Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

Sa Huỳnh thơ mộng với cát vàng và biển xanh

Sa Huỳnh thơ mộng với 
cát vàng và biển xanh
Sa Huỳnh - Vùng quê nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, mang vẻ đẹp thơ mộng với cát vàng và biển xanh. Trong một lần qua đây, cố thi sĩ Xuân Diệu đã xúc cảm với những câu thơ: “Hỏi mình biển đẹp vô ngần/ Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh…”.
Thuở trước, nơi đây mang tên Sa Hoàng với bờ cát vàng mịn màng bốn mùa nghe sóng vỗ. Nhưng do trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên phải đổi sang tên Sa Huỳnh. Và dù có đổi thành tên gì chăng nữa, vùng biển này vẫn mang vẻ đẹp đầy quyến rũ. Những du khách lần đầu đến Sa Huỳnh, khi xe vừa dừng ven quốc lộ 1, đã thốt lên: “Đẹp, quá đẹp với nét hoang sơ hiếm nơi nào có được…”.
Bãi biển Sa Huỳnh thơ mộng với cát vàng 
và biển xanh. Ảnh: Trang Thy/Báo Quảng Ngãi
Bãi biển cong cong như mảnh trăng non vàng óng ánh nằm lặng yên mặc cho sóng rì rào tung bọt trắng xóa vỗ vào bờ. Chiều Sa Huỳnh ngân nga khúc nhạc vi vu tựa lời tỏ tình của gió ngàn khơi phiêu bồng và phóng đãng với rặng thùy dương xõa tóc dài trong nắng. Nước biển xanh trong in hình vầng mây trắng đang lửng lờ trôi nhẹ giữa tầng không. Xa xa, thấp thoáng chiếc thuyền nhỏ của những ngư dân đánh cá gần bờ nhấp nhô trên sóng nước. Bất chợt, một du khách đứng cạnh khe khẽ: “Chiều rơi nhè nhẹ hôn lên sóng/ Thùy dương ru mãi khúc tình ca/ Biển xanh rộn rã tung bọt trắng/ Cõi lòng lữ khách chợt ngẩn ngơ…”.
Mộ chum, nét đặc sắc trong văn hóa Sa Huỳnh, thu hút nhiều 
du khách và nhà nghiên cứu. Ảnh: Trang Thy/Báo Quảng Ngãi
Đến Sa Huỳnh, nhóm bạn của tôi còn được khám phá nền văn hóa cổ với niên đại khoảng 3.000 năm trước với những khu mộ chum được khai quật trải dài hơn 100 năm qua. Các phát hiện khảo cổ cho thấy cư dân Sa Huỳnh cổ đã mở rộng buôn bán, giao lưu văn hóa với các vùng miền bằng đường biển và đường bộ qua việc phát hiện những ngôi mộ chum và trang sức đặc trưng ở nhiều nơi.
Những cánh buồm căng gió thuở xưa lướt trên ngọn sóng để tìm đến những thương cảng sầm uất, tấp nập kẻ bán - người mua. Sản vật của biển theo chân khách bộ hành đến với núi rừng để đổi lại là những loại hàng lâm sản của cư dân miền ngược. Những “con đường sản vật” đã gắn kết tình người, tạo sự giao thoa văn hóa giữa nhiều vùng miền, làm cho cuộc sống ngày càng thêm phong phú.
Dạo quanh Sa Huỳnh, chúng tôi được chiêm ngưỡng những vết tích giếng Chăm, bia đá cổ… vẫn còn chứa bao điều huyền bí chưa được giải mã. Và, vùng đất Sa Huỳnh giờ vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa vốn có từ thuở trước. Những tập tục, tín ngưỡng mang đậm bản chất của cư dân miệt biển với những lễ hội cầu ngư, cúng thần Nam Hải, thờ phụng Thiên
Y A Na và thờ cúng tổ tiên… Những bài văn tế, những điệu múa hát sắc bùa, hò bả trạo thể hiện sự thành kính đối với thánh thần và những bậc tiên tổ, cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều cá tôm.
Du khách còn được trải nghiệm cuộc sống với bao nỗi nhọc nhằn của người diêm dân làm ra hạt muối, dâng cho đời vị mặn mòi của biển khơi. Những ô muối kết tinh trắng xóa phản chiếu ánh nắng lấp lóa thấm đẫm bao giọt mồ hôi. Nắng và gió đã đúc tạc nên những diêm dân rắn rỏi với làn da đen bóng như đồng. Những đôi quang gánh nặng oằn vai với đôi chân bước nhanh thoăn thoắt, lưng áo đẫm mồ hôi, nhưng gương mặt của họ vẫn nở nụ cười đẹp rạng ngời trong nắng.
Những ụ muối phơi mình dưới nắng.
Ảnh: Trang Thy/ Báo Quảng Ngãi
Rong ruổi trong chiều Sa Huỳnh, du khách bắt gặp những chiếc thuyền cập bến đầy ắp cá tôm với những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt sạm đen vì nắng gió biển khơi. Những ngư dân Sa Huỳnh dạn dày sóng gió cưỡi thuyền rẽ sóng vươn khơi. Đôi tay trần rám nắng buông lưới, thả câu cho thuyền cá đầy khoang khi về bến. Cá lấp lánh vảy bạc được chuyển vội lên bờ rồi tỏa đi các nơi, mang hương vị của biển cả vào trong bữa cơm gia đình.
Cá tôm còn được ngư dân phơi khô, chế biến thành món chả, món mắm… để ăn dần trong những ngày biển nổi phong ba và là vật phẩm trao đổi giữa đôi miền xuôi - ngược để nhận về những sản vật của núi rừng. Sau những ngày lênh đênh trên biển, họ lại trở về với khoang thuyền đầy ắp cá tôm trong ánh mắt đợi chờ xen lẫn niềm vui khôn tả của những người mẹ, người vợ. Biển là người mẹ ban tặng cho họ cuộc sống ấm no, là mái nhà thân yêu dẫu nghìn trùng sóng gió và là nơi mưu sinh với bao nỗi nhọc nhằn. Sự ưu ái của biển đã tạo cho họ tính cách phóng khoáng trong đối nhân xử thế, tạo sự hòa hợp với cư dân các vùng miền.
Thuyền của ngư dân đánh bắt gần bờ. 
Ảnh: Trang Thy/Báo Quảng Ngãi
Bạn ơi! Hãy đến Sa Huỳnh để thưởng lãm khung cảnh thơ mộng với cát vàng - biển xanh và được nghe tiếng sóng vỗ rì rầm kể lại chuyện từ hàng nghìn năm trước.
Trang Thy
Theo http://baoquangngai.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...