Hà Nội, mùa thu, và những gánh cốm xanh
"thơm bước chân
qua"
Nhắc đến Hà Nội, không ai không nhớ đến một món ngon nổi tiếng,
thứ quà của lúa non. Cái thứ quà vừa dân dã vừa thanh tao đó có tên gọi là cốm.
Mùa thu Hà Nội là những chiều rợp nắng vàng ươm quyện
vào mùi hương hoa sữa thơm nồng nàn, sấu rụng trên trên các con
phố cổ kính... Ẩn trong từng giọt nắng trong veo ấy, cơn gió heo may
nhè nhẹ đưa hương cốm dịu thơm thoảng khắp đất trời. Hương cốm mang sắc
vị mùa thu thủ đô, để bất cứ ai khi đi xa cũng nhớ về một thứ quà
nặng trĩu kỷ niệm mang tên: "Cốm Hà Nội".
Hà Nội đẹp nhất là trong tiết trời thu. Những tia nắng
vàng dịu bay nhẹ nhàng trong cơn gió heo may, thoang thoảng khắp không
gian là hương lúa nếp thơm lừng. Từng mẻ cốm xanh mượt, nõn nà như gửi gắm
cả trời thu.
Dường như cốm đã trở thành một đặc trưng không thể thiếu
của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết về mùa
cốm xanh trong bài hát "Nhớ mùa thu Hà Nội":
"Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ.
Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua".
Nhớ mùa thu Hà Nội - Hồng Nhung
"Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ.
Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua".
Nhớ mùa thu Hà Nội - Hồng Nhung
Bao năm trôi qua, cốm không chỉ là thứ quà ăn vui miệng, mà
còn níu giữ tâm hồn những người con Hà Nội xa quê...
Trước đây, cốm được coi là vật phẩm quý giá để tiến vua.
Tại các tỉnh miền Trung hay vùng núi Tây Bắc cốm được làm từ
thóc lúa nếp. Nhưng ngon và đặc biệt nhất vẫn là cốm Hà Nội. Chỉ có cốm Hà
Nội mới có màu xanh ngát như ngọc và cũng chỉ có cốm Hà Nội mới có độ dẻo
dai lại thơm đến vậy.
Cốm làng Vòng (nay thuộc phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) là
nơi có nghề làm cốm nổi tiếng nhất tại Hà Nội. Hơn 1000 năm qua, các
công đoạn làm cốm xưa vẫn được lưu truyền và giữ nguyên bản sắc. Theo từng gánh
hàng rong của các mẹ, các chị, cốm đến với từng con phố nhỏ, nằm gọn trong
tay người yêu cốm như một phần tinh túy của ẩm thực Việt Nam.
Theo chuyện xưa truyền lại thì vào mùa thu cách đây cả ngàn
năm, khi lúa bắt đầu uốn câu, trời bỗng đổ mưa to, ruộng đồng ngập
chìm trong nước. Người làng Vòng đành mò cắt những bông lúa còn non đem về rang
khô, ăn dần. Ngờ đâu thứ lương thực chỉ để chống đói ấy lại có hương vị hấp
dẫn đến lạ lùng. Từ đó, người làng Vòng coi nó là một thức quà không thể thiếu
khi thu về.
Hạt lúa nếp gặt về được lựa kỹ càng, tách ra khỏi rơm. Trải
qua tay người nhào nặn, từ một thức quà chỉ để dân làng Vòng tự thưởng
thức, dần dần, cốm làng Vòng đã trở nên quen thuộc với vị thanh
thanh bùi bùi lạ miệng. "Tiếng lành đồn xa", ngày càng có nhiều người
truyền tai nhau về món ăn này khiến nó càng thêm nổi tiếng.
Để đáp ứng nhu cầu của thực khách gần xa, bà con nơi đây
đã nghĩ ra cách bọc cốm trong lá khoai hoặc lá sen. Sau đó cuốn
bằng cọng rơm non.
Trước đây, cốm là nguồn thu nhập chính cho hơn 700 hộ
dân tại làng cốm Vòng. Mùa cốm kéo dài khoảng ba tháng, từ đầu tháng 7 âm lịch
cho đến khi lập đông. Cô Tuyết (38 tuổi) người dân gốc tại làng cốm Vòng bồi hồi
nhớ lại, mỗi mùa cốm về, cả làng Vòng lại xôn xao tiếng khua rang, thậm thịch từng
nhịp chày giã cốm.
"Từ khi còn trong bụng mẹ cô đã được theo gánh
cốm đến mọi nẻo đường thủ đô rồi. Nghề làm cốm không phải ai cũng có thể làm được,
mà còn dựa vào kinh nghiệm được kế thừa từ cha ông đi trước. Nhớ ngày
xưa cả đám trẻ con ra đồng từ 4 giờ sáng để đi đập lúa, rồi thi nhau
giã lấy giã để, cực thì cực nhưng vui lắm", cô Tuyết kể lại.
Cô Tuyết hào hứng kể về công việc đã gắn liền với mình ngay từ
trong bụng mẹ.
Để cho ra đời một mẻ cốm non thơm lừng đòi hỏi rất nhiều
sự công phu, cầu kỳ của người thợ. Đầu tiên là trồng lúa, cốm Hà
Nội ngày xưa chủ yếu được lấy ngay từ các cánh đồng lúa trong nội
đô thành phố. Đợi đến lúc lúa khum ngọn, còn nguyên sữa thì gặt đem về
làm cốm. Lúa để làm cốm, không được vò hay đập mà phải tuốt, sau đó cho vào nồi
rang. Cốm rang xong đưa vào cối giã ngay khi còn nóng, nhưng lại không được
giã quá mạnh tay, sẽ làm cốm bị nát, mất đi vẻ đẹp tròn trịa của hạt cốm.
Người ta phải giã tới bảy tám lần mới loại được hết vỏ trấu.
Nhà nào dùng máy xát thì cũng cần không dưới hai mươi lần vỏ trấu mới rời
khỏi hạt cốm. Nhưng như vậy vẫn chưa xong, phải trải qua mấy bận giần
sàng rồi đựng vào lá sen nữa thì mẻ cốm thô mới hoàn thiện.
Sự kỳ công của người thợ làm cốm được đền đáp khi món
ăn này trở nên phổ biến và nổi tiếng khắp từng con hẻm trên mảnh đất
thủ đô. Trên khắp các con phố, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những mẹt
cốm xanh. Khi mới vào mùa, cốm còn khan hiếm nên giá khá cao. Vào độ
trung tuần tháng 9, khi đã giữa mùa cốm thì giá rẻ hơn đôi chút. Một cân
cốm có giá từ 200 nghìn đến 230 nghìn đồng.
Cốm được gói vào lá sen và buộc bằng cọng rơm non để giữ
hương vị thơm nồng.
Thức quà này không chỉ cầu kỳ trong cách làm mà còn tỉ mỉ
trong cách thưởng thức. Ăn cốm tươi đúng cách là phải nhẹ nhàng dùng
5 đầu ngón tay nhón một ít bỏ vào miệng. Nhón cốm cũng phải làm sao cho thật
tao nhã, thanh thoát để không làm xước lá sen bọc ngoài. Cốm cho vào miệng
rồi cứ thế mà từ từ thưởng thức và thẩm thấu từng chút, từng chút một mới ngấm
dần cái hương vị vừa đậm đà và thanh tao của hồn Việt.
Người trẻ Hà Nội rất thích cốm, họ mua để thưởng thức, và gửi
tặng bạn bè ở khắp nơi làm món quà tuyệt vời nhất từ mùa thu Hà Nội.
Không chỉ để ăn cho vui, cốm còn là nguyên liệu chế biến
ra những món khác như xôi cốm, chè cốm, cốm xào... Những món ăn ấy không chỉ xuất
hiện trong những bữa ăn hàng ngày mà còn trở thành một món không thể thiếu
trong mâm cỗ quan trọng.
Bát chè cốm là sự kết hợp giữa xôi cốm cùng nước cốt
chè bưởi với hạt sen thơm ngon khiến khó ai có thể chối từ.
Ghé thăm cửa hàng chè của bác Lê Thịnh (70 tuổi) tại
Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi hơn 50 năm nay nổi tiếng khắp vùng với bí kíp làm
xôi cốm có một không hai. Bác Thịnh cho biết, có ngày ít ngày nhiều, nhưng
trung bình mỗi ngày bác bán được hết tầm 5 cân xôi cốm. Ngày lễ ngày tết hay
vào vụ cưới hỏi thì bán được nhiều hơn. Món xôi cốm này là công thức được
truyền từ người mẹ quá cố của bác. Dù hiện nay cốm đã phần nào bị mai một
nhưng món xôi cốm bí truyền này vẫn luôn được khách hàng ưa chuộng trong
các dịp cúng bái hay cỗ bàn quan trọng.
"Nói thật là cốm giờ không còn được "khoái khẩu"
như ngày xưa, nhưng đây là cái nghề của mẹ truyền lại, chính vì thế
bác cũng cố gắng lưu truyền, 50 năm bán hàng mình cũng tiếc cái truyền thống,
cái thương hiệu cố công xây dựng lắm chứ. Đôi lúc vắng khách cũng chỉ nghĩ
thôi thì cố bán mà giữ cái nghề. Chứ thật tình nhà bác không chỉ
dựa vào mấy cân xôi cốm mà sống qua ngày được", bác Thịnh chia sẻ.
Dù không còn đông khách như xưa, nhưng đối với nhữn người làm nghề truyền thống
lâu đời như bác Thịnh, việc giữ lại hồn cốt và tinh hoa ẩm thực mới là điều
đáng tự hào.
Không chỉ có xôi cốm, cốm xào cũng là một món ăn vô cùng lạ
miệng mà chỉ có người dân thủ đô mới sáng tạo ra.
Và khi nhắc đến cốm, chắc hẳn ai cũng nhớ đến một thứ bánh
không thể thiếu trong mỗi buổi lễ nạp tài. Đó là bánh cốm phu thê. Bánh cốm
phu thê không chỉ là một trong những loại bánh truyền thống của Việt Nam
mà còn hàm chứa trong đó triết lý âm dương của cả dân tộc.
Tục truyền, tên gọi bánh phu thê là do sự tích vua
Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp
làm bánh gửi cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng nên đã đặt
tên bánh là bánh phu thê. Cũng vì tên gọi ấy mà bánh phu thê (hay còn
gọi là xu xê) luôn được buộc thành cặp, biểu trưng cho sự gắn bó son sắt của
tình chồng vợ.
Bánh cốm phu thê là loại bánh không thể thiếu
trong mâm lễ nạp tài của phong tục cưới hỏi miền Bắc.
Cốm là đặc trưng của mùa thu Hà Nội, nhưng từ khi xã hội phát triển, các cách đồng
lúa trong nội đô biến mất, cốm cũng trở nên kham hiếm hơn.
Cô Tuyết buồn bã chia sẻ: "Nếu ngày
xưa khu vực công viên Cầu Giấy ngày này là một vựa lúa chín đòng cho
dân làng cốm Vòng gặt thì nay đã trở thành các tòa nhà cao tầng chót vót. Người
dân làng phải chuyển sang sử dụng lúa tại các huyện ven ngoại thành
thủ đô như Sơn Đồng, Mỹ Đức... để làm cốm. Giá thành cũng vì thế mà cao
hơn".
Phần lớn người làng Vòng giờ làm đủ thứ nghề, trừ... nghề cốm.
Cô Tuyết cho biết, trong 700 hộ ngày xưa làm cốm, giờ chỉ còn xót lại đúng
7 gia đình là vẫn tiếp tục với nghề. Số ít còn lại có neo với cốm
nhưng cũng chỉ dưới dạng buôn bán cốm mà thôi. Và trong quá trình
buôn bán, họ cũng không thể chỉ mua bán mỗi cốm được.
Mỗi ngày rong ruổi với gánh cốm từ tờ mờ sáng cho tới
khi thành phố đã lên đèn, hôm nào đắt khách, bán hết hàng thì cô Tuyết vui
không để đâu cho hết. Nhưng lắm hôm cốm ế, cho dù có ủ kín đến mấy đi chăng nữa
thì cốm cũng bị cứng lại. Chẳng còn cách nào khác, cô Tuyết đành phải đem về sử
dụng.
Dãi dầu sương gió là thế, nhưng mỗi gánh cốm cũng chỉ đem về
cho cô Tuyết được 200 - 250 nghìn đồng tiền lời/ngày. Với một gia đình ba,
bốn miệng ăn, thu nhập lại chỉ trông chờ vào mình gánh cốm nên cô Tuyết
cũng như những hộ dân khác từng buôn bán cốm không thể mãi gắn bó với nghề được.
Những chiếc bánh cốm theo chân người bán hàng rong ruổi khắp các con phố ở Hà
Nội.
Cốm trở nên khó khăn ngay trên chính mảnh đất quê hương,
nơi mà thứ quà này đã khắc sâu vào tâm hồn người Việt. Để rồi chính những
người thợ làm cốm cũng phải trăn trở làm thế nào để nghề cốm không bị thất
truyền khi mà giá trị kinh tế tạo ra không đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Dù vậy, nhưng có một điều chắc chắn rằng hương cốm nồng nàn vẫn
luôn là thứ phong vị thân quen nhất của mảnh đất Kinh Kỳ. Dường như có một sự
quyến rũ nào đó níu kéo bước chân người qua đường, để rồi cốm vẫn là
sự lựa chọn hàng đầu cho những món quà lưu niệm gửi người thân phương xa.
Những dòng kỉ ức về một buổi chiều ngồi trong cơn gió heo
may, đón từng sợi nắng vàng nhẹ, hít hà hương hoa sữa nồng nàn rồi nhón một nắm
cốm nhỏ nhâm nhi cùng chén trà xanh có lẽ là cả một niềm ao ước
đối với những người con xa xứ. Nỗi nhớ Hà Nội thu bé lại, nằm gọn trong gói cốm
xanh nhưng lại chất chứa cả khoảng thời thu mênh mang.
7/10/2017
Vy Vy - Quang Đức
Ảnh: Đỗ Quang Đức
Nguồn: Thể Thao - Văn Hóa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét