Chiếc tàu tốc hành từ cảng Rạch Giá rời bến đi Hòn Tre chậm hơn nửa tiếng đồng hồ so với giờ ghi trong vé tàu vì biển hôm nay khá động. Tôi đã có chín năm sống ở ngoài đảo và cũng đã nhiều lần đi biển nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần xuống tàu là tôi lại cảm thấy sợ, nhất là những lúc biển động mạnh. Lúc mới xuống bến, nghe họ nói hôm nay biển động cấp năm tàu tốc hành loại nhỏ không được ra khơi, tôi đã định quay về nhưng lại nghe một số hành khách nói: “Nó chỉ thổi tí thôi, chỉ một lát nữa là trời êm thôi mà!.”. Những người dân đã từng sống ở trên đảo, họ có nhiều kinh nghiệm đi biển nói như vậy nên tôi yên tâm và quyết định ở lại chờ để ra đảo. Cứ mỗi năm đến ngày đám giỗ chị Bảy Đẹt là tôi lại ra đảo. Sở dĩ tôi đi đều đặn như vậy suốt gần hai mươi năm nay, kể từ ngày chị Bảy mất là vì chị là người giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình trong những năm đầu chúng tôi mới đến đảo này dạy học. Chị Bảy tên Đẹt mà không đẹt tí nào. Dáng người chị tuy không cao ráo nhưng phốp pháp, núng na núng nính toàn mỡ là mỡ. Mỗi bước đi của chị làm những mảng thịt ở trên người cứ lắc lư như muốn rớt ra ngoài. Giọng nói của chị ồm ồm nhưng vẫn mang cái gốc chân chất của người miền Tây Nam bộ. Chị bán tạp hóa ở gần ngay cầu tàu Hòn Tre. Nghe nói hồi còn trẻ chị rất đẹp nên có một anh lính hải quân chính quyền Sài Gòn ra ngoài này đóng quân đem lòng yêu mến rồi cưới chị. Khi có được hai mặt con thì anh chàng hải quân đó được lệnh chuyển đi đóng quân nơi khác. Thế là từ ngày đó biền biệt tin chàng, không thấy chàng hải quân đó quay về nữa. Chị ở vậy nuôi con cho đến ngày chúng trưởng thành. Năm tôi ra đảo, đứa lớn là con trai tên Đỉnh Sơn đã học Trung học Sư phạm cấp tốc về dạy ở ngay Hòn Tre này; còn đứa nhỏ là con gái tên Đài Trang, năm đó học lớp tám, tôi dạy Ngữ văn và chủ nhiệm luôn lớp này. Chị Bảy rất thương thầy cô giáo. Hồi chúng tôi còn ở tập thể có cái gì ngon chị cũng đem cho ăn. Tôi còn nhớ có lần Tý, bạn đồng nghiệp của tôi, vừa dạy xong mệt quá chạy về phòng nằm vật ra giường, vắt tay lên trán, thở dài, buông một câu thật buồn cười:
- Tự nhiên sao tao thấy thèm thèm cái gì đó Phương à.
Tôi hỏi lại:
- Thèm “cái gì” là cái gì mới được?
- Tao cũng không biết nữa, nó cứ thèm thèm. Làm như trong cơ thể tao nó thiếu cái gì đó... À, tao biết rồi. Tao thèm lòng heo luộc.
Tôi nghe nó nói mà thấy tội nghiệp, tội nghiệp cho nó mà tội nghiệp cho cả tôi nữa. Hồi đó ở ngoài đảo này, chúng tôi ăn toàn là cá, những con cá rất tươi ngon nhưng ăn hoài cũng chán, nghĩ tới thịt cũng thấy thèm. Thế là nó ngồi bật dậy, mặc quần áo chỉnh tề, hăng hái đến nhà chị Bảy. Chiều hôm đó, nó về nhà tập thể giáo viên với gương mặt tươi tỉnh hẳn ra:
- Đúng là thèm gì có đó. Lúc tao lên nhà chị Bảy thì quả thật nhà chị có món lòng heo, nhưng không phải lòng heo luộc mà lòng heo khìa ngon lắm, mày muốn ăn thì lên đó mà ăn.
Chị Bảy là thế đó. Chị rất nhiệt tình giúp đỡ thầy cô giáo. Nhưng khi tôi chuyển vào Rạch Giá được ba năm thì nghe nói chị bệnh nặng rồi qua đời vì biến chứng của bệnh tiểu đường.
Một lý do nữa khiến tôi năm nào cũng ra đảo được dễ dàng là đám giỗ chị Bảy vào đúng dịp nghỉ hè nên sẵn dịp đi chơi vài ngày cũng tiện, khỏi cần phải xin phép Nhà trường.
Chiếc tàu nhằm thẳng hòn đảo hình con rùa ở phía Tây – Nam mà tiến. Càng ra khơi, sóng biển càng lớn hơn. Có những lúc con sóng to như muốn nuốt chửng chiếc tàu cánh ngầm bé nhỏ giữa biển khơi. Nhưng nó vẫn dũng mãnh vượt qua con sóng dữ, cố ngoi lên khỏi mặt nước, trong khi sóng biển như một gã khổng lồ thích đùa dai với cậu bé tí hon, dìm nó xuống rồi lại nâng nó lên, đẩy nó lướt đi bồng bềnh trên mặt biển. Hơi lo ngại, tôi liếc qua một lượt trong khoang tàu, quan sát chỗ để những chiếc phao. Tất cả các cửa kính đã được đóng chặt, sóng có lúc như phủ hết cả con tàu nhưng rồi nó lại nổi lên như một chiếc phao hình mũi tên có gắn cánh ngầm lướt nhanh trên mặt biển. Hành khách vẫn bình thản như không có gì xảy ra, có người còn ngồi đọc báo, tôi lại thấy yên tâm hơn. Còn nhớ ngày xưa, tôi dạy học ở ngoài đảo này, đi ra đi vào Rạch Giá – Hòn Tre, toàn là quá giang tàu đánh cá của dân. Tàu chạy chậm, có khi phải mất ba tiếng đồng hồ mới tới nơi, nhưng đi như vậy lại có cái thú mà tàu tốc hành không thể có được. Cái thú nhất là leo lên mui tàu, ngắm nhìn trời nước mênh mông, chạy ra phía sau lái nhìn đàn hải âu sà xuống biển bắt cá. Cái giống hải âu thật khôn, cứ bay theo sát phía sau lái những con tàu biển, chờ cho những chú cá nhỏ bị dạt ra từ những lượn sóng của thân tàu, chúng sà xuống bắt ngay. Một sự chính xác hoàn hảo đến tuyệt vời, không một cú lượn xuống biển nào của hải âu mà không mang theo trên mỏ chúng một chú cá con. Khi quan sát hải âu bắt mồi chán rồi, tôi lại chui vào trong ca-bin xin tài công cho tôi cầm lái. Những lúc biển lặng thì lái tàu không khó khăn gì, chỉ việc cầm vô-lăng quơ qua, quơ lại nhằm ngay cái đầu con rùa giữa biển khơi mà tiến thì ra tới Hòn Tre thôi mà.
Vật lộn với biển khơi khoảng bốn mươi lăm phút thì tàu cũng ra tới Hòn Tre. Nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Năm 1983, tôi ra ngoài này dạy học, hòn đảo còn hoang sơ, đường đi có chỗ phải chen qua những cục đá rất to; đi bộ vượt suối, leo dốc từ đầu hòn đến cuối hòn phải mất nửa ngày. Còn bây giờ, quanh hòn, đường đã đổ bê tông rộng ba mét chạy giáp chung quanh hòn bằng xe honda chỉ mất chưa đầy mười lăm phút. Nhưng điều này không làm cho tôi ngạc nhiên, bởi vì năm nào tôi cũng có mặt ở đây vào đúng những ngày hè. Ra ngoài đảo lần này, tôi muốn Đỉnh Sơn, con trai chị Bảy, chở tôi đi quanh Hòn để tôi chụp hình làm kỷ niệm. Vừa bước lên hòn, tôi đến nhà chị Bảy tắm rửa rồi đề nghị với Đỉnh Sơn chở tôi đi ngay sợ ngày mai đám giỗ nhậu say đi không được. Lúc chạy qua miếu bà Chúa xứ, tôi vỗ vai Đỉnh Sơn ra hiệu dừng lại để cho tôi chụp vài kiểu hình. Tình cờ tôi phát hiện trước mặt, phía triền dốc núi có một nấm đất nho nhỏ, cao hơn mặt đất tí xíu, tôi hỏi Đỉnh Sơn:
- Đây có phải là mộ người không vậy?
- Mộ của đứa nhỏ, cháu nội ông già ngày xưa bán đậu phộng rang ở trường mình đó, thầy quên rồi sao?
À, thì ra là mộ của bé Mai, cháu nội ông lão quê ở Quảng Ngãi đây mà. Nhìn nấm mồ nhỏ xíu, nằm khuất sau những phiến đá trên triền dốc, tôi bồi hồi nhớ lại câu chuyện của gần ba mươi năm về trước.
Keng... keng... keng. Tiếng kẻng báo hiệu giờ ra chơi vang lên, học sinh ở các lớp đồng loạt chạy ùa ra ngoài sân như bầy ong vỡ tổ. Từ trên hành lang của dãy phòng học cao bên triền núi nhìn xuống sân, tôi thấy lũ học trò tung tăng nô đùa mà nghĩ tới thời áo trắng của mình. Mới đó mà mình đã là thầy giáo rồi, đã đứng trên bục giảng oai phong như thầy của mình ngày xưa. Có điều khác là sao hồi đó mình sợ thầy mình quá, còn lũ học trò bây giờ nó chẳng sợ mình tí nào. Ở ngoài hòn, đa số học sinh đi học muộn nên lớn tuổi, mới học lớp chín mà có đứa đã mười bảy, mười tám tuổi rồi. Mỗi khi chúng mất trật tự trong giờ học, tôi cố ý làm cho gương mặt thật dữ tợn bằng cách nghiến răng, trợn mắt lên, dùng cây thước gỗ đập mạnh xuống bàn kêu đánh chát một cái rồi hét lên: “Có im lặng không?!!!”. Thế mà chúng nó cũng chẳng sợ. Có hôm, tôi đang ngồi soạn giáo án ở nhà tập thể, một đứa học trò nữ len lén núp ở phía sau lưng tôi dùng hai bàn tay bịt mắt tôi lại. Tôi gỡ tay nó ra, định mắng cho một trận nhưng khi thấy đôi bàn tay mềm mại, trắng muốt, âm ấm với gương mặt hồn nhiên giương đôi mắt nai nhìn tôi, miệng cười tủm tỉm, tôi lại không nỡ. Hay là tại mình còn trẻ quá? Chắc phải để râu cho chững chạc thì chúng nó mới sợ.
Đang nghĩ vẩn vơ thì tôi thấy một ông lão mặc bộ đồ pijama màu nâu đã cũ, đội chiếc nón lá rách tươm, một tay dắt đứa bé gái khoảng bốn năm tuổi, một tay cầm chiếc bình thủy, bước từng bước mệt nhọc trên bậc tam cấp để lên sân trường. Ở đây địa hình dốc núi nên sân trường cao hơn mặt đường tới hơn hai mét, còn các dãy phòng học thì cao hơn sân trường những hơn ba mét. Chắc là ông lão đi ăn xin đây. Tôi nghĩ như vậy. Nhưng một lát sau tôi thấy học trò bu quanh ông lão rất đông, tôi không hiểu chuyện gì ở dưới đó liền bước xuống xem sao. Thì ra không phải ông lão đi ăn xin mà ông đi bán đậu phộng rang. Cái bình thủy mà tôi nhìn thấy lúc nãy không phải được ông dùng để đựng nước mà ông dùng để đựng đậu phộng rang. Nhìn đứa bé gái nhỏ xíu trắng trẻo, mặc quần áo tươm tất trông như con búp bê ngồi nép sát bên ông lão lưng đã còng, quần áo rách vá nhiều chỗ, giương đôi mắt tròn xoe có đôi lông mi cong vút nhìn lũ học trò mà tôi thấy chạnh lòng. Mỗi lần có đứa nào mua, ông lão lại mở bình thủy, đổ những hạt đậu ra cái ly nhỏ, thứ ly mà người ta dùng để uống trà hay uống cà phê nóng gọi là ly xây chừng. Khi đã đầy ly, ông lão đặt xuống đất, rồi đậy nắp bình thủy lại cẩn thận cho giữ hơi nóng. Sau đó, ông thò tay vào trong cái túi áo pijama căng phồng đựng toàn là giấy đã được cắt vuông vức, lấy ra một mảnh, cuốn lại thành hình cái phểu, rồi đổ những hạt đậu phộng đã được đong cẩn thận ấy vào, gói lại đưa cho học trò. Cứ một ly như vậy, ông bán hai đồng. Lấy tiền, ông lão đưa cho đứa bé bỏ vào trong cái bọc ni-lông đã cầm sẵn ở trên tay. Mỗi một lượt đong bán như vậy, ông làm một cách thong thả, cẩn thận. Lũ học trò phần vì háu ăn, phần sợ hết giờ ra chơi cứ thúc giục ông. Có lúc vội quá, làm đổ vài hạt đậu ra ngoài, ông lại nhặt lên thổi thổi cho sạch bụi rồi đưa cho đứa bé ngồi ăn ngon lành.
- Thầy ơi, ăn đậu phộng nè. Ngon lắm.
Một đứa học trò đưa cho tôi nguyên một gói.
- Thầy chỉ ăn vài hạt thôi, mấy đứa ăn đi.
Tôi lấy vài hạt ăn thử. Quả thật rất ngon. Hạt đậu phộng còn nóng nguyên, thơm phức, bỏ vào miệng nhai có vị bùi bùi, mằn mặn, khi nuốt rồi vẫn còn vị béo ở trong khoang miệng. Ăn xong một hạt lại muốn ăn tiếp hạt nữa.
Tiếng kẻng báo hiệu hết giờ ra chơi, những đứa học trò đứng quanh đó chào tôi rồi vội chạy về lớp xếp hàng chuẩn bị cho tiết học kế tiếp.
Lúc bấy giờ ông lão mới biết có thầy giáo đang đứng gần đó liền đứng lên chào và cũng không quên nhắc đứa bé đứng khoanh tay chào tôi rất lễ phép. Tôi đoán ngay ông không phải là người ở địa phương này. Quả thật vậy, một giọng Nam - Trung bộ chưa bị pha tạp giọng của bất kỳ một địa phương nào khác phát ra rè rè từ cái miệng móm mém của ông lão. Chắc là sẽ rất khó nghe đối với những người dân địa phương này nhưng với tôi thì nghe được tất. Tôi còn nghe được cả giọng của những người dân vùng sâu ở phía Bắc - Trung bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh nữa cơ đấy. Hồi học Sư phạm, khóa của chúng tôi có đủ người ở các vùng miền trên toàn quốc, nghe riết rồi quen. Khi nghe ông lão phát âm vần “A” thành vần “E”, tôi đã đoán được ông ở địa phương nào, liền hỏi:
- Có phải ông quê ở Quảng Ngãi không ạ?
Ông lão nhìn tôi tỏ vẻ vui mừng như gặp được người thân lâu ngày:
- Vâng. Sao thầy biết?
Rồi không đợi tôi trả lời, ông lão nói một mạch như muốn trút hết bầu tâm sự với tôi. Nỗi lòng dường như đã được ông cố nén từ bấy lâu nay giờ đã bộc phát. Nó như cái mụn nhọt đã chín mùi giờ vỡ ra, tóe máu mủ chảy khắp làn da.
- Tôi ở Đức Phổ - Quảng Ngãi mới ra đây vài hôm - Rồi ông kéo đứa bé vào sát ông - Đây là cháu nội của tôi. Ba cháu mất rồi, tôi đưa cháu ra Phú Quốc để tìm mẹ cháu nhưng tìm miết mà không gặp, tôi đành quay trở về quê, nhưng tới Rạch Giá thì hết tiền, đi lang thang ở bến cảng định xin bà con ít tiền để mua vé xe về quê thì tôi gặp một người đàn bà đang chờ tàu về Hòn Tre rất tốt bụng giúp đỡ. Tôi kể hết sự tình, bà ấy khuyên tôi ra đây tìm công việc làm để còn có cơ hội gặp lại người con dâu. Bà ấy nói thêm ở ngoài này mới thành lập huyện nên cũng dễ làm ăn, tôi chỉ cần kiếm gạo, còn đồ ăn thì cá biển rất nhiều đi xin người ta cũng cho, còn có gì khó khăn nữa thì bà ấy sẽ giúp. Nghe bà ấy nói, tôi lại lóe lên một tia hy vọng. Biết đâu con dâu tôi không đi ra Phú Quốc mà có khi ra Hòn Tre cũng không chừng. Trời thương mà cho cháu gặp được mẹ nó thì đời nó mới hết khổ. Tôi già rồi, sống nay chết mai chẳng biết ai sẽ cưu mang đứa cháu ngây thơ vô tội này khi tôi về với tổ tiên.
Nói tới đó, ông lão nhìn đứa cháu nội, nghẹn ngào, giơ cánh tay lên lau những giọt nước mắt lăn dài trên hai má bằng hai ống tay áo pijama đã bạc màu vì sương gió.
Đến giờ tôi phải vào lớp nhưng tôi quyết định phải gặp lại ông lão tội nghiệp này tìm hiểu thêm hoàn cảnh của ông rồi xem có thể giúp được việc gì cho ông thì giúp. Nghĩ vậy, tôi liền nói:
- Bây giờ cháu phải vào lớp dạy học. Ông đang ở đâu? Chiều nay cháu có thể đến chơi được khộng ạ?
- Hôm quá giang tàu cùng với bà ấy ra đây, tôi đâu có quen ai, bà ấy cho tôi ở nhờ vài ngày rồi cho tiền mua cây lá cất đỡ cái chòi nho nhỏ ở ngay miếng đất bên hông nhà đủ kê một cái vạt giường tre cho ông cháu tôi nằm và một góc để đun bếp. Thầy đến đó thì cũng chẳng có chỗ mà ngồi.
- Cháu ngồi trên vạt giường cũng được mà. Nhưng ông nói bà ấy là ai ở Hòn Tre này. Ở đây, ai cháu cũng quen hết. Ông chỉ cần nói tên là cháu sẽ tìm đến.
- Tôi nghe người ta gọi bà ấy là bà Tư Bé, nhà cũng gần đây thôi mà.
- Tưởng ai chứ bà Tư Bé thì cháu quá quen. Má của con Lan đang học lớp chín ở ngay trường này. Nó mới vừa chạy vào trong lớp đó.
- Hồi nãy tôi cũng thấy cháu rồi. Nhờ cháu giới thiệu mà mấy đứa học trò của thầy mới biết mà mua đậu phộng của tôi đấy.
- Thôi cháu vào lớp đây. Vậy nhé, chiều nay cháu sẽ đến chỗ ông nói chuyện cho vui.
- Cảm ơn thầy. Chào thầy.
Câu chuyện của ông lão làm tôi xúc động quá. Bằng mọi giá chiều nay tôi phải đến chỗ ở của ông lão hỏi kỹ tên, tuổi và một số đặc điểm để nhận dạng con dâu ông, với hy vọng giúp ông tìm ra được người con dâu, trả đứa bé về cho mẹ nó. Cơm chiều xong, tôi đi ngay, khi đi ngang qua tiệm tạp hóa tôi không quên mua cho đứa bé một bọc bánh men.
Vừa bước vào nhà, dì Tư Bé gặp tôi, liền niềm nở:
- Thầy ăn cơm chưa? Gặp bữa ăn cơm với gia đình tui cho vui thầy ơi!
- Cảm ơn dì, con ăn cơm rồi. Con đến để tìm ông lão bán đậu phộng. Có phải ông ấy ở đây không dì?
- Ờ, ổng ở ngay bên đây nè. Ủa, mà sao thầy biết ổng vậy? Hoàn cảnh ổng tội nghiệp lắm thầy ơi!
- Ở bển chắc bây giờ chỉ có con bé Mai thôi. Tui mới thấy ổng bước ra ngoài. Chắc ổng đi xóm rồi.
Tôi đi qua căn chòi của ông lão thấy đứa bé đang nằm chèo queo ở trên chiếc giường tre ọp ẹp. Gặp tôi, đứa bé ngồi bật dậy, khoanh tay, ngoan ngoãn cúi đầu chào:
- Con chào thầy giáo ạ.
Tôi ngồi khẽ xuống chiếc giường cạnh đứa bé:
- Con ngoan lắm. Ông đi đâu rồi con?
- Dạ, ông đi mua muối về rang đậu phộng, chắc chút nữa là về thôi thầy ạ.
Tôi đưa cho đứa bé bọc bánh men, nó mừng quýnh, cám ơn rối rít rồi sà vào lòng tôi. Tôi hiểu đứa bé đang khao khát có được một tình thương và sự che chở, đùm bọc của ba mẹ nó. Tôi xoa đầu nó, nó ngẩng lên nhìn tôi. Trông con bé thật dễ thương. Nước da trắng mịn, cặp mắt đen láy, có đôi hàng lông mi cong vút, đôi môi đỏ chót múm mím ăn cái bánh men mà tôi vừa đưa cho nó. Nhìn nó thế này tôi nghĩ chắc mẹ nó cũng đẹp lắm. Mà sao trên đời lại có người phụ nữ nhẫn tâm thế nhỉ? Con cái như thế này mà nỡ bỏ ra đi.
- Con tên gì? Con có nhớ mẹ con không?
- Dạ. Con tên Mai. Mẹ con đi lâu lắm rồi, con không nhớ nữa. Con chỉ ở với ông thôi.
- Thế con có muốn gặp mẹ con không?
- Dạ muốn. Ông con đưa con ra Phú Quốc tìm mẹ nhưng không thấy mẹ đâu.
Bé Mai khôn quá, mới tí tuổi đầu mà hỏi gì cũng biết, trả lời rất rành mạch, lễ phép, lại ăn mặc rất sạch sẽ, tươm tất. Điều này chứng tỏ ông lão đã dạy dỗ, chăm sóc đứa bé rất chu đáo. Tôi định hỏi cháu thêm vài điều nữa thì ông lão về. Tôi đứng lên chào ông, ông vội vàng ấn vai tôi ngồi xuống:
- Ấy, ấy, thầy cứ ngồi đấy để tôi đi pha nước trà uống nhé.
- Khỏi pha trà đâu ông ạ. Cháu ngồi đây nói chuyện được rồi.
- Chỉ tí thôi mà. Nước sôi đã có sẵn rồi. Tôi làm mau lắm.
Nói đoạn ông lục đục đi ra ngoài sân, đổ hết bã trà trong cái bình tích ra, lấy nước ở trong cái lu súc lại một lần cho sạch, rồi vào trong chòi lấy trà tự trên cái rổ to ông treo lơ lửng, toòng teng ngay trên đầu giường. Trong lúc ông lấy trà, tôi thấy trong cái rổ to đó ông để đủ các thứ đồ ăn, gia vị như đường, tiêu, tỏi, ớt, đậu phộng chưa rang... còn có cả cái nồi cơm nhỏ trên đó nữa. Vừa chuẩn bị pha trà ông lão vừa huyên thuyên:
- Cái rổ này dùng để đựng đồ ăn, thức uống. Còn cái bao treo ở cuối giường kia là để quần áo. Treo lên, đậy điệm cẩn thận như thế này thì chắc ăn, không sợ chó mèo gì cả, thầy ạ.
Loay hoay một lúc thì ông cũng pha xong ấm nước trà. Ông lại chạy lên nhà dì Tư Bé mang xuống hai cái ghế. Một cái dùng để làm cái bàn để bình tích và hai cái ly, một cái ông mời tôi ngồi. Còn ông thì lại qua bên giường ngồi đối diện với tôi.
Khi trà đã ngấm, ông rót tráng qua một lượt cho sạch ly, rồi ông mới rót đầy hai ly trà, trịnh trọng dùng hai tay nâng một ly mời tôi uống. Tôi đỡ lấy rồi lại đặt xuống:
- Ông cứ để cháu tự nhiên. Cháu muốn biết tên của mẹ bé Mai là gì để còn biết mà tìm giúp ông.
Nghe tôi nhắc đến chuyện mẹ bé Mai, ông lại buồn. Mặt ông trông có vẻ thẩn thờ:
- Mẹ cháu tên là Lê Thị Thanh Xuân. Chắc mẹ cháu bỏ cháu luôn rồi thầy ạ. Cách đây hai năm, lúc đó con bé mới hai tuổi, nó nói với tôi là có người quen ở Phú Quốc rủ nó ra đó làm ăn, nó muốn đi một chuyến thử xem sao. Nếu làm ăn được nó sẽ về rước tôi và con nó đi luôn. Nhưng từ ngày nó bước ra đi đến bây giờ, chẳng hề có tin tức gì cả. Tôi ra tới Phú Quốc đi khắp nơi tìm nó, hết cả tiền bạc; nói tên nó, đưa hình nó cho người ta xem nhưng chẳng có ai biết nó cả. Chắc nó đi theo thằng nào rồi nên chẳng còn thiết tha gì con cái nữa.
- Thế ba của cháu làm sao mà mất sớm vậy ông?
Đến câu hỏi này thì ông không còn thẩn thờ nữa mà ông đã khóc thật sự. Bé Mai thấy vậy cũng chạy tới ôm ông mà khóc theo. Tôi cảm thấy mình khiếm nhã quá. Lúng túng vì mình đã chạm đến nỗi đau mà ông không muốn nhắc tới, tôi cầm ly nước trà, uống một hớp nhấp giọng, rồi nói:
- Cháu xin lỗi vì đã làm cho ông buồn.
Ông lão với lấy chiếc khăn treo trên sợi dây ngay trước mặt, lau những giọt nước mắt đầm đìa trên đôi gò má hóp nhăn nheo, nhìn tôi mà con mắt còn đỏ hoe:
- Không sao. Thầy cứ ngồi chơi. Tôi sẽ kể hết cho thầy nghe.
Quê tôi ở Đức Phổ, một huyện đồng bằng, nằm về phía đông nam tỉnh Quảng Ngãi, nơi tiếp giáp với tỉnh Bình Định. Tôi ở xã Phổ Phong. Đây là một xã nghèo nằm cạnh con sông Trà Câu chủ yếu sống bằng nghề nông nhưng nhà tôi không có ruộng nên lại sống bằng nghề biển. Ở huyện tôi, tuy nói là huyện đồng bằng nhưng nhiều nơi vẫn sống bằng nghề biển, nhất là ở vùng nam núi Dâu đến đèo Bình Đê, vì ở đây chủ yếu là đồi núi và có một số dãy núi chạy suốt ra bờ biển. Tôi có ba đứa con, hai trai và một gái, vì nhà nghèo nên tất cả chúng nó đều chưa học hết bậc phổ thông thì phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Mẹ chúng nó chẳng may mất sớm khi thằng út mới lên năm tuổi, là ba của cháu Mai sau này đấy. Tuy nhà nghèo nhưng được cái cha con tôi sống êm thắm lắm. Tôi làm tài công cho một chiếc tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cũng đủ ăn và nuôi chúng nó lớn lên. Khi hai thằng con trai tôi trưởng thành chúng nó cũng theo nghề đánh cá. Cuộc sống dần dần khấm khá hơn, tôi cũng để dành được ít tiền phòng khi bất trắc. Tôi gả chồng cho đứa con gái đầu lòng năm nó mười chín tuổi. Nói là gả chồng chứ tôi bắt rể luôn. Thằng này là ngư phủ trên tàu của tôi, tôi thấy nó chăm chỉ, tháo vát lại hiền lành nên không ngần ngại giao con mình cho nó, không ngờ sau này nó lại là một thằng nát rượu, mỗi lần uống rượu say, nó lại đánh đập vợ con một cách hết sức tàn ác. Lúc mới cưới, tôi cho tất cả ở chung nhà. Sau này, hai thằng em nó có vợ, tôi cất cho mỗi đứa một căn nhà nhỏ cũng ở ngay trên mảnh đất của tôi. Tuy ở riêng nhưng vợ chồng của hai đứa con trai vẫn nấu ăn chung với tôi. Chỉ có vợ chồng đứa con gái và ba thằng cháu ngoại là tách riêng hẳn thôi. Năm 1978, chiến tranh phía biên giới Tây - Nam dữ dội, thằng út trúng nghĩa vụ quân sự được lệnh đi qua Cam pu chia để tiêu diệt bọn diệt chủng khơ me đỏ. Lúc đó vợ nó mới mang bầu. Nó đi chưa đầy hai năm thì đơn vị của nó báo tin nó đã hy sinh bên Cam-pu-chia rồi. Nghe nói nó đạp phải mìn trong một đợt hành quân, không đem được xác của nó về. Mất tích thằng con trai út, tôi đã đau xót vô cùng, hơn một năm sau, một cơn bão kinh hoàng đã cướp mất thằng con trai thứ hai của tôi. Tôi như người mất hồn, không ăn uống gì được trong nhiều ngày liền, tưởng đâu sẽ đi theo những đứa con của tôi luôn. Nhưng nhờ bà con hàng xóm an ủi, hai đứa con dâu và một đứa con gái cũng chăm sóc tận tình nên dần cũng nguôi ngoai. Hơn một năm sau, đứa con dâu lớn, chưa có con cái gì cả, nhà ở ngay xóm trên, xin phép tôi cho về bên đó. Tôi thấy nó ở đây cũng buồn, giữ nó ở lại làm gì, chỉ tội cho nó. Trước khi về bên ấy, nó bùi ngùi nói với tôi:
- Con về nhà ba má con thỉnh thoảng con sang đây thắp nhang cho anh ấy ba ạ. Ba có cần gì thì nói với con, con sẽ phụ giúp cho ba.
Tôi nghe nó nói cũng thấy mát lòng:
- Con ở đây cũng buồn thì cứ về bên ấy cho vui. Ba chẳng cần gì đâu, con vui là ba yên tâm rồi. Cho ba gửi lời hỏi thăm ba má con bên đó nghe.
Vậy là chỉ còn có mẹ con đứa con dâu út là nấu ăn với tôi thôi. Lúc đó cháu Mai cũng gần hai tuổi rồi. Nó rất ngoan, biết nghe lời ông nội, suốt ngày cứ quấn quít bên ông nội, không như ba thằng cháu ngoại, quậy phá quá chừng, chẳng biết sợ ai cả.
Hơn một tháng sau, tôi thấy đứa con dâu út cứ đi về thất thường, chẳng còn dành thời gian chăm sóc cho con cái như trước nữa. Công việc vá lưới của nó cũng trễ nãi, những chủ ghe người ta không thích giao lưới cho nó vá nữa. Nó có đủ lý do để xin phép tôi đi chơi. Khi thì nó bảo đi thăm người bạn trên chợ huyện, khi thì nó xin về thăm ông bà ngoại cháu Mai. Tất cả chuyện cơm nước, tắm rửa cho cháu nó đều giao cho tôi hết. Có hôm nó đi mãi khuya mới về.
Một hôm, đang ngồi ăn cơm, tôi thấy nó cứ lúng ta lúng túng, dường như muốn nói điều gì đó mà chưa dám nói. Thấy vậy, tôi gợi ý:
- Hôm nay con có chuyện gì muốn nói với ba phải không? Con cứ nói, không có gì phải giấu giếm cả.
- Thưa ba. Ba có hỏi thì con mới dám nói. Số là thế này, con có người bạn làm ăn ngoài Phú Quốc, con bác Năm ở gần nhà bà ngoại cháu đó ba, hôm nọ nó mới về thăm quê, trông nó giàu sang lắm. Nó nói ở ngoài Phú Quốc vá lưới được rất nhiều tiền chứ không phải như ở quê mình đâu ba. Nó rủ con ra ngoài đó làm với nó. Con tính đi thử một chuyến, nếu thấy thuận lợi, con sẽ trở về rước ba và bé Mai đi luôn. Ở quê của mình nghèo quá, biết bao giờ mới ngóc đầu lên được hả ba.
Nó nói chẳng hiểu hư thực thế nào nhưng nghe cũng thấy có lý. Ở vùng quê này nghèo quá. Tôi già rồi, không còn đi biển được nữa, ruộng thì không có cho chúng nó làm, phụ nữ mà chỉ có nghề vá lưới khi được, khi không thì làm sao mà sống nổi. Nghĩ vậy, tôi hỏi nó:
- Ngày mốt ba ạ. Ngày mốt, bạn con ra ngoài đó con đi theo luôn.
- Vậy thì con đã chuẩn bị đồ đạc chưa?
- Con định xin phép ba xong rồi con mới chuẩn bị thu xếp đồ đạc. Con cám ơn ba. Con đi chuyến này cố gắng làm để dành tiền gửi về cho ba và bé Mai. Ba cứ yên tâm.
- Thế con không định dắt con Mai theo luôn à?
- Con đã nói rồi. Con đi thử chuyến này, nếu được con đưa cả hai ông cháu ra đảo luôn.
Tôi hơi ái ngại nhưng cũng đành đồng ý thôi chứ biết nói gì nữa bây giờ.
- Thôi cũng được, ba sẽ ở nhà chăm sóc con Mai cho con. À, mà con đã nói chuyện này với ba má con bên ấy chưa?
- Con nói rồi. Ba má con cũng vui vẻ cho con đi làm ăn xa.
Thế là nó đi biền biệt suốt hai năm chẳng có tin tức gì. Hồi nó đi được gần một năm, tôi có qua bên ông bà ngoại cháu Mai ở xã Phổ Thuận để hỏi thăm tin tức xem bên ấy có biết gì không thì họ nói cũng chẳng nghe tin tức gì. Tôi có hỏi ông ấy nó có người bạn thân nào con bác Năm nhà gần đây làm ở ngoài Phú Quốc không thì ông ấy nói rằng ông chẳng biết bác Năm nào ở đây cả. Tôi thất vọng vô cùng, chắc là con dâu tôi nó lừa tôi để đi theo trai rồi. Nó có muốn đi bước nữa thì cứ đi, tôi có cấm cản đâu. Nhưng nó phải đem đứa bé tội nghiệp này theo chứ. Thật là tàn nhẫn, tàn nhẫn quá mà!
Sau đó, tôi trở về nhà kể với vợ chồng con gái tôi tình hình như vậy và đề nghị với chúng nó nuôi luôn con Mai. Con gái tôi thì không nói gì nhưng thằng rể thì phản đối quyết liệt. Nó dứt khoát không cưu mang một đứa bé tội nghiệp là cháu ruột của vợ nó. Tôi cũng cóc cần, ông cháu tôi sống với nhau là vui vẻ rồi. Tôi còn để dành được ít tiền đem cho vay lấy lời cũng đủ để cho ông cháu tôi ăn. Nhưng sự đời không như mình nghĩ. Thằng rể biết tôi còn ít tiền mà không đưa ra cho nó làm ăn nên mỗi lần nhậu say là nó kiếm chuyện chửi bới, đánh đập vợ con chạy tán loạn. Nó bảo tôi đưa tiền cho nó đóng một chiếc ghe nhỏ đi biển nhưng tôi biết nó là một thằng nát rượu, đưa cho nó thì nó sẽ tiêu hết, lúc đó ông cháu tôi có nước mà đi ăn mày. Tôi quyết không đưa tiền cho nó mà cố gắng chịu đựng, chứng kiến cảnh nó hành hạ con gái và các cháu ngoại của tôi mỗi lúc nó đi uống rượu say về. Nhưng càng ngày nó càng trở nên hung dữ, có hôm nó cầm cả cái ly đang uống rượu ném thẳng vào mặt tôi, trúng ngay trán, máu chảy đầm đìa khiến con gái tôi phải gọi người chở tôi ra ngoài trạm ý tế xã để băng bó vết thương. Sau lần đó, tôi quyết định dắt cháu Mai ra Phú Quốc với hy vọng mong manh tìm được mẹ nó. Tôi phải giao được con bé này cho mẹ nó thì mới yên tâm mà nhắm mắt, thầy ạ.
Nghe ông lão kể chuyện mà lòng tôi đau nhói. Chuyện thật mà giống như trong tiểu thuyết vậy. Khi thấy ông lão đã hơi nguôi ngoai, tôi chuyển sang một chủ đề khác cho đỡ buồn:
- Ông học nghề rang đậu phộng này ở đâu mà ngon vậy?
Nghe tôi hỏi thế, ông lão cười, một nụ cười héo hắt, gượng gạo trên khuôn mặt buồn bã:
- Rang đậu phộng thì có gì đâu mà phải học. Thầy cứ mua đậu đã lột sẵn loại thật to. Ở ngoài Bắc đậu phộng ngon hơn trong Nam, ở ngoài ấy người ta gọi là lạc chứ chẳng ai gọi là đậu phộng cả. Có khi người ta rang với cát cho nó chín đều, còn tôi thì rang với muối. Cứ thế bỏ vào trong chảo cả hạt đậu và muối, khi lửa nóng phải khuấy đều tay liên tục, thấy đã có mùi thơm, ăn thử một hạt nếu thấy vừa chín thì nhắc ra, sàng lại để lấy hạt đậu, còn muối thì để ra ngoài lần sau lại rang tiếp. Rang như vậy ăn nó có vị mằn mặn ngon hơn là rang với cát. Để giữ cho được nóng lâu, tôi bỏ đậu phộng vừa rang xong vào trong cái bình thủy. Lúc nào muốn ăn thì lấy ra, đậu còn nóng nguyên, ăn ngon như mới rang vậy đó.
- Như thế là bí quyết rồi. Tụi cháu mà rang đậu phộng thì có hạt khét có hạt vẫn còn sống nguyên.
- Thầy phải đảo cho thật đều tay và nhớ rang với muối thì nó mới chín đều và có vị ngon.
- Ông bán đậu phộng có lời nhiều không?
- Cảm ơn thầy, cũng đủ cho ông cháu sống qua ngày. Tôi tính ở đây luôn, không về với thằng con rể khốn nạn đó nữa. Mai mốt cháu Mai đủ tuổi đi học thầy nhớ giúp cháu đến trường, tôi đội ơn thầy lắm.
- Thầy nói thế, tôi đây rất mừng. Tôi sẽ sống hết quảng đời còn lại ở cái Hòn Tre này. Ở đây khí hậu mát mẻ, biển cả hiền hòa ít có bão như ở quê tôi, người dân lại sống rất tình cảm chan hòa, đùm bọc lẫn nhau. Tôi không bà con thân thích ở nơi này. Thế mà họ giúp đỡ tôi rất nhiệt tình như người thân trong gia đình vậy. Tôi cám ơn trời đã cho tôi có được cái cơ duyên trong lúc hoạn nạn gặp được người dân ở nơi này.
Nhưng, đúng như ông đã nói: sự đời không như mình nghĩ. Nó lại trớ trêu với số phận hẩm hiu của một ông già tội nghiệp.
Ông ở Hòn Tre được gần một năm thì trận dịch sốt xuất huyết đã cướp đi đứa cháu nội duy nhất của ông.
Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó. Mới sáng sớm, con Lan, con dì Tư Bé chạy vội lên nhà tập thể giáo viên báo với tôi:
- Thầy ơi, con bé Mai, cháu ông già chết rồi.
Tôi hoảng hốt:
- Làm sao mà nó chết vậy?
- Em nghe nói nó bệnh sốt xuất huyết nặng quá đưa xuống bệnh viện thì không cứu được nữa thầy ạ.
Tôi chạy xuống chỗ ông lão xem thực hư thế nào thì thấy người ta đã bỏ cháu Mai vào trong một cái hòm nhỏ đóng bằng mấy miếng gỗ vụn của bác thợ mộc ở cạnh nhà. Còn ông lão thì đang nằm bất tỉnh ở trên cái vạt giường, nhiều người đang săn sóc cho ông ấy. Dì Tư Bé gặp tôi nói trong nước mắt:
- Tội lắm thầy ơi, con bé sốt hổm rày rồi mà ổng có biết gì đâu. Chiều hôm qua, ổng đi bán đậu phộng về thấy nó nằm vật trên giường không chịu ăn uống gì cả, rờ trán thấy sốt cao, ổng chạy qua kêu tui xuống coi cháu có làm sao không. Tôi thấy tình hình nguy kịch, liền ẵm nó xuống bệnh viện, nhưng bác sĩ nói đã trễ quá rồi, không còn cứu được nữa, để nó ở đó đến khuya thì nó chết. Ổng ân hận khóc thảm thiết từ khuya tới giờ. Bây giờ đang bất tỉnh không biết có sao không nữa. Thiệt là tội nghiệp cho hai ông cháu quá đi!
Mấy hôm sau, tôi thấy ông lão thất thểu đi tạm biệt những người quen để về quê. Tay ông bây giờ không còn dắt đứa bé đi bên cạnh nữa mà thay vào đó là một chiếc gậy để đỡ những bước chân liêu xiêu đi trên con đường đá gồ ghề, quanh co của xứ Hòn. Mới có mấy ngày, kể từ khi bé Mai qua đời mà trông ông lão đã già lại càng già hơn và yếu đi nhiều quá. Ông đã từng khao khát được cùng với đứa cháu nội sống hòa nhập với người dân xứ Hòn này. Nhưng số phận trớ trêu không cho ông được mãn nguyện. Bây giờ đứa cháu không còn thì việc ông ở lại đây còn có ý nghĩa gì nữa, đằng nào cũng chết thì nên trở về nơi chôn nhau cắt rốn mà vùi tấm thân già may ra còn có đứa thắp nhang. Ông quyết định như thế là đúng. Người dân xứ Hòn mỗi người giúp cho ông một chút. Tôi cũng kêu gọi học sinh ủng hộ cho ông lão được vài trăm làm lộ phí để về quê.
Mới đó mà đã gần ba mươi năm rồi. Tôi đưa ống kính ngắm nhìn nấm mồ hoang định chụp một kiểu nhưng lại thôi. Không cần chụp, trong tâm trí tôi vẫn có khuôn hình của cả hai ông cháu, một già, một trẻ dắt nhau bước từng bước nặng nề lên bậc tam cấp của Trường Trung học cơ sở Hòn Tre.
- Thầy làm gì mà ở trên đó lâu quá vậy? Trời sắp mưa rồi, mình đi tiếp cho kịp quanh Hòn thôi.
Tiếng thằng Đỉnh Sơn gọi làm tôi giật mình, vội chạy xuống đường, lên ngồi đằng sau chiếc xe honda nó đang nổ máy chờ sẵn. Chiếc xe lao vun vút lên dốc rồi lại xuống dốc liên tục trên con đường bê tông ngoằn ngoèo, gấp khúc như đi qua các con đèo ngoài miền Trung vậy. Thỉnh thoảng, tôi lại yêu cầu nó dừng lại, cầm máy ảnh nháy lia lịa vì thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình. Nhưng không hiểu sao hình bóng ông lão cứ lởn vởn trong đầu khiến tôi thấy khuôn hình nào cũng dường như có bóng dáng một ông lão già nua, lưng đã còng, mặc bộ đồ pijama nâu đã bạc màu vì sương gió.
Rạch
Giá, 31.7.2012
Nguyễn
Phương
eva air việt nam
Trả lờiXóamua vé máy bay đi mỹ giá rẻ
korean air vietnam
vé máy bay giá rẻ đi mỹ khuyến mãi
mua vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Tri Thức Du Lịch