Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Thanh Hải ngòi bút trĩu nặng tình quê

Thanh Hải ngòi bút trĩu nặng tình quê
Tác giả Thanh Hải sinh năm 1964, quê ấp Phú Hòa, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy). Anh tham gia hoạt động văn nghệ từ năm 1981 với vai trò diễn viên, sau đó là Đội trưởng Đội Thông tin lưu động tỉnh. Từ năm 2008 anh đảm trách nhiệm vụ Trưởng phòng nghiệp vụ Văn hóa (Sở VH-TT&DL) cho đến nay.
Thanh Hải có một chất giọng trầm ấm, chân phương dễ đi vào lòng người. Thanh Hải cùng với Lệ Quyên, Ngọc Sánh… là những giọng ca cổ được nhiều khán giả trong tỉnh biết đến trên sân khấu thông tin lưu động của tỉnh nhiều năm trước đây.
Bên cạnh việc ca hát, anh còn nặng nợ sáng tác, viết được nhiều thể loại, kể cả báo chí lẫn văn nghệ. Tính đến nay, anh đã viết được khoảng 15 tiểu phẩm - kịch bản thông tin lưu động, khoảng 20 bài ca cổ và có trên 20 năm là cộng tác viên của Báo Ấp Bắc (viết mảng văn hóa - văn nghệ).
Cánh đồng Giang Lớn quen thuộc ở quê nhà, nơi in đầy dấu chân tuổi thơ của Thanh Hải đã được anh đưa vào tác phẩm như một món nợ tình quê mang nặng trong lòng cần phải trả bằng ngòi bút, không chừng suốt cả cuộc đời.
Thật vậy, đề tài viết về mảnh đất chôn nhau cắt rốn đã được tác giả khai thác bằng tất cả tình cảm trân trọng, yêu thương và đã để lại trong lòng người nghe những cảm xúc sâu lắng, thâm trầm, hiện ra trong ca từ của Thanh Hải một cách mộc mạc, dung dị qua các bài ca Chiêm bao nhớ quê nhà, Nhớ tết quê nhà… làm cho câu vọng cổ của anh càng thấm sâu vào lòng người nghe trong chiều vắng, giữa đêm khuya bằng cả nỗi niềm thương nhớ cố hương. Và nỗi nhớ ấy cứ đêm ngày đau đáu trong lòng anh, kể cả trong giấc chiêm bao qua những câu ca xé lòng người:
“Chốn sinh thành nơi tôi gọi                                      
quê hương
Đêm đêm tôi chiêm bao mơ về                       
phương ấy
Lối cũ đường xưa đậm tình quê                  
nghĩa cả
Có bóng dừa, liếp chuối, vườn cau”
(Chiêm bao nhớ quê nhà)

Dù là nỗi nhớ vô hình lẩn khuất trong tim, nhưng qua ngòi bút của Thanh Hải đã biến thành những hình ảnh rất cụ thể và gần gũi:
“Có hàng mận đỏ sau hè đang mùa trái chín, nước lớn đầy sông lục bình bông tím, kẻo kẹt bờ tre mướp trổ bông vàng… Thương trái mù u trôi theo nước bập bềnh… Có dáng ba tôi bên căn chòi giữ ruộng, bên đàn vịt chạy đồng, bên ruộng lúa vàng ươm (-) Những con đường hoa dại ngạt ngào hương, những ngôi mộ giữa đồng hiu quạnh. Tiếng trống rộn ràng ngày hội Kỳ Yên, bìm bịp kêu cho con nước lớn...
(Chiêm bao nhớ quê nhà)
Hoặc 1 câu vọng cổ khác:
“Nhớ mẹ tôi đốt lá cuối sân khói thơm ngào ngạt, ngọn gió chiều xuân trên tàu cau đọt chuối, vườn rộn tiếng chim chào đón xuân về… Ngõ trước vườn sau hoa cỏ hé môi cười… Luống cải xanh rì bên giàn đậu bún, bông giấy trổ hồng ngoài ngõ đón xuân (-) Ba đang tát đìa mẹ chặt lá gói nem, gà vịt trước sân để dành ba ngày tết. Những giang đồng lúa chín vàng ươm, ngõ xóm đường làng tiếng nói cười rộn rã…”.
(Nhớ tết quê nhà)
Từng câu ca cứ hiện ra với bao hình ảnh không phai mờ trong ký ức của tác giả như “chiếc võng tả tơi”, “mưa già tháng 5 mùa nấm mối”, “canh chua bông so đũa trắng ngà”, “chiếc đệm bàng mấy đứa bạn ngủ chung”, “tiếng vạc sành kêu đêm vắng”, “mùi bùn non khét nắng quyện vào giấc ngủ”… nghe sao gần gũi quá! Ruột thịt, thân thương quá!
Nếu không xuất phát từ sự rung động thực sự của trái tim tác giả thì chắc chắn không thể tìm thấy những ngôn từ giàu hình ảnh và có sức lay động lòng người như thế. Điều đáng nói là những ca từ ấy không cần trau chuốt bằng những từ ngữ hoa mỹ, cao xa, mà được tác giả thể hiện bằng những câu văn bình dị, chân quê, mộc mạc đến bất ngờ.
Bên cạnh những bài ca viết về nỗi nhớ quê nhà Long Khánh, tình yêu quê hương còn được tác giả gởi gắm vào một số tác phẩm khác như: Về quê ngoại, Quê mới Tháp Mười, Trở lại Tân Điền, Đất biển quê em… Mỗi bài ca tuy diễn đạt khác nhau nhưng tựu trung đều toát lên tình đất, tình người trong lòng tác giả.
Mảng đề tài thứ 2 cũng đã tạo nhiều thành công cho Thanh Hải là viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bài Ngày Bác vô thăm nói lên tấm lòng của những người con miền Nam đối với vị cha già của dân tộc. Tác phẩm này đã đoạt giải Ba cấp toàn quốc trong Cuộc thi Sáng tác văn học - nghệ thuật đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lần thứ Nhất.
Về đề tài ca ngợi truyền thống dân tộc qua 2 cuộc kháng chiến, Thanh Hải cũng có những tác phẩm tạo được thành công nhất định như: Bài ca về Ấp Bắc,  Chiếc áo, Họp mặt tháng Tư, Nửa vòng tay ôm cả vòng đời… Trong số đó có 4 tác phẩm đã đoạt giải ở các cuộc thi cấp tỉnh và khu vực ĐBSCL.
Ngoài các đề tài chủ lực trên, thỉnh thoảng Thanh Hải cũng “ghé” vào các đề tài khác khi cảm xúc thực sự chín mùi. Một số tác phẩm tạo được ấn tượng đẹp cho người nghe như: Tình đồng đội có Tình bạn già, tình bạn hữu có Về thăm trường xưa, tình yêu đôi lứa có Kỷ niệm ngày xanh… Riêng bài hát Tình tự với dòng sông, tác giả đã đi vào tự sự, gắn hình ảnh dòng sông với dòng đời qua những trải nghiệm cuộc sống mang tính triết lý sâu sắc:
“Ơi những dòng sông có tự bao giờ… Tôi muốn hóa thân làm con nước, phiêu lãng một đời đến bến bờ xa (-) Sông như dòng đời cũng con nước đầy vơi, còn đời ta cũng hưng thịnh thăng trầm. Gẫm đời người như một dòng sông, qua bao bến bờ rồi xuôi về biển cả…
HUỲNH ANH
Theo http://baoapbac.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...