Đôi nét về các hình thức nghệ thuật
sân khấu truyền thống của
Việt Nam
Cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa tuồng, chèo và cải lương, giữa
quan họ, ca trù và hát xoan… để cảm nhận sự phong phú của nghệ thuật sân khấu
truyền thống Việt Nam.
Chèo
Chèo là một trong các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian
Việt Nam. Phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ và giàu tính dân tộc. Thể loại này
mang tính quần chúng, nó sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách
nói ví von giàu tính tự sự và trữ tình.
Nội dung thường lấy ra từ những câu truyện cổ tích, truyện
Nôm rồi được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu, mang giá trị hiện
thực cùng tư tưởng sâu sắc, nó phản ánh những giá trị đạo đức cao quý như lòng
dũng cảm, sự hy sinh quên mình, sự trung thành… Do vậy tuy nội dung khác xa cuộc
sống thực tế những vẫn làm lay động lòng người.
Cải lương
Sân khấu cải lương là loại hình kịch hát rất được ưa chuộng.
Nội dung và cốt truyện của các vở cải lương thường khai thác từ các câu truyện
Nôm như Kim Vân Kiều hay Lục Vân Tiên. Nó chiều theo thị hiếu của khán giả. Âm
nhạc cải lương chịu ảnh hưởng của hai nền nhạc là ca hát dân gian và nhạc khí
dân gian. Điều đó tạo nên phong cách riêng và cũng là điểm thu hút của cải
lương đối với khán giả cả trong và ngoài nước.
Tuồng - hát bội
Nghệ thuật tuồng có nhiều kiểu nói lối khác nhau như nói lối
thường, bóp, ai, xuân, đạp, xuân nữ… do đó có nhiều cách nhả chữ, ngắt chữ
cũng như tùy tính cách nhân vật mà vận dụng cho phù hợp. Có nhiều làn điệu khác
nhau, khi nói có nhạc khí đệm hoà theo.
Sân khấu tuồng dùng sắc mặt, màu sắc để phân biệt vai nhân vật,
như sắc đỏ được dùng dặm mặt biểu hiện vai trung thần, màu xám là nịnh thần còn
màu đen là kẻ chân thật và màu lục là hồn ma.
Quan họ Bắc Ninh
Quan họ là một trong những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng
Bắc Bộ, chủ yếu ở vùng Bắc Ninh và Bắc Giang. Dân ca quan họ là lối hát đối đáp
giữa nam và nữ. Thường hát vào mùa xuân hay mùa thu khi có lễ hội, hát đối giữa
cặp này với cặp kia. Nội dung nói về tình cảm đôi lứa, đôi khi là quê hương đất
nước.
Năm 2009, UNESCO chính thức công nhận Hát Quan họ là Di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày nay nhà nước đang cố gắng bảo
vệ loại hình nghệ thuật đặc trưng này.
Hát ca trù - Hát ả đào
Hát ca trù - Hát ả đào là bộ môn nghệ thuật truyền thống của
miền Bắc Việt Nam, rất phổ biến ở thế kỷ XV. Đây là một thể loại hát nói có sử
dụng đàn đáy, phách và trống là các loại nhạc khí đặc trưng của Việt Nam. Dù trải
qua nhiều thăng trầm nhưng nó vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị văn hoá truyền
thống của Việt Nam.
Ca trù của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản
văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào ngày 1/10/2009.
Hát xoan - Khúc môn đình
Hát xoan là nghệ thuật hát tổng hợp, hát đối và đỡ giọng giữ
nhịp, đây là hình thức hát thơ. Hình thức nghệ thuật này tổng hợp tất cả các yếu
tố như ca nhạc, hát, múa và thường biểu diễn trong các lễ hội mùa xuân đầu năm.
Hát xoan được phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ.
Ngày 24/11/2011 UNESCO công nhận hát xoan - Phú Thọ, Việt Nam
là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hát then
Là thể loại ca nhạc tín ngưỡng của người Tày, Nùng. Họ mang
trường ca, mang màu sắc tín ngưỡng vào nghệ thuật. Âm nhạc là yếu tố xuyên suốt
cuộc hát then.
Hát then có nhiều bài bản, làn điệu. Lời hát theo hình thức
diễn xướng tổng hợp ca nhạc từ đàn tính, múa cùng diễn.
Múa rối nước
Múa rối nước là một nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam ở
các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Rối nước thường biểu diễn các tiết mục liên
quan đến nhà nông như làm ruộng, chăn vịt, đánh cá, dệt cửi, xay lúa, giã gạo,
hay các trò thi đấu không là nói về các anh hùng dân tộc.
Tiết mục rối nước thường ngắn gọn và súc tích, phản ánh chân
thực cuộc sống lao động cùng chiến đấu chống thiên tai địch họa xây dựng cuộc sống
ấm no của nhân dân.
Ngày nay múa rối nước còn chinh phục được cả các du khách quốc
tế, là nhịp cầu kết nối giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét