Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Nhạc Dương Lâu - Hồ Động Đình qua thi ca sứ thần Việt Nam

Nhạc Dương Lâu - Hồ Động Đình 
qua thi ca sứ thần Việt Nam
Đi sứ không phải là chuyện các thi sĩ một mình một ngựa bầu rượu túi thơ ngâm vịnh phong cảnh đi qua, cũng không phải là chuyện anh lái buôn đi giao hàng. Đoàn đi sứ trung bình gần 30 người, lần đông nhất là 158 người thời Tây Sơn. Đoàn được một vị tướng Trung Quốc chỉ huy việc tiếp đón và hộ vệ, đi từ Nam Quan đến Bắc Kinh và trở về. Mỗi địa phương có các quan linh tráng địa phương hàng trăm người hộ vệ, phu chuyển vận cống phẩm đi bằng thuyền hay bằng xe ngựa. Mỗi một nơi dừng chân, là một cuộc thi thố tài năng thi ca, đến mỗi thắng cảnh các quan Trung Quốc tiếp rước, yến tiệc đèn đuốc sáng rực tận trăng sao, ca múa, ngâm hát, họ mời các quan Việt Nam làm thơ, và họ cũng làm thơ, bài thơ hay thường được ngâm hát, khắc vào bia đá hay viết vào vách hay treo lên tường thắng cảnh.
Đoàn Nguyễn Tuấn thời Tây Sơn từng giới thiệu với sứ đoàn nhà Thanh đỉnh cao thi trận nước Nam là Quế Hiên Nguyễn Nể (anh Nguyễn Du), các bậc thi hào khoa bảng đi sứ là những thi tướng trong mặt trận văn hóa, ngoại giao. Các sứ thần Việt Nam phải đối đầu những cuộc thi thố tài năng thường trực, làm cho quan lại Trung Quốc phải thán phục. Lê Quý Đôn được ca ngợi người như ông Trung Quốc cũng chỉ có một hai người, Nguyễn Tông Khuê được sứ thần Triều Tiên sánh ngang với Lý Bạch, Nguyễn Nể được vua Càn Long ông vua thi sĩ khen thưởng tặng những tặng phẩm quý giá mỗi dịp làm thơ cho vua nhà Thanh ngự lãm… Cuộc đi sứ đầu tiên sang Trung Quốc năm 975 thời nhà Đinh, Chánh sứ Trịnh Tú đem sừng tê giác và ngà voi làm tặng phẩm. Cuộc đi sứ cuối cùng năm 1848 Phan Thanh Giản làm Chánh Sứ, Nguyễn Văn Siêu Phó sứ. Từ 2 đến 4 năm có khi 7 năm có một lần đi sứ. Hàng trăm cuộc đi sứ, tiếc thay chúng ta không lưu trử được hết các thơ từ trao đổi ngoại giao, có thể Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản còn giữ những tư liệu. Hiện nay chúng ta còn lại khoảng 30 tập thơ đi sứ, nhưng chỉ một số ít được dịch. Hành trình giống nhau nên chúng ta có thể so sánh cùng một thắng cảnh viết bởi các sứ thần Việt Nam khác nhau. Để có thể đối đầu những cuộc thi thố tài năng đó, các sứ thần nước ta phải hiểu biết về di tích, thuộc lào những thơ văn, điển tích Trung Quốc liên hệ. Đi sứ không phải là việc nộp thuế một nước chư hầu cho nước lớn, hay trao đổi tặng phẩm, mà bằng phương diện ngoại giao văn hóa tránh cho đất nước những cuộc binh đao, để dân hai nước được an cư lạc nghiệp. Tránh voi có xấu mặt nào ! được phong vương và được hoàn toàn độc lập trong triều chính,  các sứ thần phải giữ thể diện quốc gia, không bị khinh bỉ là dân man di, kém văn hóa, cũng không bị lép vế. Đôi khi phải giỏi biện luận để bỏ lệ cống nước giếng Cổ Loa, cống người vàng… Đứng chầu ngang hàng với sứ thần Triều Tiên, Lưu Cầu. Không đi qua những cổng chào mừng chơi xỏ gọi mình là dân man di hay nam di.. Bài viết này giới thiệu các thi tướng Việt Nam trước thắng cảnh Nhạc Dương Lâu.
Nhạc Dương Lâu ở đầu thành Tây Môn, thành phố Nhạc Dương tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Nhạc Dương Lâu nhìn ra Hồ Động Đình, nằm trên đường đi sứ, các sứ thần Việt Nam đi theo sông Tiêu Tương từ Quảng Tây đến Hồ Động Đình dừng chân thăm Nhạc Dương Lâu sau đó đến  Vũ Hán thăm Hoàng Hạc Lâu. Là một trong bốn danh lâu Trung Quốc nên  các sứ thần nước ta thường làm thơ khi thăm Nhạc Dương Lâu. Trung Quốc có câu Động Đình thiên hạ thủy, Nhạc Dương thiên hạ lâu. Động Đình là hồ đứng đầu thiên hạ, Lầu Nhạc Dương là lầu đứng đầu thiên hạ. Nếu Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng với bài thơ Thôi Hiệu,  Đằng Vương Các nổi tiếng với bài văn Vương Bột thì Nhạc Dương Lâu nổi tiếng với bài Nhạc Dương Lâu ký của Phạm Trọng Yêm (989-1052) một vị quan đời nhà Tống nổi danh với câu: Lo trước cái lo của thiên hạ, Vui sau cái vui của thiên hạ. (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc,nhi lạc dư).
Tương truyền lầu được Đại tướng nước Ngô, Lỗ Túc thời Tam Quốc xây dùng làm nơi duyệt quân trên Hồ Động Đình. Có thuyết lại cho Trương Duyệt đời Đường xây dựng. Đời Tống, Đằng Tử Kinh thái thú Ba Lăng trùng tu và khắc các bài thơ các thi nhân đời trước, ông mời Phạm Trọng Yêm làm bài ký Nhạc Dương Lâu Ký. Phạm Trọng Yêm làm bài ký tuyệt tác 360 chữ tình cảm dào dạt, văn chương cảm động lòng người, đời sau truyền tụng mãi.
Nhạc Dương Lâu trải qua nhiều lần trùng tu quan trọng năm 1639 đời nhà Minh. Năm 1880 nhà Thanh, Trương Đức Dung tu sửa. Lần cuối năm 1983 lầu hư nát phải phục chế lại hoàn toàn. Toà lầu 3 tầng hình chữ nhật rộng 17m24 sâu 14m45 cao 15m, Dùng 4 cây trụ lớn gỗ nam, 12 trụ tròn 2 tầng lầu và 12 trụ gỗ tứ làm trụ thềm.
NHẠC DƯƠNG LÂU KÝ. PHẠM TRỌNG YÊM viết:
Mùa xuân năm thứ tư, niên hiệu Khánh Lịch. Ông Đằng Tử Kinh phải trích ra làm Thái Thú Ba Lăng. Đến năm sau chính sự thông đạt, lòng người vui vẻ, phàm việc gì từ trước hoang phế thì đều tu sửa lại cả. Bèn sửa sang lại Lầu Nhạc Dương, khắc những thơ phú các nhà hiền sĩ từ đời Đường đến đời nay ở trên lầu, cậy ta làm bài ký.
Ta ngắm xem:
Cảnh đẹp danh tiếng Ba Lăng, Động Đình hồ đẹp nhất.
Ngậm bóng núi xa, nuốt nước Trường Giang.
Mênh mông man mác, biết đâu bến bờ.
Ánh sáng buổi sớm, bóng râm ban chiều.
Khí tượng muôn nghìn vẻ, thật là cái quang cảnh vĩ đại Nhạc Dương Lâu,
Người xưa kể lại  đã nhiều.
Phía Bắc liền núi Vu Giáp, phương nam thông sông Tiêu Tương.
Kẻ trấn nhậm cùng khách  tao nhân gặp gỡ,
Xúc cảm tâm tình, có khác nhau chăng?
Khi mưa dầm, gió bấc, suốt tháng không thôi, gió cuồng gào thét, sóng nước tung cao,
trời sao mờ mịt, núi non bóng mờ.
Khách thương hồ dừng thuyền, buồm nghiêng chèo gãy.
Chiều hôm tối đen, hổ gào vượn hét.
Ai lên lầu này, không khỏi nhớ nước nhớ quê.
Buồn lời nói xấu, sợ tiếng gièm pha,
Thấy cảnh thê lương trước mắt,
Cảm xúc mà sinh ra buồn rầu vậy!
Ví bằng, khi mùa xuân trong sáng, sóng gió lặng im.
Trên trời dưới nước rạng soi,  xanh biếc một màu.
Đàn chim âu bay lượn bãi cát, cá gấm tung tăng bơi lội,
Bờ cỏ chỉ,  lan  mơn mởn xanh xanh.
Hay là một làn khói trắng lên cao, muôn dậm trăng trong.
Sóng sông lung linh  ánh vàng, bóng trăng chìm như khối ngọc.
Tiếng  ca chài xướng họa theo chiều gió.
Lúc ấy lên  lầu này, lòng sảng khoái, hồn bay bổng.
Nhục vinh quên hết, uống rượu hóng gió mát, vui thú chừng nào!
Than ôi!  
Ta muốn cầu xem tấm lòng các bậc chân nhân thời xưa, thấy có khác hai điều buồn vui trên.
Họ không vui bởi ngoại vật, cũng không vì mình mà u sầu.
Ở chổ cao như trong triều đình  thì lo cho dân...,
Ở xa ngoài sông hồ thì lo cho vua.
Thế là tiến cũng phải lo, mà thoái cũng phải lo vậy.
Song thế thì lúc nào được vui?
Tất phải trả lời rằng: “Khi lo là lo trước cái lo của thiên hạ.
Khi vui là vui sau cái vui của thiên hạ.”
Than ôi! Nếu không có những người như thế thì ta biết đi về cùng với ai?
Năm Khánh Lịch thứ sáu, tháng  9 ngày 15.
Nhất Uyên dịch.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
NHẠC DƯƠNG LÂU KÝ
Khánh lịch tứ  niên xuân, Đằng Tử Kinh trích thủ Ba Lăng quận, Việc minh niên chính thông nhân hòa. Bách phế cụ hưng, nãi trùng tu Nhạc Dương Lâu, tăng kỳ cựu chế, khắc Đường hiền kim nhân thi phú, y kỳ thược dư tác văn dĩ ký chi.
Dư quan : Phù Ba Lăng thắng trạng, tại Động Đình nhất hồ.
Hàm viễn sơn, thân Trường Giang, hạo hạo thang thang.
Hoành vô tế nhai, triêu huy tịch âm, khí tượng vạn thiên.
Thử tắc  Nhạc Dương Lâu chi đại quan dã,
Tiền nhân chi thuật bi hỷ.
Nhiên tắc bắc  thông Vu Giáp, nam cực Tiêu Tương.
Thiên khách tao nhân, đa hội ư thử,
Lãm vật chi tình, đắc vô dị hồ?
Nhược phù dâm vũ phi phi, liên nguyệt bất khai,
Âm phong nộ hiệu, trọc lãng bài không.
Nhật tinh ẩn diệu, sơn nhạc tiềm hình.
Thương lữ bất hành, tường khuynh tiếp tỏa.
Ba nộ minh minh, hổ khiêu viên đề.
Đăng lâu tư dã, tắc hữu khứ quốc hoài hương.
Ưu sàm úy cơ, mãn mục tiêu nhiên, cảm cực như bi giả hĩ!
Chí nhược xuân hòa cảnh minh,
Ba lan bất kinh, thượng hạ thiên quang, nhất bích vạn khoảnh,
Sa âu tường tập, cẩm lân du vịnh, ngạn chỉ đinh lan, uất uất thanh thanh.
Nhi hoặc trường yên nhất không, hạo nguyệt thiên lý,
Phù quang dược kim, tỉnh ảnh trầm bích.
Ngư ca hổ đáp, thử lạc hà cực.
Đăng tư lâu dã, tắc hữu tâm khoáng thần di.
Sưng nhục giai phong, bả tửu lâm phong, kỳ hỉ dương dương dã hỉ!
Ta phù!  Dư thường cầu cố nhân nhân chi tâm,
Hoăc dị nhị giả chi vi, hà tai?
Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi;
Cư miếu đường chi cao, tắc ưu kỳ dân,
Xứ giang hồ chi viễn, tắc ưu kỳ quân.
Thị tiến diệc ưu, thoái diệc ưu... nhiên tắc hà thì nhị lạc gia?
Kỳ tắc viết: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc dư.”
Y ! Vi tư nhân, ngô thùy dữ quy!
Thì Khánh Lịch lục niên cửu nguyệt thập ngũ nhật.
Nguyễn Du (1766-1820) đến thăm lầu Nhạc Dương trong thời trai trẻ đi giang hồ Trung Quốc (1787-1790), vì trong thơ có câu Tây phong ỷ cô hạm, trước ngọn gió Tây một mình đứng tựa lan can. Tây phong trong thơ Nguyễn Du thường ám chỉ nhà Tây Sơn, nếu đi sứ năm 1813 với sứ đoàn 27 người, các quan Trung Quốc đón tiếp đãi tiệc tại các nơi danh lam thắng cảnh, phải thù tiếp làm thơ xướng họa, quan Chánh sứ không thể ngắm cảnh một mình. Bài này Nguyễn Du viết trong thời kỳ đi giang hồ thời Tây Sơn.
Nguyễn Du viết: Lầu cao ngất đứng sừng sững trên bờ cao. Đứng trên cao nhìn xuống phong cảnh sao mà tráng lệ. Mây nổi che kín cả ba vùng đất Sở. Giang Lăng là Nam Sở. Ngô là Đông Sở, Bành Thành là Tây Sở; Nước thu từ chín sông đổ về.; nước Động Đình Hồ có 9 con sông chảy về, gọi là Cửu Giang. Việc cũ truyền lại  ba lần say ở lầu này, Nhắc chuyện Lã Động Tân đời Đường thi trượt được Chung Ly Quyền dạy thuật trường sinh, người đời liệt vào hàng Bát Tiên. Ông có hai câu thơ: Tam túy Nhạc Dương nhân bất thức. Lãng ngâm phi quá Động Đình hồ. Ba lần say ở lầu Nhạc Dương mà không ai biết, ngâm thơ tràn bay qua hồ Động Đình. Quê hương một góc trời trống không. Nguyễn Du muốn nói nhà Trịnh, nhà Lê đều sụp đổ, hai anh Nguyễn Khản, Nguyễn Điều làm quan to đều mất, Nguyễn Du thấy hụt hẩng trống rỗng trong lòng. Trước ngọn gió Tây một mình đứng dựa lan can. Tây Sơn nổi lên như một ngọn gió mạnh, mình phiêu bạt giang hồ một mình nơi đất khách quê người. Vẳng tiếng chim hồng chim nhạn bay qua mà lòng thêm buồn.
LÊN LẦU NHẠC DƯƠNG
Dốc đứng lầu cao dựng,
Lên cao tráng lệ sao!
Mây bay ba nước Sở,
Nước thu chín sông vào.
Chuyện cũ say ba bận,
Quê xưa vắng làm sao.
Gió Tây cô đơn đứng,
Tiếng hồng buồn biết bao!
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
ĐĂNG NHẠC DƯƠNG LÂU
Nguy lâu trĩ cao ngạn.
Đăng lâm hà tráng tai!
Phù vân Tam Sở tận.
Thu thủy cửu giang lai,
Vãng sự truyền tam túy.
Cố hương không nhất nhai.
Tây phong ỷ cô hạm,
Hồng nhạn hữu dư ai.
(Nguyễn Du Toàn tập tập I Văn Học Hà Nội 1996.)
Đoàn Nguyễn Tuấn đi sứ năm 1790 trong sứ đoàn thời Tây Sơn, do Phan Huy Ích làm Chánh Sứ. Sứ đoàn 158 người, có vua Quang Trung giả do cháu vua là Phạm Công Trị đóng vai. Cuộc tiếp rước long trong và tốn kém nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thơ văn Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn được khắc trên bia nhiều nơi trên đường đi sứ. Phan Huy Ích tại chùa Phi Lai, Đoàn Nguyễn Tuấn tại Hoàng Hạc Lâu. Tại Nhạc Dương Lâu Đoàn Nguyễn Tuấn theo gương Phạm Trọng Yêm làm bài phú văn chương tuyệt tác không kém.
NHẠC DƯƠNG LÂU PHÚ (ĐOÀN NGUYỄN TUẤN)
Tháng Thu cúc (tháng 9) năm Canh Tuất, Hải Khách An Nam quay xe sứ thần từ Yên Đài, buông thuyền qua sông Trường Giang, sông Hán, trên lầu Hoàng Hạc nhớ dấu cũ Phí Văn Vĩ và Lã Động Tân, tới Xích Bích hỏi việc Tôn Ngô và Tào Tháo. Trước ngày mùng một tháng Tiểu xuân (tháng 10) đậu thuyền dưới thành Nhạc Dương.
Thừa hứng lên lầu, từ cao xa trông,
Bóng hồ ngàn dậm, trên dưới sáng rực.
Mây trời lững lơ, khói chiều lóng lánh.
Đó là lúc trời phô bày bóng sắc!
Núi đảo chìm nổi, cây cỏ xanh rờn.
Đó là đất thêu dệt văn chương!
Phong vật Tư Thành náo nhiệt, làng xóm Tam Sở chen chúc,
Đó là người dựng nên bức tranh!
Đến như: Tiếng chuông chùa vắng, du dương như nước cuộn lên.
Bóng tiều phu đi dưới nắng tà, thấp thoáng quanh bờ.
Cả đến: Đàn nhạn ngang dọc, tiếng hát ca chèo phía xa, phía gần.
Tô điểm nước thu chiều tà, chẳng phân bến bờ trước mắt ta.
Thoáng như thân ở trong bầu ngọc, lòng mắt đều sảng khoái.
Chợt có kẻ mặc áo đạo sĩ, nâng chén cùng mời.
Một hớp say sưa, như tưới nước cam lộ vào lòng.
Rồi thì: ngước trông chân tượng (Lã Đồng Tân), tưởng nhớ đạo huyền.
Ngâm câu thơ vịnh cảnh Thương Ngô, Bích Hải.
Hát bài ca đề cảnh Bôn Phố và Quân Sơn.
Nghĩ thân thế như phù du, sống gửi trăm năm như ngọn đèn trước gió.
Tỉnh ngộ thời gian xưa nay, như quán trọ bên đường,
Mênh mông đất trời, thân như hạt thóc.
Bèn đến trước đạo sĩ, hỏi đạo huyền vi.
Gốc trí tuệ  dễ đâu, lẽ nhiệm mầu khó nói.
Khiến cho người có thể giương cánh bay về với dấu phi hồ,
Sao phải gào thét mà tranh nhau truyền tụng.
Rồi thì: Bóng mặt trời lặn xuống nước, ánh sáng lạnh chiếu cao.
Ôm áo lên thuyền về, thần trí thong dong.
Đêm ngủ mộng cùng ông chén say lầu này.
Lại viết một bài thơ:
Động Đình sắc nước biếc trời thu,
Chót vót trời xa hồ mái lầu.
Vũ trụ Đông Nam thành khuyết hãm,
Sóng mây kim cổ vẫn xanh mầu.
Cột buồm thấp thoáng trời xanh biếc,
Gò đảo lung linh bọt trắng phau.
Lò thuốc luyện đan buồn lữ khách,
Tượng say, tỉnh mộng hát nghêu ngao.
Nhất Uyên dịch thơ.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
NHẠC DƯƠNG LÂU PHÚ
Canh Tuất cúc thu chi nguyệt, An Nam Hải Khách tự Yên Đài hồi thêu, phiếm châu Giang Hán.Đăng Hoàng Hạc hoài Phi Lã chi di tung, kinh Xích Bích, phỏng Tôn Tào chi cố sự. Tiểu Xuân sóc tiền nhất nhật, hệ lãm Nhạc Dương thành hạ.
Thừa hứng đăng lâu, bằng cao viễn vọng,
Hồ quang thiên lý, ánh triệt thượng hạ.
Vân nhật chi hồi tưởng, yên hà chi yếm ánh, thiên vi chi dung sắc dã!
Đảo dữ chi phù trầm, thảo thụ chi hương thúy, địa vi chi văn chương dã!
Tứ thành văn vật chi phồn hoa, Tam Sở tỉnh lư chi bức tấu, nhân vi chi đan thanh dã!
Nhược nãi: Tĩnh sái chung thanh, du dương nhi độ thủy, tà dương tiều ảnh, ẩn ước nhi duyên nhạn.
Dữ phú: Nhạn trận tung hoành, ngư ca viễn cận,
Điểm xuyết tà dương thu thủy, dĩ phân lai hồ ngô tiền.
Hoằng nhược thân tại băng hồ, tâm mục câu sảng.
Thích hữu ý đạo bào giả, cử bôi tương khuyến,
Nhất xuyết đính đính nhược quán đề hồ.
Ư thị: ngưỡng quan chân tượng, diến tưởng huyền phong.
Tụng Thương Ngô, Bích Hải chi chương; ca Bồn Phố, Quân Sơn chi khúc.
Tư thân thế chi phù du, ký bách niên ư phong chúc.
Ngộ cổ kim chi từ lư, diễu lưỡng gian ư nhất túc.
Nãi tiến đạo sĩ, lược khấu huyền thuyên.
Lợi căn phỉ dị, áo chỉ nan tuyên.
Sử nhân giai khả đắc nhi quy phi hồ chi tích, hề sắt sá nhi tranh truyền.
Ký nhi: ô ảnh lạc ba, hàn quang vạn trượng.
Đề y quy châu, thần thư thể xướng.
Dạ mộng dữ ông phục túy ư tư lâu chi thượng.
Hựu đắc thi nhất thủ:
Động Đình thủy sắc nhập thu không,
Hồ thượng nguy lâu tiếp viễn khung.
Vũ trụ đông nam thành khuyết hãm,
Vân đào kim cổ tự linh lung.
Phàm tường ẩn ước thanh thiên ngoại,
Đáo dữ mơ hồ bạch mạt trung.
Đan táo hoang lương bi lữ tích,
Túy ngâm di tượng tỉnh trần mồng.
Chú thích:
Hoàng Hạc: người tiên là Phí Văn Vĩ và Lã Động Tân cỡi hạc vàng nghỉ chốn này.
Tam Sở: Giang Lăng là  Nam Sở, Ngô là Đông Sở, Bành Thành là Tây Sở.
Thương Ngô, Bích Hải: nơi Lã Đồng Tân dạo chơi và làm thơ.
Đoàn Nguyễn Tuấn. Hải Ông thi tập. nxb Văn Học Hà Nội.
Chánh sứ Phan Huy Ích năm 1790 cũng có bài thơ tuyệt tác: Nhạc Dương Lâu hiểu vọng. Lê lầu Nhạc Dương ngắm cảnh buổi sớm, Ông viết lời dẫn như sau: Lầu Nhạc Dương trông xuống Hồ Động Đình. Trên gác thờ Lã Tiên. Ở tấm bình phong có khắc bài ký của Phạm Văn Chánh (Phạm Trọng Yêm) Từ cao trông xa thấy trời nước một mầu, hai ngọn núi Quân và Biển thấp thoáng trong sóng) Bài thơ viết: Gác cao đầu thành trải trong nắng sớm, Phóng mắt nhìn ánh hồ nước liền mây. Tục truyền Lã Tiên đã ba lần say rượu. Mừng được xem Phạm lão viết một bài ký. Sóng ôm ngọn núi nổi lên trơ trọi như con ốc xanh. Gió đưa cánh buồm phất phới chập chờn như đàn bướm gấm. Gửi trong khoảng trời đất bao la mênh mông. Bầy chim âu đùa giỡn ở bãi lan bờ chỉ. Lan là loài thảo có hoa thơm, chỉ là loài thảo có hoa thơm dùng làm dược liệu.
LÊN LẦU NHẠC DƯƠNG NGẮM CẢNH BUỔI SỚM
Lầu gác đầu thành trong nắng mai,
Nhìn xa hồ chiếu nước liền mây.
Tục truyền tiên Lã say ba bận,
Mừng thấy cụ Yêm ký một bài.
Ngọn núi sóng ôm như ốc nổi,
Cánh buồm thoáng hiện bướm hoa bay.
Gửi trong trời đất bao la đó,
Bờ chỉ bãi lan âu giỡn bay.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
NHẠC DƯƠNG LÂU HIỂU VỌNG
Thành đầu cao các quải triêu huân,
Cực mục hồ quang tiếp thủy vân.
Truyền đạo Lã tiên tam độ túy,
Hỉ khan Phạm lão nhất thiên văn.
Ba hàm cô dữ thanh loa hiện,
Phong tống phi phàm cẩm điệp phân.
Ký dữ càn khôn không khoát tế,
Đinh lan ngạn chỉ hiệp âu quần.
(Thơ văn Phan Huy Ích Dụ Am ngâm lục tập III. nxb KHXH. Hà Nội 1978.)
Nguyễn Tông Khuê (1693-1767) Phó sứ năm 1742, Chánh Sứ năm 1748 Trong Sứ Trình Tân Truyện bài thơ Lục bát dài 670 câu có chen thêm thơ Đường luật. Đoạn viết về Hồ Động Đình và Nhạc Dương Lâu như sau:
Động Đình một nước một trời,
Rủ rê Phạm Lãi rong chơi bấy chày,
Mênh mang bờ cõi khôn hay,
Gió nong ngàn dậm trăng đầy ba thu.
Quân Sơn một đỉnh mù mù,
Hồn Tương in trúc, cầm Ngu mượn tùng.
Nhạc Dương lầu nọ đứng trông,
Ba phen ông Lã hứng nồng chưa nguôi.
Chú thích:
Phạm Lãi sau khi từ quan đi  thuyền rong chơi Ngũ Hồ.
Quân Sơn: Huyện Vu có núi Quân Sơn, còn gọi là Tiên cung Sơn. Tương truyền sau khi vua Thuấn mất ở đất Thương Ngô (Ngô Châu) hai bà phi Nga Hoàng và Nữ Anh khóc nước mắt vấy vào các bụi trúc, trúc dầ thành lốm đốm, gọi là Tương phi trúc. Vua Nghiêu (Ngu) thường gảy đàn cầm, tiếng đàn vua Nghiêu ấm như tiếng gió thổi qua ngọn tùng.
(Tinh tuyển Văn Học Việt Nam quyển 5  nxb KHXH tr 119)
Hồ Sĩ Đống (1739-1785) quê xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh họ Hồ Xuân Hương, Đỗ Hoàng Giáp Tiến sĩ năm 1772, làm quan đến chức Hành Tham Tụng (Quyền Thủ Tướng), năm 1777 ông sung chức Phó sứ, Chánh Sứ là Võ Khâm Tự. Trong chuyến đi này Chúa Trịnh Sâm trình quốc thư muốn phong vương thay vua Lê. Đến Động Đình Hồ, Võ Khâm Tự đem thư chúa Trịnh ra đốt và tự tử sau khi dặn dò mọi việc cho Hồ Sĩ Đống. Hồ Sĩ Đống hoàn thành công việc đi sứ nhưng im việc ấy, mà chúa Trịnh cũng chẳng hỏi gì. Hồ Sĩ Đống có làm bài thơ viếng Võ Khâm Tự tại Hồ Động Đình.
VIẾNG VÕ KHÂM TỰ
Hai độ hoàng hoa Chánh sứ thần,
Tuổi cao đức trọng bậc công khanh.
Bang giao những tưởng như ngà ngọc,
Tiên cốt nào hay gió bụi trần.
Giọt lệ đồng châu dâng một lễ,
Tiếng danh tài bút bậc công thần.
Trăng thu thấp thoáng bên hồ rộng,
Lại nhớ quê nhà bóng cố nhân.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
ĐIẾU VÕ KHÂM TỰ
Hoàng Hoa lưỡng độ phú tư tuân.
Uyên đức kỳ niên cánh kỷ nhân.
Cộng tiễn bang giao nhàn ngọc bạch
Thùy tri tiên cốt lịch phong trần.
Sinh sô lệ sai đồng chu khách.
Tái bút danh quy tuẩn quốc thần.
Trù trước Thái Hồ thu nguyệt sắc.
Dạ lai do chiếu ốc lương tần.
Phạm Đình Hổ. Vũ Trung tùy bút bài Thần Hồ Động Đình nxb ĐNA Paris tái bản.
Ngô Thì Nhậm (1746-1803) người Tả Thanh Oai, con Ngô Thì Sĩ, đỗ Tiến sĩ năm 1775, làm quan Án Sát Tỉnh Hải Dương rồi làm Đốc Đồng hai tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên đời Lê - Trịnh, làm quan Binh Bộ Thượng Thư triều Tây Sơn, được triều đình cử làm Chánh Sứ  năm 1792 để báo tang vua Quang Trung và cầu phong cho vua Quang Toản. Trên đường về, ông ghé thăm lầu Nhạc Dương và làm bài thơ về Hồ Động Đình. Bài tiểu dẫn ông viết: Giờ Thìn thuyền từ thành Nhạc Dương ra đi, bỗng gió bắc chuyển động, sóng hồ nổi dậy, lần lượt lật đắm thuyền hành lý và thuyền quan Tư Mã (Ngô Văn Sở) riêng thuyền tôi được bình yên. Giờ tỵ đến bến Tương Âm, mua rượu uống mừng.
Cánh buồm gió đã vượt qua Hồ Động Đình, Kinh dùng câu thơ Lãng ngâm phi quá Động Đình Hồ của Lã Tiên làm đề. Ngâm vang mà bay qua Hồ Động Đình. Mây nước mịt mùng dường có dường không. Cơn sóng lớn ngất trời gió thổi rất mạnh. Cánh buồm nhẹ đã tới bờ, ngày vừa xế chiều. Chùa trong núi ẩn hiện, tiếng chuông xa vẳng. Một vùng sông hồ nhuần thấm, bóng nhạn lẽ loi. Trong chớp mắt đã vượt qua ba trăm dậm khói sóng. Tới ngoại thành Tương Âm, cùng nhau mua rượu uống mừng.
LÃNG NGÂM PHI QUÁ ĐỘNG ĐÌNH HỒ
Ngâm vang bay vượt Động Đình Hồ,
Mây núi mịt mùng như hữu vô.
Sóng lớn ngất trời cơn gió mạnh,
Cánh buồm chiều xế đã vào bờ.
Núi chùa ẩn hiện chuông xa vắng,
Sông nước mênh mông nhạn vẫn vơ.
Chớp mắt qua ba trăm dậm vượt,
Tương Âm thành ngoại rượu lưng hồ.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
PHONG PHÀM QUÁ HỒ KINH DỤNG LÃ TIÊN "LÃNG NGÂM PHI QUÁ ĐộNG ĐÌNH HỒ" THI CÚ
Lãng ngâm phi quá Động Đình Hồ,
Văn thủy thương mang sạ hữu vô.
Cự lãng man thiên phong tối kiện,
Kinh phàm để ngạn nhật tài bô.
Sơn am ẩn ước chung thanh viễn,
Trạch quốc uông hàm nhạn ảnh cô.
Chuyển thuẩn yên ba tam bách lý,
Tương Âm thành ngoại cược tân cô.
Chú thích:
Lã Tiên: Lã Động Tân.
Trạch quốc: vùng có nhiều sông hồ.
TươngÂm huyện phía nam tỉnh Hổ Nam
Cược: họp nhau uống rượu.
Thơ Ngô Thời Nhậm. Văn Học. Hà Nội 1986. tr 235, 236
Ngô thì Vị (1774-1821) người danh tiếng đồng thời với Nguyễn Du, một tác giả chính của Hoàng Lê Nhất Thống Chí, được Nguyễn Du gọi là Ngô Tứ Nguyên, đỗ đầu bốn kỳ thi. em út Ngô Thi Nhậm mồ côi cha lúc lên năm, được anh nuôi dưỡng. Đi sứ đời Minh Mạng, làm Chánh Sứ thay thế Nguyễn Du mới mất năm Kỷ Tỵ 1820, lên thăm Lầu Nhạc Dương, nhớ đến anh Ngô Thì Nhậm. Năm Quý Sửu 1793 anh tôi xưa đã lên lầu này. Đến nay tôi lên là mười bảy mùa thu trôi qua... Ngoảnh đầu nhìn lại việc trước đáng ghê mình vì cuộc bể dâu. Nay tôi nối gót anh mà đi sứ thấy hổ thẹn cho bao kiếp tu từ lâu đời. Người xưa qua rồi không lại nữa, y như đám mây bay hoài. Cuộc đời thay đổi không ngừng, y như dòng nước chảy. Tôi khâm phục lời nói hay của tiền nhân, càng nghĩ kỹ... Càng cảm động, có rút khỏi bước giang hồ, mới khỏi lo lắng.
TRÊN LẦU NHẠC DƯƠNG CẢM HOÀI
Anh tôi Quý Sửu thăm lầu này,
Mười bảy năm giờ em đến thay.
Dâu biển quay nhìn lòng sợ hãi,
Sứ trình tiếp bước hổ lòng nay.
Người xưa qua đó như mây nổi,
Đời đổi không ngừng nước chảy trôi.
Khâm phục lời hiền nhân nghĩ kỹ,
Giang hồ rời gót mới an vui.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
ĐĂNG NHẠC DƯƠNG LÂU CẢM HOÀI
Gia huynh Quý Sửu thướng tư lâu,
Đại ngã kim niên thất thập thu.
Tang hải hồi đâu kinh cựu sự,
Hoa trình tiếp vũ quý liền tu.
Cổ nhân bát tác vân trường vãn,
Thế biến vô cùng thủy tự lưu.
Bội phục hiền ngôn chung hữu cảm,
Giang hồ nhược thoái cánh hà ưu?
Ngô Văn Gia Phái. Nxb Hà Sơn Bình.
22-11-2015
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...