Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Thơ Cao Thoại Châu: Sự bất lực của ngôn ngữ và lương tri của người trí thức thời chiến

Thơ Cao Thoại Châu: Sự bất lực của ngôn ngữ 
và lương tri của người trí thức thời chiến *
Tôi đã đọc và thuộc lòng nhiều bài thơ của Cao Thoại Châu trước khi được gặp anh và được anh xem là “bạn hay cùng nhau đi uống cà phê” [1], lúc tôi còn là một cậu học trò trung học ở Pleiku - một thị xã miền núi. Bên những con đường bụi đỏ rầm rập xe nhà binh, và phố xá ngả màu áo lính, lũ học trò mới lớn sớm vội già nua. Hậu cứ  vùng chiến sự, áo rằn sánh vai áo trắng. Cũng chẳng mấy chốc rồi áo trắng lại “ngả màu ba lô mũ sắt” thôi mà. Chẳng biết tự bao giờ, bên những chén rượu “có lệ ta hòa chung hơi men” của anh em văn nghệ tỉnh lẻ chúng tôi, xen lẫn tiếng mưa tiếng guitar tiếng hát, hai bài thơ Mời em uống rượu, Để nhớ lúc Trâm xa của Cao Thoại Châu luôn được cất lên cùng thơ của nhiều thi sĩ khác:
Ta đội nón đi mời em uống rượu
cuộc tình sầu thôi hãy gác qua bên
ta đâu có giận hờn chi cuộc sống
dù thật tình buồn lắm phải không em?
(Mời em uống rượu)
Hình như tôi vừa tiễn một người
Có điều gì mất đi trong tôi…
(Để nhớ lúc Trâm xa)
Những ưu tư cày nát tâm hồn. Thơ Cao Thoại Châu đến với chúng tôi trong một thung lũng mịt mùng sương khói. Rồi ngấm, rồi say. Và đọng lại. Cái hay của thơ là, thơ hay thì những người làm thơ sẽ là những người đầu tiên đón lấy. Trong thế giới thơ ca, ít có chuyện “gà tức nhau tiếng gáy”! Vậy nên, những câu thơ tinh luyện, giàu hình tượng, nhiều nhạc tính với giọng điệu “u trầm” của Cao Thoại Châu, khi xuất hiện trên Nghệ thuật, Văn… những năm cuối thập kỷ 60 đầu 70 thế kỷ trước, được đông đảo người yêu thơ đón nhận cũng là lẽ  tự nhiên.
Cuộc chiến đã vô cùng khốc liệt. Tâm trạng Cao Thoại Châu cũng chính là tâm trạng của “những người cha người chú/ đã xăm từng đổ vỡ trên tay”, những người thầy đang “bơ vơ giữa bóng tối xây thành”. Là tâm trạng của những người lính “mang da thịt/ làm mập cho chiến tranh”, của cả một lớp thanh niên “tan tác”. Và  của những “cuộc yêu đương” “bấp bênh” đầy “thương tích”: quán cô hồn ngủ trọ khách cô đơn…
Mà, người thầy giáo bước vào nghề ở tuổi hai mươi và trở lại nghề ở tuổi ba mươi sau Những nhục nhằn một thời đi lính, khi Đạn vẫn nổ ầm phá tung đêm lạnh Máu vẫn chảy hoài trên mỗi bản tin… ấy, làm sao có thể bình thản đứng trên bục giảng trước đám học trò “người chết kẻ lêu bêu”; khi bản thân thầy, bạn bè thầy, đều “chỉ là cầu/ cho người ta phá sập, chỉ là đồn/ cho người ta bắn nát”?. Cho nên:
Thầy dạy các em về lòng dũng cảm
Làm người chân thành mãi mãi không thôi.
Rồi một đêm thầy khoác áo ra đường
Với nỗi sầu với phẫn nộ như điên…
(Chỗ ngồi của nhà giáo thời chiến)
với những người trí thức có lương tri cũng là điều tất yếu.
Người thầy ấy tuy có “dẫm lên những lối mòn”, nhưng chẳng hề lừa dối học trò: Thầy đã để cho người ta chết Cho đời mình thành nghĩa địa, các em… Từ Chỗ ngồi của nhà giáo thời chiến, Bài giảng khai trường, Khi trở lại Kon Tum, có lẽ thầy mong muốn học trò sẽ nhận ra “sự thật” từ “nhân chứng” là thầy, về một cuộc chiến tranh phi nghĩa - tất nhiên bằng ngôn ngữ thi ca - để Các em sau này lớn lên mỗi đứa (sẽ tự xác định cho mình) Đứng nơi nào trong cuộc chiến tranh?
Xót xa thay, những ám ảnh chiến tranh đeo đẳng theo thầy cả trong cái giờ phút “hạnh phúc” nhất - sắp được làm bố:
Con sinh ra tám giờ đêm tỉnh lẻ
Đời âm u cũng tựa như đèn
Gió lên đầy hai dãy hành lang
Cũng tối ám như lòng của bố…
(Tặng vật đầu đời)
“Nhà giáo - Người lính” ấy đã “dũng cảm” biết bao, giữa những “dây xích vô hình” của cỗ máy chiến tranh hung bạo, trước “ruột gan và xương thịt” đồng bào, dám dõng dạc nói lên sự thật:
Em nào biết bao nhiêu máy bay
đang dội bom xuống đầu kẻ thù
những kẻ thù chưa hề biết mặt
những kẻ thù vô danh
những kẻ thù chưa biết đi
những kẻ thù chỉ lớn hơn em một chút.
(Thư gửi một em bé Hoa Kỳ)
Nhà thơ ấy làm thơ. Anh làm thơ “để nói cho mình nghe những khát thèm bất lực”. Nhưng rồi anh lại “nổi điên giận dữ”. Bởi thơ cũng chỉ là “thứ ngôn ngữ đánh lừa”. Trong “tan hoang”, người lính ấy “thèm yêu”, “thèm hát”. Nhưng Na ơi, Trâm ơi, nhà thơ - người lính ấy yêu để mà “thay thế  những cơn buồn vô cớ ”, để mà “có hai người cho đỡ cô đơn”!  Anh từng tự thán: Yêu có phải suốt đời níu giữ Một điều gì không có trong tay. Thơ tình Cao Thoại Châu “trùng điệp đau buồn, thứ đau buồn không tên để gọi”. Mà không buồn sao được, tình yêu thời tao loạn, với liên miên những chuyến khởi hành, những cuộc chia xa, những giờ đưa tiễn: Mấy giờ trưa nay người lên phi cơ… Sao người không đi bằng xe đò… Sao người không đi bằng sân ga… Và:
Tôi là núi sao người bỏ núi
Tôi là thuyền sao người không qua sông
Tôi là cầu sao người không qua thử
Cho tôi nhìn bóng nước rung rinh
Cho tôi nhìn tôi hốc hác điêu tàn
Cho tôi khóc và tôi nghe tiếng khóc…
(Để nhớ lúc Trâm xa)
Không chỉ bi quan, Cao Thoại Châu còn quá đỗi cô đơn, cô độc. Không phải cái cô đơn “niệm thiên địa chi du du” trước kiếp người. Anh cô đơn vì anh thấy mình “vô dụng” giữa “tang thương”:
Tôi là chiếc xe bò đã cũ
Đường gập gềnh tôi chở tôi đi
Đường gập gềnh tôi chở tôi về
Trên một chiếc xe bò đã cũ.
(Cám ơn, và xin lỗi một người)
Tiễn chân tuổi ba mươi anh đã tự cho “già”. Bạn bè tan tác, anh độc ẩm cùng gương “để có người đối diện”. Rồi anh đội nón đi mời em uống rượu. “Em chối từ”, anh lại “lẻ bạn, vòng tay ôm hồ rượu thấy mênh mông”… Xung quanh anh, cũng bao nhiêu là “có”… Nhưng rốt lại vẫn là:
Có ta trong một toa tàu trắng
tỉnh rượu nằm nô rỡn một mình
có em còn đứng sau khung kính
có nỗi buồn gửi một toa riêng…
(Mời em uống rượu)
Cô đơn đến thế là cùng…. Anh, “em”, và có lẽ tất cả chúng tôi đều cô đơn vậy. Có sư bất lực  nào không dẫn tới cô đơn?.
Ghi chú:
* Tựa tập thơ Cao Thoại Châu Mời em uống rượu, NXB Hội Nhà văn, 2013.
Sài Gòn, hạ chí 2013
Hoàng Trần
Theo http://hcmup.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...