Đánh thức ban mai
Hành trình của người mẹ có con tự kỷ
Tập sách Đánh thức ban mai của Nguyễn Thị Việt Hà là hành
trình hơn một năm lần theo những câu chuyện của các gia đình có con tự kỷ ở cả
ba miền đất nước để thuyết phục họ mở lòng kể câu chuyện của mình.
Bạn đã bao giờ tìm hiểu “Hạnh phúc của người làm mẹ là
gì?”. Hạnh phúc của người làm mẹ đôi khi chỉ đơn giản là đủ 9 tháng 10 ngày chờ
mong, đón con chào đời lành lặn, không dị tật; là đưa con đi tiêm về không bị sốt,
con ngoan cả ngày; lần đầu nghe tiếng con bi bô tập gọi mẹ. Hạnh phúc đó còn có
thể là giọt nước mắt bật ra từ niềm hạnh phúc khi đứa con không may khiếm khuyết
của mẹ tưởng chừng như câm lặng suốt đời kia cất tiếng gọi mẹ ơi và ánh mắt của
con đã chịu dừng lại nơi ánh mắt cha mẹ đang trông đợi.
Tạm gác lại những bộn bề lo toan về cuộc sống hàng ngày, ngồi
xuống và lật giở từng trang sách trong cuốn “Đánh thức ban mai” của Nguyễn Thị
Việt Hà, một nhà văn, một người mẹ có con bị mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ; để cảm
nhận tiếng rung của những giọt nước mắt trong từng câu chuyện của người mẹ
trong hành trình bên con của mình. Giọt nước mắt của tột cùng đau khổ khi tiếp
nhận con mình sẽ mang hội chứng tự kỷ suốt đời và nếu không can thiệp đúng hướng
sẽ không có khả năng hòa nhập cuộc sống bình thường. Giọt nước mắt vỡ òa khi
môi con mấp máy thành lời bi bô tiếng đầu tiên gọi mẹ.
Đánh thức ban mai của Nguyễn Thị Việt Hà là hành trình hơn một
năm lần theo những câu chuyện của các gia đình có con tự kỷ ở cả ba miền đất nước
để thuyết phục họ mở lòng kể câu chuyện của mình. Với 99 trang sách kèm theo
hình ảnh ở 15 phân đoạn, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà đã gửi tới các bậc phụ
huynh, những người có con bị rối loạn phổ tự kỷ thông điệp xuyên suốt: cha mẹ
chính là cánh cửa đầu tiên, liên tục, là vành đai hỗ trợ tích cực nhất trong điều
trị bệnh cho con. Cuốn sách sẽ giúp độc giả hiểu được nỗi niềm của những ông bố,
bà mẹ đã vượt qua thời gian khủng khoảng khi đón nhận tin con họ mắc chứng tự kỷ.
Họ đã phải làm gì, bằng cách nào, ruồng bỏ hay can đảm đối mặt, gục ngã hay đứng
lên cùng con tìm một con đường tươi sáng hơn?
“Tôi không kỳ vọng làm một siêu phẩm để có thể thay đổi
quan điểm, sự đánh giá chưa đúng về tự kỷ đang tồn tại trong cộng đồng. Tôi đi
từng bước nhỏ và cẩn trọng đối với mảng đề tài chưa được quan tâm khai thác và
nhiều e ngại chỉ với hy vọng thay đổi sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng
đối với người tự kỷ”, Việt Hà chia sẻ.
Theo dõi tập sách nhỏ này, người đọc sẽ cảm nhận được sự tuyệt
vọng, nuối tiếc, hối hận… rồi lại gắng gượng, hy vọng… của chính những người
trong cuộc. Tất cả, đôi khi không tuân theo một quy luật diễn biến nào mà tựa
như một dòng sông chảy qua mọi địa hình để đến cuối cùng vẫn tìm được ra biển cả.
Những đứa con dường như được sinh ra từ trái tim của những
người mẹ. Và, khi đã làm mẹ, những người phụ nữ không được phép ốm đau, mệt mỏi,
kiệt sức. Họ có sức mạnh của một siêu nhân, lòng bao dung như biển cả và sức chịu
đựng như ngọn núi ngàn năm để đưa con mình đến bến bình yên. Đánh thức ban mai
phác họa nhiều chân dung bà mẹ siêu nhân hơn thế, những bà mẹ dám cùng con vượt
qua nghịch cảnh.
Sách được xuất bản vào ngày 2/4/2017, Ngày Thế giới nhận thức
về tự kỷ, như một lời nhắc, như một sự sẻ chia với những ông bố, bà mẹ không
may có con mắc phải hội chứng này: Có thể, bất hạnh mang tên trẻ tự kỷ sẽ gõ cửa
nhà bạn. Nếu buông xuôi, đó sẽ là nỗi buồn của cả cuộc đời. Nhưng, nếu chấp nhận
cùng con chiến đấu, niềm vui sẽ ở đâu đó trong tầm tay.
29/03/2017
Trung Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét