Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Nhạc tính - Nét độc đáo trong phong cách thơ Bích Khê

Nhạc tính - Nét độc đáo trong 
phong cách thơ Bích Khê
Thơ Bích Khê là thơ của âm thanh và màu sắc. Thi nhân bắt âm thanh liên kết lại theo những quy luật ngữ âm nhất định để phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của mình. Với Bích Khê, vỏ âm thanh của ngôn ngữ có khả năng mã hóa cuộc sống, thậm chí xây dựng được hình tượng cuộc sống bằng chất liệu âm thanh. Thi nhân ý thức khai thác triệt để tất cả các quy luật ngữ âm của ngôn ngữ. Đó là nét độc đáo trong thủ pháp nghệ thuật của Bích Khê và làm nên phong cách nghệ thuật của thi nhân.
Ngay từ thuở mới ra đời, thi ca đã gắn liền với âm nhạc, ay mượn ở âm nhạc phương thức và quy luật biểu hiện. Nhưng để có một quan niệm mang tính chất tuyên ngôn thì phải đến những năm 80 của thế kỷ XX. Đó là khi chủ nghĩa tượng trưng ra đời, với quan niệm rằng: Mỗi từ trong một bài thơ là một nốt nhạc hy vọng tạo thành giai điệu chủ quan làm mê hoặc lòng người. Verlaire chú ý yếu tố âm nhạc trong thơ, xem âm nhạc trước mọi sự. Thơ ca không phải để kể lể mà là ám thị, muốn ám thị cần phải có “nhạc điệu ma quái” (chữ dùng của Mallarme). Còn Valery thì cho rằng: “Thơ là sự dao động giữa âm thanh và ý nghĩa.”
Bích Khê là người ảnh hưởng sâu sắc trường thơ này, nên với thi nhân, nhạc điệu được xem là yếu tố quan trong của thơ ca. Nhờ sự thức nhận này mà thi nhân vượt ra ngoài sự quên lãng của thời gian và gây ảnh hưởng lớn đến câu thơ hiện đại Việt Nam sau này.
Đặt trong dòng chảy về nhạc tính trong thơ, chắc chắn chúng ta thấy rõ phong cách thơ Bích Khê. Sự thể hiện nhạc tính trong thơ Bích Khê vô cùng phong phú, đa dạng và mới lạ. Thành công này là cả một quá trình bắt nguồn và nuôi dưỡng vốn nhạc tính truyền thống của thi ca dân tộc, bằng sự tiếp thu tinh hoa thi ca Pháp và sự ý thức về ngôn từ một cách sâu sắc của thi nhân.
Nhạc tính nổi bật nhất trong thơ Bích khê là nhạc tính của thơ bình thanh. Thi nhân đã khoác cho thơ một bộ cánh âm thanh mượt mà, chơi vơi như những cung cầm thần tình diễm ảo, đẩy cảm xúc người đọc vào cõi sưng khói thực hư.
Thực ra, thơ bình thanh đã xuất hiện ở một vài thi sĩ cùng thời. Xuân Diệu viết:
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi.
(Nhị hồ)
Nhưng đó chỉ mới hai câu. Năm 1938, Nguyễn Xuân Sanh viết bài “Xây mơ” chủ yếu tiếng bằng, lác đác có vài tiếng trắc:
Tay sương lam mờ đường buông tơ,
Nghe sương lam mờ đường giăng tơ,
Đêm rải men tràn nơi lối dẻo
Hàng dương say đường thôi ngâm thơ.
(Xây mơ)
Tuy nhiên, đó chỉ mới là những cảm hứng ngẫu nhiên, chứ chưa phải là ý thức cách tân của các thi sĩ. Cuộc cách tân thực sự thơ bình thanh bắt dầu từ Bích Khê, thi sĩ chủ động đến với thơ bình thanh và tạo cho mình một phong cách thơ bình thanh. Với tập “Tinh huyết” (1939), Bích Khê có hẳn ba bài thơ bình thanh: Hoàng hoa, Tỳ bà và Nghê Thường, chưa kể những câu thơ bình thanh nằm đều khắp trong tập thơ.   
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng,
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.
(Tỳ bà)
Nét độc đáo, sức sống mãnh liệt của “Tỳ bà” chính là ở chỗ thi nhân biết kết hợp một cách nhuẫn nhuyễn nhiều thủ pháp nghệ thuật về âm thanh. Đó là cách gieo vần theo chiều ngang (buồn - xuân, buồn - đông quân, buồn - đồng), gieo vần theo chiều dọc (xuân - quân, đông - quân), điệp từ nâng sắc thái (buồn lưu, buồn sang, buồn vương)… Tất cả cùng hòa tan vào âm hưởng trầm buồn, nhè nhẹ của thanh bằng. “Tỳ bà” là cái buồn của thi vị, của âm nhạc, của sự hài hòa giữa hai cái đó.
Lối thơ bình thanh của Bích Khê là một sự cách tân thể loại thơ ca truyền thống. những niêm luật cũ bị phá vỡ bởi thế đối lập thanh điệu: cao - thấp, bằng - trắc. Đây là bước khám phá âm thanh độc đáo giúp thi nhân thâm nhập sâu vào đối tượng thẩm mỹ, lắng nghe được tiếng thì thầm của lòng mình, sinh khí êm đềm của ngoại giới. Với thơ bình thanh, Bích Khê đã khẳng định được sức mạnh kỳ diệu của vỏ âm thanh ngôn ngữ - cái mà người ta thường nói qua loa, thậm chí không để ý đến.
Ngoài những bài thơ bình thanh, Bích Khê còn sáng tác những bài thơ chủ yếu bình thanh, thỉnh thoảng có vài tiếng trắc điểm xuyết.
Ôi nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc
Những cánh hồng đơm những cánh hồng đơm
Nhẹ nhàng nhịp nhàng thở đều trong sương
Màu trăng không gian như gờn gợn sóng.
(Nhạc)
Lúc này, chuỗi âm thanh bằng làm nền cho những âm thanh trắc. Đó là những âm thanh nghịch biến, gây nhiều khoái cảm nghệ thuật. Sự tương phản âm thanh tạo nên những ấn tượng thính giác. Những nét chấm phá trong dòng âm thanh mượt mà như nhung lụa ấy là nơi tập trung nhiều giá trị biểu cảm của bài thơ. Tri giác nghệ thuật những câu thơ như vậy ta thường chú ý đến sự bất thường trong ngữ lưu. Bởi vì sự xuất hiện những thanh trắc không phải một sự ngẫu nhiên. Đó là dụng ý nghệ thuật của tác giả hướng người đọc vào đối tượng thẩm mỹ, tạo nên hiệu quả cao trong lưu giữ và truyền đạt.
Xem lại thơ Bích Khê, ta thấy rằng trong “Tinh hoa” không hề có bài thơ bình thanh nào, và trong giai đoạn chuyển tiếp từ “Tinh huyết” đến “Tinh hoa” thì thơ bình thanh lại có sự đan xen những tiếng trắc. Phải chăng, tác giả thấy thơ bình thanh xuất hiện nhiều sẽ làm nhạc thơ đơn điệu (dẫu từng bài giàu nhạc tính).
Tuy nhiên nhạc tính trong thơ Bích Khê không phải chỉ thể hiện ở thơ bình thanh mà còn hiện lên ở nhiều thủ pháp nghệ thuật khác. Ngoài sự khai thác giá trị âm thanh ngôn ngữ ở mặt thanh điệu: cao - thấp, bằng - trắc, … Bích Khê còn chú ý đến các yếu tố âm thanh ngôn ngữ khác như phụ âm đầu, nguyên âm (khép - mở, trầm - bổng), phụ âm cuối (vang - tắt), điệp từ, điệp khúc… Những thủ pháp này xuất hiện nhiều trong các bài: Tiếng đang mưa, Thi vị…
Mưa hoa rụng, mưa hoa xuân rụng
Mưa xuống lầu, mưa xuống thềm lan.
Mưa rơi ngoài nẻo dặm ngàn,
Nước non rả rích gingj đàn mưa xuân…
Đầm mưa xuống, nẻo đồi mưa xuống,
Bóng dương tà rụng bóng tà dương.
Hoa xuân rơi với bóng dương
Mưa trong ý khách mưa cùng nước non.
(Tiếng đàn mưa)
Sự lặp lại điệp từ “mưa”, điệp ngữ “mưa xuống” và mở rộng không gian từ ‘thềm lan” đến “nẻo đồi” rồi lan rộng ra non nước khiến cho không gian thêm trầm uất não nề, tiếng đàn mưa thêm u sầu tĩnh mịch, người nghe cũng dễ bạc đầu như chơi. Ở chỗ khác, không phải điệp khúc “mưa” mà là điệp khúc “rơi” của một mùa thu tàn tạ, chia ly đầy thi vị.
Lá vàng rơi
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn rung tiếng:
Người yêu đang ngồi…
Trăng vàng rơi
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn nghẹn tiếng:
Người yêu dậy rồi…
Hoa vàng rơi
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn rụng tiếng:
Người yêu đi rồi…
Sao vàng rơi
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn câm tiếng
Người yêu xa rồi…
Đêm vàng rơi
(Thôi hết, anh ơi!)
Đàn bẻ phím:
Người yêu chết rồi…
(Thi vị)
Bài thơ xây dựng trên cơ sở sự phát triển cảm xúc, giai điệu tàn phai của bài thơ được phát sinh từ việc lặp lại những hình ảnh tương đồng “vàng rơi” của lá, trăng, hoa, sao, đêm; và mỗi thực thể này có mối quan hệ chặt chẽ với tiếng đàn và hình ảnh người yêu. Bài thơ là một ca khúc tạ từ, và mỗi khổ là một cung bậc đau xót. Cả hai chuỗi động từ đi liền với chủ thể “đàn” (rung, nghẹn, rụng, câm, bẻ) và người yêu (ngồi, dậy, đi, xa, chết) khiến cho bài thơ hiện lên như một thể thống nhất của hành động và cảm xúc. Mỗi động từ là một dấu ấn ghi lại những cung bậc tàn phai của đất trời, biệt ly của lòng người.
Nhạc tính trong thơ Bích Khê còn thể hiện ở nhịp điệu, tiết tấu thơ. Với Bích Khê, sự dừng hơi trong ngữ lưu cũng là một phương tiện nghệ thuật tân kỳ. Trước hết, thi nhân tạo ra được nhịp điệu mới cho thơ 8 chữ. Đây là thể thơ các nhà thơ mới thường sử dụng (đặc biết nhất là Anh Thơ). Nhưng hầu hết họ ngắt nhịp ở chữ thứ 3, 5, 6 rải rác mới có câu ngắt nhịp ở chữ thứ tư.
Ngoài đường đê/ cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen/ sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm/ rập rờn/ trôi trước gió
Những con bò/ thong thả/ cúi ăn mưa.
(Chiều xuân - Anh Thơ)
Hay là                                     
Ta không muốn/ đợi ngày/ hơi thở tắt
Cánh thời gian/ bay chậm quá/ người đi.
(Máu xương - Chế Lan Viên)
Và:                                          
Xao xác tiếng gà/ trăng ngà lạnh buốt
Mắt mờ run/ kỹ nữ thấy sông trôi.
(Lời kỹ nữ - Xuân Diệu)
Thế mà Bích Khê dám “liều lĩnh” ngắt nhịp ở chữ thứ tư, làm cho câu thơ như bị tách ra làm hai, tạo nên lối thơ song phân riêng biệt.
Ôi nắng vàng thơm/ rung rinh điệu ngọc
Những cánh hồng/ đơm những cánh hồng đơm
Nhẹ nhàng nhịp nhàng/ thở đều trong sương
Màu trăng không gian/ như gờn gợn sóng.
(Nhạc)
Lối ngắt nhịp như vậy khiến người đọc có cảm giác đây là bài thơ tứ tuyệt, gieo vần gián cách từng đôi một. Nhưng giá trị bài thơ không phải ở chỗ đó, “có lẽ sức mạnh của nhạc điệu tân kỳ, của ý tưởng mới mẻ đã cuốn phăng cảm xúc của người đọc, không kịp để anh ta đủ thì giờ nghĩ đến thể tứ ngôn cũ” (Đỗ Lai Thúy). Theo Hàn Mặc Tử thì cách dừng hơi hạ vần ở chữ thứ tư làm cho câu thơ của Bích Khê nửa như riêng tây, nửa như hòa thuận, phù hợp với tâm hồn thi nhân đang tìm kiếm đến sự kết hợp Đông - Tây, kim - cổ trên nền văn hóa nhân loại.
Ở một chỗ khác, nhịp thơ không còn thuần nhất, mà được thi nhân vận dụng sáng tạo. Lúc này nhịp thơ không đều đặn mà biến thành du dương trầm bổng hay réo rắt khập khểnh.
Người họa điệu với thiên nhiên/ ân ái
Buồn/ và xanh trời/ (tôi trôi tới bờ)
Êm biếc/ khóc với thu/ lời úa ngô
Vàng/ khi cách biệt/ giữa hồn xây mộ.
(Duy tân)
Tiệc hoa sáng/ rượu chung đầy
Trông ra mây nước/ muôn trùng biếc
Nước ái/ non tình/ bóng nguyệt đây.
(Nam hành)
Nhịp điệu - nhạc thơ - cảm xúc thơ có quan hệ khăng khít với nhau. Thơ Bích Khê, nhịp điệu được ngắt theo mạch cảm xúc và chuỗi âm thanh chứ không theo quy định thể loại cụ thể. Bích Khê đã sáng tạo ra một cách ngắt nhịp riêng, điều này làm nên nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật thơ Bích Khê.
Nhạc tính trong thơ Bích Khê chứng tỏ một khả năng khác của thi ca. Đó là việc làm tê mê độc giả bằng hệ thống âm thanh của mình. Nhạc điệu đi trước, ý tứ theo sau là quy luật chung của quá trình sáng tạo âm nhạc. Nhưng nếu xuất phát từ việc xem đơn vị ngôn ngữ như một đơn vị âm thanh thì thơ ca trước hết cũng chính là nhạc. Thơ Bích khê là sự thể nghiệm cho việc hòa nhập hai loại hình nghệ thuật này. Điều đó không nằm ngoài quan niệm thơ ca và cái đẹp trong nghệ thuật tân kỳ, để àm thành một Bích Khê sáng chói trên bầu trời thơ ca Việt Nam.
 Nguyễn Hữu Vĩnh
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngôi sao thiên thần

Những ngôi sao thiên thần Nắng, cái nắng đầu mùa oi ức không có một cây nào để che chở làm mát bên ven đường, chỉ có những hạt bụi li ti...