Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Cảnh chiều hè trong vườn thơ Nguyễn Trãi

Cảnh chiều hè 
trong vườn thơ Nguyễn Trãi
Những nhà thơ cổ điển đến với thiên nhiên để tìm trong nó sự đồng điệu của tâm hồn và gửi vào đó nỗi niềm tâm sự thầm kín. Cho nên giữa thiên nhiên và thi nhân vẫn có một khoảng cách nhất định, chứ không tan mình vào cảnh thiên nhiên như các nhà thơ thuộc dòng văn học lãng mạn sau này. 
Rỗi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp trương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tịn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
(Cảnh ngày hè - Bảo kính cảnh giới, bài số 43)
Đại thi hào Nguyễn Trãi cũng vậy, người không thể vượt qua được sự chi phối của lý tưởng thẩm mĩ phong kiến. Ông đến với cảnh thiên nhiên là để tìm mình và soi mình trong đó, từ cảnh sắc mà rút ra những suy ngẫm, những bài học về lẽ đời như:
Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn
Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi!
Bài thơ Cảnh ngày hè tuy không có lời răn dậy nào, nhưng vẫn là một Bảo kính, để cảnh giới, nhằm soi mình, trong lúc gặp hoạn nạn.
Bài thơ làm theo thể thất ngôn bát cú, luật Đường thi, nhưng câu phá đề đã bị phá cách, chuyển sang thể lục ngôn và buông ra như một tiếng thở dài, chứ không phải là niềm cảm hứng của người được thư thái ngắm cảnh: Rỗi hóng mát thuở ngày trường. Với người suốt đời canh cánh một nỗi lòng thương nước, lo đời, lẫn mình vào công việc, thì làm gì có chuyện nhàn rỗi. Cho nên từ rỗi, đặt ở đầu câu, bật lên như một sự bực bội của một đấng trượng phu, phải làm một việc bất đắc dĩ, không phù hợp với tình cảnh của đất nước đang bị những kẻ gian hùng thao túng. Phải chăng đây là lúc ông bị lũ gian thần ghen ghét, gièm pha nên bị vua Lê phụ bạc, phải lui về làm bạn với cỏ hoa ở rừng, suối côn sơn:
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
Ngày vắng xem hoa bợ cỏ cây.
Tuy nhiên, khi đến với thiên nhiên, tất cả nỗi đời cay đắng như được trút sạch, để chỉ còn là tâm hồn lâng lâng nhìn ngắm cỏ hoa:
Hòe lục đùn đùn tán rợp trương
Cũng như tùng, cúc, trúc, mai, hòe là loài cây tượng trưng cho sự quyền quý, cao sang, đầy khí tiết cứng cỏi, thường được trồng ở những nơi đài các. Tán hòe xanh vẫn xanh như thế, nhưng thi hào đã thổi hồn vào trong nó để cho người đọc như thấy được một cách cụ thể về sự nảy nở thầm lặng ở bên trong mà mắt thường không thể thấy được. Nếu như điệp từ đùn đùn, thể hiện tán cây đang bật nảy, dâng lên theo chiều cao, thì hình ảnh tán rợp trương, lại thể hiện sự lan tỏa của lá cành xanh ra mọi phía, theo chiều rộng không gian. Giữa cảnh tà dương vàng vọt mà tán hòe không bị nhuốm màu, lại cứ xanh tươi, tầm vóc cứ mạnh mẽ, cứng cỏi gợi cho ta liên tưởng đến khí tiết của người rỗi hóng mát trong lúc này. Cho cả đến bông lựu cũng thế:
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.
Phun thức đỏ, có nghĩa là màu sắc như đang bị dồn nén từ trong cành, trong nhánh, tràn vào cuống hoa và lan tỏa trên những cánh mỏng. Hoa đã đỏ lại càng thêm thắm tươi, như cùng với tán hòe kia, tạo nên nhịp sống rộn ràng của hoa lá, xua tan cái buồn vắng của chiều tàn. Đặc biệt là hình ảnh hoa lựu này, đã gợi ta liên tưởng đến hình ảnh hoa lựu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông
Lập lòe đâm bông và phun thức đỏ, thể hiện hai cái nhìn của hai tâm hồn lớn ở hai thời đại cách nhau hàng thế kỉ, nhưng không hiểu vì sao lại có sự gặp nhau đến kỳ lạ như vậy? Tuy nhiên, cũng có đôi chút xa khác trong nghệ thuật miêu tả sự vận động của mỗi bông hoa. Cái khác của hoa lựu trong thơ Nguyễn Trãi là màu đỏ, còn lại bao nhiêu từ trong cây lá cứ trào ra, để bùng lên, trong giây phút tiễn hè đi. Còn màu đỏ của hoa lựu mới chớm nở, trong thơ Nguyễn Du, cứ như ngọn lửa lập lòe, khi đậm, khi nhạt, như đang hòa nhịp với bước chan của mùa hè đang đến.
Thời gian nghệ thuật trong bài thơ Cảnh ngày hè là chiều tàn của mùa tàn. Mùa hè đang ra đi, chỉ để lại những cánh sen nhạt sắc phai hương:
Hồng liên trì đã tịn mùi hương
Không hiểu vì sao, câu thơ chỉ nói về mùi hương mà ta vẫn như thấy cả những hồ sen, chỉ còn lá héo vật vờ nhẹ lay trong gió chiều phơ phất. Chiều hè, không chỉ được cảm nhận bằng thị giác mà còn được lắng nghe bằng thính giác, với những âm thanh mơ hồ văng vẳng từ phía xa vọng về:
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Lao xao từ tả sắc thái âm thanh nhè nhẹ, gợn lên, như có như không, của cảnh chợ chiều tan. Cuộc sống của những người lao động vất vả, từ một làng chài quanh quất đâu đó, cho dù ở phía xa khuất nhưng vẫn không thôi ám ảnh tâm hồn một chí sĩ luôn luôn quan tâm đến nhân dân.
Lý ra, theo luật Đường thi, thì nội dung của cặp luận, phải là sự suy luận về cảnh thực đã được miêu tả, nhưng ở đây, tác giả lại tiếp tục tả về âm thanh, tạo nên vế đối ứng với sắc màu. Nếu như hai câu thực tả hoa, một ở trên cao, trên hiên tòa lầu, một ở mặt nước hồ sen, đều có sắc hồng, nhưng một đậm, một nhạt, thì hai câu luận lại tả âm thanh, một ở trên cao, phía tòa lầu, một ở trên mặt nước sông hồ nào đó, cũng một nhỏ nhẹ, một ngân nga vang vọng:
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Tòa lầu nhuộm bóng tà dương như chìm trong tiếng đàn ve lảnh lót. Bằng hình thức ẩn dụ, tác giả đã tái hiện được sắc thái âm thanh của tiếng ve cuối hạ. Âm thanh của thiên nhiên và cuộc sống dân dã như đang chan hòa, vỗ sóng vào thế giới tâm hồn yên tĩnh lắng nghe, để rồi khơi dậy những nỗi niềm sâu kín, trong cảnh hoàng hôn mênh mang vời vợi:
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đôi phương.
Mượn điển tích Ngu cầm, là cây đàn của vua Thuấn, đàn khúc “nam phong”, cho trời đất thuận hòa, dân giàu nước mạnh, Nguyễn Trãi đã nói lên khát vọng lớn lao của mình là muốn cho đời sống của nhân dân được ấm no, đất nước được cường thịnh. Đó là biểu hiện lòng thương dân, yêu nước thiết tha của một sĩ phu có trách nhiệm, cho dù đã bị bọn vua ngu tối, tôi hèn ruồng bỏ, phải về ẩn dật ở chốn non xanh, suối biếc, lấy suối làm đàn, lấy thông làm phách. Ông ở ẩn, nhưng không phải là ẩn sĩ, mà là lánh đục tìm trong, lòng vẫn hướng về non sông đất nước.
Tuy nhiên, qua ước vọng cháy bỏng này, ta thấy rõ tình cảnh của đại thi hào vào lúc ấy: Ông không còn quyền lực ở trong tay, cái dây đàn đầy sức mạnh thần thoại kia đã đứt, nên đành bất lực. Bất lực nhưng không chịu buông xuôi mà vẫn cứ thắp lên niềm hy vọng sáng ngời từ trong những câu thơ “Bảo kính”, cho muôn thế hệ sau soi mình vào trong đó, để tự thanh lọc thói hèn ngu, rồi nâng mình lên cho thanh cao, trong sạch.
Về hình thức nghệ thuât, bài thơ đang từ những câu thơ thất ngôn, bỗng đột ngột khép lại bằng câu lục ngôn, tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng:
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
Thanh bằng buông ra ở cuối câu, tạo nên giọng điệu ngân vang như muốn phá vỡ những khuôn khổ chật hẹp, để mở ra một cái gì xa khác.
Nhìn chung lại: Chỉ cần vài nét chấm phá đơn sơ mà nghệ sĩ tài hoa đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp bằng ngôn từ, có sắc màu của hoa đỏ, của lá xanh; có âm thanh của tự nhiên với âm thanh của cuộc sống dân dã… tất cả đã đều đẹp tươi và vượt lên trên nền của ánh hoàng hôn vàng vọt tàn úa như tâm hồn đại thi hào sáng tựa sao khuê vượt lên trên cái xã hội điêu tàn, đang đi vào đêm tối.
Hà Nội ngày 8/12/2018
Trần Thanh Xuân
Theo https://giaoducthoidai.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...