(Trích)
[…] Trong số các nhà thơ có tên trong quyển Thi nhân Việt
Nam, tuy cũng có người đáng lẽ không nên liệt vào - và đọc họ bao nhiêu lần tôi
cũng không có được cảm giác nào rõ rệt cả - nhưng có hai thi sĩ làm tôi bực tức
nhất là: Hàn Mặc Tử và Bích Khê. Cái chết của Hàn Mặc Tử đã ồn ào lắm. Và các
nhà phê bình không phải đã khen thơ Hàn Mặc Tử một cách vu vơ. Nhưng nhà thơ ấy
đã đưa ra nội một Ave Maria! cũng đủ làm mất hết thiện cảm của tôi rồi. [...].
Đến Bích Khê mà Hàn Mặc Tử hết lời khen tặng trong bài
tựa tập Tinh huyết, tôi rất lấy làm lạ sao tác giả Thi nhân Việt Nam,
đã viết được những trang thật giá trị, lại cũng thiếu sáng suốt như Hàn Mặc Tử
mà bảo rằng: “Tôi đã gặp trong Tinh huyết (của Bích Khê) những câu
hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam. "Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng,/ Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông".
Hai câu ấy có hay vào bậc nhất không, khỏi nói tất ai cũng biết
nó may ra chỉ đọc nghe được mà thôi.
Đã hết đâu! Đối với bài Duy tân tác giả Thi
nhân Việt Nam, còn dám bảo: “Tôi đã đọc không biết mấy chục lần bài Duy
tân. Tôi thấy trong đó những câu thật đẹp”.
… Vì hình dung những sắc
mát non tơ,
Như mặt trời lọc qua khóm liễu, một
Hoàng hôn…
Trong ba câu thơ ấy, tôi thấy Bích Khê làm một cái liên cước
(enjambement) sai luật thơ Pháp.
Theo luật thơ Pháp, phàm muốn làm liên cước, người ta chỉ được
phép nối liền câu thơ trên với câu dưới bằng một động từ (verbe) với một túc từ
(conplément), hay bằng một chủ từ (sujet) với một động từ, như trong hai câu
thơ này của Trần Huyền Trân:
Tôi nghe xa lắm làn mây trắng
Rời bóng kinh thành lững thững đi
(Giao
thừa)
Cái liên cước của Bích Khê lại nối liền một quán từ (article)
với một danh từ (nom): chữ một trong câu thứ hai là quán từ nối liền
với hoàng hôn trong câu kế là danh từ. Rõ ràng Bích Khê không hiểu luật
thơ!
Thơ của Bích Khê, Hàn Mặc Tử đầy tưởng tượng. Nhưng các hình
tượng, do óc tưởng tượng của hai ông tạo ra, rời rạc, vấp váp và rơi như lá
vàng buổi chiều thu!” […].
Nguồn:
- Tri tân, Hà Nội, s. 134 (tháng 3/1944)
- Trích theo sưu tập Tạp chí Tri Tân (1941-1945). Phê
bình văn học, Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm biên soạn, Nxb.
Hội Nhà Văn, H., 1998, tr. 186-188.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét