Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Tình yêu cuối cùng của Dostoievsky

Tình yêu cuối cùng của Dostoievsky
Sergei Belov
Tiểu truyện
Trên góc đường Malaya-Meschanskaya và Stolyrany có một chung cư trông thật khiêm tốn, đó là nơi nhà văn Dostoievsky với đứa cháu của người vợ đã mất cùng bà nhũ mẫu trung thành đang ở. Trong phòng làm việc ông treo bức chân dung của người thiếu phụ mặc sắc phục màu đen, chân dung của Maria-Dmitriyevna-Iayeva, người vợ đầu của Dostoievsky đã từ trần cách đó hai năm rưởi. Tình cảnh của ông lúc ấy là người độc thân, 44 tuổi, đang sống những ngày dài lo âu, buồn bã.
Trước đó một năm, khi những chủ nợ đến gõ cửa, đe dọa đưa ông vào tù... đứng trước tai họa ấy, ông đã nhắm mắt ký một hợp đồng với nhà xuất bản Stellovsky để nhận 3.ooo rup, không cần biết thủ thuật mà nhà xuất bản toan tính cướp đi sự sống của ông. Theo , Dostoievsky chấp nhận bán hai tác phẩm, đến ngày 1/9/1866 ông sẽ trao tác phẩm cuối cùng gồm 75.000 chữ, nếu không thực hiện đúng điều khoản, chẳng những ông phải chịu tiền phạt mà còn mất hẳn bản quyền trong vòng chín năm với những sáng tác mới của ông.
Cuộc sống túng thiếu và hỉnh ảnh nhà tù không ngừng ám ảnh ông, đứng trước viễn cảnh tối đen nầy thiên tài Dostoievsky đã thức dậy bằng cả ý chí sáng tạo, ông quyết tâm viết hai tác phẩm cùng một lúc. Cuốn đầu là “Tội Ác Và Hình Phạt” [Crime And Punishment] được đăng tải từng kỳ trên báo Rusky-Vetnik vào đầu tháng 1/1866, tác phẩm thứ hai còn nằm trong trí tưởng, đó là cuốn “Con Bạc” [The Gambler]
Suốt thời gian từ những tháng cuối năm 1865 đến tháng 9/1866 ông say mê viết “Tội Ác Và Hình Phạt“. Vào ngày mà cô gái trẻ đẹp đánh tốc ký đến giúp ông, ông chỉ còn vỏn vẹn 26 ngày nữa là hạn chót giao tác phẩm “Con Bạc“ cho Stellovsky, khi tác phẩm vẫn còn phác thảo trong sổ tay, tất cả hy vọng ông trông mong là lòng tận tụy của cô thư ký trẻ đẹp Anna, người thiếu nữ có duyên tiền định với đại văn hào Dostoievsky.
Anna-Snitkina sinh ở saint-Peterbourg ngày 30/8/1846, cha cô là Grigouivanovich-Snikin, một vi6n chức chính phủ, mẹ cô là Anna-Nikolayevna-Snitkina sinh ở Miltopeus, bà gốc người thuy Điển lẫn Phần-Lan được Nga hóa, trong hồi ký của Anna cô viết: “Tổ tiên tôi sinh sống ở Abo và được chôn cất trong nghĩa thành của nhà thờ nổi tiếng nơi ấy, nhưng khi tôi đến thăm xứ Abo trên đường sang Thuy Điển, tôi đã cố công đi tìm ngôi mã tổ, nhưng vì tôi không biết tiếng Phần Lan lẫn Thụy Điển nên người gác nghĩa trang không thể cho tôi biết chút tin tức nào...”
Năm 1966, tôi [nhà văn Sergei-Belov đến Phần Lan] và đã tìm ra ngôi mộ tổ tiên của Anna, đó là ngôi mộ vị giáo sư viện trưởng đại chủng viện Martin-Miltopeus [1631-1679]. Truy cứu thân cây gia tộc nầy thì giòng họ mẹ của Anna có rất nhiều học giả nổi tiếng cả Phần Lan lẫn Thụy Điển. Chính nhờ thừa hưởng từ tổ tiên trí thông minh, nhạy cảm và tình yêu hướng vọng mà Anna có đủ năng lực hiến dâng đời mình cho sự nghiệp của Dostoievsky sau nầy. Tuy nhiên yếu tố quyết định đường đời của Anna là bầu không khí ở Nga và những năm 1860, tất cả tầng lớp trẻ tuổi đang dâng trào một làn sóng khát vọng về tự do tình yêu, họ đòi hỏi phải có một nền giáo dục độc lập, căn nhà nơi Anna ở thường tụ tập những sinh viên cấp tiến, những thanh niên dũng cảm dám phá bỏ mọi giáo điều, mọi tập tục xưa cũ trong gia đình.
Bước đầu vào đời, Anna quyết định theo học ngành sư phạm, không may cho cô, giữa lúc ấy thì cha cô lâm trọng bệnh, cô phải thường trực bên giường để chăm sóc cha từ sáng tới tối cho đến khi ông chìm vào giấc ngủ Anna mới có chút thời gian theo học lớp tốc ký.
Cái chết của cha đã làm gia đình cô suy sụp, trước hoàn cảnh khó khăn ấy, Anna phải tìm kế mưu sinh.
Hôm trước trong lớp học tốc ký, thầy Pavel-Matreyevich-Olkhin có trao cho cô một số công việc gấp rút với nhà văn Dostoievsky kèm theo những lời dặn dò: “Nhà văn ấy là một người buồn bã hay gắt gỏng và khó tính“.
Vào một buổi sáng mùa đông giá lạnh ở saint-Pe1terbourg ngày 4/10/1866 một cô gái 20 tuổi, trẻ đẹp, mặc trang phục giản dị, với khuôn mặt trái xoan dịu hiền, đôi mắt sáng trong xanh bước đi dưới trời mưa tuyết đến căn nhà trên đường Malaya-Meschanskaya và Stolyrany-lane. Cô đưa tay ngại ngùng gõ cửa... Đó là căn nhà Dostoievsky đang sống những ngày tháng phập phồng, ông đợi chờ cái giờ kết thúc của bản hợp đồng khốn kiếp? Ông đang đợi tai họa đưa ông vào tù vì các chủ nợ? Không! Dostoievsky đang đợi tình yêu cuối cùng bước vào đời ông. Và định mệnh đã đưa Anna đến với ông.
Ngày 4/10/1866 nhà văn và cô thư ký bắt đầu cuộc chiến chống lại thủ thuật của nhà xuất bản, ban đêm ông phác thảo “Con Bạc“, hôm sau đọc cho Anna tốc ký, chiều tối về nhà Anna ngồi chép lại, sáng mai Dostoievsky duyệt qua một lần nữa, cả hai người đang chạy đua với thời gian bằng tài năng và nhiệt huyết của mình. Khi Anna nghe ông kể về cái HĐ trí trá ấy, cô tức giận, nguyện lòng sẽ giúp ông tới cùng, cô trở thành người trợ lực của ông, ông thường bông đùa gọi cô là: “Con chim câu yêu quý tài tình“ hoặc là “người v65 binh chân tình của ông“. Ông đã đón nhận ở Anna rất nhiều ý kiến hay trong việc sáng tác của ông, dần dần Anna không còn ngại ngừng với tình cảm của ông nữa, cô bắt đầu hỏi về quá khứ đời ông, nhiều khi giúp ông vài việc vặt vãnh trong nhà, tình cảnh cô độc, lo lắng, nghèo túng mà Dostoievsky đang sống gây cho cô nhiều xúc cảm về đời sống của một nhà văn.
Tác phẩm ‘Con Bạc‘ đến ngày 29/10/1866 là ngày ông đọc cho Anna những giòng cuối cùng, ông thai nghén cuốn tiểu thuyết nầy lúc còn sống với Maria-Dmitriyevna, nội dung hình thành qua mối tình thứ hai với Apollinariya, đến khi Anna xuất hiện thì tác phẩm bắt đầu khai sinh. Dostoievsky đã làm được một sự thực phi thường, chỉ trong vòng 26 ngày, ông viết xong cuốn tiểu thuyết 75.000 ngàn chữ, một sự thực trước nay chưa hề có trong thế giới văn chương, tuy nhiên ông hiểu rằng, nếu không có lòng tận tụy của Anna chắc chắn ông không thể viết nổi.
Tác phẩm “Con Bạc“  nói về một người Nga có thiên tư ném đời mình vào trong cuộc đỏ đen hoang phí, Dostoievsky thường tự vấn bao giờ một người Nga xuất hiện trong văn chương? Và đó là ý tưởng cho ông chủ đề kế tiếp “Gã khờ“ [The Idiot] tác phẩm duyên nợ kết hợp đời ông với Anna.
Một hôm Anna thấy ông không được vui, cô dịu dàng hỏi ông:
- Sao ông không lấy vợ lại đi để tìm hạnh phúc trong đời sống gia đình?
Nhà văn ngạc nhiên hỏi cô:
- Thế cô nghĩ rằng tôi còn co thể lấy vợ nữa sao? Cô thấy ai bằng lòng lấy tôi chứ? Còn tôi! Tôi sẽ chọn lựa người vợ như thế nào đây? Một người thông minh hay tốt bụng? Tất nhiên là người thông minh! Ồ! không! Nếu tôi chọn, tôi sẽ lấy người tốt bụng hơn, người ấy sẽ yêu tôi và sẽ đối xử tốt lành với tôi.
Sau đó ông hỏi cô sao chưa lấy chồng? Anna đáp rằng:
- Hiện có hai người đang theo đuổi cô, nhưng cả hai cô kính mến chứ không yêu! Cô muốn lấy người bằng tình yêu kia.
Dostoievsky khuyến khích cô:
- Đúng! Phải là tình yêu! Lòng kính trọng thôi không đủ làm cho cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Ngay từ buổi đầu, Dostoievsky đã rất yêu mến Anna, ông thấy lòng mình bị thu hút qua sự bén nhạy, sự mẫn cảm, quán xuyến trong công việc và trên tất cả là lòng tốt của cô, không những Anna kính yêu ông, cô còn quan tâm đến cái ăn cái mặc, giấc ngủ và mọi sinh hoạt hằng ngày của ông. Đã từ lâu ông thiếu vắng sự chăm sóc của một người đàn bà chân thật, người cuối cùng cho ông sự chăm sóc ấy là mẹ ông, nhưng bà đã mất cách đây ba năm, sống với người vợ đầu, ông hiếm khi thấy bà dịu dàng yêu mến ông, cả hai người đàn bà trước đây không hiểu nổi ông, họ đã không giúp ông được gì trong việc sáng tác, trái lại họ còn quấy rầy ông. Ông cảm thấy trái tim mình sống lại qua bóng hình Anna, nhưng sự khước từ của người đẹp Suslova còn in đậm trong tâm trí ông, ông không thể quên sự thực chuyện tình cay đắng ấy. Trong truyện ngắn “Ước Mơ Của Một Người Chú“ ông tự chế nhạo mình qua nhân vật trong truyện “Một người quý tộc đứng tuổi đi tán tỉnh cô gái còn tơ” nên đối với Anna ông không dám mạo hiểm lần nữa. Những năm sống cô độc, ông luôn khát khao một tổ ấm gia đình, trong bức thư mới đây gởi cho Alexandre-Vrangel có đoạn: ”Chí ít anh cũng sống được hạnh phúc trong đời sống gia đình, còn tôi số phận đã khước từ niềm hạnh phúc lón lao nầy của con người”.
Ông thấy rằng Anna có đủ dung hạnh của một người vợ hiền, một người mẹ gương mẫu mà ông mơ ước, ước mơ ngày đêm xao xuyến lòng ông và ông mong chờ cơ hội để thổ lộ nổi lòng.
Một hôm Anna đang ngồi chờ ông đọc nốt phần kết của “Tội Ác Và Hình Phạt“ thì Dostoievsky bắt đầu nói với cô về những giấc mơ ông hằng tưởng, điều làm cô kinh ngạc là ông quyết định viết một tác phẩm mới nữa, lời của ông cảm xúc như khi ông đọc cho cô tốc ký tác phẩm “Con Bạc“, nhân vật chính trong truyện là một nhà văn lớn tuổi, hay bệnh hoạn, đã trải qua nhiều biến cố trong đời, đã mất đi cả gia đình lẫn bạn hữu. Dostoievsky diễn tả chi tiết về cuộc đời người nghệ sĩ ấy làm Anna nghi hoặc ông đang nói về chính ông, khi ông nói với cô rằng nhà văn trong truyện đem lòng yêu một cô gái tên là Anna, cô nghĩ rằng ông đang tưởng nhớ về Anna-Korvin-Krukovskaya, một cô gái trẻ đẹp, thông minh mà có lần ông nói với cô. Vào lúc cô quên mất tên mình là Anna thì ông hỏi cô rằng:
- Nếu như đó là chuyện thực, cô gái Anna ấy yêu nhà văn lớn tuổi, bệnh hoạn nầy, người hoàn toàn khác cô về tính tình cũng như tuổi tác, như vậy về phần nàng phải chịu sự thiệt thòi ghê gớm, cô nghĩ xem có được không?
Anna trả ông rằng:
- Nếu nàng có lòng tốt thì yêu một người như vậy thì không phải l2 chuyện hy sinh đối với nàng, lòng tốt không sợ hãi bệnh tật hat ngheo khổ, người ta thường lấy nhau vì dáng vẻ bên ngoài, vì của cải phù phiếm, nhưng như vậy đâu phải là tình yêu, nếu Anna yêu nhà văn ấy, nàng sẽ hạnh phúc và không bao giờ hối tiếc cho quyết định của mình.
Nửa thế kỷ sau Anna hồi tưởng lại “Tôi nói thật nhiệt tình, Fyodor-Mikhailovitch chăm chú nhìn tôi cảm xúc - Vậy cô tin rằng nàng yêu ông ta chân thật trọn đời? Fyodor ngập ngừng nói tiếp “thử đặt cô vào vị trí của nàng một phút xem sao? Giọng Fyodor run run“ Ví như nhà văn ấy là tôi, và tôi tỏ tình với cô, muốn hỏi cô làm vợ, thì cô sẽ trả lời tôi thế nào?
Khuôn mặt Fyodor trông thật hoang mang như có nổi dằn vặt bên trong, liền ngay tôi hiểu rằng đây không phải là cuộc bàn luận văn chương bình thường, tôi sẽ gieo vào lòng cao thượng và tự trọng của ông một tai họa ghê gớm nếu tôi từ chối, tôi nhìn khuôn mặt lo lắng của Fyodor, khuôn mặt quá thân yêu với tôi và nói rằng:
- Câu trả lời của em là... em sẽ yêu anh và yêu anh trọn đời.
Anna chấp nhận tìm hạnh phúc trong đau khổ của đời ông, cô biết ông người mang bản án đại hình từ địa ngục Sibérie trở về, hiện ông thường xuyên bị mật vụ theo dõi, lệnh theo dõi đến năm 1875 mới hết hiệu lực, mặc dầu ông là nhà văn tài năng, nhưng đời sống của ông nghèo túng, bấp bênh, bên cạnh gáng nợ nần người anh ông chết đã trút lên vai ông, và cái điều bất hạnh hơn nữa là chứng động kinh không phương cứu chữa, nhưng Anna đã nói rằng “lòng tốt không sợ hãi bệnh tật hay nghèo khổ, lấy nhau vì điều kiện bên ngoài đâu phải là tình yêu” Quả thật thời gian làm việc với Dostoievsky cô đã thầm yêu ông.
Riêng Dostoievsky, khi ông cởi lòng bằng câu chuyện tình ấy, ông hiểu rằng đây là cơ hội cuối cùng để có một tổ ấm gia đình với người vợ hiền và con cái, nếu Anna từ chối không hiểu vết thương mà Suslova gây nên sẽ sâu xa đến chừng nào, nhìn từng nét biểu lộ trên khuôn  mặt yêu kiều của Anna, chăm chú nghe từng lời cô nói, ông hiểu cô yêu ông bằng lòng chân thật, sau nầy Dostoievsky kể lại “Khi tôi kết thúc câu chuyện, tôi thấy Anna tỏ lòng yêu tôi thật chân thành, mặc dầu nàng chưa bao giờ thể hiện điều ấy, còn phần tôi, tôi càng yêu thương nàng hơn nữa, ngày anh tôi mất đi, cuộc đời đè lên tôi những gánh nặng khủng khiếp, vậy mà tôi dám hỏi nàng làm vợ và tuổi tác còn là sự chênh lệch ghê gớm nữa chứ! Nàng 20, tôi 45t, nhưng dần dần tôi tin chắc rằng nàng sẽ hạnh phúc, vì nàng có trái tim cuồng nhiệt của tình yêu“
Thư đâu tiên ông viết cho cô dâu son trẻ kết thúc bằng những lời “tin yêu em vô cùng, em là tương lai, hy vọng, chân thành, hạnh phúc và kỳ diệu của đời anh”
Sáu tháng sau ngày họ yêu nhau, Anna viết thư cho người bạn gái S.A.Kashina:” Anh ấy là người chân thật kỳ lạ, rộng lượng biết bao! Ít người hiểu được anh ấy cho đúng, quả thật anh ấy hay buồn và gắt gỏng, nhưng bên trong con người anh là lòng tốt, yêu thương nồng nàn vô cùng, tôi biết anh ấy yêu tôi say đắm, điều ấy làm tôi sung sướng đến nổi nhiều khi nghĩ mình không đáng được hạnh phúc như vậy “
Sau nầy có người hỏi “Sao cô dám liều lĩnh với cuộc hôn nhân như vậy? Anna luôn trả lời “Vì tôi là cô gái của những năm 60 mươi“. Tuy nhiên cuộc hôn nhân của họ không thuận buồm như tình yêu đã đến, bà vợ của anh ông và Pasha, cháu trai của người vợ đầu cùng đàn đúm con cái của bà phản đối kịch liệt, họ biết rằng sau cuộc hôn nhân, họ sẽ không còn nương tựa vào sự sống của ông nữa. Về phần bên họ hàng bạn bè cô dâu, tất cả đều phản đối kịch liệt, nếu họ không vì tình yêu thì khó vượt qua nổi, tất cả đều không bằng lòng để Anna lấy Dostoievsky, một người nghèo khổ bệnh tật, đã qua hai đời vợ, tuổi tác đã đến cùng vận may của đời người, nhiều năm sau con gái Anna hỏi mẹ “Sao mẹ yêu được người mà tuổi đời bằng tuổi ông ngoại vậy me? Anna mỉm cười trả lời con “Nhưng cha con tính tình trẻ trung lắm, nếu con biết cha con thế nào!... Cha con rất thích cười đùa, cha con nhiệt tình như thanh niên, cha con còn vui vẻ và nhạy cảm hơn lớp trẻ đương thời, những thanh niên tập thói quen đeo kính trông nghiêm nghị như những vị giáo sư ấy”. 
Trong 44 năm sống trên đời, thời kỳ hứa hôn với Anna là những ngày tháng tươi đẹp nhất của đời ông, trái tim cuồng nhiệt tuổi trẻ của cô đã hồi sinh cõi lòng băng giá của Dostoievsky. Ông thú thật rằng, Anna đã hoàn toàn biến đổi con người ông, cô đem đến cho ông nhiều cảm xúc mới, nhiều ý tưởng mới và kết quả là ông trở thành con người tốt đẹp hơn, điều ấy 6ng thể hiện qua phần cuối trong “Tội Ác Và Hình phạt“. Rakolnikov trong tình yêu của Sonya-Marmeladova đã hồi sinh trở lại, về sau không phải vô tình mà ông đặt tên con gái đầu lòng là Sonya.
Nhưng giữa mùa xuân của mói tình mới chớm, những người bà con trong gia đình ông là đám mây che lấp niềm vui của họ, Pasha và Emilia thường xuyên xúc phạm đến Anna, họ vẫn bám lấy ông, tiền bạc tờ báo Rusky-Vestnik trả cho cuốn “Tội Ác Và Hình Phạt“ và nhà xuất bản thanh toán về cuốn “Con Bạc“ đều dần dần đi vào túi của họ, Anna bất lực không thể làm gì được, cô biết rằng Dostoievsky không thể chối từ trước lòi xin của những người bà con, ngay cả những nhu cầu cần thiết của riêng ông, ông không còn nghĩ tới, cô lo ngại nếu tình cảnh ấy kéo dài, một ngày ông sẽ xác xơ. Khi cô nói cô yêu ông và sẽ yêu ông trọn đời, tất nhiên cô đã có nhiệm vụ thiêng liêng của người vợ đối với chồng, còn những người trong gia đình chỉ xem ông là hiện thân của một chuổi thất bại triền miên, tù đày, bệnh tật, nợ nần, vợ con dang dở, còn sứ mệnh mà ông đem linh hồn thắp sáng cho cuộc đời, họ là những kẻ mông muội, riêng Anna cô biết rằng “Dostoievsky chỉ có con đường duy nhất là sáng tạo“, đau khổ, tù đày, nghèo túng trở thành chất liệu, nội tâm ông là ngọn núi lửa đang âm ĩ dưới khổ nạn, những gì ông thể hiện từ trước tới nay chỉ là bước đầu trên con đường đánh thức thiên tài. Năm 1839 thời Dostoievsky còn là cậu thanh niên 18 tuổi, ông đã viết thư cho anh ông rằng, “Con người là một hiện thể huyền bí phải được kiến giải, nếu anh sống trọn đời để kiến giải điều ấy thì đừng nói anh đã hoang phí cuộc đời, em đang dấn thân để giải thích sự huyền bí nầy, vì em muốn được làm người “
Dostoievsky đã chọn lựa định mệnh của mình, sống đến tận cùng, đẩy đưa mình chuyện trò với cái chết, dũng cảm đu bay giữa địa ngục và văn chương là suối nguồn phản chiếu nội tâm của ông qua cuộc đời để khai phóng sự huyền bí của con người, từ tội ác học đến nhân bản học cho đến cõi siêu hình.
Một buổi sáng tháng 9 giá lạnh, ông mặc phong phanh chiếc áo mùa thu đến thăm Anna, đi giữa trời mưa tuyết, ông run cầm cập, cảm thấy cái lạnh của mùa đông cực độ nhức buốt xương da, đến nhà gặp Anna ông không thốt ra lời, Anna vội vã rót cho ông hai chén trà nóng, bưng tiếp hai ly rượu hồ đào, uống xong ông mới tỉnh người lại, Anna hỏi ông áo lạnh đâu sao không mặc? Giọng cô đầy trách móc hờn giận, không dấu được ông mới thú thật rằng, “Pasha và Emilia cần gấp một số tiền nên đã xin ông cầm chiếc áo đi“, nghe xong Anna ràn rụa nước mắt:
- Thế nầy làm sao anh sống nổi với mùa đông?
Dostoievsky sung sướng vuốt tóc cô:
- Bây giờ anh mới hiểu em yêu anh chừng nào! Em không thể khóc như thế này nếu anh không được em yêu!
Từ hôm đó Anna tìm đủ mọi cách bảo vệ cuộc sống của ông và đó là cuộc đấu tranh không dễ dàng, cô nói với ông phải cưới nhau sớm chừng nào tốt cừng ấy, chắc chắn trước tổ ấm mới dựng xây, những người bà con sẽ buông tha cho ông, nhưng đám cưới lấy đâu ra tiền bây giờ? Cả Anna lẫn Dostoievsky không đủ sức tổ chức ngày vui thiêng liêng của họ, cuối cùng ông quyết định đi Moscow gặp M.M. Katkov chủ bút tờ báo Rusky-Vestnik để điều đình với ông ta xin ứng trước một số tiền về tác phẩm “Gã Khờ“ ông sẽ viết.
Hai bức thư ông viết cho người vợ chưa cưới từ Moscow có những dòng cảm xúc về lòng thủy chung của Anna và tương lai tổ ấm của họ như sau: “Anh tưởng nhớ em, nhớ bo1nh hình em từng giờ từng phút. Vâng! Anna! Anh yêu em vô cùng, hôn em một triệu lần hơn... Năm mới và mùa hạnh phúc mới đang đến gần đây, cầu phúc cho tình yêu của chúng ta... cho thiên thần của anh... Anh sẽ làm việc với cả sức lực, tất cả đều vì em, vì lòng chân thành của em, lòng chân thành vô bờ không thay đổi, anh tin em và nhắc lại tương lai của anh với em, Anna, người bạn vĩnh cửu của anh, ngày cưới của chúng ta đã quyết định rồi, chúng ta phải có tiền và lấy nhau lúc nào có thể, anh yêu em biết bao! Yêu em vô cùng, điều ấy làm anh sung sướng quá! Với người vợ như em hỏi sao anh không hạnh phúc chứ? Yêu em, Anna, anh yêu em mãi mãi.
Ngày 15/2/1867 hôn lễ của họ cử hành tại nhà thờ Thánh Ba Ngôi Izmalovo, đó là ngày Dostoievsky ghi khắc vào tim mình: ”Ngày 15/2/1854 ông trở về từ địa ngục Osmk-Sibérie, tự do! Tự do! Ôi! Cuộc đời mới, sự hồi sinh từ cõi chết “Và ngày ấy Anna-Grigosyevna, đây cuộc đời mới, là tất cả tương lai, hy vọng, chân thành, hạnh phúc và huyền diệu của đời anh”
Ông hưng phấn giới thiệu Anna cùng tất cả bạn bè, bà con dòng họ: “Nàng là người của tình yêu, người kỳ diệu, nàng có trái tim bằng vàng “.
Mười năm trước đây trong đêm tân hôn với người vợ đầu, Maria-Isayeva, ông đã lên cơn động kinh làm cô dâu hoảng sợ và đó là một trong những nguyên nhân gây tan vỡ những mối tình trước kia của ông. Và Anna trong đêm ấy, cô cũng gặp trường hợp như vậy, nhìn ông quằn quại trong cơn đau, Anna không sợ hãi chút nào, trái lại cô còn lo sóc yêu thương ông hơn nữa, mặc dầu đó là lần đầu cô chứng kiến, sau nầy cô hồi tưởng lại: ”Giữa lúc ấy tôi không hề hoảng sợ, dù đó là lần đầu tôi thấy cơn động kinh tấn công, tôi vội ôm lấy đôi vai Fyodor, dùng sức đặt anh ấy nằm trên divan, nhưng khủng khiếp quá! Thân thể chồng tôi vật vã lìa khỏi chiếc ghế mà tôi không đủ sức giữ lại... tôi đành để Fyodor nằm trượt xuống sàn nhà rồi quỳ người xuống hết sức ghì anh ấy vào chân tôi... dần dần cơn co giật hạ bớt, Fyodor bắt đầu tỉnh táo lại, nhưng tôi lo âu biết bao! Khi một giờ sau cơn độnh kinh lại tấn công, dữ dội như thế, khủng khiếp như thế, khoảng hai giờ sau chồng tôi mới tỉnh lại, anh ấy kêu lên thật đau đớn, đó là chứng bệnh thật ghê gớm. Ôi! Một đêm kinh hoàng biết bao! Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến Fyodor chịu đựng cơn đau với chứng bệnh ấy, nghe những tiếng kêu la rên rỉ không dứt của anh, nhìn khuôn mặt hổn hển biến đổi, đôi mắt điên dại của anh và hoàn toàn không hiểu nổi những lời ngắt quảng thều thào, tôi đau lòng nghĩ rằng người chồng thương yêu của tôi sắp hóa điên, ý nghĩ nầy ám ảnh tôi ghê gớm. “ Nửa thế kỷ sau cô còn nhắc lại với nhà văn Izmailov: “Toi nhớ lại đời sống vợ chồng chúng tôi thật kỳ diệu, nhưng lắm khi tôi phải trả giá cho hạnh phúc đó bằng sự đau đớn, chứng bệnh khủng khiếp của Fyodor đe dọa cuộc sống êm đềm của chúng tôi mỗi ngày... như anh biết, không có phương thuốc nào chữa trị được căn bệnh ấy, tất cả những gì tôi có thể làm là tháo cởi cổ áo cho anh ấy, giữ đầu anh ấy trong tay tôi, nhưng nhìn khuôn mặt xám ngắt, co giựt, những đường mạch thắt bóp, tôi biết anh ấy đau đớn dường nào, tôi đành bất lực không thể giúp gì hơn được, đó là nổi đau tôi phải trả giá cho hạnh phúc tôi chan hòa yêu thương chồng tôi”.
Ngày Anna lấy Dostoievsky cô vừa tròn 21 tuổi, cái tuổi chưa thể nói là đã đủ kinh nghiệm để lo toan bao việc đời rối rắm, lòng cô vẫn ngây thơ như cô gái mới dậy thì, chứng bệnh của ông sau ngày cưới là một mất mát lớn lao cho hạnh phúc của cô, nhưng bối cảnh cuộc sống hiện tại còn đe dọa họ hơn nữa, những người bà con bây giờ trở thái độ thân thiện với Anna, họ quanh quẩn bên cô từ sáng tới chiều, cuộc sống riêng tư của vợ chồng bị mất mát phần lớn tự do và bao nhiêu công sức Dostoievsky cùng Anna hợp tác làm việc dần dần bie61ntha2nh những nhu cầu đòi hỏi của những người bà con đến nổi Anna muốn xây dựng hạnh phúc nơi một cảnh đời khác. Phải rời khỏi Saint-Péterbourg ồn ào nầy, rời khỏi bao nhiêu nổi phiền hà... rời khỏi những khuôn mặt chủ nợ thỉnh thoảng xuất hiện trước ngưỡng cửa. Thế là đôi vợ chồng mới cưới quyết định tìm hạnh phúc ở đất nước khác một thời gian, họ chuẩn bị ra nước ngoài.
Hai vợ chồng cùng nhau đi Moscow để điều đình với Katkov một khoản tiền ứng trước nữa, chủ bút Rusky-Vestnik đồng ý trao cho họ 1000 rúp khác, Anna vui mừng quá đến nổi quên lời hứa với chồng sẽ không bao giờ làm ông buồn như những người đàn bà trước đây. Lúc ở nhà người chị, cô đã thân mật chuyện trò với một người trẻ tuổi ngoài mức bình thường, cô quên những người trẻ tuổi là nguyên nhân làm tan vỡ những mối tình của ông trước đây, ông từng đau khổ vì hình ảnh Vergurov, người giáo sư trẻ tuổi trong lòng Suslova, hai người đàn bà trước không che dấu sự ngoại tình của họ với những người khác khi họ đang sống với ông, nhưng thủa ấy Dostoievsky không tỏ thái độ ghen tương, ông chỉ âm thầm chịu đựng, ông còn tìm cách vỗ về họ nữa. Còn với Anna, mối tình làm ông hồi sinh thì thái độ ủa ông khác hẳn, ông giận dữ ghen tuông đến nổi Anna phải ôm mặt khóc, nước mắt trong trắng cũng như tấm lòng của cô làm ông thấy rõ sự phi lý của mình, ông hối hận suốt đêm dằn vặt khiến Anna phải triu mến an ủi ông, chuyện rắc rối ấy không phải là bóng mây che bớt niềm vui của Anna, trái lại điều ấy chứng tỏ Dostoievsky yêu cô không cùng và điều sung sướng là họ đang có tiền để ra nước ngoài. Những ngày ở Moscow đôi vợ chồng sau tân hôn mới thật sự hưởng được tuần trăng mật ở khách sạn Dusso, ông thấy đời mình trẻ lại như thủa ban đầu được yêu.
Dự tính ra nước ngoài của họ bị những người trong gia đình phản đối kịch liệt, họ đòi hỏi nếu muốn ra đi thì phải để lại cho họ một số tiền trả dần cho các chủ nợ, thế là trong số tiền ấy ông phải trích bớt 400 rúp, ông buồn bã sợ chuyến đi sẽ không thành.
Nhưng Anna đã quyết tâm, không gì ngăn cản được cô, cô thu góp những gì mình có, từ đồ đạc, áo quần, vàng bạc đem bán và cầm cố đi. Thế là với số tiền ấy, ngày 14/4/1867 hai vợ chồng như đôi chim xổ lồng cất cánh bay sang trời Âu.
Sau nầy Dostoievsky kể lại tâm trạng của ông lúc ấy với Allon-Maikov: “Tôi ra đi, nhưng tôi ra đi với cõi lòng héo hắt, tôi không tin chuyến đi ra nước ngoài ấy, nghĩa là tôi nghĩ đời sống ở đất khách quê người sẽ không có gì tốt đẹp, một mình với người vợ trẻ có niềm vui ngây thơ muốn chia xẻ cùng tôi đời sống đó đây, nhưng tôi thấy niềm vui trong trắng nầy quá thiếu nhiều kinh nghiệm, chỉ là hứng khởi lúc đầu, điều lo lắng ấy ám ảnh tôi ghê gớm... với chứng bệnh của tôi, tôi sợ Anna sẽ không chịu nổi, sự thực Anna có nghị lực và độ lượng hơn tôi tưởng...”
Đất nước Nga đã xa vời trong tầm mắt của hai vợ chồng mới cưới, trước mắt họ là cuộc sống mới hoàn toàn xa lạ không lấy một hình ảnh quen thân. Những ngày đầu ở Âu châu Anna đã thể hiện tấm gương sáng đẹp của người vợ hiền mà Dostoievsky hằng mơ ước, đối mặt với bao nhiêu khó khăn ở xứ người, cô đã đảm đang vượt qua để xây dựng tổ ấm chỉ có vợ chồng cô chia xẻ cùng nhau những đắng cay ngọt bùi, tuy nhiên dù tình yêu trọn vẹn đến mấy, vợ chồng nào lại không có những lúc bất hòa, bởi lẽ rầy rà cãi vả là thuộc tính của hạnh phúc. Anna cố tránh nhưng không được, cô không hề than thở, cô hiểu Dostoievsky yêu cô hơn bất cứ ai trên đời. Và mỗi lần mưa gió qua đi bầu trời lại sáng đẹp hơn, sau mỗi lần giận hờn cãi cọ họ lại yêu nhau nồng nàn, đằm thắm hơn. Trong nhật ký viết về đời sống hằng ngày ở Thụy Sĩ của Anna có những đoạn “Anh ấy giận dữ la mắng tôi...” “Bất ngờ anh nói với tôi rằng: Tôi đang phá hỏng cuộc sống vì tính tình kỳ quái của tôi hoặc Fyodor trút cơn giận xuống tôi... tôi bắt đầu run lên giận dữ..." Những lúc Anna không còn bình tĩnh, cô ghi vào nhật ký “ Chồng tôi hay xét nét“ hoặc “quá nóng nảy“ nhưng thường thì cô viết “tôi đâm giận với mình, do tôi là người gây ra những cuộc cãi vả vô ích nầy, tôi có một người chồng kỳ diệu như vậy, anh ấy yêu tôi nhiều lắm, vậy mà tôi hay quấy rầy anh...”
Có lẽ Anna là người hiểu Dostoievsky hơn ai khác, ngay từ buổi đầu ông hiện ra trong lòng cô đầy nhân ái, cao cả và bí ẩn, chính những khác thường nơi con người nầy đã cho cô sức mạnh vượt qua mọi thử thách để đến với ông trọn vẹn bằng tình yêu hiến dâng của cô gai mới biết yêu lần đầu, cô hiểu sâu xa rằng, toàn thể cuộc sống của Dostoievsky là để đánh thức nguồn sáng tạo vô song trong ông, nên cô không ngại ngùng chia xẻ cùng ông những gánh nặng ông mang vát trên vai: Tù đày, ngheo khổ, nợ nần, bệnh tật... nhưng chưa hết, Anna còn dám chấp nhận một sự thực khác nữa của con người toàn diện nầy: “Nỗi đam mê cờ bạc khó thể phê phán của thiên tài Dostoievsky”
Dostoievsky tìm đến “bàn con quay“ trước khi gặp Anna, nếu cờ bạc là một trong những nguyên nhân đưa gia đình ông trầm luân trong nghèo khổ thì cờ bạc cũng giúp ông tìm lại nguồn sáng tạo sau cuộc chơi, Anna hiểu ông đến tận chân tơ kẻ tóc, cô hiểu rằng dấn thân vào cuộc cờ đỏ đen không chỉ là phương tiện lãng quên bao nhàm chán thường ngày nhưng cái chính của ông là tìm lại sinh khí sống, mỗi lần thua đậm trên bàn con quay ông lại lao vào sáng tác và trong cuộc chơi nầy ông là kẻ vô địch, kẻ chiến thắng với những vòng hoa rực rỡ trên từng trang giấy, Anna không hề phiền trách hay ngăn cấm, trái lại khi thấy ông không viết tiếp được tác phẩm “Gã Khờ“ cô dịu dàng khuyên ông nên tìm đến“ bàn con quay “rồi cô lấy tiền đưa cho ông. Ôi! Trên đời có người vợ nào dám liều lĩnh như vậy? Và quả thật từ sòng bài về, Dostoievsky say sưa viết đến gần 100 trang tiểu thuyết.
Ông đánh bạc đến trắng tay, Anna phải cần cố mọi thứ không một lời nặng nhẹ đến nổi ông đem nhẫn cưới và hoa tai đi cầm cô cũng không tỏ lòng hời trách, vì cô đã nguyện hiến dâng cả linh hồn và đời mình phụng sự cho một Jêsus-Christ mới, cô biết hơn ai cả, những gì đi qua trái tim ông sẽ biến thành ngọn lửa một ngày kia sẽ tỏa sáng khắp dòng đời. Đó là những gì sau khi Dostoievsky chết, còn trước bình minh ấy Anna phải trải qua đêm dài vô tận của ông, chỉ có tình yêu là thắp sáng ngọn đèn trong tim họ.
Trong những thư từ thời khủng hoảng ấy, ít có bức thư nào ông không nhắc đến chuyện tiền bạc, suốt đời ông bị hành hạ vì nỗi lo nầy, nợ nần thúc dục ông chạy vạy khắp nơi, nhiều khi ông nói rằng “Nếu cuộc sống không bức bách thế nầy, chắc ông sẽ không tìm đến bàn cờ”,ước mong có một số tiền lớn để trả sạch nợ, để sống thanh thản vài năm cứ ám ảnh ông, ông thường nhắc nhở “Tôi muốn có điều kiện như Tolstoi, Tourgenev để viết, không lo âu vì nỗi nhà tù của các chủ nợ hoặc bị tịch biên tài sản“. Tuy nhiên Dostoievsky hiểu thấu định mệnh đời mình, dần dần “cờ con quay" trở thành nhu cầu tự nhiên, cái chính của thiên tài là sự tuyệt thú của kẻ nhìn thấy hố thẳm nên nhiều khi thắng lớn trên bàn cờ ông lại tìm chơi nữa, chơi cho đến lúc không còn một kopeck, không còn gì đem đến tiệm cầm đồ mới thôi, ông từng nói rằng “cờ bạc đối với ông là một ham muốn thử thách định mệnh, phải làm cho định mệnh nòi ra được sự bí ẩn của kiếp người“. Và cái ham muốn nầy thúc dục ông vay nợ khắp nơi, vay cả Tourgenev, kẻ kình chống ông suốt đời.
Khó có thể nói hết được những gánh nặng mà Dostoievsky để cho người vợ trẻ mang vát trong những năm đầu mới lấy nhau, Anna đón nhận bất cứ điều gì ông đem đến cho cô, lòng cô bao dung trên sự thực của đời ông, Anna như một quê nhà tự do, ở nơi ấy một lần về ông thấy những lỗi lầm của mình được hóa giải. “Anh sẽ nhớ mãi điều ấy suốt đời, cầu phước lành cho em mãi mãi hỡi! Thiên thần của anh, nhưng cho đến nay một nửa con người của anh thuộc về cái chứng ngông cuồng đáng tội đó” Ông hiểu rằng giữa tinh thần sáng tạo và “cái chứng ngông cuồng đáng tội đó” có một sự tương giao khắn khít, một trong những bức thư ông kể với Anna sau khi đánh bạc thua, ông viết “Ôi! thật cám ơn cái giây phút bất hạnh ấy, vì nó gợi cho anh một ý tưởng mới lạ. Hôm ấy anh thoáng có một ý tưởng mới, nhưng chưa hi2ng dung ra được cảm xúc ấy, thế mà bây giờ nó đến với anh thật rõ ràng, nó đến vào lúc 9 giờ hay chừng khoảng ấy, sau khi anh thua sạch ở bàn cờ đang trên đường thả bộ xuống phố, giống như lúc ở Wiesbaden sau giờ bại trận anh đã nghĩ về “Tội Ác Và Hình Phạt”. Ôi! Đó là định mệnh hay là ý Chúa?”. Và tác phẩm “Gã khờ” đã thai nghén trong trường hợp như vậy.
Mười tháng sau ngày từ giã quê hương Anna sinh cháu gái đầu lòng, giờ phút nhìn con cười khóc trong vòng tay vợ chồng là giờ phút thiêng liêng nhất đối với Dostoievsky, ông sống trong cảm xúc và ý tưởng về một thế giới mới, thế giới hơn nửa đời người ông mới thấy ước mơ của mình đến thực, ước mơ được làm cha. Ông quấn quít bên bé gái suốt ngày, chăm chút cho bé như một vú em, bàn tay vụng về của Dostoievsky trong sự sắp xếp cuộc sống bỗng dưng thành khéo léo trong tình thương đối với con, ông làm đủ mọi việc bảo mẫu, nào quấn tả cho cháu, hát ru cháu ngủ, ẩm nựng đùa giỡn cho cháu cười. Từ ngày có con Dostoievsky không rời tổ ấm một lúc nào cả, ông thấy trái tim và linh hồn mình quyện lẫn trong hơi thở của Anna và bé gái. Nhưng than ôi! Tháng 5/1868 tại Genève, Sonya đứa con đầu lòng của Dostoievsky và Anna vi4ng viễn lìa cha mẹ khi chỉ được 3 tháng tuổi, Dostoievsky ôm lấy thân xác giá lạnh của con khóc ngất, tiếng khóc của ông là nỗi tuyệt vọng không cùng, suốt ngày ông chìm trong đau đớn, cuộc sống của ông khoảng thời gian ấy lịm tắt, Anna phải tìm cách an ủi ông, nhưng ông không nguôi quên được. “Không! Không một thế giới hài hòa nào có thể thay thế được sự mất mát lớn lao này, không một thiên đường nào trong đời chuyển vị được trái tim của người cha bị cướp mất đứa con đầu lòng” Anna nhớ lại “Fyodor yêu cháu hơn bất cứ gì trên đời nầy, anh thường nói rằng, anh chưa bao giờ sung sướng như vậy khi có Sonya, nỗi tiếc thương của anh ấy nhiều hơn những gì tôi tưởng, trên đời tôi chưa bao giờ thấy một người cha tuyệt vọng như vậy khi mất con mình và anh chỉ nguôi khuây khi chúng tôi có đứa con thứ hai.”
Ngày 4/9/1869 bé gái thứ hai chào đời, vợ chồng đặt tên cho con la Lioubov [tình yêu] ánh sáng lại chan hòa trong gia đình, Dostoievsky yêu quý con vô bờ, ngày đêm không rời khỏi con, ông tắm cho cháu, bồng bế ru hời trên tay, sung sướng đến nỗi ông viết thư cho nhà phê bình N.N. Strakhov: “A! Tại sao anh không lấy vợ?Tại sao anh không có con? Hỡi! Anh bạn Nicolai-Nikolayevich, tôi thề với anh rằng ¾ hạnh phúc trên đời nầy nằm trong tình thương con, những gì còn lại chỉ là ¼.
Tình yêu của Dostoievsky và Anna là bản giao hưởng của hạnh phúc và bất hạnh, thời gian đối với họ là phương tiện để đi đến cái vô cùng của nhau, Anna nhìn Dostoievsky tài tình hơn cả trí tuệ thời đại cô đang sống, hạnh phúc lớn nhất của cô là từng phút tứng giờ được chiêm ngưỡng ánh sáng kỳ lạ của “Mặt Trời Dostoievsky”, trong lúc thế hệ cô đang sống, khi ông mất rồi họ mới nhận ra thiên tài, bức thư gởi cho Anna ngày 17/5/1867 ông thú thật “Chúa đã cho em đến cùng anh đến nổi không một suối nguồn nào trong em sẽ bị hoang phí đi, trái lại nó sẽ nở hoa rực rỡ kỳ diệu, Chúa đã cho em đến cùng anh đến nổi anh sẽ rửa sạch mọi tội lỗi qua lòng em... anh sẽ ngợi ca em trước mặt Chúa như là một con người toàn thiện.” Sau nầy Liuobov viết về cha mình: “Cha tôi rất quan tâm đến sự phát triển tinh thần của mẹ tôi, ông thường dẫn mẹ tôi đi thăm viện bảo tàng, chỉ cho bà những bức tranh đẹp, những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng và muốn đánh thức trong tâm hồn trẻ trung của bà tình yêu về mọi cái lớn lao, trong lành và cao quý.”
Hình ảnh Anna hiện thân qua nhiều tác phẩm của Dostoievsky, như trong “Gã khờ“ ba người con gái của tướng Epanshin đều mang bóng dáng tính tình Anna, tên ba cô đều bắt đầu bằng chữ A: Alexandra, Aglya, Adelaida. Anna đối với ông là quê nhà trăm năm, không những trong cuộc sống mà còn trong cảm hứng sáng tạo không ngừng. Những năm ở nước ngoài và sau nầy sức sáng tạo của ông đã chứng tỏ điều đó, thời còn sức trẻ sống với Iyeva và cả người đẹp Suslova ông không tìm thấy cảm hứng như ở Anna, những tác phẩm ông viết ở nước ngoài bên cạnh Anna như “Gã Khờ“ “Lũ Người Quỷ Ám“ “Người Chồng Muôn Thủa“, ngoài ra ông còn viết rất nhiều truyện ngắn, tiểu luận và phác thảo nhiều tiểu thuyết lớn trong ấy có cuốn “Cuộc Đời Của Kẻ Trọng Tội“.
Dostoievsky rất yêu âm nhạc và hội họa, đặc biệt là những bản giao hưởng của Beethoven, tranh của Raphael và Claude-Lorraine, ông thường thả hồn vào thế giới âm thanh của Beethoven, đứng ngắm hàng giờ trước những bức tranh của các họa sĩ phương tây, tất cả đam mê của ông dần dần hiện ra trong tác phẩm đầy chất khám phá và thấu thi, suốt cuộc đời Anna nghĩ về ông như là một trẻ thơ mầu nhiệm và cô đã yêu Dostoievsky như yêu trẻ thơ mầu nhiệm ấy, không bao giờ để cho ông thoáng ý nghĩ thất vọng về mình, trong bức thư gởi về cho mẹ Anna ông viết: “Anna yêu con, trên đời chưa bao giờ con hạnh phúc như vậy khi được sống với nàng, nàng thật dễ thương, rộng lượng, thông minh, nàng tin yêu con và đã kết hợp với đời con khắn khít đến nổi với tình yêu của nàng, nếu con lìa xa nàng chắc con không sống nổi”.
Ngay những ngày tháng bi đát nhất trong cuộc sống, Anna vẫn lạc quan yêu đời, ông thấy nàng không bao giờ biểu lộ nét ưu tư, lo lắng hoặc phiền trách, nhiều khi túi chỉ còn mấy đồng, ông cũng mua cho Anna... khi thì vài bông hoa, khi thì vài cái bánh ngọt để uống trà, Anna nhận những món quà nho nhỏ ấy cô xúc động như ông đã mang về cho cô cả vườn hoa hay cả một tiệm bánh bằng tình yêu của ông.
Những năm ở nước ngoài không bạn bè, không bà con thân thuộc, chỉ có cái nghèo là cận kề với họ, lúc đầu Dostoievsky sợ rằng sự cô đơn mà ông cần để sáng tạo sẽ là nỗi buồn đối với Anna, vì trước đây Isayeva và Suslova không thể chịu nổi khung cảnh ấy, họ thích giao du đó đây hơn là tham dự vào sự thầm lặng của ông, nhưng Anna luôn luôn lập lại rằng: “Hạnh phúc biết bao là những ngày tháng bình yên ấy“. Từ Genène ông viết thư cho Maikov: “Tôi sợ rằng Anna sẽ buồn bã vì cuộc sống lẻ loi của tôi, nhưng sự thực là chúng tôi đang sống lẻ loi cùng nhau, Anna đã tỏ ra đầy nghị lực và tốt đẹp hơn tôi tưởng”.
Sau nầy Anna viết lại hồi ký những năm ở nước ngoài: “Chồng tôi và tôi có tâm tính, quan niệm và ý tưởng dựng xây khác nhau, nhưng chúng tôi luôn luôn quyến luyến bên nhau, không phải đóng vai trò hay tìm cách thích ứng với nhau bằng phương pháp nào đó, chúng tôi không hề xen vào đời sống tinh thần của nhau, nghĩa là tôi phải cùng tâm lý với anh ấy hoặc ngược lại, và như vậy là cả hai chúng tôi đều cảm thấy tự do... Fyodor hay khắc khoải về những câu hỏi siêu hình, về linh hồn con người và có lẽ anh rất thích sự không xen vào của tôi trong đời sống tâm linh của anh, vì vậy anh thường nói với tôi rằng: “chỉ có em là người đàn bà duy nhất mãi mãi hiểu anh...”
Trước ngày rời khỏi nước Nga vợ chồng Dostoievsky dự tính chỉ ở nước ngoài thanh thản ba tháng, nhưng nay bốn năm đã trôi qua. Thời gian ấy những gì trong cuộc sống đã hiện ra với họ như câu trả lời của sự thực, sự thực về tình yêu của họ không thể thiếu nhau mà sống được, sự thực về đời sống lạnh lùng của họ ở nước ngoài, sự thực về những cuộc phiêu lưu xuống mấy tầng địa ngục trên “bàn con quay“ đã cho ông khám phá ra toàn bộ máu mê sa đọa của người đánh đu trên hố thẳm đỏ đen, ngay cả khi mới sang châu Âu vài tháng, Dostoievsky đã nướng hết 100 đồng tiền vàng vào ngày 16/7/1867, ông phải về mở cửa lòng Anna, vợ ông phải gỡ hoa tai, trâm cài đầu mà ông tặng vào ngày cưới để ông tiếp tục cuộc chơi, ông ôm lấy vợ xúc động, hôn tay Anna bảo rằng: “Trên đời không có người phụ nữ nào bao dung như nàng“ rồi ông lao ra cửa như một cơn lốc, ba giờ sau ông trở về cháy túi, nhìn Anna ông đau khổ ôm mặt òa khóc, nhưng đến ngày 16/7 Dostoievsky vơ vét được ít tiền rồi tìm tới cuộc cờ cúng sạch, về nhà Anna đưa cho ông chiếc áo khoát lông rất quý của mẹ cô cho trước khi sang châu Âu, cô đưa luôn cả nhẫn cưới, Dostoievsky đem tới tiệm cầm đồ, cầm cả nhẫn cưới ông đang đeo, cũng may lần nầy số đỏ không cự tuyệt ông, chiều tối ông phơi phới cầm bó hoa hồng trên tay về tặng Anna, chuộc được hai nhẫn cưới và còn dư 180 franc, nhưng đến ngày 24/7 lửa cờ bạc lại thiêu sạch chút của cải còn lại trong nhà đến nổi Anna ghi vào nhật ký: ”giờ đây quả thực chúng tôi chẳng còn gì để sống“.
Hai vợ chồng phải rời bỏ khách sạn tìm thuê căn gác xép trên một lò rèn, suốt ngày phải chịu đựng tiếng đe tiếng búa chan chát giữa lúc Anna đang ốm nghén, còn Dostoievky thì quay cuồng với cơn động kinh. Thế cùng Anna phải viết thư về quê hương xin ít tiền để rời khỏi cái tổ quỷ ấy. ngày 23/8/1867 hai vợ chồng sang Genève, những dòng thư trong thời gian ông ra vào địa ngục sa đọa gởi cho Anna có những đoạn:
“Anh đã thua sạch, anh đã đem cầm đồng hồ đeo tay, lạy trời hãy gởi gấp tiền cho anh để anh về nhà, hãy cứu anh lần chót...”
Bốn năm sống nơi nầy nơi khác, cả Dostoievsky lẫn Anna đều mong mỏi trở về quê hương, trong bức thư gởi cho Maikov, Anna than thở: “ở đây khổ sở biết bao! Tôi đã quá mệt mỏi vì cuộc sống đổi dời từ chỗ nầy đến chỗ nọ, không có một nơi ổn định, khi nào tôi được trở về quê nhà chắc tôi sẽ không cho phép mình rời khỏi nước Nga lần nữa, nhưng ngày hồi hương của chúng tôi chỉ là giấc mơ, ai biết lúc nào sẽ thành sự thực, ngày ấy hẵn là các chủ nợ sẽ bắt Fyodor vào tù, giá như họ đồng ý để tôi ngồi tù thay anh ấy, tôi sẽ không ở đây thêm một phút nào nữa, tất cả hy vọng của chúng tôi đều trông mong vào Fyodor, nhưng mới đây sức khỏe anh ấy xấu quá, anh thường lên cơn và nhức đầu dữ dội, tuy nhiên chúng tôi sống rất hạnh phúc và hòa hợp, tôi thấy mình sẽ là người sung sướng nhất đời nếu không có lòng mong nhớ nước Nga vời vợi thế nầy. Hãy viết thư thường xuyên anh nhé! Anh biết không! Khi nhận được thư từ quê nhà, khi đọc thư anh, lòng chúng tôi như đến được đời sống nơi ấy“. Từ Genève Dostoievsky viết thư cho Maikov: “Không được sống ở quê nhà thật đau khổ, tôi cần nước Nga cho cảm hứng và sáng tác của tôi".
Cuộc sống ở châu Âu không còn gì quyến rũ họ nữa, ngày đêm ước mơ hồi hương càng da diết, nhưng hoàn cảnh của họ khó trở về sớm được, nào là bé gái mới sinh, tiền bạc không có, còn bao nhiêu điều rối rắm buộc lấy chân họ, rồi nổi lo các chủ nợ lăm le ở quê nhà, một hôm Dostoievsky than thở rằng:
- Xa nước Nga lâu quá dường như sức sáng tạo của ông cạn dần đi.
Thế là Anna đã tìm đủ mọi cách để trở về ngay như trước đây cô đã quyết tâm vượt mọi khó khăn để ra đi. Trước ngày chuẩn bị hồi hương, Dostoievsky nhận được một bức thư gởi từ Nga báo cho ông biết khi ông về sẽ bị cảnh sát xét hỏi mọi hành lý vì ông bị tình nghi có dính líu với những tổ chức cách mạng thời ấy, thế là ở Dresden năm 1871 ông đốt hết mọi bản thảo "Người chồng Muôn thủa“ “Gã Khờ“ và phần đầu tác phẩm “Lũ Người Quỷ Ám“, nếu hồi ấy vợ ông là người đàn bà khác, chắc chắn kho tàng văn học thế giới đã mất đi những tác phẩm vĩ đại ấy, nhưng Anna là người đầu tiên đón nhận ánh sáng của Dostoievsky quyết lòng gìn giữ đến cùng, ngoài những bản thảo cô còn chép riêng một bản khác và đã bí mật đem qua biên giới sau khi cô để ông trở về trước, về đến Saint- Pe1terbourg việc đầu tiên là cô gởi những tác phẩm ấy cho mẹ giữ.
Giấc mơ hồi hương của họ đã trở thành sự thực, Saint-Pe1terbourg thủa ban đầu như sống lại trong lòng Dostoievsky-Anna, nhưng nếu thời gian càng làm cho tình nghĩa vợ chồng gắn bó hơn thì cuộc sống nơi đâu cũng có tai ách săn đuổi họ, sau ngày về ông nói với Anna:
- Tốt lắm Anna ạ! Chúng ta đã sống bốn năm hạnh phúc ở nước ngoài, mặc dầu đôi khi có lắm nổi truân chuyên, còn saint-Pe1terbourg sẽ cho chúng ta những gì đây? Anh thấy nhiều nổi lo âu, khó khăn đón chờ chúng ta khi mới đặt chân trở về.
Anna đáp lời chồng:
- Vấn đề chính là giấc mơ bao lâu của chúng ta đã trở thành sự thực.
Ngày 28/4/1871 sau mười năm lao vào những cuộc cờ đỏ đen, sự thực đã cho ông biết tính chất sa đọa của con người cũng như sự phi lý của kẻ tìm lối thoát cuộc sống trên bàn cờ con quay, ông viết thư cho Anna như là một thực chứng của sự tìm kiếm nầy “ Một việc lớn lao đã diễn ra trong anh, thói ngông ghê tởm từng dày vò anh mười năm đã biến mất, từ mười năm nay, không! Đúng hơn là từ ngày anh trai chết, khi anh è cổ ra để gánh lấy nợ nần, anh đã mơ ước kiếm tiền, anh đã mơ ước nghiêm chỉnh say mê, bây giờ tất cả đã chấm dứt” Dostoievsky đã thực sự đoạn tuyệt với ‘bàn con quay’ sau bức thư ấy.
Ngày 16/6/1871 Anna sinh con thứ ba ở Saint-Pe1terbourg, đó Fyodor, con trai duy nhất của vợ chồng ông. Những ngày mới về nước Anna hy vọng bán căn nhà me nàng cho làm của hồi môn để trả dần nợ cho ông, nhưng thời gian nàng ở nước ngoài, người quản lý lợi dụng không có nàng đã âm mưu đem bán đấu giá, thế là hy vọng trả nợ tiêu tan, tình trạng của hai vợ chồng thật nguy khốn, bốn năm không thấy các chủ nợ tưởng đã quên được, bây giờ trở về, họ như đàn quạ chực chờ lăn xả vào Dostoievsky, giữa lúc sự sống của gia đình chỉ trông chờ vào việc bán tác phẩm "Lũ Người Quỷ Ám“ đang đăng tải ở báo Rusky-Vestnik, đứng trước nguy cơ một ngày Dostoievsky sẽ bị bắt vào tù, Anna mới sinh dậy, nàng đã phải một mình chống đỡ bảo vệ ông tới cùng, vì hơn ai cả cô hiểu rằng hạt kim cương vô giá đang kết tinh trong nội tâm chồng mình, cô quyết không để bi kịch nào nữa ảnh hưởng đến giờ phút sáng tạo của ông, đó là ngày khai sinh đứa con tinh thần bất tử “Anh Em Con Nhà Karamazov“ mà ông đề tặng Anna tác phẩm vĩ đại ấy.
Như một người mẹ bảo vệ con mình trước nanh vuốt thú dữ, Anna chống đỡ, thương lượng, chạy vạy đối phó với các chủ nợ, trong gia đình cô quán xuyến hết mọi việc, cô muốn Dostoievsky hoàn toàn thanh thản, bình yên với mùa sáng tạo đang chín, cô chăm sóc sức khỏe của ông nhưm người mẹ, mỗi lần ông đi đâu, cô đắn đo sợ trên đường đi ông sẽ gặp điều không may, cô thường bước ra cửa trông theo đến khi ông dần khuất.
Năm 1872 là năm đại nạn của gia đình, nào bé gái Lioubov bị té gãy tay, người chị ruột Anna chết lúc tuổi ba mươi, tiếp tục mẹ Anna lâm trọng bệnh rồi Anna bị viêm họng đến nổi bác sĩ ái ngại cho sự sống của cô. Trước hoạn nạn mới thấy hết sức chịu đựng, ý chí và lòng hy sinh của nàng. Trong nhật ký của nhà văn viết năm 1876 Dostoievsky ngợi ca hình ảnh dũng cảm của người phụ nữ Nga qua tấm gương sáng đẹp của vợ ông: “Cuối cùng tôi muốn hình ảnh khác nữa về người phụ nữ Nga, tôi nói rằng phụ nữ Nga là một trong những hy vọng lớn nhất, một trong những ước mơ trẻ trung nhất của chúng ta, sự hồi sinh của người phụ nữ Nga trong hai mươi năm qua thật không tranh cãi được, hy vọng của người phụ nữ đã vươn lên hòa chan vào sự trong sáng, không sợ hãi, ngay từ bước đầu điều ấy đã thể hiện lòng cao quý... người phụ nữ đã quả quyết nói lên ước mong của mình muốn tham dự vào cuộc đấu tranh chung và thực tế họ đang làm như vậy, không phải vì lòng vị kỷ nhưng bằng tâm tình hiến dâng...”
Tất cả những tác phẩm Dostoievsky viết sau ngày gặp Anna, những người phụ nữ đáng yêu trong ấy đều ít nhiều mang bóng dáng, tính tình của cô, Sonya trong phần cuối của “Tôi Ác Và Hình phạt“, chân dung ba chị em trong “Gã Khờ“ rồi Tatina trong “Evgeni-Onegin“ và bài diễn văn ông đọc ngày tưởng niệm Pouchkine.
Thật vậy mười bốn năm làm vợ Dostoievsky, Anna đã chứng tỏ cô là người vợ phi thường của đại văn hào Dostoievsky, cô quên đi bản thân mình, vui trong niềm vui chồng con, hiến dâng cho sự sáng tạo của Dostoievsky là mục đích đời cô, cô lo lắng mọi việc trong nhà, một mình chống đỡ biết bao tai biến để giữ bình yên cho ông, niềm vui lớn nhất của cô là sự sáng tạo của Dostoievsky, mỗi lần ông viết xong một tác phẩm cô sung sướng như khi hạ sinh một đứa con vào đời, năm 1876 từ Eims ông viết thư về cho Anna: ”Em là người phụ nữ phi thường, tuyệt vời nhất trong tất cả những người phụ nữ, chính em, em không ngờ được năng lực của em đâu! không những em gánh vát hết mọi việc nhà, công việc của anh, nhưng còn tất cả công việc của chúng ta nữa. Ví như em là nữ hoàng cho em một vương quốc, anh thề với em rằng, em sẽ trị vì tốt đẹp hơn bất cứ vị vua nào khác. Quả thật em thông minh, quán xuyến, độ lượng và đủ năng lực tổ chức như vậy...”
Năm 1878 gia đình thêm một cái tan đau đớn nữa, đứa con út chết khi tuổi mới lên ba sau cơn động kinh, năm ấy Dostoievsky đang viết tác phẩm cuối cùng “Anh Em Con Nhà Karamazov“, tình yêu của người cha thật vô cùng, trái tim ông càng sống càng yêu thương, cũng như cái chết của Sonya trước đây, nhớ thương con đến nổi ông không viết được tác phẩm cuối cùng ấy. Trong những ngày bất hạnh đó, Anna nén lòng đau để giúp ông nguôi quên, cô nhờ người bạn trẻ, nhà triết học Vladinuz-Soloyev khuyên ông đến thăm vị linh mục nổi tiếng đạo hạnh và linh thánh ở tu viện Optina. Sau khi trở về ông thấy lòng yên ổn và tiếp tục sáng tác với sinh lực mới.
“Anh Em Con Nhà Karamazov“ Dostoievsky bắt đầu viết khi về sống ở Staraya-Rusa, một thị trấn nhỏ gần Novgorod, nơi có những dòng suối nước khoáng tốt cho sức khỏe con cái, ở đây ông rất thích, không khí trong lành, yên tĩnh, gia đình ông sống trong căn nhà của người anh Anna, dù không phải sở hữu nhưng về đây gia đình ông thoát được cái cảnh thuê nhà thay đổi liên tục ở Saint-Pe1terbourg.. Suốt cuộc đời sáng tạo, đêm đối với ông là ánh sáng, khi cả nhà bắt đầu yên giấc là lúc ông làm việc, ông khám phá những bí ẩn của con người, của cuộc đời đều ở trong đêm, trà, cà phê ông uống thật đậm mỗi khi cầm bút và khi cả nhà thức dậy thì ông lên giường ngủ, thời gian sau nầy chứng bệnh khí thủng mà ông mắc phải vào những năm tù đày tái phát trầm trọng, ông phải đi Eims để điều dưỡng lâu dài, Anna đã làm mọi điều để gìn giữ sức khỏe của ông.
Tháng 6/1880 Dostoievsky thực hiện những nguyện ước của đời mình, trả sạch nợ trần ai, lòng yên ổn với tuổi đời cánh hạc và đọc bài diễn văn tưởng niệm Pouchkine ở Moscow, con sơn ca yêu quý tự do mà thời trẻ ông ngưỡng vọng, suốt đời ông vẫn giữ tình cảm ấy, bài diễn văn của ông là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác, đẹp như lời ca thiên nga, ông đã tâm huyết viết nên bài ca suốt đời ông mong muốn.
Sau này Lioubov nhớ lại “Cha tôi hy vọng sẽ tiếp tục điều trị vào tháng 9, nhưng rồi ông bỏ ý định ra nước ngoài, vì ông đang thỏa nguyện với cảm xúc chiến thắng trong ngày ấy, ông nghĩ ông còn đủ sức để sống thêm một năm nữa khỏi phải đi Eims chữa bệnh. Ôi! Ông đâu có biết cơ thể, xương cốt ông đã suy kiệt đến chừng nào, ý chí sắt đá của dòng tư tưởng bùng cháy trong tim ông cho ông sức sống tràn đầy để vượt qua sự thực của thân xác, nhưng thực tế ông đã yếu lắm rồi...”
Dostoievsky biết sức mình lắm chứ! Ông thừa hiểu chứng bệnh khí thủng có thể phát triển rất nhanh và nguy kịch, Anna còn hiểu rõ điều ấy hơn nữa, nhưng cô không ngờ ngày cuối cùng của đời ông đến mau như vậy. Có lẽ nếu ông không thao thức nhiều đêm để viết bài diễn văn tâm huyết ấy thì ông còn sống thêm dài lâu nữa.
Đêm 25 rạng ngày 26/1/1881 khi ông xê dịch kệ sách để tìm cây viết bị rơi, bỗng ông gập người ôm lấy ngực ho dữ dội, vài tia máu vươn theo nước dãi chảy ra miệng, hôm sau ông cãi cọ dữ dội với người chị V.M. Ivanove về chuyện chia gia tài, thế là tình trạng bệnh càng trầm trọng. Sớm ngày 28/1/1881 ông đánh thức Anna dậy, ông khàn giọng nói:
- Anya! Em biết không? Anh đã nằm thao thức ba tiếng đồng hồ, bây giờ anh biết rõ rằng đúng ngày nầy anh sẽ chết.   
Anna ôm lấy ông nghẹn ngào, quả quyết rằng ông sẽ sống nhưng Dostoievsky ngắt ngang lời cô:
- Không! Em ạ! Anh biết anh sẽ chết ngày hôm nay, hãy thắp đèn lên Anya, lấy cho anh cuốn Gospel, đó là cuốn Tân Ước mà ba mươi năm trước những người vợ nhóm tháng chạp đã cho ông ở Tobolsk trên đường đi đày tới địa ngục Sibérie, trước giờ phút lâm chung ông muốn bàn tay mình tình cờ lật kinh và đọc trang bên tay trái. Sáng hôm đó ông giở cuốn Gospel ra nhưng ông không đủ sức để đọc, Anna nức nở gạt nước mắt đọc cho ông nghe, ông ti3ng táo nói với cô:
- Hãy nhớ rằng Anya, anh mãi mãi yêu em say đắm và không bao giờ làm em thất vọng.           
Ông gọi con cái đến bên giường dặn dò chúng phải sống thế nào sau khi ông mất, bảo chúng phải yêu thương mẹ thế nào, phải yêu sự chân thật, yêu lao động, phải yêu người nghèo và luôn luôn tìm cách giúp đỡ họ.
Anna không rời khỏi chồng một phút, cô muốn đem sự sống của mình chan hòa vào hơi thở của ông nhưng không thể, Dostoievsky cầm lấy tay cô rưng rưng:
- Em thương yêu! Làm sao anh bỏ em... cho đành... với người vợ nghèo thế nầy!... với cuộc sống giờ đây biết bao khó khăn giờ đây em phải một mình gánh vát...   
Mặt trời của Anna vĩnh viễn lặn tắt năm cô vừa tròn 35 tuổi nhưng đối với cô hạnh phúc riêng tư từ đây đã chấm dứt, cuộc sống trước mắt chỉ còn nỗi đau và lòng tưởng nhớ, trong nhật ký cô viết về những ngày vĩnh biệt ấy: “Có điều duy nhất tôi biết rõ rằng, cuộc sống bao nhiêu hạnh phúc vô cùng ấy đã hết, từ đây tôi mãi mãi là người lẻ bóng, với tôi người yêu thương chồng tôi cuồng nhiệt như vậy, tận tụy như vậy, đã thể hiện hết tình yêu, tình bạn, lòng kính trọng với con người nhân bản lớn lao nầy. Trước sự mất mát nầy thật không có gì bù đắp nổi, trong những giờ phút đau thương của sự thực, tôi thấy mình khó sống nổi sau cái chết của chồng tôi, trái tim tôi sắp vỡ tan hoặc rồi đây tôi sẽ hóa điên... tôi đã mất đi con người toàn diện nhất trần đời. Người là niềm vui, kiêu hãnh,hạnh phúc của đời tôi. Ôi! Mặt Trời của tôi, ôi! Thần Thánh của tôi.
Đám tang của văn hào là một sự kiện lịch sử lớn thời ấy, khi ánh sáng vầng dương đã tắt con người mới vội vã níu lấy hoàng hôn, gần 30.000 ngàn người đi sau quan tài Dostoievsky, có những người đeo gông, quàng xiềng lên mình để tưởng nhớ cuộc đọa đày của văn hào trong ngục tù Sibérie, họ đưa ông tới nơi an nghĩ cuối cùng ở tu viện Alexandre-Newsky trong niềm tiếc thương một thiên tài đã ra đi. Với Anna mùa xuân còn lại đã chấm dứt, trước linh cửu Dostoievsky cô đã thề nguyền sẽ ở vậy trọn đời để phụng thờ ông, sau nầy nhiều người hỏi cô sao không đi bước nữa khi tuổi xuân đang tràn trề nhựa sống, Anna tỏ ý giận nói rằng:
- Điều ấy đối với tôi là sự phạm thánh – Nhưng rồi cô bông đùa – Sau Dostoievsky tôi có thể lấy ai bây giờ? Tolstoi ư?           
Anna tiếp tục tìm hạnh phúc trong tinh thần Dostoievsky, công việc của cô thật lớn rộng và đa dạng, cô đứng ra xuất bản toàn bộ tác phẩm của Dostoievsky đến bảy lần. Năm 1883 cô mở ở Staraya-Rusa một trường học miễn phí mang tên Dostoievsky cho tất cả trẻ em nghèo và căn nhà họ ở thị trấn trước đây cô xây dựng thành viện bảo tàng của văn hào, tập hồi ký của cô và thư từ của Dostoievsky lần lượt xuất hiện, đó là tác phẩm thật quý giá với những gì trong đời sống thực của gia đình, nơi ấy Dostoievsky hiện ra là một người chân thật đến cùng, một người chồng đằm thắm, giản dị và độ lượng, ngoài ra Anna còn xuất bản tập tiểu sử đầu tiên về Dostoievsky, viết lời chú giải về những tác phẩm của ông, sách vở bản thảo của ông Anna xây dựng thành thư viện và thường có những buổi họp mặt nói chuyện, hồi tưởng về nhà văn, cô còn mở cạnh viện bảo tàng lịch sử Moscow một phòng đặc biệt về F.M.Dostoievsky. Và công việc sau cùng của Anna là tác phẩm chỉ dẫn thư tịch về những tác phẩm của ông và những tác phẩm nghệ thuật liên quan đến cuộc đời sáng tác của Dostoievsky.
Anna đã thực hiện trọn vẹn lời phát nguyện của cô trước linh hồn Dostoievsky, nửa cuộc đời còn lại cô thủy chung với ông, những năm về già ước mơ duy nhất mà cô thường dặn dò con cháu là được vĩnh viễn nằm cạnh Dostoievsky nhưng số phận đã quyết định khác hẳn.
Mùa hè năm 1917 Anna đi dự lễ thường năm ở phương nam thì bà ngã bệnh trong lúc ấy quân Đức đang chiếm đóng Crimée nên không thể đưa bà trở về Pretrograd được, những ngày cuối cùng của bà ở tại Yalta, đến hơi thở cuối cùng Anna vẫn nhắc đến Dostoievsky, con người duy nhất chỉ cho bà thấu đâu là thiên đường, đâu là địa ngục. Anna mất tại yalta ngày 9/6/1918, người phụ nữ biểu tượng cho người vợ, người mẹ Nga đẹp nhất cuộc đời đã trở về với Dostoievsky trong cõi vĩnh hằng.
Ngày 9/6/1968 kỷ niệm 50 năm ngày Anna-Grigouyevna-Dostoievskaya từ trần, cháu nội Andrei đứng ra thực hiện lời nguyện ước của bà: Chuyển hài cốt Anna về an táng tại tu viện Alexandre-Newsky. Sau lưng hai ngôi mộ Dostoievsky-Anna là hình ảnh người mẹ Nga mãi mãi bao dung, gìn giữ giấc nghìn thu của họ. Và tình yêu kỳ diệu của Dostoievsky-Anna mãi mãi là bình minh hạnh phúc cho mọi con tim trên toàn cầu chiêm ngưỡng.
VƯƠNG KIỀU lược dịch theo bản tiếng Anh.        
Vương Kiều
Theo https://vanchuongviet.org/

1 nhận xét:

  Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà th...