Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Nguyễn Trọng Tạo lại hát khúc sông quê

Nguyễn Trọng Tạo 
lại hát khúc sông quê
Một việc ngỡ không thể ở một người vừa bị đột quỵ đúng nửa năm trời lại trở thành có thể: Tạo lại khởi sự một đêm thơ nhạc của mình tại Vinh, mang tên ‘Khúc hát sông quê’ vào 20 giờ ngày 10-8 tới.
Tôi gặp Nguyễn Trọng Tạo đầu đông năm 1978 tại Trại sáng tác Quân đội đóng ở làng Khương Hạ. Khi ấy, bài thơ “Hát ru em bé Campuchia” của Tạo được tôi phổ nhạc vừa thu thanh qua giọng hát Kim Oanh để mở đầu băng nhạc (nói về sự diệt chủng của nhóm cầm quyền Pol Pot) của Việt Nam gửi tới Liên Hiệp Quốc. Gặp nhau, thấy đều mê thơ và nhạc, thế là thân nhau. Giữa chúng tôi là nhà thơ Nguyễn Hoa hiền lành nhưng sâu sắc. Anh em gọi bọn tôi là “Ba chàng họ Nguyễn”. Nghe rất “Thủy Hử”.
Nguyễn Trọng Tạo (phải) và Nguyễn Thụy Kha.
“Gã nhà quê đích thực”
Chơi với nhau mới hơn một tháng, vào một đêm chớm rét, Tạo gặp tôi ở nhà Nguyễn Đình Chính (nhà văn - con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi), chưa kịp nói năng gì, Tạo hát ngay “Làng quan họ quê tôi” - một ca khúc mà Tạo vừa phổ thơ Nguyễn Phan Hách. Ca khúc vừa sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân ca Quan họ, lại vừa mang phong cách hàn lâm qua những xử lý khá tinh tế. Đêm ấy, vui vì thành công của Tạo, chúng tôi uống tới mờ sáng. Cũng lúc ấy, đã nghe phong thanh Tạo được giải thưởng thơ hay năm 1978 cho bài thơ “Làng có một ngày như thế”. Tạo đúng là một “gã nhà quê đích thực” luôn thổi hồn quê làng vào sáng tạo văn nghệ của mình. “Làng quan họ quê tôi” ngay sau đó đã được thu thanh bởi giọng ca Thanh Hoa, rồi Bích Việt qua bản phối của Phú Quang. Lúc ấy, ngoài tình bạn của ba đứa, chúng tôi còn có một nhóm thân thiết cùng nhau chia sẻ mọi sáng tạo. Cũng đã ở tuổi “Tam thập nhi lập” rồi còn gì. Đấy là Phú Quang, Phan Lạc Hoa, Thanh Hoa, Quang Thọ, Ngọc Tân, Phan Long, Đặng Ái… “Làng quan họ quê tôi” của Tạo và “Tàu anh qua núi” của Phan Lạc Hoa bắt đầu nổi như cồn, được DIHAVINA thu đĩa.
Rồi bọn tôi cũng vào học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Đó là những năm tháng “tích điện” tuyệt vời. Thầy Hoàng Ngọc Hiến đã mời toàn các giáo sư nổi tiếng đến truyền lại cho chúng tôi bao nhiêu kiến thức. Bức xúc vì cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và thời cuộc trong cái rọ “quan liêu bao cấp”, Tạo đã viết và in trên Báo Văn nghệ bài thơ chính luận dài “Tản mạn thời tôi sống” nổi tiếng. Nhưng bài thơ này và một số chuyện khác, Tạo đã ngừng học sau hai năm, về công tác tại Nhà Văn hóa Quân khu 4. Rồi từ đấy, năm 1988 thì ra quân, chuyển về Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên theo lời mời của Nguyễn Khoa Điềm và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Những năm tháng ấy, bên cạnh thơ, Tạo vẫn viết ca khúc rất đều với “Chèo thuyền trên sông Bùng”, “Màu xanh Hương Sơn”, “Đôi mắt đò ngang”… Ngoài những ca khúc mang đậm hồn quê, Tạo còn tìm tòi ngôn ngữ nhạc nhẹ như “Con dế buồn”, “Đến với sông Trà”, “Mưa”, “Hát dưới căn nhà Bác”… Năm 1995, băng cassette “Ca khúc Nguyễn Trọng Tạo” đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam thực hiện.
Một thời gian dài, Tạo tập trung vào thơ nhiều hơn. Nhiều người nghĩ đối với một nhà thơ làm nhạc như Tạo, có “Làng quan họ quê tôi”, “Đôi mắt đò ngang” thế cũng là đáng kể rồi. Vậy mà trong một lần tham gia trại sáng tác ở Vũng Tàu, bắt gặp bài thơ dài về quê của ông bạn Lê Huy Mậu, Tạo đã thần hứng ngay một đoạn thành ca khúc “Khúc hát sông quê” nổi tiếng còn hơn cả “Làng quan họ quê tôi” nữa. Bao nhiêu người đã lấy nhạc chuông là “Khúc hát sông quê” qua giọng ca Anh Thơ. Bao cuộc trà dư tửu hậu mà chẳng có cuộc nào là “Khúc hát sông quê” lại không được vang lên. “Khúc hát sông quê” đã thấm vào cả thời đại dẫu đang chuyển mình theo công cuộc hiện đại hóa. Hình như khi những làng quê dần nhường chỗ cho các khu công nghiệp, các chung cư cao tầng thì lòng người lại luôn nuối tiếc những quá vãng đã mãi mãi biến mất.
Chưa hết duyên với nghiệp văn nghệ
Chiều tất niên dương lịch 2017, lẽ ra theo lời mời của Nguyễn Trọng Tạo, tôi sẽ có mặt ở Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để mừng tân gia cùng Tạo và bạn bè họ hàng. Nhưng do có việc nhà, tôi về Hải Phòng. Đúng chiều ấy, nghe tin Tạo bị đột quỵ. Lòng tôi lúc ấy thật hoang mang. Chơi với nhau đã 40 năm tròn, chưa bao giờ tôi nghĩ Tạo sẽ có một sự cố như thế. Lúc nào cũng thấy Tạo đầy ắp năng lượng. Đi khỏe. Uống khỏe. Nói khỏe. Tôi nghĩ, Tạo chỉ là một thanh niên nhiều tuổi. Vậy mà…
Do được các bác sĩ bệnh viện Vinh hết lòng cứu chữa, 4 ngày sau, Tạo được đưa ra Bệnh viện Bạch Mai - nơi chuyên trị bệnh đột quỵ hàng đầu trong cả nước. Vài ngày sau, tôi vào thăm, thấy sức khỏe Tạo đã có biến chuyển khá tốt. Vào dịp Tết âm lịch Mậu Tuất 2018, đến thăm Tạo ở chung cư khu Linh Đàm, thấy Tạo đã có thể đi chợ quanh nhà được. Quá mừng! Có lẽ do thể chất Tạo khỏe nên đã vượt qua bạo bệnh mà không chịu bất kỳ di chứng gì như nhiều người đột quỵ khác.
Điều mừng hơn là sau đúng nửa năm, Tạo lại khởi sự một đêm thơ nhạc của mình tại Vinh, mang tên “Khúc hát sông quê” vào ngày 10-8-2018. Năm ngoái, đêm nhạc này đã trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, một việc ngỡ không thể lại trở thành có thể. Dù đã qua “nhân sinh thất thập…”, Tạo vẫn chưa hết duyên với nghiệp văn nghệ.
(Ảnh hai người bạn Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha. Nghệ sĩ cung cấp).


Khúc hát sông quê

Nguyễn Trọng Tạo - Thụy Miên
5/8/2018
Nguồn: Người Lao Động 

NGUYỄN THỤY KHA
Theo https://hoingovanchuong.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...