Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

Như giọt sương khát nhớ

Như giọt sương khát nhớ
Đọc xong hết tập thơ đầu tay mang tên “Như giọt sương khát nhớ” của Hồ Tịnh Văn, tôi phát hiện ra đây chính là một cuốn nhật ký “yêu” của một người phụ nữ vừa tròn 40 tuổi. Năm tác giả sinh ra cũng là năm Việt Nam thống nhất. Bắc, Nam thôi phân hai, giòng sông Bến Hải thôi chia nửa. Có lẽ vì được thừa hưởng sựthanh bình của đất nước nên khi làm thơ, cô giáo dạy văn Hồ Thanh Tịnh (tức Hồ Tịnh Văn) đã viết nên những câu thơ rất hiền hòa, êm ái và rất giản dị, cả khi ghen: Em chẳng bao giờ ghen/ Chỉ thấy hơi chóng mặt/ Khi tình cờ bắt gặp/ Anh đang cười với ai…/ Chỉ thấy hơi tưng tức/ Khi thấy anh chuyện trò/Khi biết anh nói dối/ Biết anh đang mong đợi/Một người không phải em (tr.36).
Tập thơ có 45 bài thì hầu hết đã dành cho những nhớ mong, khắc khoải. Chuyện như thế cũng bình thường thôi, bởi khi yêu, người ta còn biết làm gì ngoài việc trông ngóng, tưởng tượng, rồi hồi tưởng về cái vị men nồng nồng, cay cay của rượu yêu. Cũng là phụ nữ, Hồ Tịnh Văn không thoát khỏi quy luật đó, còn nói theo ngôn ngữ internet hôm nay, là đã được “lập trình”: Cà phê một mình/ giữa phố phường đông đúc/ Em nhớ anh./ Ly cà phê Sài Gòn và nỗi nhớ xanh… (tr.16).
Đọc thơ của Hồ Tịnh Văn tuyệt nhiên không tìm ra được hình ảnh một cuộc sống xô bồ, hối hả, bon chen của xã hội hôm nay. Mà chỉ thấy những làn gió nhẹ, khẽ, rất lành thoảng qua êm đềm cùng với vị ngọt của tình yêu quấn quýt, cùng sự khao khát cháy bỏng kêu gọi: Anh háy ôm em đi/Đặt bàn tay lên mái tóc/ Cho đêm nay em vơi đi trằn trọc/ Cho tim nồng da diết tình si/ Anh háy ôm em đi/ Dù trời đất ngoài kia sụp đổ/ Dù cuộc đời cồn lên ngàn báo tố/ Em sẽ tan vào ảo ảnh chẳng sợ chi/ Háy ôm em đi./ Háy ôm em đi… (tr.20).
Thi thoảng lắm, tác giả lại xen vào một bài thơ nhớ về cái thời áo trắng: Tháng tư về xôn xao mùa hạ đỏ/ Ve ru buồn cho héo hắt lòng ai/ Cánh phượng hồng bay ngang trời lộng gió/ Mối tình đẩu cứ ngỡ đá nhạt phai (tr.34). Một vài bài thơ cho quê hương, làm cho mạch yêu trong tập thơ chùn lại giây phút, rồi tiếp tục căng tràn. Sinh ra ở Hà Tĩnh, lập nghiệp đất Biên Hòa, chắc có lẽ, đôi khi nhìn đất lạ người dưng, tác giả đã chạnh lòng: (…) Mai ta về thăm lại quê ta/ Leo rú Hống ngày xưa ta lấy củi/ Chùa Thiên Tượng nơi mẹ cẩu may tránh rủi/ Kia Suối Tiên dạo ấy thuở chăn bò (tr.28).
Là thế hệ sinh năm 1975, chọn con đường văn chương sau cái nghề dạy học cũng là chuyện bình thường đối với một cô giáo dạy văn, nhưng hình như tác giả không giống một số bạn văn chương cùng thế hệ của mình, là đổi mới hình thức thơ, hay mang tính thời sự đất nước vào thơ, làm nóng thơ bằng việc cách tân thơ. Hồ Tịnh Văn chỉ đơn thuần trải lòng mình ra, đơn thuần yêu là nhớ, yêu là khổ, yêu là cam chịu phần thiệt thòi. Đây cũng là đức tính của người phụ nữ phương Đông, giỏi chịu đựng và câm lặng.
Dĩ nhiên cái yêu của Hồ Tịnh Văn là không mới, nhưng nó là đề tài muôn thuở của nhân loại, không thể thiếu vắng khi đề cập tới, nhất là trong lãnh vực thi ca. Viết về cách đau, cách nhớ, cũng không lạ với mọi người, nhưng nó là căn bệnh chung của những người đã yêu (ít nhất một lần), nên dễ thông cảm. Thơ tình của Hồ Tịnh Văn cũng như thơ tình của những người đi trước, nhưng mỗi người có một cách bày tỏ riêng của mình, như một món ăn, mỗi người có một bí quyết nấu cho ngon. Chính cái việc “nấu cho ngon” kia mới là kết quả cuối cùng để được chấp nhận. Mà thuyết phục được mọi người chấp nhận mình e rằng không dễ. Đó chính là điều khó nhất của người làm thơ hôm nay.
“Như giọt sương khát nhớ" (NXB Hội Nhà Văn 2015 của Hồ Tịnh Văn đã được ra mắt và phát hành vào ngày rằm tháng Giêng năm nay (Ất Mùi - 2015) tại cung Văn hóa Lao Động TP.HCM. Trong buổi ra mắt tập thơ, Hồ Tịnh Văn đã nhận được rất nhiều ưu ái của người yêu thơ, trong số đó có rất nhiều người là học trò của tác giả.
13/8/2015
Thường Đoan
Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...