Nghệ thuật và sự nhận thức
về quá khứ, hiện tại, tương lai
Do tính đặc thù của nhận thức nghệ thuật là nhận thức bằng hình tượng, bằng cảm xúc, cảm nghĩ của con người về phương diện trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ luôn gắn liền với những hình tượng khác trong trí nhớ cảm quan, nên nhận thức nghệ thuật không chỉ với tư cách một loại trí nhớ, mà là một loại trí nhớ xã hội - trí nhớ của sự liên tưởng, có khả năng tổng hợp và phát triển các năng lực trí nhớ trong hoạt động nhận thức của con người. Nhờ đó, thông qua nghệ thuật, con người có thể nhận biết được quá khứ đã qua, lý giải được cái hiện tại đang hình thành và đồng thời, có khả năng dự báo sự phát triển của xã hội trong tương lai.
Trong hoạt động nhận thức, dù được thể hiện dưới hình thức ý thức cá nhân hay ý thức xã hội, thì nhận thức của con người cũng đều liên quan trực tiếp đến trí nhớ. Trí nhớ có vai trò không thể thiếu đối với hoạt động nhận thức. Nhờ có trí nhớ mà con người hình thành các biểu tượng về sự vật, hiện tượng đã được tri giác trước đây, do đó nội dung của ý thức không bị hạn chế bởi cảm giác, tri giác hiện có và nó còn bao gồm cả những kinh nghiệm, kiến thức đã được tích lũy.
Nghiên cứu trí nhớ, xét về cơ chế hoạt động và tính quy luật của nó, trước hết thuộc về khoa học tâm lý, như một cơ sở lý luận chung; nhưng khi phân tích vai trò của nghệ thuật trong hoạt động nhận thức thì sự khảo cứu về tâm lý nghệ thuật của trí nhớ cũng là một vấn đề quan trọng. Việc tiếp cận này cho phép chúng ta lý giải có cơ sở khoa học để trả lời câu hỏi tại sao nhận thức nghệ thuật là một hình thức tái hiện đặc thù thế giới hiện thực? Và, tại sao nhận thức nghệ thuật là một loại trí nhớ xã hội mang tính đặc thù?
Trí nhớ là một hoạt động tâm lý phức tạp được thể hiện dưới các hình thức đa dạng, phong phú khác nhau, nhưng về cơ bản nó bao gồm: trí nhớ cảm quan, trí nhớ lôgíc, trí nhớ vận động và trí nhớ cảm xúc, v.v... Như vậy, về bản chất, có thể coi trí nhớ là sự ghi nhớ, giữ gìn hoặc duy trì và biến đổi cái “hình ảnh chủ quan về hiện thực khách quan” trong bộ não người và bị quy định bởi hoạt động thực tiễn.
Tính đặc thù của nhận thức nghệ thuật là nhận thức bằng hình tượng, bằng cảm xúc, bởi trí nhớ cảm xúc là đặc trưng cơ bản của trí nhớ nghệ thuật. Sự tiếp cận này cho phép chúng ta giải thích tại sao chủ thể thẩm mỹ là chủ thể xã hội, mặc dầu phương diện diễn đạt của nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân, khác với phong cách phi nhân cách của khoa học. Điều đó là do bản chất xã hội của nghệ thuật quy định, nghệ thuật sử dụng loại hình khái quát hiện thực đặc thù - sự phản ánh đặc thù, nhưng lại có ý nghĩa phổ biến.
Các hình ảnh của trí nhớ cảm xúc - trí nhớ nghệ thuật với tư cách một loại trí nhớ xã hội, luôn gắn liền với những biểu tượng khác trong trí nhớ cảm quan. Bởi văn hoá, xét dưới hai hình thức là văn hoá vật thể và phi vật thể luôn có dấu ấn của nghệ thuật trong việc khắc hoạ chân dung cuộc sống bằng chân dung của cái đẹp dưới nhiều hình thức khác nhau, nên nhận thức nghệ thuật không chỉ với tư cách một loại trí nhớ, mà là một loại trí nhớ xã hội – trí nhớ của sự liên tưởng, có khả năng tổng hợp và phát triển mọi hình thức trí nhớ nói chung của con người.
Nhận thức bằng nghệ thuật, ngay cả các hành vi cá biệt bao giờ cũng là sự hướng về cái tổng thể toàn vẹn, cái chỉnh thể thống nhất bao gồm các đặc tính của khách thể. Đương nhiên, điều này hoàn toàn không loại trừ việc người nghệ sĩ có thể phân chia khách thể thành những đặc tính cụ thể để khảo sát sâu sắc hơn những đặc tính đó và mối quan hệ giữa chúng bằng những kiến thức khoa học. Và, cũng nhờ đó mà công chúng mới có khả năng cảm thụ, đánh giá tác phẩm nghệ thuật. Đặc điểm này của hoạt động nghệ thuật đều có sự liên hệ trong bản chất của hoạt động thẩm mỹ. Nó là kết quả của sự tái tạo lại những hình ảnh, những biểu tượng đã được phản ánh khái quát dưới dạng chung nhất và được thể hiện trên các loại chất liệu khác nhau tuỳ theo loại hình nghệ thuật.
Tất cả những lý giải về nghệ thuật, nguồn gốc, bản chất, đặc trưng và chức năng, đều xuất phát từ vấn đề hình tượng - hình tượng nghệ thuật. Cũng vì vậy, tính thống nhất, mâu thuẫn, đa dạng và phong phú trong cơ cấu hài hòa của những yếu tố chủ quan và khách quan, cảm tính - lý tính, cụ thể - khái quát, cá biệt -phổ biến, v.v..., trong các loại hình, loại thể của nghệ thuật và vai trò của nghệ thuật, xét cho cùng, cũng trên cơ sở hình tượng nghệ thuật. Bản chất của hình tượng nghệ thuật, một mặt, chứa đựng nội dung khái quát của hiện thực; mặt khác, nó đưa vào “bộ nhớ” của mình tất cả những đặc điểm đậm nét nhất của các thời đại về mặt tình cảm, tư tưởng và kể cả những kinh nghiệm của loài người với tư cách trí nhớ cảm quan, trực tiếp của sự phát triển văn hoá. Đó là một hình thức của tư duy – tư duy hình tượng nghệ thuật, nhưng lại bao hàm hoạt động tâm lý – lý trí và cũng là một cơ cấu vật chất xét trên phương diện: nhận thức và bản thể. Về vấn đề này, Hêgen có nhận xét hết sức sắc sảo, khi cho rằng: “Ở trên đỉnh cao nhất của tính tất yếu khoa học này (nghệ thuật - Đ.D.T), mỗi bộ phận vừa là cái vòng khép kín, lại vừa liên hệ tất yếu với các lĩnh vực khác. Nó vừa nhắc đến quá khứ, tức là nhắc đến cái lĩnh vực mà từ đó, nó xuất hiện, lại vừa nhắc đến tương lai, tức là cái lĩnh vực mà nó nhằm đạt tới; đồng thời tự bản thân nó lại sản sinh ra một đối tượng khác của nhận thức khoa học” (1).
Là một bộ phận hữu cơ của đời sống tinh thần, nghệ thuật cũng là một yếu tố của sự phát triển văn hóa và hơn thế nữa, nghệ thuật còn là yếu tố tinh thần - thực tiễn trong hoạt động của con người bằng trí nhớ xã hội. Bởi khi cảm thụ tác phẩm nghệ thuật, con người không chỉ nhận thức khách thể thông qua hình tượng nghệ thuật dưới hình thức cảm quan trực tiếp của thời đại mình, mà khách thể đó còn xuất hiện trong một hệ những hình ảnh liên tưởng, mang lại những hiểu biết về quá khứ để lý giải cái hiện tại đang được hình thành, được khẳng định và đồng thời có khả năng dự báo đối với sự phát triển xã hội trong tương lai.
Với tư cách một loại trí nhớ xã hội, nhận thức nghệ thuật luôn được thể hiện ở các phương diện sau:
1. Nghệ thuật với mối liên hệ quá khứ.
Từ trong cái nôi sâu thẳm của các thế kỷ đã qua, nghệ thuật mở đường cho sự hiểu biết về quá khứ của các thời đại, các dân tộc về lối sống, phong tục, tập quán, truyền thống, những trật tự xã hội của họ. Trong mối quan hệ này, nghệ thuật mở ra trước mắt chúng ta những tình cảm, tư tưởng của các thế hệ, các thời đại, tính phức tạp, tính hấp dẫn của cuộc sống và cả những biện pháp được áp dụng để giải quyết những yêu cầu của xã hội trong các thời kỳ khác nhau của lịch sử.
Ở mỗi thời kỳ khác nhau của lịch sử, việc tiếp thu, đánh giá giá trị của những di sản nghệ thuật cổ xưa, có thể hoàn toàn xa lạ, thậm chí ở những dân tộc khác nhau, thì vấn đề quan trọng là phải chú ý đến nội dung có tính chất toàn nhân loại của nghệ thuật. Chính yếu tố này được ví như một đường tròn đồng tâm mở rộng đến vô tận nhờ khả năng lan toả do tính đa chiều của nghệ thuật. Bởi lẽ, nghệ thuật với chiều sâu tư tưởng và tình cảm là hơi thở của các thời đại, là bộ phận đặc thù hợp thành tổng thể những giá trị văn hoá mang tính nhân loại. Với tư cách một loại trí nhớ xã hội, sự ra đời và phát triển của nghệ thuật, tuy có những bước thăng trầm, nhưng nó luôn là phương diện độc đáo của văn hoá, nhân đạo hoá, thẩm mỹ hoá bản thân con người vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Thật vậy, bất kỳ tác phẩm nghệ thuật chân chính nào, nhất là những tác phẩm lớn, đều có thể được xem là sự nhân danh trí tuệ và tình cảm của các dân tộc, các thời đại và của sự tiến bộ xã hội mang tính toàn nhân loại. Về vấn đề này, Hêgen đã phát biểu chính xác rằng, chỉ khi nghệ thuật “nhập vào cùng một phạm vi chung với tôn giáo và triết học” thì nghệ thuật mới giải quyết được “nhiệm vụ tối cao của mình”; rằng, “các dân tộc đã ký thác vào… nghệ thuật, những chiêm ngưỡng nội tâm và những biểu tượng của mình. Nghệ thuật thường thường là một chìa khoá và ở một vài dân tộc, đó là chìa khoá duy nhất để hiểu sự khôn ngoan sáng suốt và tôn giáo của họ” (2) và, “nghệ thuật thực sự trở thành vị thầy cao nhất của các dân tộc” (3). Theo đó, nếu như lấy những bài thơ trong bản trường ca “Iliát” và “Ôđixê” của Hôme để xem xét, chúng ta thấy, các bài thơ đó không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà nội dung của chúng uyên bác tới mức được đánh giá vừa là sự khái quát triết học, vừa là mẫu mực cho đạo đức, vừa là sự trình bày một tín ngưỡng tôn giáo, vừa là di sản văn hóa.
Những tác phẩm nghệ thuật chân chính được tạo ra qua các thời đại in đậm những dấu ấn của những biến cố lịch sử, thể hiện trong các di vật vô giá của nghệ thuật. Đó là những bản trường ca bất tử của Hôme, điện thờ Páctênông, tượng Vênút ở Milốt và Edíp, Antigon, Hămlét, Đôn Kihôtê, Đông Gioăng, v.v... Chúng không chỉ đơn giản là hình tượng nghệ thuật, mà còn là đặc trưng phổ quát của sự phát triển văn hóa có ý nghĩa toàn nhân loại.
Việt Nam, một trong những cái nôi văn hóa, văn minh lâu đời, xét về chiều dài lịch sử, tầm cao của nền văn hiến, mang tính nhân văn sâu sắc kể từ khi lập quốc cho đến thời đại Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý đó. Những di sản văn hoá với nhiều dấu ấn lịch sử như một trí nhớ xã hội, như trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn, các bộ đàn đá, cồng chiêng, v.v... thông qua nghệ thuật truyền thống, mang sức sống của một nền văn hóa có bản sắc dân tộc. Bản sắc dân tộc của văn hoá thông qua nghệ thuật chính là lịch sử và lịch sử là ký ức của các dân tộc, trong đó có lịch sử dân tộc Việt Nam.
Những tác phẩm nghệ thuật chân chính đều mang trong bản thân chúng khả năng truyền đạt nội dung và ý nghĩa của những mối quan hệ xã hội của thời đại mình, đồng thời gửi lại cho hậu thế những giá trị văn hóa của loài người, trong đó bao hàm tính đa dạng và thống nhất về giá trị văn hóa của các dân tộc. Về vấn đề này, Ph.Ăngghen đã có những nhận xét xác đáng: “Thời thịnh vượng nhất của giai đoạn cao trong thời đại dã man được diễn tả trong những thơ ca của Hôme, nhất là trong tập “Iliát”… bản anh hùng ca của Hôme và toàn bộ nền thần thoại - đó là những di sản chủ yếu mà người Hy Lạp đã đem được từ thời đại dã man sang thời đại văn minh” (4) và thời đại của chúng ta.
2. Nghệ thuật trong mối quan hệ từ quá khứ đến hiện tại.
Đường kênh nghệ thuật, trong mối quan hệ từ quá khứ đến hiện tại, luôn hiện diện trong trí nhớ xã hội như là một kênh liên hệ thông tin đặc biệt. Đường kênh này của nghệ thuật đến được với công chúng qua sự kế thừa, lựa chọn độc đáo những giá trị tinh thần truyền thống của các dân tộc và các thời đại, để xã hội hóa kinh nghiệm cá nhân và cá nhân hoá những kinh nghiệm xã hội. Với nghĩa là một hệ thống tín hiệu, xét về bản chất, cơ cấu, nghệ thuật luôn là một kho lưu trữ kinh nghiệm sống điển hình, đầy cảm quan của xã hội. Do vậy, vấn đề giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, nhất là việc làm phong phú đời sống tinh thần cho mỗi cá nhân, mỗi thế hệ, mỗi thời đại đã và đang ngày càng tăng lên và trở thành vấn đề hết sức quan trọng. Ở đây, vai trò chủ đạo được dành cho người tiếp xúc với nghệ thuật và trước hết là người nghệ sĩ.
Như vậy, thông qua đường kênh nghệ thuật, với tư cách một loại trí nhớ xã hội, nghệ thuật không những giữ lại toàn bộ tri thức, kinh nghiệm, xúc cảm, tình cảm của các thời đại khác nhau, mà còn bao hàm cả tính kế thừa đối với bản thân các hoạt động sống của các thế hệ, các thời đại. “Chỉ có tính uyên bác trong lĩnh vực lịch sử nghệ thuật là vẫn còn giữ được giá trị của mình ngày xưa, và còn ở một trình độ cao hơn nữa, khi tầm nhìn của nó càng được mở rộng thêm” (5) xét về mối quan hệ của nó từ quá khứ đến hiện tại.
Trong sự phát triển của mình, nghệ thuật luôn gắn liền với những phát kiến mới, nhưng đồng thời lại gắn bó hết sức chặt chẽ với truyền thống của nó. Chính vì vậy, những truyền thống của kịch trường La Mã đã có thể hồi sinh trên sâu khấu Anh thế kỷ XVI, chuẩn bị cho sự ra đời của kịch Sếcxpia, thiên tài của Puskin chỉ có thể phát triển trên cơ sở những tư tưởng tiêu biểu của những người tiền bối, như Đéczavin, Batiuskốp, Jucốpxki, v.v...
Như vậy, người nghệ sĩ sau khi đã làm cho thế giới tinh thần của mình được phong phú nhờ sự thâu thái, kế thừa toàn bộ di sản của nghệ thuật, thì đến lượt mình, thông qua tác phẩm nghệ thuật, các thế hệ sau cũng được thừa hưởng và phát triển những tư tưởng của họ khi được tiếp xúc với toàn bộ kho tàng văn hoá đã được nhân loại tích lũy trong lịch sử mà nghệ sĩ đưa vào tác phẩm. Nói cách khác, với tư cách một loại trí nhớ xã hội, nghệ thuật tác động vào thế giới tinh thần con người, làm cho nó trở thành một ký ức tiêu biểu đối với thực tiễn lịch sử của toàn nhân loại.
Văn hóa Việt Nam hôm nay và quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không phải chỉ được sinh ra từ khi có Cách mạng tháng Tám với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cũng không phải từ khi nước ta có chữ quốc ngữ hoặc từ Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, v.v... Văn hóa Việt Nam hiện đại, xét về nguồn gốc lịch sử, được sinh ra từ cái nôi của văn hóa - nghệ thuật dân gian và cũng chính văn hóa - nghệ thuật dân gian là người nuôi dưỡng từng bước trưởng thành của văn hoá dân tộc.
Vị trí và vai trò của văn hóa - nghệ thuật dân gian trong lịch sử văn hoá dân tộc, không chỉ là ký ức của dân tộc với tư cách một trí nhớ xã hội bởi giá trị tự thân, mà còn vì ảnh hưởng to lớn của nó đối với dòng văn hóa “bác học”, cũng như đối với quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay. Không có văn hóa - nghệ thuật dân gian thì không có thơ văn Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, truyện Kiều, thơ trữ tình lãng mãn của Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, thơ văn cách mạng của Phan Bội Châu, Tố Hữu, Hồ Chí Minh, v.v...
Do ảnh hưởng của nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống, nên nghệ thuật Việt Nam hiện đại ngày nay đều bao chứa trong nó tính trữ tình và anh hùng ca, v.v... Những yếu tố đó thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc đã khắc họa, khẳng định tâm hồn con người Việt Nam bình dị, thanh tao, nhưng tinh tế, nhạy cảm, nhuần nhuỵ, yêu đời, lạc quan, trào lộng, qua đó phê phán cái xấu, khuyến khích cổ vũ cái đẹp, v.v... Nếu lấy thị hiếu về âm nhạc làm ví dụ, thì con người Việt Nam thích giai điệu êm ả, dịu dàng, mượt mà nhưng lắng đọng âm sắc từ thiên nhiên, với chất liệu thiên nhiên để tạo ra những nhạc cụ truyền thống, như đàn nhị, đàn tranh, đàn nguyệt cầm, đàn bầu, sáo trúc… mà âm hưởng của nó khi vang lên như có âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu… của gió, của mưa, của tiếng sóng vỗ, tiếng chim hót. .. như lan tỏa, như vang vọng đâu đó hơi thở của cuộc sống.
3. Quan hệ của nhận thức với tương lai.
Mối liên hệ của nghệ thuật với tương lai không chỉ có ý nghĩa dự báo, định hướng cho sự phát triển đời sống tinh thần, mà còn có ý nghĩa khẳng định sự tác động của nghệ thuật vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống tinh thần xã hội. Bởi vì, thông qua nhiều thủ pháp nghệ thuật phong phú, đa dạng, nhiều tầng, nhiều lớp mà nghệ thuật có khả năng vượt trước hiện thực. Nội dung của các tác phẩm nghệ thuật mang lại cho con người những kinh nghiệm xã hội không thể thay thế cũng như những cảm xúc, cảm nghĩ về tương lai. Trong thư gửi Mácgarét Hácnétxơ, Ph.Ăngghen đã đánh giá rất cao chủ nghĩa hiện thực của Bandắc. Coi Bandắc là “bậc thầy về chủ nghĩa hiện thực”, Ph.Ăngghen viết: “Trong “Tấn trò đời”, ông ấy đã kể cho chúng ta một câu chuyện hiện thực tuyệt vời nhất của “xã hội” Pháp… Ông đã miêu tả cho ta thấy tàn dư cuối cùng của xã hội kiểu mẫu ấy… mà qua câu chuyện ấy, tôi đã thu hoạch được - thậm chí xét về những khía cạnh kinh tế - nhiều hơn (chẳng hạn, về sự phân phối lại động sản và bất động sản sau cuộc cách mạng) là từ những cuốn sách của tất cả các tác giả xã hội chủ nghĩa - tất cả các nhà sử học, kinh tế học, thống kê học thuộc thời kỳ đó cộng lại”. Và, “tác phẩm vĩ đại của ông là khúc bi ca bất tận về sự tan rã không thể cứu vãn được của xã hội thượng lưu, mọi sự cảm tình của ông đều ngả về phía giai cấp bị đẩy vào sự diệt vong”(6).
Vì vậy, “Bandắc đã buộc phải đi ngược lại những cảm tình giai cấp của chính mình và đi ngược lại những định kiến chính trị của mình, ông đã thấy được… những nhân vật thật sự của tương lai”(7).
Vì vậy, “Bandắc đã buộc phải đi ngược lại những cảm tình giai cấp của chính mình và đi ngược lại những định kiến chính trị của mình, ông đã thấy được… những nhân vật thật sự của tương lai”(7).
Thật vậy, nghệ thuật chẳng những đi cùng với thời đại mà còn có thể vượt trước thời đại. Tính vượt trước của nghệ thuật là ở chỗ, nghệ thuật không chỉ vạch ra xu thế vận động tất yếu của xã hội mà quan trọng hơn, nó còn chỉ ra khía cạnh độc đáo trong những quy luật xã hội theo quy luật của tình cảm, quy luật của cái đẹp. Ở một khía cạnh nào đó, mọi sự cải tổ sâu sắc trật tự xã hội đều có sự tham gia tích cực của nghệ thuật và thông qua nghệ thuật tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là hệ tư tưởng chính trị trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Lịch sử nghệ thuật từ thời Cổ đại cho đến thời kỳ Phục hưng, thời Cận đại và cả thời kỳ Cách mạng tháng Mười đã chứng minh cho điều đó. Sự nghiệp giải phóng dân tộc và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay cũng không phải là một ngoại lệ, v.v...
Như vậy, có thể nói, nghệ thuật với tư cách một loại trí nhớ xã hội không chỉ thể hiện nội dung văn hoá trong lịch sử phát triển của bản thân nghệ thuật, mà nó còn có khả năng tạo ra những tiền đề, điều kiện cho sự hoàn chỉnh và phát triển trí nhớ xã hội nói chung. Sự phong phú của các hệ thống hình tượng nghệ thuật không chỉ có nghĩa là một phương tiện tái hiện đặc thù thế giới hiện thực, mà còn là một cơ chế tổng hợp cảm xúc - cảm nghĩ của con người về phương diện trí tuệ, đạo đức và thẩm mỹ. Mặt khác, nghệ thuật còn là một nguồn năng lượng xã hội vô tận đã được tích lũy và gìn giữ qua toàn bộ kinh nghiệm xã hội, - với tư cách một loại trí nhớ cảm quan trực tiếp của sự phát triển văn hóa.
Chân lý cuộc sống và chân lý về cái đẹp luôn là mục đích, chuẩn mực của sự đánh giá và của hoạt động sáng tạo nghệ thuật cũng như mọi hoạt động sáng tạo khác. Nhờ sự gợi mở bằng sức mạnh tiềm ẩn của mình, nghệ thuật còn có khả năng phát triển các năng lực trí nhớ trong hoạt động nhận thức nói chung của con người.
Chú thích:
(1) Hêgen. Mỹ học, t.1. Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr.88.
(2) Hêgen. Sđd., tr.65.
(3) Hêgen. Sđd., tr.126.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.53.
(5) Hêgen. Sđd., tr.83.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.37, tr.68, 68-69.
(7) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.37, tr.69.
(2) Hêgen. Sđd., tr.65.
(3) Hêgen. Sđd., tr.126.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.53.
(5) Hêgen. Sđd., tr.83.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.37, tr.68, 68-69.
(7) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.37, tr.69.
Đào Duy Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét