Sông Hoài Sơn vắt qua cánh đồng làng, thao thiết như một câu
thơ tống biệt. Giữa lòng sông điểm con thuyền nhỏ, lênh đênh trôi trong sóng nước
bốn mùa. Con thuyền chính là nơi chú Hinh nương náu suốt hai mươi năm ngược nắng,
xuôi mưa. Nước xuống, nước lên, như đời khi chìm, khi nổi. Chú ung dung cạn
chén với ánh trăng mặt nước, rồi ngâm nga khúc hát khê nồng...
Đêm sông không một bóng người. Chỉ có bóng trăng long lanh bầu
bạn. Trăng vờn mặt sông. Trăng nghiêng đáy bát. Cạn bát trăng này lại đầy bát
trăng sau. Chú Hinh cởi trần, ngồi trước mui thuyền, ngửa cổ dốc cạn những bát
rượu pha trăng sóng sánh. Thi thoảng, chú ngước mắt nhìn về phía những đốm đèn
điện nhấp nháy sáng xa xa. Nơi ấy là làng. Bao lâu rồi chưa về thăm lại? Thời
gian chảy trôi, cuộc sống đổi thay. Sông vẫn đầy. Và rượu vẫn cay. Càng uống lại
càng cồn cào, thổn thức. Ký ức trỗi lên như một mầm cây...
Người làng Châu Lệ, ngôi làng nhỏ gối đầu bên dòng Hoài Sơn thường có nước da
đen nhem nhẻm, nhuộm màu về truyền thuyết con sông. Các cụ già trong làng bảo,
sông Hoài Sơn được hóa từ dòng máu một tiên nữ thất tình. Tương truyền trong một
lần cưỡi mây du xuân, tiên nữ Thiên Vân trót đem lòng xao động chàng tiều phu
làng Châu Lệ nên đã tự nguyện rời bỏ chốn tiên cảnh bồng lai xuống hạ giới làm
người trần mắt thịt theo sự mách nước của Ông Tơ, Bà Nguyệt. Duyên số mang họ đến
bên nhau. Một lần vào rừng sâu đốn củi, chàng tiều phu biệt tăm. Thiên Vân bươn
bả đi tìm, phát hiện chàng tiều phu đang chung sống với người con gái khác
trong ngôi nhà lưng chừng triền núi. Đau đớn, uất hận, nàng nhặt mảnh đá cắt
ngang cổ tay kết liễu đời mình. Máu loang ra, loang mãi hóa thành dòng sông uốn
khúc.
Ấy vậy mà chẳng hiểu sao, da Hinh lại trắng nõn nà như bẹ chuối
non. Cô gái nào trót ngắm nụ cười rạng ngời bừng ra từ gương mặt phúc hậu hình
chữ “Điền” của Hinh thì đêm về thao thức. Có tin đồn, Hinh không phải là con
trai ông Cống Lác. Khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn khốc
liệt, Hinh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ở chiến trường, cứ cách vài tuần,
Hinh lại nhận được một lá thư. Thầm thương, trộm nhớ, những cô gái trong làng
chỉ ngại ngùng bâng quơ hỏi thăm sức khỏe chứ nào dám tỏ bày, thổ lộ. Anh em vẫn
thường nói đùa: “Thằng Hinh có số đào hoa. Sau này năm thê, bảy thiếp”.
Đất nước thống nhất, Hinh lại trở về làm một chàng nông dân cần
mẫn trên cánh đồng chiêm trũng chua phèn. Thuở ấy, trong làng có cô gái tên Lý
rất mê Hinh. Những đêm rằm, trăng rót mật trên dòng Hoài Sơn óng ánh, Lý thường
mang những chiếc đèn hoa đăng viết sẵn điều ước đem thả xuống dòng nước mênh
mang. Cô tin rằng tiên nữ Thiên Vân sẽ đồng cảm và phù hộ cho đường tình duyên
của mình suôn sẻ.
Một lần, khi Lý vừa thắp nến thả trôi ngọn hoa đăng hình đài
sen thì vô tình bắt gặp Hinh khua mái chèo đưa thuyền vào bờ sau chuyến thả lưới
đêm. Mũi thuyền của Hinh rẽ sóng làm ánh trắng bàng bạc mơ huyền trên mặt nước
vỡ tan đẩy đèn hoa đăng chòng chành se sẽ. Ngọn nến ngự giữa chiếc đèn run rẩy
cháy làm lộ rõ những nét chữ tròn xinh Lý viết bằng bút lông mầu hồng tím. Phút
giây ấy, lồng ngực Lý rạo rực. Cô chùng chình khỏa nước, nửa muốn ngọn đèn mang
bí mật trôi đi, nửa muốn nó luẩn quẩn ở lại để Hinh đọc được ước nguyện mà đêm
rằm nào cô cũng thả...
Hinh xách giỏ cá cùng Lý lần theo lối mòn lút giữa bãi bờ um
tùm lau sậy, thong thả về nhà. Đến cổng làng, họ bắt gặp Đề, người làng bên, bạn
bộ đội với Hinh, mặc sơ mi trắng, quần âu nâu ngồi trên yên chiếc xe đạp, hai
chân chống xuống đất:
- Lý đây rồi, anh tìm em mãi.
Giọng Lý dửng dưng:
- Anh tìm tôi có việc gì?
- Lúc nào chỉ có hai đứa mình, anh mới nói được.
- Anh không nói thì tôi về.
Hinh chạm ba mươi thì Lý qua hai mươi bốn. Mẹ Hinh đã mất từ
lâu. Ông Cống Lác, cha Hinh bao lâu nay nhìn cái nước da trắng bóc của Hinh cộng
thêm việc nghe bao lời đàm tiếu của xóm giềng đã ngờ ngợ Hinh không phải con
mình. Thế là của cải, đất đai, ông chia hết cho hai thằng con còn lại, rồi ngỏ
lời với gia đình Lý cho Hinh sang ở rể bên ấy. Hai nhà đã có chén chè, ly rượu
qua lại với nhau trong khi Hinh chưa một lần tỏ rõ ý mình. Còn Lý thì vẫn thả
đèn hoa đăng cầu duyên với niềm hy vọng mơ hồ, mòn mỏi. Ông Cống Lác giục:
- Mày tính thế nào, Hinh?
Hinh nói một câu như sét đánh khiến ông Cống Lác chẳng uống
rượu mà lảo đảo, phải vịn vào cột kèo:
- Cả đời này, con sẽ không lấy vợ đâu!
Như cây lúa bị sâu đục thân gặp gió, hay tin, Lý đổ bệnh, um ủm
nằm trong xó buồng, khóc thầm từng cơn. Trái tim Hinh làm bằng đá chăng? Lý bất
chợt nghĩ tới dòng Hoài Sơn. Tiên nữ có đọc được lời nguyện cầu của Lý? Hay bà
muốn tất cả con gái làng Châu Lệ đều có kết cục bi thảm như bà?
Làng Châu Lệ mấy ngày sau đó xôn xao cái tin Hinh là người đồng
tính. Đồn rằng, hồi ở đơn vị, Hinh đã đem lòng yêu đơn phương tiểu đội trưởng.
Chiều chiều, khi tiểu đội trưởng tắm ngoài suối, Hinh thường núp sau gốc cổ thụ,
lén lút trộm nhìn. Một hôm, tiểu đội trưởng lên cơn sốt rét, Hinh được cử đến
lán chăm sóc anh. Đêm ấy, nhân lúc tiểu đội trưởng mê man, Hinh đã có cử chỉ âu
yếm anh. Trong cuộc họp kiểm điểm khẩn cấp ngay sau đó, tiểu đội trưởng vẫn chằm
chặp bênh vực Hinh:
- Không có chuyện đó đâu. Chắc mọi người hiểu nhầm rồi.
- Anh lúc đó đang hôn mê bất tỉnh thì làm sao biết được! -
Người lính chứng kiến sự việc dõng dạc khẳng định - Chính mắt tôi trông thấy
bàn tay của đồng chí Hinh khuơ khoắng trên người tiểu đội trưởng.
Trong một trận đánh, tiểu đội trưởng đã hy sinh sau loạt đạn
liên thanh của quân thù. Hôm chôn cất anh, Hinh là người khóc to nhất. Đồng đội
soạn lại tư trang cá nhân của tiểu đội trưởng thì tìm thấy cuốn nhật ký ám bụi,
có một trang viết như lời trăng trối: “Việc Hinh đã làm gì, lúc đang mê man,
tôi không biết. Nhưng tôi không muốn một sự việc cỏn con làm ảnh hưởng đến ý
chí và tâm lý của một người lính trẻ mới nhập ngũ như cậu ấy. Nếu có một điều ước,
tôi chỉ ước mọi người thông cảm cho cậu ấy, được không?”.
Đề đến nhà Lý chơi thường xuyên hơn, mặc cô viện lý do trốn
tránh. Nhưng không có Lý thì đã có cha mẹ cô. Cái cách cưa cẩm tưởng phí công
vô ích mà hóa ra phát huy tác dụng. Đến tuần thứ ba, cha mẹ Lý bàn gả cô cho Đề.
Lý khóc mướt:
- Con sẽ ở vậy suốt đời!
Mẹ Lý lựa lời:
- Nói vậy mà nghe được, hở con? Mày ế chồng thì cha mẹ mày ê
mặt, làm sao dám ngẩng mặt lên nhìn xóm giềng nữa.
- Nhưng con chỉ yêu anh Hinh.
- Yêu thì chọn người tử tế mà yêu, chứ yêu cái thằng dở người,
bệnh hoạn nửa nạc nửa mỡ ấy mà làm gì.
- Là kẻ xấu đã bịa chuyện, bôi nhọ anh ấy!
- Nhưng nó có thương mình đâu?
Sau những đêm dài nước mắt rơi vô vọng, Lý xuôi xuôi. Đêm trước
ngày về nhà chồng, không phải đêm rằm, nhưng Lý vẫn mang đèn hoa đăng ra sông
Hoài Sơn thả. Khi Lý vừa rời đi thì con thuyền của Hinh cập bến. Ngọn nến mới
leo lét cháy hết một nửa soi những dòng chữ trong sáu cánh sen mỏng manh, chới
với: "TÔI - CỦA -YÊU - TÌNH - BIỆT - VĨNH". Lòng Hinh như bị ai rải lên những
mảnh thủy tinh sắc nhọn...
Thấm thoắt đã hai mươi năm chú Hinh chuyển ra sông ở hẳn, kể
từ ngày cô Lý sang ngang. Có lần đi chợ phiên đổi cá lấy gạo, chú nghe người ta
bảo vợ chồng Lý đào được cái tiểu đựng đầy đồ cổ, trị giá tiền tỉ. Cả gia đình
họ chuyển lên thành phố, sống giàu sang, sung túc cùng đàn con nhỏ. Chỉ còn lại
chú với dòng sông hiu quạnh. Sống lâu với sông mới biết sông buồn. Sông cũng
như người, cô đơn mà không tìm được tri âm, tri kỷ.
Đời chú ngỡ sẽ bị “tháng năm sông nước bào mòn” như lời hát
thì vào đêm nọ, dòng sông Hoài Sơn, cái dòng sông đã cuốn đi của chàng thanh
niên năm nào mối tình thanh xuân lặng câm bỗng mang về cho chú một đứa trẻ. Đứa
trẻ bị bỏ trong chiếc hộp xốp khóc ré lên như xé toạc bóng đêm khi trôi qua chỗ
con thuyền neo đậu. Chú bật đèn pin soi rồi vội vàng nhảy ùm xuống nước, bơi về
phía chiếc hộp xốp chênh vênh...
Bế đứa bé trong vòng tay rắn rỏi, chú Hinh lay nhẹ. Nó dần
nín khóc. Là bé gái. Đứa bé bị hở hàm ếch. Và mỗi bàn tay nó có đến sáu ngón
loe toe. Con cái nhà ai mà tội nghiệp? Muỗi đốt làm đứa bé lại khóc the thé.
Chú Hinh lấy mảnh chăn chiên, quấn quanh người nó. Hình như mùi mồ hôi ngai
ngái pha lẫn mùi rượu khê nồng khiến nó khó chịu giãy đạp và bật khóc to hơn.
Chẳng biết dỗ dành thế nào, chú một tay ấp đứa bé, một tay cầm gáo dừa múc nước
đổ vào nồi đất, thả thêm nắm gạo, vừa nhóm lửa nấu cháo, vừa ngâm nga câu hát
cũ mèm:
Tháng năm sông nước bào mòn đời trai...”
Con bé nín bặt. Chú hôn nựng lên má nó:
- Tiên sư nhà mày. Thích nghe hát hả? Vậy thì ở lại đây với bố
nhé, bố cho mày nghe hát suốt ngày. Đời bố buồn nhiều rồi, bố đặt tên mày là
Vui được không?.
Chú Hinh bươn bả sông nước quăng chài, giăng lưới, cất vó, thả
lờ kiếm từng con cua, mớ cá, nhúm tôm mang ra chợ xép bán lấy tiền đong gạo,
mua sữa nuôi bé Vui. Chú đã bỏ thói quen uống rượu. Hai ngụm rượu cũng đắt gần
bằng một ngụm sữa. Mình uống thì con mình nhịn, nghĩ thế, chú bỏ đứt. Bỏ rượu,
với một người mấy chục năm uống rượu nhiều hơn uống nước thì còn gì bức bối,
khó chịu hơn? Ban ngày chả sao, nhưng đêm đến, nhất là những đêm trăng huyền hoặc,
chân tay chú ngứa ngáy, bứt rứt như có hàng trăm con rết lổm ngổm bò dọc, bò
ngang. Những lúc như thế, chú thường nhảy xuống sông cọ kỳ sồn sột. Riết thành
quen, vài tháng sau, cảm giác đó tiêu biến hẳn. Những ngày làm bố, chú mới thấm
thía hết nỗi khó nhọc để nuôi một đứa con và cả niềm hạnh phúc khi chiếc áo con
mặc đã chật, khi tiếng nói đầu đời con bập bẹ: “Bố ơi!”. Tiếng “bố” ngọng nghịu,
nặng nề mà chan chứa yêu thương.
Cuộc sống của bố con chú Hinh bình lặng trôi qua bên dòng
Hoài Sơn. Bé Vui đã nói sõi hơn. Hai bố con tíu tít suốt ngày. Cho đến một buổi
chiều nắng nhạt, có người đàn bà đội chiếc nón mê rách nát tìm đến lều chú.
Linh cảm điều gì chẳng lành, ruột gan chú nóng bừng như lửa đốt. Khi người đàn
bà bỏ chiếc nón ra, chú như không còn tin vào đôi mắt đã hơi mờ đục của mình...
- Lý... Là... em đấy ư?
Cô Lý kéo tay áo nâu sờn chấm chấm lên khóe mắt đã ngang dọc
vết chân chim, tức tưởi:
- Em khổ lắm, anh Hinh ạ.
Nghẹn ngào, cô kể, đẻ đến đứa thứ tư thì cả bốn đứa đều mang
dị tật rồi chết yểu. Đứa thứ năm bị hở hàm ếch. Cô gắng làm việc, dành dụm, ki
cóp từng đồng để mai này chạy chữa cho con. Nào ngờ cái hôm cô đi làm thuê trên
thành phố về, lão Đề bảo, lão đi xem bói nghe thầy phán nhà đang nuôi yêu quái
nên đã mang con thả trôi sông. Lão đuổi cô ra khỏi nhà và rước về một người đàn
bà khác. Nhiều ngày ròng, cô chạy dọc sông kiếm tìm đứa con nhưng vô vọng...
Chú Hinh chợt xa xót nhớ con suối nhiễm đầy chất độc màu da
cam mà cả tiểu đội khát khô cổ họng phải uống suốt một tuần ròng hành quân qua
khu rừng trụi lá. Chú nhớ đến bài báo với dòng tít “Người cha của hai đứa con
không lành lặn” mà chú vô tình đọc được sau ngày giải phóng ở thư viện huyện
nhà. Và chú nghĩ, thà mang tiếng đồng tính còn hơn làm khổ cả cuộc đời người
con gái ấy. Nào ngờ...
- Bố ơi, ai đấy ạ?
Cô Lý chìa đôi tay gầy guộc, xanh xao:
- Cho em bế con bé một lát được không?
Vui ngoan ngoãn đứng yên cho cô Lý bế và chạm lên má nó một
cái thơm ram ráp. Không khí trên chiếc thuyền như ngưng lại. Chợt, cô Lý đặt đứa
bé xuống, chạy ào lên bờ, không muốn để hai bố con chú Hinh nhìn thấy những giọt
nước mắt đang lã chã rơi rơi. Lối mòn lút giữa um tùm lau sậy mở ra trước mắt
cô, nhắc nhớ những kỷ niệm thân thương mà đắng ngắt. Chú Hinh cõng bé Vui chạy
ra mui thuyền, gọi giật:
- Dừng lại, Lý. Con thuyền này luôn còn chỗ cho em... - Hai bố
con băng qua chỗ nước nông về phía cô Lý. Cô Lý sững lại giây lát, rồi cũng chạy
lại. Những bọt nước tung lên trắng xóa giữa hoàng hôn rực rỡ.
- Con gọi “mẹ” đi!
Vui nhìn cô Lý, líu lưỡi, cố phát âm thật tròn và to:
- Mẹ... Mẹ ơi!
Sau lưng họ, sông Hoài Sơn êm đềm chảy quanh co ôm lấy những
bãi bờ mươn mướt lúa ngô. Tiên nữ Thiên Vân đã phù hộ cho những người yêu nhau
được hạnh ngộ, dù có chút muộn màng. Và con thuyền nằm giữa miền hoa lục bình
tím biếc khe khẽ dập dờn như muốn viết tiếp lời ca về cuộc đời thăng trầm của
chú Hinh: “Đời ta...”.
LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU
Truyện ngắn của Phan Đức Lộc cho tôi nhận ra một sự thật và
cũng là một chân lý của đời sống này rằng: bao quanh cuộc đời một con người nhiều
khi là những ngờ vực, những thị phi và những khoảng tối. Nhưng con người ấy vẫn
lặng lẽ sống và lặng lẽ đi trên con đường đã chọn. Và chỉ đến khi cuộc sống có
một điều gì đó xảy ra thì con người ấy mới hiện ra toàn bộ bản chất của mình.
Lúc đó, vẻ đẹp tâm hồn bật sáng như ta thắp một ngọn đèn trong bóng tối. Câu
chuyện về Hinh là câu chuyện như vậy.
Tác giả đã dẫn người đọc đi theo câu chuyện một cách “lặng lẽ”.
Cách kể chuyện này tạo lên sức hút của tác phẩm và đưa bạn đọc vào nhiều câu hỏi
do chính họ đặt ra qua từng diễn biến của câu chuyện. Cái kết bất ngờ như chính
những bất ngờ khôn lường của đời sống. Cái kết không làm cho người đọc vỡ òa cảm
xúc mà lặng người trong những suy tưởng về vẻ đẹp và những giá trị nhân tính.
30/8/2019
PHAN ĐỨC LỘC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét