Trần
Tiến âm nhạc là ngẫu hứng
Trần Tiến và Lập
Âm nhạc là cuộc sống
Âm nhạc xuất phát từ cuộc sống, để rồi quay về phục vụ cuộc sống.
Âm nhạc từ buổi sơ khai là những âm thanh độc đáo mà giản dị bật ra từ đời thường.
Theo dòng thời gian, âm nhạc dần phát triển, trau chuốt và đạt đến đỉnh của hai chữ “nghệ thuật”. Mỗi nhà sáng tạo nghệ thuật là một nghệ sĩ, tự đi tìm một cách
thể hiện riêng, cách sống riêng với niềm đam mê của mình. Xuất phát của niềm đam
mê rất khác nhau, nhưng đích đến thì chỉ có một: phục vụ cuộc sống.
Âm nhạc phản ánh nhiều mặt của cuộc sống, từ đời sống thực đến
đời sống tâm hồn. Qua mỗi lăng kính của người cảm thụ, âm nhạc được cảm khác
nhau, nhìn nhận khác nhau và khắc họa khác nhau.
Giữa lúc thị trường âm nhạc đang bão hòa, các giá trị bị đánh
đồng và đảo lộn, người nghe quá bận rộn với cuộc sống và hết hứng thú với những
phô trương, ta bắt gặp nhạc Trần Tiến giản dị và giàu tính nhân văn, xuất phát
từ những điều giản đơn nhất và phục vụ cho chính những điều vô cùng đơn giản.
Nhạc Trần Tiến của thế kỷ này bắt nhịp một cách hài hòa với hơi thở thời đại, đồng
thời giữ được nét riêng độc đáo, không bị lẫn lộn trong những sản phẩm phụ không
mong muốn của thời kinh tế thị trường. Lắng nghe và cảm nhận âm nhạc Trần Tiến,
ta thấy lý lẽ yêu thương luôn giản đơn, đó cũng là nơi bắt nguồn và kết thúc của
cuộc sống.
Cảm giác sống đó, Trần Tiến đã chuyển tải thành mạch cảm xúc
bất tận, cứ tự nhiên tuôn tràn và bay lên khỏi những suy tư đời thực, khỏi những
vướng bận bởi mục đích sáng tác để vút cao thành một giai điệu.
Với Trần Tiến - Âm nhạc là ngẫu hứng đời thường, giản dị mà độc
đáo.
Những ai yêu thích nhạc của Trần Tiến đã không ít lần được
nghe những câu hát ngẫu hứng mà chứa đầy tình, lý và cả tâm hồn phóng khoáng của
người nhạc sĩ. Cái hồn âm nhạc trong những phút ngẫu hứng ấy lạ nhưng quen, từ
ca từ cho đến giai điệu. Cũng có sự bay bổng, lãng mạn và cũng có những bài hát
hiện thực hoá cuộc sống, tình yêu con người.
Khi Trần Tiến du ca trên khắp nẻo quê hương để các sáng tác Tạm
biệt chim én, Chiếc vòng cầu hôn, Thành phố trẻ, Giai điệu Tổ quốc, Dòng sông mùa
thu… Đó là Trần Tiến trẻ trung, giàu nhiệt huyết với một tuổi thơ dữ dội.
Cuộc cách mạng của Trần Tiến bắt đầu bằng hàng loạt những ca
khúc ngẫu hứng. Đó là những cảm nhận chợt đến và nhạc sĩ là người nắm bắt được
cái hồn đẹp để tạo nên những bài du ca.
“Sự khác biệt giữa tôi và người khác không phải vì cái mặt mà
là điều ở bên trong cái mặt. Sự khác biệt của thế hệ, của kỷ niệm, của những bất
hạnh và hạnh phúc khác nhau trong những cuộc đời khác nhau.”
Nhạc Trần Tiến rất chân thực, đời thường, đơn giản mà lại sâu
sắc, nhiều ý nghĩa, giàu tính nhân văn. Có những bài rất lạ, độc đáo, vui vẻ
khiến người ta nghe và hát theo, thấy tâm hồn chợt vui, chợt đồng cảm lạ…
“Tôi không bao giờ có dự định viết nhạc cho thiếu nhi hay bà
già, mà tôi chỉ viết khi có hứng. Mà hứng thì không biết sẽ dành cho ai, có thể
là con voi trong sở thú!”
Trần Tiến viết không phải vì sự yêu thích hay thị hiếu của người
hâm mộ nhạc ông. “Tôi sáng tác nhạc cho những gì tôi cảm thấy thật quyến rũ, tôi
không chỉ làm nhạc theo cách mà mọi người thích nghe!”. Nghe nhạc Trần Tiến, ta
cảm nhận một nét trong trẻo, tươi xanh như chính tâm hồn ông vậy. Với ông, âm
nhạc là thứ để sống. “Nhạc là con tàu đưa tôi đến một cõi sống khác, một cõi có
thể là hành tinh của một hoàng tử bé nào đó. Với tôi, nhạc là một thứ để sống
chứ không phải để thưởng thức. Âm nhạc sẽ bị quên đi, lời ca sẽ bị quên đi, chỉ
còn lại cảm giác sống”.
Cảm giác sống đó, Trần Tiến đã chuyển tải thành mạch cảm xúc
bất tận, cứ tự nhiên tuôn tràn và bay lên khỏi những suy tư đời thực, khỏi những
vướng bận bởi mục đích sáng tác để vút cao thành một giai điệu, với ca từ là lời
tâm sự, là điều muốn nói - mà đôi khi điều muốn nói đó chỉ là một trong những ánh
nhìn vào đời thực. Ngẫu hứng trong âm nhạc Trần Tiến không chỉ là chút tùy hứng
ở hoàn cảnh sáng tác, mà còn là mạch cảm xúc tự nhiên trong cả ca từ, đề tài lẫn
mục đích hoàn thành tác phẩm. “Tôi không bao giờ có dự định viết nhạc cho thiếu
nhi hay bà già, mà tôi chỉ viết khi có hứng. Mà hứng thì không biết sẽ dành cho
ai, có thể là con voi trong sở thú!”.
Vì lẽ đó, nhạc của ông mang hơi thở thời đại, nhưng đậm chất
dân tộc; mang một chút ngông nghệ sĩ, chút lãng du, nhưng không bừa bãi, cẩu thả
mà vô cùng độc đáo và đầy tính nhân văn. Nghe “Mưa bay tháp cổ”, ta thấy rõ điều
này.
Nhạc của ông mang hơi thở thời đại, nhưng đậm chất dân tộc;
mang một chút ngông nghệ sĩ, chút lãng du, nhưng không bừa bãi, cẩu thả mà vô cùng
độc đáo và đầy tính nhân văn.
Chỉ là chút cảm nhận về cội nguồn, về văn hóa, qua một lần trông
thấy hình ảnh những ngọn tháp xen lẫn những ngôi mộ cổ chìm trong mưa, ông viết
không để dự thi “Bài hát Việt” mà chỉ để những cảm nhận bay lên thành giai điệu,
để thể hiện chút tình yêu với những giá trị lịch sử quê hương. Khi bài hát cất
lên lần đầu, dòng cảm xúc người nghe lập tức được dẫn dắt, từ chỗ ngạc nhiên,
chưa hiểu, đến chìm dần, sâu lắng… Lắng nghe bài hát, ta thấy ca từ được tuôn
ra rất tự nhiên, đôi chỗ không liền mạch, dường như là “nghĩ đến đâu hát đến đấy”.
Giai điệu mộc mạc, đầy chất dân gian nhưng vô cùng độc đáo. Quen mà lạ, lạ nhưng
vẫn là chất Việt, tâm hồn Việt. Thoạt nghe ta thấy chất huyền bí, sử thi, nhưng
ẩn chứa trong mỗi câu từ là lời ca ngợi, tôn vinh nét đẹp vĩnh hằng của văn hóa
dân tộc. Sự lặp lại của ca từ và giai điệu nói lên nét dung dị, giản đơn mà bền
bỉ như chính những giá trị văn hóa mà ca từ đó, giai điệu đó miêu tả. Độc đáo là
ở chỗ ca từ quyện vào trong giai điệu, tạo nên chất của ca khúc, nhưng đồng thời
cũng là bức tranh tái hiện lại cái chất của đề tài - điều muốn lột tả.
Đó cũng chính là tính nhân văn của “Mưa bay tháp cổ”. “Ca từ mang lời kinh (Koran, Vệ đà, Kinh Thánh…) về các vị thần, về trời đất, Phật, âm dương… trong cõi hư vô. Những kiếp người đi qua cõi đời mộng du, đi qua trái đất này. Tôi cảm ơn trời Phật, những đấng tạo hóa, cảm ơn cha mẹ đã sinh ra tôi và cảm ơn tất cả mọi người đã yêu mến tôi cho tôi nguồn vui sống với đời.”
Đó cũng chính là tính nhân văn của “Mưa bay tháp cổ”. “Ca từ mang lời kinh (Koran, Vệ đà, Kinh Thánh…) về các vị thần, về trời đất, Phật, âm dương… trong cõi hư vô. Những kiếp người đi qua cõi đời mộng du, đi qua trái đất này. Tôi cảm ơn trời Phật, những đấng tạo hóa, cảm ơn cha mẹ đã sinh ra tôi và cảm ơn tất cả mọi người đã yêu mến tôi cho tôi nguồn vui sống với đời.”
Sự trong trẻo, dung dị của âm nhạc Trần Tiến là xuất phát từ
sự chân thực trong cảm xúc và sự am hiểu sắc thái âm nhạc dân tộc. Trong trẻo ở
giai điệu tươi mát, trẻ trung. Dung dị ở ca từ, chất liệu âm nhạc. Nghe “Bình
nguyên xa vắng”, ca khúc xuất hiện trong album “Đối thoại” của Hà Trần năm 2006
ta cảm nhận bức tranh bình nguyên xanh sống động, mượt mà. Đó chính là chất thực
và bình dị mà độc đáo của cõi âm nhạc Trần Tiến. Giai điệu không chút gò bó,
nhiều tiết nhịp được lặp đi lặp lại, là thể hiện chân thực nguồn cảm xúc đang
chảy, chứ không phải là “nặn” ra, vẽ nên, hay cố gắng hoàn thành. “Gió núi
hoang vu về, nước suối mênh mang tràn, hoa Quỳ trong nắng vàng. Lãng đãng sương
giăng hồn, mái tóc hương đêm buồn. Quê nhà tôi thương nhớ…”. Vẫn với phong thái
tự nhiên, nhẹ nhàng, ca từ tuôn ra như dòng suối nơi bình nguyên xanh trong ký ức
tác giả; giai điệu êm ái, văng vẳng dịu dàng như vọng về từ sâu thẳm một miền ký ức nào đó, ngọt ngào, đẹp đẽ mà tha thiết xa vắng. Một lần nữa, ta bắt gặp sự hòa
quyện, trộn lẫn giữa ca từ và giai điệu để vút lên những suy tư chân thực, sâu
lắng.
Ở ông, giai điệu không chút gò bó, nhiều tiết nhịp được lặp đi
lặp lại, là thể hiện chân thực nguồn cảm xúc đang chảy, chứ không phải là “nặn”
ra, vẽ nên, hay cố gắng hoàn thành.
Âm nhạc Trần Tiến dung dị, giản đơn không bởi vì ông thích sáng
tác nên những ca khúc đơn giản, mà xuất phát chính từ quan niệm sống của chính
tác giả, “âm nhạc là cuộc sống”, mà “sống là để yêu thương!”. “Giấc mơ Chapi” là
một giấc mơ bình dị giữa đời thường nhưng mấy ai thực hiện được.
“Ở nơi ấy tôi đã thấy trên ngọn núi cao
Có hai người, chỉ có hai người yêu nhau
Họ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưa
Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau…”
Có hai người, chỉ có hai người yêu nhau
Họ đã sống không mùa đông không mùa nắng mưa
Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau…”
Chìm vào giai điệu tha thiết của “Giấc mơ Chapi” người ta mới
thấy hết được cái chân thật, giản dị và trong sáng đến tuyệt vời của tình yêu.
Tình yêu ấy dường như chỉ có trong giấc mơ mang tên Chapi. Nghe “Giấc mơ Chapi”
mới thấy rõ chất lãng du, tình thương yêu cuộc sống của tác giả. “… Ai yêu tự
do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi…”, mộng nhưng cũng rất thực “… tôi
nghe Chapi chợt thấy nao lòng, vì một giấc mơ…”
Giai điệu bài hát trong sáng, khoáng đạt nhưng cũng dìu dặt
như gió núi cao nguyên. Chính sự trong trẻo của âm hưởng núi rừng; ca từ giản đơn
mà đầy tính triết lý, nhân văn sâu sắc về tình người, về khát vọng, mơ ước một
cuộc sống đẹp đã tạo nên sự hài hòa, cái hay của ca khúc, chứ không phải hiệu
quả phối khí. Bởi chỉ bằng sự giản dị của tiếng đệm ghita mộc là đủ tôn vinh cảm
xúc “Giấc mơ Chapi”. Với Trần Tiến, độc đáo không phải là cầu kỳ, trau chuốt, bóng
bẩy, hay độc đáo là tách biệt với đời, với người. Mà cái độc đáo làm nên màu sắc
âm nhạc của riêng ông chính là sự giản đơn, gần gũi, thực… “Sơn càng mù mờ thì
tôi càng hiện thực. Sơn càng cô đơn, càng thân phận, thì tôi càng đám đông…”,
Trần Tiến tự so sánh với phong cách sáng tác của Trịnh Công Sơn.
Thực trong cảm xúc, thực bộc lộ qua ca từ, hát là nói bằng giọng
của riêng mình. Bắt kịp cái mới của thời đại, nhưng chưa bao giờ rời xa cái chất
của dân tộc. Điều này không chỉ thể hiện trong những giai điệu đậm chất quê hương
mà còn độc đáo, sâu sắc trong cách vận dụng ngôn từ. “Ca từ là 50% của ca khúc,
nhưng với tôi nó là 60 - 70% của ca khúc, nhất là với âm nhạc của thế giới hiện
nay thì nó chiếm rất cao bởi lượng thông tin. Và tính giai điệu ngày nay phải
nhường chỗ cho hòa âm, nhịp điệu, tiết tấu và lời ca. Vì vậy ca từ hiện đại cực
kỳ quan trọng.”
Với phong thái tự nhiên, nhẹ nhàng, ca từ tuôn ra như dòng suối
nơi bình nguyên xanh trong ký ức tác giả; giai điệu êm ái, văng vẳng dịu dàng
như vọng về từ sâu thẳm một miền ký ức nào đó, ngọt ngào, đẹp đẽ mà tha thiết
xa vắng.
Cách vận dụng ngôn từ chính là một trong những yếu tố tạo nên
nét độc đáo của âm nhạc Trần Tiến. Nhạc của ông không hề có tính công thức cứng
ngắc, vì thế nó khác hẳn những đoạn nhạc tẻ nhạt thường thấy trong thể loại nhạc
pop đang được thịnh hành. Trái lại, chúng có tính cách kể chuyện hay đối thoại
thật mạnh mẽ. Ca từ được dùng trong những ca khúc của ông cứ bật ra, nhẹ nhàng
tựa như văn nói, văn trò chuyện, không trau chuốt mà đầy tính triết lý nhân
sinh. Mà ông kể chuyện thật, những câu chuyện trầm mặc mang hơi thở của cuộc đời,
tả thực những con đường, những phố, những vùng miền đã từng in dấu chân nhạc sĩ.
“… 30 năm du ca một lần trở về thăm phố cũ, tôi thấy mình tạm dừng bước lãng du,
dẫu đã muộn cũng ghi lại đôi nét ký họa về những con đường đã đi qua, những người
đã gặp, đã đi chung cuộc hành trình qua cõi đời ngắn ngủi này. Đó là lời tạ lỗi
của tôi với những gì cuộc đời đã cho. Đó là bức thông điệp của người con gửi lại
quê nhà, của người em gửi vạn kiếp phôi pha, của người bạn đời thủy chung son sắt…”
(Lời bạt của Trần Tiến trong album “Tự họa”).
… Chuyện một phố núi nghèo êm ả mà đầy những mảng hình ảnh chân
thực về một góc cuộc đời. “… Thung lũng buồn, trong mờ sương, nhà tôi chênh vênh
trên đèo mây. Phố núi nghèo, như bàn tay. Nhà bên kia vẫy nhà bên này…” Những câu
chữ nhịp nhàng như thơ, giai điệu êm ả mà chất chứa nỗi buồn mênh mang tha thiết,
nhưng không để nhìn thấy sự bi ai, sầu khổ mà cùng với sự đều đặn của ca từ, tính
nhịp nhàng của giai điệu tác giả phác họa một “Phố núi” với nỗi buồn trôi đi,
hiền hòa song hành với những cuộc đời nơi đó. Buồn mà không thống thiết, sầu thảm,
buồn mà không mất đi niềm vui sống, buồn chỉ như một điều ngẫu nhiên trong đời,
day dứt, man mác, mà để lại nhiều vương vất, xót xa… Nỗi buồn đó đã xuất hiện
trong “Chị tôi”, cũng với giai điệu nhịp nhàng, đều dặn, trôi đi với ca từ xâu
chuỗi thành một câu chuyện dài cả đời người. Không buồn ở giai điệu, ca từ… mà
nỗi buồn nhân lên dần ở cái cách lặp đi lặp lại một đoạn nhạc, với mỗi lần lặp
lại là một trang đời được lật sang, nhẹ nhàng mà đau đáu suy tư… Ở “Chị tôi”,
không cần kỹ thuật của ca sĩ, không cần bản phối độc đáo, không cần ngôn từ sâu,
rộng, triết lý để phải suy ngẫm, tất cả chỉ là sự lặp lại giản đơn một giai điệu
với từ ngữ nhẹ nhàng, mà chứa đầy cảm xúc thực là đủ sâu lắng cho toàn bộ tác
phẩm. Ngôn từ Trần Tiến còn sống động ở cách lột tả thực, đậm nét một chân
dung, dù không sử dụng một từ ngữ nào bóng bẩy. “… thung lũng buồn, bên nhà
rông. Người thiếu nữ vú cao môi hồng, tà váy rộng gió thổi tung, bắp chân trần
như chớp đêm giông…” (Phố núi).
… Và chuyện về một đêm chơi vơi, nhạc sĩ tự họa bằng cây đàn
ghita và những miền ký ức xa xôi, chắp vá, với những mảng màu rời rạc… “… Một màu
xanh xanh, chấm thêm vàng vàng. Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang vu.
Một màu nâu nâu, một màu tím tím, màu nâu tím mắt em tôi ôi đẹp dịu dàng…” Nếu
như ở “Bình nguyên xa vắng”, “Ngẫu hứng phố”, “phố núi”… ca từ và giai điệu tuôn
ra nhẹ nhàng như câu chuyện kể thì ở “Sắc màu”, câu chuyện thậm chí không có lời
dẫn, không có nội dung tròn trịa; Đơn giản là những tự sự, những suy tư trầm mặc…
tưởng như chỉ là tái hiện của những mảng ký ức không tên gọi, nhưng rồi ở cuối
câu chuyện, như một lời kết, lời lý giải cho tất cả những tùy hứng bên trên, là
một câu hỏi không lời đáp về chính mình, một cái giật mình đầy trắc ẩn. “Một đêm
nhớ, nhớ… nhớ ra: mình một mình! Một đêm nhớ, nhớ ra… mình đã ở đâu đây? Một đêm
trong đêm thâu! Làm sao vẽ bóng tối? Làm sao vẽ cánh hoa đêm… không màu?” Nếu
như có đứa con tinh thần nào của Trần Tiến gói gọn đầy đủ nét nhạc của ông: sự
ngẫu hứng từ đời thực, đưa dòng giai điệu ngân lên từ những câu chữ rất đỗi đời
thường; sự giản đơn làm nên độc đáo; câu chữ giản dị mà đầy trắc ẩn… thì, đó chính
là “Sắc màu”.
Rồi chuyện ngẫu hứng một lần về thăm con phố Hà Nội xưa. Chuyện
ngẫu hứng, nên giai điệu như buông lơi, ca từ như lời kể, nhưng là kể về cả một
miền ký ức xa xôi, thiêng liêng. Giản dị thôi với bụi bặm đường phố, bia hơi vỉa
hè, với mùi ngô nướng xém, Hà Nội trở về gần gũi và bình thường, nhưng xa vời,
khó với…
“Hà nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất bạn bè thôi
Hà nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất tình người thôi…”
Hà nội cái gì cũng rẻ chỉ có đắt nhất tình người thôi…”
Lời mở đầu “Ngẫu hứng phố” đã nghe như một trải nghiệm khá
chua xót, đầy trách móc Hà Nội. Nhưng, đó chỉ là ngẫu hứng qua một lần dạo phố
Hà Nội cùng một người bạn khá đồng cảm - Nguyễn Cường.
“… Hà Nội cái gì cũng buồn, buồn thương đến thế mùa thu ơi
Hà Nội cái gì cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hẻ
Hà Nội mùa mưa bạn bè tuổi thơ lội dòng sông phố nô đùa
Hà Nội mùa đông quán đê thơm nồng mùi ngô nướng xém.
Hà Nội là em vụng dại thầm kín một thời thiếu nữ
Hà Nội mẹ tôi vấn khăn nâu sòng, một đời áo cũ, thương con mắt đỏ chờ chồng
Hà Nội lúc nào cũng bụi, cả nhà ra ngắm hồ gươm xanh…”
Hà Nội cái gì cũng vui, rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hẻ
Hà Nội mùa mưa bạn bè tuổi thơ lội dòng sông phố nô đùa
Hà Nội mùa đông quán đê thơm nồng mùi ngô nướng xém.
Hà Nội là em vụng dại thầm kín một thời thiếu nữ
Hà Nội mẹ tôi vấn khăn nâu sòng, một đời áo cũ, thương con mắt đỏ chờ chồng
Hà Nội lúc nào cũng bụi, cả nhà ra ngắm hồ gươm xanh…”
Giản dị, đầy ngẫu hứng và đầy kỷ niệm!
“Hà Nội tiết trời giá lạnh chỉ cho êm ái bàn tay anh
Hà Nội có lần khóc thầm, chạy lên thang gác bóng mẹ còn đâu
Hà Nội có gì rất đau người ta yêu dấu đi không trở lại
Hà Nội Hồ Gươm bình rượu ngàn năm để lại bên phố nghiêng buồn
Hà Nội nghìn thu lối xưa xa ngựa đành lòng thương nhớ
Hà Nội đầu ô, một chiều đầu gió, một người không nỡ quay về
Hà Nội lòng tôi giấc mơ xa vời của người xa quê”.
Hà Nội có lần khóc thầm, chạy lên thang gác bóng mẹ còn đâu
Hà Nội có gì rất đau người ta yêu dấu đi không trở lại
Hà Nội Hồ Gươm bình rượu ngàn năm để lại bên phố nghiêng buồn
Hà Nội nghìn thu lối xưa xa ngựa đành lòng thương nhớ
Hà Nội đầu ô, một chiều đầu gió, một người không nỡ quay về
Hà Nội lòng tôi giấc mơ xa vời của người xa quê”.
Chân thực, đời thường, đơn giản… mà sâu sắc! Đó là âm nhạc Trần
Tiến, độc đáo bởi cách vận dụng ngôn từ, những điều ngẫu hứng từ đời thực trong
một phong cách giản dị, mộc mạc quê nhà. 16 câu nhạc là 16 câu thơ, 16 tiếng gọi “Hà
Nội!”. Cách vận dụng điệp từ trong âm nhạc Trần Tiến nghe sao gần gũi, không chút
cường điệu, mà dịu dàng, sâu thẳm, chân thực. Nghe “Sắc màu”, “đen trắng”, “ngẫu
hứng phố”… thấy những suy nghĩ chân thành như lời đối thoại của một câu chuyện
kể, ngẫu nhiên hóa câu hát cứ vút lên, ngân nga cùng tiếng đàn ghita gỗ lúc
trong trẻo, mộc mạc, lúc trầm buồn đầy tâm sự. Độc đáo ở chỗ ngẫu nhiên từ những
điều giản dị đấy, nhưng chưa bao giờ là lơi lỏng những suy tư, cẩu thả trong
nghệ thuật. Với Trần Tiến, cả đời đi học tiếng Việt vẫn còn chưa đủ để phục vụ
cho nghệ thuật “sống với âm nhạc” của ông. “Suốt đời đấy! Phải suốt đời đi học
tiếng Việt. Đi sang London ấy, đài BBC hỏi tôi có biết nói tiếng Anh không. Thì
tôi bảo thế ông mời tôi đến đây làm gì, mời tôi phỏng vấn hay là mời tôi nói tiếng
Anh. Tôi đang học tiếng Việt ông ạ. Họ tái mặt, và tay Trưởng ban Việt ngữ đài
BBC bị kỷ luật, mất chức luôn (!)”.
Hóm hỉnh, chân thật, mà tùy hứng, ngông như chính nét nhạc của
mình, nhạc sĩ trả lời báo giới không chút suy tính về việc vận dụng ngôn ngữ Việt
trong âm nhạc Trần Tiến.
Thay lời kết
Chất ngẫu hứng trong âm nhạc Trần Tiến như là một nét riêng độc
đáo, rất nhiều ca khúc có tựa đề bình thường như chính cái cách mà người nhạc sĩ
tài hoa này sáng tạo nghệ thuật: “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Ngẫu nhiên”, “Tùy hứng
lý ngựa ô”, “Tùy hứng lý qua cầu”, “Ngẫu hứng giao duyên”, “Ngẫu hứng phố”…
Rồi
những đứa con tinh thần để lại cho giới thưởng thức âm nhạc nhiều ấn tượng sâu
sắc với những suy tư, trắc ẩn như: “Sắc màu”, “Mưa bay tháp cổ”, “Dòng sông mùa
thu”, “Phố núi”, “Vòng tay cầu hôn”…
Nhưng với chất ngông Trần Tiến, ông vẫn “thú
nhận” đó cũng chỉ là những… “ngẫu hứng”! Chỉ là một chút ngẫu hứng, nhưng hình như
là chắt chiu, trải nghiệm của cả một đời người. “Ðể viết một bài hát mới tôi chỉ
cần 15 phút và… 50 năm kinh nghiệm”.
Nhạc sĩ tự họa bằng cây đàn ghita và những miền ký ức xa xôi,
chắp vá, với những mảng màu rời rạc…
Dù tuổi đời đã “lên lão làng” - gần 70 tuổi, nhưng nhạc Trần
Tiến vẫn bùng cháy. Khái niệm về thời gian dường như rất lu mờ với âm nhạc của
người nhạc sĩ tài hoa này. Ông vẫn là một nhạc sĩ có tài bám sát đời sống để sáng
tạo trên những đề tài tưởng như rất khô nhưng lại lôi cuốn, đầy chất thơ. Hình
tượng âm nhạc của ông sâu sắc, đẹp, tạo được hơi thở trực tiếp của đời sống. Nếu
ai đó xứng đáng mệnh danh là người có tài trong cách sử dụng ca từ thì phải là
Trần Tiến. Ông đi đâu viết đó và âm nhạc chính là cuộc đời bật lên thành giai điệu.
Kiểu lãng du của ông thực sự đầy ngẫu hứng. Tính ngẫu hứng nhưng rất… đời đó đã
làm nên sự cuốn hút, tạo ra một vùng đồng cảm với một lượng khán giả nhất định
trong giới thưởng thức âm nhạc hiện đại.
(P/S: KL hoàn thành bài viết cùng với sự tư vấn, hỗ trợ
của một người bạn thân khoa thanh nhạc - Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Đồng
Nai).
20.8.2018
HỒ VŨ KHÁNH LINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét