"Đau thương" - Cõi thơ điên
Thi sĩ Hàn Mặc Tử - Ký họa của Tạ Tỵ
Nói đến Hàn Mặc Tử là nói đến nhà thơ lạ nhất của
Phong trào Thơ Mới, người “cai trị Trường thơ Loạn của các nhà thơ Bình Định”.
Nói đến thơ ông, người ta nhớ đến thơ Cổ điển trong Lệ Thanh thi tập, thơ
Lãng mạn trong Gái quê… nhưng, hơn tất cả là nhớ đến Thơ Điên trong Đau
thương. Có thể nói chính Thơ Điên chứ không phải gì khác là phần đặc sắc nhất đã
làm nên cái “lạ” kia, làm nên tên tuổi và ngôi vị Hàn Mặc Tử.
Bệnh hủi và những cuộc tình mộng tưởng, cuộc tình tan vỡ đã đưa
chàng thi sĩ trẻ tuổi của chúng ta trải nghiệm đến tận cùng nỗi đau của nhân
gian. Đó là điều không may nhất của đời người nhưng lại là một phúc ân lớn
với chàng thi sĩ này. Đau thương đã thấu nhập, chiếm lĩnh và bật lên thành xương
tuỷ của hồn thơ. Nó bộc lộ thành những thi ảnh kỳ dị, âm điệu của tiếng gào, tiếng
thét, tiếng rú và một lớp ngôn từ cực tả trong dạng thức độc đáo của sáng tạo -
“thơ Điên”. Trong trường hợp ấy, con người “siêu thức” xuất hiện như một lẽ tự
nhiên, một cứu cánh nâng Hàn Mặc Tử vượt thoát khỏi những cái tầm thường, mực
thước để đến với một vũ trụ vẫn còn nhiều bí ẩn của “Linh Hồn Thanh Khiết”.
Trong lời tựa “Điêu tàn” - vẫn được xem là bản tuyên ngôn
chung của Trường Thơ Loạn mà Hàn Mặc Tử là “kẻ cai trị” - có viết: “Cái gì của nó
cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn
cả tủy là tủy. Thế mà có người tự cho là hiểu được nó, rồi đem so sánh nó với
Người, và chê nó là giả dối, không chân thật. Vâng! Nó không chân thật, nó giả
dối với Người. Với nó, cái gì nó nói đều có cả“. Cái gì nó nói đều có cả đó
là nguyên tắc chân thật, nguyên tắc lớn nhất của một người đã thức tỉnh ở
chiều cao tâm linh với nguyên lý tỉnh mà không biết mình tỉnh (theo S.Freud”).
Bằng nghiên cứu phân tâm học, Freud đã chứng minh được vai trò của cái vô thức
với sáng tạo, nhất là với sáng tạo nghệ thuật. Theo đó, đối với người nghệ sĩ lúc
sáng tác là lúc tỉnh táo nhất, chân thật nhất với chính bản thân mình và với cả
độc giả. Chân thật với bản thân mình là chân thật cao nhất, khó nhất và tỉnh táo
nhất. Vì vậy, thơ Điên là hình thức tỉnh táo nhất của con người thi sĩ Hàn. Đó
là lúc ý thức như mờ đi, lùi lại phía sau, nhường phần lớn quyền điều hành quy
trình sáng tạo cho tiềm thức, vô thức, đặc biệt là siêu thức.
Trước tiên là chân thật với chính cảm xúc của mình. Nguồn cảm
xúc tìm thấy trong hình thức thơ Điên chính là Đau Thương. Những Đau đớn thân xác,
với một cơ chế nào đấy, chuyển hóa sang địa hạt tinh thần, hóa thân vào nỗi Đau
khổ tinh thần và cất lên thành thơ.
Về bản chất, Đau thương ở Hàn Mặc Tử là một niềm tuyệt vọng lớn.
Cho nên trong thơ Hàn, ta có thể cảm nghe được cả một thế giới bên trong vô hình
đang lâm vào tuyệt vọng qua những tiếng rên rỉ rớm máu của thân xác bên ngoài.
Cho nên đó cũng chính là cái nỗi cô đơn đặc biệt: nỗi cô đơn quá tải. Vậy là, Đau
thương ở Hàn là một thứ siêu nghiệm. Đau thương vừa là dạng thức vừa là
cung bậc của cảm xúc thơ thường trực trong hồn thơ Hàn Mặc Tử. Điên chính là sự
hiện hình, sự cất tiếng chân thành nhất, tỉnh táo nhất của Đau thương.
Chế Lan Viên - một thi hữu của Hàn - ngay từ đầu đã tiền hô hậu
ủng, và đến khi viết giới thiệu cho Tuyển tập của người tri kỷ xấu số, vẫn giữ
vững ý kiến bênh vực sắc bén của mình. Ông dẫn ra một tiếng thơ có một vẻ rất “điên”,
và chỉ ra yếu tố nào đã đem lại sức sống chân chính cho nó: “Chúng ta cần có người
tả trăng là trăng. Nhưng cũng cần có người vượt lề thói tập đoàn mà xẻ trăng làm
hai nửa (…) Cần truyền thống nhưng cũng cần biến dị, cần nói những điều chưa ai
nói (…) Hôm nay có một nửa trăng thôi/ Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi/…
Không phải ma thuật, kỹ thuật gì của óc đang lạm phát ngôn từ. Lòng có bị cắn đôi,
đời có bị tan vỡ, tình có bị đứt đoạn, nghĩa là có một thảm sử gì làm trữ kim,
làm đảm bảo, thì mới có thể phát ra những từ ấy.” Hàn Mặc Tử “điên” như thế
đấy và cũng tỉnh như thế đấy.
Nhờ thứ trữ kim này người ta chẳng những thấy được cái lý của
những hình thức kỳ dị, quá xa lạ, mà còn xuyên qua rào cản của những cảm giác
kinh dị để nhận chân những nỗi niềm thơ chân chính của thi nhân. Thơ Điên vì thế
là tiếng kêu rỏ máu của con chim sắp lìa trần, là tiếng nói của những hụt hẫng
tan hoang, là tiếng nói của một thân phận bị dồn đẩy đến miệng vực của nỗi chết,
chới với bên miệng vực ấy mà ngoái nhìn đời, nuối đời, níu đời. Mỗi tiếng thơ
khác nào một lời nguyện cuối, một lời tuyệt mệnh. “Tôi còn trìu mến biết bao người
/ Vẻ đẹp xa hoa của một trời/ Đầy lệ đầy thương đầy tuyệt vọng/ Đây giờ hấp hối
sắp chia phôi”, “Ta trút linh hồn giữa phút đây/ Gió sầu vô hạn nuối trong cây/
Còn em sao chẳng hay gì cả/ Xin để tang anh đến vạn ngày“… Cảm xúc chia lìa vĩnh
biệt luôn choán ngợp cõi lòng, vò xé tâm can. “Lòng thi sĩ chứa đầy trang
vĩnh biệt.”, “Than ôi! Hỡi biệt ly chan chứa/ Tưởng cùng em vui hưởng thú tiêu
dao/ Anh sắp đi và hai hàng lệ ứa/ Cả đau thương dồn dập xót tâm bào”,… Bước vào
Thơ Điên là bước vào cái thế giới quằn quại của tinh thần. Nó là biểu
hiện của những giằng xé quyết liệt giữa bóng tối của Bệnh tật, Chết chóc, Ma quỷ với ánh sáng của Tình Yêu, Sự Sống, Thần Thánh… giữa Địa Ngục hắc ám với Thiên Đường
quang minh…
Đau Thương của Thơ Điên cất lên từ thân phận thảm sử của Hàn
Mặc Tử. Không có cái căn cốt là giá máu mà Hàn đã đánh đổi cho mỗi tiếng thơ của
mình thì chưa chắc Thơ Điên đã đi xa hơn việc chạy theo một cái mốt tân kì để có
thể làm rớm máu tâm can người đọc ở tận thế kỷ này. Và Đau thương đã tự tìm đến
những hình thức của nó theo kiểu Hàn Mặc Tử.
Trong thơ trữ tình, việc chủ thể phân thân, hoá thân vào các đối
tượng hết sức khác nhau để cất lên những tiếng nói trữ tình phong phú khác lạ
không còn là điều xa lạ nữa. Ở thơ Điên, sự phân ly của chủ thể ở đây không
theo lối tuyến tính mà theo lối đồng hiện: một xác thân nhiều nhân cách. Toàn
những “nhân cách” phản trái nhau. Một chủ thể sinh hoá màu nhiệm kỳ khôi -
Cả một miệng ta trăng là trăng/ Cả lòng ta vô số gái hồng nhan/ Ta nhả ra đây một
nàng/ Cho mây lặng lờ cho nước ngất ngây… Mỗi mảnh vừa là một phân thân của
Cái Tôi kia lại vừa là một cái Tôi khác tự lập - Kìa ai gánh máu đi trên
tuyết/ Với lại ai ngồi khít cạnh tôi/ Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng/ Không nói
không rằng nín cả hơi… Xác thân là một Tôi, Hồn lại tách ra thành một Tôi
khác, đùa cợt, rượt đuổi, trêu tròng nhau, thậm chí thôn tính lẫn nhau - Ta
khạc hồn ra ngoài cửa miệng…/ áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng/ Hồn đã cấu đã cào
nhai ngấu nghiến… Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay/ Hồn mệt lả còn tôi thì chết
giấc, Ôi điên cuồng! Ôi rồ dại! rồ dại/ Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta… Việc
tạo ra kiểu chủ thể này ít nhiều thấy cả trong thơ Bích Khê, Chế Lan Viên, Hoàng
Diệp, Xuân Khai… Và người ta cho rằng Văn hóa Chàm cùng với những bóng ma Hời
phổ biến ở vùng thành Đồ Bàn đã nhập vào thế giới thi ca của Trường Thơ Loạn
kia. Điều này có lẽ có thực. Song ở Hàn Mặc Tử, cái ngoại nhập mờ hơn cái nội
sinh. Chính đời sống thực thể đặc biệt của Hàn Mặc Tử, nhất là ở giai đoạn sau,
lúc nào cũng chập chờn bất định giữa Thực tại và Chiêm bao, lại có lúc cận kề cái
chết hay xuất hồn siêu thăng vào cõi khác, là cái vốn nội sinh đã đồng hóa những
ngoại nhập đó thành cái chủ thể sinh hóa kỳ dị này. Nó cũng là một thứ siêu
nghiệm mà chỉ những người như Hàn Mặc Tử mới trải qua. Và, không có cái chủ thể
sinh hoá một xác thân nhiều nhân cách quái đản ấy làm sao có chủ thể Thơ Điên?
Người làm thơ không tỉnh thì làm sao viết được thơ như thế. Chỉ có điều người đó
tỉnh mà không biết mình tỉnh.
Nếu không có kênh hình ảnh này, chưa chắc “Đau thương” đã phải
là Thơ Điên. Cũng vì thế, ai đã đọc Thơ Điên, không thể không thấy vẻ kỳ dị,
kinh dị tràn ngập ở đó. Người này thấy Hàn hay nói đến sự rơi rụng, tàn rữa của
thân xác. Người khác thấy Hàn thường chuyển vô số cảm nhận thuộc các giác quan
khác về một khí quan là cái miệng với những động thái ăn, nuốt, đớp, nhả,
mửa, khạc… vốn rất kỵ giơ với thi ca truyền thống. Nhất là ai cũng đã từng bị
choáng váng trước những vẻ kinh dị hãi hùng của Trăng - Hồn - Máu. Không ít người
gọi đó là vẻ đẹp kì dị: “… Tôi toan hớp cả váng trời/ Tôi toan đớp cả miếng
cười trong khe”, “Ta cắn lời thơ để máu trào”, “Ta há miệng cho hồn thơ trào vọt”,
“Cười no nê sặc sụa cả mùi trăng”, “Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng”, “Hồn vội mớm
cho tôi muôn ánh sáng”, “Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa/ Vỡ tan thành vũng đọng
vàng khô/ Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra…”. Đó
là cả một cuộc nổi loạn trong cảm giác của thi ca. Với những vẻ kinh dị này, Thơ
Điên đã xé rào để tìm kiếm cho thơ những miền cảm giác mới - cảm giác mạnh, đẩy
cái kinh dị đến tột cùng. Dù nó có phần xa lạ với Người.
Vẻ kinh dị trong thơ Hàn Mặc Tử không quá xa lạ. Người ta đã
từng tiếp nhận cái kì ảo trong truyền thống ở những chuyện ma quỉ dân gian, ở
những “Lĩnh Nam chích quái”, “Việt điện u linh”, “Truyền kỳ mạn lục”, cả đây đó
trong “Truyện Kiều”… của Ta và “Liêu trai chí dị” của Tàu. Và đương thời Hàn
cũng không phải là hiếm đồng minh trên con đường phiêu lưu vào thế giới của cái
kinh dị. Ngoài những thi hữu thân cận, có thể thấy cả Thế Lữ, Vũ Bằng, Nguyễn
Tuân, Bùi Hiển, v.v… Đến lượt mình, Hàn Mặc Tử và các thành viên của trường thơ
Loạn cũng tìm thi hứng và nói rất thoải mái đến những xác chết, sọ dừa, đầu lâu,
mồ hoang, giếng loạn, xương khô, sự trần truồng, sự dâm đãng… Tuy nhiên, trong
khi các thi hữu của mình như Chế Lan Viên, Bích Khê nghiêng về sự tuân thủ những
quan niệm lí thuyết, a là tuân theo những mô thức do họ phác ra từ trước, thì
riêng Hàn Mặc Tử lại có một đời sống thực thể rất gần với cái thế giới kinh dị đó.
Ông thường xuyên rơi vào tình trạng cô đơn tuyệt đối, tinh thần bị vây khốn giữa
một cõi sống đơn độc, luôn bị ám ảnh bởi nỗi chết của riêng mình và dường như lúc
nào cũng có thể cảm thấy mười mươi cái bóng đen đúa, cái âm khí lạnh ngắt cùng đôi
mắt rùng rợn của tử thần, cho nên tinh thần của thi sĩ luôn lạc giữa cái trùng
vây của những biểu tượng kinh loạn nhất của thế giới khác. a là bản thân cõi
tinh thần của Tử đã là kinh dị.
Nhưng ở “Đau
thương” ta còn thấy cả một thái cực hình ảnh khác nữa - những hình ảnh lộng lẫy,
thơ mộng. Riêng Trăng đã có “Trăng tự tử”, “Trăng ngã ngửa vỡ tan thành
vũng đọng vàng khô”, “Trăng sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu”… nhưng
cũng có “Trăng vàng, trăng ngọc“, có “Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ/ Đầy
mình lốm đốm những hào quang“, có “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở
trăng về kịp tối nay“… Đây là “chút lòng ưu ái cũ” với vẻ đẹp đời thường chăng?
Đó là giây phút tĩnh lặng, ngấm sâu, ẩn nấp của cái kinh dị ư? Chỉ chắc chắn một
điều rằng chính nó làm nên vẻ huyền diệu, âm u và hấp dẫn của thơ Hàn.
Không ít người nghiên cứu về thơ Hàn Mặc Tử đã cảm nhận được
một vẻ “kỳ cục” ở đôi bài là mạch thơ “cóc nhảy”, “đầu Ngô mình Sở”. Trước hết
là từ kiểu tư duy đặc biệt của Tử, mà Hoàng Ngọc Hiến gọi bằng “siêu thức”.
Trong một trạng thái như thế, lý trí và ý chí của thi sĩ không thể nắm vai trò áp
đặt cái quyền lực lôgic thông thường như tứ thơ hay cốt truyện thì những sản phẩm
thơ của Hàn Mặc Tử sao có thể tuân theo một lôgic thông thường. Cố nhiên, để nó
vẫn là thơ chứ không phải là một mớ chữ hỗn loạn, tất phải có một lôgic riêng.
Mỗi bài thơ của Hàn thường hiện ra như một dòng tâm tư bất
định: tình điệu liên tục chuyển vần, hình tượng liên tục chuyển “kênh”. Bước vào
mỗi bài thơ Hàn Mặc Tử, người đọc không khỏi có cảm giác phân tâm: trí dường
như ngơ ngác không theo kịp mạch vận động bất định của các hình ảnh, nhưng lòng lập
tức bị xâm chiếm, bị cuốn đi bởi cảm xúc đau thương với những sắc điệu cung bậc
khác nhau, khi thì tràn trề, khi thì ẩn kín đằng sau những hình ảnh ấy. Phi lôgic
ở bề mặt, nguyên phiến, nguyên điệu ở bề sâu, đó chính là Siêu lôgic -
nét thi pháp thơ Điên điển hình của “Đây thôn Vĩ Dạ”. Chỉ đơn cử ở khổ thơ thứ
hai:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.”
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.”
Những cảnh vật thiên nhiên thường gắn kết không bao giờ tách
rời mà ở đây lại tách nhau ra, đi theo đường riêng. Gió theo đường của gió. Mây
theo đường của mây. Hoa bắp lay theo đường hoa bắp bỏ mặc dòng nước buồn trong
im lặng, không một gì soi bóng. Thuyền cũng lìa với người. Trăng chưa chắc đã về
với tối nay. Nhưng tất cả lại thống nhất, liên đới với nhau trong nỗi buồn đau
chia ly, tan tác.
Thơ Điên có một lớp ngôn từ cực tả, không giống ai. Thơ Điên đã
dung chứa trong nó một lớp ngôn từ đối nghịch gay gắt. Có cả những tiếng rên siết
thê thiết của một xác thân bị dày vò tàn hủy: “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói/
Gió trăng có sẵn làm sao ăn”; “Trời hỡi bao giờ tôi chết đi”… Dễ hiểu vì thi sĩ
Thơ Điên này chủ trương rằng: “không rên siết là thơ vô nghĩa lý“.
“Đau thương” là cõi thơ Điên được xây dựng bằng trải nghiệm cá
nhân trong sáng tạo từ những bất hạnh riêng của thân phận thi sĩ. Nó là sản phẩm
của một sự khủng hoảng và một khát khao, một nỗ lực sáng tạo. Chúng ta đều biết
Thơ Mới là tiếng nói trữ tình của Cái Tôi cá nhân. Thế giới Cá nhân là một phát
kiến mới mẻ. Nếu Thơ Mới là hành trình đi mãi vào địa hạt của Cái Tôi, thì Thơ Điên
đã đi tới hang cùng ngõ hẻm Cái Tôi cá nhân và ở đó nó bắt gặp và hoà nhập vào
một cái vô thức, siêu thức của nhân loại. Nếu Thơ Mới là nỗi Cô đơn của con Người,
thì Thơ Điên là cái trạng thái chót cùng hoàn toàn quá tải của Cô đơn - ấy là Đau
thương, là Tình yêu tuyệt vọng. Nếu Thơ Mới thể hiện một nguồn sống mãnh liệt của
Cá nhân, thì Thơ Điên muốn tìm tới dạng thức tột cùng của sự mãnh liệt ấy - mãnh
liệt đến cuồng dại. a là đa phần Thơ Mới là Kinh nghiệm còn thơ Điên
muốn tới một thứ Siêu nghiệm. Thơ Điên vừa giống vừa không giống với những
gì đã có. Điều ấy xác định đóng góp độc đáo của Hàn Mặc Tử cho nền thi ca của
chúng ta - một cõi thơ Điên của người thơ rất tỉnh, tỉnh mà không biết mình tỉnh.
Hải Sinh
Theo https://hoingovanchuong.wordpress.com/
Theo https://hoingovanchuong.wordpress.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét