Đã gần nửa đêm rồi mà ông Phạnh cứ hết leo lên lại đi xuống mấy
bậc cầu thang của căn lều ọp ẹp như muốn đổ. Sao giờ này mà con sói vẫn chưa đi
săn về? Có chuyện gì mà bụng ông lại nóng còn hơn uống cả bát ớt chù chèo mọc
trên vách đá thế này.
- Hu... u... ú... ụ... ụ…
Có tiếng con sói tru một tiếng dài
từ trong rừng xa vẳng lại. Tiếng sói tru giữa đêm nghe sắc lạnh đến rợn cả rừng
khuya.
Ông Phạnh lập cập chạy như lao xuống chân cầu thang. Đúng là tiếng tru của
con sói lửa rồi. Đêm đêm, từ ngọn đồi khum khum như hình mũ nấm mọc toàn cỏ
gianh phía trước lều vẫn vẳng lại những tiếng sói tru gọi đàn, nhưng tiếng tru
vừa rồi ông nhận ngay ra tiếng con sói của ông. Con lửa có giọng tru rất đặc biệt,
giọng tru vừa vang vừa sắc, nhưng ở âm cuối lại trầm xuống như rên, làm sao mà
lẫn được. Nhưng hôm nay tiếng tru của nó có gì là lạ, vừa như cầu cứu vừa như
là sự đau đớn đến tuyệt vọng. Ông đứng như bất động, cố lắng nghe xem tiếng con
sói phát ra từ hướng nào để biết hướng đi tìm. Nhưng từ rừng xa vẳng lại chỉ có
vài tiếng cú rời rạc, buồn hiu, không thấy con sói lửa hú thêm lần nào. Ông
càng thêm lo lắng. Hay con sói lửa gặp chuyện gì rồi? Từ ngày biết vào rừng săn
một mình, có bao giờ nó về trước lúc mặt trời lặn đâu. Thế mà không hiểu sao
hôm nay nó đi từ sáng sớm đến giờ vẫn chưa thấy bóng dáng nó đâu. Hay chưa săn được con thú nào đem về cho ông nên nó chưa chịu về?
Cả cánh rừng bạt ngàn này chỉ có mình ông ở, nên thú rừng nhiều vô kể. Con sói
lửa tuy là sói cái nhưng lại có tài săn mồi chẳng kém những con sói đực. Từ khi
nó biết săn, ông Phạnh ít khi phải vác nỏ vào rừng. Lúc đầu nó chỉ săn về được
con thỏ, con cáo hay con dúi béo mầm mẫm. Nhưng càng ngày tài săn của nó càng
điêu luyện. Có hôm nó còn ì ạch tha về cho ông con hoẵng còn to hơn cả nó. Thịt
thú ăn không hết, ông phải xâu thành từng xâu gánh xuống chợ cách lều gần một
ngày đi bộ để đổi lấy ít muối, ít gạo và mấy thứ cần dùng đem về.
Cứ đứng bần
thần như hòn đá núi, mặc sương đêm ướt đầm như mưa lên áo, lên tóc. Chưa bao giờ
ông thấy lo cho con sói như lúc này, chỉ mong trời mau sáng để đi vào rừng tìm
nó. Ông đã sống cô đơn, lủi thủi một mình mười mấy năm trời cho đến khi nhặt được
con sói con bị thương kêu oăng oắng trong một bụi cỏ gianh vàng úa. Phải mất
bao ngày đi hái thuốc rừng mới cứu sống được nó. Từ ngày có con sói, ông thấy bớt
cô đơn, không còn nghĩ nhiều về chuyện buồn ngày trước, dù hình ảnh đứa con
trai và người vợ thi thoảng vẫn cứ hiện về trong giấc mơ.
Có tiếng chó sủa dồn
dập từ ngoài đầu bản, rồi tiếng nhạc ngựa, tiếng người huyên náo ngày càng gần.
Chắc có khách lạ vào bản rồi, Phạnh nghĩ thế và tiếp tục bện nốt cái dây nỏ dể
mai vào rừng săn, không bận tâm thêm.
Nhưng rồi con chó nhà Phạnh cũng lao ra cổng
sủa dữ dội khiến thằng Ổn đang ngủ giật mình khóc thét lên. Phạnh vội buông cái
dây nỏ bện dở, đi ra. Chắc có khách lạ, khách xa đến nhà ta chơi rồi. Vừa bước
ra đến cổng, Phạnh đã tái mặt sợ hãi. Có chuyện gì mà quan Tạo bản Vì Thào đem
nhiều người đến nhà ta thế kia? Lại có cả thằng Phống đi cùng nữa. Phống cùng bản
với Phạnh, nó thù Phạnh vì Phạnh lấy mất người nó thích nhất về làm vợ, nên mỗi
lần say nó lại đến nhà Phạnh đòi đánh nhau. Nó đi cùng quan Tạo bản đến nhà
mình làm gì thế?
Còn chưa hiểu ra chuyện gì thì quan đã thúc ngựa lao lên trước
mặt Phạnh. Mặt quan đỏ phừng phừng, vung tay quất vút cái roi ngựa vào mặt Phạnh,
quát:
- Cái thằng không có Ái để dạy cho biết cái tục của Mường, không có Ềm dạy
cho biết cái lệ của bản kia. Thịt thú ngon của rừng thì phải mời quan ăn trước,
gái đẹp của bản thì phải dâng để làm vợ của quan. Thế mà mày lại dám cướp đứa
xinh nhất cả mường này về làm vợ à. Uống chén rượu mới trước ma nhà, ăn miếng
thịt ngon trước ma thần linh rồi.
Phạnh còn chưa kịp nói gì thì mấy tên người hầu
nhà quan, rồi cả thằng Phống xông tới dùng gậy, dùng báng súng kíp đánh tới tấp lên người Phạnh. Phạnh
chỉ kịp nhìn thấy quan bản xông vào nhà kéo vợ và con đem đi rồi đổ gục xuống,
không còn biết gì nữa.
Phạnh tỉnh dậy, thấy người đau ê ẩm. Nhìn quanh thấy mọi
người trong bản đứng chật cả nhà, vẻ mặt ai cũng đầy lo lắng. Cố gượng ngồi
lên, Phạnh hốt hoảng:
- Vợ tôi đâu, con tôi đâu hết rồi?
Bà Nhố còn chưa hết hoảng,
lắp bắp:
- Vợ và con mày bị quan Tạo bắt đem đi rồi Phạnh à. Lúc nãy người nhà
quan Tạo đánh mày, chúng ta tưởng mày bị đánh chết rồi, sợ quá...
Phạnh chợt nhớ
ra sự việc lúc chiều. Không kịp hỏi thêm gì nữa, vội chồm dậy, lao ra khỏi nhà,
mặc mọi người gọi ời ời phía sau.
Bây giờ Phạnh mới thấy đau nhức khắp người. Đầu
gối bị báng súng phang tím bầm, sưng to như quả vả. Cứ mỗi lần bước là cái chân
lại đau buốt muốn khuỵu ngã. Chạy không được thì Phạnh lết đi, lết không được
thì bò. Đến nhà quan Tạo phải đi qua hai quả núi đá cao và một con suối nhỏ.
Năm nào cũng một vài lần bị gọi đến làm nương, lấy gỗ cho nhà quan theo lệ, nên
Phạnh thuộc đường đến nhà quan như con kiến thuộc lối về hang vậy.
Gần nửa đêm
thì Phạnh đến được nhà quan. Nhà quan vẫn còn thức. Người ra người vào cứ đông
nườm nượp như tổ ong gặp hơi lửa. Mùi thịt nướng thơm róm rém, mùi rượu ngô lứ
đứ say. Rồi cả mùi thuốc phiện khói đầu thơm ngất ngả uốn éo, lả lơi gạ tình
khiến những con chó nhà quan cũng ngật ngà lim dim, quên cả sủa khi có người lạ
đến.
Nghiến răng chịu đau, Phạnh cố lết về phía cổng. Thằng Phống cùng mấy người
hầu đang đốt rơm thui con hoẵng dưới chân cầu thang quản. Con hoẵng thui bằng
rơm nếp vàng ruộm, tròn căng. Vừa nhìn thấy Phạnh, Phống đứng dậy chớt nhả:
-
Mày còn bò được sang đến đây cơ à, giỏi đấy. Vợ mày vừa bị quan mời thầy cúng
làm lễ bỏ chồng rồi. Bây giờ đang làm cúng để nhận vợ mày thành vợ quan Tạo đấy.
Thằng con mày quan bảo tao vứt nó ở chân núi Mơ Tươi, không ra mà tìm nhanh là
thành phân cho con hổ đói, đợi nhặt cục phân về mà nuôi.
Phạnh thấy tai mình ù
đi như có hàng trăm con ve kêu ở trong. Phạnh lao tới đấm thẳng vào mặt thằng
Phống rồi chạy vội vào rừng đêm. Phải đi tìm thằng Ổn thôi. Thằng Phống có mặt
người mà bụng còn ác hơn con rắn hổ mang mùa đẻ. Con trai Phạnh nó mới hơn năm
tháng mà bị vứt trong rừng thì làm sao biết đường tìm về nhà. Trong rừng lại có
nhiều sói, có cả con hổ què. Phạnh bỗng thấy rủn hết người, không dám nghĩ tiếp.
Đêm tối đen như ánh mắt người mù. Phạnh cố căng mắt ra nhìn mà thỉnh thoảng lại đâm rầm vào một gốc
cây to đau điếng, lúc lại vướng vào hòn đá, cái dây rừng, ngã dúi dụi.
- Ổn ơi,
Ổn à…
Vừa rờ rẫm bước, Phạnh vừa phệu phạo gọi con. Đáp lại tiếng gọi của Phạnh
chỉ có tiếng cú kêu rời rạc từ xa vẳng lại, tiếng chim lợn sắc lạnh xiên buốt
nhói vào đêm.
Phạnh đã đi không biết bao lượt khắp cánh rừng, tiếng Phạnh gọi
con còn nhiều hơn cả những vết chân, thế mà vẫn không thấy bóng dáng thằng Ổn
đâu. Vừa đau, vừa thương con thương vợ khiến Phạnh ngã gục xuống bên gốc cây
Mooc tạy. Nhưng rồi lại cố gượng đứng lên. Bụng Phạnh chưa bị nóng cồn lên như
uống bát rượu sắn nóng, thế là thằng Ổn chưa bị con hổ vồ, con sói cắp đi đâu.
Chắc nó chỉ bị lạc ở đâu, hay nó đang ngủ ở một hốc đá, lùm cây nào nên không
nghe tiếng Phạnh gọi thôi. Giờ chắc nó cũng đang đói, đang sợ và nhớ bố mẹ lắm.
Phải tìm nó về. Một mình Phạnh tìm không thấy thì nhiều người tìm sẽ thấy. Trời
đã bắt đầu nhờ nhờ sáng. Phạnh quýnh quáng chạy về bản.
Cả bản ào vào rừng, mỗi
người đi một hướng. Vừa hú gọi vừa vạch tìm từng bụi cây, hốc đá. Tìm dọc theo
con đường hôm qua quan Tạo đi qua không thấy, lại đi vào sâu hơn. Không thấy ở
cánh rừng này lại chia nhau tỏa ra những ngọn núi khác. Cứ bới tìm như thế từ lúc
mặt trời còn chưa nhô khỏi núi đến tận lúc sương đêm rơi lộp độp lên lớp lá khô
mà vẫn không sao tìm thấy thằng Ổn.
- Về thôi Phạnh à. Tìm thằng Ổn còn kỹ hơn
đi tìm cây sâm một rễ mà không thấy. Rừng này có nhiều sói, cả hổ nữa, ta sợ...
Anh Sướng vừa đỡ Phạnh đứng dậy vừa bảo.
Không, thằng Ổn không bị con hổ, con
sói ăn thịt đâu. Nó được làm cái lễ đặt tên báo lên thần Thèn Phát rồi, thầy
cúng đã đeo cho nó cái dây vía màu đỏ buộc cái móng chân con sơn dương núi để
giữ cho khỏe bảy cái vía, ba cái hồn, để ma rừng không dám trêu, dám bắt. Nó đã
được đặt tên riêng rồi, thần Thèn Phát sẽ bảo vệ cho nó. Con hổ, con sói không
bắt được nó đâu. Phải tìm thấy nó thì tôi mới về. Phạnh vằng ra khỏi tay anh Sướng,
nghiến răng lao đi. Nhưng cả ngày nhịn đói, chân tay thì sưng vu, tím bầm, giập
loét ra như quả vả chín nát. Giờ Phạnh không thể bước nổi thêm bước nào nữa. Phạnh
nằm vật ra bất động, chỉ nghe tiếng thở phìu phào mệt mỏi. Mấy thanh niên khỏe
vội xốc Phạnh dậy thay nhau cõng về.
Mấy ngày nằm đắp thuốc lá ở nhà, đôi mắt
Phạnh không lúc nào nhắm lại. Đầu thì chỉ nghĩ tới vợ, nghĩ tới thằng Ổn. Vợ Phạnh
bị bắt vào nhà quan Tạo thì vẫn còn được sống, Phạnh cũng đỡ lo. Còn thằng Ổn,
không biết giờ nó ở đâu? Nó còn sống không hay đã thành phân của con hổ, con sói rồi. Cứ nghĩ đến con là
Phạnh lại khóc. Đôi mắt Phạnh giờ sưng híp lại như bị con ong Chà Úa đốt. Cái
quần của thằng Ổn đái dầm còn để dưới sàn chưa kịp giặt. Phạnh lấy cái quần để
bên cạnh, thỉnh thoảng lại xoay người xún xín ngửi cái mùi khai để đỡ nhớ con.
Ba ngày sau thì Phạnh gượng dậy được. Phải đi tìm thằng Ổn thôi. Rừng gần không
thấy thì đi tìm ở rừng xa. Mùa trăng này không tìm thấy thì sang mùa trăng
khác. Phải tìm được con thì Phạnh mới về. Lấy tất cả những cái quần, cái áo cũ,
Phạnh nhồi chặt vào cái ống tre bương to rồi thả vào giữa một cục than. Vải quần
áo được dệt từ hoa bông cứ âm ỉ bén. Những lần đi săn lâu ngày cùng toán thợ, mọi
người vẫn làm vậy để giữ lửa được lâu. Lấy con dao đeo vào hông, một tay cầm
cái nỏ và ống tên, một tay ôm cái ống tre bương, Phạnh lặng lẽ rời bản. Phạnh
đi mãi vào sâu trong rừng, vừa đi vừa hú gọi con. Cứ thế vượt hết ngọn núi này
lại sang cánh rừng khác. Đói thì bắn con thỏ, con gà rừng, lấy lửa từ cái ống
tre chất củi đốt nướng thịt ăn. Khát thì tìm mó nước dưới lũng, không tìm thấy
mó thì chặt cây nứa to lấy nước trong ống mà uống. Phạnh cứ đi, đi mãi, không
biết đã qua bao nhiêu mùa trăng. Cái ống tre giữ lửa gần tàn thì Phạnh lại kiếm
cây gỗ mục đốt lên đem theo để không bao giờ mất đi cái lửa.
Một ngày, Phạnh lạc
vào một cánh rừng bạt ngàn toàn những cây to như cái thúng, cái mẹt. Ở đây
không có một dấu vết nào chứng tỏ đã có người đến. Phạnh biết không thể tìm thấy
thằng Ổn nữa rồi. Giờ muốn quay về cũng không còn nhớ lối nữa, mà Phạnh cũng chẳng
muốn về để thêm nghĩ nhiều, thêm buồn, thêm khổ. Chọn một nơi ưng ý, Phạnh phát
quang rồi chặt cây dựng một cái nhà sàn nhỏ để ở.
Phạnh cứ sống thui thủi một
mình như thế không biết bao nhiêu mùa hoa ban nở trắng, bao nhiêu mùa hoa Phắc
nở vàng, bao nhiêu mùa quả ô rô rụng hạt. Một mình sống giữa cánh rừng hoang vu
bạt ngàn này thì kiếm sống cũng không khó gì. Chỉ vác nỏ đi quanh lều một lúc
là có con thú đem về thịt. Rồi các loại củ, quả, hạt rừng... mùa nào cũng có thứ
để nuôi sống Phạnh.
Nhưng rồi cánh rừng cũng không còn là của riêng Phạnh. Một
ngày đi săn, thấy ngọn núi bên kia có khói bay lên bảng lảng. Phạnh leo lên một
cây to nhìn sang thì thấy một bản nhỏ người Mông đã mọc lên từ bao giờ. Cánh rừng
Phạnh ở bắt đầu xuất hiện những người thợ săn, những người đi chặt gỗ làm nhà.
Tiếng súng kíp nổ đì đòm, tiếng chặt cây chan chát đã phá tan đi vẻ âm u và yên
tĩnh của cánh rừng già. Có bản thì cũng có quan Tạo. Phạnh sợ nhìn thấy quan Tạo
như con gà rừng sợ nhìn thấy cái nỏ. Phạnh đốt bỏ cái lều rồi đi vào sâu hơn dựng
cái lều khác. Nhưng chưa kịp ăn mùa rau Sẳng non thứ hai trên núi đá, Phạnh lại nghe tiếng súng
săn, tiếng cây đổ rầm rầm ở rất gần. Lại đốt lều, lại đi. Cứ dựng rồi lại đốt
không biết bao nhiêu cái lều, nhưng chỉ được một vài mùa trăng lại thấy một bản
mọc lên rất gần, như một bãi nấm mối sau đêm mưa phùn. Cứ chuyển vào sâu mãi
trong rừng như thế cho đến khi gặp một cái cột bằng bê tông xám, xung quanh rào
bằng những cây gỗ chắc chắn. Nhìn sang bên kia thấy những bản nhỏ với những
ngôi nhà bằng gỗ xum xúp như những cái bát úp, Phạnh biết bên kia là đất Lào rồi.
Không dám đi tiếp nữa, Phạnh chọn một nơi cách xa cái cột, dựng cái nhà nhỏ ở.
Bây giờ Phạnh đã là một ông già tóc lốm đốm bạc. Ông không còn đốt lều để trốn
vào sâu trong rừng khi thấy những bản nhỏ mọc lên ngày càng nhiều và càng gần nữa.
Thỉnh thoảng đi rừng, gặp vài thợ săn, ông cũng lân la làm quen, hỏi chuyện.
Ông bất ngờ và vui sướng khi biết đất nước đã giải phóng từ lâu, các bản bây giờ
không còn quan Tạo nữa, chỉ có trưởng bản. Trưởng bản do dân bản bầu làm nên
không ác độc, không cướp bóc như quan Tạo ngày xưa. Ông tìm về bản cũ để tìm vợ.
Nhưng hỏi cả bản mà không ai biết vợ ông bây giờ ở đâu, còn sống hay đã chết.
Ông buồn chán lại quay về căn lều giữa rừng sống thui thủi một mình cho đến khi
ông gặp con sói con bị thương bên đồi cỏ gianh…
Trời vừa nhem nhém sáng, ông
Phạnh đã vội vác nỏ đi vào rừng tìm con sói.
- Oắng… oắng… ư… ư…
- Hu… hu... hú…
Có
tiếng sói kêu từ trong rừng vẳng ra. Đúng là tiếng con sói lửa rồi. Nhưng sau
tiếng kêu của con lửa lại có tiếng sói tru lạ cũng bật lên cùng lúc và cùng chỗ
với tiếng kêu của con lửa.Theo hướng phát ra tiếng kêu, ông hấp hởi chạy...
Ông
Phạnh bỗng đứng sững lại, như không tin vào mắt mình. Trên ngọn cây dẻ cao vút,
con sói lửa bị một sợi dây thừng thít chặt chân sau treo lủng lẳng. Con sói vừa
cố giãy, vằng mạnh như muốn thoát khỏi sợi dây vừa úng oắng kêu vẻ đau đớn. Dưới
gốc dẻ, một con sói đực to như con hoẵng, lông cũng vàng rực một màu như quả bưởi
rừng chín nắng đang nghển lên nhìn đồng loại bất lực, thỉnh thoảng lại tru lên
vài tiếng vừa như an ủi vừa như xót xa. Vừa nhìn thấy ông, con sói lạ chạy vội
vào rừng, còn con sói của ông thì vừa vung vẩy cái đuôi vừa rên ư ử vẻ mừng rỡ.
Con sói bị mắc bẫy thòng lọng của thợ săn rồi. Ông Phạnh chạy vội đến bên gốc
cây tìm cái khóa bẫy để cứu con sói.
Có tiếng bà Phớ ơi ới gọi ngoài cổng. Đang định
vào rừng hái thuốc, nghe bà Phớ gọi báo tin vui, bà Én mừng quýnh lên, vội lấy bó thuốc lá dùng để
tắm cho người đẻ bà đã hái phơi sẵn cho vào túi rồi tất tả đi tắt đường rừng
sang nhà con gái. Quý không phải con gái bà, nhưng bà xin nó về và nuôi từ lúc
nó còn ngậm vú mẹ nên bà coi nó chẳng khác gì con đẻ. Lúc trốn ra khỏi nhà quan
bản, quay về bản không còn ai thân thích, bà vội bỏ trốn đi tận một bản xa để
quan không tìm được. Trên đường chạy trốn, bà xin được đứa bé gái của một nhà
nghèo mà đông con. Nhờ có nó mà bà quên đi được cái nhớ, cái đau buồn trong
lòng, không còn nghĩ đến chuyện nhảy xuống cái vực nước Tô Buông quanh năm xanh
ngăn ngắt tự tử nữa.
Có mẹ vợ sang nên Lấm yên tâm đeo nỏ vào rừng. Cái bẫy Lấm
đã đặt từ sáng hôm qua, không biết đã có con thú nào mắc chưa. Cánh rừng ở xa,
ít thợ săn vào nên chắc sẽ có nhiều thú đấy. Quý vừa sinh, nếu bẫy được con
hươu, con hoẵng để thịt bồi dưỡng thì tốt quá. Cứ tưởng tượng ra cảnh con hươu
con hoẵng mắc bẫy đang bị treo ngược trên cành cao, Lấm thấy vui hẳn, chân bước
nhanh như gió thổi qua rừng tre mạy loi.
Từ xa, Lấm đã nhìn thấy một con thú
lông vàng như cái lá Thúa vùa đông đang bị treo lơ lửng trên ngọn cây cao. Quên
cả mấy bụi gai móc chằng chịt, Lấm chạy như lao đến cái bẫy. Lấm bỗng đứng sững
lại. Trên ngọn cây không phải là con hươu con hoẵng mà lại là con chó sói to
cũng chẳng kém gì con hươu đang giãy giụa, dùng dằng như cố tìm cách thoát khỏi
sợi dây đang thít chặt vào chân. Dưới gốc cây, nơi Lấm đặt lẫy bẫy, một ông già
lạ trông bù xù và cũ kỹ như người rừng đang loay hoay tìm cách tháo cái lẫy. Vừa
nhìn thấy Lấm, ông già nét mặt rạng mừng, chạy lại luýnh loắng:
- Thằng cháu là
người đặt cái bẫy này đấy à. Thằng cháu thương tôi, thương cái con sói ngoan,
tha cho nó. Tôi sẽ đi săn đền cho thằng cháu con thú khác. Nó là con sói rừng,
nhưng tôi đã nuôi nó từ nhỏ. Nó ngoan lắm, không ác đâu...
Ầy, là con chó sói của
bác nuôi à? Bác không nói thì cháu cũng thả nó thôi. Bố nuôi cháu bảo loài sói
nó là vật ơn của cháu, nên đi săn cháu không săn sói, thấy sói gặp nạn thì phải
cứu, nhìn thấy thịt sói thì như người họ Giàng thấy quả tim, không được chạm
cái đũa, mắt không được biết thèm.
Lấm tháo cái lẫy bẫy để thả con sói xuống.
Tuy hôm nay không kiếm được thịt thú cho vợ, nhưng lòng Lấm lại vui như bông
hoa lau gặp gió, đôi mắt thì cứ sáng lấp láy như mắt con chim cu rừng mùa lúa
chín nương. Hôm nay về, Lấm sẽ kể cho Quý nghe chuyện cứu con sói. Chắc Quý
cũng sẽ vui hơn là được ăn miếng thịt nai nướng. Ông Phạnh và Lấm giờ thành
quen thân. Hôm nào đi đặt bẫy là Lấm lại rẽ vào chơi với ông Phạnh một lúc. Bẫy được con thú
ngon thì cắt biếu ông Phạnh cái đùi sau.
Con sói lửa cũng đã khỏi hẳn chân nhờ
mấy nắm lá thuốc Lấm đem lên cho. Nó lại đi săn được như thường. Giờ nó có thêm
một người bạn mới. Mỗi lần đi săn ở rừng về, ông Phạnh đều thấy có một con sói
đực lông vàng như tảng mật ong ruồi đi theo thập thò ở bụi cây gần lều. Chắc là
con sói lạ hôm ông gặp ở bên cái bẫy. Từ ngày có bạn, con sói lửa hay săn được
con thú lớn hơn. Mỗi lần con sói săn được con thú ngon, ông lại cắt một nửa đem
cho vợ chồng Lấm. Lần nào đem xuống nhà Lấm, con sói cũng tíu tít chạy theo vẻ
vui mừng lắm. Nó như cũng biết đến cái ơn Lấm đã tha cho nó sống vậy.
Từ hôm được
bế thằng cu con trai Lấm, ông Phạnh bỗng ít ngủ hẳn. Ông cứ hay vẩn vơ nghĩ đến
nó, nhớ đến nó. Thằng cu bụ và trắng mẫm như con sâu trong ống măng non. Cứ mỗi
lần được ông bế là nó lại toe toét cười rồi bi bô như muốn nói chuyện, sao mà
đáng yêu thế chứ.
Thấm thoát mà thằng cu đã được ba tháng tuổi. Lấm nhờ thầy
cúng chọn ngày đẹp để làm lễ đặt tên cho nó, có tên riêng thì thần Quan sát sẽ
công nhận nó có mặt trên đời, thần Thèn Phát sẽ nhập vào cái dây bùa để đi theo
bảo vệ nó.
Sáng nay Lấm tìm lên lều của ông Phạnh thật sớm. Hầy, đi săn hay có
việc gì lớn mà lên chơi với ta sớm thế thằng cháu Lấm. Ông Phạnh lấy củm rượu ủ
từ lõi cây Bứng đựng trong ống tre bương to ra, vừa cùng Lấm khề khà uống với
miếng thịt lợn rừng khô, vừa nhẩm nhẳng hỏi.
Lấm cứ lúng búng, ngập ngừng mãi
như làn khói ở nóc bếp gặp mưa mà chẳng biết nói thế nào, bắt đầu từ đâu. Nghe
rõ cả tiếng ngực đập thùm thìm như tiếng vỗ cánh của cả trăm con dơi trong hang
khi gặp ánh đèn. Rượu cây Bứng ngọt lứ lử mà khiến Lấm chống chếnh say. Có men
rượu thì đỡ run hơn. Hít một hơi thật dài và sâu nghe như tiếng gió lùa hang
núi, Lấm chỏn chẻn:
- Cháu từ nhỏ đã không được nhìn thấy mặt người bố, được bố
nuôi nhặt ở rừng về, nhưng bố nuôi cũng đi lên Mường trời từ lúc cháu được mười
tuổi, bác Phạnh à. Nay thằng con trai đến ngày đặt tên riêng. Bà ngoại đã đến đợi
tặng nó bó tên để cài lên phía cửa nhà, nhưng không có ông nội đến cho nó cái nỏ
để treo gác bếp thì cúng đặt tên sẽ không được may. Nếu bác có thương thằng bé,
có thương vợ chồng cháu thì bác cho cháu nhận bác làm bố nuôi, cho thằng con
cháu nó có ông nội...
Không biết tại men rượu hay do những lời Lấm nói mà ông
Phạnh cứ ngồi ngẩn ra, khuôn mặt đen sạm nhăn nheo đỏ dần lên rồi giãn căng,
nghền nghệt. Từ ngày quen Lấm, ông thấy quý vợ chồng Lấm và có cảm tình với thằng
cu một cách kì lạ. Nhưng ông không bao giờ nghĩ Lấm lại muốn nhận ông làm bố.
Nên bây giờ ông cứ ngồi đấy, thấy lâng lấng bởi một sự bất ngờ đột ngột hòa quyện cùng men rượu.
Thò tay nhặt một cục than đỏ hồng, thấy bỏng rát, ông biết là mình không mơ.
Run run đưa cho Lấm cúm rượu, ông nghẹn ngào. Uống thêm đi thằng con Lấm… Ta sẽ
làm cái nỏ, nhanh thôi, để tặng thằng cháu của ta ngày nó được thầy cúng đặt
cho tên mới...
Mâm cúng làm lễ đặt tên đã chuẩn bị xong. Thầy cúng gọi ma ông
bà tổ tiên, xin thần ở ba mường trời về chọn tên cho đứa trẻ. Khi mặt trời vừa
lặn xuống ngọn núi Tà Lùng thì bài cúng cuối cũng xong. Thầy cúng chấm ngón tay
vào bát nước thiêng rồi chấm lên trán đứa trẻ bảy lần. Các thần ở ba Mường trời,
ma ông bà ở năm đời đã đồng ý cho thằng bé tên là Cù, cái tên sẽ theo nó đến
khi nào lấy vợ thì mới bỏ tên cũ đi để đặt chung cho hai vợ chồng cái tên mới.
Lấm vội chạy vào cái hòm sơn đỏ để ở góc nhà đem ra cái dây bùa đỏ có cái móng
chân sơn dương cong vút và đen bóng để thầy cúng cúng thần Quan Sát nhận mặt
dây, thần Thèn Phát nhập vía vào dây.
Vừa nhìn thấy cái dây bùa, cả ông Phạnh
và bà Én như lao đến, ánh mắt thì như bámchặt vào vết gọt lẹmở chỗ nhọn nhất
trên cái móng chân sơn dương.
- Cái dây bùa này thằng con Lấm lấy ở đâu thế…
Gần
như cùng lúc cả ông Phạnh và bà Én cùng nhìn Lấm, hỏi chung một câu.
- Bố nuôi
con bảo lúc nhặt được con nằm khóc trong rừng, có con sói ngồi canh bên cạnh.
Thấy bố nuôi đến thì con sói tự bỏ đi. Bố nuôi đón con về, thấy có cái dây bùa
này trên cổ. Bố bảo dây vía mà kiếm được cái móng Sơn dương đực đeo vào thì gặp
nhiều may mắn, nên con giữ lại, giờ thì có cái bùa vía may để đeo cho thằng Cù
rồi.
Ông Phạnh và bà Én cứ ngẩn ra nhìn Lấm mãi rồi quay lại nhìn nhau. Ánh mắt
ông chạm vào cái nốt ruồi bên tai trái bà khiến đôi chân ông như muốn đổ khuỵu
xuống.
Bà Én ú ớ như muốn nói điều gì mà sao cổ cứ nghẹn lại. Từ đôi mắt mòn mỏi
của bà, hai giọt nước mắt mủng ra, chảy dài song song trên đôi má nhăn nheo gợi
về một ký ức đau thương, nức nở.
- Hu… ú... ú…
Có tiếng sói tru lên một hồi dài từ
ngọn đồi phía trước mặt. Con sói lửa đang nằm ngoài bậc cửa vội chạy đến rúc
vào lòng ông Phạnh rên ư ử, cái đuôi thì ngoáy tít. Con sói dạo này béo hẳn,
cái bụng to hẳn lên, dáng đi thì ộ ệ chứ không còn nhanh nhẹn nữa. Ông Phạnh vỗ
vỗ vào lưng nó. Ừ, mày ra với bạn đi, ta đã khổ gần hết một đời rồi, không bắt
mày phải khổ như ta đâu...
Chỉ chờ có thế, con sói lửa lao vút đi. Con sói đực
bạn nó đã đợi ở trên đỉnh đồi từ bao giờ. Trời đã chạng vạng, hai con sói lông
vàng rực cứ xoắn vào nhau như hai vạt nắng bừng lên ở phía cuối rừng...
9/11/2017
Kiều Duy
Khánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét