Nhạc sĩ Phạm Quang Trung tham gia Đoàn ca múa nhạc Quảng
Nam - Đà Nẵng khi mới 18 tuổi. Hai năm sau, anh thi đậu vào Đại học nghệ
thuật Huế và khi tốt nghiệp xong, anh trở thành diễn viên đơn ca của
Đoàn. Năm 1987, anh đoạt Huy chương vàng đơn ca toàn quốc với ca khúc
Nguồn sáng quê hương của nhạc sĩ Thanh Tùng. Thế nhưng niềm đam mê sáng tác lại
thôi thúc anh tiếp tục theo học ở khoa sáng tác - Học viện Âm nhạc Huế và từ
đó anh mải miết với công việc sáng tác và giảng dạy ở Nhà văn hóa thiếu nhi
Đà Nẵng và sau đó là Trường Văn hóa Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.
Cơ duyên với thiếu nhi đến khi Nhạc sĩ Phạm Quang
Trung tham gia giảng dạy thanh nhạc tại Nhà hát thiếu nhi Đà Nẵng năm
1985. Anh trực tiếp phụ trách lớp Thanh nhạc chuyên. Từ đó đến nay anh có một
thời gian rất dài gắn bó với các em nhỏ. Biết bao thế hệ học trò đến rồi đi.
Có những em vào một lúc nào đó tự nhiên chán học, thế là ngoài việc “dạy” còn
phải “dỗ” nữa. Học trò của anh nhiều người đã thành danh như ca sĩ Mỹ Tâm,
Kasim Hoàng Vũ, Hồng Hà (hiện là giảng viên, Trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện
Quân đội). Các em tham gia những lớp học này nếu không theo ngành âm nhạc thì
cũng là những hạt nhân ưu tú đóng góp cho phong trào âm nhạc của cơ quan. Khi
nhắc đến những thế hệ học trò giọng anh sôi nổi hẳn, mắt ánh lên niềm vui sướng.
Chính sự ngây thơ, trong trẻo của tuổi thơ đã khơi gợi cảm
xúc của người nghệ sĩ như anh tâm sự: “Có thể nói, tôi rất may mắn được sống
và làm việc thật trọn vẹn với công việc mà mình đã chọn và yêu thích. Khi sống,
làm việc gần gũi với các em thiếu nhi tôi thấy mình trẻ ra. Các em đã cho tôi
sự hồn nhiên, vô tư của tuổi thơ và tôi cảm ơn các em bằng chính những tác phẩm
của mình dành cho tuổi thơ”.
Nghe những ca khúc anh viết cho thiếu nhi, tôi có cảm giác
người nhạc sĩ này đã hòa nhập vào tâm hồn trẻ thơ để nói lên niềm vui, những
tưởng tượng, cả những ước mơ của lứa tuổi thần tiên. Giai điệu của những ca
khúc ấy tươi tắn, vui nhộn. Ca từ hết sức trong sáng, đẹp đẽ “Bay lên bay lên
trong đêm pháo hoa. Bay lên bay lên trong đêm pháo hoa với bao ước mơ tuổi
thơ. Bay lên bay lên hân hoan trong muôn khúc ca. Bay lên bay lên trong muôn
sắc hoa thắm tươi giấc mơ tuổi thơ”, “ngôi sao lung linh ngôi sao tình bạn”(Lung
linh sông Hàn), “tựa như con còng gió em rất thích vui chơi trên biển xanh”
(Con còng gió), “Vào đêm trăng sáng, Cuội thèm xuống chơi, nhớ tiếng dế nỉ
non, nhớ tiếng mẹ ru. Cuội như muốn khóc như thuở còn thơ, thấy Cuội buồn quá
em thương…” (Thương lắm Cuội ơi). Nhìn từ góc độ xã hội học, những ca khúc
thiếu nhi của Phạm Quang Trung có giá trị nhất định trong việc định hướng thẩm
mỹ, giáo dục nhân văn cho các em. Viết cho thiếu nhi không hề dễ, có lẽ nhờ
“những năm tháng đã sống và làm việc thật trọn vẹn với công việc yêu thích ở
Nhà văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng” như nhạc sĩ bày tỏ đã giúp anh thăng hoa trong
cảm xúc khi viết cho tuổi thơ.
Phạm Quang Trung là một nhạc sĩ đoạt nhiều giải thưởng của
Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng và trong các cuộc thi,
liên hoan. Với các ca khúc thiếu nhi cũng vậy: Dường như có điều gì lạ (2005)
- Giải B Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Con còng gió
- Giải nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2006), Lung linh sông Hàn (2009) - Giải A Hội
Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, Cánh cò trên má - Giải B Hội Nhạc sĩ Việt Nam
(2010), Thương lắm Cuội ơi (2011) - Giải khuyến khích - Cuộc vận động sáng
tác ca khúc cho Tuổi hồng do Hội Âm nhạc và Trung tâm Văn hóa thành phố Hồ
Chí Minh tổ chức, Tình bạn - Giải nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2012).
Khi được hỏi về ca khúc có ấn tượng nhất đối với mình, nhạc
sĩ Phạm Quang Trung cho rằng đây là câu hỏi khó nhất mà mình phải trả lời vì
tác phẩm như những đứa con mà người nghệ sĩ “mang nặng đẻ đau”. Mỗi tác phẩm
ra đời đều có những kỷ niệm đáng nhớ trong từng hoàn cảnh, thời gian khác
nhau. Theo anh, “đứa con” nào cũng đáng yêu, nhưng nếu buộc phải trả lời thì
đến thời điểm này anh chọn đến 3 bài có ấn tượng đối với sự nghiệp sáng tác của
mình theo những góc nhìn khác nhau. Trong 3 ca khúc đó, có 2 ca khúc viết về
thiếu nhi và có liên quan đến thiếu nhi: một là ca khúc Con còng gió, là ca
khúc thiếu nhi có thời gian ươm mầm lâu nhất, thậm chí có thể nói, tác phẩm
là hồi ức tuổi thơ với miền quê biển của tác giả. Và đặc biệt anh viết ra
trong thời gian ngắn nhất.
Trong một đêm là hoàn thành tác phẩm. Tác phẩm viết
phục vụ chương trình Liên hoan Búp sen hồng toàn quốc. Ca khúc thứ hai là
Cánh cò trên má, đây là bài hát thực hiện lời hứa với con gái lớn của anh.
Anh kể lại một kỷ niệm đáng nhớ: lúc cháu mới tròn 4 tuổi, khi mẹ đi dạy về
và hôn lên má cháu, dấu son môi lưu lại trên má khiến cháu rất thích thú. Bé
đứng trước gương soi vết son trên má và quay lại thỏ thẻ: “Ba, cánh cò trên
má”. Một ý tưởng quá hay. Thế nhưng đến năm cháu vào Đại học anh mới biến ý
tưởng đó thành ca khúc nên đây là tác phẩm có thời gian ươm mầm dài thứ hai
sau ca khúc trên.
Hiện nay anh vẫn tiếp tục công việc giảng dạy cho thiếu
nhi. Anh động viên và hướng dẫn các em không chỉ tham gia các cuộc thi ở địa
phương mà còn tham gia những cuộc thi lớn như: Đồ Rê Mí, Giọng hát Việt nhí.
Các ca sĩ nhí như Tú Uyên (Giọng hát Việt nhí 2013), Uyển Nhi (Giọng hát Việt
nhí 2014), Liên Trà (Giọng hát Việt nhí 2015) đã giành được nhiều cảm tình của
khán giả. Nhạc sĩ Phạm Quang Trung còn tạo điều kiện cho các em hát
trong các chương trình từ thiện, là một cách rất hay để các em chia sẻ cùng cộng
đồng ngay từ khi còn bé.
Không chỉ giảng dạy, anh còn tham gia dàn dựng, sáng tác ca
khúc trong chương trình Búp Sen hồng hàng năm do Nhà thiếu nhi các tỉnh phía
Nam tổ chức và dàn dựng các chương trình ca nhạc thiếu nhi cho một số Đài
truyền hình địa phương và Trung ương.
Khi được hỏi về những băn khoăn, trăn trở của anh trong
công việc, anh tỏ ý tiếc, có nhiều em có tài năng nhưng đành bỏ lỡ vì không
có điều kiện, bản thân cũng bó tay, cũng đang phải xoay theo vòng quay
của “cơm áo gạo tiền”, anh ao ước có ai đó cùng chung tay với mình thành lập
một lớp học để nuôi dưỡng tài năng cho các em.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét