Lê Sa và những dòng thơ
trân quý quê hương
(Tập thơ “Sông vẫn chảy” của Lê Sa do Hội Liên hiệp
Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận xuất bản tháng 4 năm 2018)
Với 48 bài thơ in trong tập thơ “Sông vẫn chảy” người đọc dễ
dàng nhận thấy tác giả Lê Sa có thiên hướng luôn dành tình cảm, tình yêu đến
quê hương trong sáng tác của mình. Đó là hình ảnh làng quê, đất quê, dòng sông
quê, khoảng trời quê, con người chân quê qua ánh xạ tâm hồn đa cảm của anh.
Thơ Lê Sa có biên độ chủ đề rộng, nhiều sắc thái đời sống thường
nhật, song dù ở chủ đề nào, khi đọc vẫn thấy ẩn hiện tình yêu thương quê hương
trong thơ anh. Điều đặc biệt là dù tác giả chỉ nói tình cảm, tâm trạng riêng tư
của mình nhưng sức lan tỏa, cộng cảm đến nhiều người nên lâu nay thơ anh cuốn
hút nhiều người đọc là thế.
Lê Sa thường khi chỉ nói về một quê hương làng Từ Tâm của
anh, một tiếng gọi mẹ của anh, song khi đọc lên, bất cứ người đọc nào cũng cảm
thấy nao lòng về miền quê của riêng mình:
“Nơi nào còn bến sông quê
Để ta đo lại lời thề nông sâu
Trăm năm nước vỗ chân cầu
Gió vu oan…
Thổi bạc đầu mẹ ơi!”
(Bốn mươi năm ngoắt bóng quê nhà)
Bài thơ nào của Lê Sa cũng gần như ẩn chứa tình cảm trong chữ
nghĩa là chính, khác với loại thơ liệt kê, miêu tả… Mỗi bài thơ là một là một
khối lượng chữ nghĩa quen mà lạ, cụ thể mà gần như trừu tượng, triết lý, lại chứa
đựng hình ảnh hữu hình nhất, gợi cảm. Hồi ức về người thân, anh viết những dòng
thơ hiện diện rất nhiều hình ảnh cụ thể không mang tính kể lể, khi đọc lên ta
xúc động bởi tác giả đã vô tình nói thay tâm trạng cho nhiều người:
“Thương mẹ già bạc trắng tóc đầu non
Ngồi vá mãi một mảnh đời đơn thoại
Chà Bang xưa dấu ngàn năm sương khói
Mà người cha như vết hạc lưng trời
Con nhìn về thương mẹ quá mẹ ơi
Phải áo gấm nên con hoài lạc xứ
Giá cuộc đời là dòng sông vô lự
Để mỗi chiều con neo gió buông câu
Để mỗi chiều ngồi ngắm bóng chân cầu
Nghe nước vỗ khúc hoài ca đầm ấm”.
(Khói chiều và Mẹ)
Lê Sa có sở trường dùng ngôn ngữ bình dị, mộc mạc, lạ, bất ngờ,
dựa theo một lối nói đặc biệt trong dân gian để sáng tác thơ, song khi hoàn
thành một tác phẩm, thì đó là một tác phẩm rất giàu tứ thơ, giàu hình ảnh và
sâu sắc, đôi khi mang tính triết luận như đã dẫn ở trên: “Giá cuộc đời là
dòng sông vô lự, Để mỗi chiều con neo gió buông câu, Để mỗi chiều ngồi ngắm
bóng chân cầu, Nghe nước vỗ khúc hoài ca đầm ấm”.
Và đây, chỉ vài dòng, vài con chữ, tác giả đã đưa người đọc về
một miền quê gần gũi mà cũng bàng bạc xa xăm, nhưng mục đích chính vẫn là nói
lên tâm trạng nhớ quê:
Trăng ngun ngút bóng đường quê cát lầm
Người còn giặt lụa ven sông
Một chiều lau lách bên dòng yên hoa
Mười năm đuổi mộng giang hà
Ta về thương quá bờ hoa mướp vàng
Như con chim cuốc vườn hoang
Gọi em thấu suốt giữa ngàn dâu xanh”.
(Bóng quê)
Quả thật, vì Lê Sa sáng tác theo cảm xúc, chữ nghĩa lạ, không
dễ dãi với bản thân, nên thường có khi năm ba tháng mới được một bài… Ở anh có
một đức tính là rất nặng lòng với “Đời”, từ đất quê, sông quê, thửa ruộng (anh
hiện vẫn chân đất gieo mạ, theo nước, kêu thợ gặt lúa…), có khi cám cảnh một mảnh
đời bắt ốc mò cua ven suối, hoặc nặng lòng trong cuộc đông vui chỉ thiếu vắng một
người bạn… Bao lần đi cùng Lê Sa về Từ Tâm, Hòa Thủy, Mư Đa, Mư Côi, cùng tìm về
địa danh xưa ấp Nam, bàu Ấu, cùng anh hít mùi bùn khi cày, mùi rơm khi gặt… tôi
quá hiểu một tâm hồn lãng đãng luôn luôn “trân quý” quê hương (chữ của Lê Sa).
Xin trân trọng giới thiệu tập thơ “Sông vẫn chảy” của Lê Sa với
người đọc gần xa như món quà tình cảm vẫn chảy về quê hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét