Võ Minh Trang sinh năm 1944 tại xã Đại Thạnh, huyện Đại Lôc,
tỉnh Quảng Nam, mất ngày 9 tháng 3 năm 2006 (10/02 năm Bính Tuất). Tác phẩm:
Theo dấu chân xưa, NXB Quảng Nam - Đà Nẵng, 1995; Tạ ơn giọt lệ,
NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh, 1996; Hạt bụi thức giấc, NXB Trẻ, TP
HCM, 1997.
NHỮNG LỜI TÌNH CHÂN… [*]
Võ Minh Trang cho đến giờ vẫn chưa phải là một bút danh quen
trong làng thơ, mặc dù anh cầm bút đã khá lâu - trước năm 1975, anh đã từng in
thơ rải rác trên một số báo chí ở miền Nam. Cho nên, khi được anh tặng tập thơ
đầu tay THEO DẤU CHÂN XƯA (NXB Quảng Nam - Đà Nẵng, 1995) tôi vội vàng đọc ngày.
Ấy là vì, lúc này đây, hầu như bất cứ ai có điều kiện thì cũng có thể đưa trình
làng những đứa con tinh thần của mình một cách dễ dàng, nhưng thật tình không
phải tác giả nào cũng có khả năng làm thơ! Đọc ngay, là để qua thơ biết người
mà có cách ứng xử phù hợp, vì tôi và anh vốn chỉ sơ giao.
May thay, tập thơ đầu của Anh, tuy tứ thơ không mới, cũng lắm
chỗ dễ dãi nhưng bù lại, có những đoạn khiến tôi cảm thấy chạnh lòng:
Ngó tới ngó lui chồng bản thảo
Trò chơi chữ nghĩa cháy đời trai
Bút nghiên ứ hự buồn cơm áo
Giấu bặt trong đêm tiếng thở dài.
(Giọt lệ nụ cười)
Tu hú kêu chi buồn lắm vậy
Quê ơi! Đừng nhắc tiếng lòng xưa.
Thơ Anh những khi ít dụng công thì lại dễ gây xúc động lòng
người. Xúc động vì cái tình chân mà anh gửi gắm. Nói như Ngô Thì Nhậm: “Tình
cảm dồi dào thì thơ nảy sinh”. Thơ mà không có tình thì khó tìm được người đồng
cảm. Không cần người đồng cảm thì làm thơ và in thơ ra để làm gì?
Nên, thú vị nhất vẫn là khi chợt gặp trong thơ Võ Minh Trang
những từ ngữ, hình ản gần gũi với sinh hoạt hằng ngày:…
Qua những xóm nghèo thơm mắm cái
Chợt thèm rau sống cải tần ô
(Bến quê Đại Lộc)
Ta như một người ăn hoài cao lương mĩ vị, bỗng một hôm được
đãi cơm nóng với cà pháo tôm chua hay đọt khoai lang luộc. Dân dã vậy mà ngon.
Bên cạnh đó, Võ Minh Trang rất có ý thức khai thác sức biểu cảm,
tính biểu trưng của những từ láy tiếng Việt, đặc biệt là những từ láy ba láy bốn
rất dễ gây ấn tượng:
Nhớ những buổi ta cà lăm cà lặp
Ngồi bên em ho hắng ngó mông lung…
Yêu ngó vậy mà gay go quá thể
Cứ lấp la lấp lửng những khi gần
(Dưới mái hiên thơ)
Mấy mươi năm mới có buổi quay về
Thôn xóm cũ chừng lạ huơ lạ hoắc
Những đứa trẻ lớn thình không biết mặt
Bạn bè xưa tan tác sạch sành sanh
(Từ một dòng sông)
Ở tập thơ thứ hai này, tôi lại bắt gặp những mặt yếu và những
mặt mạnh như vậy.
Đọc xong một khổ, một bài, xong cả tập, lại thấy tiếc cho
Anh. Giá như thơ Anh ý bớt dàn trải, ngôn ngữ chắt lọc hơn và được đặt để đúng
nơi đúng lúc hơn, cốt TINH hơn ĐA thì với những mặt mạnh sẵn có, hẳn
Anh có một chỗ đứng nhất định trong làng thơ đương đại.
Những bài thơ Anh viết cho tình bằng hữu là những bài thơ
hay. Vẫn là cái tình chân với phong thái ngang tàng. Vẫn là cái thú vị bất ngờ
của lời ăn tiếng nói thường ngày. Một người có những bài thơ về bạn như vậy phải
là một người sống có bạn và hết lòng vì bạn:
Cánh bướm đa tình sẽ lụy
Bên thềm bão lửa thịt da
Tri âm há là tri kỉ
Kiếm mồi uống rượu đi cha
(Gửi bạn)
Thì uống! Mời ngươi, tình rất bạn
Rượu còn chớ dại để lòng say
Thành phố tiễn ngươi chung rượu đắng
Về rừng chớ ngại lá khô bay
(Xó chợ bìa rừng)
Những khi Anh viết về Mẹ, về Cha, về nơi chôn nhau cắt rốn, về
những kỷ kiệm buồn, Anh bỗng hoá thành một con người khác. Lời Anh trân trọng,
tha thiết u hoài; lòng Anh nghĩa ân trĩu nặng. Cũng vì vậy, những lời thơ mộc mạc
lại có sức truyền cảm không ngờ:
Nằm giữa ngổn ngang bia mộ lạ
Cha giờ không biết đã quen ai
Con đi tự buổi tay cầm ná
Giờ xế chiều trăng chợt thở dài
Bài HUẾ ĐÊM, theo tôi, cũng là một bài thơ hay. Không ở Huế,
không có một mối tình với Huế, sẽ khó lòng chuyển tải được cái hồn của HUẾ ĐÊM
và là Huế - của - riêng - anh đến vậy:
… Trăng ôm phố Huế đêm tròn lựng
Riêng một mình ta lạc giữa đời
Giọt lệ cưu mang thân ngựa chứng
Ngậm ngùi giằng xé bỏ đêm chơi.
Sương khuya tràn xuống như mời mọc
Nhịp guốc em về lạc lõng rơi.
Tiếng hát bỗng buồn như tiếng khóc
Mang mang dìu dặt đẩy sông trôi.
(Huế đêm)
Nhưng thôi… Thơ Võ Minh Trang đang ở trên tay bạn. Chỉ mong
điều tôi viết cũng là điều bạn nghĩ.
Ghi chú:
[*] Nguyên văn bài tựa trong tập thơ Tạ ơn giọt
lệ của Võ Minh Trang, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh, 1996.
Sài Gòn, tháng 10 năm 1995
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét