Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Tác phẩm Mười đêm mộng của Natsume Soseki

Tác phẩm Mười đêm mộng 
của Natsume Soseki
Với những vấn đề về cái chết và số phận được đặt ra trong tác phẩm Mười đêm mộng, Natsume Soseki đã bày tỏ thái độ và nhận định của mình về những vấn đề nhân sinh luôn khiến con người trăn trở: mục đích của cuộc đời, những tội lỗi không thể gột rửa, những mơ ước không thành, sự lạc lõng,… Xuyên suốt tác phẩm, nổi bật lên là hình ảnh những cái chết đậm chất hư ảo.
Trong các tác phẩm văn học Nhật Bản, cái chết là một trong những hình ảnh thường trực và đầy ám ảnh. Fuziwara Masahiko trong quyển Phẩm cách dân tộc (Kokka no Hinkaku, 2005), cho rằng đó là kết quả của tinh thần võ sĩ đạo (samurai doo) và quan niệm có tính mỹ học về cái chết (sinu no migaku) của người Nhật. Đối với người Nhật, cái chết là một điều tất yếu của cuộc sống và cũng là cái đẹp mang tính tuyệt đối: nhờ có cái chết mà cuộc sống mới trở nên đẹp đẽ và quý giá. Chính quan niệm mang tính triết lý này đã ảnh hưởng sâu sắc đến lối suy nghĩ và lối sống của cả dân tộc Nhật Bản. Natsume Soseki, một nhà văn hiện đại Nhật Bản, cũng nằm trong mạch cảm hứng đó. Tác phẩm Mười đêm mộng của ông là một trong số những tác phẩm ngập tràn hình ảnh cái chết. Tuy nhiên, trong tác phẩm này, Natsume Soseki không chỉ sử dụng hình ảnh cái chết để nói về cái đẹp theo như quan niệm truyền thống của người Nhật mà còn dùng nó để thể hiện quan điểm của riêng mình về những vấn đề xã hội đương thời cũng như nhân sinh quan của ông về đời người. Do vậy, hình ảnh cái chết và quan niệm mĩ học về cái chết của Soseki trong Mười đêm mộng ít nhiều có những điểm khác biệt với quan điểm mỹ học chung của Nhật Bản về cái chết. Tiểu luận này sẽ tập trung phân tích những vấn đề của quan niệm mĩ học về cái chết trong tác phẩm Mười đêm mộng của Natsume Soseki.
Sơ lược về tác giả và tác phẩm
1. Cuộc đời của Natsume Soseki
Natsume Soseki, sinh năm 1876 ở Tokyo, mất năm 1916, là nhà văn đã đánh thức cảm xúc và năng lực tư duy nhạy bén của mọi người và của cả xã hội đã thay đổi nhanh chóng trong thời Minh Trị. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Hoàng Gia Tokyo, chuyên ngành văn chương Anh, ông đến dạy tại một trường trung học ở miền Nam đảo Shikoku và Kyushu. Năm 1900, ông được chính phủ Nhật đưa sang Anh tu nghiệp. Năm 1903, ông quay về Nhật và trở thành giảng viên người Nhật đầu tiên của Khoa Văn chương Anh thuộc trường Đại học Hoàng Gia Tokyo. Bốn năm sau đó, bằng tài năng tuyệt vời cũng như nền tảng lý luận vững chắc được tích lũy, trau dồi qua côngviệc chuyên môn, Soseki đã viết nên những tác phẩm xuất sắc, đưa tên tuổi ông vào làng trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản.
Nhờ du học ở Anh mà ông trở nên quảng bác hẳn lên khi so sánh văn học Phương Đông và PhươngTây, ông không chịu ảnh hưởng của Phương Tây, không bị ràng buộc vào những giá trị cố hữu của người Nhật, luôn nhìn nhận cái tôi đích thực của mình. Ông cho rằng thời Minh Trị là thời kỳ hạn chế phát triển của cá nhân. Ở thời này, đã có những cuộc vận động thống nhất văn nói và văn viết. Ông đã xoáy vào thực tế về khuynh hướng đồng hóa phương ngữ các vùng vào ngôn ngữ phổ thông trong quá trình hiện đại hóa đang diễn ra. Soseki đã thông qua các nhân vật trong các tác phẩm của mình để nói lên suy nghĩ và những mối ưu tư, mức độ sâu sắc trong sự quan tâm của mình về hiện đại hóa Nhật Bản. Những trải nghiệm của Soseki khi đi du học ở Luân Đôn cũng góp phần hình thành nên tư tưởng của ông. Soseki lúc nào cũng cảm thấy hết sức nặng nề do cảm giác bất an trước bầu không khí cải cách trong thời Minh Trị, ông đã nhận thức được là những hiện tượng tỏ ra phổ biến luôn gắn liền với sự tiến bộ của thời đại. Ông bày tỏ thái độ với thanh niên thuộc thế hệ sau là phải nỗ lực phấn đấu không ngừng để tìm kiếm con đường tiến thân.
Soseki là tác giả quen có ảnh hưởng sâu sắc đối với văn học hiện đại Nhật Bản. Từ những tiểu thuyết đầu tay mang tính trào phúng nhẹ nhàng, châm biếm dí dỏm, phong cách của Natsume Soseki dần thay đổi theo hướng sâu sắc, tinh tế hơn khi ông đi vào khai thác chủ đề về sự cô đơn, lạc lõng của con người, những hệ quả tâm lý - xã hội trước cuộc sống hiện đại đầy biến động.
Tác giả Natsume Soseki
2. Sự nghiệp sáng tác của Natsume Soseki
Năm 1906, tác phẩm đầu tay Tôi là con mèo (Wagahaiwanekodearu) (1905-1906), Soseki để cho con mèo phê bình văn minh thay cho mình, con mèo đã phân tích cuộc sống của chủ bằng cái nhìn hà khắc.
Tiếp đó là tác phẩm Cậu ấm nổi loạn (Botchan) (1906) ra đời, là một tác phẩm nhắm đến hiệu quả trong biểu đạt, với nội dung thể hiện sự khác biệt giữa phương ngữ Matsuyama và tiếng Nhật phổ thông.
Sau khi viết xong Botchan cũng trong năm 1906 Soseki công bố tác phẩm Gối đầu lên cỏ (Kusamakura) tiểu thuyết này nhân vật họa sĩ được xây dựng như một hình ảnh tượng trưng, mở đầu truyện với đoạn văn phong trau chuốt, thử nghiệm khả năng phong cách biểu đạt của phong cách văn chương.
Tác phẩm Thợ mỏ (Kuofu) ra đời năm 1908. Trong tác phẩm này, tình cảm bộc trực mạnh mẽ của những người thợ mỏ được khắc họa đậm nét qua lời thoại dân dã.
Năm 1912, tác phẩm Trước điểm phân giới ( Higankamade) được công bố, ở tác phẩm này tác giả thể hiện lối viết thể hiện tình cảm thông qua nhân vật chính.
Tiếp đó, năm 1912-1913 tác phẩm Người qua đường (Koujin) được tất cả người đọc đón nhận, Koujin thể hiện những gửi gắm của tác giả, qua đó tác giả bày tỏ nỗi khổ tâm của trí thức hiện đại.
Nỗi lòng (Kokoro) được ông viết năm 1914, ở đây Soseki đặc biệt quan tâm đến nỗi cô đơn, không tìm thấy chỗ đứng thích hợp trong thế giới mới của con người.
Ngoài ra, Soseki còn có môt sồ tác phẩm khác như: Mười đêm mộng (Yume juuya, 1908); Sanshiro (Chàng Sanshiro, 1908); Sorekara (Từ dạo ấy,1909); Mon (Cánh cửa,1910); Michikusa (Cỏ ven đường, 1915) …
3. Tác phẩm Mười đêm mộng
Natsume Soseki viết truyện ngắn Mười đêm mộng vào năm 1908. Đây là một sáng tác ngắn, gồm mười giấc mộng có nội dung độc lập với nhau. Tác giả đã dùng những hình ảnh hư cấu, tính siêu thực của mười truyện trong mộng để diễn tả những cảm nhận về cuộc đời, sự ám ảnh của những cái chết luôn thường trực, những nỗi bất an không cách giải quyết nhưng không kém phần lãng mạn.
4. Tóm tắt nội dung
4.1- Đêm thứ nhất:
“Tôi” đang nằm trên nệm, cô gái có nét mặt kiều diễm nằm đối diện với “tôi”. Cô nói với “tôi” là cô sẽ chết, cô gái bảo khi cô chết thì hãy chôn cô dưới cái hố được đào bằng hạt ngọc trai và làm bằng mảnh vỡ của một ngôi sao. Sau đó “tôi” hãy chờ cô một trăm năm ở ngôi mộ. Và thế là cô gái chết, “tôi” làm như lời cô gái dặn rồi mặt trời mọc lên ở phía Đông rồi từ từ lặn về phía Tây. Thời gian cứ trôi nhưng cô gái vẫn chưa xuất hiện, “tôi” cứ ngỡ đã bị cô gái lừa. Cho đến khi một cây xanh mọc lên từ mảnh đá, “tôi” mới nhận ra rằng một trăm năm đã đến rồi.
4.2- Đêm thứ hai:
Trong ngôi chùa rộng, tĩnh mịch, chàng trai đang ngồi trong căn phòng sáng đèn, chàng quì trên tấm đệm nhìn bức tranh treo trên cửa, tấm biển ở dưới sàn. Chàng nghĩ mình là Samura nhưng vị hòa thượng thì không cho là thế vì ông ta cho rằng chàng không giác ngộ được. Chàng quyết tâm bằng bất cứ giá gì cũng phải ngộ ra, như thế có thể lấy được sinh mạng của hòa thượng bằng không chàng sẽ tự hành quyết. Chàng rút đoản đao dưới tấm nệm mình ngồi ra rồi nắm chặt, cảm giác mọi thứ mạnh mẽ nhất đang tập trung vào con dao và chàng lại cất dao vào. Sau đó chàng lại nắm đấm và đấm mạnh vào đầu mình, chàng nghiến răng chịu đựng, đầu óc chàng giờ đây lạ lùng, tay phải chàng nắm đoản đao. Mọi thứ trở nên hư vô.
4.3- Đêm thứ ba:
Ông bố cõng đứa con bị mù của mình đi về hướng khu rừng tìm chỗ nơi để vứt, đứa bé là một tiểu hòa thượng. Ông nghĩ với một đứa trẻ như thế thì không có tương lai, ông bố cứ đi, đi theo sự chỉ dẫn của đứa con ông thấy con mình bị mù nhưng cái gì cũng biết ông bắt đầu thấy sợ, rồi lại cố gắng bước. Trong đêm mưa, đứa bé dính chặt trên lưng như chiếc gương soi rõ mười phân sự thật về cuộc đời ông. Cha con ông đứng trước cây bách, đứa bé nói cho ông biết cách đây một trăm năm chính ông đã giết nó tại cây này. Ông chợt nhớ ra mình đã giết chết một người mù dưới gốc cây cây bách vào một đêm tối, khi đó đứa con trên lưng trở nên nặng trĩu.
4.4- Đêm thứ tư:
Người cha đang ngồi uống rượu một mình trong xó phòng. Đứa con, người mẹ, cả chính người cha cũng không biết ông bao nhiêu tuổi.
Rồi người cha mang theo bình rượu và cái hộp vuông đi về phía trước, đứa con theo cha. Người cha muốn biến chiếc khăn thành con rắn, ông thổi sáo đi vòng quanh chiếc khăn một cách dè dặt như có vẻ gì đó sợ sợ. Bất ngờ ông mở chiếc hộp ra, vứt chiếc khăn vào đấy. Người cha lao về phía con đường đứa con tò mò đuổi theo cuối cùng ông vừa hùng dũng bước ra bờ sông, ông đi ra xa dần, xa dần cho đến khi không thấy gì cả, ông biến mất trong làn nước xanh thẳm. Còn đứa con đứng trên bờ chờ mài vì nghĩ rằng cha sẽ cho xem con rắn.
4.5- Đêm thứ năm:
Chàng trai đi lính thua trận, rồi bị bắt sống và dẫn tới trước chủ tướng của quân địch. Tướng bên địch nhìn chàng trai hỏi chàng muốn sống hay chết, chàng trai lựa chọn cái chết. Nhưng chàng trai xin được gặp người yêu lần cuối cùng, tướng quân đồng ý và ra lệnh cho đến lúc gà gáy phải gọi nàng đến kịp đây, gà gáy mà không đến kịp thì chàng trai sẽ bị giết mà không gặp được nàng.
Người chàng yêu lúc này dẫn con ngựa trắng trần trụi được cột ở gốc cây sồi ra rồi nhẹ nhàng nhảy lên lưng ngưa. Con ngựa phóng rất nhanh nhưng mãi chưa đến chỗ được. Tiếng gà gáy chợt vang lên, vó trước con ngựa chạm phải một phiến đá hẹp, nàng và ngựa cùng đổ sụp về phía trước. Thực ra tiếng gà gáy chính là tiếng con ma nữ giả giọng.
4.6- Đêm thứ sáu:
Unkei ở sơn môn chùa Gukoku, nơi có cây tùng đỏ thật to và đẹp. Unkei đang khắc hình ông hộ pháp, chàng trai đi đến đó xem thử. Xung quanh chàng trai cũng có rất nhiều người đang xem, có những lời bàn tán qua lại nhưng Unkei vẫn chăm chú vào việc khắc bức tượng. Những động tác dứt khoát của ông khiến chàng trai cứ nghĩ công việc khắc tượng thật dễ dàng, chàng trai cũng về nhà và thử khắc một bức tượng.
Chàng trai lấy ra cái đục và cái búa ra, lựa cây cao su lớn nhất và bắt đầu đục thử. Sau nhiều lần thử như thế chàng trai vẫn không khắc được hình ông hộ pháp. Chàng trai mới ngộ ra rằng cái cây thời Minh Trị không thể chôn ông hộ pháp bên trong và đồng thời ông cũng hiểu ra tại sao Unkei sống đến thời nay.
4.7- Đêm thứ bảy:
Chàng trai đang đi trên một chiếc tàu mà mọi thứ trên đó đều to lớn, chiếc tàu mãi tiến thẳng về phía trước. Chàng trai cũng không biết chiếc tàu đi về đâu, con tàu luôn đuổi theo những làn sóng nhưng có bao giờ đuổi kịp. Chàng trai về đầu tàu, thấy đám ngư dân đang chuẩn bị thả lưới, chàng tự hỏi khi nào lên bờ được, trái tim chàng thắt chặt lại, không biết đi về đâu, chàng nghĩ đến cái chết.
Có rất nhiều người trên tàu với những sắc mặt khác nhau. Có một cô gái tựa đầu vào thành tàu khóc rấm rứt, chàng nhìn thấy và chợt nhận ra không chỉ riêng chàng đau khổ.
Càng ngày chàng càng cảm thấy buồn chán hơn và quyết định đi tìm cái chết, chàng nhảy xuống đại dương. Đúng vào khoảnh khắc rời khỏi con tàu đột nhiên chàng thấy tiếc sinh mạng mình, cảm thấy hối hận nhưng đã muộn. Chàng nhận ra rằng thà đi trên con tàu ấy, dù không biết đi về đâu cũng còn tốt hơn. Chàng ôm trong lòng nỗi tiếc nuối và sự hoảng sợ vô hạn chìm xuống biển sâu.
4.8- Đêm thứ tám:
Chàng trai đi đến tiệm cắt tóc, chàng tiến đến tấm gương và ngồi xuống soi một mình trong gương thật rõ, chàng thấy ở quầy thu tiền chẳng có ai đứng ở đó cả. Shotaro dắt người con gái đi ngang qua, chàng trai định nhìn kĩ mặt người con gái thì họ đã đi mất, rồi người bán đậu hủ thổi kèn ngang qua, rồi lại một geisha xuất hiện với sắc mặt khó coi. Tiếp đến một người mặc kimono trắng tay cầm kéo và lược bắt đầu cắt tóc cho chàng. Mỗi lần kéo vang lên chàng trai lại thấy sợ và nhắm mắt lại. Chàng mở mắt ra, nghe những tiếng rao nhưng trong gương thì không hiện ra gì cả.
Chàng trai nhìn hết các góc gương, thấy ở quầy thu tiền giờ có một người phụ nữ đang ngồi đếm tiền, đếm đi đếm lại cũng chỉ trăm tờ. Nhưng khi chàng đứng dậy quay về phía quầy thì chẳng có ai ở đó cả. Chàng ra phía trước trả tiền, thấy năm cái thùng gỗ đựng đầy cá, chàng đứng nhìn người bán cá một lúc nhưng người bán cá chẳng động đậy gì như hẳn ông ta không lưu tâm đến cuộc sống qua lại trước mắt.
4.9- Đêm thứ chín:
Cuộc sống trở nên ồn ã, chiến tranh như sắp nổ ra. Trong nhà có một người mẹ trẻ và đứa con lên ba, người cha đã ra đi trong đêm tối và không trở về nhà. Người mẹ ngày nào cũng hỏi đứa bé là cha con đâu. Trời tối, người mẹ buộc đứa bé vào lưng và ra khỏi nhà, đi đến một cây sồi, có chiếc chuông đặt bên cạnh tấm bảng tên đền.
Người mẹ thành tâm cầu nguyện cho chồng mình được vô sự, bà nghĩ rằng hẳn việc chờ chồng là đúng đạo lý, thần linh sẽ thấu hiểu được và biến ước nguyện thành sự thật.
Đứa bé trên lưng người mẹ cất tiếng khóc khi tiếng chuông vang lên, người mẹ để đứa con lại trên chính diện, sau đó bà quay ra con đường đá hai mươi bước, đi đi lại lại đến trăm lần. Cứ như vậy, người mẹ với những đêm không ngủ, lo lắng, cầu nguyện cho chồng.
4.10- Đêm thứ mười:
Shotaro là anh chàng rất đẹp trai, là người lương thiện, chính trực và rất tử tế với phụ nữ.
Một buổi chiều, có cô gái ăn bận rất đẹp đến mua giỏ trái cây to nhất, Shotaro giúp cô gái mang giỏ trái cây về nhà. Từ đó, không thấy anh trở về.
Đêm thứ bảy, Shotaro thất thiểu trở về, anh đến báo với Ken là mình bị sốt và mắc bệnh. Shotaro đã kể lại rằng, anh ta cùng người con gái đi đến một thảo nguyên, nhìn xuống chỉ thấy vách đá mà không thấy vực. Người con gái bảo Shotaro nhảy xuống nếu không thì anh sẽ bị lợn liếm, anh vốn rất ghét lợn nhưng anh quyết không nhảy. Những con lợn tiến đến tấn công anh, anh dũng cảm dùng dây trầu cầm trên tay quất vào đầu con lợn và cứ như thế bảy ngày sáu đêm trôi qua, Shotaro kiệt sức, anh bị lợn liếm và sụp đổ. Shotaro không kể nữa, anh nhận thấy rằng, ngắm nhìn con gái là không tốt.
Hình ảnh cái chết trong Mười đêm mộng của Natsume Soseki
1. Sơ lược về cái chết trong mỹ học Nhật Bản
Cái chết không phải là một đề tài xa lạ trong văn hóa và văn học Nhật Bản. Tư tưởng Phật giáo thấm nhuần trong văn hóa bản địa là cội nguồn cho những suy nghiệm sâu sắc của người Nhật về cái chết. Không phải ngẫu nhiên mà những áng văn xứ sở Phù Tang hay ám ảnh về sự tàn phai, sự diệt vong và sự hư ảo. Cái chết ở đây đã vượt qua ý nghĩa của một hiện tượng vật chất cụ thể để trở thành một mối ưu tư thẩm mỹ và triết học. Từ cái nhìn về cuộc đời mong manh, thoáng chốc, những tác giả Nhật Bản đã chuyển hóa thành những khoảng trống không gian – thời gian nghệ thuật, không phải như một mất mát, mà như một hình thái tuyệt bích của cái đẹp giữa cõi phù du. Và theo đó, “những khái niệm quan trọng của mỹ học Nhật Bản, như bi cảm (aware), u huyền (yugen), đà (wabi), tịch (sabi)… đều nội hàm trong mình ý nghĩa diệt vong” [1].
Văn chương Nhật Bản từ thuở sơ khai đã tự hình dung cho mình một nhân sinh quan về sự chết. Ở đó, cái chết không phải là sự đối lập với sự sống, mà là một tất yếu, hiển nhiên giữa chốn vô thường. Nó soi chiếu cái chết trong một cảm quan thẩm mỹ, ôm trong mình cảm thức tàn phai giữa một cuộc đời trôi chảy không ngừng. Cùng với những suy tư về cái chết, văn chương Nhật Bản thường không lụy về định mệnh mà khắc khoải về thời gian. Người Nhật ý thức rất rõ về cái hữu hạn của đời sống, sự mong manh của sinh mệnh, sự vô thường của thế gian, vì thế thơ văn của họ hay lấy cái chết làm đề tài khai thác, không phải với nỗi đau thương bi lụy, mà với một thái độ hân thưởng, trân quý từng khoảng khắc sống. Cái chết không gợi lên cảm giác sợ hãi, u tối, mà thấm đẫm tinh thần an nhiên, vừa mang sắc thái giải thoát vừa đậm màu trần thế, như một bài haiku của Issa: “chiều mùa đông này/ bước trên mái vòm địa ngục/ ta nhìn hoa bay” (Nhật Chiêu dịch). Người Nhật nhìn cái chết trong một tư thế song hành với sự sống, với cái đẹp; sự diệt vong ở đây không được nói đến như một ẩn dụ phê phán, mà chỉ đơn giản là chính nó, giản phác, ưu nhã và vô thường.
Chính vì những quan niệm này, nghệ thuật Nhật Bản thường không mang âm hưởng sôi nổi, hoạt náo mà ngược lại, thiên về sự điềm tĩnh, tinh tế, sâu sắc. Cảm nghiệm về cái chết đi liền với sự hiểu thấu về cái đẹp tuyệt bích trong cuộc hiện tồn ngắn ngủi. Suy tư về cái chết, về thực chất, là một thấu ngộ sâu thẳm về bản chất của sự sống, có ý nghĩa như một khám phá mang tính tâm linh. Cái đẹp tồn tại ngay bên bờ vực của sự suy tàn, cái đẹp không bất tử, cái đẹp trong khoảnh khắc, cái đẹp trong sự cô độc... tất cả cho thấy khả năng nhuần thấm những phương diện sinh tử bằng một kinh nghiệm thẩm mỹ đặc biệt sâu sắc. Như vậy, cái chết đó vẫn là diệt vong, nhưng không phải tuyệt diệt, mà là phương thức lưu giữ lại giữa cuộc vô thường này một khoảnh khắc vĩnh cửu, một thực tại vô hạn dồn nén trong một thoáng chốc. Cái chết đó vẫn là diệt vong, nhưng là kiểu diệt vong có khả năng cứu vớt cái đẹp khỏi sự băng hoại. Cái chết đó không hứa hẹn một sự hồi sinh, nó ẩn chứa một niềm trắc ẩn thiết tha với hiện hữu. Cái chết trong mỹ học Nhật Bản là một sự thật mang tính chất siêu nghiệm, nhưng cũng vô cùng gần gũi, thân quen.
2. Những hình thái của cái chết trong Mười đêm mộng của Natsume Soseki
2.1- Cái chết - hiện sinh và mộng ảo
Cái chết, từ khởi nguyên, có lẽ đã là thế giới tựu hình của những đau thương, bóng tối và tang tóc, đối cực hoàn toàn với sự sống con người. Những tôn giáo có thể nuôi nấng niềm tin về cái chết như cách đi về một nơi chốn bình yên và cực lạc nhất, song cái chết vẫn vĩnh viễn là một sự thật nghiệt ngã nhất không thể nào chối bỏ với tất cả chúng ta. Cũng trong một tâm thế Nhật Bản nhạy cảm đặc biệt về cái chết và sự chết, Natsume Soseki đã dũng cảm đối diện với cái chết trong những tác phẩm văn chương của mình. Mười đêm mộng có lẽ là một sự dũng cảm như thế. Nhà văn đã để cho cái chết hiện sinh đến bàng hoàng trong những giấc mộng hư thực của mình.
Cái chết hiện sinh trong Mười đêm mộng là một cái chết hoàn toàn có thực, là một kết cục chung của kiếp người. Những nhân vật trong những giấc mộng phải bước vào cái chết một cách cùng cực mà không có một sự thay đổi nào. “Em sẽ chết thôi, Em sẽ chết mà”, những lời nói của cô gái trong đêm thứ nhất như một chút bi quan mơ hồ, vậy mà cuối cùng nàng chết thật “nhắm nghiền mắt, từ giữa hai hàng mi, nước mắt lăn dài trên má, nàng đã chết”. Cái chết bủa vây xâm chiếm con người từng chút một. Trong đêm thứ tư, đứa con chỉ biết đứng ngoài xa nhìn người cha của mình đang dấn mình xuống dòng sông. Không hão huyền, không mờ ảo mà rất thực tế “Ban đầu nước chỉ ngang đầu gối, dần dần ngang hông, đến ngực, rồi ông chìm trong nước, không thấy gì cả. Vậy mà cha tôi vẫn vừa hát “trở nên sâu thẳm, biến thành đêm tối, trở nên thẳng tắp vừa đi thẳng đến tận đâu đâu. Râu, tóc, mặt, mũi, hoàn toàn không thấy gì cả”. Con người phải mặt đối mặt với nó, rồi hoảng sợ, rồi run rẩy “Nhưng… khi chân tôi rời boong tàu, đúng vào khỏanh khắc dứt bỏ duyên phận với nó, đột nhiên tôi thấy tiếc sinh mạng mình,,, ôm trong lòng nỗi hối tiếc và sự hoảng sợ vô hạn”, rồi không nguôi hi vọng được trở về “một trăm năm, hãy ngồi bên mộ em và chờ nhé, em sẽ đến gặp anh”. Những cái chết ấy, không phải chỉ là cái chết mang màu sắc Nhật Bản, mà đúng hơn, là cái chết của con người nói chung, con người mang tính nhân loại, con người như một sinh thể hữu hạn giữa dòng vô thường.
Nhưng cái chết, bên cạnh tính hiện thực không thể chối bỏ của nó, cũng tràn đầy mộng ảo. Nó âm thầm lặng lẽ như một cái bóng, hư hư thực thực, có có không không. Người cha đi xuống nước trong đêm thứ tư, người chồng đi mãi không thấy về nhà trong đêm thứ chín. Con người ta bị bao phủ bởi cái chết trong những hoàn cảnh không ngờ tới. Cô gái và người cha trong đêm thứ nhất và đêm thứ tư vẫn còn rất trẻ và rất đẹp. Nhưng có lẽ, người ta đã chết ngay trong lúc mà người ta vẫn còn đang sống rồi! Những cái chết mà ta không tin là có thật. Người chết cũng không tin và người sống cũng không. Chàng trai vẫn ngồi chờ cô gái quay lại, đứa con mãi đứng đợi cha mình trở về…
Tính ảo mộng của cái chết nằm ngay trong tính hiện sinh của nó. Giấc mộng đêm thứ năm đã cho ta thấy rõ điều đó. Tiếng gà gáy phải chăng chính là cái mốc như một khoảng thời gian vô thường nào đó hạn định cho số phận một con người? Gà chưa gáy nghĩa là ta vẫn còn được tồn tại trên cõi đời, và khi gà đã cất tiếng gáy thì bất cứ ai cũng không thể bấu víu được nữa. Không ai có thể lựa chọ cho mình cái chết dù là khi nào hay bất cứ lý do gì. Không phải cứ muốn là được, và hiển nhiên số phận vẫn là số phận - vẫn một dấu hỏi không lời đáp với chính bản thân con người.
2.2- Cái chết - lựa chọn và định mệnh
Mười giấc mơ, mười câu chuyện khác nhau như một cái nhìn tổng thể của ông về con người và cuộc đời. Có sự sống và cái chết. Tuy nhiên, trong mỗi đêm mộng, cái chết được hiện lên theo mỗi cách khác nhau. Có thể, đó là cái chết được tự lựa chọn, con người ý thức được về sự chết và chọn nó làm lối đi cho mình trong sự tự do, không bị ép buộc. Nhưng cũng có những cái chết được quy định sẵn bởi số mệnh, con người nằm ngoài vòng quyết định và không có quyền chọn lựa.
Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là những giấc mơ với sự đan xen giữa thực và ảo. Có những đêm mộng ông viết về cái chết trong sự tự do hoàn toàn. Tác giả đã khéo léo thể hiện quan điểm của mình về cái chết tự do, cái chết như một sự chọn lựa, và cái chết như một sự trút bỏ. Nhân vật tôi trong giấc mơ thứ bảy đã quyết định rời khỏi con tàu vô định và tiến gần đến mặt biển: “thân tôi trên ngọn sóng, gối là mái chèo, trôi…trôi…”. Con tàu như hiện thân của một kiếp người trôi nổi, vô định, và khi không thể định hướng thì tìm một lối thoát chính là lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, vào cái thời khắc vừa rời khỏi boong tàu, “tôi” đã phải ôm trong lòng nỗi hối tiếc, sự hối tiếc này hoàn toàn không tồn tại trong văn hóa Nhật, họ đã chọn lấy cái chết trong tự do thì sẽ vui vẻ chấp nhận nó. Nói vậy để thấy ở con người tác giả vẫn mang những nét đổi mới dù trong tư tưởng của ông vẫn chịu những ảnh hưởng từ văn hóa, nét mới ở đây chính là hướng về cuộc đời với hi vọng mang đến cho người đọc niềm tin yêu vào cuộc sống, bởi : “thà đi trên con tàu ấy, dù không biết đi về đâu cũng còn tốt hơn”. Và khi trực tiếp đối diện với cái chết, người ta sẽ thêm tin yêu và quý trọng cuộc sống của mình hơn, để không phải “ôm trong lòng nỗi hối tiếc và sự hoảng sợ vô hạn”.
Song song với sự tự do thì định mệnh luôn là một điều gì đó mơ hồ khó diễn giải. Chỉ biết rằng, ở đó con người gần như mất đi sự tự chủ, họ bị một điều gì đó mông lung dẫn dắt đến một lối đi. Natsume Soseki nghĩ về sự chết được vây phủ dưới cái bóng của định mệnh, một lãnh địa thần bí và bất khả tri với con người. Trong đêm mộng thứ nhất, cô gái chọn cho mình cái chết mà dường như không còn một lối đi tốt hơn. Cô gái được đặt trong tình huống tự do mà không tự do, tự nguyện nhưng cũng tựa như bị ràng buộc: “em sẽ chết”, “em sẽ chết thôi, không còn cách nào khác”. Cái chết còn được đặt trong một vòng luân hồi chuyển kiếp ở đêm mộng thứ ba, định mệnh đã đặt người cha vào sự chuyển kiếp của một tội lỗi không thể gột rửa, và dù có muốn né tránh, muốn trốn chạy thì cũng không thể thoát ra khỏi nó. Giấc mộng trong đêm thứ năm cũng phần nào làm rõ được quan niệm đó. Không trực tiếp trừng phạt người võ sĩ Samurai, nhưng con ma nữ đã dùng cô gái để gây nên nỗi đau. Bằng cách này cách khác, nghiệp chướng luôn xoay vần và quanh quẩn trong đời người. Tác giả như muốn hướng người đọc đến một cuộc sống lương thiện hơn như một cách nào đó để tránh xa những định mệnh khắc nghiệt.
Tuy nhiên, ranh giới giữa cái chết lựa chọn và định mệnh là một ranh giới mong manh, nhập nhòa, mơ hồ và khó diễn giải. Giữa chúng không phải lúc nào cũng có sự tuyệt đối nhất định mà dường như còn mối liên quan vô hình nào đó. Những câu chuyện mà tác giả đưa ra cũng không hoàn toàn nghiêng về một hướng nào. Ở giấc mộng ở đêm thứ năm, ban đầu chàng trai có vẻ như có cơ hội chọn lựa “tôi nói trước khi chết muốn gặp nàng lần cuối”, nhưng định mệnh lại buộc người con gái anh yêu thương chết trước mặt anh. Cái chết từ một bản án được định sẵn đối với chàng trai lại trở thành định mệnh của cô gái. Trong sự xoay chuyển đó, con người dường như bị đặt vào một cuộc chơi đầy biến cố bất ngờ. Đằng sau những cái chết đó là một ẩn dụ về những khúc quanh bí ẩn của định mệnh, về một sự thật bị che giấu nằm ngoài tầm nắm bắt của con người.
2.3- Cái chết - quy hồi và lưu lạc
Có lẽ, dù trong cuộc đời thực hay trong văn chương, Soseki với tư cách là một công dân, một nhà văn đích thực, không bao giờ muốn lặp lại mình. Thật khó để định hình cái gọi là “phong cách Soseki” trong chỉnh thể những sáng tác văn chương của ông. Soseki luôn mang đến cho người đọc những cái nhìn mới lạ về cuộc sống. Văn chương của ông thôi thúc tất cả chúng ta phải suy ngẫm, phải bước vào cái thế giới “đồng sáng tạo” cùng nhà văn. Cái chết trong “Mười đêm mộng” không dừng lại ở sự hiện sinh - ảo mộng hay là một sự lựa chọn - định mệnh mà đó còn là cả một sự quy hồi - lưu lạc, một sự ra đi, biến thể và trở về. Cái chết được nhà văn kéo dài trong chiều kích của nó, được Soseki đặt trong một cái vòng tròn quanh quẩn, dằng dặc, cái vòng tròn “một trăm năm”, cái vòng tròn hồi sinh, trở lại. Rõ ràng, nhà văn đã bộc lộ một cái nhìn rất siêu thực về cái chết mà thông qua đó, chuyển tải được nhiều vấn đề về cuộc đời và nhân sinh.
Với Soseki, cái chết chính là một sự biến thể của cái đẹp, là sự trở về với một hình thái khác nhưng vẫn giữ nguyên bản chất ban đầu của nó. Cái chết mà Soseki cắt nghĩa, không phải là sự chấm dứt hoàn toàn của sinh mệnh mà bên trong nó, nhà văn còn nung nấu một sự trở về nào đấy rất xa trong những giấc mộng của mình “một trăm năm, hãy ngồi bên mộ em và chờ nhé, em sẽ đến gặp anh”, và rồi bông hoa bách hợp trắng tinh khiết mọc lên bên mộ nàng khi nhân vật tôi thoáng nhận ra một trăm năm đã đến. Cô gái đẹp và trong sáng trong đêm thứ nhất cũng như chính bông hoa bách hợp, có hay không chính là sự nối tiếp nhân duyên giữa cuộc đời vốn dĩ nhiều sự đứt đoạn bất ngờ này.
Cái chết còn là một sự luân chuyển của kiếp người. Trong đêm thứ 3, đứa con như một sự đầu thai của chính kẻ thù mà nhân vật tôi đã giết cách đó một trăm năm. Nhân vật tôi ngay từ đầu đã linh cảm được “đứa bé soi rõ quá khứ, hiện tại, tương lai tôi, như một chiếc gương soi mười phần sự thật”. Cái chết của người bị hại của kiếp trước với tất cả mối hận thụ đã trở lại ngay trong chính sự sống của đứa con. Đó là sự trở về, đầu thai day dứt của tội lỗi không bao giờ gột rửa được, là sự luân hồi của nghiệp chướng và tội ác đằng sau những cái chết.
Cái chết, trong những giấc mộng mơ hồ ấy, còn là hành trình tìm về với thế giới cái thế giới đích thực trong tâm tưởng của những con người cảm thấy mình như bị lạc khỏi cuộc sống. Người cha, trong đêm thứ tư tìm về cái chết trong vô thức như vậy bởi chính ông cũng cảm nhận được rằng thế giới này không phải là nơi tồn tại của chính mình và rồi cứ thế “đi đến đằng kia”, đi tìm cái gì đó ngoài thế gian, cái diệu ảo mà đời sống không thể đáp ứng được.
Cái chết không chỉ là cái hiển hiện rõ ràng trong thực tại mà nó còn là một quá trình đi ra khỏi đời sống, mất hút khỏi đời sống một cách nhẹ nhàng và bí ẩn. Con người ta đi vào cái chết trong một trạng thái vô định như người đi lạc. Hình ảnh người cha đi vào các chết một cách hoang tưởng, vừa hát vừa lội bì bõm xuống sông cho đến khi râu tóc mặt mũi không nhìn thấy gì cả… là một hành trình kiếm tìm thế giới xa xôi ngoài thực tại, ngoài tầm mắt, là một sự lưu lạc giữa đời sống.
Thật ra, chính bản thân cái chết, đã là một sự lưu lạc rồi! Người ta bị đưa về một thế giới vốn dĩ mình không hay biết, bị ném ra khỏi cuộc sống của chính mình mà không có một lối nào dẫn về nhà. Cái chết, dẫu quy hồi, dẫu trở về trong cái vòng tròn ấy, thì vốn đã bị lưu lạc, bị mất mát đi rồi. Bông hoa bách hợp, dẫu đẹp nhưng đâu phải là nụ cười, nơi thở của cô gái, cô đã vĩnh viễn mất đi giữa cuộc đời… Sự lưu lạc trong những cái chết trong mười đêm mộng của Soseki, đẩy mỗi người chúng ta vào nỗi cô đơn vô định và rất xa vời…
3. Cái chết trong cảm quan thẩm mỹ của Natsume Soseki qua Mười đêm mộng
3.1- Cái chết trong cảm quan “sống”
Dù tràn ngập hình ảnh cái chết, nhưng Mười đêm mộng vẫn là một câu chuyện hiện sinh. Cái chết được nói đến không phải đơn thuần diễn tả một sự kết thúc có thật của sinh mệnh, điều quan trọng hơn hết là những ý nghĩa nhân sinh Soseki gửi gắm đằng sau những hình thái diệt vong không tách lìa khỏi cuộc đời sống động của con người. Cảm quan hiện sinh thể hiện rõ nhất ở tính chất trải nghiệm trực tiếp: nhân vật của ông không nhận thức về cái chết trong cái nhìn duy lý, mà trong một cảm nghiệm sâu sắc của người trong cuộc, với sự đơn độc bản thể và sự biến mất của những chỗ dựa mang tính tâm linh thần thánh. Nói cách khác, nó sống trong lòng cái chết, tự nếm trải mùi vị cái chết bằng toàn bộ giác quan và tư duy. “Chẳng có gì để tôi bấu víu, tôi dần dần tiến mặt nước hơn. Tôi cố không để chân chạm nước nhưng vô vọng. Nước biển đen ngòm”.
Không những thế, những cái chết trong Mười đêm mộng còn là những ẩn dụ ám gợi đến nỗi hoang mang, sầu muộn của con người trước những mất mát của thời đại. Các nhân vật của ông, dù ý thức hay vô thức, dường như đều mang trong mình bản năng diệt vong. Những con người ấy, ngay khi đang sống, đã ấp ủ một cái chết tiềm tàng. Dấu hiệu của cái chết xuất hiện đồng thời với những hành động lặp đi lặp lại, vừa có vẻ mang tính tự chủ vừa mang tính tất yếu. Người con gái đêm thứ nhất đã nói rất nhiều lần những câu mang cùng nội dung thông báo về cái chết: “Em sẽ chết thôi”, “Em sẽ chết mà”, “Em sẽ chết. Không còn cách nào khác”, “Em chết rồi, hãy chôn em nhé”… Người cha trong giấc mơ đêm thứ năm cũng thế, ông vừa hát “trở nên sâu thẳm, biến thành đêm tối, trở nên thẳng tắp” vừa đi thẳng xuống lòng sông. Người vợ trong giấc mơ thứ chín hằng đêm đều ôm con “đi đi lại lại cũng dễ đến trăm lần” trên con đường đá ngoài cổng đền… Có thể nói, con người hiện sinh giữa đời nhưng vẫn thường xuyên bị hút về phía sự hủy diệt, phía của cái chết hiển hiện, cái chết vẫy gọi, cái chết ẩn tàng…
Mỗi đêm là mỗi câu chuyện độc lập. Nhân vật tôi xuất hiện nhưng không nằm trong một hệ thống chỉnh thể mà ở mỗi đêm là những bối cảnh, tâm thế và cuộc sống hoàn toàn khác. Rõ ràng những đêm mộng được đặt trong một cái nhìn đơn lập hoàn toàn như theo kiểu ghi chép nhật ký, điều mà Soseki vẫn làm trong đời mình là ghi những mẩu ghi chép… Cũng như đời thực, mỗi mẩu ghi chép là một trăn trở của ông về những vấn đề về cuộc đời và nhân sinh, thì ở đây, mỗi giấc mộng cũng ẩn hiện lên những mảng góc cạnh của đời sống mà thông qua đó, nhà văn muốn chuyển tải một cái gì đó nhiều hơn cả những giấc mộng, nhiều hơn là những câu chuyện trong cái phông nền huyễn hoặc ấy.
Trong Mười đêm mộng, mỗi lần cái chết xuất hiện là một lần nó được mang một hình thái hoàn toàn khác biệt. Mỗi cái chết như một sự chuyển tải riêng biệt, ám gợi đến một góc cạnh của đời sống. Cái chết như một sự hiện sinh, tiếp diễn cho những điều khác; cái chết ẩn hiện như một cái bóng, hư ảo, luẩn quẩn; cái chết được chủ động lựa chọn, hay cũng có thể bị vây bủa bởi những định mệnh của số phận; cái chết như một sự trở về, chết như một hành trình… Mỗi câu chuyện mang nỗi ám ảnh về cái chết ấy, đã cho người đọc cơ hội trải nghiệm cái sắc thái nhiều chiều, đơn lập về những góc khuất của sự chết. Cái chết ở đó, không phải là sự ngừng nghỉ đơn thuần, mà là cả một sự giằng co, một quá trình, một tranh luận cùng cực của con người. Có lẽ, khó có đất nước nào lại suy nghĩ nhiều về cái chết như Nhật Bản, và chắc chắn, sẽ chẳng có dân tộc nào có một mỹ học đẹp về Cái chết và Sự chết như dân tộc Nhật. Nhưng có lẽ, những câu chuyện ẩn chứa về cái chết trong Mười đêm mộng của Soseki là một tầm nhìn riêng, một lối kiến giải riêng về cái chết của tác giả.
Trong đêm thứ nhất, người con gái trong giấc mộng chết khi mà cô ta vẫn còn mang trong mình cái vẻ đẹp thanh xuân mơn mởn “mái tóc dài của nàng phủ đầy chiếc gối, gương mặt trái xoan kiều diễm. Dưới làn da trắng của đôi má, có thể thấy cả những mạch máu ấm hồng, sắc môi đỏ tươi”, như chính người Nhật luôn muốn giữ lấy “cái đẹp tuyệt đối”, giữ lấy cái đẹp vĩnh cửu trong hồi ức, nhưng cũng trong giấc mộng, trong câu chuyện kể của chính mình, Soseki đã để cho vẻ đẹp ấy được tái sinh trong một hình ảnh về bông hoa bách hợp trắng tinh khiết. Cũng như thế, trong đêm mộng thứ bảy, nhân vật tôi khi ở giữa cái ranh giới mỏng manh chốc lát của sự sống và cái chết, cũng “ôm trong lòng nỗi hối tiếc và sự hoảng sợ vô hạn”. Rõ ràng nhân vật này cũng đã suy nghĩ về sự sống mông lung trên con tàu, suy nghĩ về chính mình, đã can đảm lựa chọn cái chết, nhưng khi thực sự phải đối diện với nó thì cũng có những phản ứng hoàn toàn trái ngược, đó không phải đơn giản là hình ảnh người võ sĩ Samurai tự mổ bụng mình, ngã xuống vũng máu nơi dòng sinh lực của mình tuôn chảy để cười nụ cười mãn nguyện trong mỹ học về cái chết của người Nhật, họ - trong câu chuyện của Soseki cũng sợ hãi, cũng run rẩy, cũng rất người… Cái chết, đối với Soseki, và có lẽ rất gần với chúng ta, quả là một điều không đơn giản mà chắc chắn rằng sẽ không có bất cứ một lí thuyết cố định nào về nó.
Sự biệt lập của mỗi hình thái về cái chết trong mỗi câu chuyện trong mỗi đêm, cho thấy sự phân rã và rời rạc trong bố cục của chỉnh thể “mười đêm mộng” theo đúng cái nhan đề của nó. Cái chết được đặt trong nhiều biến thể phải chăng là ẩn dụ cho một thế giới đa diện, cuộc sống nhiều bất định, rủi ro của thân phận người. Những giấc mộng, hay chính là duyên cớ? Cái chết, hay chính là những vấn đề về cuộc sống, nhân sinh mà nhà văn muốn chuyển tải, muốn đưa tới để tất cả chúng ta được suy ngẫm, được nhìn nhận, phân tách? Đêm thứ 8, sự run rẩy trước cái chết của nhân vật tôi khi đối diện với nó đặt con người trước sự suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi lựa chọn cái chết hay Soseki muốn mọi người phải biết quý giá sinh mệnh của chính mình mà vấn đề này như một thông điệp cảnh tỉnh những người tự sát trên đất Nhật, hay cùng với sự chết là sự tái sinh vô tận của những kiếp sống trong đêm thứ nhất, hay chết và sự tái sinh là nỗi đeo bám tội lỗi khôn nguôi trong đêm thứ 3… Rõ ràng, tác giả không có ý đồ dẫn dắt người đọc vào cái thế giới hư thực vô định trong cõi mộng ảo, mà hơn hết, thông qua từng giấc mộng, có nhân vật, cốt truyện, tác giả muốn chuyển tải một cái gì ấy sâu hơn, rõ hơn, mà rất gần với sự hiện diện của con người.
3.2- Cái chết trong cảm quan mộng
Nếu ta cố gắng tìm một mối tương quan bền chặt nhất cho mười câu chuyện của Soseki, đó chỉ có thể là tính mộng mị. Nhưng Soseki đã không dừng lại ở việc đưa vào các câu chuyện của mình những tình tiết hư cấu, phi thực, ông đã làm một công việc tựa như góp nhặt những câu chuyện riêng lẻ mà thực ra là đang thực hiện phép ngẫu hứng, bất định của cõi mộng mơ. Mười đêm mộng, đúng như tựa đề của nó, là một tập hợp những giấc mộng, và bản thân nó cũng là một giấc mộng lớn ám gợi đến cái muôn mặt biến ảo của cuộc đời. Lối kể chuyện như trong chiêm bao của ông mở ra một không gian vô tận cho suy tưởng, gạt bỏ mọi rào cản của lý trí và hiện thực hữu hạn, đưa người đọc bước vào những quang cảnh lạ lẫm, bất ngờ. Soseki không phải nhà văn Nhật Bản đầu tiên viết về mộng, nhưng giấc mộng của ông, có thể nói, đã thoát thai ra khỏi giấc mộng ngàn năm trước của Truyện Genji để mang lấy hơi thở mới của thời đại. Trong Truyện Genji, những “linh hồn sống”, như biểu tượng của giấc mơ tỉnh thức, có khả năng tương tác và cải biến thế giới hiện thực. Điều đó cho thấy ngay từ buổi bình minh của mình, văn học Nhật Bản đã chuẩn bị sẵn một không gian mộng ảo, ở đó linh hồn không tách biệt với thực tại, và con người được đặt trong mối tương thông giữa thế giới trong nó và thế giới ngoài nó. Nhưng ở Soseki, ta không thấy rõ mối tương thông ấy nữa. Nói đúng hơn, những giấc mộng của ông không dẫn chiếu trực tiếp tới hiện thực, mà đưa đến những thế giới bí ẩn khác. Đó là cái thế giới của “một trăm năm trước, năm Bunka thứ 5 […] tôi thình lình nhớ ra mình đã giết một người mù trong một đêm tối”, thế giới mà “cha tôi chìm trong nước […] Râu, tóc, mặt, mũi, hoàn toàn không thấy gì cả”, thế giới dưới vực với con ma nữ “giả giọng gà gáy”, thế giới “nước biển đen ngòm”… Soseki không nói rõ cho chúng ta biết cõi mơ của ông sẽ thông dẫn đến thế giới nào, và hiện thực dường như hoàn toàn mất hút trong hư ảo. Nhưng như Susan J. Napier từng nhận định: “Trong sự khai triển hữu hiệu bầu không khí siêu thực của cõi lạ, kết hợp với cách sử dụng sáng tạo ý niệm giấc mơ, tác phẩm [tức Mười đêm mộng] đã tạo ra một thế giới văn chương ngầm ám chỉ đến đời sống thế kỷ hai mươi” [2]. Nói cách khác, Murasaki viết về giấc mơ trên phông nền hiện thực, còn Soseki lại kể chuyện đời thực thông qua những giấc mơ.
Cái chết trong tác phẩm của Soseki được tổ chức theo kết cấu ngẫu nhiên của những giấc mộng. Đó không phải là kết cấu đan lồng theo kiểu “mộng trong mộng” của Trang Chu mà là sự phô diễn ngẫu hứng những gương mặt của mộng, nó có xu hướng dàn trải, xoáy kết hơn là đè chồng. Đằng sau mỗi giấc mộng không phải là một giấc mộng khác, mà là một góc cạnh khác của cuộc đời, của sự sống. Xét đến cùng, giấc mộng của Soseki không thấm đẫm hơi hướng giải thoát, không phải là một cuộc dạo chơi giữa cõi phù du, nó đụng chạm đến những góc khuất u ẩn trong kiếp hiện sinh và thân phận làm người. Trong đó, cái chết được mô tả không phải với cái nhìn vượt thoát khỏi cuộc đời phù phiếm, nó là một dạng mật mã, một hàm ngôn. Có lẽ Soseki muốn dùng hình ảnh cái chết để nói đến cái quý giá của sinh mệnh (đêm 8), đến sự chuyển hóa vô tận của các kiếp sống (đêm 1), đến sự đeo bám của tội lỗi (đêm 3), đến sự bất khả tri của số phận (đêm 5)…
Cái chết trong con mắt của Soseki hòa điệu giữa sắc màu hiện đại và âm vang huyền thoại. Vẻ đẹp của nó không hẳn là niềm bi cảm trước cánh đào rơi, nó ẩn chứa những hoang mang thầm kín của con người trước một đời sống bất khả giải. Cái chết lồng trong những giấc mơ đặt ra những câu hỏi về tính tương thông giữa các thế giới, những cuộc kiếm tìm, những lựa chọn, những thể nghiệm tâm linh… Chúng tôi đặc biệt chú ý đến sắc thái chủ động trong những cái chết được thể hiện trong Mười đêm mộng – có lẽ đây cũng là sự thừa hưởng rõ nét nhất của Soseki đối với quan niệm thẩm mỹ về cái chết của dân tộc ông, nhưng bên cạnh đó, cùng với thái độ xem cái chết như một thành tố hiển nhiên của đời sống, Soseki còn đan lồng vào những dạng thức chết ở đây cảm thức về sự mất mát không sao cứu chuộc.
Các nhân vật của ông dường như đều đi theo một tiếng gọi bí ẩn, chẳng hạn như cô gái ở đêm thứ nhất với lời khẳng định: “Em sẽ chết thôi”, người cha trong đêm thứ tư vừa hát vừa đi thẳng vào lòng nước, hay cô gái trong đêm thứ năm thúc ngựa đi về phía ánh lửa sáng mà rơi xuống vựa sâu… Cái chết trong Mười đêm mộng không phải là nỗi ám ảnh của các nhân vật. Các nhân vật hoặc tự nguyện bước vào cõi chết, hoặc không biết mình sẽ chết. Đồng thời, đứng trước cái chết và những biến thể của nó, các nhân vật của Soseki trong Mười đêm mộng dường như đều vướng vào một tấm màn vô hình, khiến nó trở nên “bất khả tri”.
Đó là một nhân vật tôi “không biết là mình đã thấy bao nhiêu mặt trời đỏ”, không biết bao giờ mới đến một trăm năm; là một “tôi” cõng đứa con trên lưng mà không biết nó là hóa kiếp của một người mù mình đã giết một trăm năm trước; một “tôi” “đứng ở bãi sậy đang xao động, một mình, chờ mãi” người cha đã mất tăm trong nước; một “tôi” không biết tiếng gà gáy là lời báo tử đối với người thương… Nói cách khác, cái chết ở đây có xu hướng khơi gợi lên một ấn tượng âm tính về những khoảng tối của đời người. Ở đó, bên cạnh những nhân vật hiện hữu còn có những nhân vật vắng mặt, nhân vật ẩn mình, như người mù bị giết bên cây bách, con ma nữ, con rắn, người chồng bị sát hại trong chiến tranh… Như vậy, cũng như song hành bên cõi thực là cõi mộng, song hành bên cõi mộng còn là một cõi huyễn ảo khác, tầng tầng lớp lớp, thăm thẳm trong vô thức con người.
Cái chết và giấc mộng - đó là một kiểu ẩn dụ của Soseki. Nó có thể dẫn chiếu đến những ý tưởng cụ thể về hiện thực xã hội đương thời, nhưng bên cạnh đó, việc sử dụng giấc mộng - một hình thái vô thức của tâm lý - như một phương thức xây dựng kết cấu, dường như còn có dụng ý nhấn mạnh đến cái thế giới đằng sau bề mặt, thế giới bên trong sâu thẳm của mỗi con người. Đó là một thế giới được phép tự do, hỗn loạn, và biết đâu, cái mộng ấy, cái vô trật tự ấy, lại mới là gương mặt chân thật nhất của cõi nhân sinh. Hình thức của giấc mộng nhắc nhở chúng ta rằng những hình ảnh trong đó chỉ là một thứ phản chiếu mang tính tâm linh, vô thức nhưng cũng vì vậy mà càng trở nên ám ảnh và vô cùng chân thực. Cái chân thực ấy không dừng lại ở sự ám gợi phê phán những hiện tượng xã hội, cái quan trọng hơn là Soseki đã đặt nhân vật của mình vào một thể nghiệm thần bí, ngoài tầm kiểm soát; ở đó, bên cạnh mục đích phục vụ những ý đồ cụ thể của tác giả, các nhân vật dường như bị trôi nổi hoàn toàn trong thế giới mộng mị, tha hồ phơi bày những góc cạnh trần trụi nhất của nội tâm mình… Nói tóm lại, giấc mộng của Soseki là cái nhìn riêng tư và nghiêm túc về đời sống, trong đó ông dùng cái chết để ẩn dụ cho những biến hình phức tạp của tâm lý, số phận và đời sống con người. Sắc thái giễu nhại vẫn ẩn hiện trong cách tác giả đan lồng những cái cụ thể vào cái trừu tượng, cái bông đùa bên cạnh cái hệ trọng… Nhưng trên hết, đó không phải là cái nhìn mang sắc thái hư vô, mà nhằm hướng đến một nhân sinh quan có tính phê phán, phản tỉnh đối với những hiện sinh sống động của đời.
Kết luận
Với những vấn đề về cái chết và số phận được đặt ra trong tác phẩm Mười đêm mộng, Natsume Soseki đã bày tỏ thái độ và nhận định của mình về những vấn đề nhân sinh luôn khiến con người trăn trở: mục đích của cuộc đời, những tội lỗi không thể gột rửa, những mơ ước không thành, sự lạc lõng,… Xuyên suốt tác phẩm, nổi bật lên là hình ảnh những cái chết đậm chất hư ảo. Những giấc mộng trong tác phẩm vừa hư vừa thực, mang nhiều hình ảnh biểu tượng. Các giấc mơ có cấu trúc rời rạc, có thể được coi như những câu chuyện riêng lẻ, nhưng trong đó ẩn hiện sự nối kết qua cách xưng hô và giới thiệu của nhân vật “tôi”. Điều này khiến cho tác phẩm rời rạc nhưng không đứt đoạn, làm cho những vấn đề, suy nghĩ mà Natsume Soseki đặt ra được hợp lại một cách trọn vẹn và sâu sắc. Đặc biệt, những quan niệm mỹ học về cái chết của Soseki được thể hiện trong từng giấc mộng đã có một sự khác biệt rất lớn so với mĩ học truyền thống về cái chết của người Nhật: cái chết không phải chỉ là cái đẹp tuyệt đỉnh hay vĩnh cửu mà nó còn mang trong đó những ý nghĩa khác về sự luân hồi, về nhân quả và về cái vô thường của cuộc đời. Cái chết trong Mười đêm mộng của Soseki tuy mang dáng dấp của sự hư ảo, huyền hoặc của những cơn mộng mị nhưng những điều tác giả gửi gắm trong đó lại rất thực, rất xã hội và rất thời đại.
Chú thích:
[1] Hoàng Long, 2011, Mỹ học về sự diệt vong, Website
[2] Susan Jollifffe Napier, 1996, The fantastic in Modern Japanese Literature: The subvertion of Mordernity, Routledge, London.
Vĩ Như
Nguồn: ĐHKHXH&NV
Theo https://ivivi.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...