Nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Wolfgang Amadeus Mozart nói rằng: “Lặng cũng là âm nhạc”. Còn theo quan niệm của môn “Lý thuyết âm nhạc cơ bản”: “Lặng là sự ngừng vang”.
Lẽ đương nhiên, lặng khó thể là “sự” khi mà nó không hề hiện hữu. Chúng ta có thể nhận biết lặng thông qua mối quan hệ tương tác với hiệu quả vang của âm thanh. Còn suy xét một cách biệt lập, thính giác của chúng ta tuyệt nhiên không thể cảm nhận được lặng! Nói cách khác, lặng thuộc phạm trù khả niệm (có thể quan niệm), chứ không phải khả giác (có thể nhận biết bằng giác quan). Nhận thức luôn thuộc về kết quả của tiến trình tương tác giữa chủ thể và đối tượng. Vì vậy, lý thuyết âm nhạc khác với nghệ thuật âm nhạc. Quá trình phát triển của nghệ thuật cho thấy sự sáng tạo không ngừng những giá trị văn hóa mới, những chặng đường chinh phục khả năng siêu việt của con người. Bởi vậy, với phẩm chất của một nhạc sĩ thiên tài, Mozart đã rất minh triết khi cho rằng “lặng cũng là âm nhạc”, chứ không thuần túy là sự ngừng vang hay ngừng nghỉ.
Trong hoạt động thực tiễn, chúng ta dễ thường coi dấu lặng là những chỗ để nghỉ! Trên thực tế, chưa từng có nghệ sĩ nào làm việc riêng, hay “đào ngũ” trong khi đàn khoảng lặng. Từ người mới chập chững bước chân vào ngôi đền âm nhạc cho đến các nhạc sĩ vĩ đại ngự trên tượng đài vinh quang bất tử đều có chung thái độ thành kính trước dấu lặng.
Tham chiếu nhiều tác phẩm cận đại, ta thấy càng ngày càng có hiện tượng chia nhỏ các khoảng lặng đến mức rối rắm khiến cho người đàn không khỏi cảm thấy mệt mỏi (hơn cả lúc đàn). Vậy, khó thể coi lặng là “nghỉ” theo quan niệm thường nghiệm. Trong nghệ thuật âm nhạc, lặng đă vượt khỏi ranh giới thường nghiệm, lọt vào thế giới siêu nghiệm. Ta chỉ biết có sự tồn tại của lặng, còn trước sau vẫn không thể cảm nhận được lặng bằng giác quan (đặc biệt là cơ quan thính giác).
Vào khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhạc sĩ, tiến sĩ Philipe người Mỹ tới Nhạc viện Hà Nội giới thiệu một số trào lưu âm nhạc cận đại thế giới lúc bấy giờ có nhắc đến tác phẩm “4 phút 33 giây” còn có tên “Silence”của nhạc sĩ Jonh Cage. Tiến sĩ Philipe mô tả việc trình bày tác phẩm này khá độc đáo, đặc biệt trong suốt khoảng thời gian trình diễn tác phẩm kéo dài 4 phút 33 giây, người nghệ sĩ chỉ ngồi tĩnh lặng, tuyệt nhiên không hề đàn một nốt nào. Khi được hỏi: “Qua tác phẩm này, người nghệ sĩ đă mang lại điều gì cho khán thính giả?”. Tiến sĩ Philipe trả lời rằng: “Tôi không biết”. Một câu trả lời hết sức chân thành, đồng thời đầy ngụ ý, mà thực chất là Thiền ý. Vì sao vậy? Bởi, bản chất của Thiền là vô ngôn, còn bản chất của lặng là vô thanh. Vô ngôn và vô thanh gặp nhau ở thuộc tính “lặng”. Nói như vậy, có nghĩa lặng là nơi mà người nhạc sĩ (sáng tác) trao toàn quyền sáng tạo cho người biểu diễn và người nghe. Có thể nói, chủ thể sáng tạo và đối tượng tiếp nhận đều gặp nhau ở những chỗ lặng, một kết quả liên chủ thể tuyệt diệu trong nghệ thuật sắp xếp âm thanh.
Trong tất cả các phương tiện biểu hiện của âm nhạc, lặng chiếm vị trí khá khiêm tốn. Người mới học đàn hiểu lặng là sự ngừng nghỉ (rest). Đơn giản có vậy, nhưng lặng có giá trị cực kỳ to lớn. Không có lặng, tác phẩm âm nhạc chỉ bao gồm tổng thể âm thanh miên trường, mệt mỏi… Chúng ta thật khó thể tưởng tượng thứ âm nhạc không có lặng. Vì, nghệ thuật sắp đặt âm thanh luôn nằm trong mối tương quan giữa hiệu quả vang của âm thanh và những khoảng lặng. Một tác phẩm vang suốt từ đầu tới cuối, đến mức không còn chỗ cho người đàn “ngừng”, người nghe “nghỉ”, chắc hẳn chúng ta phải ngợp “thở”. Chưa kể, không có lặng, đối với những hình thái nghệ thuật phụ thuộc vào sự hữu hạn của cơ quan sinh lý con người không thể thực hiện được, như thanh nhạc, kèn (tất nhiên, có những nghệ sĩ kèn có khả năng kích âm – tạo âm bằng cả hai cách thổi ra và hít vào). Song, lặng trước hết và sau cùng xuất hiện với tư cách của một phương tiện biểu hiện trong âm nhạc như nhà soạn nhạc thiên tài Mozart quan niệm, chứ đừng hiểu lặng đơn giản là sự ngừng nghỉ hay ngừng vang.
Lặng giống như khoảng trống trong các công trình kiến trúc. Bất kỳ công trình kiến trúc nào, từ kết cấu đồ sộ, quy mô hùng vĩ như quảng trường, nhà hát, nhà thờ, đền đài, đình miếu… cho tới kiến trúc dân dụng, trường học, bệnh viện… đều vô ý, hữu ý tạo ra những khoảng trống nhằm tạo tựu cho sự hiện hữu của ngôn ngữ kiến trúc hình khối. Một công trình kiến trúc hoàn hảo luôn vươn tới vẻ đẹp của sự quân bình giữa khoảng trống và hình khối. Kết cấu hài hòa làm nên tính chất đồng đẳng giữa hai hình thái tồn tại, hư không và hiện hữu. Do vậy cũng đừng hiểu khoảng trống là chỗ trống, nơi mà ta có thể đặt bất cứ vật gì vào khi cần thiết. Nói cho rốt ráo, trạng thái cân bằng giữa khoảng trống và không gian bố trí sự vật luôn nằm trong mối tương tác của công trình kiến trúc tựa như lặng trong tác phẩm âm nhạc nhằm vươn tới tinh thần, trạng thái hài hòa, bình đẳng giữa các phương tiện biểu hiện. Trong tác phẩm âm nhạc, âm thanh vang tựa như phần nổi, còn lặng chìm sâu dưới lòng giá trị biểu hiện. Lý lẽ phổ biến này nằm trong mọi sự tồn tại. Nó chính là Đạo, là vô vi, là cái không làm, nhưng làm với sự hồn nhiên, vô tư tuyệt đối. Và ở đây, chúng ta mơ hồ nhận ra rằng, lặng chính là chỗ khó đàn nhất. Lặng không những khó đàn, mà còn khó nghe nữa, Vì, bản chất vô thanh, không hiện hữu…
Khác với âm thanh vang, tác động trực tiếp vào cơ quan thính giác của chúng ta tạo nên các hiện tượng tâm lư khác nhau. Còn lặng hướng vào chiều sâu nội giới, chúng ta tiếp xúc với lặng bằng cuộc “hành hương” tìm về cội nguồn của bản thân mình.
Khác với âm thanh vang, tác động trực tiếp vào cơ quan thính giác của chúng ta tạo nên các hiện tượng tâm lư khác nhau. Còn lặng hướng vào chiều sâu nội giới, chúng ta tiếp xúc với lặng bằng cuộc “hành hương” tìm về cội nguồn của bản thân mình.
Đa số các nhà nghiên cứu âm nhạc đều không chấp nhận thứ âm nhạc không phát ra âm thanh, thậm chí kể cả thứ âm nhạc Thiên lại Địa lại (nhạc trời) từng làm xao xuyến nhiều bậc hiền triết thời kỳ cổ đại như Trang Tử, Lão Tử… thứ âm nhạc của Thân và Tâm như quan niệm trong Thiền… Bởi, trước khi âm nhạc được xem xét với tư cách làm đối tượng của khoa Tâm lư học (tâm lý tiếp nhận âm thanh), nó phải được nhìn nhận dưới góc độ vật lư (nguyên lý tạo thanh) của ngành Vật lý học.
Tuy nhiên, như đã đề cập, khoa học về âm nhạc bản thân nó không phải nghệ thuật âm nhạc. Nghệ thuật với bản chất không ngừng sáng tạo ra những giá trị mới luôn đồng hành với tiến trình mở rộng phạm vi và liên tục thâu tóm những phương thức biểu hiện mới. Lặng dù rằng vẫn được coi như một phương thức biểu hiện cũ, nhưng mỗi người đều có sự nhìn nhận khác nhau. Và quả thực, nghệ thuật không giống như vạn vật trong vũ trụ chịu chi phối bởi luật nhân quả, mang giá trị tất yếu, phổ quát mà được sáng tạo bởi quy luật của cái đẹp, mang giá trị tự do, độc đáo… Ở lĩnh vực nghệ thuật, chẳng có gì hiển nhiên cả! Nhận thức về nghệ thuật dưới nhiều trắc diện khác nhau vẫn có thể đem lại những kết quả mới mẻ, thậm chí khiến ta ngỡ ngàng. Lặng là một đối tượng như thế. Nếu rọi vào tác phẩm “4 phút 33 giây”, ta có thể coi nó như một dấu lặng dài hay nhiều dấu lặng trong suốt quá trình diễn tiến của tác phẩm. Có điều, khi lặng đứng một mình, không nằm trong sự đối sánh với âm thanh vang, ta không thể nhận ra sự hiện diện của nó. Trong tác phẩm âm nhạc, ta cảm nhận lặng bằng tương quan với hiệu quả vang, còn trong khoảnh khắc của những dấu lặng, ta chỉ có thể tiếp thu với tư cách của một phương tiện tự thân? Tự thân hiểu là tồn tại riêng biệt, không phụ thuộc vào yếu tố ngoại tại. Từ đó, sự tiếp nhận của mỗi chủ thể không đem tới kết quả tương đồng. Thế giới siêu hình của lặng vốn đã không hiện hữu, lại còn tùy thuộc vào khả năng siêu nghiệm của chủ thể tiếp nhận, nên ý nghĩa của lặng được quyết định bởi “căn duyên”, “tài phẩm” của từng người.
Trong yên lặng, ta gặp giá trị đích thực của lặng, tựa như mạch nước ngầm thấm sâu dưới lòng tác phẩm và nằm mơ hồ giữa tri giác cá nhân ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét