Câu chuyện của cánh đồng
Câu chuyện của cánh đồng là tập tản văn của tác giả Nguyễn Thị
Việt Hà. Dù không đặc sắc nhưng 48 tản văn là những câu chuyện đượm tình làng
nghĩa xóm, tình mẹ, tình bà đối với con cháu và những ký ức mưu sinh đầy nhọc
nhằn… được kể bằng giọng văn giản dị, cảm động.
Nguyễn Thị Việt Hà sinh trong một gia đình nghèo ở Cà Mau,
quê nội Nam Định, quê ngoại Bắc Giang. Cha chị có người phụ nữ khác bỏ lại mẹ
chị và ba đứa con; mấy mẹ con đành khăn gói về quê ngoại, rồi sau đó lại dắt
díu lên vùng kinh tế mới ở Madagui (Bảo Lộc) sinh sống. Nhưng vì cực quá lại trở
về Bắc Giang, rồi từ Bắc Giang về lại Cà Mau. Trong trang viết của chị, dẫu ở
vùng đất nào thì nơi đó cũng toát lên mùi ruộng đồng, mùi nhà quê và những con
người quanh năm lo cái ăn cái mặc. Quả thật, cái nghèo khó ám ảnh trong từng
trang viết, thể hiện rõ nhất thông qua… các món ăn như trái bần trong tác phẩm
Trái nhà quê: “khó quên nhất là nồi canh chua cá rôi trái bần, bông so đũa mẹ nấu
hoặc đơn giản hơn chỉ cần nắm đọt lang luộc chấm nước mắm dầm trái bần chín ăn
cũng rất tốn cơm. Con nít nhà quê nghèo y như cái tên “Bần” vậy mà đứa nào cũng
khỏe mạnh, dạn sương, dạn gió (…). Nhìn xung quanh, đứa nào áo quần cũng vá hai
ba lỗ, ba mẹ mặc bộ quần áo rách như chiếc lá mục tự hỏi không biết bao giờ quê
mình mới hết “bần” đây”! (tr.174). Món ba khía là món ăn nổi tiếng của Cà Mau
cũng được miêu tả kỹ lưỡng trong tác phẩm “Chợ tình” ba khía hay món chè lam kỳ
công của người bà tác giả đủ xua tan cái lạnh buốt giá mùa đông miền Bắc (Bánh
chè lam vừa chín… giấc chiêm bao), cũng như nỗi nhớ về ơ kho quẹt kèm với bí
đao luộc mà mấy mẹ con ăn cùng trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo vì mưa gió (Mẻ kho quẹt
ngày mưa dầm)…
Điều đáng nói là dẫu miêu tả cái nghèo “đặc trưng” nhưng tác
giả đồng thời nhấn mạnh sự tự hào vì bản chất lương thiện của người nhà quê.
Như cái chợ phiên nghèo ở bến tàu (Mùi ruộng), những ngôi chợ chạy (Chợ chạy)
bày bán vài thứ “hàng” có sẵn như lũ cá mới giăng lưới, mớ rau càng cua trong
vườn, một ít khô sặc… và bán theo kiểu “vừa cho vừa bán” vì người mua đa phần
cũng nghèo y chang họ.
Tập tản văn còn ghi chép những ký ức cảm động về người bà thu
vén khéo và tận tâm với gia đình, ký ức về người mẹ bất hạnh trong cuộc sống
riêng, vẫn đủ mạnh mẽ để một mình bươn chải nuôi ba người con lớn lên, dạy
chúng sống cuộc đời tự trọng, tự lập thật đáng quý. Hay ký ức về Ngôi nhà dưới
đồi dã quỳ với cái rét mướt của buổi chiều đông quạnh quẽ, ký ức về chuyến tàu
chia đôi gia đình để lại vết thương sâu trong lòng tác giả…
Nguyễn Thị Việt Hà sinh ngày 29-4-1978, hiện là Giáo viên Ngữ
văn (huyện Phú Tân - tỉnh Cà Mau). Tác phẩm đã in: Con đò và thiếu phụ (Tập
truyện ngắn, 2013); Bức thư tình thứ 901 (Tập truyện ngắn, 2014); Mưa vẫn rơi
ngoài hiên (Tập truyện ngắn, 2014); Bình minh mùa thu (Tiểu thuyết, 2014); Khi
chúng ta già (Tập thơ, 2014); Đánh thức ban mai (Tập tùy bút, 2015).
4/6/2016
Minh Hải
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 403
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét