ phận quan trọng là văn học truyền miệng; 2– Trong văn học Việt Nam có một bộ phận là văn học chữ Hán; 3– Văn học Việt Nam giàu tính chất chống xâm lăng (43). Xem vậy, mặc dù cuối bài ký tên cả nhóm, nhưng rõ ràng ba đặc điểm trên đã được Nguyễn Đổng Chi thể hiện cụ thể trong Việt Nam cổ văn học sử trước đó 15 năm. Dĩ nhiên do sự phân công trong một cấu trúc mới về nhân sự, vả lại yêu cầu công việc thì quá lớn và thời hạn hoàn thành quá gấp (1957-1960) cũng không cho phép Nguyễn Đổng Chi gánh vác nhiều hơn. Tuy nhiên, kiểm lại trong toàn bộ sách, Nguyễn Đổng Chi vẫn là người đảm nhiệm số trang và khối lượng tác giả tác phẩm nhiều hơn cả. Cụ thể những phần ông viết trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam bao gồm:
– Quyển I, Ngôn ngữ văn tự và văn học truyền miệng. Mục I trong Phần thứ Hai: “Văn học truyền miệng” (tr.75-135).
Sau mấy dòng giới thuyết, Nguyễn Đổng Chi tiểu kết:
“Về nội dung, văn học truyền miệng phản ánh các hình thái đấu tranh xã hội, đấu tranh chống ngoại xâm, và nhất là thể hiện những tư tưởng nhân văn chủ nghĩa lành mạnh và trong sáng.
Về hình thức, văn học truyền miệng bao gồm nhiều loại truyện, nhiều loại ca dao, dân ca, v.v. đại khái ta có thể chia làm ba loại lớn:
1) – Loại truyện gồm có truyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện tiếu lâm, truyện khôi hài.
2) – Loại văn vần gồm có tục ngữ, ca dao, dân ca.
3) – Loại nghệ thuật sân khấu, như hát tuồng, hát chèo, hát cải lương. Nhiều vở hát tuồng, hát chèo, hát cải lương xuất hiện trong dân gian, không rõ tác giả, chưa biết xuất hiện vào thời nào. Lại có mấy lối hát chèo và cải lương chứa đựng nhiều điệu nhạc dân gian, nhiều điệu dân ca”(44).
– Quyển II, Từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XVII. Có ba phần Ba, Tư, Năm thì ở Phần thứ Ba Từ thế kỷ XV trở về trước, Nguyễn Đổng Chi đảm nhiệm mục IV “Nói chung về tình trạng văn học chữ Hán” và mục V: “Văn học chữ Hán”, gồm: A. Loại sử và truyện, và B. Loại thơ văn. Ở Phần thứ Tư Từ thế kỷ XV đến hết thế kỷ XVII, ông đảm nhiệm một nửa mục A:  “Loại văn học tiêu biểu tinh thần yêu nước và ý chí hòa bình”, gồm Lam Sơn thực lục, thơ văn ca tụng cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, Việt giám vịnh sử thi tập, Phùng công thi tập và Mai lĩnh sứ hoa thi tập; toàn bộ mục B: “Loại văn học ca công tụng đức phong kiến”; toàn bộ mục C: “Loại văn học ca tụng thiên nhiên nhàn tản”; và toàn bộ mục D: “Loại truyện” (tr.108-168).
Ông đánh giá vị trí của văn học chữ Hán trong suốt chiều dài lịch sử: “cũng có nhiều màu nhiều vẻ: có khuynh hướng thỏa mãn với hiện thực, có khuynh hướng yêu nước chống thù, có khuynh hướng uất ức bất bình đối với hiện trạng xã hội, có khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, nhưng đại để là mang ý thức tư tưởng của giai cấp phong kiến, đề cao chế độ phong kiến” (45).
Và đó là nền văn học “sống rất dai dẳng trong khi bên cạnh nó văn học tiếng Việt đã phát triển mạnh” (46), nhờ được “không khí sùng thượng chữ Hán kéo suốt một thời gian khá dài trên lịch sử” (47) nâng đỡ, kể từ bước sơ khai với “Lý Tiến hay Khương Công Phụ” dưới thời Bắc thuộc “không đủ để cho ta đánh dấu được hình dáng của một nền văn học đã mở đầu từ đấy”(48), “cho đến đầu thời Pháp thuộc, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, v.v... vẫn có thói quen sử dụng ngòi bút lông xen vào việc dùng ngòi bút sắt.
Độc giả phần chữ Hán của họ tuy chỉ giới hạn trong tầng lớp trí thức Hán học, nhưng không phải vì thế mà những tác phẩm Hán văn này kém giá trị” (49), trái lại, chúng “vẫn có một tác dụng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc” (50), tuy rằng đến 1917, thực dân Pháp bỏ hẳn thi cử và giáo dục bằng chữ Hán, “cũng là bắt đầu thời kỳ nền văn học chữ Hán chấm dứt ở Việt Nam” (51). Và “câu thơ của thi sĩ Trần Tế Xương: “Nào có ra gì cái chữ nho - Ông nghè ông cống cũng nằm co” đã xác nhận sự kết thúc cái địa vị độc tôn của chữ Hán, đồng thời cũng gián tiếp xác nhận sự kết thúc của một nền văn học chữ Hán” (52).
Theo Nguyễn Đổng Chi, trong vòng một nghìn năm, văn học chữ Hán có nhược điểm và ưu điểm của nó. Do “đức tính khiêm tốn” của nhà nho không muốn lưu bút tích của mình lại cho hậu thế, do điều kiện “in ấn khắc bản rất khó khăn đắt đỏ”, do bị “ngoại xâm” và “nội chiến” thiêu hủy nhiều phen (“Trương Phụ còn vơ vét đưa về Kim Lăng”), rồi “bao nhiêu lần thay đổi triều đại, lại nạn hỏa tai, nạn lụt lội, nạn mối mọt, v.v...” (53) nên tuy nhà văn các thời đại sáng tác rất nhiều, nhưng thơ văn của họ không giữ lại được bao nhiêu, lại bị lẫn lộn, bị thêm thắt sửa chữa qua các đời, và “không có cái may mắn như các nhà viết sách trong thời đại gần đây: tư tưởng và tình cảm của tác giả chỉ trong một thời gian rất ngắn đã có thể đến ngay với độc giả”(54). “Về hình thức thì tác phẩm thường là ngắn, đơn giản mà nội dung có tính chất sơ lược, nhằm phục vụ nhãn tiền hơn là lâu dài… Trong nhiều thi văn tập có một số thơ văn chỉ có ý nghĩa là thứ thơ văn thù tạc”(55). Lại còn do “cái tệ khuôn sáo, cái bệnh bắt chước Trung Quốc” , “lấy sự bằng được với nhà văn Trung Quốc… làm mãn nguyện”(56), khiến cho “văn học Trung Quốc vẫn gián tiếp kìm hãm văn học chữ Hán Việt Nam về mặt sáng tạo”(57). Dầu sao, nếu nói “nghệ thuật của văn học chữ Hán không đại chúng và cố nhiên là không dân tộc”(58) thì “về nội dung nó cũng phản ánh được tình trạng sinh hoạt của xã hội đương thời trong từng thời kỳ trên lịch sử. Một số tác giả trong đó tuy xuất thân phong kiến nhưng tư tưởng của họ có phần nào hướng về nhân dân, Tổ quốc, cho nên những lời phát ngôn của họ biểu lộ sự bất mãn với hiện thực, biểu lộ tính chất đấu tranh hoặc tích cực hoặc tiêu cực đối với tập đoàn thống trị đương thời. Giá trị của nền văn học chữ Hán chủ yếu là ở đó”(59). Nhận định của Nguyễn Đổng Chi cơ bản là đúng đắn nhưng có hơi nghiêm khắc, bỏ qua nghệ thuật mà nặng về nội dung. Phải chăng lúc này đang giữa hồi “cuộc tranh luận về vị trí của văn học chữ Hán trong văn học sử dân tộc” chưa ngã ngũ (1955-1956) làm cho ông cũng phải ít nhiều dè dặt? Tuy vậy, đi sâu vào từng phần, ở từng thời đại cụ thể, thì ý kiến của ông lại rất cởi mở, tường minh.
– Quyển III, Thế kỷ XVIII. Nguyễn Đổng Chi viết mục IV trong Phần thứ Hai: “Văn học dân gian: Vè và truyện anh hùng của nhân dân” (tr.165-171) là những sáng tác “đã dựa vào sự tích của các anh hùng nông dân rồi hoặc lý tưởng hóa hoặc hoang đường hóa một phần nào để xây dựng nên truyện. Nghệ thuật của họ tuy đơn sơ mộc mạc như nghệ thuật truyện cổ tích nhưng cũng khá hấp dẫn, phong phú về hình tượng”(60).
Ông cũng viết toàn bộ Phần thứ Ba: “Văn học chữ Hán” với Nhận xét chung và các mục A – Truyện ký: Truyền kỳ tân phả; Lê Hữu Trác và Thượng kinh ký sự; Hoàng Lê nhất thống chí; Vũ trung tùy bút; Sự phát triển của sách truyện ký (Công dư tiệp lý, Lan Trì kiến văn lục, Tang thương ngẫu lục, Sơn cư tạp thuật); và B – Thơ phú tạp văn: Các nhà thơ trước khởi nghĩa Tây Sơn (Ngô Thì Ức, Đặng Trần Côn và Hồng Liệt bá, Nguyễn Cư Trinh, Chiêu Anh các, Phạm Nguyễn Du và Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn); các nhà thơ ở cuối thế kỷ XVIII (A. Khuynh hướng phê phán hiện thực: Nguyễn Thiếp, Ngô Thế Lân, Nguyễn Du; B. Khuynh hướng lạc quan: Ninh Tốn, Vũ Huy Tấn, Phan Huy Ích; C. khuynh hướng bảo thủ bi quan: Trần Danh Án, Phạm Quý Thích, Nguyễn Hành, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án) (tr.175-296).
Nhìn qua cũng thấy, các gương mặt tiêu biểu của văn học thế kỷ XVIII đều tập trung ở phần viết của Nguyễn Đổng Chi. Ông nhận định: “Thế kỷ này là thời kỳ phồn vinh của một nền văn học dân tộc. Biết bao hoa thơm cỏ lạ đã “đua nở” trong thế kỷ này làm rực rỡ vườn hoa văn học của chúng ta. Và nó cũng đóng góp với văn học dân tộc khá nhiều tác phẩm văn học có giá trị” (61). Ông nêu lên 3 đặc điểm tiêu biểu: 
1. “Cái buồn của thời đại qua văn học chữ Hán”; 
2. “Tính chất trữ tình của văn học chữ Hán”; và 
3. “Tính chất hiện thực trong sáng tác [văn học chữ Hán]”. Ông nhấn mạnh đến sự bùng phát của văn học chữ Hán chữ Nôm thuộc nửa nước phía Nam, tính đồng dạng và so le về phương cách và chiều hướng phát triển của bộ phận văn học này so với văn học phía Bắc: “Không những văn học đua nở ở Đường Ngoài mà còn bắt đầu nẩy chồi trổ hoa ở Đường Trong… Văn học ở Đường Trong phát triển hơn trước. Chữ Hán một mặt được truyền từ Bắc vào, một mặt trực tiếp truyền từ Trung Quốc sang. Trong khi kinh dinh đất nước họ Nguyễn sẵn sàng thu dụng những nhân tài đất Bắc cũng như ở Trung Quốc vì bất đắc chí với triều đình phong kiến của xứ sở mà tìm đến đây… Và những người này đã đẩy dần phong trào Nho học và công việc sáng tác nôm cũng như Hán ở miền Nam. Cũng như miền Bắc, ở đây cũng có những dòng họ phong kiến nổi tiếng văn học, sản sinh nhiều tác gia, như dòng họ Nguyễn Đăng ở làng An Hòa (Thừa Thiên bây giờ)”(62). Ông không quên một hiện tượng đột xuất là sự xuất hiện các cây bút nữ đã gây những âm hưởng lạ trên văn đàn: “Lúc này, người phụ nữ theo đuổi bút nghiên đã mạnh dạn viết sách làm văn. Ngoài Hồ Xuân Hương, ta còn thấy Đoàn Thị Điểm bút danh là Hồng Hà nữ sĩ, một nữ sĩ Hán học nổi tiếng trong nước. Ngoài ra còn có Đặng tiểu thư, một nữ thi sĩ ở Thăng Long mà Lê Hữu Trác có nhắc đến trong tập du ký của ông. Ở Đường Trong có nữ sĩ Phạm Lam Anh sáng tác khá nhiều thơ cả Hán lẫn nôm, từng cùng chồng xướng họa chép nên bộ Chiến cổ đường thi tập”(63). Con mắt nhìn bao quát của Nguyễn Đổng Chi còn nhìn đúng vị trí của kinh đô văn học Thăng Long: “Kinh đô Thăng Long lúc này cũng như từ xưa là nơi trung tâm của văn học. Ở đây không những là nơi họp mặt của các học sinh trường Giám, của các nhà nho ôm mộng khoa bảng từ Tiến sĩ trở lên, mà còn là nơi cư ngụ hoặc là nơi đi qua về lại của các nhà văn nhà thơ. Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Nguyễn Hành, Chiêu Hổ, Nguyễn Án, v.v. thường trú ngụ khá lâu ở Thăng Long. Hồi Lê Hữu Trác ra kinh kỳ, ông có nói chỗ trọ của mình biến thành tao đàn của biết bao văn nhân thi sĩ đến xướng họa và mạn đàm. Ở các địa phương cũng thỉnh thoảng mọc lên những thi xã như Sơn Nam thi xã, Chiêu Anh các, v.v.”(64).
Nguyễn Đổng Chi cũng có những mũi khoan sâu vào các tác giả tiêu biểu, trong đó hai nhân vật có nhiều khám phá là Lê Hữu Trác (“quan niệm tự do cá nhân” và văn xuôi “gợi cảm giác”(65)) và Ngô Thì Sĩ (“bút pháp riêng đặc biệt khác với các nhà văn đương thời” và “tiếng khóc vợ chí tình… đượm tính chất cận đại… phảng phất có bóng dáng Linh Phượng ký của Đông Hồ”(66)).
Khai thác sự kiện văn học quyện hòa uyển chuyển với sự kiện văn hóa, nhìn nhận cân phân văn học đủ các vùng miền, đủ các phái tính, điểm đúng những tác giả cần được ưu tiên… tưởng về sau cũng chưa có ai vượt được GS Nguyễn Đổng Chi trong tư cách một nhà văn học sử tiên phong ở chặng đường mới – chặng đường làm khoa học trong điều kiện đất nước chia đôi sau Hiệp định  Genève (1954-1975).
– Quyển IV, Thế kỷ XVIII (tiếp theo). Phần thứ Tư: Các tác gia của thế kỷ XVIII, Nguyễn Đổng Chi viết mục II: “Thơ văn trong phong trào nông dân khởi nghĩa” (tr.12-26), “đó là những tiếng nói căm hờn chán ngấy chính sách mục nát đương thời, đó cũng là tiếng nói của những con người ngang tàng muốn phá tung trật tự phong kiến”(67), như Hịch Lê Duy Mật, thơ Chim trong lồng, Hịch Tây Sơn, Phú Hầu Tạo.
Ngoài ra ông còn viết mục VI: “Nguyễn Thiên tích và Hà Tiên thập cảnh” (tr.76-81), đánh giá mười cảnh trí “tuyệt đẹp” của đất Hà Tiên trong thơ “đẹp không chỉ là thiên nhiên mà còn có con người, không chỉ là màu sắc mà còn có thanh âm” (68); “những nét tả thừa thãi không phải không có lúc nhàm nhưng đi sâu vào ta thấy mỗi cảnh có nội dung một vẻ đẹp khác nhau” (69); một vẻ đẹp “thật là thần tiên” bởi chủ thể thẩm mỹ - Mạc Thiên Tích - “là người yêu thiên nhiên rất mực” (70); và cũng bởi “cái thế đang lên của một xã hội đang kiến thiết mà kinh tế thương nghiệp có chiều phát triển thuận lợi” (71). Nguyễn Đổng Chi cũng viết một phần mục XI: “Nguyễn Hữu Chỉnh” (tr.171-178), một con người “liều lĩnh và tham vọng” (72), nhưng “là người hào hoa phóng túng, giao du rộng. Thêm vào cái tài hùng biện còn có cái thú phong lưu của một nhà thơ” (73). Và toàn bộ mục XII: “Đặng Trần Thường” (tr.201-209), “là người có tài, học giỏi, từng đậu Sinh đồ về cuối đời Lê… Theo Đại Nam nhất thống chí ông bị Ngô Thì Nhậm chèn ép nên tức khí bỏ vào Nam… và đã đóng góp nhiều công trong việc tổ chức biên phòng, trong một vài chiến dịch lớn” (74). Tuy nhiên vốn “là người tự phụ”, “ông có thái độ khinh miệt bọn quyền thần bấy giờ đang vây quanh Gia Long”(75), do đó “mâu thuẫn ngày một lớn trở nên nguyên nhân cái chết của ông” (76). Theo ông, thơ văn của cả hai tác giả này có đặc điểm chung là đều mượn điển tích lịch sử để chỉ trích vua (Nguyễn Huệ - Nguyễn Hữu Chỉnh và Gia Long - Đặng Trần Thường) đã bỏ rơi và hãm hại họ, trong đó “lời oán trách của họ Đặng… tuy cũng nhẹ nhàng, tình tứ, nhưng cay chua hơn lời Nguyễn Hữu Chỉnh. Nhất là ở đoạn cuối có giọng hằn học, không kém phẫn nộ” (77).
– Quyển V, Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX. Nguyễn Đổng Chi viết mục IX của Phần thứ Sáu “Các tác phẩm và tác gia” (tiếp theo) - mục Văn học chữ Hán, bao gồm Nhận xét chung và các tác giả Hà Tôn Quyền, Cao Bá Quát, Đinh Nhật Thận, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn văn Siêu và Kết luận (tr.119-167). Tuy nhận định về “bàn tay chuyên chế của nhà Nguyễn” làm cho “văn học ươn yếu” có hơi nặng nề (một thành kiến chung của hầu hết học giả thuở bấy giờ mà Nguyễn Đổng Chi cũng không ngoại lệ), nhưng ông vẫn nhìn được sự dụng công về hình thức nghệ thuật của văn chương trong giai đoạn: “Về hình thức thì thật là bóng bẩy trau chuốt, chưa bao giờ bóng bẩy trau chuốt đến thế. Một vài thi tập của Nhóm Mặc Vân thi xã không những được lời khen của một số danh sĩ trong nước mà còn nhận những lời tán thưởng của nhiều văn nhân Trung Quốc”(78). Ông cũng ghi nhận mặt khả thủ đáng trân trọng của văn học chữ Hán thời này: “Đương nhiên nói như thế không phải bảo văn học chữ Hán lúc này không còn khí sắc nào khả dĩ còn chút khỏe mạnh nữa. Cũng không phải vì chuyên chế của thống trị mà tiếng nói của nhà văn phong kiến hoàn toàn mất tinh thần… trái lại, chính vì chính sách tàn bạo của chúng nên đã cuộn lên cái không khí bất bình trong văn học chữ Hán nói chung,  tuy không phải là cái bất bình làm quằn quại cả thời đại nhưng đây cũng là thái độ phản ứng dai dẳng ngấm ngầm”(79); “Tuy chưa phải là một xu hướng hiện thực [của cả dòng văn] nhưng rất hiếm những tác phẩm không phản ánh cảnh sống đau khổ của người nông dân ở khía cạnh này hay khía cạnh khác. Tình trạng tiêu điều của xã hội đã khách quan bắt buộc các nhà văn không cưỡng lại được sự thật. Đến nỗi có những nhà văn xuất thân từ cành vàng lá ngọc cũng thốt ra những tiếng bất bình như bài hát Bán tre, bài hành Tiền “phù lưu”, v.v. của Tùng Thiện vương… Cái không khí bất bình nói chung thường gây thành nỗi u sầu tiêu cực trong thơ văn nhưng cũng có khi tạo nên những nụ cười trào phúng, những đòn châm chọc khá ý vị và tích cực. Còn hơn cả Đặng Trần Thường “chửi khéo” Gia Long, Cao Bá Quát và Hoàng Phan Thái là hai nhà thơ bất bình đến độ nẩy lửa”(80). Và “Vừa phản ánh cái bất bình, văn học chữ Hán lúc này lại vừa nhen lên tinh thần của chủ nghĩa nhân đạo”(81) và “sẽ truyền lại cái tinh thần nhân đạo, ý chí bất khuất cho thời kỳ sau là thời kỳ mà dân tộc phải đương đầu với sự thống trị tàn khốc của chế độ thực dân cộng với chế độ phong kiến”(82).
Với tác giả Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Đổng Chi cấp cho ta chân dung một nhà văn trào lộng độc đáo qua bài phú biền ngẫu nôm Phản thúc ước, “Phản thúc ước nghĩa là chống lại thúc ước… không ca tụng cảnh “dân yên vật phụ” như khuôn sáo thường lề của tác giả “thúc ước” mà ông đứng về phía nhân dân nêu bao nhiêu những tội ác đáng khóc đáng giận mà còn cả đáng cười nữa, thường xảy ra trong lũy tre xanh. Mỗi một vế là một thiên tội trạng, là một lời tố cáo nghiêm khắc nhưng cũng đầy giọng mỉa mai châm biếm sâu cay”(83). Với Cao Bá Quát, lần đầu tiên Nguyễn Đổng Chi chỉ rõ giọng điệu ngạo nghễ tuyệt bút trong bài phú Tài tử đa cùng của nhà văn rất mực tài hoa này, đồng thời đi sâu vào khối lượng thơ chữ Hán đồ sộ của họ Cao để tinh kết thành những tiêu đề đắt giá mà trước ông chưa một ai nói được: “Một cuộc đời chìm nổi và bất khuất”; “Phú “Tài tử đa cùng” một bản tuyên ngôn đanh thép”; “Một nhân sinh quan có phần đối lập với nhân sinh quan phong kiến”; “Một tâm hồn thông cảm với nỗi đau khổ của quần chúng và tiêu biểu cho sự bi phẫn của quần chúng”. Ông tiểu kết: “Mặc dầu văn chương của cao Bá Quát còn lại không mấy nhưng số còn lại cũng đã nêu lên được cái đẹp rất hiếm có trong văn học phong kiến. Đó là lòng khinh ghét cuộc sống chật hẹp ti tiện. Đó là sự trực tiếp hoặc gián tiếp phủ nhận chính quyền đương thời, cũng chính là phủ nhận hiện thực. nói chung đó là cái hiên ngang của một tâm hồn chỉ biết thờ có tự do và chân lý. Cái tự do và chân lý nói đây là cảm tính tự phát, gần như là bản năng của con người, khó có thể tìm thấy trong sách vở nhà nho. Tất cả những đạo lý phong kiến từng thấm vào óc Cao Bá Quát cũng như cả cái xã hội phong kiến đã vây quanh lấy Cao tuyệt nhiên không thể nào làm sai lạc được cái cảm tính, không làm nhụt được chí khí của ông… Cho nên một số thơ văn của Cao có giá trị của những tiếng gọi tập hợp vọng theo tiếng gọi tập hợp của Nguyễn Hữu Cầu, Tây Sơn, Hầu Tạo… gợi cho mọi người hoài bão một cuộc sống mới đầy ý nghĩa bất khuât, đầy vị tha và cởi mở, đầy tinh thần tôn trọng nhân phẩm”(84). Trong phạm vi bấy nhiêu dòng, tưởng không thể nào tóm lược về Cao Bá Quát một cách thỏa đáng mà đầy đủ hơn những dòng trên đây!
Tổng kết lịch trình phát triển của văn học Việt Nam chắc là đại diện cho cả nhóm tác giả Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi đã “Tóm lại, trong hơn một nghìn năm phát triển, văn học Việt Nam đã cống hiến không ít cho sự hình thành ý thức dân tộc, cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, cho sự nghiệp giáo dục nhân dân biết yêu lẽ phải, yêu chính nghĩa, yêu đạo đức, trọng con người, trọng tự do, hạnh phúc của con người” (85).
7. Đã gần 70 năm trôi qua, nhưng tinh thần cơ bản về phương pháp luận, những đóng góp khoa học cơ bản về nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam trong Việt Nam cổ văn học sử của GS Nguyễn Đổng Chi dường như vẫn giữ nguyên giá trị ứng dụng thực tiễn. Con đường ấy đã trở thành linh hồn cho cả bộ sách lớn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm tác giả Văn sử địa hình thành giữa cuối những năm năm mươi, đầu những năm sáu mươi của thế kỷ XX, mà cho đến nay, mặc dù cũng đã có một vài dự án về lịch sử văn học Việt Nam được đặt ra, hoặc đã được in như Lịch sử văn học Việt Nam (Tập I)(86) năm 1980 của Ủy ban Khoa học xã hội chẳng hạn, hoặc hai bộ giáo trình lịch sử văn học Việt Nam của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng cũng chưa công trình nào có thêm nhiều phát hiện mới mẻ đáng nói, so với quan điểm và phương pháp của Nguyễn Đổng Chi trong cách đặt vấn đề nghiên cứu văn học sử dân tộc. Dĩ nhiên là các tác giả kể trên đều có mở rộng sự diễn giải để đáp ứng nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu.
Cũng có thể bổ sung vào đây một lời phụ chú: công trình Lược khảo về thần thoại Việt Nam của GS Nguyễn Đổng Chi ra mắt năm 1956 thực chất là chương mở đầu của một bộ lịch sử văn học Việt Nam ở tầm vĩ mô. Bộ Việt Nam văn học toàn thư ở hai tập đầu của Hoàng Trọng Miên (87), bị dư luận học giới miền Nam đương thời chỉ trích gay gắt, vì nó gần như là một phiên bản của Lược khảo về thần thoại Việt Nam, chỉ khác là có thêm ảnh minh họa (88).
Chú thích:
(1) Cần nói thêm, sau đó một năm, Nguyễn Đổng Chi lại có công trình Đào Duy Từ, nhận giải thưởng của Học hội Alexandre de Rhodes, 1943, nhưng chưa kịp in thì cuộc Cách mạng tháng Tám nổ ra, và bản thảo đến nay đã thất lạc.
(2) Phạm Quỳnh, Thượng Chi văn tập, Tập I, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962.
(3) Phan Kế Bính, Việt Hán văn khảo, Trung Bắc tân văn, H, 1930.
(4) Bùi Kỷ, Quốc văn cụ thể, Tân Việt Nam thư xã, Trung Bắc tân văn, H, 1932.
(5) Dương Quảng Hàm, Quốc văn trích diễm, Nhà in Nghiêm hàm, H, 1925.
(6) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Hàn Thuyên xuất bản cục, H. 1942. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa Việt Nam Cộng hòa tái bản, Sài Gòn, 1970; tr.20-21. Dưới đây, các đoạn trích dẫn đều dựa theo bản tái bản năm 1970.
(7), (2), (3) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa tái bản, Sđd; tr.97-98, 100, 105, 109-110.
(10) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.109-110.
(11), (3) Nguyễn Đổng Chi, Hát Dặm Nghệ Tĩnh NXB Tân Việt, H, 1944; tr.9-11. In lại, bổ sung chỉnh lý, đổi tên thành Hát giặm Nghệ-Tĩnh Tập I, và đầu sách tuyên bố: bỏ bản in lần thứ nhất, NXB Sử học, H, 1962.
(1) Nguyễn Đổng Chi, Hát Dặm Nghệ Tĩnh, Sdd; tr. 11.
(2), (3), (4), (5) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.129, 133, 141, 141.
(6) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.259
.(1), (2) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.281, 289
.(21), (2) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.291- 292, 291.
(3), (4), (5) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr. 292-293, 295, 302.
(1), (2) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr. 304, 312. Hai câu trích trên, tác giả ghi rõ dẫn lời Phan Huy Chú.
(3) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr. 314. Câu trích trên, tác giả mượn lời Phạm Quỳnh.
(4), (5) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr. 320.
(6) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr. 323. Câu trích trên, tác giả ghi rõ dẫn lời Phan Huy Chú.
(7), (8) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.328, 328.
(34) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.333. Câu trích trên, tác giả nói rõ dẫn lời Lê Quý Đôn.
(35) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.337.
(36), (2) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.342 -  342.
(38) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.343.
(39) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.357.
(40) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Q. I, Sđd; tr.362.
(41), (2) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, “Lời nói đầu”, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. I, NXB Văn sử địa, H, 1957; tr.7, 7.
(43) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q.  I, Sđd; tr. 7-15
(44) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q.  I, Sđd; tr. 76.
(45), (3) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. II, NXB Văn sử địa, H, 1958; tr.29, 29.
(47), (2), (3), (4), (5) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. II, NXB Văn sử địa, H, 1958; tr. 29, 29, 30, 30, 30.
(52) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. II, Sđd; tr. 30-31.
(53), (8) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. II, Sđd; tr. 33, 31, 31, 32, 32, 32, 32.
(55), (2), (3), (4), (5) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. II, Sđd; tr.31,
32, 32, 32, 32.
(60) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. III, NXB Văn sử địa, H, 1959; tr. 165.
(61), (2) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. III, Sđd; tr.175, 176-177.
(63), (2) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. III, Sđd; tr.177, 177.
(65), (4) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. III, Sđd; tr.205-211,  257-259.
(67) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan - Hoài Thanh, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. IV, NXB Văn sử địa, H, 1959; tr.13.
(2), (3), (4), (5) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan - Hoài Thanh, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. IV, NXB Văn sử địa, H, 1959; tr. 76, 77, 76, 79.
(6), (7) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong – Nguyễn Đổng Chi – Vũ Ngọc Phan - Hoài Thanh, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam,Q. IV, Sđd; tr.171, 172.
(74) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan - Hoài Thanh, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. IV, Sđd; tr.201-202.
(75), (2), (3) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan - Hoài Thanh, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. IV,Sđd; tr.201-202, 202, 204.
(78), (5) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. V, NXB Sử học, H, 1960; tr.121, 121-122.
(80), (2), (3) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. V, Sđd; tr.122, 123, 123.
(83) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. V, Sđd; tr.148.
(84), (2) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. V, Sđd; tr.141-142, 167.
(86) Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử văn học Việt Nam,Tập I, NXB Khoa học xã hội, H,1980.
(87) Hoàng Trọng Miên, Việt Nam văn học toàn thư, Tủ sách Cảo thơm, Quốc hoa xuất bản, Sài Gòn, 1959.
(88) Đường Bá Bổn, Điểm sách “Văn học Việt Nam toàn thư”, Q. I, Thần thoại. Nguyệt san Văn
Tài liệu tham khảo:
(1) Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa Việt Nam cộng hòa tái bản, Sài Gòn, 1970.
(2) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, 5 quyển, NXB Văn sử địa và NXB Sử học, H, 1957-1960.
(3) Phạm Quỳnh, Thượng Chi văn tập, Q. I, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962.
(4) Phan Kế Bính, Việt Hán văn khảo, Trung Bắc tân văn, H, 1930.
(5) Bùi Kỷ, Quốc văn cụ thể, Trung Bắc tân văn, H, 1932.
(6) Dương Quảng Hàm, Quốc văn trích diễm, Nhà in Nghiêm hàm, H, 1925.
(7) Nguyễn Đổng Chi, Hát Dặm Nghệ Tĩnh NXB Tân Việt, H, 1944.
(8) Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử văn học Việt Nam, Tập I, NXB Khoa học xã hội, H,1980.
(9) Hoàng Trọng Miên, Việt Nam văn học toàn thư, Tủ sách Cảo thơm, Quốc hoa xuất bản, Sài Gòn, 1959.
 Trương Sỹ Hùng
Theo https://phebinhvanhoc.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...