Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Hai bài bàn về Thơ mới của Phan Khôi có liên quan đến Bích Khê

Hai bài bàn về Thơ mới của Phan Khôi 
có liên quan đến Bích Khê
BÁO TIẾNG DÂN NÓI SAI,
TÔI KHÔNG HỀ CÔNG KÍCH THƠ MỚI
Báo Tiếng dân gần đây có hai bài trong hai số tiếp nhau tuyên bố lên rằng ông Phan Khôi, là tôi, đã bắt đầu công kích lối thơ mới. Tôi thấy mà rất lấy làm ngạc nhiên. Tôi không hề có khi nào phản đối lối thơ mới cả, cũng chưa từng bắt đầu nghĩ đến việc ấy, sao người ta lại hô lên như vậy?
Tôi là người đề xướng ra thơ mới, vì bài Tình già của tôi ra đầu hết; nếu lui một bước, tôi không chịu nhận lấy cái danh người đề xướng thì ít nữa tôi cũng là một người trong những người đề xướng thơ mới, há có lẽ nào mới giáp mười năm mà tôi đã quay lại nó mà phản đối hay sao?
Sợ cho anh em trong làng thơ mới không rõ đầu đuôi, tin lời báo Tiếng dân rồi chưởi tôi là thằng phản phúc, nên cực chẳng đã tôi phải viết bài nầy đính chánh, - đáng thương hại cho ngòi bút của tôi cứ luôn luôn là đính chánh.
Trong số 1594 báo Tiếng dân viết rằng: “Ông Phan Khôi trước có hùa vui viết thơ mới một đôi bài… nay thấy trong làng thơ mới của bọn trẻ có lắm bài vô nghĩa, trong Dân báo ông Thông Reo (hiệu ông Phan Khôi) có bài dưới mục “Chuyện hằng ngày” (số ra ngày 25/6/1941) cho thơ mới là một cái tai nạn của văn học, xem đó đủ thấy giá trị thơ mới ngày nay là thế nào”.
Đoạn đó ở trong “Lời nói đầu” của Việt ngâm thi thoại đăng ở số báo nói trên, dưới ký là Minh Viên.
Tiếp số sau, 1595, ra ngày 12/7/1941, nơi mục “Chuyện đời”, Chuông Mai viết: “Nhà túc học và tay đàn anh trong làng báo là ông Thông Reo (tức Phan Khôi) trước kia giữa phong triều thơ mới, nhớ như ông có viết một bài về cái đề “mua sò trên xe lửa”… Nhưng (1)  mới đây ông kinh hoảng mà la lớn: “Một tai nạn trong văn học” (bài nầy trong Dân báo ra ngày 25/6/1941) trong bài nầy ông chỉ vạch những câu vô nghĩa trong thơ mới rất là rành rẽ. Xem đó đủ thấy trưng triệu đổ sụp của thơ mới. Chuông Mai rất biểu đồng tình với… bạn Thông Reo mà hô lớn rằng: Xứ ta còn sản xuất thứ thơ mới là một điều vô phúc cho làng văn nước nhà”.
Xem đó, bạn đọc thấy Tiếng dân nói rõ ràng rằng tôi cho thơ mới là một tai nạn của văn học và Chuông Mai tỏ ý muốn cùng tôi đánh đổ thơ mới. Mà nói như thế, báo Tiếng dân lấy chứng cứ ở đâu? Chỉ lấy ở bài đăng dưới “Chuyện hằng ngày” trong Dân báo của Thông Reo.
Thông Reo, báo Tiếng dân nói là hiệu của tôi, điều đó rất là vô lý, tôi không nhận. Tuy vậy, cho đi rằng Thông Reo tức là Phan Khôi nữa, thì cũng nên xem lại thử bài ấy Thông Reo nói những gì.
Nguyên văn bài ấy ra ngày 25/6/1941 dưới mục “Chuyện hằng ngày” trong Dân báo là như vầy:
MỘT TAI NẠN CỦA VĂN HỌC
(đó là cái đề)
Nền văn học Việt Nam mới gầy dựng lên vài chục năm nay, đến nay bỗng dưng gặp một tai nạn lớn. (lược và đoạn không quan hệ) Cái tai nạn gì thế? Chẳng có gì lạ, chỉ là viết văn không nghĩa. (lại lược một câu)
Phàm văn, khoan cầu hay đã, trước phải cầu cho có nghĩa. Phải có nghĩa đã, rồi sau mới nói đến hay hay dở.
Nhưng hiện nay có một hạng văn sĩ, hình như họ chỉ cầu cho hay, còn có nghĩa hay không, họ không cần. Bởi vậy thường có những câu vô nghĩa trong văn họ mà có lẽ họ gọi là hay đó.
Một tập thơ xuất bản đã lâu, nhan là Tinh huyết, tác giả là Bích Khê, mà đến ngày nay tôi mới đem ra chỉ trích cũng hơi muộn. (lại lược một câu).
Một bài đề là Hoàng hoa trong có những câu như vầy:  
Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời,
Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi.
Vàng phai nằm im ôm non gầy,
Chim yên eo mình nương xương cây.
“Lam nhung” là gì? “Xanh nhung” là gì? “Chim yên” là gì? “Xương cây” là gì? Chẳng có nghĩa gì cả. (lược bỏ nhiều câu ở dưới vì đều thế cả)
Không hơi đâu mà kể cho hết cái vô nghĩa của họ… Họ điên chăng? Nếu thế, chỉ có người điên mới hiểu mà thôi.
Coi như trên đó, Thông Reo có hề công kích thơ mới không? Nếu Thông Reo có công kích thơ mới thì tôi cũng xin nhận là tôi - Phan Khôi - có công kích thơ mới.
Không hề! Thật là không hề! Thông Reo chỉ công kích sự viết văn vô nghĩa mà thôi, chứ có hề công kích thơ mới đâu?
Nguyên văn, Thông Reo nói: “Cái tai nạn gì thế? Chẳng có gì lạ, chỉ là viết văn không có nghĩa”.
Thông Reo nhận cho sự viết văn không có nghĩa là một tai nạn của văn học.
Thế mà đến báo Tiếng dân, báo ấy nói rằng: “Ông Thông Reo (hiệu ông Phan Khôi) cho thơ mới là cái tai nạn của văn học”!
Thế là Tiếng dân nói sai. Tôi xin cải chánh.                                         
Nguồn:
Dân báo, Sài Gòn, s. 627 (23 Juillet 1941).
Chú thích:
(1) Đoạn nầy vì tôi có bỏ bớt nguyên văn nên có thêm một vài chữ cho chạy ý, như chữ “nhưng” này (nguyên chú của Phan Khôi)
SAU KHI ĐÍNH CHÁNH BÁO TIẾNG DÂN:
Ý KIẾN TÔI ĐỐI VỚI THƠ MỚI
Phan Khôi
Cũng trong ngày cho đăng bài đính chánh mấy lời sai lầm của báo Tiếng dân ở một số trước, tôi có nhận được thơ của người bạn ở Huế, ông Nguyễn Đức Nguyên, bút tự Hoài Thanh, gởi mua một năm Dân báo mà dặn rằng phải bắt đầu gởi cho ông ấy từ số nào có bài bàn về thơ mới.
Việc riêng của giữa hai người với nhau, xin lỗi ông Hoài Thanh cùng bạn đọc nữa, tôi đem nói vào đây là vì chính nó có sự quan hệ: Bởi báo Tiếng dân nói sai nên ông Hoài Thanh mới có chỗ hiểu lầm.
Trong Dân báo lâu nay, ở dưới tên ký của người nào cũng chẳng hề có bài nào luận về thơ mới cả. Thế thì sao ông Hoài Thanh lại bảo bắt gởi từ số có đăng bài ấy?
Tôi chắc rằng bởi ông ấy thấy hai bài trong báo Tiếng dân mà tôi đã nói đến trong số trước, rồi tưởng rằng gần nay trên Dân báo chắc thế nào tôi cũng có bài phản đối hay công kích thơ mới, cho nên Tiếng dân mới cứ theo mà thuật lại. Thế rồi, theo ông Hoài Thanh nghĩ, tôi từ trước là người có chưn trong làng thơ mới, sao nay lại trở mặt toan “bỏ làng”? Nghĩ thế rồi ông nhứt định đòi cho được số báo ấy để xem thử cái luận điệu của tôi ra sao.
Hôm nay, đọc bài đính chánh của tôi đã ra trước và bài nầy, ông Hoài Thanh, cùng hết thảy bạn đọc nữa, đều hiểu rằng tôi chưa hề công kích hay phản đối thơ mới; tôi chỉ công kích sự viết văn không có nghĩa mà báo Tiếng dân nói sai đi. Tôi nói sự viết văn vô nghĩa là cái tai nạn của văn học mà Tiếng dân lại thuật lộn rằng ông Phan Khôi nói thơ mới là cái tai nạn của văn học!
Chỉ có vậy mà sanh chuyện!
Vả tôi chỉ trích những câu vô nghĩa trong tập Tinh huyết của Bích Khê; tập Tinh huyết  dầu có là thơ mới đi nữa, báo Tiếng dân cũng không được phép cứ theo đó mà nói rằng tôi công kích thơ mới. Cái lẽ ấy cực kỳ dễ hiểu. Cũng như khi cụ Huỳnh Thúc Kháng nếu có chỉ trích những câu vô nghĩa trong một bổn tiểu thuyết nào, tôi há có thể vin theo đó mà nói cụ công kích lối văn tiểu thuyết hay sao?
“Thơ mới là cái tai nạn của văn học” - báo Tiếng dân nói ông Phan Khôi nói như thế, - tôi đọc tới mà ngẩn người ra, vì tôi không hề nói như thế, tôi không hề phản đối hay công kích thơ mới.
Vậy thì ý kiến tôi đối với thơ mới như thế nào, luôn tiện tôi cũng nên bày tỏ ra ở đây.
Chữ “mới” trong cái danh từ “thơ mới”, có người cho là lạm, không xứng đáng, vì nó không phải mới gì, nó lấy nguồn ở thơ cổ phong hay từ khúc mà ra. Dầu vậy, cái danh từ ấy cũng thành lập được. Vì cái thể thơ như của Thế Lữ, Xuân Diệu, xưa nay chưa có ai làm nhiều, mà bây giờ có, thế là chúng ta nhận cho nó thành một thể được rồi.
Thể thơ ấy phần nhiều dùng tám chữ làm một câu. Hoặc giả sau nầy không gọi là “thơ mới” nữa mà gọi là “thơ bát ngôn”, như ngũ ngôn, thất ngôn đã có rồi, cũng chẳng có gì trái với nguyên lý của văn học cả, cũng chẳng có gì làm hại, kêu bằng tai nạn cho văn học cả. Thế thì việc gì mà người ta yểm ố nó, cự tuyệt nó cho đành? Ai công kích thơ mới, tôi dám bảo người ấy chỉ tỏ mình ra là hẹp lượng và thiếu sự thấy xa biết suốt.
“Ông cứ việc mà đánh đổ thơ mới đi, rồi sau nầy thơ mới nó cũng cứ đứng vững và phát đạt như thường” - Câu nói ấy bất luận ra từ miệng người nào, sau đây vài ba mươi năm, nó sẽ được truyền tụng như câu của một nhà thiên văn học ngày xưa: “Mặc dầu các ông phản đối cái thuyết địa viên,  trái đất cũng cứ việc quay và quay chung quanh mặt trời!”
Chắc lắm, không hồ nghi gì nữa, cái lẽ nó phải như thế. Sau tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát gián thất, thêm một thể nữa gọi là “bát ngôn” làm giàu thêm cho văn học Việt Nam mà không trật ra ngoài con đường rầy tiến hoá, thì là sự chúng ta nên hoan nghinh, chứ lại điên gì mà yểm ố và cự tuyệt?
Lý thuyết thì như thế, mà cứ xem hiện trạng thì chính tôi cũng nhận thấy vài ba năm nay thơ mới đã ra nhiều và nhảm lắm.
Cái nhảm đó là do vài bốn kẻ tuổi trẻ, kém học thức mà lại tưởng mình có thiên tài, rồi cứ thuận mồm ngâm vịnh bừa đi. Một vài kẻ có những ý tứ lời lẽ quá nông nổi và non nớt như những bài đăng trên các báo về mục “Vườn thơ”; một và kẻ cố ý đặt cho mắc mỏ, tưởng thế là hay, chẳng dè thành ra vô nghĩa, như tập Tinh huyết đó. Đã thế rồi còn có một vài kẻ tự coi mình là đàn anh, như ông Hàn Mặc Tử, theo mà tưng bốc, - chính ông ấy đã tưng bốc tập Tinh huyết, là thứ thơ không có nghĩa, lên chín từng mây! Như thế bảo thơ mới còn biết kiêng nể ai mà không đâm ra nhảm?
Ấy thế mà đừng lo. “Sông có khúc, người có lúc” thì văn học hay là thơ cũng có thời kỳ của nó. Thời kỳ nầy chỉ là một thời kỳ hỗn độn của thơ mới, nó phải đi cong quanh một lúc rồi trở lại theo đường thẳng mà tiến lên, làm vẻ vang cho nền văn học của chúng ta cho mà xem!
Sao mà dám chắc thế?
Vì một thể thơ đã sản xuất được những bài như của Xuân Diệu, của Thế Lữ thì không có thể nào nửa chừng bỗng tiêu diệt đi được, chết đi được, tha hồ cho ai ra sức đánh đổ nó, đang tay bóp cổ nó!.
Phan Khôi
Nguồn: Dân báo, Sài Gòn, 
s. 628 (24 Juillet 1941)
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...