Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Hoa Đào, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng văn học

Hoa Đào, từ biểu tượng văn hóa 
đến biểu trưng văn học
1. Hoa đào, một biểu tượng xuyên văn hóa (cross - cultural symbol)
Hoa, tự ngàn xưa, luôn là biểu tượng của cái đẹp, của sự sống căng đầy nhựa khí. Mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc, mỗi con người đều “ký thác” ở mỗi loài hoa những ẩn ngữ văn hóa khác nhau. Vì lẽ đó, nó “mang vác” trong mình mỗi thứ ngôn ngữ không giống nhau. Cúc tượng trưng cho nếp sống khiêm tốn, điềm đạm; mẫu đơn là vua hoa, hoa phú quý, loài hoa thiên hương quốc sắc; hoa lan được mệnh danh là vương giả hương, thanh nhã, không phàm tục; thủy tiên với vẻ đẹp trang trọng, tượng trưng cho sự thanh khiết; trà my, hải đường mỗi loài một vẻ, kín đáo, mà ngạt ngào hương, nhẹ nhàng mà tròn đầy, phúc hậu; hoa hồng là nữ hoàng các loài hoa, cả hương lẫn sắc ngọt nồng vị tình yêu… Các loài hoa, mỗi khi tết đến xuân về, cứ đua nhau khoe sắc làm cho người yêu hoa, thưởng thức hoa phải nức lòng, bối rối. Và cũng đã có không ít tạo nhân mặc khách “nặng lòng xót liễu vì hoa”. Hoa xuất hiện trong mùa xuân tô điểm cho trời đất, cho cuộc đời và cho nỗi niềm hân hoan lòng người trọn kiếp nhân sinh. Nhưng có lẽ, trong thế giới hương hoa rực rỡ ấy, hoa mai, hoa đào mới thực sự là sứ giả của mùa xuân, là nhân chứng thời gian và ước vọng của con người khi mỗi độ xuân về.
Cây đào trong tự nhiên, với các tính chất sinh học của nó, là cây gỗ nhỡ, thuộc họ hoa hồng, cao khoảng 3 - 4 m, lá đơn mọc so le, phiến hẹp và dài, cuống ngắn, mép có răng cưa nhỏ, hoa màu hồng nhạt, mọc riêng lẻ có 4 cánh, cuống hoa ngắn, nhị hoa có khoảng 35 - 40 cái, quả hạch có rãnh dọc, ở mặt ngoài phủ nhung tơ. Nhân hạt, hoa, lá đào đều có tác dụng y học chữa một số bệnh cho người. Hoa đào tính bình, vị đắng, có tác dụng thông tiểu tiện, hoạt huyết và nhuận tràng. Hoa khô chỉ dùng được trong phạm vi một năm, nếu để lâu sẽ mất tác dụng chữa bệnh.
Đào có nhiều loại khác nhau. Đào bích là thứ đào phổ biến nhất, cành tròn, như cái ô đặt ngược, hoa thắm đỏ, rải đều trên khắp các cành chi, cành tăm, hoa chen nụ, nụ đỡ hoa như một tình yêu nồng nàn, chan chứa. Có thể cắm nó trong phòng khách sang trọng, phòng lễ tân, trên bàn nhỏ tiếp khách, cũng có thể cắm trên bàn thờ làm hương nếp thêm lung linh huyền ảo. Đào phai cũng là hoa kép nhiều tầng cánh như đào bích, nhưng hoa nhạt hơn. Ở ven đô Hà Nội, phía tây bắc Hồ Tây là làng Nhật Tân, nổi tiếng về nghề trồng đào bích và đào phai. Đào ta là loài đào ăn quả, hoa phớt hồng như đào phai nhưng hoa đơn năm cánh, cành mang vẻ tự nhiên, nhiều lộc non về sớm trước xuân báo hiệu nhiều tài lộc tới. Ở Sa Pa, đào ta là một trong những
loài hoa được nhiều du khách chọn. Đào bích và đào phai có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tương truyền, người Trung Hoa biết trồng đào ít nhất từ bốn ngàn năm. Đào từ Trung Quốc truyền vào Trung Á, vào Ba Tư. Và mãi đến thế kỷ XVII, cây đào mới được du nhập vào châu Mỹ.
Từ những đặc tính tự nhiên đó, hoa đào đã trở thành một biểu tượng xuyên văn hóa. Giá trị biểu tượng của hoa đào đã vượt biên giới lãnh thổ của một quốc gia, chuyển tài nhiều giá trị văn hóa khu vực và châu lục - những ẩn ngữ văn hóa Á Đông, tiêu biểu là ba nền văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Điều đáng phải nói thêm là, tuy cùng nền tảng văn hóa nói chung của các nước Đông Á nhưng người Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc có những rung cảm khác nhau về hoa đào và gán cho biểu tượng hoa đào những ẩn ngữ cũng không giống nhau.
Ở Nhật Bản, Lễ hội hoa anh đào (Hanami) là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống lâu đời. Hana là hoa - mi là xem, hanami nghĩa là xem hoa; cũng được hiểu là ngày hội xem hoa đào. Đặc tính của người Nhật thường tìm thấy sự đồng cảm và cảm hứng trong cái đẹp của thiên nhiên. Họ tìm thấy nơi hoa đào một tính cách rất phù hợp với tâm hồn và tinh thần của mỗi người. Nguồn gốc của lễ hội Hanami là dịp vui chơi của giới bình dân. Chính nông dân là người phát hiện ra cái đẹp của hoa anh đào đầu tiên. Mỗi năm trước khi vào vụ mùa, mọi người thường rủ nhau lên núi xem hoa, uống rượu, vui chơi. Người Nhật cho rằng hoa anh đào tượng trưng cho mùa xuân, rất giống với tính cách của người Nhật. Vì đặc điểm của hoa anh đào là rơi xuống vào mùa xuân mới đạt độ tươi đẹp nhất - nên được ví như tinh thần võ sĩ đạo, biết chết một cách cao đẹp. Mỗi người Nhật ai cũng đều thuộc lòng câu châm ngôn: Là hoa thì hãy là hoa đào; là người thì hãy là Samurai. Hoa anh đào còn là một nguồn cảm hứng bất tận với các nhà thơ Nhật Bản. Với những cánh hoa mỏng manh được hóa thân trong những vần thơ Hai - cư, bỗng chốc nó đã làm rung động biết bao tâm hồn người thưởng thức. Một cành đào đơn sơ/ Một buổi sáng đẹp trời/ Trang điểm một hồ sâu (Buson). Một cành hoa đơn sơ, một buổi sáng đẹp trời, một mặt nước trong vắt, là ba yếu tố hòa quyện cô đọng của cái đẹp thuần khiết. Hay chúng ta có thể tìm thấy được cái đẹp của niềm an lạc qua những vần thơ: Hoa đào đang rơi/ Tâm của người đàn ông/ Trở nên yên tĩnh lại (Koyuni). Khi nhìn vào hoa đào rơi, đó là biểu tượng sống động về sự vô thường trong cuộc sống thật bấp bênh và ngắn ngủi, để từ đó biết quý trọng những giây phút của hiện tại. Nhà thơ thiền Basho mà người Nhật gọi là: “Vị hành giả của cát bụi và ánh sáng” đã cúi đầu đảnh lễ hoa đào và còn tôn xưng hoa đào là Phật. Trước cành hoa đào/ Rộ đời hương sắc/ Nam mô hoa đào (Basho). Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật gọi hoa anh đào là quốc hoa, tức là loài hoa đại diện cho dân tộc của họ. Hơn nữa, nước Nhật còn được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào vì nó được trồng khắp mọi nơi trên dải đất Phù Tang, nhất là những vùng đồi núi hẻo lánh, nơi những ngôi chùa cổ kính tọa lạc. Mỗi độ xuân về, hoa nhuốm hồng cả một bầu trời, tạo cho chốn thiền môn một vẻ thanh tịnh, nhuốm màu đạo vị.
Ở Trung Quốc, nơi được xem là quê hương của hoa đào, chúng ta lại càng ngộ rõ hơn những ẩn ngữ văn hóa gắn liền với biểu tượng hoa đào. Người Trung Hoa xưa ví nhân tài như cây đào. Địch Nhân Kiệt làm tể tướng đời Đường, thu dụng được nhiều nhân tài nên có người bảo “cây đào, cây lý trong nước ở cả cửa tướng công”. Huyền thoại Trung Hoa có nói đến vườn đào của Tây Vương Mẫu ở thiên giới cứ 3000 năm ra quả một lần. Nơi đây, hoa nở quanh năm, trái đủ bốn mùa. Ai được ăn trái đào tiên này sẽ trường sinh bất tử. Ngoài việc gắn với đề tài lịch sử, như lời thề vườn đào trong “Tam quốc chí”, vườn đào còn được xem là khu vườn địa đàng, vườn của sự trường sinh, sự tới của hành trình thụ pháp. Người Trung Hoa còn dùng gỗ cây đào khắc thành những hình nhân treo trên cửa ra vào để tránh tà ma hoặc chế tạo ra những cây bút trong thuật bói toán, những cây bút bằng gỗ đào này khi chuyển động sẽ viết nên những tiên đoán về tương lai. Hơn nữa, ta cũng thường thấy trong những bức tranh hay tượng tam đa (hình ba ông Phúc - Lộc - Thọ), ông Thọ bao giờ trên tay cũng cầm trái đào; còn trong tranh Tết thì hình thằng bé mũm mĩm, giang tay ôm trái đào tiên khổng lồ vào lòng, là có ý chúc trường thọ. “Kinh thi” - một tập thơ dân gian cổ nhất do đức Khổng Tử san định ra đời khoảng giữa thế kỷ thứ sáu trước công nguyên - ở mục Chu Nam, thơ Đào Yêu cũng viết rằng: “Đào chi yêu yêu - Chước chước kỳ hoa - Chi tử vu quy - Nghi kỳ thất gia” (Tạm dịch: Nõn nà  đào tơ - Xinh xắn nở hoa - Nàng ta lấy chồng - Cửa nhà ấm êm). Ở đây, cây đào đẹp cho nụ hoa tươi thắm nên đã được ví với người thiếu nữ trẻ trung đến tuổi xuân thì trước khi kết hôn.
Trong văn hóa Việt Nam, biểu tượng hoa đào, cũng như cây đào, quả đào không bao hàm hết những ý nghĩa biểu tượng như Trung Quốc hay Nhật Bản nhưng nó trở nên gần gũi, giàu ý nghĩa thông qua sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa của các quốc gia này. Cũng giống như thú thưởng ngoạn hoa mai, chơi hoa đào cũng là một thú chơi thanh tao, lịch lãm của người Việt; vừa đơn giản dễ dàng, vừa cầu kỳ chọn lựa. Đơn giản vì lên chợ hoa chọn lấy một cành trong triệu cành là có hoa đào chơi Tết. Cầu kỳ là người chơi đào thế cần mẫn tìm hoa, chọn kiểu, thậm chí mất hàng tháng trời để có một cành đào thế, vừa đẹp về hoa về nụ, vừa có thể về dáng về gốc, vừa có ý nghĩa về cành về lộc… Tục lệ chơi hoa đào trong ngày Tết mang phong vị rất riêng của người xứ Bắc. Người ta chưng, chơi hoa đào không chỉ vì những cánh hoa đào có màu hồng mang sắc “hỷ tín”, mà còn do quan niệm tâm linh rằng hoa đào khi đem về trưng trong nhà có thể trừ được ma quỷ quấy phá. Niềm tin ấy bắt nguồn từ sự tích lưu truyền trong dân gian rằng: “thuở xưa, Ngọc Hoàng Thượng Đế sai hai vị Trà thần và Lũy thần xuống bảo vệ người trần, không cho quỷ dữ và yêu tinh quấy phá. Cuối năm, hai vị thần phải về trời tâu những việc đã làm được nơi dân gian. Vào dịp này người ta trưng một cành đào trong nhà để bọn quỷ tưởng những vị thần này vẫn đang hiện diện nên sợ không dám đến.
Có thể nói rằng, nếu hoa mai là một biểu tượng của mùa xuân và văn hóa Tết của người miền Trung và miền Nam thì hoa đào lại là biểu tượng của trời xuân xứ Bắc. Mai và đào đều là hai loài hoa tinh khiết, quý hiếm trong muôn loài, tượng trưng cho sức sống kỳ diệu của thế giới loài hoa giữa trời xuân, lại có hương thơm nhẹ nhàng thanh thoát, hợp với không khí đầm ấm gia đình hạnh phúc của người đang rạo rực vui xuân. Đào đỏ, mai vàng. Màu đỏ thắm tươi biểu tượng cho sự vui mừng; màu vàng tượng trưng cho sự vinh hiển cao sang. Hòa theo dòng chảy của thời gian và cuộc sống, sự kết hợp giữa thiên nhiên, con người và vạn vật, chen lẫn hương sắc của đào đỏ mai vàng, mỗi cành đào ngày xuân đã làm rực sáng lên một mảng màu văn hóa đặc trưng trong tâm hồn Việt.
2. “Hoa đào” và những giá trị biểu trưng trong thơ ca
Hoa đào, từ một biểu tượng xuyên văn hóa, đã trở thành một biểu trưng văn học tiêu biểu, mang nhiều hàm ý nhân văn sâu sắc. Là một phương tiện chuyển tải hình tượng văn học, hoa đào được xem là một “tín hiệu thẩm mỹ” (art - signal), “tín hiệu biểu trưng” (symbol) mang màu sắc Á Đông nhất trong thế giới biểu trưng của thơ ca. Mỗi nhà thơ thưởng lãm hoa đào theo những vẻ đẹp khác nhau. Một người một vẻ nhưng có thể nói “mười phân vẹn mười” vì đều hướng tới những giá trị gốc, mẫu gốc trong hệ biểu tượng xuyên văn hóa của đào hoa.
2.1- Hoa đào biểu trưng cho mùa xuân
Nhắc đến hoa đào là nhắc đến mùa xuân; giữa chúng gắn chặt lấy nhau, xoắn xuýt bên nhau như hình với bóng. Đó là lý do mà hầu hết các nhà thơ khi viết về hoa đào đều liên tưởng tới mùa xuân. Bởi lẽ, với tư cách là một biểu tượng văn hóa, hoa đào (cây đào, quả đào) được coi là dấu hiệu, là biểu tượng của mùa xuân. Trong thơ Nguyễn Trãi, hoa đào đồng nghĩa với mùa xuân, đồng nghĩa với vẻ đẹp kín đáo thanh cao: “Một đóa đào yêu khéo tốt tươi - Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười” (Đào hoa thi). Nguyễn Bỉnh Khiêm vịnh hoa đào cũng cho rằng đào là giống cây xuất xứ từ cõi tiên: “Tiên thụ thùy tương quán lý tài? - Hảo xuân nhất độ hảo hoa khai” (Cây tiên bên quán bởi ai trồng? Mỗi độ xuân về rực rỡ bông). Thi Phật Vương Duy cũng phải thốt lời bi cảm trong “Đào Nguyên Hành” về vẻ đẹp của đào tiên: “Xuân lai biến thị đào hoa thủy - Bất biện tiên nguyên hà xứ tầm”. (Xuân về tuôn nước đào hoa - Tìm nguồn tiên ấy biết là nơi đâu).
Cũng liên tưởng đến mùa xuân, nhưng mỗi nhà thơ đã khắc họa biểu tượng hoa đào với những ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Với Nguyễn BÍnh, nhìn cánh đào rơi trong ngày xuân lòng chạnh nhớ cố nhân: “Hôm nay còn xuân, mai còn xuân - Một cánh đào rơi nhớ cố nhân” (Xuân tha hương); Vũ Đình Liên thì khắc khoải với thời gian mỗi độ xuân về: “Mỗi năm hoa đào nở - Lại thấy ông đồ già - Bày mực tàu giấy đỏ - Bên phố đông người qua” (Ông đồ). Thi sĩ dân gian dù cho rất ít khi liên tưởng hoa đào với mùa xuân nhưng cũng có đôi lần vướng víu với nàng xuân: “Rằng đây thu cúc, xuân đào - Mơ xe mận lại gío chào trăng thu” (Ca dao)… Đó cũng là sự thể hiện trên các bức tranh tứ bình: “đào - sen - cúc - tùng” tượng trưng cho bốn mùa trong năm: “xuân - hạ - thu - đông”.
Như một sự kết nối nhân duyên, hoa đào, mùa xuân, ngày Tết và con người đã trở thành một mô típ đặc biệt, thể hiện mối quan hệ biện chứng của mạch nguồn cảm xúc; vẻ đẹp trường tồn của mối giao hòa giữa thiên nhiên, đất trời và lòng người (thiên - địa - nhân) trong văn hóa Á Đông.
2.2- Hoa đào biểu trưng cho người con gái, cho tình yêu và nhân duyên
Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, người thiếu nữ và hoa được xem như biểu tượng của vẻ đẹp thánh thiện, hoàn mỹ. Với biểu tượng hoa đào, khi liên tưởng tới người con gái, các nhà thơ đều tạo cho mình một cách khắc họa, sự cảm nhận tinh tế khác nhau về vẻ đẹp của loài hoa này. Trong vốn từ vựng của tiếng Việt, cách dùng các từ tố “đào” (trong nghĩa hoa đào) xuất hiện trong rất nhiều từ ngữ để chỉ về người con gái: số đào hoa, phận má đào, vườn đào, liễu yếu đào tơ… cũng thêm một bằng chứng về giá trị biểu trưng của hoa đào phong phú đến dường nào khi được dùng để chỉ người con gái, tình yêu và nhân duyên.
Một trong những điển tích nổi bật và sâu sắc nhất về hoa đào được dùng để chỉ vẻ đẹp của khuôn mặt người con gái (nhân diện), cho đến nay, có lẽ là giai thoại “Hoa đào Thôi Hộ”, một câu chuyện tình lãng mạn nhất trong văn chương thi phú Trung Hoa.
Truyện kể rằng Thôi Hộ là một danh sĩ đời Đường, nhân hội Đạp Thanh chàng đi ngao du sơn thủy, lạc bước đến “Đào Hoa Thôn”. Thôi Hộ ghé vào “Đào Hoa Trang” gõ cửa xin nước uống thì một thiếu nữ ra mở cổng, với cử chỉ rụt rè, nàng đưa cốc nước cho chàng. Nàng có sắc đẹp mặn mà “chim sa cá lặn” và khi thấy chàng thì vẻ mặt thẹn thùng e lệ, hai má đỏ hây như màu hoa đào. Chàng cũng ngượng ngập không kém, đưa tay đỡ lấy cốc nước uống hối hả rồi từ giã thẳng một mạch ra về. Năm sau, đến ngày hội Đạp Thanh chàng đi trẩy hội. Thôi Hộ vì mến người nhớ cảnh đã háo hức trở lại “Đào Hoa Trang” hi vọng tìm được cảnh cũ người xưa. Nhưng khi chàng tới nơi đây thì thấy cửa đóng then cài, người xưa vắng bóng chỉ thấy những cây đào vẫn rực rỡ trổ bông và như đang cười đùa trêu ngươi trước gió đông. Nhìn cảnh nhớ người, chàng đã phóng bút đề bài thơ tứ tuyệt trên cửa nhà nàng có tiêu đề: “Đề Đô Thành Nam Trang” như sau: “Khứ niên, kim nhật, thử môn trung - Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng - Nhân diện bất tri hà xứ khứ - Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (dịch nghĩa:  Năm ngoái, hôm nay, trước cổng này - Mặt người và hoa đào ánh lẫn nhau - Giờ đây, mặt người không biết đã đi đâu - Chỉ còn hoa đào còn cười gió Đông như cũ). Khi cha con người thục nữ đi vãn cảnh chùa nơi xa trở về thì trời đã chiều tà xế bóng, nàng chợt nhìn vào khung cửa thấy bài thơ thật tình tứ, nét chữ như phượng múa rồng bay, nàng đoán chắc là văn nhân ngày nào đã trở lại. Chàng tiếc nuối vì không gặp nàng nên thất vọng cất bước ra đi. Nàng chờ mong chàng trở lại nhưng tháng ngày cứ lặng lẽ trôi qua hết mùa hoa đào này đến mùa hoa đào khác, nở rồi tàn nối tiếp hoài mà người xưa đâu chẳng thấy nên sinh lòng ốm tương tư. Lão ông thấy con ngày không ăn đêm không ngủ, chạy thầy chạy thuốc, ai nói ở đâu có thầy giỏi thuốc hay cũng tới, nhưng bệnh con gái quý của ông chẳng  những không thuyên giảm mà càng ngày càng nguy kịch! Kịp lúc, Thôi Hộ đến thì nàng đang trong cơn hấp hối. Thấy chàng nàng chỉ kịp liếc nhìn qua một lần rồi nhắm nghiền mắt lại, trút hơi thở cuối cùng. Thôi Hộ cảm thương nàng nên đã quỳ gối xuống bên giường, áp mặt mình vào mặt nàng và khóc lóc thảm thiết. Nước mắt chàng vừa nhỏ xuống mặt nàng thì lạ thay người thiếu nữ từ từ mở mắt, nàng đã tỉnh lại sống trọn đời với chàng Thôi Hộ. Thiên tình sử “Hoa đào Thôi Hộ” truyền tụng mãi cho đến muôn đời sau.
Trong “Cung oán ngâm khúc”, do ảnh hưởng sâu đậm văn học Trung Hoa về màu sắc và hình ảnh của màu đào, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thường dùng hoa đào để tả nhan sắc của người phụ nữ, nhưng có phần nhỉnh hơn ở thuật dụng ngữ để ca ngợi sức quyến rũ phi thường của “hai má đào” người phụ nữ: “Áng đào kiểm đâm bông não chúng - Khoé thu ba dợn sóng khuynh thành - Bóng gương lấp ló trong mành - Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa (câu  15 - 18); Má đào không thuốc mà say - Nước kia muốn đổ, thành này muốn long (câu 167 - 168). Tác giả đã mượn màu sắc tươi thắm, nõn nường của hoa đào để diễn tả nhan sắc “chim sa, cá lặn” của những người đàn bà đẹp. Nhưng trong cuộc trần ai, tình yêu lắm lúc cũng là những uẩn khúc thương tâm, xót xa. Chuyện đời xưa nay, “má đào” thường “phận bạc”. Bởi vậy thi nhân đã hạ bút viết thêm những lời ai oán: “Mà xui phận bạc nằm trong má đào”.
Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du lại mượn hình ảnh cây đào làm bối cảnh cho cuộc tình của đôi tài tử giai nhân Kim Trọng - Thúy Kiều. Cây đào ở cuối vườn nhà Kiều, bên kia tường là hiên Lãm Thúy, Kim Trọng ngày ngày ghé mắt nhìn sang. Lần đầu tiên Kim thoáng nhìn thấy Kiều dưới tán cây đào: “Cách tường phải buổi êm trời - Dưới đào dường có bóng người thướt tha”. Kim Trọng đã với để lấy được chiếc kim thoa của nàng vướng trên một cành đào: “Lần theo tường gấm dạo quanh - Trên đào nhác thấy một cành kim thoa - Giơ tay với lấy về nhà…”. Nhờ đó, Kim Trọng đã được gặp lại Thúy Kiều. Và cũng một hôm, nhân dịp cha mẹ và hai em vắng nhà, Kiều làm hiệu gọi Kim bằng cách hắng giọng, lại cũng xảy ra ở bên gốc cây đào này: “Dưới hoa sẽ dặng tiếng vàng - Cách hoa đã thấy có chàng đứng trông”.
Thi hào Nguyễn Du rất tinh tế cho Kim Trọng lúc nào cũng quanh quẩn ở gần cây đào để chờ Kiều. Cây đào đã gắn liền với những kỷ niệm về mối tình đầu giữa Kim và Kiều. Sau nửa năm xa vắng vì phải về Liêu Dương thụ tang người chú, Kim Trọng trở lại vườn Thúy, chàng thấy mọi vật đều đã đổi thay, chỉ riêng có “cây đào năm xưa” vẫn tưng bừng nở hoa như ngày nào, như muốn trêu ghẹo nỗi cô đơn của chàng. Tâm trạng Kim Trọng lúc này chẳng khác nào Thôi Hộ khi trở lại “Đào Hoa Trang”, không được gặp người thiếu nữ đã cho chàng bát nước trong ngày hội xuân năm trước. Thế nên, Nguyễn Du đã mượn ý hai câu thơ cuối trong bài tứ tuyệt của Thôi Hộ để miêu tả cảnh ngộ và tâm trạng Kim Trọng: “Trước sau nào thấy bóng người - Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Hoa đào phất phơ trước gió xuân là hình tượng đẹp, lãng mạn gợi những xúc cảm về một khoảng trống vắng, về sự mất mát trong lòng, về một hình ảnh “má hồng” khó quên của người con gái đẹp năm nào, đưa tình cảm đi xa thêm tới một cung trời hoài vọng.
Quả thật, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhắc đến 44 loài hoa và cây khác nhau, nhưng riêng Hoa Đào lại được nhà thơ miêu tả nhiều nhất. Có đến 23 câu thơ có sự xuất hiện hoa đào như những tín hiệu chìa khóa trong bút pháp miêu tả thiên nhiên của thiên tài Nguyễn Du. Mỗi lần một vẻ khác nhau, nhưng tất cả đều tinh tế và giàu cảm xúc. Đó là hình ảnh “đào tiên”, “đào nguyên” lạc lối: “Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây” (câu 192); “Đào tiên đã bén tay phàm” (câu 833); đó có thể là “liễu yếu đào tơ”, “đào non’, “đào phai”, “buồng đào”, “má đào” như thân người con gái dặm đời xót xa: “Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non” (câu 1010); “Xót thay đào lý một cành” (câu 1741); “Đào non sớm liệu se tơ kịp thì” (3076); “Phải người sớm mận tối đào như ai” (3220); “Bấy lâu nghe tiếng má đào” (2181); “Buồng đào khuya sớm thảnh thơi” (1565)…
Nếu trong văn chương bác học, các nhà thơ thường liên tưởng tới cả cây đào, thân đào, hoa đào với những ý nghĩa biểu trưng khác nhau thì trong ca dao, các thi sĩ dân gian lại chủ yếu sử dụng thi liệu “hoa đào” để nói về người con gái, tình yêu lứa đôi và mối nhân duyên. Trong ca dao, hoa đào rất ít được dùng để nói về mùa xuân. Điều này có thể lý giải, trong quá trình giải mã mẫu gốc “hoa đào” từ biểu tượng văn hóa sang biểu trưng văn học, thi ca cổ điển vận dụng nhiều nét nghĩa biểu trưng gốc hơn trong ca dao. Chẳng hạn, từ biểu trưng văn hóa, hoa đào được liên tưởng đến mùa xuân như một nét nghĩa thường trực; còn với tư cách một tín hiệu biểu trưng trong ca dao, hoa đào được liên tưởng chủ yếu đến người con gái, tình yêu và nhân duyên, và chúng được xem là những nét nghĩa biểu trưng cơ bản nhất…
Theo khảo sát của chúng tôi, hoa đào và vườn đào là hai hình ảnh lặp lại thường xuyên và chiếm tỷ lệ cao trong các lời ca dao có đào xuất hiện. Hoa và thiếu nữ là đề tài quen thuộc của thơ ca tự cổ chí kim. Nhưng mỗi loài hoa, mỗi tác giả, mỗi thể loại lại liên tưởng đến vẻ đẹp khác nhau để nói về người thiếu nữ. Hoa đào, hầu hết được liên tưởng đến vẻ đẹp người thiếu nữ trong ca dao và chúng xuất hiện với nhiều biến thể: Đó có thể là búp hoa đào: “Đi ngang thấy búp hoa đào - Muốn vào mà bẻ sợ bờ rào lắm gai”; có thể là bông đào: “Bông đào choi chói nở ra - Giơ tay muốn hái sợ nhà có cây”; hay trái đào: “Ngắn tay với chẳng tới cao -  Tiếc ôi là tiếc trái đào chín cây”; mà cũng có thể là  cội cây đào: “Công anh gánh đất đắp cội cây đào - Công anh rào giậu để cho ai vào hái hoa”; hoặc đào non mơm mởn: “Thấy em mắt phương môi son - Mày ngài, da tuyết đào non trên cành”. Đặc biệt, hình ảnh hoa đào héo nhuỵ biểu trưng cho người con gái đã qua thời xuân sắc, nhưng không phải đã hết duyên: “Hoa đào héo nhuỵ anh thương - Anh mong bẻ lá che sương cho đào”. Tuổi xuân của người con gái thường được liên tưởng đến một đời hoa. “Hoa tàn nhụy rữa” cũng là lúc em phai dần tuổi xuân thì: “Thân thiếp như cánh hoa đào - Đang tươi đang tốt thiếp trao cho chàng - Bây giờ nhụy rữa hoa tàn - Vườn xuân nó kém sao chàng lại chê”… Rõ ràng, sự khắc họa vẻ đẹp người con gái trong ca dao qua con mắt của nghệ sĩ dân gian đã trở nên tinh tế và đầy biểu cảm, phản ánh từng khoảnh khắc sâu thẳm của mỗi người thiếu nữ. Vẻ đẹp của đào non, đào tơ, búp đào óng ánh như chính vẻ đẹp tự nhiên mà căng đầy nhựa sống của cô thiếu nữ; cũng vậy, trái đào chín như má người thiếu nữ đỏ hây hây, gợi nhiều nét hồn nhiên, quyến rũ lòng người.
Nét nghĩa biểu trưng cho vẻ đẹp người thiếu nữ của hoa đào thường được khắc họa trong trường liên tưởng: người con gái - tình yêu lứa đôi - nhân duyên. Đó cũng là sợi dây ràng buộc mạch cảm xúc của người nghệ sĩ. Khi liên tưởng đến tình yêu, đặc biệt là tình yêu lứa dôi, hình ảnh “vườn đào” chiếm một ý nghĩa thường trực trong ca dao. Cũng giống như “vườn hồng”, “vườn đào” trong ca dao cũng chính là vườn yêu, vườn tương tư, chốn ‘lầu hoa’ ong bướm vui đùa: “Bướm vàng, bướm trắng, bướm xanh - Bay qua lượn lại quấn quanh vườn đào - Bướm lớn bướm nhỏ lao xao - Tung tăng vườn đào hút nhụy đưa hoa”… Trong vườn tình ái ấy vườn đào trở thành không gian tỏ tình lý tưởng nhất cho các chàng trai cô gái đến độ tuổi xuân thì. Hình ảnh bắt gặp thường xuyên, lặp lại nhiều lần trong thế giới ca dao, đó là sự sóng đôi, xoắn xuýt bên nhau của các biểu tượng: đào - mận, đào - liễu, đào - lý…
Chúng được xem là những tín hiệu sóng đôi có sức sản sinh nhiều nét nghĩa biểu trưng phong phú về sự cân xứng tuyệt mỹ trong tình yêu lứa đôi. Sự sóng đôi “mận - đào” trong ca dao là một trong những biểu tượng kép nổi bật, luôn đưa người đọc đến những cuộc tình ngọt ngào, thú vị: “Bây giờ mận mới hỏi đào - Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”; “Vì đào nên mận chẳng quên - Vì đào nên mận ngậm phiền nhớ mong - Vì đào nên mận long đong - Xin đào chớ ở ra lòng Bắc Nam”… Sự tỏ tình của “mận - đào” luôn diễn ra trong những khu vườn: vườn hồng, vườn xuân, vườn đào. Đó cũng là những nét đặc trưng, những mô típ quen thuộc mang tính biểu trưng trong ca dao. Khuynh hướng biểu trưng cho sự cân xứng tuyệt mỹ của tình yêu, ngoài biểu tượng sóng đôi “mận - đào”, ta còn bắt gặp sự sóng sánh bên nhau của “liễu - đào” ấm áp nên duyên: “Bướm xa hoa, bướm khô hoa tẻ - Liễu xa đào, liễn ngần đào ngây - Đôi ta tình nặng nghĩa dày - Dù xa nhau đi nữa cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”. Nếu sự xoắn xuýt bên nhau giữa đào và mận luôn gợi lên một tình yêu đoàn tụ, ấm áp, gắn bó bên nhau thì sự kết hợp “lựu - đào” lại hướng đến biểu trưng cho sự xã cách, trắc trở đôi lòng trong tình cảm: “Sen xa hồ sen khô sen cạn - Lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng”; “Mấy lâu xa lựu cách đào - Cây cao xa bóng biết khi nào gặp nhau”. Phải chăng, sự chia cách đôi lòng giữa “lựu” với “đào” không phải ngẫu nhiên mà bắt nguồn từ việc lựa chọn đặc tính của biểu tượng gốc. Lựu biểu tượng cho mùa hạ; đào - biểu tượng cho mùa xuân. Xuân - hạ là quy luật luân chuyển của thời gian, nối tiếp nhau nên chẳng bao giờ gặp nhau. “Mỗi năm hoa đào nở”, lựu đã kịp tàn phai. Khi “hoa đào héo nhuỵ” cũng là lúc “ngoài tường lửa lựu lập lòe đơm bông”. Sự phân biệt phũ phàng, tình lỡ làng xa cách: “Lời em phân gan thắt tuột bào - Vì đâu xui khiến lựu đào xa nhau”.
Ngẫm nghĩ về hoa đào từ cảm thức của người Việt, người viết có tìm về những giá trị gốc của biểu tượng qua nhiều lăng kính khác nhau. Hoa đào, trước hết, là một tiểu tượng văn hóa, một mẫu gốc trong nền văn hóa Á Đông, nơi có nền văn hóa Việt Nam. Sự thể hiện ý nghĩa biểu trưng của hoa đào trong thơ ca cũng chỉ là một sự cụ thể hóa những giá trị của biểu tượng gốc nói trên. Muốn hiểu được đầy đủ, giải mã trọn vẹn những ẩn ngữ văn hóa, giá trị biểu trưng của biểu tượng, cần có vốn sống, vốn văn hóa. Vì mỗi biểu tượng đều ký thác một tầng nền lịch sử - xã hội - văn hóa của riêng bản thân nó.
Tài liệu tham khảo
1. Nhật Chiêu, Thơ ca Nhật Bản, Nxb Giáo dục, 1998.
2. Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, Nxb KHXH, Hà Nội 1992.
3. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (chủ biên), Kho tàng cao dao người Việt, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội 1995.
4. Nguyễn Hiếu Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc Nxb Trẻ, TP. HCM, 1997.
5. Hữu Ngọc, Dạo chơi vườn văn Nhật Bản, Nxb Gdục, HN, 1996.
6. Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2001.
7. Nhiều tác giả, 108 bài thơ tình Trung Hoa, Nguyễn Thị Bích Hải (giới thiệu và tuyển dịch), Nxb Văn nghệ, Hà Nọi, 2006.
8. Trần Văn Sáng, Biểu trưng của mùa xuân trong thơ ca, Tạp chí Ngôn ngữ - Đời sống số 6/2007.
9. Trần Văn Sáng, Về việc nghiên cứu nghệ thuật ngôn ngữ ca dao hiện nay, Tạp chí Ngôn ngữ - Đời sống, số 3 - 2004.
10. Trần Văn Sáng, Hoa mai ẩn ngữ và biểu trưng, Tạp chí Huế Xưa - nay, số 1 - 2/ 2008.
11. Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.
12. Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000.
13. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp HCM, 1997.
14. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu trưng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 1997.
15. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2003.
26/3/2009
Theo http://vusta.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...