Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Còn mãi đó những không gian và tình tự lý

Còn mãi đó những 
không gian và tình tự lý
Từ hồi còn trẻ, chúng tôi vẫn thường nghe và nghêu ngao mấy khúc dân ca: “Chiều chiều dắt mẹ (tà là đèo) qua đèo…”, Ơ… ai đem con sáo, sáo (nó) sang sông... Để cho, để cho con sáo, sáo sổ lồng, sổ lồng (nó) bay xa…”, “Chim quyên quầy, ăn trái quây, nhãn (i) lồng, nhãn (i) lồng, ơ cô bạn mình ơi, ơ cô bạn quen hơi…” dù chưa biết thế nào là lý. Sau này, nhờ học hành, lại biết thêm: Lý chính là một “điệu hát dân gian ngắn, gọn, tính nhạc phong phú và rõ nét, chịu nhiều ảnh hưởng của nhạc đàn” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên).
Rồi trở thành thị dân. Rồi cuốn lao theo cuộc sống, chẳng còn mấy dịp ngâm nga làn điệu lý. Tình cờ một bữa gần đây, được anh Kim Tuấn cho xem một số bài thơ lý thì dường như cả một thời tuổi trẻ, cả vùng quê thiết thân nồng hậu với những Lý qua đèo, Lý con sáo và Lý chim quyên… đều cùng bật dậy. À, thì ra vẫn còn mãi đó những không gian và tình tự lý…
Chẳng hạn, trong thơ Kim Tuấn, với Ngẫu hứng lý ngựa ô:
Đẹp thấy mồ, nên anh ngẩn ngơ
Đêm nào uống rượu, hứng mần thơ
Em ca vọng cổ mùi hết sẩy
Anh chết chìm trong mắt mộng mơ.
Hay với Lý mình ên:
“Không ai nhớ ta
Sao ta lại nhớ mình
Nhớ con cá nướng trui
Nhớ nồi canh bông bí
Theo mùa nước về
Ta hát lý lênh đênh”.
Ở đây, lý thật ra chỉ là một cái tứ để tác giả bộc bạch những cảm xúc của mình. Nhưng qua khổ thơ, lại hiện ra một không gian diễn xướng phong phú, những tình cảm mộc mạc của người dân quê Nam Bộ.
Dẫu là với Lý cây bông, Lý qua cầu, Lý chiều chiều, Lý Quảng Nam, Lý qua đèo, Lý à ơi, Lý lục bình hay với Lý bông mai… thì vẫn vậy. Không phải ca dao, đồng dao, chưa phổ vào làn điệu với những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi đặc thù của lý nhưng lời thơ vẫn dạt dào một khúc lý giao duyên. Vẫn cái không gian sông nước quen thuộc, vẫn những hình ảnh dân dã nghĩa tình, vẫn một nỗi buồn mênh mang thương nhớ, và một chút than trách nhẹ nhàng:
Chơ reng bậu bỏ tui ri
Bậu về ngoài nớ
Trong ni tui buồn
Sông xa mô biết ngọn nguồn
Cau xanh kết trái
Một buồng cau xanh…
(Lý Quảng Nam)
Ơi lý cây bông
Câu hát não nề
Ta thương nhau
Mà gần nhau chẳng đặng
Ta thương nhau
Tình sâu nghĩa nặng
Như cây lục bình quấn quít dòng sông…
(Lý cây bông)
Chợt một hôm nào đó ngồi nghe hát dân ca. Bỗng lẩm nhẩm một vài câu thơ lý…
Đầu mùa mưa Sài Gòn 2001
Trần Hoàng
Theo http://hcmup.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...