Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Non nước Hàng Châu

Non nước Hàng Châu
Ngày xưa trước công nguyên Hàng Châu mang tên Tiền Đường, tên của giòng sông chảy qua Hàng Châu. Mãi đến năm 589 trong thời nhà Tùy, thành phố xinh đẹp này mới đổi tên Hàng Châu, khi thời kỳ xây dựng kênh đào Đại vận hà dài 1800km từ Bắc Kinh về đây. Hàng Châu là cố đô của nhiều triều đại mà phồn vinh nhất là đời Tống, lúc triều đại này lánh nạn về phía nam trong thế kỷ thứ 12. Đã từ xưa, Hàng Châu là một chốn đầy sông nước hồ núi.
Thắng cảnh Hàng Châu miền Giang Nam Trung Quốc, một vùng đất có phong cảnh kỳ thú hữu tình được nhiều người biết đến với câu "Trên có thiên đàng, dưới có Tô, Hàng" với những danh lam thắng cảnh như Chùa Linh Ẩn, núi Phật Phi Lai phong, cảnh Tây Hồ, Tam Đàn Ấn Nguyệt...
Đến Hàng châu, tôi say mê với cảnh sắc thiên nhiên hài hòa đẹp tựa trong tranh. Cảnh đẹp thanh lịch tao nhã ở đây đã làm rung động lòng người. Bước chân về Hàng Châu, tôi có cảm giác như đi vào cõi mộng thần tiên hay chốn thiên đường hạ giới. Còn gì thơ mộng hơn là được đi tảo bộ dưới ánh vàng rực rỡ của những hàng cây ngô đồng, quyện với màu đỏ tươi thắm của lá phong cùng màu xanh ngọc bích của nhành dương liễu rũ ven bờ những dòng suối uốn khúc ngân reo... Nhìn những cô gái giang nam xinh đẹp mỹ miều, tôi liên tưởng đến Trịnh Đán, Tây thi... Ở đây truyền thuyết thiên tình sử của nàng mỹ nữ Tây thi với tướng quân Phạm lãi đã gắn liền với một địa danh nổi tiếng của Hàng Châu tên gọi là Hồ Tây tử hay còn gọi là Tây Hồ.
Tây Hồ
Đến Hàng Châu là đến Tây Hồ với núi Cô sơn, rộng gần 6 cây số vuông, ba phía là núi bao bọc. Cô sơn, cao 38m, là một trong bốn hòn đảo của hồ, nơi Lâm Bô đời Tống ở ẩn, nuôi hạc và trồng mai. Ngày nay trên Cô sơn còn giống mai và nấm mồ của ông. Không chỉ Lâm Bô, Tây Hồ ghi dấu chân của biết bao nhiêu thế hệ thi nhân văn sĩ, như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạch Hạo Nhiên,... trong đó Bạch Cư Dị đã từng làm thái thú tại đây và công trình xây đê điều của ông còn lại tới ngày nay. Hàng Châu cũng là nơi yên nghỉ cuối cùng của Nhạc Phi thời Nam Tống (1103-1142), vị tướng trung quân bị gian thần Tần Cối, tư thông với giặc Kim, hãm hại chịu án oan tử hình. Sau khi được phục hồi, thi hài của ông và con trai được đưa về đây chôn cất. Người ta tin rằng những người trung liệt như ông sẽ thành thần tiên cho nên trên nóc điện thờ còn khắc họa hình chim hạc, tượng trưng cho bất tử.
Đứng ven bờ hồ, tôi đã thấy mình như Lưu Nguyễn lạc vào cõi Đào nguyên. Trước mắt tôi, cả một khung trời thơ mộng với những cây hồng đào, xen kẻ với những cây liễu biếc...Màu sắc hồng hồng trăng trắng của hoa đào, quyện với màu xanh lục lục của lá liễu nghiêng mình rủ xuống bờ hồ chìm trong một làn sương khói mong manh; nưóc hồ có khi sương khói giăng đầy, có khi sóng gợn lăn tăn, hay nhấp nhô, có khi lung linh huyền ảo, có khi in lặng như tờ. Tất cả cảnh đẹp lộng lẫy này đã cho tôi có cảm giác như đứng trước một bức họa đồ sống động... Tôi thầm nghĩ nếu Sơn có ở đây chắc em tôi sẽ đem non nước mây ngàn của hồ Tây này vào trong tranh vẽ .
LẠC LỐI ĐÀO NGUYÊN
Đào nguyên đưa lối cảnh Tây Hồ
Một cõi thiên nhiên bức họa đồ
Rực rỡ cành đào in bóng nước
Thướt tha ngọn liễu ngả ven bờ
Lầu xưa hạc vắng trăng thơ thẩn
Bến cũ cây buồn gió phất phơ
Sóng biếc, thi nhân người chẳng thấy
Say vung nét bút thả hồn thơ?
Tiểu Vũ Vi
Ngay chính tôi, tôi cũng thấy mình cần phải họa lại phong cảnh hữu tình này...
VỊNH TÂY HỒ
Giang Nam lộng lẫy cảnh Tây Hồ
Mây trắng dập dờn, nước nhấp nhô
Sen ngả nghiêng mình khơi ý nhạc
Liễu buông rủ lá gợi tình thơ
Bãi sông Ngô đón chờ chim vũ
Gác Hạc Vàng trông ngóng cánh cò
Đâu bướm thi nhân hồn Lý Bạch
Trên sông khói sóng một trời mơ.
Tiểu Vũ Vi
Tâm trạng đê mê say đắm trước phong cảnh hữu tình của Động đình hồ này tôi nghĩ nhà thi hào Mạch Hạo Nhiên cũng đã có khi một lần qua đây...
ĐẾN ĐỘNG ĐÌNH HỒ
Phẳng yên tháng tám mặt hồ
Trời in bóng nước lững lờ xanh xanh.
Khói mây Vân Mộng bao quanh
Xa xa tiếng sóng bên thành Nhạc Dương.
Vắng thuyền, muốn tới chẳng đường
Ở không cũng thấy ngại ngùng thân trai
Ngồi xem thiên hạ câu hoài
Uổng công chờ đợi mấy ai được gì.
Trần Nhất Lang dịch
LÂM ĐỘNG ĐÌNH (1)



Bát nguyệt hồ thủy bình,
Hàn hư hỗn thái thanh.
Khí chưng Vân Mộng trạch, (2)
Ba hám Nhạc Dương thành. (3)
Dục tế vô chu tiếp,
Đoan cư sỉ thánh minh.
Tọa khan thùy điếu giả, (4)
Đồ hữu tiễn ngư tình.
Mạnh Hạo Nhiên
(1) Động Đình Hồ ở Nhạc Châu.
(2) Đầm Vân Mộng ở gần vùng Động ĐÌnh Hồ.
(3) Thành Nhạc Dương đối diện với Động ĐÌnh Hồ.
(4) Thùy điếu: Nghĩa đen là buông câu, nghĩa bóng là ra làm quan.
Chiều hôm đó khi về khách sạn, tôi đã kể cho Sơn qua mạng sóng nghe những gì tôi đã thấy... Em tôi buồn lắm, tiếc vì mình không được ngắm mặt trời lặn trên vùng non nước Ngũ Hồ, nơi mà Sơn thường dùng trí tưởng tượng của mình để vẽ dựa theo các lời thơ ca ngợi của các thi nhân đời xưa. Tuy cách xa vạn dặm nhưng tôi nghĩ là em tôi đã cảm nhận cái đẹp của Tây Hồ, vì ngày hôm sau tôi đã nhận được bài họa của Sơn.
THU TỨ
Thu về trở giấc mộng sông hồ
Một dãy Ngân hà tựa cõi mơ
Nhìn cuối chân mây lòng tự tại
Trông xa đỉnh núi, cảnh nên thơ
Thuyền trôi lờ lững theo giòng chảy
Tâm lặng êm đềm mặc sóng nhô
Mến cảnh thiên nhiên say bút mực
Cám ơn tạo hóa, mãnh dư đồ.
Hoa Sơn

Nghĩa phụ tôi, người cũng như bao nhiêu thi nhân đã cống hiến cả đời mình cho Đường Thi, đều ước ao được đứng trên Tây hồ như Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên... được ngắm cảnh hoàng hôn buông rèm phủ xuống Tây Hồ, được nhìn giải lụa vàng óng ả của đêm trăng gợn trên mặt hồ... Trước ngày tôi đi cha tôi luôn dặn dò: "Con di thăm Hoàng Hạc Lâu nhớ chụp hinh về gửi cho cha nhen". Giờ đúng trên vùng non nước kiều diễm này, tôi đã thấy thấp thoáng bên kia hồ, sừng sững chân mây ngôí lầu Hoàng Hạc, địa danh mà hầu như tất cả các thi nhân xưa và nay thường ca tụng đến.
Và ngày hôm sau, tôi đã theo đoàn du lịch đến thăm nơi "thần tiên" đó... Buổi tối, tôi nhận được hai bài họa của Hoàng Mai Sơn trang, người em kết nghĩa mới của cha tôi... Tôi thiệt vui mừng vì đã có thêm một người bạn trẻ đến với thơ Đường luật...

ĐỌC VỊNH TÂY HỒ
của chị TIỂU VŨ VI
Đêm thu dạo gót viếng Tây Hồ
Ai vẽ nên tranh một bức mơ
Mấy lá thuyền du trôi sóng biếc
Ngàn cây hoa thắm gợi hồn thơ
Tầng không mây bạc trôi lơ lửng
Mặt nước trăng vàng gợn nhấp nhô
Ngắm cảnh xứ người sao thấm thía
Ai đây bồi đắp tấm dư đồ?
Hoàng Mai Sơn Trang.
DẠO BƯỚC TÂY HỒ
Tây hồ dạo bước nhớ thi nhân
Tìm dấu lầu thơ nét bút thần
Khách vắng, đài xưa soi dáng nước
Người đi, gác cũ gợi tÌnh xuân
Trăng mờ xót kẻ trông cầu Thước
Đêm lạnh thương người đợi bến Ngân
Bức họa thiên nhiên ai đã tới
Chút lòng vương vấn khó rời chân
Hoàng Mai Sơn Trang
Trời đêm hôm đó, có cả một dãy Ngân hà khoe sáng. Nhìn sao Khuê lung linh ánh ngọc, tôi thầm nói: "cha ơi, ngày mai Vi sẽ thay cha đến thăm gác hạc vàng mà cha yêu thích"... Đêm Hàng Châu đẹp quá, tôi muốn được thức trắng thâu đêm để ghi vào ký ức mình tất cả những gì mà tạo hóa đã bồi đắp cho mảnh dư đồ ở nơi đây, như thuở xa xưa Giang châu Tư mã Bạch Cư Dị đã dùng ngòi thi bút của mình mà tô điểm một cõi yên hà gấm vóc mà ông hằng yêu mến trong suốt thời gian trấn nhậm ở chốn này:
XUÂN ĐỀ HỒ THƯỢNG (*)
Bạch Cư Dị
,乱 铺。
,月 珠。
线 ,青 蒲。
,一 湖。
Hồ thượng xuân lai tự họa đồ,
Loan phong vi nhiễu thủy bình phô.
Tùng bài sơn diện thiên trùng thúy,
Nguyệt điểm ba tâm nhất khỏa châu.
Bích thảm tuyến đầu trừu tảo đạo,
Thanh la quần đới triển tân bồ.
Vị năng phao đắc Hàng Châu khứ,
Nhất bán câu lưu thị thử hồ.
(*) Hồ đây là Tây Hồ ở Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc.

MÙA XUÂN TRÊN HỒ

Trần Nhất Lang dịch.
Hồ xuân ai vẽ cảnh nên tranh
Nước lặng lững lờ núi bọc quanh
Sương phủ rừng thông phơi ánh ngọc
Trăng in đáy nước gợn mầu xanh
Xa xa thảm lúa non cây biếc
Kề cận tân bồ thắm cỏ xinh
Rời chốn Hàng Châu chưa nỡ bước
Nơi đây còn vướng nửa tâm tình ...
Hoàng Hạc lâu
Trung hoa có ba ngôi lầu nổi tiếng được các thi nhân xưa nay ca tụng: đó là Hoàng Hạc Lâu ở Vũ Hán, Nhạc Dương Lâu ở Động ĐÌnh Hồ và Đằng Vương Các.
Lầu Hoàng Hạc đầu tiên được xây dựng ở trên ghềnh đá Hoàng Hạc thuộc huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc vào năm Hoàng Vũ thứ 2 đời nhà Ngô thời Tam Quốc (223 Tây Lịch). Đến nay suốt 1762 năm đã có 12 lần bị thiêu hủy, 12 lần xây cất lại, mỗi lần lại cao hơn và có nhiều tầng hơn.
Tên gọi "Lầu Hoàng Hạc" bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian. Tương truyền Phí Văn Vi, một tu sĩ đắc đạo thành tiên thường cỡi hạc vàng ngao du sông thủy. Một hôm, tiên và hạc bay ngang Vũ Hán và dừng chân lại trên "Đồi Rắn" để nhìn ngắm, một bên là cảnh đẹp hùng vĩ cũa Trường Giang và bên kia là Ngũ Hồ trong khói sương diễm lệ. Người đời sau đã từ nơi tiên cưỡi hạc vàng bay đi xây lên một tháp lầu đặt tên là Hoàng Hạc Lâu.
Lầu Hoàng Hạc ngày xưa là nơi gặp mặt tao đàn của các văn nhân mạc khách trong thời. Trong thời Đường (618-907), các thi nhân đến Hoàng Hạc Lâu để vừa thưởng ngoạn phong cảnh non nước mây ngàn hữu tình, vừa uống rượu làm thơ. Thôi Hiệu, một thi nhân nổi tiếng thời Đường thịnh khi qua đây, cảm hứng nét đẹp huyền ảo của trời chiều dần buông trên dòng Trường Giang,cảnh mỹ miều lộng lẫy của Hán Dương bên kia sông, đã để lại một áng thơ tuyệt tác bất hủ trên vách lầu Hoàng Hạc. Bài thơ đó như sau:
Hoàng Hạc Lâu
Nguyên tác: Thôi Hiệu
七言律詩
昔人已乘黃鶴去, 此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返, 白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹, 芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是? 煙波江上使人愁。
 
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sâu

Dịch nghĩa:
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc:
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không
Lòng sông quang tạnh in rõ cây đất Dương Hán
Cỏ xanh mướt ở bãi sông Anh Vũ,
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Khói sóng trên sông khiến ai buồn sầu.
Bài dịch I: Hoàng Hạc Lâu
Người đi cưỡi hạc từ xưa,
Đất này Hoàng Hạc còn lưa một lầu.
Hạc vàng đi mất từ lâu,
Ngàn năm mây trắng một mầu mênh mông.
Hán Dương cây bóng lòng sông,
Bãi kia Anh Vũ, cỏ trông xanh rì.
Chiều hôm lai láng lòng quê,
Khói lan sóng vỗ, ủ ê nỗi sầu.
Trần Trọng Kim
Bài dịch II: Lầu Hoàng hạc
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Tản Đà
Bài dịch III: Hoàng Hạc Lâu
Người xưa cưỡi hạc đã cao bay,
Lầu hạc còn suông với chốn nàỵ
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn,
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ baỵ
Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng,
Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dầỵ
Trời tối quê hương đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây
Ngô Tất Tố
Bài dịch IV: Lầu Hoàng hạc (1)
Người xưa cỡi hạc đã đi rồi
Lầu Hạc còn trơ đất cũ thôi
Một thoáng hạc vàng xa thẳm lánh
Ngàn năm mây trắng lững lờ trôi.
Hán Dương sông tạnh hàng cây thắm
Anh Vũ bờ xanh lớp cỏ tươi (2)
Lai láng tình quê chiều lữ thứ
Trên sông khói sóng dạ bồi hồi
Trần Nhất Lang
(1) Hoàng Hạc Lâu trên ghềnh đá Hoàng Hộc thuộc huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc.
(2) Bãi Anh Vũ thuộc bắc ngạn sông Trường Giang, gần thành Hán Dương phía tây nam huyện Vũ Xương.
Hôm nay đứng trên ngôi lầu Hoàng hạc này, nhớ đến bài dịch của cha tôi, lòng tôi bỗng dâng một nỗi sầu miên man... Chốn cũ còn đây nhưng cảnh không còn thơ mộng tao nhã như ngày xưa nữa. Hoàng hạc lâu đã trở thành một khu du lịch đầy tính cách thương mại, cạnh tranh thị trường. Ngôi tháp lầu bằng gỗ đã được thay thế bằng kiến trúc xi măng. Thiết trí trong lầu quá hiện đại tuy đẹp nhưng không còn biểu lộ hết nét diễm tình huyền ảo mong manh của Hoàng hạc Lâu thuở xưa...
Nhưng khi đứng trước bài thơ của Thôi Hiệu tôi cảm thấy chơi vơi như đi ngược dòng thời gian. Tôi mơ hồ thấy mình như đang trở về một thời thịnh Đường. Nhắm mắt lại tôi để hồn mÌnh chìm vào quá khứ với những tiếng cười ròn rã, tiếng ngâm thơ sang sảng lồng trong tiếng sáo tiêu vi vút... Mùi hương nồng nàn của rượu... Một khúc nhạc âm hưởng liêu trai... Phải chăng đây là Khúc "lạc mai hoa" trong bài thơ của Lý bạch.
Dữ Sử lang trung ẩm thính Hoàng Hạc lâu thượng xuy địch
一為 
西

Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa
Tây vọng Trường An bất kiến gia
Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch
Giang thành ngũ nguyệt "Lạc mai hoa"
Dịch Nghĩa:
Thân là một người khách đến tận Trường Sa xa vạn dặm
Trông ngóng sang phía Tây về thành Trường An mà không thấy nhà
Ở trên lầu Hoàng Hạc, tiếng sáo ngọc thổi
Giữa tháng năm, (sáo thổi) vang lên khúc "Lạc Mai Hoa" trên sông nước dưới chân thành
Lạc mai hoa: tên một khúc địch (loại sáo thổi ngang), âm điệu não nề gợi niềm lữ thứ tha hương
Dịch Thơ:
Ngàn dậm Trường Sa khách tới đây
Trường An nhà cũ khuất trời tây
Tháng Năm tiếng sáo trên Lầu Hạc
Vọng xuống thành sông khúc Lạc Mai.
Tiểu Vũ Vi dịch
Cung điệu du dương trầm bỗng đã làm tôi nhớ đến bài "Trường Tương Tư" mà Sơn đã tặng cho tôi viết theo ý thơ của Lý bạch. Em tôi rất mến chuộng vị thi hào tài ba lỗi lạc này nên thường hay chọn những bài thơ hay của ông để phổ nhạc như "tương tiến tửu", "thu tịch lữ hoài" hay "cổ phong"...
Thu tịch lữ hoài
Nguyên tác: Lý Bạch











Thu tịch lữ hoài 
Lương phong độ thu hải
Xuy ngã hương tứ phi
Liên sơn khứ vô tế
Lưu thủy hà thời quy
Mục cực phù vân sắc
Tâm đoạn minh nguyệt huy
Phương thảo yết nhu diệm
Bạch lộ thôi hàn y
Mộng trường Ngân Hán lạc
Giác bãi thiên tinh hy
Hàm bi tưởng cựu quốc
Khấp hạ thùy năng huy 
- Dịch nghĩa - 
Gió lạnh thổi qua bể mùa thu
Thổi theo lòng nhớ quê nhà của tôi
Núi liền nhau như chạy dài vô cùng tận
Nước trôi mãi hỏi có khi nào trở về chăng?
Sắc mây nổi xa cùng cực khỏi tầm mắt,
Trăng sáng soi tỏ làm đứt tươm khúc ruột.
Cỏ thơm hết đẹp mướt,
Sương bạc giục người mặc áo rét
Giấc mơ dài tưởng rơi dải Ngân hà
Tỉnh dậy sao trên trời chỉ còn lác đác
Ôm mối sầu tưởng nhớ đến nước cũ
Khóc rơi nước mắt ai lau cho được. 
- Bản dịch của Tản Đà -- 
Lạnh lùng gió vượt bể thu
Hồn quê theo gió như vù vù bay
Chạy dài dãy núi liền mây
Nước trôi trôi mãi, có ngày về chăng?
Đám mây vút mắt xa chừng,
Đứt tươm khúc ruột dưới vừng trăng soi
Cỏ thơm đẹp mướt thôi rồi,
Áo may mặc rét giục người móc sa!
Giấc mơ rơi dải Ngân hà,
Sao thưa lác đác tỉnh ra khắt trời
Đoái thương nước cũ ngậm ngùi
Khóc rơi giọt lệ lau chùi đố ai?
Giờ đứng trước bút tích của Lý Bạch, tôi nghĩ đến câu chuyện truyền thuyết lãng mạn của lầu Hoàng Hạc, bài thơ của Thôi Hiệu, bản dịch của cha tôi, dòng nhạc của em tôi... Tôi đã viết một bài thơ về Lầu Hoàng Hạc khi tâm tôi bồi hồi xúc động. Bao nỗi niềm tôi gửi trọn vào trong mấy vần thơ này:
Lầu Hoàng hạc
Người đi theo hạc khuất chân trời
Lầu vắng hoàng hôn lặng lẽ trôi
Muôn thuở phượng hoàng bay viễn xứ
Nghìn năm mây trắng giạt ngàn khơi
Hán Dương lộng bóng rừng cây thắm
Anh Vũ mượt mà thảm cỏ tươi
Chiều xuống, sầu thương về cố quận
Sương đêm khói sóng lệ đầy vơi...
Tiểu Vũ Vi
Chùa Linh Ẩn
Cách Tây Hồ không xa là chùa Linh Ẩn, nằm trong thung lũng dưới chân một ngọn núi, là một trong 10 ngôi chùa lớn nhất Trung Quốc. Trên con đường vào chùa, tôi mê say ngắm nhìn nhiều pho tượng lớn nhỏ khắc trong đá núi với những đường nét cổ kính phủ đầy rêu phong.
Theo kinh sách thì vào năm 326 trước Tây lịch, có một nhà sư Ấn Độ pháp danh Huệ Căn đã đến Hàng Châu. Khi Ngài nhìn thấy thung lũng yên tịnh, ba mặt vây phủ bởi núi đồi và cây rừng, nhận ra đây là địa linh thích hợp cho việc ẩn tu. Ngài đã xây một ngôi chùa và đặt tên là Linh Ẩn. Chùa Linh Ẩn là một thắng cảnh du khách dập dìu: ngôi chùa chính vĩ đại và cổ kính gồm nhiều điện rộng lớn tồn trữ những pho tượng uy nghi đẹp đẽ..
Đại sảnh là một công trình kiến trúc đời nhà Đường với nhiều lớp mái cong. Trên nóc có chạm "Lưỡng long tranh châu". Tượng Đức Thích Ca Mâu Ni, tọa trên một tòa sen, giữa đại sảng đường, cao khoảng 20 thước. Đây là bức tượng Phật ngồi lớn nhất Trung Quốc hiện nay.
Trên trán tượng Phật Thích Ca là huệ nhãn sáng lấp lánh, phía sau đầu Ngài là một tấm gương tròn lớn, bao quanh gương là bảy tiền thân của Đức Phật. Đầu Ngài hơi ngả về phía trước, tay phải đặt trước ngực. Gần cửa, từ trên trần buông xuống một ngọn đèn vĩnh cửu mà ngọn nến trong đèn cháy được giữ cháy suốt ngày đêm, từ năm này sang năm khác.
Núi Phật Phi lai Phong
Đây là ngọn núi đá trước chùa Linh Ẩn, cách chùa bởi dòng suối nhỏ, cao 168m, có vô số hang hốc. Triền núi được tạc khắc khoảng 380 pho tượng Phật giáo từ niên kỷ thứ 10.
Tại vách phía đông có ba bức tượng khá cổ của năm 951, tạc đức Thích ca, Quan Âm và Dược Sư. Tượng lớn nhất là tượng Di lặc thuộc đời nhà Tống (960-1270), tay cầm xâu chuỗi.
Dựa trên truyền thuyết thì ngày xưa trước chùa chỉ là bãi đất trống, rồi đến một đêm nọ, sau tiếng sấm vang dội, thình lình có ngọn núi lướt gió bay đến đáp xuống đó. Vào thế kỷ thứ 3 có nhà sư Ấn Độ viếng cảnh chùa thấy núi bỗng buột miệng nói rằng "Ở Ấn Độ có vách đá y hệt như thế nầy, có lẽ, vách đá Ấn Độ đã bay đến đây chăng?". Đó là ngọn Linh Thứu, chỗ Phật thuyết Diệu pháp liên hoa, đã bay từ Ấn Độ về cực lạc và "nghỉ chân" ngay trước Linh Ẩn tự. Từ sự tích đó, ngọn núi mới có tên là Phi Lai phong.
Xe lửa chuyển bánh để lại Hàng Châu sau lưng tôi chìm trong sương khói lam chiều, lòng tôi sao hắt hìu một nỗi buồn. Như trong lời dịch "Mùa Xuân Trên Hồ" của cha tôi, tôi cũng mang một tâm tư quyến luyến như thi hào Bạch Cư Dị:
"... Rời chốn Hàng Châu chưa nở bước
Nơi đây còn vướng nửa tâm tình...".
8/2005
Bích Phượng
Theo http://chimviet.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...