Những nét tiêu biểu của thi ca
Thi ca Việt Nam từ thập niên 1930, qua các thời kỳ,
có mức độ tiến triển không ngừng. Trong khoảng 15 năm, từ 1930-45, một nền
thơ mới xuất hiện rực rỡ mà người ta thường gọi là thi ca tiền chiến. Và
trong vòng 15 năm sau, từ 1960-75 một nền thi ca khác được khai sinh ở Miền
Nam, có thể gọi là thi ca hậu chiến. Giữa đó, từ 1945-60, cũng 15 năm, là thời
kỳ thi ca kháng chiến ở Miền Bắc và thi ca giao thời ở Miền Nam.
Sự phân định các thời kỳ thi ca
ở Việt Nam như trên, chỉ là tương đối, để nhận định tính chất biểu trưng của
thi ca Việt Nam về lịch trình tiến triển của nó trong suốt nửa chiều dài của thế
kỷ 20. Sau năm 1975, một phần ở quốc nội, một phần ở hải ngoại, thi ca Việt Nam
có tính phức tạp, chưa định hình hẳn và đó là vấn đề khác, người viết chưa đề cập
ở đây.
Năm 1942, hai tác giả Hoài
Thanh và Hoài Chân xuất bản cuốn "Thi nhân Việt Nam", giới thiệu 45
nhà thơ tiêu biểu cho thi ca Việt Nam từ thập niên 1930. Tác giả đã chia các
nhà thơ này theo ba khuynh hướng hay ba dòng (theo chữ của tác giả):
dòng Pháp, dòng Đường, dòng Việt. cũng theo tác giả Thi nhân Việt Nam, các nhà thơ
thuộc dòng Pháp là: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận; thuộc dòng Đường có: Đông Hồ,
Thái Can, J. Leiba, Quách Tấn; dòng Việt có: Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Nguyễn
Đình Thư.
Chịu ảnh hưởng Pháp, có các nhà
thơ có khuynh hướng lãng mạn (như Xuân Diệu, Huy Cận), một số có khuynh hướng
tượng trưng (như Chế Lan Viên, Bích Khê).
Điểm nổi bật nhất trong nền thi
ca tiền chiến là khuynh hướng lãng mạn. Lãng mạn là trường phái văn học Âu
tây, xuất hiện vào thế kỷ 19. Trường phái nầy chủ trương biểu hiện tình cảm
tự do đối với thiên nhiên và con người, không theo ước thúc, qui định
nào, cả nội dung lẫn hình thức.
Thế Lữ, với "Cây đàn muôn
điệu" đã cất lời ca:
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp của muôn hình muôn
thể
Mượn lấy bút nàng Ly tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn ngàn phiếm tôi
ca
Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối hay
ngây thơ
Cũng như vẻ đẹp cao siêu hùng
tráng
Của non nước của thi văn tư tưởng
Dáng yêu kiều tha thướt khách
giai nhân...
Và thi nhân đi tìm bóng giai
nhân ở cảnh thiên nhiên xa lạ, ở cảnh tiên:
Hôm qua đi hái mấy vần thơ
Ở mãi vườn tiên gần Lạc hồ
Cảnh tĩnh trong hoa chim mách lẻo
Gió đào mơn trớn liễu
buông tơ...
(Vẻ đẹp thoáng qua)
Tình yêu thiên nhiên của Thế Lữ
đưa con người đi xa đến lạc cõi trần gian. Huy Cận không vậy, thi nhân đưa người
đọc về ngắm cảnh quanh mình, phảng phất bóng hình xưa:
Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng mưa lò mái
ngang
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy
hành mây nao...
(Đẹp xưa)
Hay cảnh sông nước ở xứ đẹp và thơ:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp
điệp
Con thuyền suôi mái nước song
song...
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vẫn chợ chiều
Nắng xuống đời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô
liêu...
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa...
(Tràng giang)
Cảnh đêm mưa:
Đêm nay mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao
la...
Gió về lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư
(Buồn đêm mưa)
Cảnh vườn chiều:
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá
rầu...
(Ngậm ngùi)
Đường trong làng hoa dại với
mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm
(Đi giữa đường thơm)
Cảnh thiên nhiên ở đây đã được
con người gởi vào ít nhiều tình cảm vương vấn, không phải đượm vẻ ngậm ngùi,
thiết tha. Đứng trước thiên nhiên, thấy cảnh sinh tình, người ta thường biểu
lộ bằng những ý tưởng, những cảm xúc vui buồn. Thiên nhiên trong thơ Xuân
Diệu thì khác. Ở đây thiên nhiên đã được thi vị hóa bằng cảm giác để trở
nên một thiên nhiên lung linh, huyền diệu, gần như hư ảo:
Trong vườn đêm ấy có nhiều
trăng quá
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi
Tôi với người yêu qua nhè nhẹ
Im lìm không dám nói năng chi
Bâng khuâng chân tiếc dậm lên
vàng
Tôi sợ đường trăng tiếng dậy
vang
Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá
Và làm sai lỡ nhịp trăng đang
Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh
Cho gió du dương điệu múa cành
Cho gió đượm buồn thôi náo động
Linh hồn yểu điệu của đêm
thanh...
(Trăng)
Nhưng sự phong phú của thi ca
tiền chiến là thơ tình. Đa số nhà thơ ở thời kỳ nầy đều có làm thơ tình, một
thứ tình yêu lãng mạn khá trong sáng, thơ mộng, nhưng không đến mức lý tưởng
như tình yêu trong thi ca lãng mạn Tây phương. Và thơ tình của mỗi nhà thơ
biểu hiện một sắc thái riêng.
Thế Lữ, nhà thơ thuộc nhóm Tự Lực
Văn Đoàn, xúc động trước cuộc chia tay của đôi tình nhân:
Anh đi vui cảnh lạ đường xa
Đêm chí bình sinh dãi nắng mưa
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Đâu còn lư luyến chút
duyên tơ
Rồi có khi nào ngắm bóng mây
Chiều thu đưa lạnh
gió heo may
Dừng chân trên bến sông xa vắng
Chạnh nhớ tình tôi trong phút
giây...
(Giây phút chạnh lòng)
Ta liên tưởng cuộc tình nầy là
của nhân vật trong "Tiêu sơn tráng sĩ", tập tiểu thuyết của Khái
Hưng.
Lan Sơn, với mối tình thuở học
trò, có những giây phút đứng chờ thư của bạn gái:
Thư bạn thôi không có buổi nay
Người phát thư vừa ra
khỏi cửa
Lòng anh như dại lại như ngây
Tình học trò đẹp và thơ mộng ở
những lá thư trao gởi cho nhau, dù lá thư ấy được đón nhận hay không:
Anh chỉ có một tình yêu thứ; nhất
Anh cho em kèm với một lá thư
Em không lấy và tình anh đã mất
Tình đã cho không lấy lại bao
giờ
(Xuân Diệu)
Huy cận cũng có một thuở học trò
rung cảm với thứ tình yêu đầu đời cùng những nàng nữ sinh áo trắng:
Áo trắng đơn sơ mộng
trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng
(Áo Trắng)
Hay một tình yêu khá chín muồi nhưng không kém vẻ thơ mộng:
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây
Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu
giường
Ngủ đi em mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy
bờ
(Ngậm ngùi)
Với Lưu Trọng Lư, thì không còn
đơn thuần là tình yêu giữa hai người nam nữ, mà là tình yêu trong mộng và thơ:
Vừng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo
(Thơ sầu rụng)
Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió
chơi vơi
Em vần nằm trong nhung lụa
Em chỉ là người em gái thôi
Người em sầu mộng của muôn đời
Tình em như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét
tuyệt vời
(Một mùa đông)
Đến Xuân Diệu thì tình yêu lãng
mạn tới mức độ cao với mối tình sôi nổi của tuổi thanh xuân:
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà hcắc được yêu
Cho rất nhiều mà nhận chẳng được
bao nhiêu...
Mau với chứ vội vàng lên với chứ
Em em ơi tình non sắp già
rồi
Con chim hồng trái tim nhỏ
của tôi
Mau với chứ thời gian không đứng
đợi
Tình thổi gió mầu yêu lên phất
phới
Nhưng đôi ngày tình mới đã
thành xưa
(Giục giã)
Xuân Diệu sống với tình yêu,
luôn luôn thắc mắc, tìm hiểu tính chất bí ẩn, phức tạp của tình yêu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu
(Vì sao)
Thi nhân gửi tình yêu mình đến
những tấm lòng thông cảm, tương ứng, như hoa gởi hương cho gió:
Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm
Đem gởi hương cho gió phụ phàng
Mất một đời thơm trong
kẽ núi
Không người du tử đến nhằm hang
Hoa tưởng đem hương gởi gió kiều
Là truyền tin thắm gọi
tình yêu
Song le hoa đẹp càng thêm tủi
Gió mặc hồn hương nhạt với chiều
(Gửi hương cho gió)
Và thi nhân đau khổ với tình
yêu không được đáp ứng bằng lá thư tình bị xé bỏ:
Em đã xé lòng non cùng giấy mới
Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê
(Tình thứ nhất)
Dù thất bại với mối tình đầu,
nhưng Xuân Diệu không chán nản, thất vọng, thi nhân vẫn giục giã một tình yêu
thiết tha, vội vã:
Xuân đang tới nghĩa là xuân
đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ
già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
(Vội vàng)
Có lúc thi nhân là người tình chỉ
biết yêu để hò hẹn và khi hò hẹn thì không muốn người yêu đáp lại lời hẹn:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn anh dạo phắp trong
sân
Và trên tay điếu thuốc
cháy lui dần
Anh tự bảo: gớm sao mà nhớ thế!
Vì họ thích mối tình lãng mạn:
Tình chỉ đẹp những lúc còn dang
dở
Thư viết đừng xong thuyền trôi
chớ đỗ
Để ngàn sau lơ lửng với ngàn
xưa
(Hồ Dzếnh)
Hay như Nguyễn Đình Thư, đối với
thi nhân, tình yêu không cần đắn đo, tính toán:
Tôi yêu là bởi tôi yêu
Cầm tay cô hỏi, hỏi
nhiều làm chi
Khi yêu không đắn đo gì
Phân phô chừ biết nói vì cớ sao
Tuy ở vào thời đại mới nhưng
Nguyễn Bính vẫn ưa mô tả một thứ tình yêu chân thành mộc mạc như của những đôi
tình nhân ở thôn quê:
Lòng anh giếng ngọt trong veo
Trăng thu trong vắt
biển chiều trong xanh
Lòng em như bụi kinh thành
Đa đoan vó ngựa chung tình
bánh xe
(Hai Lòng)
Hoa chanh nở ở vườn chanh
Thầy u mình với chúmng mình
chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít
nhiều
(Chân Quê)
Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên
phòng
Thôn đoài thì nhớ thôn đông
Cau thôn đoài nhớ trầu không
thôn nào
(Tương Tư)
Tuy nhiên, ngoài số thi ca lãng
mạn có tính cách trong sáng thì cũng có những nhà thơ tìm đến nguồn thơ không
lành mạnh ở vũ trường, như Vũ Hoàng Chương:
Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương...
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần
Bốn tường điên đảo bóng giai
nhân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển
gió
(Say Đi Em)
Ở quán rượu như Lưu Trọng Lư:
Mời anh cạn hết chén nầy
Trăng vàng ở cuốn non tây ngậm
buồn...
Giờ nầy còn của đôi ta
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ
người
(Rượu Giang Hồ)
Hay ở chốn yên hoa, như Xuân Diệu:
Khách ngồi lại cùng em trong chốc
nữa
Vội vàng chi trăng sáng quá
khách ơi...
Khách ngồi lại cùng em đây gối
lả
Tay em đây mời khách ngả đầu
say
Đây rượu hồng và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân
hoàng tử
(Lời Kỹ Nữ)
Một số ít nhà thơ đi theo con
đường tượng trưng để đưa tình yêu từ bày tỏ đến kín đáo, từ dung dị đến khuất
khúc, ngầm ẩn, như Đoàn Phú Tứ với bài "Màu Thời Gian":
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân
tình
Ngàn xưa không lạnh nữa tần phi
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời
gian...
Tóc mây một món chiếc dao vàng
Ngàn trùng e lệ phụng quân
vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
Hay từ tình yêu thể chất đến tinh thần, như trong thơ
Bích Khê:
Dáng tầm xuân uốn trong trăng Tố
nữ
Ô tiên nương! Nàng lại ngự
nơi nầy?
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu
đây
Đến triển lãm cả tấm thân kiều
diễm
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết
điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên
hương?
Mắt ngời châu rung ánh sáng
nghê thường
Lệ tích lại lại sắp tuôn hàng
đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn
môi
(Tranh Lõa Thể)
Có khi tình yêu là sự hòa hợp
giữa họa, nhạc và thơ, như của Nguyễn Xuân Sanh:
Quỳnh Hoa chiều đọng nhạc trầm
mi
Như đầu bài viết đã trình bày,
thời kỳ 1945-60, thi ca Việt Nam tiến triển ở hai Miền Bắc và Nam. Ở Miền
Bắc, các nhà thơ đã khơi dậy một nguồn thơ sống động với cuộc kháng chiến chống
Pháp và tồn tại trong khoảng mười năm từ 1945 đến 1954 (năm ký hiệp định
Geneve). Thơ kháng chiến khởi đầu từ năm 1949 ở chiến khu Bình trị Thiên,
rồi ra đến Miền Bắc. Ngoài những bài thơ có tính cách đấu tranh, thì những bài
được yêu thích vẫn là thơ tình. Bài thơ được nhắc nhở nhiều là bài "Mầu
tím hoa sim" của Hữu Loan, bài "Năm xưa em nữ sinh" của Yên Thao,
"Đôi mắt người Sơn Tây", "Đôi bờ" của Quang Dũng,
"Tình Cầm" của Hoàng Cầm.
Xuân Diệu ở miền Bắc có lúc làm
thơ tình "chui", đến sau năm 1975 mới được in ra, như bài "Biển"
chẳng hạn.
Ở Miền Nam, thì từ 1950-60
là giai đoạn giao thời của thi ca ở vùng quốc gia. Tuy các nhà thơ trong
thời kỳ này có quan niệm sai lầm về lý tưởng và vọng hướng về phe kháng chiến
Miền Bắc nhưng họ đã có một số sáng tác được độc giả ưa thích như thi phẩm
"Chiến sĩ hàn" của Vũ Anh Khanh, cùng những bài thơ của ông đang trên
các tuyển tập đưong thời như "Hận Tha La", "Phấn son"; bài
"Chữ thập hồng" của Bân Bân Nữ Sĩ, và một số bài thơ khác trong tập
"Thơ mùa giải phóng" xuất bản ở Sài Gòn vào khoảng thập niên 1950.
Từ 1960-75, là thời kỳ của thi
ca hậu chiến Miền Nam Việt Nam. Miền Nam vào lúc nầy ở
trong tình trạng vừa chiến tranh vừa hòa bình. Chiến tranh ở các vùng xa,
tiếp cận hoặc ngay ở đô thị, có lúc đến mức khốc liệt. Và hòa bình cũng chỉ
là một nền hòa bình ở các tỉnh lỵ, không ra đến các vùng nông thôn. Trong
hoàn cảnh nầy dù sao ở Miền Nam vẫn có những sinh hoạt văn nghệ phong
phú, cũng như các trào lưu tư tưởng trên thế giới đã ảnh ưởng ít nhiều đến xã hội
Miền Nam.
Cuộc sống của người Miền Nam, với
sự tự do tương đối và những điều kiện kinh tế khả quan, đã có những nhu cầu vật
chất và tinh thần cần thiết do văn minh cung cấp như máy truyền thanh, truyền
hình, máy thâu băng, nghe nhạc, báo chí, sách truyện, nhạc phẩm, phim ảnh
v.v... Trong một xã hội dồi dào về phương diện vật chất thì sự hưởng thụ
tinh thần càng cao. Văn nghệ có đà tiến triển mạnh theo thị hiếu
của quần chúng. Có người nhận định xã hội Miền Nam lúc bấy giờ là một
xã hội tiêu thụ, do đó đời sống con người có chiều phóng túng, thác loạn.
Những tác phẩm tiểu thuyết của
Chu Tử như "Yêu", "Ghen", "Tiền", "Loạn",
những truyện táo bạo của các nhà văn nữ như Hoàng Đông Phương, Tuý Hồng, Trùng
Dương, Thụy Vũ, mô tả những nhân vật đầy dục tính và ảnh hưởng của phim ảnh Âu
Mỹ phản ảnh nếp sống thời đại của xã hội Miền Nam.
Riêng về thi ca, không được
sáng tác và được thưởng thức nhiều như tiểu thuyết, nhạc hay phim ảnh, trong
giai đoạn này, có thể nói là vắng vẻ, đìu hiu hơn thời tiền chiến. Tuy nhiên nó
cũng có những đóng góp đáng kể cho nền văn học Miền Nam và đặc sắc vẫn
là thơ tình.
Các nhà thơ tình có thể xếp làm
ba nhóm: thơ tình lãng mạn đượm mầu sắc tiền chiến, thơ tình mang cá tính thời
đại, thơ tình tìm tới suối nguồn tôn giáo.
Sau cuộc di cư 1954, các nhà
thơ tiền chiến như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng định cư ở Miền Nam, đã có những
thi phẩm đáng chú ý như "Rừng phong" (Vũ Hoàng Chương), "Đường
vào tình sử", "Mê hồn ca" (Đinh Hùng). Sáng tác của các nhà
thơ nầy chưa cởi được lớp áo khoác của thi ca lãng mạn tiền chiến. Vũ
Hoàng Chương còn viết những lời thơ say, thấp thoáng xiêm y của các nàng tiên
trong động Thiên Thai và hình ảnh của một nàng Kiều luân lạc:
Trở gót quê say ngược suối Điều
Nét hoa mờ tỏ sóng phiêu diêu
Lên tiên về tục thương Từ Thức
Lấy ảo làm chân học Thúy Kiều
(Ngẫu cảm)
Đinh Hùng cũng còn luyến tiếc một thời mơ mộng cũ:
Chưa gặp em tôi đã biết rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Tóc xanh là bóng dừa hoang dại
Tha thiết nhìn tôi không nói
năng
Nguyên Sa, một Xuân Diệu hậu chiến, có những câu thơ
tình thật diễm lệ, trong sáng:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng
(Áo lụa Hà Đông)
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ
nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa mầu
áo tím
(Tuổi 13)
Nhưng trong thời đại mới, con
người có cảm xúc mới với những sáng tác mang âm hưởng của nếp sống hiện đại.
Cung Trầm Tưởng đưa người đọc đến
một chân trời lạ với cuộc tình buồn:
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời muà đông Paris
Suốt đời làm chia ly
(Chưa bao giờ buồn thế)
Có thể nói đặc tính của thơ
tình Miền Nam thời hậu chiến là thơ tình buồn:
Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mãi
Đời chia như nhánh sông
(Hoài Hy Thanh)
Tình không chỉ buồn mà còn mang
một nỗi đau sâu sắc, đến tận nghìn sau như Minh Đức Hoài Trinh than thở:
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gẫy đôi
Chim nào bay về xứ...
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
(Kiếp nào có yêu nhau)
Tình yêu thời hậu chiến không dịu
dàng thơ mộng như thời tiền chiến, mà là một thứ tình bộc lộ, nói lên niềm cô
đơn, khắc khoải, khô cứng như đá mà tâm hồn thì đau đớn, rũ rượi:
Ôi những người khóc lẻ loi một
mình
đau đớn lệ là những viên
đá xanh
tim rũ rượi
(Lệ đá xanh - Thanh tâm Tuyền)
Cũng có khi tình buồn được che
dấu, một cuộc tình mù lòa, vì yêu thương lầm lỡ:
- Ơn em hơi thoảng chỗ nằm
Giấu quanh quẩn giấu nồi buồn một
nơi...
Ơn em tình những mù lòa
Như con sâu nhỏ bò qua giấc mùi
Ơn em hồn sớm ngậm ngùi
Kiếp sau xin giữ lại đời cho
nhau
(Giữ đời cho nhau - Du Tử Lê)
Thật vậy, thơ tình hậu chiến Miền Nam ít
khi biểu lộ niềm vui, chỉ là những tiếng thở dài, niềm tâm sự u uất, về những
cuộc tình tan vỡ, về tuổi xuân đã mất:
Không ai về trong chiều nay
Cho tôi chết giữa vòng tay một
người
Nụ hôn che lấp môi cười
Gối chăn buông lạnh rã rời thấu
xương
(Nguyễn Thị Hoàng)
Rồi lá muà Xanh cũng đỏ lần
Còn đây niềm hối tiếc thanh
xuân
Giấc mơ choàng dậy tan hình
bóng
Và nỗi tàn phai gõ một lần
Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài
Khuya chìm trong tiếng khóc
tương lai
Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối
Tôi mất thời gian lỡ nụ cười
Bùi Giáng là một hiện tượng
trong làng thơ thời hậu chiến. Tình yêu trong thơ thi sĩ được biểu hiện
khác thường, một uẩn ức tâm lý ngầm ẩn dục tính, pha lẫn tinh thần
hài ước của một triết gia. Bùi Giáng xem tình yêu, hơn nữa, dục tình là một
nhu cầu tự nhiên của con người. Người thơ có thể vừa cười cợt vừa ngỏ lời
tình hay kể chuyện tình của mình với người khác. Có lúc Bùi Giáng muốn làm như
nữ sĩ Hồ Xuân Hương với những câu thơ tự trào và ngụ ý về cái giống:
Ông tên là Giáng phải không
Quảng Noam - Đòa Noẽng chính
tông tộc Buồi?
Và những tiếng nói lá, những ám chỉ:
- Quá khứ liên tồn vô ngấn tích
Sàng tiền minh nguyệt chiếu
hoàng mao
Hai hàng cỏ mọc sương thu ngậm
Vành vạnh lê hoa chước chước
chào
- Mở môi ngôn ngữ hồ đồ
Vén xiêm em lội xuống hồ nước kia
- Tuy nhiên em có mặc quần
Mà không ắt hẳn là quần thật
xinh
Nếu như em chẳng mặc quần
Thì ông trời ắt càng mừng rỡ
hơn
- Tháng theo ngày dậy rằm
xanh nguyệt
Ba góc càn khôn lộn bốn trời
Và với Nguyễn Đức Sơn, tình yêu
không còn tính chất thanh nhã của thơ mà chỉ như những câu kể chuyện tiếu lâm:
- Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
Em chưa ... mà hồn anh đã ướt
- Hai đứa nhìn nhau bảo phải
im ru
Em sắp... mà hồn anh đã cứng
Qua những vần thơ "loạn"
như trên, các nhà thơ hầu như bất kể người đời, họ làm thơ chỉ để giải tỏa tâm
hồn, để đạt đến tự do tinh thần tuyệt đối, vượt qua những quy ước của xã hội,
trong sự thưởng ngoạn văn chương, nghệ thuật.
Một số nhà thơ phục vụ trong
quân ngũ, sau những cuộc hành quân về nghỉ ở hậu phương, đã gặp những cuộc
tình bất ngờ đem lại cho họ niềm vui, như là một sự thư dãn:
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa
đông
Nên tóc em ướt
Và mắt em ướt...
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
(Còn chút gì để nhớ - Vũ Hữu Định)
Ngay trong lúc hành quân ở giới
tuyến Bắc, nhà thơ cũng để lòng nhớ về người tình ở phương Nam:
Chiều trên phá Tam Giang rộn
ràng chiến trận...
Anh sực nhớ em nhớ bất bất tận...
Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi
rong chơi...
Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em nhớ bất tận
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm
Sài Gòn nới rộng giờ giới
nghiêm
Sài Gòn không còn buổi tối nữa
(Chiều trên phá Tam giang - Tô
Thùy yên)
Chiếc cuộc đã phân cách những
người tình đang gánh vác nhiệm vụ. Những người còn lại, không vướng bận gì
với đời lính, thì vẫn sống bình thường trong hoàn cảnh an lạc của đô thị. Họ
vẫn nuôi giấc mộng yêu đương với những "Cô Bắc kỳ nho nhỏ", với
"Em hiền như ma soeur", để rồi lận đận với tình, như thơ Nguyễn Tất
Nhiên:
Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao
Và chỉ biết cầu nguyện Chúa:
Con quỳ lậy Chúa trên trời
Sao cho con lấy được người con
yêu
Đời con đau khổ đã nhiều
Từ khi thơ dại đủ điều đắng cay
Số nghèo hai chục năm nay
Xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn
nghèo
Mối tình đầu đã trót bọt bèo
Vì người ta đã chạy theo bạc
tiền
(Nhất Tuấn)
Tôn giáo vẫn là nguồn an ủi cho
những cuộc tình không trọn, nhất là đối với những người tìm về nguồn đạo, biết
"tình" là "dây oan", cuộc đời như mây nổi:
- Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người
rưng rưng
- Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng
sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường
thế thôi
- Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà
xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào
thiên thu
(Phạm Thiên Thư)
Nét tiêu biểu của thi ca tiền
chiến và hậu chiến là tính chất trữ tình lãng mạn. Thơ tiền chiến gần gũi với
thiên nhiên và dìu dắt tình yêu đi trên con đường bằng phẳng, thơ mộng; trái lại,
thơ hậu chiến rời bỏ thiên nhiên, đi gai góc trong cuộc sống bất định của con
người. Thơ của thời kỳ này mang tính chất thời đại, một thời đại bán chiến
tranh, bán hòa bình, chịu ít nhiều ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ, biểu hiện nhiều ý
tưởng tân kỳ và đa diện.
Linh Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét