Nằm giữa ngồn ngộn nhiều quyển sách mới trên các kệ trưng bày
của NXB Văn học tại Hội sách TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3-2016, Những điều
trông thấy, trước hết gây sự chú ý cho bạn đọc vì nhan đề, dường như được truyền
cảm hứng từ câu thơ Kiều…
1. Những điều trông thấy gồm 125 bài nhận định, phê bình văn học,
nghệ thuật được tuyển chọn khá đa sắc màu của nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long. Tác giả
hiện tại là Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM; trước đây chị từng dạy văn chương
ở Đại học Cần Thơ, rồi là biên tập, biên kịch ở Hãng phim Giải Phóng và từng là
Phó ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Sài Gòn Giải Phóng trong thời gian dài. Tất cả
hoạt động nghề nghiệp đã giúp chị có cơ hội trải nghiệm công việc ở cả hai lĩnh
vực lý luận và thực tiễn một cách phong phú.
Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long
Phê bình thường được xếp vào thể loại khô khan, nhưng những vấn
đề thời sự văn hóa, văn nghệ, được tác giả phân tích chính xác, tinh tế vẫn
luôn có sức hấp dẫn đến người đọc, từ câu văn, giọng văn sắc sảo đến nhịp điệu
trữ tình, duyên dáng. Thế nên, đến với Những điều trông thấy, có độ dài hơn 430
trang sách (nội dung gồm 3 mục lớn: (1) Vấn đề và sự kiện, (2) Tầm nhìn văn
hóa, (3) Bình luận), người đọc có thể tìm thấy sự am hiểu rộng của tác giả ở một
số lĩnh vực văn hóa, văn học, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật…. Qua những
trang viết của tác giả, đầu tiên, bạn đọc dễ nhận ra những chia sẻ quan niệm sống,
những cuộc đối thoại giữa đời thường rất dung dị. Đọc bài Thương quá Áo dài ơi
(sđd, trang 22-23), chúng ta càng cảm nhận nỗi trăn trở của tác giả về một thời
chiếc áo dài bị từ chối, không được chọn làm đồng phục cho nữ sinh, theo quan
niệm hội nhập, hiện đại hóa, tiện lợi trang phục học sinh kiểu các trường học
nước ngoài. May thay, chiếc áo dài truyền thống vẫn còn được giữ lại ở nhiều
ngôi trường trung học. Mới đây, trong những ngày tháng 3, Hà Nội, TP. Hồ Chí
Minh tổ chức Lễ hội Áo dài phụ nữ Việt Nam, được nhiều nghệ sĩ và công chúng hưởng
ứng, tôn vinh; người ta càng cảm thấy trân trọng những chiếc áo dài mang đậm bản
sắc Việt nền nả, duyên dáng bên cạnh các kiểu áo dài cách tân, cách điệu hiện đại,
đa dạng.
Ở một số bài viết khác, vấn đề giáo dục truyền thống văn hóa
dân tộc cũng là đề tài được tác giả phân tích sâu. Một mặt phê phán hình thức
biến tướng của lễ hội văn hóa, cần phải chấn chỉnh; một mặt, tác giả rất quan
tâm, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cần được
vận dụng làm sao cho có hiệu quả hữu ích, khi chúng ta có chủ trương gắn liền
văn hóa trong quảng bá du lịch, “một ngành công nghiệp không khói”. Năm 2016 là
năm Du lịch quốc gia, một lần nữa, đọc lại bài Văn hóa và Du lịch (sđd, tr.92,
93), Du lịch Campuchia - Những nỗi chạnh lòng (sđd, tr.94-96) vẫn còn đậm tính
thời sự khi tác giả đặt vấn đề vì sao không phát huy được những nét đặc sắc của
văn hóa truyền thống trong du lịch. Và, nếu như, với Hàn Quốc, văn hóa - du lịch
được xem là chiến lược quốc gia, được coi là “quyền lực mềm”, kinh nghiệm vận dụng
cho một số nước trong đó có Việt Nam thì song song, cách tổ chức văn hóa du lịch
đầy bản sắc dân tộc và sáng tạo ở nước láng giềng Campuchia trong thời gian gần
đây, càng là điều đáng để chúng ta suy nghĩ.
Nổi bật của Những điều trông thấy còn là mảng màu đậm sắc về
chiến lược văn hóa, một đề tài tưởng rất cao xa nhưng thật gần gũi, cụ thể, bộc
lộ quan điểm cách mạng hoặc bày tỏ những thao thức của tác giả trong cuộc sống,
với cách lập luận đúng đắn, thuyết phục, lay động tâm tư người đọc: Văn hóa soi
đường quốc dân đi (sđd, tr.146), Mặt trận vẫn còn đây, ai sẽ là chiến sĩ? (sđd,
tr.140), Đọc loài chim di trú, Nhói lòng một khúc hát tha hương (sđd, tr.333),
Nhật ký chiến tranh - Đọc để mãi mãi đừng quên (sđd, tr.370)… Tuy vậy, song
hành vẫn có những gam màu “nóng”, thể hiện bản lĩnh của một cây bút nữ khá thú
vị, qua một số bài phê bình văn học sắc sảo. Điều đáng quý, từ trách nhiệm và
tâm huyết của một người sáng tác và cũng là nhà báo, những nhận định rõ ràng,
sâu sắc của tác giả, có thể là sự chia sẻ, gợi giúp bạn đọc trẻ gạn đục khơi
trong, biết cách thẩm định chính xác giá trị các tác phẩm một thời từng được
coi là “sách thời thượng”, “sách hậu hiện đại” hay “sách bán chạy”
(best-seller): Cơ hội của Chúa - Hỏa mù của bình luận văn chương (sđd, tr.365),
Điên cuồng như Vệ Tuệ - Nhân bản hay…? (sđd, tr.348), Búp bê Bắc Kinh - Quật dậy
nấm mồ Hiện sinh đã cũ (sđd, tr. 352)…
2. Tất nhiên, ưu thế của cây bút Ngô Ngọc Ngũ Long qua Những
điều trông thấy vẫn là mảng lớn viết về điện ảnh, truyền hình, về những hoạt động
liên quan đến sự sống còn của ngành điện ảnh Việt Nam. Hoạt động, cống hiến,
tâm huyết với nghề và gắn bó với Hội Điện ảnh TP.HCM, Hội Điện ảnh Việt Nam từ
những năm 80 của thế kỷ XX cho đến bây giờ, tác giả đã chứng kiến và hiểu rõ những
chặng đường thăng trầm của ngành điện ảnh suốt mấy thập kỷ qua. Thống kê trong
số 125 bài tuyển chọn của tác giả, cho thấy khoảng 70 bài viết về phim ảnh, chiếm
hơn 2/3 tập sách; và, nếu tạm thời sắp xếp, hệ thống lại vấn đề, chính những
bài viết này đã tạo nên bức tranh toàn cảnh về tình hình điện ảnh, truyền hình
Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI.
Điện ảnh Việt Nam đi về đâu? Làm sao tránh được tiếng thở
dài, nuối tiếc…!. Không ít lần tác giả nêu vấn đề “nóng bỏng” trước sự đổi thay
về tình hình sáng tác, sản xuất phim, phát hành phim, rạp chiếu phim… Trước sự
chuyển mình đổi mới của kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ,… điện ảnh Việt Nam
luôn đối đầu với khó khăn, “cái mất” nhiều hơn “cái được”. Bài Xã hội hóa điện ảnh
cái nhìn toàn cảnh (sđd, tr.157-160), phản ánh một số thực trạng: nhập khẩu,
phát hành phim bị “thua trắng” trên sân nhà. Trong khi đó, cơn lốc phim bom tấn
được các nhà phát hành phim nước ngoài nhập khẩu là cơ hội để khán giả trẻ sùng
bái phim bom tấn Mỹ mà quay lại coi khinh phim chính mình!.
Làm thế nào để bảo trợ điện ảnh nước nhà trong thời đại gia
nhập WTO? (và chắc chắn còn phải tính tiếp, khi sau này Việt Nam chính thức gia
nhập TPP?). Với Dự thảo quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến
2030…, từng được tổ chức ở hội nghị trực tuyến Hà Nội và TP.HCM, đặt ra nhiều ước
vọng mới. Thế nhưng, một thực trạng đáng buồn đã diễn ra và có thể vẫn đang tiếp
tục diễn ra: “… Một nền điện ảnh mà ở hệ thống rạp chiếu, phim nước ngoài chiếm
90%, phim trong nước lên rạp hầu hết từ túi tiền tư nhân với đủ loại phim hài
cơ học lấy nhanh đồng vốn. Các hãng phim nhà nước đang hấp hối với 50% lương
cho cán bộ công nhân viên suốt 10 năm nay. Đạo diễn hầu hết đi làm thuê cho các
hãng phim truyền hình. Hệ thống phát hành xuất nhập khẩu phim đều nằm trong tay
tư nhân, nếu không muốn nói phần lớn là do nước ngoài khuynh đảo. Hãng phim nhà
nước muốn định hướng để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng thì định hướng
bằng cách nào khi không tự nuôi sống nổi mình…” (Hài nhảm lên ngôi!, sđd,
tr.169).
Phim truyền hình cũng có nhiều vấn đề để bàn, bên cạnh những
nỗ lực của các hãng phim nhà đài HTV,VTV, từng được khán giả màn ảnh nhỏ kỳ vọng
qua những bộ phim hay như: Ngọn nến hoàng cung, Dưới cờ đại nghĩa, Đất mặn, Chủ
tịch tỉnh, Rừng chắn cát, Đàn trời… vẫn không áp đảo nổi “sự lấn sóng của những
đứa con lai”! (sđd, tr.162-164).
Năm 2015, qua Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIX, ở TP.HCM,
đã có chút tín hiệu vui về sự thành công ở cả hai mặt nghệ thuật lẫn doanh thu
của bộ phim Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh… Tuy những ai còn tâm huyết với sự
nghiệp điện ảnh nước nhà, đều nuôi “Những giấc mơ hoa”, nhưng một cánh én, liệu
bao giờ mới làm nên nổi mùa xuân?!.
Đó cũng là những thao thức trong trái tim người viết, luôn vấn
vương qua Những điều trông thấy.
Chú thích:
(*) Những điều trông thấy, tác giả: Ngô Ngọc Ngũ Long, NXB
Văn học, năm 2015.
15/4/2016
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 396
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét