Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Xúc cảm đêm trăng

Xúc cảm đêm trăng
Trăng là món quà vô giá, thanh tao của Thượng Đế đã ban cho trái đất, vạn vật và con người... "Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi" (Tản Đà). Trăng là chứng nhân muôn đời cho những suy tư thầm kín, xúc cảm riêng tư, và mộng mơ tình tứ, thi vị của con người. Trăng có sức quyến rũ mãnh liệt, lạ thường, một gợi cảm vô cùng, xáo động nội tâm, là nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao tao nhân mặc khách, cho những vần thơ xao xuyến trữ tình của nhiều thi nhân. Trăng của đất trời sáng soi khắp nẻo đường thế gian, nhưng mỗi cảm xúc trăng mang một đặc trưng thầm lặng, khác biệt tùy theo suy tư và cảm thụ của từng cá nhân, của mỗi tâm hồn như thi sĩ Trần Tế Xương đã nhận định:
Ta lên ta hỏi ông trăng
Họa là ông có biết chăng sự đời?
Ông cao, ông ở trên trời
Mà ông soi khắp nước người, nước ta
Năm châu cũng một ông mà
Kể riêng thì lại mỗi nhà, mỗi ông

Hỏi Ông Trăng (Trần Tế Xương)
Một vầng trăng của Hàn Mạc Tử mang nhiều sắc thái, có những khi êm ái huyền hồ, lãng đãng mộng mơ "trăng nằm sóng soãi trên cành liễu", hoặc tha thiết tình tự "bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối", mang ước hẹn  mong manh và thao thức đợi chờ:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay? (HMT)
Có những khi ám ảnh một kiếp người nhỏ bé, cô đơn, bạc phận:
"Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên,
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm,
 

Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực" (HMT)
Hàn Mạc Tử đã sống với trăng, đã nhạy cảm và xúc động cùng trăng. Hình ảnh của vầng trăng muôn điệu, thấp thoáng ẩn hiện đâu đây để người thơ luôn khao khát:
Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát
Để nhờ không khí đẩy lên trăng
Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường trổi
Để hớp tinh anh của nguyệt cầu
Và để thoát ly ngoài thế giới
Để cười, để trững, để yêu nhau.
 (HMT)
Và có những lúc ngỡ như tuyệt vọng, người thơ đã muốn giang tay ôm trọn vầng trăng, muốn níu kéo vầng trăng làm điểm tựa cho cuộc sống, và vầng trăng lúc đó phảng phất một hình ảnh tâm linh mầu nhiệm, cao thượng và bao dung, có quyền uy làm xoa dịu bớt nỗi thống khổ, đớn đau dằn vặt trong tâm hồn người thơ:
Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm
Xin ban ơn bằng cách sáng thêm lên
Ánh thêm lên cho không gian rất đẫm
Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyên.

(Hàn Mạc Tử)
Vầng trăng của Nguyễn Du quyến rũ, đầy ước mơ cho những kẻ đang yêu, chứng nhân cho những lời thề non hẹn biển:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời 

Đinh ninh hai miệng một lời song song" (ND)
cho dẫu đôi tình nhân có phải đau lòng cách biệt chia xa, nhưng vầng trăng thủy chung vẫn còn đó, chia làm hai nửa, là hình bóng của nàng cô đơn ở lại phòng không gối chiếc, và của chàng đơn độc bước chân phiêu bạt giang hồ:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi, 

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường" (Nguyễn Du)
Vầng trăng của Lưu Trọng Lư cũng đầy lãng mạn tình tứ của một thuở nào mộng mơ, êm đềm vương vấn, là nhịp đập của trái tim yêu thổn thức muôn ngàn cung bậc:
Vầng trăng từ độ lên ngôi. 

Năm năm bền cũ em ngồi quay tơ (LTL)
Cái hình ảnh duyên dáng của một vầng trăng buông thả ánh sáng huyền ảo trên mái tóc mây của người yêu, khơi dậy sự rung động nhẹ nhàng của một trời thu ngan ngát hương tình. Dòng sông trăng lấp lánh ngàn tia mắt, sinh động, nồng nàn làm ngơ ngác tâm hồn thơ:

Vừng trăng lên mái tóc mây,
Một hồn thu tạnh, mơ say hương nồng.
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.

Trăng Lên (Lưu Trọng Lư)
Vầng trăng của Huy Cận là hình tượng êm ái của người Mẹ hiền, là ước mơ hiền dịu của trẻ thơ, sáng soi tình mẫu tử gắn bó, thân thiết và kề cận, là khúc hát ru con đậm đà, đầy cảm xúc bất ngờ và tự nhiên. Dòng sông trăng mênh mang, bát ngát, lung linh huyền diệu, ở trời cao vô tận, có phải là con suối trong xanh tươi mát, là dòng sữa ngọt ngào, chan chứa tình mẹ bao la, nuôi con khôn lớn từng ngày...
Mẹ ơi, cho con mặt trăng!
Bé nhìn mặt mẹ, tay dang hái trời
Hoa trăng nở sáng ngời ngời
Trăng theo bóng mẹ, trăng ngồi bên con.
Mẹ là trăng, con bá cổ hôn,
Con là trăng nở, mẹ ôm vào lòng.
Mẹ đùa con dưới trăng trong
Trăng cao con với, mẹ bồng lên cao
Bé đà hái được trăng nào
Mà nghe lòng mẹ rào rào cánh trăng

(Huy Cận)
Vầng trăng của Vũ Hoàng Chương rạo rực, khao khát, đắm say, ngây ngất chìm đắm lòng người. Mộng, thơ và tình quyến luyến gần gũi với vầng trăng lãng mạn tình tứ: "Mộng cũng như Thơ, hẳn có vần?. Hãy buộc lên Trăng thuyền mật ngọt  Đôi ta chèo tới bến Siêu chân" (VHC)
Bài Thơ ta mở với trăng đầy
Khép lại bằng trăng khuyết ở đây.
Diểu diểu nhất phương hề vọng mỹ...
Sao mờ chênh chếch bóng đêm vây.
 (VHC)
Vầng trăng của Đinh Hùng, đậm đà, sinh động, như xa mà gần, như gần mà xa, em đến thì "vầng trăng bỗng tỏa hương", em đi thì vầng trăng cô đơn lặng lẽ u buồn "Trăng bỗng u huyền, nắng cô sơ" (Đ.H), trăng và người như có mối giao tình bâng quơ mà mật thiết:
Em đến vầng trăng bỗng toả hương,
Quen nhau, ngờ truyện rất hoang đường.
Trang thư xoã tóc cười e lệ,
 

Nét chữ thu gầy vóc ngậm sương. (ĐH)
Vầng trăng của Xuân Diệu chơi vơi hoài tưởng, chập chờn huyền ảo, giữa trời đêm bao la, "Chớ đạp hồn em, trăng về viễn xứ, Đi khoan thai trên ngự đỉnh trời tròn (Xuân Diệu), hòa đồng trong tiếng đàn nguyệt với nỗi hoang vắng cô đơn của lòng người, ngân vang âm điệu của khúc tỳ bà một thuở Đường Thi…
Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người...

(Nguyệt Cầm - Xuân Diệu)
Vầng trăng của Nguyễn Bính ảo tượng chập chờn hư hư thật thật, hòa nhập với hình ảnh của người tình yêu dấu, "trăng, bóng, và em" tất cả là ba hình ảnh vẫn mãi tồn tại trong trái tim của người thơ, làm ta liên tưởng đến bài thơ Nguyệt Hạ Độc Chước của Lý Bạch "đối ảnh thành tam thân" (Trăng, ta và bóng rõ ràng thành ba):
Có trăng bóng lạnh vườn đào,
Có giàn nhạc ngựa lơi vào trong đêm.
Và trong lòng với trong tim,
Có lời em, có bóng em rõ ràng.
Thuyền trăng ai thả sang đoài,
Âm khuya mở nhẹ then cài cửa ra.
Trăng vào bóng nữa là ba,
Với em ở trái tim ta là nhiều...
 (NB)

Cái cảm xúc mong manh, mơ hồ, chập chờn hư ảo, lãng đãng mộng mơ, lâng lâng tình tứ, thấp thoáng trong vầng trăng của Nguyên Sa:
Hư ảo nào như hư ảo trăng
Em đàn cung nguyệt hát cung vân
Ta về đúng lúc đêm đang tới
Tìm thấy trong thơ chiếc nguyệt cầm...
Hư ảo nào như hư ảo trăng
Trời đưa ta tới chỗ em nằm
Em như huyền hoặc, đời như mộng
Ta ngả lưng làm một giấc trăng.

(Hư Ảo Trăng - Nguyên Sa)
Dưới đôi mắt lãng mạn của thi nhân, vầng trăng huyền ảo là một giai nhân kiều diễm, hiền dịu, mang một nếp sống ẩn mật, nhưng lại cảm thông, hòa hợp, gần gũi với suy tư, cảm xúc của con người trần tục trên thế gian. Có thi nhân đã tương tư trăng, nhìn trăng và hỏi trăng:
Sao em đẹp thế?
Duyên cớ chi Bác Mẹ đặt tên "Trăng"
Đẻ năm nào em vẫn trẻ măng
Được ca tụng trong những áng văn chương bất diệt
- Ham vui riêng cảnh tình thanh khiết
- Chẳng kết cùng ai sợi xích thằng?
Nhìn trần gian, mắt cứ dửng dưng
Chắc thế sự lố lăng em ghét lắm?
Nơi cung Quảng muôn hoa trên đồi gấm
Có khi nào sáng thắm tối tàn phai
Và dân cư thực sự có bao người
Nhân thế đoán: có hai, em với Cuội
Em sẽ sống thêm bao nhiêu tuổi?
Mà đêm đêm trăng gối lạnh giường mây
Thang dài vất quách xuống đây
Anh lên đàm đạo đêm ngày khuây khoa
Hữu tình ta sẽ gặp ta...

(Vấn Nguyệt - Thanh Phượng)
Quỳnh là loài hoa diễm lệ chỉ nở về đêm,  theo ánh trăng rờ rỡ trên cao. Đó là loài "hoa nở theo trăng" (Tế Hanh), khi hoa nở những cánh trắng tươi nõn nà mềm mại xòe ra, tỏa hương thơm dìu dịu như quyến rũ người xem vào cõi bát ngát tận cùng của hư không... rồi từ từ khép lại giữa những đài hoa phong kín, khi ánh trăng vừa tàn...
Trên hoa trăng sáng một vùng
Dưới trăng hoa nở bừng bừng nhụy bông
Hoa là trăng đậu cành cong
Trăng là hoa ngự trời trong ngời ngời.
Hoa trăng với lại hồn tôi
Phút giây hư thực đất trời trôi quạ
Đến khi thức dậy nhìn ra
Ánh trăng vừa tắc, sắc hoa vừa tàn

(Hoa Nở Theo Trăng - Tế Hanh)
Vầng trăng của Anh Thơ bộc bạch chân tình, dạt dào kỷ niệm, chất ngất hình ảnh quê hương, bình dị, tha thiết, chân thành và gần gũi:
Ngoài ruộng lúa, một vài con vạc trắng
Lướt ăn đêm thưa thớt tiếng kêu buồn.
Trong khi ấy mông mênh trăng sáng lặng
Lọc ánh vàng lạnh lẽo xuống đồng sương

(Đêm trăng đông - Anh Thơ)
Ngoài đồng vắng, lúa vàng xao xuyến gió
Lửa ma thiêng thấp thoáng rọi bên trời
Từng bóng trăng đi êm như hơi thở
Trong trăng mờ lũ lượt dắt nhau chơi.

(Đêm trăng mờ - Anh Thơ)
Vầng trăng của Du Tử Lê nồng nàn và đằm thắm, dấy lên giấc mộng cố hương mênh mang, sâu đậm tình người, tình bạn, tình quê tha thiết, sinh động và cảm xúc bồi hồi:
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây...
Nhớ nghĩa trang quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ sầu em bến nào?

(Đêm nhớ trăng Sài Gòn - Du Tử Lê)

Nhà thơ Trần Trung Đạo đã mượn hình ảnh vầng trăng sáng trong vành vạnh để làm biểu tượng cho một Lịch Sử kiêu hùng, bất khuất, để diễn tả khát vọng tình yêu quê hương dạt dào khôn nguôi, khi người thơ đã khẳng định: "Mẹ ơi, trăng còn có khi tròn, khi khuyết. Nhưng tình yêu quê hương chẳng khuyết bao giờ." (Thưa Mẹ Chúng Con Ði - Trần Trung Đạo)
"Ôi Lịch sử, một vầng trăng diễm tuyệt
Sáng trong anh nét đẹp của muôn đời"

(Về Thăm Lịch Sử - Trần Trung Đạo)
Từ độ vầng trăng tắt bóng trên đồi
Ta mang thơ đi vào đời máu chảy
Hờn vong quốc trong lòng ta lớn mãi
Vẫn ngày đêm mang nguyện ước đi tìm

(Thao Thức - Trần Trung Đạo)
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã hỏi trăng: "Năm canh lơ lửng chờ ai đó? Hay có tình riêng với nước non?" (HXH). Vầng trăng có phải là chứng nhân cho tình yêu quê hương, đất nước vô bờ. Ánh sáng của vầng trăng đã bừng lên những khát vọng, sẵn sàng và quyết tâm muốn bảo vệ sự sống còn của Tổ quốc, dân tộc. Tình cảm với quê hương đất nước đã trở thành cần thiết trong tâm hồn người dân tha thiết với vận mệnh của quốc gia. Có hình ảnh nào khí phách, hiên ngang, hào hùng bằng hình ảnh của một tráng sĩ mài gươm dưới trăng, cô đơn trước cái vô biên của trời đêm tịch mịch bao la, luôn ôm ấp hoài bão: "Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma - Đặng Dung" (Nợ nước chưa báo đền được, đầu đã bạc rồi. Bao phen vẫn mài gươm Long Tuyền dưới bóng trăng)
Luống tuổi mà sao việc vẫn đầy
Đất trời thu gọn một cơn say
Gặp thời kẻ tiện thành công dễ
Mất vận anh hùng nuốt hận cay
Phò chúa có lòng nghiêng vũ trụ
Dấy binh không lối rẽ trời mây
Chưa xong nợ nước đầu sương điểm
Bóng nguyệt mài gươm tiếc tháng ngày

(Cảm Hoài - Hải Đà phỏng dịch)
Nhà thơ Tuệ Sỹ của "Những Phương Trời Viễn Mộng" đã nói rằng "trong cõi thơ, trăng cũng kiêu hùng như gió ngàn bạt đỉnh. Từ đó, nhìn lại con trăng, như sợi lồng mày vắt ngang trên con mắt sầu mộng đăm chiêu; mảnh trăng non trơ vơ trên ngọn ngô đồng thưa lá: thơ là ẩn ngữ hay không là ẩn ngữ? Vừa ẩn ngữ vừa không là ẩn ngữ:" (Tuệ Sỹ)
Trời viễn mộng đọa đày đi mất thuở 

Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa mù khơi? (thơ TS)
Vén thanh sắc đổ mù khơi về đối diện
Cuộc ân tình lơi lả vội chia phôi
Trăng nằm xuống ruỗi dài hai bến hẹn
Một dòng sông vồn vã động chân trời 
(thơ TS)
Còn biết bao nhiêu vầng trăng trong mỗi tâm tư, cảm xúc của người thơ, kể sao cho hết, bộc lộ biết bao tình cảm, ước vọng trong rừng thơ bạt ngàn vô tận của rất nhiều thi nhân Việt Nam...
Nhưng vầng trăng viễn xứ luôn mang những nỗi thầm lặng u uất, khó phai nhòa trong tâm hồn người ly hương, có đi xa ngàn dặm vẫn quay về, để tự hỏi lòng: 
Em về mấy thế kỷ sau 

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy chăng (Bùi Giáng)
Nỗi buồn này man mác trong những dòng cổ thi từ ngàn năm trước. Bài thơ Tĩnh Dạ Tứ (Xúc Cảm Đêm Trăng) của Lý Bạch là một kiệt tác tuyệt vời trong thế giới Đường Thi trùng trùng điệp điệp… Hình thức cô đọng thâm thúy của bài thơ ngũ tuyệt 20 chữ này là một thử thách lớn lao mà thi nhân phải đương đầu vì "ngôn bất tận ý" (lời không nói hết được ý) và thi nhân phải dùng ngôn từ tương ứng như thế nào để có thể vừa miêu tả cảnh vật và diễn đạt một ấn tượng dạt dào, một cảm xúc lai láng. Lý Bạch là một người có tài, nhưng lại là người ít may mắn trên đường công danh sự nghiệp. Ông là người hay đi đây đó, làm thân lữ khách nơi quán trọ tha phương, xa nhà, xa quê, xa gia đình bạn bè… Và bài thơ "Tĩnh Dạ Tứ" đã diễn tả nỗi cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến, cái nỗi niềm tha phương nhớ nhà da diết, khi màn đêm hoang vắng đã buông phủ bốn bề, trong khung cảnh tịch liêu, cô đơn, của người viễn khách một mình một bóng canh thâu… nhìn qua khung cửa, xa xa, chập chờn mộng ảo, là vầng trăng tỏa ánh sáng lung linh huyền ảo... đã làm cho nhà thơ chạnh lòng thương nhớ quê hương. Bài thơ đã bộc lộ những xúc cảm sống động, dạt dào, rung lên những âm vang tha thiết của nhạc điệu trữ tình…

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Tĩnh Dạ Tứ (Lý Bạch)
1-
Đầu giường trăng tỏ rạng
Đất trắng ngỡ như sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương

2-
Giường khuya trăng chiếu bời bời
Sương rơi phủ đất ngỡ đời chiêm bao
Ngẩng đầu trăng sáng trên cao
Cúi đầu ngấn lệ nghẹn ngào.... cố hương

Xúc Cảm Đêm Trăng (Hải Đà)
Bức tranh thu đã được tô đẹp bằng một vầng trăng thu huyền ảo… Trăng soi lồng lộng trên sóng nước bập bềnh biến dòng sông thành một giải lụa vàng óng ả. Điểm đặc trưng quan trọng đối với vầng trăng trong thơ Lý Bạch là ánh trăng trong trắng, lung linh tỏa sáng, thêm màn đêm lạnh lẽo bao phủ không gian vô tận và con người nhỏ bé, khiến cảm xúc của con người sản sinh bộc phát ngẫu nhiên, mang những sắc thái tinh tế khó mà diễn tả. Trong một đêm trăng vắng vẻ nhà thơ Lý Bạch nằm trong thư phòng, bóng trăng khe khẽ len qua khung cửa sổ rọi sáng đầu giường, trong một không gian tịch mịch giữa đêm, hồn thơ đã nhập vào hồn trăng bay lâng lâng vào một cõi mộng ảo vô cùng… đã đi từ trạng thái mơ hồ đến tỉnh thức. Ánh trăng sáng vời vợi trên bầu trời cao kia, tỏa những tia sáng lặng lẽ, êm ái huyền diệu trên chiếc giường ngủ, rất gần gũi và thân thiết với nhà thơ làm sao, và đó cũng chính là vầng trăng mà Lý Bạch đã mải mê ngắm trên núi Nga My trong những ngày niên thiếu ở quê nhà. Những tia sáng của trăng chập chờn mờ ảo đã làm nhà thơ ngỡ ngàng như sương khói bao phủ đầu giường, nhìn trăng mà lòng buồn vời vợi, ngỗn ngang trăm mối tơ lòng… Sương và Trăng làm nỗi bật sự trống vắng vô tận, làm tăng thêm khung cảnh u uẩn đìu hiu của trời đêm cô liêu, đã đem lại những cảm giác mông lung hư hư thật thật… quanh quất đâu nay : sương là trăng, hay trăng là sương. Trong cái ngây ngất chếnh choáng của màn đêm mờ ảo, nhà thơ đã tài hoa hữu hình hóa cái huyền diệu của trăng và sương… Cái tĩnh lặng của không gian bàng bạc trong bài thơ đã tràn ngập cảm xúc, nội tâm và tư duy khó mà diễn tả. Hình ảnh màn sương "ngờ ngợ" phủ trắng nền đất trong trời đêm đã mở ra một khoảng không gian tịch liêu cô quạnh mông lung, làm gia tăng nỗi cô đơn của người thơ. Nhà thơ đã dùng những hình tượng dựng cảnh, nhưng thật ra là muốn ngụ tình, gửi gắm những tâm sự thầm kín của tác giả. "Đầu giường trăng tỏ rạng, Đất trắng ngỡ như sương"
Và từ những hình tượng mơ hồ gợi cảm, gợi sầu, gợi nhớ đó đã đem lại cho nhà thơ nỗi cô đơn thắm thiết, nỗi nhớ nhà dằng dặc khôn nguôi. Trăng ở trời cao vẫn nhìn xuống, người thơ khó mà đi vào giấc ngủ lãng quên... Nội tâm của người thơ bị xâu xé dằn vặt, càng thao thức, càng tê tái chua xót… Có nỗi buồn nào ray rứt da diết ngấm tận hồn bằng nỗi sầu nhớ cố hương, quê cha đất tổ: cái nỗi nhớ dai dẳng, mênh mang, thăm thẳm và loang rộng không bến bờ, làm xao động tâm hồn khôn nguôi... Cái ánh sáng của vầng trăng đã làm sáng hẳn lên cái hình bóng lung linh huyền ảo của một quá khứ, hoài niệm thương tiếc mãi mãi khó quên trong lòng người thơ, thiết tha, xao xuyến, bịn rịn, khắc khoải một cách lạ lùng. "Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, Cúi đầu nhớ cố hương"
Bài thơ "Tĩnh Dạ Tứ" của Lý Bạch đã vẽ lên một bức tranh thu sống động, có một âm hưởng tuyệt vời, trở thành một bài nhạc phủ (khúc hát mùa thu) trác tuyệt của Đường Thi... Không có trăng nào đẹp bằng trăng thu, chẳng có trăng nào nào sáng hơn trăng quê vầng trăng ở quê nhà bao giờ cũng lung linh sáng soi hơn trăng ở bất cứ nơi nào trên đất khách quê người…
Gió thu thổi nhẹ qua song
Phất phơ màn mỏng lụa hồng rung rinh
Ngẩng nhìn trăng sáng lung linh,
 

Xót thương nghìn dặm gửi tình quê xa (HĐ)
Bài thơ "Tĩnh Dạ Tứ" với một cấu trúc độc đáo, đã kết hợp được bốn điểm chính: Ý Tứ sâu đậm, Cảm Xúc tha thiết, Hình Ảnh sinh động, Nhạc Điệu trữ tình. Ngôn từ cô đọng, không mòn sáo, dễ hiểu, giản dị, tự nhiên mà lại rất hàm súc sống động và nhiều hình tượng gợi cảm, đó là những rung động kỳ lạ, huyền ảo từ trái tim bộc trực của nhà thơ, đó là tiếng nói tri âm chí tình chân thực, là tâm hồn thanh khiết nhạy cảm tinh tế của người thơ. Phải chăng đó là sự linh diệu thầm lặng của thơ, của ý tưởng ngẫu nhiên, nhưng lại có một hấp lực vô hình gây tác động mạnh mẽ, gợi lên những chuỗi liên tưởng phong phú trong tâm hồn người đọc khôn nguôi..."Ngẩng đầu trăng sáng trên cao, Cúi đầu ngấn lệ nghẹn ngào cố hương". Nhịp thơ chấm phá đã hình tượng hóa được nỗi ưu tư sầu não tê tái một cách cụ thể, đó là cái quằn quại khổ đau mang số phận của một kiếp người lang thang, giữa đất trời trôi nổi, và những giọt lệ ly hương đã tuôn trào lai láng thành mạch sầu thiên cổ vô tận, biết dạt trôi về đâu?
Mời nghe: Tĩnh Dạ Tứ
(Ý thơ Lý Bạch - Tĩnh Dạ Tứ, Vương Ngọc Long phóng tác, nhạc Mai Đức Vinh, ca sĩ Quang Minh)
Đêm thu lặng lẽ gió phiêu phiêu
Réo rắt bên song tiếng sáo diều
Cố quận xa xăm sầu lữ thứ
Một mình quán vắng cảnh đìu hiu
Lá đổ mây giăng luống thẫn thờ
Rừng phong trở giấc động hồn thơ
Vi vu nhạc gió bên đồi vắng
Khắc khoải năm canh mắt lệ mờ
Ngổn ngang trăm mối vấn vương lòng
Ngàn dặm quê xa bóng chập chùng
Xào xạc thu vàng nghe tiếng vọng
Thềm trăng đầy ắp lá ngô đồng
Thổn thức hồn quyên mộng tỉnh say
Sông xưa bến cũ nhớ từng ngày
Phơ phơ tóc bạc đời sương điểm
Thở vắn đêm dài ngấn lệ cay
Đầu giường vằng vặc ánh trăng soi
Cứ ngỡ sương rơi đất trắng ngời
Trăng chiếu trời cao mê mẩn ngắm
Cúi đầu... thương nhớ cố hương ơi!

(Thơ Vương Ngọc Long, nhạc Mai Đức Vinh)
Trăng là bạn tâm đầu ý hợp, là người tình tha thiết của thi nhân. Vầng trăng lung linh sáng soi ở trời cao, ánh trăng vằng vặc rọi những tia sáng nhảy múa trong không gian vũ trụ muôn trùng, phản chiếu lồng lộng dưới đáy gương của dòng sông muôn thuở. Vẫn vầng trăng ấy, trăng của tiền kiếp xa xăm và trăng của hiện tại nhân sinh, người nay đâu thấy vầng trăng xưa, nhưng trăng thời nay vẫn sáng soi người xưa cũ, cái vầng trăng vĩnh cửu đó đã nối liền quá khứ với hiện tại, tương lai và dĩ vãng, không còn cảm thấy khoảng cách không gian và thời gian, để mà người xưa và người nay vẫn thanh thản nhìn trăng, tâm sự cùng trăng, muợn trăng để gửi gắm tâm sự u uẫn của mình, trăng ở thật xa chót vót trên đỉnh ngọn trời cao, nhưng trăng cũng ở thật gần, thật tha thiết chân tình trong tâm hồn của người thơ:
Mưa sướt mướt xói mòn đêm ủ rũ
Lời hư không đồng vọng khúc bi trầm
Trăng cảm ứng từ trời cao bất tận
 

Cung bậc sầu tri ngộ với tao nhân (Hải Đà)
Vầng trăng viễn xứ của người xưa, ngàn năm trước là thế, cũng đồng cảm với vầng trăng ly hương của người nay, khi phải từ bỏ quê hương, lang bạt nơi góc bể chân trời, mang số phận tha phương. Trăng của vũ trụ, muôn đời cũng thế, không biến hóa trong tư tưởng tình cảm của con người... Những cảnh sắc "vô tình" của màn đêm huyền ảo với trăng, sương chập chùng, nhưng rất là "hữu tình" đã đem lại những cảm xúc nao nao xót dạ, đã đưa người thơ đi tìm lại những mảnh ký ức, hồi tưởng của cố quận, sông xưa, núi cũ, quê nhà. Người phương xa vẫn canh cánh nặng nợ tình quê. Vầng trăng sáng trên trời cao đã gieo trong hồn nghệ sĩ bao hoài niệm với quê hương, đã làm xao xuyến lòng người ly khách tha phương, khơi dậy lại tình yêu quê cha đất mẹ. Lặng lẽ nhìn vầng trăng giữa đêm viễn xứ nơi đất khách quê người, lặng thầm muốn nhắn gửi cùng trăng nỗi đau chung của những người ly xứ phải chia lìa quê hương, với những thao thức, khắc khoải, nuối tiếc hoài vọng dường như chưa muốn dứt: "nhiều đêm nằm ôm bóng trăng, lấp lánh trong đêm hư vô chập chùng, đàn tơ vọng khúc thở than, chất ngất dâng đầy niềm đau ly khách, nhiều đêm ngồi thao thức mơ, bóng dáng quê hương thân thương dịu hiền, giọng ca biệt ly xốn xang, ngày thơ xa rồi, cuộc đời gian nan..."


Mời nghe: Đêm Viễn Xứ
(Nhạc Huỳnh Công Trứ, lời thơ Vương Ngọc Long, ca sĩ Vũ Vân)
Đêm trăng buồn bỗng thương quê xa
Khung trời thơ luyến nhớ âm thầm
Sương lạnh giữa đồi thông vi vu
Nghe sầu dâng mảnh hồn thổn thức
Tình khúc ngân vang điệu buồn
Quạnh vắng không gian mịt mùng
Tiếng ca dao xa xăm vọng về
Ánh trăng mờ màn đêm âm u
Nghe điệu ru tê tái thẫn thờ
Ngỡ Mẹ về ngoài hiên sương rơi
Nghe hồn sao bàng hoàng ngơ ngác
Thầm nhớ quê xa bồi hồi
Người bỗng cô đơn lệ trào
Xót thương từng ngả đường ly hương
Nhiều đêm nằm ôm bóng trăng
Lấp lánh trong đêm hư vô chập chùng
Đàn tơ vọng khúc thở than
Chất ngất dâng đầy niềm đau ly khách
Nhiều đêm ngồi thao thức mơ
Bóng dáng quê hương thân thương dịu hiền…
Giọng ca biệt ly xốn xang
Ngày thơ xa rồi, cuộc đời gian nan
Đà Thành khung trời còn xanh không em?
Sao ở đây sương tuyết giăng đầy
Đà Thành sông Hàn đò ngang vui không?
Sao ở đây màn đêm hiu hắt
Còn bóng ai đang đợi chờ
Tình nhớ quê hương dạt dào
Xót xa cung đàn chỉ còn điệu ly tan...

(Lời thơ Vương Ngọc Long, nhạc Huỳnh Công Trứ)
Cái ánh sáng huyền diệu của vầng trăng lung linh tỏa, trong cái u buồn tịch mịch của màn đêm bao phủ, ở chốn rừng sâu thăm thẳm, lẫn tiếng mưa đêm thánh thót tha thiết u hoài, đã làm lay động nỗi nhớ nhà da diết khôn nguôi, làm trái tim trăn trở, dày vò, da diết vì nỗi nhớ quê xa đậm đà:
Ngôn ngữ câm khờ đêm bạc phận,
Như tiền máu lạnh xói tim đau,
Mưa rơi gầy guộc lời ru cũ
Sao đủ gây mê khoảnh khắc sầu?
Lặng lẽ trăng nằm trơ cổ mộ,
Đìu hiu huyệt lạnh xót xa đưa,
Tiếng chim tắt lịm sầu lưu lạc,
Hun hút phương nào cổ lũy xưa?"

(HĐ)
Dưới bóng trăng vàng vọt lan tỏa trên mái tranh, trên chiếc võng, giường tre, lẫn với âm thanh lúc đều đặn, lúc dồn dập, của những giọt mưa vô tình len lỏi, thấm tận vào xương tủy, tế bào, vào tâm hồn, dường như đồng cảm với người bạn tù ở nơi chốn âm u, với người lữ khách phương xa, đang khắc khoải chờ đợi một tia sáng chập chờn, một thứ ánh sáng diệu kỳ chấp chới, lóe lên niềm tin yêu, mòn mỏi hy vọng một ngày đoàn viên thổn thức lệ trào. Đêm trăng lất phất mưa rơi, bồi hồi cảm xúc, gợi dậy hình ảnh trầm uất của một "Mùa Trăng Ướt" (tập truyện của nhà văn Phan Thái Yên), chạnh lòng những kẻ tha hương, xao động những tâm hồn ly khách:
Mùa trăng ướt đẫm vai gầy
Hương sen châu thổ ngật ngầy châu thân
Cuối cùng cho một mùa xuân
Người lưu dân trở lại, thân phận buồn
Tự trầm tôi giữa cội nguồn
Một ngày nắng hiếm, biển tuôn sóng sầu ...

(Cảm đề "Mùa Trăng Ướt - truyện Phan Thái Yên")
Cái hoài niệm về quê cha đất cũ, nơi gia đình sum họp, về quá khứ thân thương êm đềm cứ chập chờn xôn xao ám ảnh, bồn chồn day dứt mãi trong tâm hồn thi nhân. Nỗi ngậm ngùi ảo não của người thơ đã hội nhập với cái không gian tĩnh lặng mênh mông của đất trời, nỗi buồn riêng mang của lòng mình hòa chung với cái sầu bát ngát của rừng núi trùng điệp thăm thẳm mênh mang..."Chim kêu chấn động đời thương tích, Gió lộng lung lay kiếp sống thừa, Trong thoáng hoang vu hồn tro bụi, Ray rứt u hoài những hạt mưa..." (HĐ)

Mời nghe: Tiếng Mưa Đêm
(Nhạc Lê Mạnh Trùy, lời Vương Ngọc Long, ca sĩ: Quang Minh)
Đêm mưa rơi trong rừng sâu
Nghe bơ vơ đời dở dang
Trời im vắng nghe tiếng quạ kêu, đêm đen bàng hoàng
Ngày về đợi mong xót xa
Lở làng đời cơn gió cuốn
Cánh chim đơn côi khuất chân trời, lặng yên bóng mây
Mưa rơi rơi trong hồn đau
Miên man âm thầm lẻ loi
Sầu theo gió đưa lá rụng bay,
xa xăm ngày về
Trời buồn lạnh tênh ánh trăng
Bóng đời tàn phai sắc lá
Vết thương đau chia cách bẽ bàng,
đìu hiu tiếng mưa
Lệ sương mỏng manh oan khiên phận kiếp
Mưa rơi đêm hú tiếng rừng vọng đưa
Bồi hồi thăm nhau tình nghĩa trung trinh
Xin cám ơn người, bàn tay êm ái
Mưa chơi vơi trên đồi cao
Đêm cô liêu hồn tả tơi
Lòng thao thức năm tháng đợi mong, mưa rơi bần thần
Ngày về lệ tuôn ướt vai
Khóc cười đoàn viên thổn thức
Tiếng mưa đêm xao xuyến ngỡ ngàng, như giấc mơ

(Lời thơ Vương Ngọc Long, nhạc Lê Mạnh Trùy)
Một khi đã xa quê hương làm thân ly xứ bất đắc đĩ, những hoài niệm về tuổi thơ, về căn nhà cũ, về quê làng xưa, vẫn như âm ỉ bùng cháy trong hồn, những nguồn cảm xúc man man đó như dòng sông quê dạt dào tuôn chảy, như được khơi dậy, tuôn trào, sưởi ấm bởi những tia sáng lung linh sáng rọi của vầng trăng trên trời cao, trong những đêm một mình chờ sáng, trăn trở, thổn thức theo "Tình khúc chia phôi ngân vang buồn, Mộng cố hương thao thức từng đêm..."

Mời nghe: Một Mình Đêm Trăng
(Nhạc Nguyễn Tuấn, lời Vương Ngọc Long, ca sĩ Hương Giang)
Một mình đêm trăng, đồi vắng tơ liễu buông thẩn thơ
Mộng ước chơi vơi nhớ làng quê
Lặng thầm cô đơn, nhìn bóng trăng soi nghiêng chân đồi
Lòng mãi xôn xao thiết tha chờ
Hồn viễn du đến khung trời xưa
Một mình đêm trăng, làn gió xao xuyến bao sầu vương
Màn khói sương đêm lững lờ buông
Dòng đời mênh mang, lạnh buốt tim côi trong đêm buồn
Vọng tiếng ru đêm mơ vỗ về
Lòng xốn xang chất ngất tình quê

Mãi nhớ quê nhà xa khuất mờ
Chất ngất đêm dài bao dấu yêu
Một mình nghẹn ngào nhớ
Bóng tre làng Mẹ quê
Thánh thót mưa bên thềm
Gíá buốt thương đau đời dở dang
Ngậm ngùi đêm nay, lòng xót xa khúc ca từ ly
Lặng ngắm trăng ngơ ngác trời mây
Bàng hoàng cô liêu thầm nhớ quê hương bao năm trời
Tình khúc chia phôi ngân vang buồn
Mộng cố hương thao thức từng đêm

(Lời Vương Ngọc Long, nhạc Nguyễn Tuấn)
Hình ảnh của vầng trăng ẩn hiện ở nơi chốn xa xăm, lãng đãng trong màn sương khói của nhớ thương, hoài niệm, mang lại những cảm xúc xao xuyến, bất ngờ, bộc bộ sự gắn bó của con người với thiên nhiên, với đất nước quê hương dù xa cách ngàn trùng. Vầng trăng không lặng lẽ lung linh tỏa sáng, mà hình như muốn an ủi, vỗ về, nói hộ thay cho những nỗi niềm tha thiết, đằng đẵng khôn nguôi. Trăng đang tròn sáng đó, rồi từ từ hao khuyết theo định luật luân hoàn của vũ trụ, nhưng trong trái tim yêu của kẻ xa quê, trăng tròn hay khuyết giữa trời đêm bao la vẫn mãi in hình bóng của quê hương chập chùng, xa lắc xa lơ. Hình ảnh đó thể hiện những khát khao đậm đà, chan hòa giữa những kỷ niệm ngọt ngào, với những cảm xúc thương đau, trăn trở, dằn vặt nội tâm của kiếp người tha hương "Nửa trời Tây trăng xanh gầy hao khuyết, Bóng chiều quê... da diết mãi một đời..."

Mời nghe: Nỗi Nhớ Chia Hai
(Nhạc Minh Thao, thơ Vương Ngọc Long, ca sĩ Khắc Dũng)
Thương nỗi nhớ đem chia làm hai nửa
Nửa chiều quê nghiêng bóng đợi xuân về
Nửa trời tây sương buông lòng buốt giá
Đêm tần ngần tiếng nhạc gió lê thê
Mây bay mãi xa chân trời mất hút
Nhớ làng quê đâu dễ tỏ nên lời
Nắng vàng hoa như thương mùa chưa tới
Vẽ vời chi khói Tết thả lưng trời
Ngày tháng cũ lăn vòng bao tuổi nhớ
Nhập nhòe trong ký ức nỗi bâng khuâng
Khều chút nữa cho lòng thêm ấm áp
Gió đâu về hoa gạo rụng đầy sân...
Ba mươi Tết trong tôi đầy nỗi nhớ
Cuối trời đông lất phất giọt mưa buồn
Nửa trời Tây trăng xanh gầy hao khuyết
Bóng chiều quê... da diết mãi một đời
Nửa chiều quê... là nỗi nhớ khôn nguôi

(Thơ Vương Ngọc Long, nhạc Minh Thao)
Cái vẻ đẹp của quê hương muôn vẻ muôn màu mà con người từ khi sinh ra và lớn lên, đã tương thông, đồng cảm, phải là những chất liệu cần thiết gợi cảm, nhen nhúm âm ỉ trong lòng, để bất chợt một ngày nào đó khi phải làm thân ly xứ, xa quê, trước những sôi động và biến đổi của thời cuộc, trước những thương đau hiện hữu, bỗng nhiên khát khao cháy bỏng, bật phát thành lời, như một cuộc phơi bày bản ngã, để nói lên được những điều sâu kín nhất, những hoài vọng, ước mơ, những trăn trở suy tư, những buồn đau day dứt ẩn chứa lặng lẽ, âm thầm trong tiềm thức bấy lâu, khi tạm dung ở nơi đất khách quê người. Giữa một đêm trăng lạnh, trống vắng, ánh sáng của vầng trăng lẻ loi giữa trời sương dằng dặc, đã trở thành hình ảnh mơ hồ, bồi hồi xúc đông, tạo nên những giai điệu xao xuyến não nuột, thấm sâu vào hồn tủy, nặng trĩu tâm tư, ngân rung mãi trái tim người: "Căn nhà ta tạm trú, Quạnh quẽ vầng trăng thơ, Ngậm ngùi đêm tĩnh mặc, Sông núi sầu bơ vơ"...

Mời nghe: Xin Người Chút Quê Hương
(Nhạc Phạm Anh Dũng, thơ Vương Ngọc Long, ca sĩ Bảo Yến)
Nhớ hôm nào bỏ xứ
Lặng lẽ chiều chia xa
Dạt trôi đời vô định
Bốn phương đâu là nhà?
Ta nhìn ta khánh tận
Hồn buồn như lá khô
Nhạt nhòa trang ký ức
Lệ vỡ trời hư vô
Căn nhà ta tạm trú
Quạnh quẽ vầng trăng thơ
Ngậm ngùi đêm tĩnh mặc
Sông núi sầu bơ vơ
Lời ru trong tiềm thức
Xa xăm mấy dặm ngàn
Dưới hiên nhà dĩ vãng
Lắt lay cánh mai vàng
Mùa xuân vừa chợt thức
Nhập cuộc đời tha phương
Ta lê chân hành khất
Xin người chút quê hương

(Thơ Vương Ngọc Long, nhạc Phạm Anh Dũng)
Qua bao trải nghiệm trên những chặng đường trong cuộc sống, khi nỗi niềm nhớ quê dâng cao dạt dào, và cảm thấy đôi khi cần biểu đạt những cảm xúc tình cảm, những suy nghĩ riêng tư, những nuối tiếc âm thầm, bấy lâu nay đã đè nén, như một yếu tố tâm lý của con người trong lẽ sống đời thường, trong cái phù du bào ảnh của cõi nhân sinh, và tự vấn thân phận con người:

Chợt một tối ánh trăng soi vằng vặc
Giữa trời cao lồng lộng đến vô cùng
Ngồi diện tâm bên dòng sông thủy nguyệt
 

Sắc thân mình có phải cái không không? (HĐ)
Trăng vẫn tỏa sáng lung linh, lấp lánh bàng bạc trên trời cao, cái "tôi" vẫn hiện hữu trên thế gian này, cuộc sống vẫn còn đó trên mảnh đất tạm dung, nhìn trăng, muốn gửi gắm tâm sự cùng trăng, muốn đưa tâm hồn hướng về Quê Huơng, nơi chôn rau cắt rún của Quê Cha Đất Mẹ, như muốn cùng trăng được chia sẻ, an ủi, vơi bớt những nỗi thống khổ long đong của thân phận làm người, làm thân ly xứ bất đắc dĩ... Quê hương là nơi chốn để nguồn mạch của kỷ niệm, của luyến nhớ yêu thương được khơi dẫn, để phát hiện và bộc lộ những buồn vui sâu thẳm của tâm hồn.
Nhìn vầng trăng quạnh quẽ giữa màn đêm bao la nơi đất khách quê người, mà muốn thể hiện và dàn trải tấm lòng khao khát thèm nhớ của một thời thơ ấu, tuổi trẻ hồn nhiên, của quá khứ vui buồn đã qua ... Đôi khi là những cảm xúc tuy chủ quan, nhưng cảm thấy tha thiết chân thành, cảm thông ân nghĩa, để bộc lộ tình cảm, giải thoát muộn phiền, và di dưỡng tâm hồn… Nhiều khi muốn tự hỏi vầng trăng viễn xứ sao cảm thấy lạnh lùng, không thơ mộng như vầng trăng quê xưa, sáng vời vợi, gần gũi và tha thiết. Tâm trạng nỗi nhớ quê hương xứ sở như còn lẩn quất đâu đó trong ánh trăng suông vàng vọt trước hiên nhà viễn xứ, để mà thầm tự hỏi lòng:
Một dấu hỏi hoài chưa chấm dứt
Xác xơ cuộc lữ kẻ lưu đày
Dáng đời chẻ khúc bao nhiêu nhánh
Có nhánh xuân nào biếc cỏ cây
Nghĩa núi tình sông đêm hải ngoại
Bao giờ lữ mộng hết cầm canh?
Bao giờ trăng nở quỳnh hương ngát
Gọi tuổi thơ về lướt thướt xanh...

Thao Thức Cầm Canh Đêm Lữ Mộng (Hải Đà)
Hải Đà - Vương Ngọc Long
Theo http://www.vuonghaida.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...