Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Những giá trị văn học còn lại

Những giá trị văn học còn lại
Trong văn học nghệ thuật, có một quy luật không ai có thể phủ nhận được, đó là: Thời gian là vị quan tòa khắc nghiệt nhưng công bằng nhất. Dù vì bất cứ một lý do gì - kể cả những thiết chế xã hội - một tài năng thật sự không bao giờ bị hoàn toàn quên lãng. Lớp bụi thời gian khi đã được giũ sạch sẽ lại làm lộ rõ lóng lánh của tài năng. Bích Khê là một truờng hợp như vậy.
Tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1915 tại làng Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và qua đời vào ngày 17/1/1946, Bích Khê chỉ có mặt trên cõi đời này 31 năm. Nhưng chàng trai bạc mệnh ấy quả thật đã để lại một dấu ấn khó quên trước chuyến viễn du cuối cùng của chàng.
Ngay từ 1941, với cái nhìn tinh tế, Hoài Thanh đã viết trong Thi nhân Việt Nam: “Tôi đã gặp trong Tinh Huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam:
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơil Thu mênh mông.”
Và Hoài Thanh kết luận phần viết rất ngắn về Bích Khê bằng một câu chính xác nhất (nhưng cũng trân trọng vào bậc nhất): “…Thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần cũng như chưa đọc”.
Vậy đó, mà có đến 42 năm Bích Khê bị bỏ quên... Nhưng cho tới nay, vẫn chưa thấy một nhà viết Văn học sử nào đặt Bích Khê trở lại vị trí cần phải có của nhà thơ.
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Bích Khê có cả một quãng thời gian dài sống tiêu dao, hòa nhập hoàn toàn với thiên nhiền, ngoại giới, để từ đó soi tìm những cảnh sắc kỳ lạ của thế giới nội tâm. Bắt đầu từ năm 1937, Bích Khê nhuốm bệnh lao phổi. Sau thời kỳ chữa bệnh ở Huế, Bích Khê trở về nhà mẹ ở Thu Xà (Quảng Ngãi). Và từ đây, có đến mấy lần chàng sống trên núi (Tà Cú, Thiên Ân), lại có lúc với một chiếc thuyền con, Bích Khê bồng bềnh trên sóng nước, “nay ghé Phú Thọ, mai Cổ Lũy, Sa Kỳ...”, như lời chị ruột của nhà thơ, bà Lê Thị Ngọc Sương thuật lại. Và ba năm 1937, 1938, 1939 là ba năm sáng tạo phong phú của Bích Khê. Vượt lên nỗi đau của thân xác, bệnh tật và nỗi đau của tâm hồn (cả ba mối tình với ba người đẹp Song Châu, Bích Thủy, Ngọc Kiều đều đổ vỡ), Bích Khê đã để lại cho đời những tập thơ giá trị như Tình Huyết, Tinh Hoa. Sinh thời, Bích Khê chỉ mới in được Tinh Huyết (1939) với lời tựa của Hàn Mạc Tử. Nhưng chỉ riêng với Tinh Huyết thôi, giá trị cách tân trong nghệ thuật của Bích Khê đã đáng kể lắm rồi.
Sau một thời gian phá thể (so với thơ Đường), thơ Mới dần dần cũng đi vào ổn định về mặt thi pháp. Chẳng hạn, ở thơ 8 chữ điệu thơ thường ngắt nhịp ở chữ thứ 3, thứ 5, thứ 6 trong câu: Tôi không muốn/ đất trời xoay chuyển nữa. Với tháng ngày/ buồn bực/ đuổi nhau đi - (Những sợi tơ lòng - Chế Lan Viên), hay: Bữa nay lạnh/ mặt trời đi ngủ sớm. Anh nhớ em /em hỡi anh nhớ em (Xuân Diệu), thì Bích Khuê đưa ra một cách ngắt nhịp mới, ngắt ở chữ thứ 4 trong câu. Có khi toàn bài, Bích Khê đều dùng cách ngắt nhịp này. Ví dụ bài Nhạc là một trường hợp tiêu biểu.
Ngoài ra, sự cách tân nghệ thuật còn được Bích Khê khai thác ở lối bình thanh. Toàn bài thơ, câu nào, chữ nào cũng là tiếng bình (không dấu hoặc dấu huyền). Bích Khê đã tạo ra hẳn một lối thơ mới, hay nói đúng hơn, một nhạc điệu mới cho thơ 8 chữ. Tỳ bà là một tuyệt tác trong lối thơ này, mà sau Bích Khê không thấy ai theo được chàng, chứ đừng nói đến chuyện vượt chàng, về điểm này Chế Lan Viên có một nhận xét rất hay: “Nếu Nguyễn Bính là một miền đồng bằng thân thuộc, thì Bích Khê là một đỉnh núi lạ”. Đó là về mặt nhạc điệu trong thơ. Còn về mặt tư tưởng thơ Bích Khê cũng đã có những cái mới, ngay trong thế hệ của chàng. Nhận xét về tập thơ thứ hai của Khê, Tinh Hoa, Quách Tấn đã viết: “Tập Tinh Hoa rất có giá trị, giá trị cao hơn Tinh Huyết một bậc. Nếu sánh cùng sông, thì Tinh Huyết là dòng sông mùa lụt, láng lai cuồn cuộn, song không thể giặt dải mũ của đám sĩ phu. Còn Tinh Hoa là dòng sông xuân nước vừa thiếp bờ, dễ khiến khách mỹ nhân nghiên mình cười nụ...”.
Riêng tôi, say mê Bích Khê từ thuở còn là cậu học trò nhỏ, nay có dịp đọc lại gần như toàn bộ thơ của thi nhân bạc mệnh này,-tôi hiểu đuợc điều này: Khi một người bị bạo bệnh đã vuợt lên cơn đau thân xác, khi một người đau khổ vì tình đã vượt lên nỗi thống khổ của lòng mình để nói về những nỗi đau kia, thì đó không còn là nỗi đau nữa. Đó là khát vọng sống. Đó là sự thăng hoa của tâm hồn con người. Và đó là sự phân biệt có tính tuyệt đối để thấy rõ cái khác nhau giữa con người với một sinh vật khác. Và trong chiều hướng ấy, đúng như Hégel đã nói: “Thơ là tiếng nói mới nhất của nhân loại”.
Khi viết bài này, tôi đã tìm đến chị Nguyễn Lê Thu An, thư ký tòa soạn của báo Điểm phim, con của bà Lê Thị Ngọc Sương và ông Lạc Nhân Nguyễn Quý Hương (vốn là thư ký tòa soạn báo Tiếng Dân của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng), người có cái may mắn là cháu gọi Bích Khê bằng cậu ruột, để xin một tấm ảnh (chưa công bố) của nhà thơ rất tiếc là không có. Nhờ vậy, tôi biết thêm một chi tiết: Bích Khê rất thương và cưng chiều cháu, nhưng không cho cháu gần gũi, vì sợ sẽ lây bệnh cho cháu. Với một con người như thế, và nhất là một thi tài như thế đâu có đáng bị đời lãng quên.
3/4/1993
Nguyễn Giao Thủy
Nguồn: Trích báo Phụ Nữ Việt Nam
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXChiếc mai cua đốm

Chiếc mai cua đốm Chương 1 Ngôi nhà cổ Lan Trinh mở sắc tay lấy chiếc chìa lùa vào ổ khóa cánh cửa vòng rào bao quanh khu biệt thự. ...