Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Bích Khê - Một đỉnh núi lạ

Bích Khê - Một đỉnh núi lạ
Nói đến Rimbaud thì phải nói đến Verlaine, nói đến Xuân Diệu thì phải nói đến Huy Cận, và lẽ tất nhiên khi nói đến Hàn Mặc Tử thì không thể quên đi Bích Khê. Bởi lẽ, đó là những đôi bạn thơ khá nổi tiếng và sự nghiệp văn học của họ đã có nhiều ảnh hưởng đến tiến trình văn học.
Khi bàn đến thơ Bích Khê, Chế Lan Viên viết: “Nếu Nguyễn Bính là đồng bằng thân thuộc, thì Bích Khê là một đỉnh núi lạ” (1). Thật vậy, khi bước vào thế giới thơ Bích Khê, chúng ta hoàn toàn choáng ngợp trước một tòa kiến trúc ngôn ngữ mới lạ và kỳ bí. Tài năng của Bích Khê trước hết thể hiện ở chỗ thi nhân đã khai thác triệt để chất liệu ngôn ngữ, tạo cho nó có đời sống riêng để trở thành cứu cánh của nghệ thuật. Bằng lối tư duy hiện đại, Bích Khê đã khoác vào ngôn ngữ thơ một bộ cánh tượng trưng lộng lẫy, đưa thi nhân bay thẳng đến địa hạt Huyền diệu - nơi ngự trị của âm thanh và sắc màu.
Bích Khê (24/3/2916 - 17/1/1946), tên thật là Lê Quang Lương, sinh tại xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sinh thời, Bích Khê chỉ mới cho in tập thơ Tinh huyết (1939), nhưng ông còn để lại bốn tập thơ khác chưa xuất bản là: Tinh hoa, Ngũ Hành Sơn, Đẹp và Mấy vần thơ cũ.
Năm 1939, Tinh huyết ra đời, Bích Khê chính thức bước vào thi đàn Việt Nam và gây khá nhiều xôn xao trong dư luận với những bài thơ tượng trưng, như: Duy tân, Tỳ bà, Nhạc… Tinh huyết được Hàn Mặc Tử gọi là “Một bông lạ nở hương, một thứ hương quý trọng, thơm đủ mọi mùi phước lộc!” Còn Hoài Thanh cũng không giấu nổi ngạc nhiên khi nói rằng “Tôi đã gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam: Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi thu mênh mông.” (2)
Người đọc chú ý Bích Khê trước hết ở tòa ngôn ngữ thơ hiện đại và tân kỳ. Bích Khê viết:
Rồng vẽ lối xưa toàn những sáo
Cua bò thơ mới chẳng nên câu”                                      
(Bán thơ)
Và:                                          
Lời truyền sóng đánh điện khắp muôn trời
Chữ bí mật chứa ngầm bao chất nổ.
(Nàng bước tới)
Rõ ràng thi nhân đã có ý thức cách tân về ngôn ngữ thơ, đưa thơ ca vào thế giới huyền diệu và gắn cho nó nhiệm vụ khải thị chân lý. Trải qua quá trình khổ luyện ngôn ngữ, Bích Khê đã tạo ra hàng loạt từ và câu thơ mới lạ có sức gợi cảm mạnh mẽ. Ở cấp độ từ, Bích Khê có một nhận thức sâu sắc về việc chống lại sự xói mòn về ngữ nghĩa, tránh lối dùng chữ khuôn sáo lầm teo dần các trường ngữ nghĩa và cảm xúc trong ngôn từ bằng cách phục sinh nghĩa từ nguyên, tạo ra từ mới, nhằm tạo cho nó có nhiều khả năng và phạm vi hoạt động rộng hơn.
Nổi bật nhất trong ngôn ngữ thơ Bích Khê là sự cách tân về câu thơ. Thi nhân không sử dụng lại những mô hình câu thơ cổ điển mà tạo ra những loại hình câu thơ mới, có khả năng diễn tả thế giới tâm linh thầm kín của con người. Nhờ vậy, Bích khê đã mở rộng biên độ hoạt động của thi ca, biến thi ca trở thành tiếng nói chung cho tất cả các ngành nghệ thuật, như: âm nhạc, hội họa, kiến trúc, vũ điệu…
Thành công và đặc trưng nhất của thơ Bích Khê là việc tạo nên nhạc tính độc đáo trong thơ. Thơ Bích Khê chính là sự dao động giữa âm thanh và ý nghĩa một cách nhuần nhuyễn. Nhạc tính trong thơ Bích Khê rất phong phú và đa dạng. Ngoài những thủ pháp xây dựng nhạc tính thông thường như: gieo vần, ngắt nhịp… Bích Khê còn tạo ra một thứ nhạc thơ mới lạ dựa trên sự đối lập thanh điệu (hay phá vỡ niêm luật bằng trắc). Nhờ đó, thi nhân đã tạo hẳn cho mình một lối thơ bình thanh hay chủ yếu là bình thanh, như: Tỳ bà, Hoàng hoa, Nghê Thường… Nhạc tính do thơ bình thanh đem lại là một thứ nhạc thần diệu có khả năng mê hoặc lòng người:
Nàng ơi! Tay đêm đương giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi …
(Tỳ bà)
Tuy nhiên, “âm thanh là một nửa tinh thần anh hoa của thế giới Huyền diệu. Còn một nửa khác là màu sắc phương phi của khí thiêng hun đúc, rạng rỡ cả một trời lưu ly, mã não, trân châu” (3). Bước vào thế giới thơ Bích Khê, người đọc không chỉ đê mê cùng tiếng nhạc diệu kỳ mà còn bàng hoàng trước những không gian với những sắc màu hân hoan, những hào quang sáng loáng đang khiêu vũ, với những luồng ánh sáng lung linh bay lượn giữa một trời thơ hằng cửu.
Ta những muốn sầu thương thôi biểu lộ
- Sắc trong màu, màu trong sắc: hân hoan…
Ta những muốn mùa đông nhừng lại chỗ
- Nhạc gầy hương, hương gầy nhạc: lan man…
Ta những muốn màn đêm về cõi mộ
- Cả không gian là bể sáng: tràn lan…
(Đồ mi hoa)
Ngôn ngữ thơ Bích khê được khai thác dưới góc độ đường nét và màu sắc đã làm cho thơ ông chứa đầy họa tính. Điều này thể hiện khát vọng của thi nhân muốn đưa thi ca vươn đến tìm tiếng nói chung với nghệ thuật hội họa.
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương
Mắt ngời châu run ánh sáng Nghê Thường
Lệ tích tụ sắp tuôn hàng đũa ngọc
(Tranh lõa thể)
Với “Tranh lõa thể”, thơ không còn là thơ mà là âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc theo một phong cách riêng, ngôn ngữ không còn là ngôn ngữ mà là thanh âm, màu sắc, đường nét, hương thơm. Đây chính là đỉnh cao của nghệ thuật siêu thần, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết Đông - Tây mà cụ thể là cái nhìn thâm hậu phương Đông trên cơ sở của thuyết tương hợp (corespondance) của chủ nghĩa tượng trưng Pháp. Điều làm nên đỉnh núi lạ giữa cánh động thi ca Việt Nam chính là ở chỗ Bích Khê kết hợp tinh hoa hai nền văn hóa và thi ca ấy.
Nhưng định mệnh luôn nghiệt ngã, thiên thu sớm về ru ngủ thi nhân. Nếu như bệnh phong đã cướp đi Hàn Mặc Tử ở tuổi hai tám, thì bệnh lao đã đánh cắp Bích Khê ở tuổi ba mươi. Hai người bạn, hai tài năng nhưng họ lại cùng chung một định mệnh.
Đời thơ Bích Khê thật ngắn ngủi, nhưng thật khó chiếm lĩnh một cách đầy đủ cái thi tài mà ông để lại. Đỉnh núi lạ ấy vẫn còn thách thức chúng ta. Tôi rất thích câu nói của Hoài Thanh khi viết về Bích Khê: “Hình như vẫn còn gì nữa…”(4) Tin chắc rằng độc giả hôm nay và mai sau sẽ dần dần khám phá được toàn bộ những âm sắc còn phong kín trên đỉnh núi lạ ấy.
Cuối cùng xin được mượn “Lời tuyệt mệnh” của thi nhân để kết thúc bài viết này như một nén nhang tưởng niệm sau 65 năm Bích Khê rời thi đàn, vân du miền xa lắc:
Thân bịnh: ngô vàng mưa lá rụng
Bút thần: sông lạnh ánh sao rơi.
Sau nghìn năm nữa trên trần thế,
Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi.
Phải chăng, đó cũng  chính là lời tiên lượng của thi nhân về số phận thi ca của mình?.
Chú thích:
(1) Chế Lan Viên, Thơ Bích Khê, Nxb Nghĩa Bình, 1988
(2), (4) Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Lao động, 1988
(3) Hàn Mặc Tử, Tựa Tinh huyết.
 Nguyễn Hữu Vĩnh
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cửa tiệm hạnh phúc

Cửa tiệm hạnh phúc Lời ngỏ Lời mở đầu Bạn thân mến, Trước khi tôi và bạn cùng đồng hành vào những trang sách bàn về hạnh phúc tiếp sau đây...