Tôi muốn viết về một người bạn. Nhưng đã không dưới mười lần
cứ cầm bút lên rồi lại đặt xuống. Rồi bỗng một ngày, tôi chứng kiến một
cảnh “màn trời chiếu đất”. Và tôi quyết định viết...
1. Hiền ngồi kết toán sổ sách thu chi trong ngày. Cả tháng nay
anh bù đầu với cái đống giấy tờ, hóa đơn dầy cộp. Từ ngày tốt nghiệp Trường Đại
học kinh tế, khoa tài chánh kế toán Thành phố Hồ Chí Minh rồi xung phong ra tận
vùng đảo xa xôi làm việc cho tới nay chưa bao giờ anh đụng phải sổ sách chi
tiêu nhiều như thế. Ngay cả trước kia, khi anh nghe lời trưởng phòng Thương
nghiệp huyện đi buôn lậu bên Cam-pu-chia để rồi phải lãnh án tù ba năm thì sổ
sách cũng không đến nỗi kết toán hàng ngày lên đến hàng trăm triệu đồng như
thế này. Vất vả là thế nhưng có đồng ra đồng vào vợ con cũng đỡ khổ. Không
như trước kia, anh dắt vợ con đi hết đảo này đến đảo nọ lột tôm, lột ghẹ suốt
ngày còng cả lưng mà cũng chẳng đủ nuôi hai thằng nhỏ ăn học. Anh nghĩ thầm:
nhờ cơn bão số 5 mà có lắm thằng phất lên, mình cũng theo đó mà hưởng xái
chút đỉnh. Hơn một tháng trước, bão số 5 (còn gọi là cơn bão Linda) đổ vào
vùng biển Cà Mau, Rạch Giá đã làm thiệt hại rất lớn về kinh tế, trong đó
ngành thủy sản là thiệt hại nhiều hơn cả. Theo tờ báo địa phương đưa tin thì
có tới 2.383 chiếc tàu đánh cá bị chìm, trong đó mất tích 199 chiếc, hư hỏng
243 chiếc, ngoài ra còn có 4.500 ha diện tích nuôi thủy sản (tôm, sò, ngọc
trai…) mất trắng; gần hai ngàn người chết và mất tích. Sở dĩ có thiệt hại quá
lớn về người và của như vậy là vì ngư dân ở đây chưa có nhiều kinh nghiệm đối
phó với bão như ngư dân ở miền Trung. Ở vùng đất miền Tây Nam bộ này, vốn có
thời tiết hiền hòa, ít bão. Họ chưa từng chứng kiến một cơn bão nào kinh
hoàng như thế. Bất ngờ quá, họ không kịp trở tay.
Sau cơn bão, được sự chỉ đạo của Trung ương, UBND Tỉnh giải
quyết cho những ngư dân bị thiệt hại tài sản do cơn bão gây ra được vay vốn
ưu đãi đặc biệt để đóng mới tàu thuyền đánh cá nhằm vực dậy nền kinh tế. Mà
Nhà nước lại khuyến khích các chủ ghe đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ. Cho nên
số tiền mà mỗi chủ ghe phải vay có khi lên đến hàng tỷ. Ngư dân bỗng nhiên có
tiền đóng tàu mới, đồng nghĩa với việc họ có cơ hội phát huy sở trường của mình
để vươn lên làm giàu nên họ mừng rỡ mà không ngần ngại cung phụng cho bọn ăn
theo như cán bộ ngân hàng, kho bạc, chủ các ụ tàu... Họ chỉ mong sao cho chiếc
tàu mới của họ hoàn thành một cách thuận lợi, suôn sẻ, mau chóng để họ sớm được
ra khơi. Họ chẳng hề nghĩ đến hoặc cũng chẳng có đủ tầm nhìn xa mà tính đến
việc họ sẽ phải nai lưng ra làm để mà trả một món nợ khổng lồ cho nhà nước
sau này. Thế là các ụ tàu mọc lên như nấm. Tay Sáu Hớn, trước đây làm phó trưởng
Phòng Thương nghiệp huyện bị kỷ luật buộc thôi việc vì tội buôn lậu, về mở trại
cây bán gỗ mấy năm nay cũng chớp thời cơ mở một ụ tàu ngay gần bến cảng nhận
đóng tàu mới cho ngư dân. Nghe đâu y có gốc bự nên mới chiếm được một bãi quá
lý tưởng để đóng tàu. Y mời Hiền, trước đây cũng là kế toán trưởng của y, về
làm việc cho y. Hiền không bõ lỡ thời cơ mà chấm dứt những ngày tháng lang
thang đi khắp các đảo lột tôm, lột ghẹ để kiếm sống. Mừng nhất là anh đã đưa
được thằng Minh và thằng Mẫn vào học trong thành phố.
2. Còn nhớ năm xưa, khi mới ra trường, cầm cái bằng tốt nghiệp
Đại học kinh tế, khoa tài chánh kế toán loại Khá; đặc biệt là có cái lý lịch
đẹp như mơ: cha hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, Hiền mau chóng được kết nạp
đảng rồi lên làm kế toán trưởng Phòng Thương nghiệp huyện khi mới hai mươi ba
tuổi. Thời bao cấp, làm kế toán trưởng oai lắm, tiền lúc nào cũng rủng rỉnh
trong túi, ra ngoài đường ai cũng nể, vào trong quán nhậu nói năng cũng mạnh
miệng hơn người ta. Hiền thuộc típ người dễ chịu. Anh sống hòa đồng, nhiệt
tình với mọi người. Đối với cấp trên, anh là một nhân viên ngoan ngoãn, luôn
biết vâng lời và có năng lực; đối với cấp dưới, anh sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi
có khó khăn. Anh luôn được mọi người yêu mến. Nhưng anh lại có một nhược điểm
rất lớn mà chính nó đã làm cho cuộc đời anh sau này đi vào ngõ cụt, đó là sự
nhẫn nhục đến mức đớn hèn.
Làm việc được hai năm, khi đã có được một số tiền kha khá,
anh quyết định về quê cưới vợ. Anh cưới Ngọc, người bạn học chung với anh những
năm cấp ba ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Anh nhớ hoài hồi đó ngồi trong lớp,
anh chỉ lo liếc mắt qua dãy bàn bên kia dòm nhỏ bạn gầy gầy, có những ngón
tay gầy gầy hay luồn vào trong mái tóc thật dài vuốt từ trán ra phía sau rồi
hất tung buông xõa đến tận lưng quần. Anh nhớ hoài đôi cánh tay mềm mại có những
sợi lông măng. Ôi những sợi lông măng mượt mà mà anh đã có lần vuốt ve nó. Chỉ
chớp nhoáng thôi, anh cảm thấy như có một luồng điện truyền thẳng vào tim làm
anh rạo rực. Và Ngọc, dường như cũng có một cảm giác tương tự, nàng vội rụt
tay lại e ấp, sượng sùng. Rồi tất cả những cảm giác đê mê lạ lùng đó chỉ còn
lưu dấu lại trên đôi má ửng hồng của người thiếu nữ. Thế là họ yêu nhau.
Năm đó Ngọc thi trượt Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh
rồi ở nhà phụ giúp gia đình, chờ Hiền học xong đại học trở về trong nỗi nhớ
niềm thương. Sau khi tốt nghiệp đại học, vì nhà nghèo, Hiền chưa vội cưới vợ
ngay. Anh quyết định đi làm một vài năm có tiền rồi mới cưới vợ.
Ngọc rất cảm động vì Hiền đã giữ đúng lới hứa.
- Anh xin đi làm, cố gắng kiếm tiền, khi nào có cuộc sống ổn
định, anh sẽ về cưới Ngọc nghe! - Anh nói như vậy hôm hai đứa chia tay.
Và anh cũng đã làm đúng như vậy.
Đám cưới của anh linh đình lắm. Trưởng phó phòng và bạn bè
trong cơ quan đều có mặt đông đủ, có cả các sếp lãnh đạo huyện đi xe con về
quê anh dự nữa. Bà nội và mấy chú bác anh cũng hãnh diện vì có được thằng
cháu vinh hiển về quê, cũng nở mày, nở mặt với bà con xóm giềng. Cưới xong,
anh đưa Ngọc đi ra đảo luôn. Với uy tín của mình, anh xin cho vợ dạy học ngay
nơi anh làm việc mà không cần phải học qua bất cứ một ngày sư phạm nào. Hồi
đó ở ngoài đảo xa xôi này thiếu giáo viên nhiều lắm, có được một người trình
độ lớp mười hai, tốt nghiệp loại khá đi dạy là quý lắm rồi, còn đòi hỏi gì
hơn nữa. Cứ đi dạy rồi học sư phạm sau cũng được. Ngọc cầm quyết định tuyển dụng của
Phòng Giáo dục xuống ngay điểm trường Thị trấn huyện. Vào văn phòng, thấy thầy
hiệu trưởng còn trẻ hơn mình, Ngọc mạnh dạn đề nghị:
- Tôi chưa học qua sư phạm nhưng tôi có năng khiếu môn Hóa
hoặc Sinh, tôi có thể dạy được hai môn này.
Chưa gì hết mà đã yêu sách rồi. Thầy hiệu trưởng nghĩ như vậy.
Mà cũng phải, nếu một học sinh mà giỏi các môn tự nhiên như Toán - Lý - Hóa
thì có thể kèm ngay được những học sinh dưới mình một lớp. Chứ mà một học
sinh giỏi Văn chưa học qua sư phạm thì khó mà dạy Văn được lắm. Đó là kinh
nghiệm của Phong, vốn là giáo viên dạy Ngữ văn vừa mới được bổ nhiệm làm hiệu
trưởng đầu niên học này. Cũng may mà trường thiếu giáo viên môn Hóa - Sinh
nên Phong đã đáp ứng được đúng yêu cầu của Ngọc.
Quả đúng như Phong đánh giá, Ngọc là người có năng lực, giảng
dạy nhiệt tình lại có tinh thần trách nhiệm cao. Chỉ tội phải cái tính tình đỏng
đa, đỏng đảnh và hơi bị “chảnh”. Có hôm, nhìn thấy cô Phượng, vợ thầy hiệu
trưởng làm mấy con cá lù đù chuẩn bị cho bữa cơm ở nhà tập thể giáo viên, Ngọc
đi ngang nhìn thấy, trề môi ra chiều khi dễ: “Cô ăn mấy con cá hủng hỉnh này
hả? Để chiều tôi kêu ông xã đem xuống cho cô con cá dứa nấu canh chua ngon lắm.
Bữa nào tụi lính của anh Hiền cũng xách lên nhà mấy con, tôi ăn đâu có hết.”.
Cô giáo Hồ Kim Ngọc và anh kế toán trưởng Phòng Thương nghiệp
Lê Thanh Hiền ngày càng tỏ ra thân thiện với vợ chồng thầy hiệu trưởng. Mặc
dù rất kị chồng mình đi nhậu nhưng khi gặp thầy Phong thì Hiền có thể nhậu
thoải mái mà không sợ bị vợ rầy rà gì cả. Ngọc nói thầy Phong nhậu không phát
biểu linh tinh, không gây sự, không bậy bạ, chỉ ca hát và ngâm thơ
thôi, nói chung là chuẩn không cần chỉnh. Còn nhậu với mấy ông lãnh đạo khi
say nói năng chửi thề tầm bậy, tầm bạ, tục tĩu không còn có chỗ nào để nói; lại
còn phun nước miếng đầy nhà bẩn ơi là bẩn.
Cuộc sống của vợ chồng Hiền khắm khá hơn vợ chồng thầy hiệu
trưởng nhiều nên có gì ngon Hiền cũng đem cho, khi thì con cá dứa, miếng thịt
heo; khi thì ký đường hay bọc xoài, bọc mãng cầu, bọc nhãn; khi thì lại là
khúc vải để cô Phượng may áo dài. Có lần, Hiền thấy vợ chồng Phong tranh thủ
giờ rảnh rỗi làm cốm thêm để bán, đang loay hoay không biết tìm đâu ra mấy
cái bao bố tời để nổ cốm vào trong đó, anh liền về trong kho của phòng Thương
nghiệp lấy hẳn một chục cái bao cho thầy Phong tha hồ xài.
Nhưng cũng như bao nhiêu cặp vợ chồng khác, cuộc sống của
hai vợ chồng Hiền có lúc bình yên, êm ả cũng có lúc dậy sóng bất thường. Lấy
vợ được bốn năm, Hiền đã có hai thằng con trai. Đứa lớn tên Minh, ba tuổi;
còn đứa nhỏ tên Mẫn mới thôi nôi. Cái bữa tiệc thôi nôi hôm đó thật là nhớ đời.
Khách khứa đến đầy một nhà, có cả các quan chức ở trên huyện xuống nữa. Nhậu
xong một chập. Chưa đã. Anh Sáu Chiếu, phó Chủ tịch huyện kéo một nhóm chí cốt
đi đến nhà chị Năm Thẳng nhậu tiếp, rủ luôn cả Hiền đi theo. Đang cao hứng, dễ
dầu gì bỏ cuộc, mặc cho bộ mặt chằm dằm của Ngọc, Hiền khoác chiếc áo vội chạy
theo đám người chân đăm đá chân chiêu khoác vai nhau đi xuống con đường dốc bỏ
lại sau lưng người vợ gầy gò với hai đứa con nhỏ đứng bên đống chén đũa ngổn
ngang, vung vãi đồ ăn thức uống cùng những bãi nước bọt có lợn cợn những cọng
hành. Ngọc ẵm thằng Mẫn vừa mới biết đi lẫm đẫm đặt lên giường, rồi bảo thằng
Minh tiếp mẹ bỏ hết chén đũa vào trong một cái thau lớn, còn chị ra sau nhà
xách một xô nước dội thật mạnh cho trôi tuột hết những cặn bã kinh tởm đó. Dọn
xong đống chén đũa, chị vào trong nhà vệ sinh. Ôi thôi một mùi khai nồng nặc,
dường như họ đã không còn đứng vững, không còn đủ sáng suốt hoặc là không có
ý thức để đưa cái vòi nước bằng da đó xịt vào đúng vị trí và dội một gáo nước
sau khi đã giải quyết xong. Lại còn có cả một đống kinh tởm bầy nhầy ở ngay
góc nhà vệ sinh nữa. Hầu như tất cả những gì trong bao tử của một tên nào đó
đã cho ra ngoài hết. Một chất hỗn hợp mà chó cũng phải sợ không dám ăn.
Cùng lúc đó, ở nhà chị Năm Thẳng, Hiền và một số bạn hữu
đang ngồi xếp bằng trên cái chiếu trải ngay giữa nhà vừa uống rượu vừa nghe
anh Sáu Chiếu ca mấy câu vọng cổ. Mỗi khi nhậu tưng tưng, phó Chủ tịch hay đến
nhà chị Năm Thẳng chơi. Chị Năm thôi chồng đã lâu, tuổi cũng đã xồn xồn, có
nước da bánh mật trông rất có duyên. Nhưng có lẽ hấp dẫn anh Sáu nhất là cái
bộ ngực phì nhiêu của chị. Chị không có con cái gì cả, chị nuôi đứa cháu gái
để lo hầu hạ cơm nước còn chị thì quản lý một chiếc ghe cào. Chị Năm được phó
Chủ tịch chiếu cố cho vay vốn đóng một chiếc ghe cào làm ăn cũng khá. Vì vậy
mà mỗi lần phó Chủ tịch tới nhà là chị tiếp đãi chu đáo lắm.
Đang ca hát vui vẻ thì bỗng vang lên giọng của một phụ nữ
thật gay gắt ở phía cửa:
- Anh Hiền! Anh có về ngay không? Nếu anh không về thì tôi
sẽ đưa hai đứa nhỏ về quê ngay lập tức?
Câu vọng cổ đang mùi của anh Sáu Chiếu đột nhiên bị cắt
ngang. Mọi người quay ra phía cửa. Ngọc hai tay chống nạnh, mặt xám lại:
- Anh trả lời đi!
Anh Sáu bị cụt hứng, bực bội dằn mạnh cái ly xuống chiếu
làm rượu sóng sánh văng ra tung tóe, rồi quay về phía Hiền văng tục:
- Đ. M. Vợ mày láo quá! Mất hứng hết trơn hết trọi.
Hiền không nói câu nào, vội bước ra nắm tay vợ kéo về nhà.
Đến nơi, Hiền chỉ hạ giọng, dỗ ngọt vợ, không cố ý phàn
nàn:
- Em kì quá! Dầu gì thì cũng phải giữ thể diện cho anh chứ!
Đang ở chỗ đông người, em làm như vậy thì chết anh rồi.
Ngọc gắt lên:
- Mấy ông đó không xứng đáng để cho anh phải giữ thể diện.
Tôi thù ghét những thằng nào rủ chồng tôi đi nhậu.
- Em hỗn quá rồi. Em có biết anh vừa đi nhậu với những ai
không? Toàn là hàng ngũ lãnh đạo cấp huyện không đó.
- Lãnh đạo tôi cũng khinh. Tất cả những thằng say rượu bê bối
tôi đều khinh.
Hiền rít lên nhưng lại cố nén cho giọng mình thật nhỏ nên
nghe rè rè ở trong cổ họng:
- Trời ơi! Em có im đi không? Em có biết thằng Hải trưởng
phòng thuế không? Nó bị kỷ luật đảng rồi mất chức luôn cũng vì con vợ ngu của
nó đó.
Ngọc vẫn quyết liệt:
- Mất chức còn đỡ hơn mất chồng.
- Vậy là em không biết gì rồi. Sau khi bị kỷ luật, nó giận
quá về ly dị vợ luôn. Bây giờ nó đã cưới vợ mới. Con Thủy có ân hận thì cũng
đã quá muộn rồi.
Thì ra Hiền vừa nhắc tới câu chuyện của vợ chồng thằng Hải
với con Thủy. Người ta nói:
Chồng khôn thì vợ được mang giầy
Vợ khôn thì chồng được có ngày làm quan
Đúng thật. Số thằng này không được làm quan vì con vợ. Thấy
chồng hay đi uống bia ôm, nói hoài không nghe, có lần “đột kích” bắt quả tang
ông xã nhà mình đang ôm ấp một con ca ve ở trong quán, Thủy tức điên, lên huyện
tố cáo chồng thường ký khống hóa đơn thuế để qua mặt nhà nước. Tưởng hành động
này sẽ giúp chồng mình hoàn lương, nào ngờ Hải nổi nóng về đánh cho một trận
cho bỏ ghét rồi ly dị luôn.
Nhắc đến chuyện này cho Ngọc nghe, Hiền hy vọng vợ mình sẽ
sợ mà không dám nói động đến mấy anh lãnh đạo nữa. Nhưng anh đã lầm. Cơn uất ức
vì Ngọc đã phải thức dậy từ sáng tinh mơ để đi chợ, rồi chỉ có một mình chị
lo một bữa tiệc cho hơn hai chục người ăn tươm tất, ngon lành. Và khi đã tàn
cuộc, mọi người no say kéo đi hết, cũng một mình chị dọn dẹp một bãi chiến
trường mà ở đó chiến lợi phẩm của chị là những đống bầy nhầy, lợn cợn bốc lên
một thứ mùi nồng nặc kì lạ mà chỉ nghĩ tới thôi người ta đã muốn ói.
Hiền vừa dứt lời, Ngọc cầm ngay cái bình tích ở trên
bàn đập mạnh xuống nền nhà kêu loảng xoảng, mảnh vỡ văng tung tóe:
- Anh hù tôi đó hả? Tôi thách anh đó, anh Hiền à.
Hai thằng con, chị vừa tắm vội cho hồi nảy, chưa kịp mặc quần
áo, còn cởi trần truồng chồng ngổng, không biết chuyện gì xảy ra, hoảng quá đứng
ôm nhau, khóc ré lên ở sau nhà. Vừa lúc đó, anh Sáu Chiếu say khướt đi loạng
choạng bỏ dép ngoài cửa bước vào nhà đạp ngay mãnh vỡ của cái bình tích đau
quá nhẩy tưng lên, nhưng vì không còn đủ sức để giữ được thăng bằng nên ngã
chúi vào góc nhà. Xem ra tửu lượng của anh Sáu còn tệ hơn Hiền nhiều. Cùng uống
một lượt mà thấy Hiền còn tỉnh bơ, còn phó Chủ tịch thì thân thể đã mềm như
bún rồi. Hiền vội chạy đến đỡ anh Sáu đứng dậy, rồi lật bàn chân anh lên xem
có bị đứt không. May quá. Không việc gì, chỉ trầy tí da thôi. Tay phải anh
Sáu cố câu lấy cổ Hiền cho khỏi ngã còn tay trái thì chỉ chỉ về phía Ngọc,
cái cổ gục gặc, hai con mắt mở không muốn lên, giọng lè nhè, phát âm cũng
không còn rõ tiếng nữa:
- Cô... cô... vừa... vừa... thôi nghen. Chồng
cô còn... còn... phải quan hệ công tác. Dù... dù sao thì nó cũng là đảng... cái... cái mà đảng viên.
Điên tiết, chị vào trong tủ, lục lấy cái thẻ đảng của chồng
đem ra xé toạc rồi vứt xuống ngay trước mặt anh Sáu:
- Đảng nè. Đảng nè. Tao cho mày đảng nè.
Bất ngờ quá, Hiền không kịp phản ứng gì, mà nếu có muốn chạy
đi can ngăn vợ cũng không được vì đã bị cánh tay của anh Sáu xiết cứng ngắc rồi.
Anh chỉ còn biết đứng trơ ra đó, tròn xoe mắt, trân trân nhìn vợ.
Phó Chủ tịch thì kinh ngạc trước sự giận dữ tột cùng của Ngọc,
hơi ngớ người ra một chút, văng tục một câu rồi ra lệnh cho Hiền:
- Đ. M. Thiệt là hết... hết chỗ nói. Hiền, mày... mày đưa
tao về nhà coi!
Sự việc xảy ra tưởng đâu sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng
nào ngờ vẫn êm ru như không có chuyện gì xảy ra. Êm ru từ trong nhà đến cơ
quan.
Sáng dậy, Hiền thấy đầu nhức như búa bổ, cổ thì khô khốc,
miệng đắng nghét cảm thấy khát nước vô cùng. Hiền nốc một hơi cạn một ca nước
mưa. Xong. Thở ra đánh khà một cái, vươn vai, lắc lắc cái đầu rồi dùng hai
tay vỗ vỗ vào phía đằng sau gáy. Khi đã bớt nhức đầu và tỉnh ngủ hẳn, Hiền mơ
hồ nhớ đến chuyện của ngày hôm qua. Ngọc biết chồng có tửu lượng rất mạnh,
khi uống rượu mặt không đỏ, khi say nói cũng không bị nhựa, không bị líu lưỡi,
ngọng nghịu như những người khác, nhưng khi ngủ xong một giấc thức dậy thì hầu
như quên hết, không còn nhớ gì được nữa. Thấy chồng ngồi thù lù ở ngay bậc cửa,
chưa chịu sửa soạn đi làm, Ngọc pha một ly nước chanh nóng rồi đưa cho anh uống
cho giã rượu. Sau đó Ngọc kể lại hết những sự việc xảy ra từ chiều tối hôm
qua cho anh nghe. Biết được chuyện vợ xé thẻ đảng của mình, Hiền rất giận
nhưng không dám nói gì. Anh chỉ lo không biết sẽ phải ăn nói với anh Sáu ra
sao đây. Suy nghĩ một lúc, Hiền vào trong buồng xỏ cái quần rồi với lấy cái
áo sơ mi trên móc khoác lên người, bước ra ngoài, vừa đi vừa cài nút không
nói với vợ một lời nào.
Đến nhà anh Sáu, Hiền rón rén đẩy cửa bước vào gọi khẽ:
- Anh Sáu ơi! Anh Sáu à! Anh thức chưa vậy?
Có tiếng tằng hắng ở trong buồng, rồi một giọng khàn khàn vọng
ra:
- Thức rồi. Mày chờ tao một chút.
Hiền lo lắng. Chắc phen này mình sẽ bị kỷ luật đây. Không
khéo thì mất chức kế toán trưởng như chơi. Nhưng thật không ngờ, anh Sáu bước
ra với vẻ mặt tươi tỉnh, đầu chải bảy ba láng coóng, ăn mặc chỉnh tề. Chắc
anh ấy vừa mới tắm xong. Vừa gặp Hiền, anh Sáu nhoẻn miệng cười thật tươi rồi
niềm nở tiến nhanh đến bắt tay Hiền, chỉ còn thiếu cử chỉ ôm chầm lấy nhau
hôn bên trái một cái rồi bên phải một cái nữa là giống hệt như cái kiểu những
nguyên thủ quốc gia gặp nhau trong những lần mời thăm chính thức. Nhìn diện mạo
và phong thái của anh Sáu lúc này so với hình ảnh của anh ngày hôm qua quả là
một trời một vực. Giống như một con sâu gớm ghiếc, xấu xí chỉ qua một đêm bỗng
trở thành một con bướm đẹp đẽ tung bay dưới ánh ban mai. Dường như cảm thấy
hơi bị hố vì hành động của mình không hợp với hoàn cảnh, anh Sáu vội rụt tay
lại khi vừa chạm tay Hiền. Hiền cũng không lạ gì cái bệnh nghề nghiệp này của
anh. Trên văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, một ngày anh cứ nhoẻn miệng cười
thật tươi, rồi bắt tay không biết là bao nhiêu lần. Hình như anh chỉ có mỗi một
công việc là nhoẻn miệng cười rồi bắt tay thì phải. Sau khi sực nhớ ra đây là
không phải là cơ quan và người đối diện mình cũng không phải là một nhân vật
quan trọng gì, nó chỉ là một thằng lính của thằng lính mình, anh Sáu không
còn khách sáo nữa mà nói xuề xòa:
- Hôm qua nhậu một trận quá đã hả mậy. Tao ngủ một giấc cho
tới sáng.
Đúng là phong cách nông dân thứ thiệt. Ăn ngủ thoải mái,
tâm hồn lúc nào cũng vô tư lự. Êm rồi. Vậy là ổng không nhớ cái đoạn bà xã mình
xé thẻ đảng trước mặt ổng rồi. Hiền nghĩ như vậy. Nhưng chỉ có trời mới biết
“ông nông dân lém lĩnh” này nghĩ gì. Dại gì mà ông bơi móc chuyện này để cho
chi bộ biết được mà kỷ luật một thằng đầy năng lực dễ sai khiến thì chẳng phải
thiệt thòi cho ông lắm sao.
3. Qua đận đó, Hiền cùng ê kíp lãnh đạo Phòng Thương nghiệp
càng gắn bó với nhau hơn. Trưởng phòng, được phó Chủ tịch huyện “bật đèn
xanh”, có một quyết định táo bạo là sẽ tổ chức làm ăn lớn. Cử người qua tận
Cam-pu-chia thăm dò đường đi nước bước, rồi quyết định mua xe gắn máy nghĩa địa
về bán với số lượng rất lớn. Thời gian đó, cuộc sống của gia đình anh thật
sung túc. Anh gửi tiền về cho vợ nhiều lắm. Ngọc vốn đã “chảnh” lúc này lại
càng “chảnh” hơn, không thèm đi dạy nữa, làm đơn xin nghỉ luôn. Chị nói với
Phong: “Tôi xin nghỉ dạy luôn thầy ơi! Lương giáo viên hai cọc ba đồng sống
không nổi mà lại mất thời gian quá. Tôi nghỉ ở nhà còn lo cho hai đứa nhỏ.
Lúc này ảnh đi công tác suốt, ít có ở nhà lắm”.
Thầy Phong hơi tiếc vì mất đi một giáo viên có năng lực lại
nhiệt tình nên cố năn nỉ Ngọc suy nghĩ lại nhưng Ngọc vẫn cứ một mực xin nghỉ.
Lúc này thì Hiền lại có dịp vi vu liên tục không còn
lo bà xã canh chừng nữa. Cả một ê kíp “làm ăn” thường xuyên vô nhà hàng -
khách sạn vung tiền như nước, có đầy đủ em út hậu hạ, ăn chơi trác táng cho
sướng cái đời. Buôn bán làm ăn luồn lách, trốn thuế, lậu hàng như thế nào đó
mà chỉ một thời gian ngắn cả bọn đi tù. Anh bị kết tội: cố ý làm trái gây hậu
quả nghiêm trọng, rồi lãnh án ba năm tù giam. Mình có cố ý làm trái đâu, mình
bị các sếp ép bảo phải làm bậy đó thôi. Anh còn nhớ rất rõ Trưởng phòng
Nghiêm Thành Công nói với giọng hết sức khẳng khái: “Mày cứ ký đi, có gì tao
chịu trách nhiệm”. Bây giờ, Hiền mới cảm thấy ân hận. Giá như lúc trước mình
đừng nghe lời mấy sếp thì đâu đến nỗi. Bất quá thì cách chức chứ đâu có lý do
gì mà đuổi việc mình được. Cứ như thầy Phong mà sướng, làm hiệu trưởng được
ba năm bị trưởng phòng Giáo dục bắt ký khống học bạ cho cán bộ học bổ túc đi
thi (có học ngày nào đâu mà ký) thầy dứt khoát không ký. Thế là mâu thuẫn với
lãnh đạo phòng ngày càng gay gắt, thầy đâm đơn xin nghỉ làm hiệu trưởng rồi
chuyển về thành phố, dạy ngay ở một trường điểm của tỉnh. Khỏe re. Còn mình,
vì hèn nhát mà bây giờ phải rơi vào vòng lao lý.
4. Sau khi ra tù, các sếp đều đã tích lũy được một số vốn lớn
để làm ăn. Trưởng phòng Công thì mở được một Nhà hàng khá lớn ở trung tâm
thành phố; phó trưởng phòng Sáu Hớn thì xoay ra buôn bán gỗ; ngay cả thằng
Phúc thủ quỹ quê ở tận Thái Bình cũng biết lo xa, để dành được một mớ chạy chọt
vào làm trong công ty cung ứng hàng xuất khẩu huyện sau khi mãn hạn một năm
tù. Chỉ duy có Hiền là không còn gì cả khi ra tù. Trước đây, Ngọc đâu nghĩ rằng
chồng mình sẽ có cái ngày điêu tàn như thế này. Hiền đi làm, gửi về được bao
nhiêu chị tha hồ ăn xài, mua sắm. Chị ăn uống rất sang. Những con cá mà chị gọi
là “hủng hỉnh” của những chiếc ghe cào mới kéo lên mang về tươi roi rói chị
đâu có thèm ăn. Chị ăn toàn là những hàng xuất khẩu như cá chim, cá dứa, cua
biển, tôm thẻ loại một giá cả hàng mấy trăm ngàn một ký. Chị sắm hoa tai, dây
chuyền, nhẫn, lắc đeo đầy người có đến cả hơn lượng vàng. Chị mua ti vi, đầu
máy về chiếu phim cho cả xóm coi. Rồi cũng chính chị tá hỏa tam tinh khi nghe
tin chồng “lâm nạn”. Chị bán hết tất cả những tư trang và những vật dụng ở
trong nhà như: tủ, giường, bàn, ghế, ti vi, đầu máy... cũng không đủ số tiền
mà Hiền đã làm thất thoát của nhà nước. Chị bán luôn căn nhà, cái mái ấm mà
chính anh chị đã tạo dựng khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng. Ra tù, anh không
dám về quê vì sợ xấu hổ với bà con xóm giềng. Anh thề rằng sẽ không bao giờ
trở về quê với cái bộ dạng thảm hại này. Anh đã từng được bà con xóm giềng ở
quê xem anh như là người thành đạt, giàu có và họ đã đi khoe khắp mọi nơi thì
làm sao anh có thể trở về trong tình trạng nghèo xơ xác này được. Thế là anh
quyết định ở lại đưa vợ con đi lang thang khắp các đảo làm thuê, làm mướn, lột
tôm, lột ghẹ nuôi hai thằng con ăn học.
5. Nghe tin Sáu Hớn mở ụ tàu và có nhã ý mời anh về làm việc cho y, Hiền mừng lắm.
Phen này có dịp phát huy sở trường của mình rồi. Việc đầu tiên là anh tìm thầy
Phong xin cho hai thằng nhỏ vào học trong thành phố. Nghĩ đến hai vợ chồng
trí thức mặc dù có một số cá tính không hay nhưng sống rất có tình, có
nghĩa này chẳng may nghe lời xúi dại mà sa cơ thất thế, thầy Phong thấy chạnh
lòng. Thầy tìm mọi cách để xin cho hai đứa học ngay trường điểm. Thằng Minh học
lớp Năm, còn thằng Mẫn thì mới học lớp ba. Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn
như vậy, lại thường xuyên phải chuyển trường nhưng hai thằng bé học rất giỏi.
Điều này là niềm an ủi duy nhất của hai vợ chồng Hiền.
Lúc mới vào đất liền làm cho Sáu Hớn, cả nhà Hiền ở ngay
trong trại dưới ụ tàu. Cả bốn người mà ở trong cái trại này thì chật quá. Mọi
sinh hoạt cũng hết sức khó khăn. Thấy vậy, Sáu Hớn giới thiệu cho Hiền mua một
căn nhà nhỏ của một người bạn bị kẹt nợ bán với giá chỉ có sáu mươi lăm triệu
đồng. Hiền mới để dành được ba chục triệu thôi còn thiếu bao nhiêu Sáu Hớn
cho mượn cứ làm cho y rồi trả dần cũng được. Hiền mừng quýnh xem Sáu Hơn như
một ân nhân.
Thế là từ giờ gia đình anh đã có nhà để ở rồi. Anh lại còn
được Sáu Hớn cho mượn tiền mua chiếc xe gắn máy cũ của Trung Quốc gần tám triệu
để đưa hai thằng nhỏ đi học.
Vậy là ở dưới trại bây giờ chỉ còn có một mình anh. Suốt
ngày làm việc ở đây, tối ngủ luôn ở đây để canh gỗ. Anh làm kế toán kiêm luôn
bảo vệ cho Sáu Hớn. Ngọc một ngày đem cơm cho anh hai bữa: trưa và chiều rồi
về chăm sóc cho hai đứa nhỏ. Phân công với nhau như vậy. Đêm nay là đêm anh
ngủ một mình.
6. Anh đang lẩm nhẩm xem còn ghi sót cái gì không thì bỗng có
một mùi nước hoa rẻ tiền bốc lên nồng nặc. Anh quay lại. Một cô gái ăn mặc hở
hang trên tay cầm điếu thuốc tiến đến sát bên anh:
- Anh Hai có hộp quẹt hôn, cho em xin mồi điếu thuốc.
Nhìn sơ qua, Hiền biết ngay đây là cô gái ăn sương, là một
trong những “Con gà móng đỏ” mà hàng đêm vẫn lượn lờ dưới bến cảng này tìm
khách. Những chàng ngư phủ lực lưỡng sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đang
thèm khát thú vui thể xác gặp những “con gà móng đỏ” này như mèo gặp mỡ,
không bỏ qua cơ hội vồ lấy mà cắn, mà nhai ngấu nghiến để giải quyết cái nhu
cầu sinh lý đang độ tuổi sung mãn nhất. Đâu đó trong những lều trại ở bến cảng
này, hàng đêm người ta vẫn nghe thấy tiếng thở hổn hển, tiếng rên xiết giống
như tiếng của những con thú bị thương. Số tiền chia được từ những chuyến biển
cực nhọc, vất vả gần như được các anh đổ hết vào những cuộc hoan lạc này. Địa
bàn ở đây quả là lý tưởng cho những “con gà móng đỏ” làm ăn.
Hiền móc túi lấy ra cái hộp quẹt ga, bật lửa đưa về phía cô
gái. Cô đưa điếu thuốc lên đôi môi đỏ chót, rướn người tới để đầu điếu thuốc
lên ngọn lửa bập bùng đang chờ sẵn bập bập mấy cái rồi rít một hơi thật sâu.
Trong lúc cô gái cúi người xuống về phía anh, anh trông thấy cái bộ ngực nõn
nà, trắng như bông bưởi. Cái bộ ngực căng đầy nhựa sống ấy lại bị cái xu
chiêng mỏng ép dồn lại, nâng lên để lộ ra hai cái múi dưới cổ áo đã rộng lại
được tháo sẵn một nút trên cùng ra nên trông càng rộng hơn ngay sát trước mặt
anh đến nối anh trông thấy rõ những sợi gân xanh lè ngoằn ngoèo dưới làn da
trắng muốt đó. Trong lòng anh dậy lên một nỗi ham muốn tột cùng. Cái của quý
của anh cũng bắt đầu nhúc nhích, nó không muốn nằm yên một chỗ nữa mà muốn
vùng dậy bật tung những làn vải để được thoát ra ngoài. Đã lâu lắm rồi anh
không làm cái chuyện ấy. Kể từ khi sa cơ thất thế, anh không còn có điều kiện
để mà đi lăn tăn chỗ này chỗ nọ nữa. Còn vợ anh ư? Lang thang nay đây mai đó,
có nhà cửa đâu. Sống ở lều trại tạm bợ không cửa nẻo, buồng dậu, ban ngày làm
quần quật, tối đến cả nhà, hai vợ chồng và hai đứa con, tất cả đều nằm lăn ra
trên một cái giường chật hẹp mà ngủ để còn lấy sức mai đi làm tiếp. Kiếp sống
lang bạt kỳ hồ đó làm anh quên đi cái chuyện ấy tự hồi nào không biết. Anh sống
như một thầy tu. Thế mà hôm nay, chính cô gái giang hồ này đã đánh thức trong
anh cái bản năng của một thằng đàn ông.
Cô gái điếm phả làn khói thuốc vào thẳng mặt
anh rồi hỏi với giọng đĩ thõa:
- Đi không mà dòm dữ vậy anh Hai?
- Bao nhiêu?
- Làm bộ hoài. Biết rồi còn hỏi. Một “lon”.
Anh với tay tắt đèn rồi vật cô gái xuống giường...
- Anh Hiền ơi, sao ngủ sớm quá vậy? Bữa nay em nấu chè đem
ra đây cho anh ăn tối nè.
Trời ơi! Sao không phải lúc nào mà lại ngay lúc này hả trời!
Anh muốn đứng tim khi bất ngờ thấy bóng vợ mình đã tiến tới sát cái công tắc.
Một tiếng “tách” khô khốc vang lên. Cả gian trại sáng trưng. Hai cái thân thể
lõa lồ, không còn một mảnh vải trên người. Bất giác, Ngọc tròn xoe mắt đứng
chết trân không nói được câu nào. Cô gái điếm vơ vội quần áo rồi vụt chạy ra
ngoài, núp sau chiếc ghe đang đóng dở. Hiền cũng ngồi bật dậy rồi vội mặc quần
áo vào, ấp a ấp úng:
- Em... em...
Sự uất ức dâng lên cực độ làm chị nghẹn muốn tắc
thở. Hôm nay, chị cho hai đứa nhỏ qua nhà hàng xóm xem ti vi, rồi chị đem chè
ra cho anh ăn tối, sẵn dịp để cho anh làm cái chuyện đó luôn, lâu quá rồi hai
vợ chồng không gần gũi chị cũng cảm thấy nhớ. Chị tức sôi ruột:
- Đồ khốn nạn! Anh đi về ngay bây giờ. Tôi không cho anh
làm việc ở đây một giờ nào nữa.
Vừa nói chị vừa ném cái bọc chè còn âm ấm vào giữa mặt anh
làm vỡ tung chảy nhễu nhão những hạt đậu xanh từ trán xuống cằm.
7. Cái tính bảo thủ, độc đoán, cực đoan cộng với ý muốn “thống
lĩnh” gia đình khiến Ngọc không bao giờ chịu nghe bất kỳ một ý kiến, một đề
nghị nào của chồng. Còn Hiền thì từ khi bị kỉ luật, mất việc, đi tù lại luôn
luôn thấy mình là người có lỗi nên có khi biết những quyết định nông nỗi của
vợ sẽ dẫn đến thất bại nặng nề, anh vẫn câm lặng mà làm theo. Kể từ hôm xảy
ra sự việc tệ hại đó, anh không được phép đi làm bất kỳ ở đâu nếu không có chị
đi cùng. Sáu Hớn mất đi một tay trợ giúp đắc lực, còn Hiền thì lại mất đi một
cơ hội làm việc tốt nhất, phù hợp nhất với năng lực và nghề nghiệp của mình.
Căn nhà mơ ước mới mua chưa được bao lâu, Ngọc quyết định
đem bán để lấy vốn làm ăn. Hiền can ngăn cách mấy cũng không được. Anh nói rằng
bán nhà thì dễ chứ mua thì khó lắm. Anh còn nói có nhiều chỗ biết anh có năng
lực mời anh đi làm, tuy hơi xa nhà một chút nhưng lương cũng khá. Ở ngay
thành phố này còn chưa đi làm được với chị, huống chi đi mãi tận đâu đâu. Lại
còn nói một tháng mới về một lần. “Thà mất việc còn hơn mất chồng”, đó là cái
“khẩu hiệu” mà chính chị đã đề ra và nhất quyết làm theo. Thế là Hiền phải
chuyển hướng làm ăn theo sự chỉ đạo của vợ. Căn nhà bán đi, sau khi trả nợ
cho Sáu Hớn còn dư được hơn ba chục triệu đồng, Hiền nghe lời vợ xin phép khu
phố cất một cái trại ở bến sông bán tre, lá, cừ tràm. Ở ngay thành phố không
còn nhà tranh, vách lá nữa, nhưng nhờ cái quán xá mọc lên như nấm; người ta
thích ngồi ăn uống, nhậu nhẹt dưới những cái “tum”, cái trại bằng lá giữa trời
có cây cối, hoa lá xanh tươi, có chim hót véo von sống động chứ không thích
ngồi trong bốn bức tường vô tri, giá lạnh với cái máy điều hòa không khí. Vả
lại, ở ven thành phố, cũng còn rất nhiều nhà nghèo chỉ đủ tiền để cất nhà
tranh, vách lá thôi. Vì thế việc
làm ăn của gia đình anh cũng diễn ra suôn sẻ.
8. Thoắt cái đã mười năm trời. Mặc dù cuộc sống còn nhiều vất
vả và cũng chẳng có dư để mà hy vọng mua lại được căn nhà, nhưng anh chị đã
nuôi được thằng Minh và thằng Mẫn ăn học đàng hoàng và chúng cũng đều đã thi
đỗ vào đại học. Thằng Minh đã học Đại học y Cần Thơ năm thứ ba; còn thằng Mẫn
thì học Đại học sư phạm Cần Thơ năm thứ nhất. Chúng đỗ đại học, anh chị rất mừng
nhưng cũng là nỗi lo lớn. Anh chị đã cố ý cho chúng học ở Cần Thơ cho đỡ tốn
tiền mặc dù chúng có thể thi vào các trường đại học danh tiếng ở Sài Gòn. Vất
vả lo cho con, anh chị ngày càng gầy rạc đi và trông già trước tuổi. Mỗi
tháng, nếu tiền cây lá người ta chưa trả kịp thì anh chị phải chạy đến nhà thầy
Phong mượn đỡ vài trăm gửi lên cho chúng, đến khi họ trả, anh chị lại lật đật
đem đưa lại cho thầy ngay. Thấy vậy, thầy Phong ái ngại:
- Chưa có tiền thì anh chị cứ để đó, có gì đâu mà phải trả
gấp gáp như vậy. Có mấy trăm ngàn chứ nhiều nhõi gì đâu.
- Có tiền rồi. Thầy cứ cầm lại đi, khi nào cần, tôi lại mượn.
Bán ba cái cây lá tạm thời này lời không được bao nhiêu. Để dành được đồng
nào, tôi gửi cho tụi nó hết.
Rồi Hiền thở dài:
- Người ta vô ngân hàng chuyển tiền cho con mỗi lần mấy triệu
bạc, còn mình thì chỉ một vài trăm ngàn, mắc cỡ quá.
Phong an ủi:
- Có gì đâu mà mắc cỡ. Mình ít tiền thì gửi ít. Anh cũng
nên tự hào con mình học giỏi. Thật hiếm có gia đình nào như gia đình anh.
Hoàn cảnh khó khăn như vậy mà cả hai đứa đều học giỏi và thi đỗ đại học đàng
hoàng. Chịu khó vài năm nữa, học ra trường, nó làm có tiền, anh chị tha hồ mà
hưởng phước. Bây giờ lắm con đại gia, quan chức chỉ lo ăn chơi, quậy phá chẳng
lo học hành gì cả.
- Rồi nó cũng làm ông này bà nọ à thầy ơi. Thầy biết không,
cái bọn cu trâu dốt đặc cán mai ngày xưa làm với tôi đó, bây giờ tụi nó thạc
sĩ hết rồi, có đứa còn tiến sĩ nữa. Gớm quá!
- Có khi họ chịu khó học hỏi mà tiến bộ thì sao? Mình đâu
có biết được. Tôi có người bạn cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước điều
kiện kinh tế, xã hội chưa ổn định nên học không đến nơi đến chốn thi rớt đại
học. Bây giờ, chịu khó học hỏi, nghiên cứu, có học vị đàng hoàng, nhiều người
kính nể.
- Số đó ít lắm thầy ơi! Tôi giao thiệp nhiều, thầy chưa biết
đâu. Tôi đi guốc trong bụng tụi nó hết. Hôm nọ có hai thằng ghé chỗ tôi mua
cây lá về cất quán nhậu. Tụi nó là cán bộ được quy hoạch hẳn hoi đó nghe. Một
trong hai thằng là lính của tôi ngày xưa. Bây giờ khoác lác lắm. Nó nói nó vừa
ra Hà Nội bảo vệ luận văn thạc sĩ, còn sếp của nó thì bảo vệ tiến sĩ năm
ngoái rồi. Nó tưởng tôi nghèo khổ rồi ngốc nghếch không biết gì. Nó mua cái bằng
Anh văn rồi nhờ cái thằng cha nào ngoài Hà Nội chạy chọt bảo vệ cho được cái
bằng thạc sĩ để lòe thiên hạ. À, tôi nói là thầy biết liền. Thầy nhớ thằng
Linh không? Hồi đó nó làm với tôi được mấy tháng, chẳng có năng lực gì cả,
tôi đề nghị chuyển nó đi bộ phận khác. Nó chạy qua phòng y tế huyện, cũng làm
nhân viên gì gì ở đó. Sau đó nó học bổ túc văn hóa. Thầy có dạy nó đó, nhớ
chưa?
- À, tôi nhớ rồi. Cái thằng mặt đần đần, nhậu như hủ chìm
đó mà. Nó làm sao?
- Thì hồi nãy giờ tôi nói nó đó. Bây giờ nó là thạc sĩ bác
sĩ, thầy biết chưa?
- Nó có học ngành y đâu mà làm bác sĩ. Nó chích người ta
thì có mà chết.
- Người ta đâu có cho nó chích. Nó làm “Bác sĩ văn phòng”.
Trời ơi, thầy lo dạy học rồi chẳng biết tin tức gì cả. Hồi đó thi bổ túc hoài
không đậu, nó mới nhờ tôi giới thiệu cho nó làm quen với ông Hạo, trưởng
phòng giáo dục. Ông này tìm cách giúp đỡ cho nó lấy được cái bằng tốt nghiệp
bổ túc trung học. Sau đó, nó được cơ quan cử đi học y sĩ ở Trường trung học y
tế. Lây lất mấy năm, lấy được bằng y sĩ, nó tiếp tục chuyên tu lên bác sĩ. Rồi
mới đây tôi nghe nó nổ lấy được bằng thạc sĩ mà tôi giật cả mình. Nó còn kể với
tôi rằng: “Mình ra ngoài đó tủi thân lắm. Ở ngoài Bắc, người ta bảo vệ thạc
sĩ có cả dòng họ đi theo, ngồi đầy hội trường, tặng hoa ôm không hết. Còn
mình thì có mình ên, vợ con không đi theo, bạn bè cũng không. Ở ngoải mình chỉ
quen được có mỗi ông thứ trưởng quê mình thôi chứ không quen ai cả. Thế mà
mình cũng bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, các giáo sư khen đề tài của mình
lắm đó nghe.”. Thằng nào không biết chứ thằng này mà nó nói được một câu tiếng
Anh ra trò thì đầu tôi đi xuống đất.
Lúc đầu, Phong cho rằng vì Hiền thất bại trong sự nghiệp
nên nhìn đời chỉ toàn thấy những tiêu cực. Nhưng khi nghe Hiền nói rất nghiêm
túc, Phong thấy có phần đúng. Bây giờ bằng thì thật mà học thì giả nhiều quá.
Giáo viên nào cũng được chuẩn hóa hết rồi. Thạc sĩ hàng đống nhưng kiếm người
tài thực sự thì như lá mùa thu. Trong nhà trường thì đặt ra nhiều loại sổ
sách rất nhiêu khê. Tính ra có đến trên một chục loại sổ sách cho mỗi giáo
viên. Buồn cười nhất là sổ “Kế hoạch giảng dạy”. Nghe đâu sổ này có được là kết
quả của một chuyến đi học tập kinh nghiệm một trường điểm tận bên Thái Lan của
một cán bộ Sở Giáo dục. Nhìn qua thì sổ này rất hay. Nó có các phần như “Chỉ
tiêu phấn đấu và kết quả đạt được”, “kế hoạch dự giờ”, “Kế hoạch thực hiện từng
tuần”, “Dạy thay, dạy bù”... Ở trường của người ta chỉ cần một sổ này, bộ
phận văn phòng sẽ căn cứ vào đó mà theo dõi đánh giá giáo viên rồi có hình thức
khen thưởng hay kỉ luật. Còn nhà trường của mình ở đây đã có đầy đủ ban bệ và
các loại sổ sách rồi thì cần quái gì cái sổ này nữa. “Chỉ tiêu thi đua” và
bình xét thì đã có hẳn công đoàn trường lo liệu; “Kế hoạch dự giờ” thì tổ
chuyên môn đã có sổ theo dõi và mỗi giáo viên cũng đã có hẳn một sổ dự giờ;
“Kế hoạch thực hiện từng tuần” thì đã có lịch báo giảng quá chi tiết rồi; “Dạy
thay, dạy bù” thì đã có sổ đầu bài, giáo viên nào dạy thì ký vào đó... Ở
trên cố ý không biết ở trường có các loại sổ sách này đã đành; ở dưới biết mà
cũng im luôn. Tội gì mà chống làm chi cho nó mệt. Tốt hơn hết là năn nỉ giáo
viên “điền vào chỗ trống cho thích hợp” mỗi khi có thanh tra. Thế là sinh ra
giáo viên làm việc đối phó; học sinh học tập đối phó; rồi chất lượng cũng
“đối phó” nốt. Vì vậy mà kết quả thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông hàng năm
lên tới 99% (!) mà kết quả thi đại học thì lại... rụng như sung. Đặc biệt
các môn thi tự luận có đến gần một ngàn cái điểm 0 (!) trong khi chính những
em này lại có điểm thi tốt nghiệp cao ngất ngưỡng. Một điều đáng nói nữa là hầu
hết những học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học không phải là những học
sinh đã được bồi dưỡng ở những trung tâm mà lại là con em của những gia đình
hết sức khó khăn, chẳng có điều kiện để mà đi học thêm, học thắt gì cả.
- Thầy suy nghĩ gì vậy? Hồi nãy giờ tôi nói thầy có nghe
không?
- Có. Có. Tôi đang nghe đấy chứ. Anh nói tiếp đi.
- Nghĩ cái sự đời cũng buồn. Bao nhiêu năm học đại học bây
giờ nghèo rớt mồng tơi. Chỉ còn hy vọng ở hai thằng nhóc thôi. Tôi cám ơn thầy
nhiều lắm. Không có thầy lo cho tụi nó chuyển về đây thì tụi nó không có ngày
hôm nay đâu.
- Có gì đâu mà ơn với huệ. Tụi nó học giỏi thì ở đâu cũng học
giỏi thôi. Hồi còn ở ngoài đảo anh cũng đã từng giúp tôi đó thôi.
- Ôi dào! Ba cái bao tải đó có giá trị gì đâu mà thầy cứ nhắc
hoài.
- Vậy chứ chính nhờ những cái bao tải mà anh cho tôi để nổ
cốm ngày xưa ấy, tôi mới có ngày hôm nay đấy. Đừng xem thường. Ở đời có những
cái tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng nó lại có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống
của chúng ta.
9. Nhưng sự việc lại tồi tệ hơn kể từ ngày sà lan cát cập bến
sông này để bơm cát cho một đại gia xây khách sạn. Sà lan đậu ngang làm
choáng hết khúc sông ngay trại cây lá của Hiền. Buôn bán không được, anh lên
khu phố khiếu nại. Ông Tư Mực, trưởng khu phố nói:
- Ở địa chính phường sắp giải tỏa trại của mày đó. Ở trển
nói trại của mày làm mất cảnh quan đô thị. Họ sắp sửa đưa giấy xuống rồi, mày
còn khiếu nại gì nữa.
- Tôi cất trại buôn bán có xin phép đàng hoàng, mỗi năm nộp
tám trăm ngàn cho phường đều đều. Mới có năm nay, vì hai thằng con tôi đi học
đại học, khó khăn quá, tôi mới thiếu lại, chưa nộp. Tháng sau, tôi xài tiết
kiệm một chút sẽ nộp đầy đủ.
Ông Tư bỉu môi:
- Xưa quá rồi Hiền ơi! Mày nộp cái giá tám trăm ngàn một
năm thuế bến bãi cách đây mười năm rồi, tới bây giờ mày cũng cứ giữ cái giá
đó hoài! Mày không biết điều tí nào cả. Mày biết mỗi chuyến sà lan neo đậu ở
đây nó đưa bao nhiêu tiền không? - Ông giơ một ngón tay lên ra hiệu rồi hạ giọng
- Nó cho tao một triệu thì mày biết nó phải nộp cho địa chính phường bao
nhiêu rồi. Mày lạc hậu quá.
- Tôi bán cây lá tạm thời, mỗi tháng trừ tiền thuế má, tiền
vận chuyển ra thì chỉ còn lời chưa được năm triệu đồng cho bốn miệng ăn thì
làm sao mà nộp cho mấy ông nhiều được.
- Thì bởi vậy mới chết. Ở trển sắp đưa giấy xuống rồi đó.
Mày chuẩn bị tinh thần đi.
Trước đây, những lúc buôn bán khá, ngoài việc phải nộp tám
trăm ngàn hàng năm cho phường, có biên lai hẳn hoi; thỉnh thoảng, Hiền còn dẫn
ông Tư đi nhậu hoặc dúi vào túi áo ông ấy một vài trăm gọi là để uống cà phê.
Nhưng từ ngày hai đứa đi học đại học đến nay, quả thật gia đình anh hết sức
khó khăn. Tiền lời không đủ để gửi lên cho hai thằng con ăn học còn đâu mà nộp
cho phường.
Thế rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến. Mấy hôm sau, Ủy ban nhân
dân phường cho người đem giấy tới thông báo gia đình anh phải tự tháo dỡ căn
nhà với lý do làm mất cảnh quan đô thị và lấn chiếm an toàn giao thông đường
thủy. Trong vòng ba tháng nếu không tự tháo dỡ thì chính quyền sẽ cưỡng chế,
tiền công tháo dỡ đương sự sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả.
Cầm tờ giấy của cán bộ phường đưa xuống mà anh toát mồ hôi
hột. Bây giờ mà dỡ đi thì buôn bán ở đâu. Lấy đâu ra tiền để cho hai đứa con
học nốt những năm còn lại. Ngọc bảo anh về quê lấy mấy công đất mà bà nội anh
hứa cho khi bà còn sống đem bán lấy tiền mua một miếng đất phòng khi bị dỡ
nhà thì cũng còn có chỗ mà ở. Gần ba mươi năm nay, anh thề sẽ không quay về với
cái bộ dạng thảm hại này thì bây giờ anh có tiến bộ gì đâu mà vác cái mặt trở
về quê nữa. Thế là Ngọc phải dẫn hai đứa con về quê nội xin lại miếng đất. Phải
tranh thủ đưa thằng Minh, thằng Mẫn về và cả tấm hình của Hiền nữa thì bên nội
mới tin là anh vẫn còn tồi tại ở trên cõi đời này. Biền biệt gần ba mươi năm
trời, bỗng dưng lù lù ở đâu về xin lại đất ai mà chịu. Lấy được năm công đất
của bà nội cho có giấy tờ hẳn hoi cũng không phải đơn giản. Ba Hiền hy sinh,
mẹ bỏ anh cho bà nội nuôi rồi đi bước nữa không có liên lạc với gia đình. Bà
nội có hai mươi công đất chia đều cho bốn người con. Ba anh mất rồi, anh hưởng
được năm công coi như của phụ ấm. Nhưng khổ nỗi mảnh ruộng đó bác anh đang
cho người con trai trưởng của bác ấy làm mà anh này thì lại nghèo quá không
có tiền để mua lại của Hiền. Cuối cùng bác anh phải đem giấy tờ đất đai thế
chấp cho ngân hàng để vay hai chục triệu đồng đưa cho Ngọc với điều kiện tiền
lãi của ngân hàng vợ chồng Ngọc phải chịu trách nhiệm thanh toán. Thôi thì chỉ
có cách giải quyết đó là tốt nhất chứ chẳng còn cách nào khác nữa. Bên nội họ
còn tình nghĩa đó, chứ nếu cùng quá họ nói ngang thì cũng khó mà lấy được đồng
nào. Ruộng đất họ sửa sang, canh tác suốt ba mươi năm nay còn gì. Nghĩ vậy,
chị vui vẻ cầm hai chục triệu về bàn với chồng sang được miếng đất ở
tít tận vùng ven của thành phố. Mua đất để đề phòng vậy thôi, chứ Hiền còn hy
vọng làm đơn cầu cứu lên Ủy ban nhân thành phố, rồi lên tỉnh thì chắc sẽ được
giải quyết. Trong đơn anh nói rõ ràng rằng hai đứa con anh đang học đại học
trên Cần Thơ khó khăn lắm, anh xin được hoãn lại ba năm nữa khi những đứa con
đã tốt nghiệp ra trường, anh sẽ tự dỡ bỏ căn nhà mà ra đi. Lá đơn gửi đi, sau
một tháng vẫn im hơi lặng tiếng. Ở khu phố cũng im re không thấy đả động gì đến
chuyện giải tỏa nữa. Mùa mưa đến. Mái lá đã dột nhiều. Anh chị liều mua tôn về
lợp lại. Việc làm này đã
trêu ngươi ông Tư Mực. Thằng này nó thách thức mình đây. Chiều hôm đó, ông Tư
lên phường trình bày sự việc.
Sáng hôm sau, một buổi sáng thật khó quên trong cuộc đời của
Hiền. Bầu trời u ám, những đám mây đen kéo đến và bắt đầu lác đác có những hạt
mưa. Dường như ông trời cũng đang khóc cho số phận hẩm hiu của đôi vợ chồng
này. Một đám người kéo đến. Khoảng gần một chục. Có cả đại diện của phường và
khu phố nữa. Họ làm đúng thủ tục, đúng trình tự của công việc cưỡng chế để
thi hành pháp luật nhằm lập lại trật tự kỉ cương cho xã hội. Sau khi đọc quyết
định, họ mời cả vợ chồng ký vào biên bản. Hiền ngoan ngoãn đặt bút ký, còn Ngọc
thì cố gắng van xin:
- Mấy ngày nay mưa quá. Dột. Không ngủ được nên mới lợp lại
ở tạm chứ có muốn ở luôn đâu. Tụi tôi đã làm đơn gửi lên tỉnh xin hoãn lại ba
năm rồi mà. Sao mấy ông dỡ sớm quá vậy.
Anh đại diện phường trả lời:
- Tôi không thấy quyết định nào cho anh chị hoãn lại ba năm
cả. Chúng tôi chỉ thi hành theo lệnh, anh chị hết sức thông cảm. - Vừa nói,
anh này vừa đưa tờ biên bản cho Ngọc ký rồi quay qua bảo công an phường - cho
tiến hành được rồi đó.
Anh chàng mặc đồ công an lại quay qua ông Tư:
- Ông Tư! Ông nói nhờ ai leo lên nóc nhà đâu?
Ông Tư Mực đứng gần đó nói lớn:
- Thằng Đực, thằng Sang, thằng Thậm, thằng Phú đâu, bắt đầu
làm đi chứ!
Bốn người thanh niên trông có vẻ nghèo khổ, chân chất này đứng
lấp ló ở ngoài cửa nãy giờ hết nhìn nhau lại nhìn Hiền một lúc rồi leo lên
nóc nhà.
10. - Anh ơi, chiều nay vợ chồng mình tới nhà anh Hiền chơi
nghen. Lâu nay tụi mình lo dạy kèm không xuống thăm gia đình ảnh. Không biết
dạo này ảnh làm ăn ra sao rồi. Còn hai thằng nhỏ không biết học hành có thuận
lợi không.
Phượng đề nghị với chồng như vậy. Quả thật lâu nay Phong cứ
bù đầu với lũ học trò, không có thời gian mà đi thăm anh bạn chí cốt của mình
ngày xưa nữa. Nhớ hồi đó cùng công tác chung một huyện, Hiền chỉ đi nhậu với
thầy Phong là an toàn nhất, không sợ bà xã rầy rà gì cả. Buồn cười nhất là có
hôm Hiền đi nhậu với mấy ông lãnh đạo ở đâu cũng dặn Phong: “Chừng nào bà xã
tôi có hỏi, thầy nói tôi đi nhậu với thầy nghe”.
Thấy vợ đề nghị quá hợp ý mình, Phong đồng ý ngay. Cơm chiều
xong, hai vợ chồng thầy giáo đèo nhau trên chiếc xe honda thẳng tiến tới nhà
- nói đúng hơn là cái trại cây lá tạm thời - của vợ chồng người bạn thân từ hồi
còn công tác chung ở một hòn đảo.
- Ủa, sao trống trơn vậy nè?
- Anh thử chạy tới chút nữa coi.
Phong vừa tính cho xe chạy tới chút nữa theo yêu cầu của vợ
thì từ ở trong cái lều nhỏ phía bên trái đường có tiếng Ngọc gọi vọng ra:
- Thầy Phong! Thầy Phong! Tôi ở đây nè.
Phong dừng lại. Hết nhìn vào cái lều rồi lại nhìn xuống mé
sông. Thầy đã đoán được phần nào chuyện gì vừa mới xảy ra ở đây. Cách đây hơn
một tháng, Hiền có nói với Phong rằng họ sẽ giải tỏa khu vực này. Nhưng Phong
không nghĩ rằng sự việc lại đến nhanh như vậy.
Cái lều dựng tạm bên mép đường đối diện với cái cái trại trống
trơn bên mé sông của vợ chồng Hiền bây giờ còn tệ hơn cái nhà của chị Dậu
trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố nữa. Trong cái lều đó không có giường,
không có bàn ghế, chỉ toàn là những cây tràm xù xì, cong oằn sắp lớp ở dưới nền
đất ướt sủng và một cái vạt giường được dựng đứng lên đến tối mới lật xuống để
trên cái đống cây xù xì đó nằm cho khỏi đau lưng. Phía bên trên thì treo đầy
những quần áo cũ mèm, rách tả tơi. Nhìn xuống mé sông, sàn nhà bằng gỗ vẫn
còn đó nhưng cái nhà đã được tháo dỡ sạch sẽ để thành một đống, gỗ ra đằng gỗ,
tôn ra đằng tôn. Trên cái sàn nhà đó, bàn ghế, tủ giường để ngổn ngang. Quanh
lều thì đầy những tấm cao su dùng để đậy những đống lá lợp nhà bán chưa hết
cho khỏi ướt. Còn số tre thì cứ cột lại vứt bừa bãi ở mép đường. Con chó ngồi
trên một đống lá không đủ tấm cao su để đậy bị mưa ướt sủng từ tối hôm qua lưỡi
thè ra, mặt buồn buồn. Có lẽ nó buồn vì căn nhà thân thương của nó bao nhiêu
năm bỗng dưng có người đến dỡ đi, và cũng có lẽ nó buồn vì người bạn duy nhất
cùng nó sống chung với ông bà chủ dễ thương này mấy năm nay đã vĩnh viễn ra
đi vì những tên chuyên săn chó cho các quán thịt cầy. Chính nó chứng kiến tận
mắt tối hôm qua, khi không còn nhà để ngủ, nó cùng người bạn ấy nằm sát cạnh
lều để canh chủ. Trong lúc mơ mơ màng màng, nó bỗng nghe tiếng “oẳng” một
cái, rồi lập tức hai thằng người mặt như cô hồn túm lấy đầu bạn nó bỏ vào
trong cái bao. Không biết hai thằng người này dùng cái roi gì đó chích vào bạn
nó mà bạn nó lại bất tỉnh đương sự như vậy. Chứ nếu bình thường bạn nó sẽ cắn
cho hai tên này không còn một manh giáp. Cũng là con người sao mà chủ của
mình dễ thương bao nhiêu thì bọn kia lại độc ác bấy nhiêu. Thật là không hiểu
nổi.
Ngọc mời vợ chồng thầy giáo vào trong lều ngồi chồm hổm
trên cái đống cây tràm:
- Tụi nó ác lắm thầy ơi! Nó dỡ nhà lúc đang mưa, đồ đạc ướt
chèm nhẹp, tôi dọn đâu có kịp. Thầy cô thấy đó, quần áo còn ướt sủng, treo
tùm lum đây nè.
Vợ chồng thầy Phong quá đau lòng khi thấy quang cảnh này.
Cô Phượng lúng túng không biết có thể làm được gì lúc này để giúp đỡ vợ chồng
anh Hiền đành hỏi Ngọc:
- Anh Hiền đâu rồi hả chị?
- Ổng mới chạy đi kiếm ghe để chở cái khung nhà này qua bên
sông cất lại trên miếng đất tôi mới mua. Qua bên đó ở thì được rồi nhưng
không biết làm sao mà buôn bán đây. Mối mang mình đã có cả chục năm nay rồi.
Bây giờ thay đổi chỗ ở họ đâu có biết mà mua. Hơn nữa ở bên đó đâu có bến rộng
như ở đây đâu mà buôn bán được.
Phong nhìn Ngọc mà thấy xót xa. Nhớ ngày nào còn dạy học ở
trường của thầy, nước da chị trắng mịn, tay đeo chiếc lắc xinh xắn, cổ đeo sợi
dây chuyền vàng rực. Chị dạy môn Hóa rất hay, học trò nhiều đứa rất mến chị.
Vậy mà bây giờ trông chị gầy rạc, nước da vàng xạm, nhăn nheo, dáng người
queo quắt nhìn như con khô mắm, không còn sức sống nữa.
- Phải chi hồi đó chị đừng xin nghỉ, cứ dạy học đến bây giờ
thì cũng đỡ.
Phong nói có vẻ hối tiếc cho chị.
- Lúc anh Hiền bị bắt, tôi có tìm đến ông Hạo, trưởng phòng
Giáo dục và cả ông Quyết, phó trưởng Phòng xin được đi dạy lại mà mấy ổng đâu
có cho. Thầy biết không lúc anh Hiền còn đương chức, làm ăn được thì chính
hai cái thằng cha này gợi ý cho tôi đi dạy rồi hứa sẽ tạo mọi điều kiện cho
tôi đi học sư phạm. Đến khi anh Hiền thất thế, tôi lạy lục, van xin đi dạy lại
nó chẳng cho. Nhưng mà thầy ơi, thầy có tin không. Quả báo nhãn tiền đó nghe.
Hai thằng đó thượng đội hạ đạp làm hại không biết bao nhiêu người, lém lĩnh
bòn rút, thằng nào cũng giàu nứt đố đổ vách mà đâu có được hưởng phước đâu. Đều
chết bất đắc kỳ tử hết rồi.
Tưởng ai chứ ông Hạo và ông Quyết thì thầy Phong quá rành rồi.
Hai ông này trước kia đều là cán bộ của Sở Giáo dục bị kỉ luật “đày” đi ra đảo.
Nghe đâu hồi đó ông Hạo làm trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên của Sở. Đến
mùa thi, ông tuồn ngay cái đáp án cho một ông cán bộ đi thi. Ông này lại quá
dốt, chép y chang cái đáp án không sai một chữ nào, kể cả phần thang điểm hướng
chấm dành cho giám khảo cũng chép luôn! Giám khảo chấm bài thấy có “vấn đề”
bèn lập biên bản nộp lên Sở Giáo dục. Thế là ông Hạo bị giám đốc kỷ luật.
Cũng may mà ông này luồn lách tốt chứ không thì mất việc như chơi. Còn ông
Quyết thì mắc phải cái tội môi giới làm bằng tốt nghiệp giả và lăng nhăng với
phụ nữ. Thế là cũng bị cho đi chung một xuồng với ông Hạo luôn. Kể cũng lạ.
Hiền bị kỉ luật thì đời đen như đít ấm, còn hai ông này bị kỉ luật thì lại
càng phất lên, mà lại phất lên từ ngay cái kinh nghiệm mà chính nó đã từng
làm cho ông ấy bị kỉ luật mới lạ chứ! Ông Hạo khi mới xuống huyện cũng phụ
trách bổ túc văn hóa của Phòng Giáo dục. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm ở Sở mà
ông ấy đã “giúp đỡ” cho không biết bao nhiêu là cán bộ của huyện lấy được cái
bằng tốt nghiệp Bổ túc trung học. Còn ông Quyết thì phụ trách chuyên môn. Ông
này thì lại kinh nghiệm gái gú nên đã lập được một công lớn là bắt quả tang
trưởng Phòng Giáo dục Trần Xuân Vĩnh đang quan hệ bất chính với chị tạp vụ của
phòng. Ông Quyết không bỏ qua cơ hội ngàn vàng để có thể lên chức, liền lập
biên bản ngay rồi báo với chi bộ kỷ luật đảng và cách chức trưởng phòng. Tội
nghiệp ông Vĩnh, quê ở tận miền Bắc, là cán bộ thuộc diện tăng cường cho miền
Nam từ những ngày mới giải phóng còn thiếu cán bộ lãnh đạo. Xa vợ con mấy năm
trời, lại ở nơi khỉ ho cò gáy này với chị tạp vụ đã có một con lại góa chồng,
ông cầm lòng không đặng. Cay đắng nhất là ông bị ngay cái thằng học trò của
mình ngày xưa tố cáo mới chết chứ. Quyết chính là học trò của ông Vĩnh từ
ngày còn ở ngoài Bắc. Sau đó, Ủy ban nhân dân huyện đề bạt với Sở Giáo dục
cho ông Hạo làm trưởng Phòng giáo dục thay ông Vĩnh, còn ông Quyết vì có công
lớn trong việc chống những hành vi đồi bại nhằm xây dựng nội bộ đảng trong sạch
vững mạnh nên cũng được đề bạt làm phó phòng.
Hồi đó, cũng chính hai ông này đã cản trở cái ước mơ cháy bỏng
của thầy giáo Phong là đem cái ánh sáng văn hóa đến một vùng quê hẻo lánh này
bằng cách tranh thủ chính quyền địa phương xây dựng một ngôi trường thật
khang trang, sạch đẹp, với một đội ngũ giáo viên nhiệt tình, năng động. Trường
của thầy có nhiều phong trào thi đua sôi nổi. Thầy còn dựng cả một chương
trình văn nghệ cho học sinh đi thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ” vào những ngày
hè và cũng giành được nhiều giải thưởng. Học sinh thì nô nức đến trường khác
hẳn trước kia chúng nó thích thì đi học còn không thích thì nghỉ; con gái thì
mới mười lăm mười sáu tuổi đã muốn nghỉ học để lấy chồng. Hồi đó thầy còn tổ
chức cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, năm nào cũng có giải vòng tỉnh. Một
lần, Sở Giáo dục ra thanh tra trường thầy, họ đã đánh giá rất cao thành tích
của trường và có lời khen ngợi thầy Phong. Ngôi trường mơ ước của thầy đang dần
dần hình thành thì lãnh đạo phòng cứ yêu cầu thầy làm những chuyện mà với
lương của một thầy giáo thầy không thể làm được. Khi thì bảo cho thằng này nó
tốt nghiệp Trung học cơ sở đi, nó là con của bà phó Chủ tịch xã đó. Khi thì
đưa xuống những dân “mắc ma” ở đâu về bảo là giáo viên rồi bắt thầy nhận. Khi
thì đưa mấy cái học bạ của cha căng chú kiếc nào bảo thầy ký đi rồi sẽ có bồi
dưỡng... Có cái thầy làm được, có cái thầy không thể làm được. Thế là mâu
thuẫn với lãnh đạo phòng. Thầy thấy làm Hiệu trưởng khó quá, rồi đâm đơn xin
nghỉ chuyển về thành phố. Tội nghiệp hồi đó nhiều giáo viên nghe tin thầy nghỉ
làm hiệu trưởng cũng nghỉ dạy luôn.
- Ủa! Ông Hạo và ông Quyết chết rồi hả? - Phong ngạc nhiên
hỏi lại.
- Thầy không biết gì thiệt hả? Ông Quyết mới chết năm ngoái
còn ông Hạo chết ba năm nay rồi. Hai ông đều chết hết sức bất ngờ, không một
lời trăn trối. Bác sĩ bảo là đột tử. Đặc biệt ông Quyết xây biệt thự trên Sài
Gòn, tiền bạc giấu giếm vợ cho vay rải rác khắp nơi, vợ đâu có biết đâu mà
đòi. Thôi thì của thiên trả địa hết, âu cũng là chuyện thường tình mà. Kìa!
Anh Hiền về rồi kìa. Thầy ra ngoài quán cà phê nói chuyện với ảnh đi, ngồi chồm
hổm ở đây mỏi chân lắm, để tôi với cô Phượng ở đây được rồi.
Cũng để tiện cho hai người phụ nữ tâm sự với nhau, Phong đứng
lên, bước ra ngoài bắt tay Hiền. Bàn tay to tướng thô ráp của Hiền nắm lấy
bàn tay nhỏ nhắn của Phong, niểm nở kéo ra quán cà phê gần đó.
Trong cuộc hàn huyên tâm sự chiều hôm ấy, Hiền nhắc lại rất
nhiều những kỷ niệm cũ của hai người. Đó là những kỷ niệm nhiều cay đắng ít
niềm vui. Anh nói mỗi buổi tối, anh thường xem Đài truyền hình Vĩnh Long cho
đỡ nhớ nhà. Đặc biệt anh chú ý những chương trình dành cho những người nghèo.
Bây giờ chính sách của nhà nước cũng chú ý chăm sóc cho người nghèo nhiều
quá. Chỉ riêng Đài truyền hình Vĩnh Long thôi mà hàng tuần có đến bảy chuyên
mục dành cho người nghèo. Anh thuộc lòng từng trò mà những người nghèo phải
“biểu diễn” mới nhận được tiền trong những game show này. Anh tự nhận thấy rằng
có nhiều chương trình mình cũng xứng đáng được tham dự. Anh xem “Thắp sáng niềm
tin”: Ối dào, mấy đứa học sinh nghèo vượt khó này thành tích đâu bằng con
mình mà nghèo cũng đâu bằng con mình đâu mà cũng bày đặt lên ti vi. Anh xem:
“Chắp cánh ước mơ”: Ái chà! Có được căn nhà thì đỡ khổ quá. Nhưng mà muốn có
mặt trong chương trình này thì phải vừa nghèo rớt mồng tơi vừa thuộc diện gia
đình chính sách mới được. Chắc không tới lượt mình rồi. Anh xem: “Vượt lên
chính mình”: Ý ẹ! Chương trình này cũng cho nhiều tiền nhưng mà bắt phải kể
khổ quá. Mình mà lên ti vi, chú bác bắt gặp có mà đeo mặt mo về nhà. Bây giờ
mình không về nhưng đến lúc tụi nó cưới vợ thì mình cũng phải về cho nó còn
có họ có hàng với người ta chứ. Mà đâu phải chỉ kể khổ không thôi đâu, lại
còn bắt phải thi đấu với một gia đình khác cùng nghề nữa chứ. “Vượt lên chính
mình” mà lị! Kiếm đâu ra người vác lá như mình mà thi đấu đây? Mình mà vác lá
chạy đua thì không lo, nhất định là thắng rồi. Có điều nhìn mình chạy nhông
nhông trên ti vi chắc buồn cười lắm. Thôi dẹp đi. Anh xem: “Lục lạc vàng”: Tiếc
quá! Cho một đợt tới năm gia đình, mỗi gia đình một cặp bò. Nhưng mà mình đâu
có ở nông thôn đâu mà đòi nuôi bò. Đừng có mơ. Anh xem: “Địa chỉ nhân đạo”:
Quá bi thảm! Một anh chuyên bẻ dừa mướn bị té liệt toàn thân, một chị ung thư
giai đoạn cuối, một bà cụ bảy mươi ba tuổi nuôi bốn đứa con đều bị bệnh tâm
thần.
Cầu trời cho mình không rơi vào hoàn cảnh này. Anh xem: “Thần tài gõ cửa”:
Ô, cho nhiều tiền quá! Ý mà chương trình này chỉ dành cho người khuyết tật.
Mình đâu có khuyết tật mà ham. Anh xem: “ Chuyến xe nhân ái”: Được đây! Cho một
lần tới mười gia đình. Cứ chọn logo của doanh nghiệp mà lấy tiền. Logo nào
nhiều thì ba bốn chục triệu, logo nào tệ lắm thì cũng có đến mười lăm, hai chục
triệu đồng tùy từng đợt. Quá dễ dàng. Mình có nai lưng ra làm cả năm cũng
không được ngần ấy tiền. Ý mà cũng không được. Chương trình này nó còn bắt
mình kể khổ còn hơn chương trình “Vượt lên chính mình nữa”. Xấu hổ lắm! Thôi
dẹp. Dẹp hết. Lòng tự trọng của anh nó lại sôi lên sùng sục trong người. Dù
gì thì mình cũng là thằng tốt nghiệp đại học kinh tế hệ chính quy chứ có bỡn
sao! Ai lại làm thế!
Hiền không gầy rạc như Ngọc. Anh vốn to con, cao lớn nay
trông vẫn lực lưỡng vạm vỡ. Nhưng dáng dấp thì phong trần quá. Không phong trần
sao được! Một ngày anh phải vác cây lá chạy lên, chạy xuống cả hàng trăm lần
dưới bến. Nhận cây lá thì vác lên trại, còn bán cho người ta thì vác xuống
thuyền hoặc lên xe thồ cho họ chở đi. Bán cây lá rẻ tiền này coi như lấy công
làm lời, mướn người ta làm thì hết, chẳng còn đồng nào. Vì vậy mà đôi bàn tay
của anh bây giờ chai sần, nứt nẻ như vỏ cây thông. Phong thấy thương Hiền
quá. Thầy muốn nói rất nhiều nhưng cổ cứ nghẹn ứ lại. Cái đám người hãnh tiến
kia vì hào quang của địa vị, tiền tài và danh vọng che lấp mất khiến họ không
còn biết tự trọng là gì nữa. Còn anh, lòng tự trọng lại quá lớn đến nỗi trở
thành bệnh sĩ lâu năm gây biến chứng trở thành bệnh tự ti, mặc cảm đến nỗi mấy
chục năm trời không dám quay về quê hương xứ sở mặc dù chỉ cách chưa đầy nửa
ngày đường xe đò. Anh sống như một con rùa rút cổ. Giá như hồi đó, sau khi ra
tù, anh cứ về lại quê hương nhận lại đất đai mà làm thì chắc bây giờ không đến
nỗi phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất như vậy. À, mà cũng có lẽ một phần
là tại Ngọc nữa. Ngọc có cho anh được cái quyền quyết định gì đâu. Cái tính
ghen tuông cộng thêm sự độc đoán thái quá làm chị mụ mẫm đi khiến cho mọi quyết
định của chị đều dẫn đến hết sai lầm này tới sai lầm khác. Ngay cả cái việc
anh về thăm gia đình, nếu muốn, thì cũng chưa chắc Ngọc sẽ cho anh về, trừ
khi về để chia gia tài. Mỗi lần thất bại, Ngọc đều đổ thừa cho Hiền hết mặc
dù anh chỉ làm việc như
một cái máy dưới sự điều khiển của chị.
Hiền đứng lên móc túi định trả tiền cà phê, Phong ngăn lại:
- Anh cứ để tôi trả. Bây giờ anh có nhờ tôi giúp gì không?
- Có gì đâu mà giúp. Ghe tôi gọi rồi. Sáng mai họ sẽ đến chở
hết cái khung nhà này về miếng đất ở tuốt trong hóc bò tó bên kia sông cất lại.
Tôi cũng đã làm giấy xin phép và mướn được người cất nhà rồi. Thầy tới thăm
là tôi mừng rồi. Khi nào cần tiền, tôi sẽ mượn. Tôi cám ơn vợ chồng thầy nhiều
lắm.
Phong và Hiền cùng bước ra khỏi quán. Một cái bóng to cao
và một cái bóng thấp bé đổ dài trên mặt đường dọc theo bờ sông trong buổi chiều
tà, lầm lũi đi về hướng cái chòi tạm.
Chia tay vợ chồng thầy giáo, Hiền sực nhớ tới con chó từ
sáng tới giờ anh chưa cho nó ăn. Tôi nghiệp quá, con Mực bị tụi trộm chó bắt
từ hồi hôm rồi. Bây giờ chỉ còn có con Phèn. Nó đâu rồi nhỉ? Anh vội kêu lớn:
- Phèn! Phèn! Phèn! Phèn ơi!... Phèn ơi!...
Con chó chắc đang đi kiếm chỗ ăn chực, nghe tiếng chủ gọi,
vội quay về vẫy đuôi mừng, dúi đầu vào chân chủ như muốn nhận lỗi. Anh dường
như cũng hiểu ý nó:
- Mày đâu có lỗi gì đâu. Tao mới có lỗi nè. Từ sáng tới giờ
tao lu bu quá quên mất cho mày ăn, mày đừng giận tao nghe. Tối hôm qua, trời
mưa mày ngủ có lạnh không? Bạn mày mất rồi mày có buồn không? Hồi hôm, tao
cũng đâu ngủ được. Nghe tiếng con Mực kêu mà tao cũng không thèm ra. Tao hư
quá không cứu được bạn mày để bây giờ mày cô đơn có một mình. Ngày mai, mày
qua bên kia sông ở với tao nghen.
Anh vỗ vỗ vào đầu nó mấy cái rồi đi ra sau lều vét nồi cơm
nguội cho vào trong cái tô và không quên bỏ vào đó một ít con cá kho quẹt:
- Mày ăn đi, chỉ có thế thôi. Tao cũng ăn như mày vậy thôi
mà!
Thật lạ. Con chó nhịn đói từ sáng tới giờ không biết vì
thương chủ hay vì đã ăn vụng ở đâu rồi hoặc là vì không còn con Mực hay gầm gừ
giành giật trong bữa ăn với nó nữa mà nó rất từ tốn, không háu ăn như mọi lần.
Vừa ăn nó vừa bẽn lẽn, lấm la lấm lét liếc nhìn ông chủ bằng con mắt lim dim,
mặt nó buồn buồn, đôi tai cụp xuống xít lại phía sau, cái đuôi thì cứ ngoe
nguẩy liên hồi.
- Mày ngoan lắm Phèn à.
Anh ngồi trên đống tràm nhìn qua cái nhà sàn vừa mới dỡ bỗng
dưng thấy buồn rười rượi. Chưa bao giờ anh thấy nỗi buồn thấm ngọt vào tâm hồn
anh như lúc này. Có cái gì cay cay trên khóe mắt và mằn mặn ở đôi môi. Ồ,
mình khóc thật ư? Thật là tầm bậy. Anh vỗ đùi đánh đét một cái rồi vụt đứng dậy
đi đến cái kệ sách ở góc lều, một dấu tích duy nhất còn sót lại chứng tỏ một
gia đình trí thức, lấy ra cái khung có hình chụp thằng Minh và thằng Mẫn đang
ôm phần thưởng cười toe toét hồi học ở cấp ba. Anh lấy khăn lau lau trên
khung hình đó, rồi nâng niu, ngắm nghía. Dường như anh đang thấy hình bóng của
mình ở trong đó, rồi anh mỉm cười. A ha, mình có hai thằng con tuyệt vời đây
mà, buồn gì mà buồn. Ba năm nữa thằng Minh là bác sĩ. Nó sẽ là bác sĩ hẳn hoi
chứ không như cái thằng Linh mặt đần kia có cái bằng thạc sĩ dỏm. À không, bằng
thật mà kiến thức dỏm. Còn thằng Mẫn nó sẽ là một nhà giáo ưu tú trong tương
lai. Thằng Minh sẽ trị cho con người ta hết những nỗi đau thể xác; còn thằng
Mẫn sẽ dạy cho con người ta biết thế nào là lòng tự trọng. Xã hội này sẽ tốt
đẹp lên, đời ta sẽ tốt đẹp lên.
Rạch Giá, những ngày cuối tháng 8 năm 2012
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét