Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Từ địa phương trong thơ Bích Khê

Từ địa phương trong thơ Bích Khê
Lâu rồi, Biển Lặng chỉ đưa những cảm xúc tản mạn, những entry đơn giản, thoải mái. Hôm nay, BL muốn chia sẻ với các anh chị và bạn bè của mình những điều nghiêm túc về văn học. Tuy hơi dài và có phần khô khan nhưng lại rất... "văn"!
Chúc các anh chị và các bạn có một tuần mới an lành!
Vốn từ của một nhà thơ, xét về mặt thuần túy số lượng, chưa nói lên điều gì đáng kể. Điều cơ bản là vốn từ ấy được sử dụng như thế nào? Vì thế, các lớp từ vựng ở một tác giả là vấn đề rất đáng quan tâm. Tần số xuất hiện của một từ hay một lớp từ nào đó trong tác phẩm của một nhà thơ là những dấu hiệu mà người nghiên cứu phong cách học không thể bỏ qua, bởi nếu có chút gì riêng về phương diện từ ngữ của một người cầm bút thì trước hết chính là ở chỗ đó. Có thể thấy rõ điều này qua việc khảo sát một số lớp từ ngữ tiêu biểu trong thơ Bích Khê và đặt nó trong tương quan với từ ngữ trong thơ của những nhà thơ cùng thời để nhận ra những nét đặc thù. Ở đây, chúng tôi chỉ xem xét các lớp từ địa phương để thấy sự độc đáo trong cách dùng từ của nhà thơ Bích Khê.
Từ địa phương là lớp từ khó đi vào ngôn ngữ thơ ca do tính chất không phổ biến của nó. Tuy nhiên, nếu được dùng đúng chỗ, từ địa phương có thể hoán cải tất cả để tạo nên một hương vị đặc biệt không có cách nào thay thế được. Trong thơ Bích Khê, lớp từ địa phương xuất hiện với nhiều tiểu loại khác nhau: những từ chỉ xuất không gian và thời gian; những từ ngữ biến thể ngữ âm địa phương; những từ thuần phương ngữ.
Cũng như Hàn Mặc Tử, Bích Khê có dùng một số từ ngữ chỉ xuất không gian, thời gian với tần số rất thấp của Huế và Quảng Nam như: mô, phương mô, xưa tê, bây chừ... Đây là những từ có chức năng chỉ trỏ là chính, do vậy, hầu như không có khó khăn nào khi thưởng ngoạn những câu thơ có những từ ngữ này. Đó là chưa kể do tương tác ngữ cảnh, nghĩa của các từ ngữ trên được mở rộng, chẳng hạn như “mô”. Ở đây không hoàn toàn đồng nhất với “đâu” như chú giải của các từ điển phương ngữ:
"Thân tôi đời mô mới hết
Thơ tôi đời mô hết đau"
(Châu)

Như một số nhà thơ khác, trong thơ Bích Khê cũng xuất hiện các từ ngữ biến thể ngữ âm địa phương như: lòn (luồn), nút (hút, mút), ngớp (ngợp), thiệt (thật), dong nhan (dung nhan), bịnh (bệnh), yếng sáng (ánh sáng), phối hiệp (phối hợp), nường (nàng)... Trong số ấy, đã có một số từ ngữ quen thuộc, đã nhập vào hệ thống ngôn ngữ toàn dân nên ở đây, chúng tôi chỉ xin đi vào khảo sát một số từ ngữ có tính chất tiêu biểu. Chẳng hạn:
Ngớp được Bích Khê sử dụng 4 lần trong những ngữ cảnh sau:
1.. Nầy! Muôn ngọc nữ ngớp y thường (Nghê thường)
2. Ồ đừng có ngớp! Mời anh hãy bước (Một cõi trời)
3. Ôi! Điên rồ mới ngớp ánh chiêm bao (Trái tim)
4. Hớp nhiều trăng cho niềm tin rất ngớp (Cặp mắt)
Theo Việt Nam tự điển, “ngớp” có nghĩa là “gớm, khiếp”, còn theo Từ điển Phương ngữ Nam Bộ, “ngớp” có nghĩa là “ngợp, choáng”. Trong các nét nghĩa được liệt kê, cách giải thích trước có phần phù hợp với ngữ cảnh biểu đạt của Bích Khê hơn. Tất nhiên không loại trừ các nét nghĩa sau vì chúng nằm trong cùng một trường nghĩa. Điều đáng lưu ý là mở đầu các câu thơ có chứa từ đang khảo sát (trừ trường hợp ở ví dụ 4), tác giả đều sử dụng các từ hô gọi hoặc cảm thán. Thế có nghĩa, hãy chú ý đến hiện thực dù là hiện thực được miêu tả có vượt qua cảm quan bình thường. Cùng với ví dụ 2, ta bắt gặp một từ đồng nghĩa hoàn toàn: “Anh đừng khiếp! lòng tôi mang địa ngục”. Cách dùng từ ở đây có thể nằm trong chủ đích của tác giả nhưng trước hết là do bị chi phối bởi âm điệu của câu thơ. Bằng chứng là Bích Khê cũng đã sử dụng một từ tương ứng trong ngữ cảnh cho phép: “Đây du dương vừa ngợp cả trăng sao” (Cô gái ngây thơ). Rõ ràng âm điệu và ngữ nghĩa có phần khác với các trường hợp đã xem xét ở trên. Phải chăng điều này đã chi phối cách lựa chọn của tác giả? Vả lại sắc thái nghĩa “ngớp” thanh 5 (thanh sắc) có sức gợi tả hơn so với "ngợp” thanh 6 (thanh nặng). Điều này là ưu thế đối với các từ ngữ biến âm địa phương ở Trung Bộ như Chắn/ chặn, mức/ mực, bép/ bẹp, đốp/ độp...
Bích Khê cũng hay sử dụng một từ biến âm khác dưới dạng độc lập hoặc có kết hợp với định ngữ, đó là từ “nút”. “Nút” tương đương về nghĩa với “hút” hoặc “mút”.Chúng đều có nét nghĩa tác động của chủ thể và đều có liên hội ngữ nghĩa đến cách thức cấu âm. Thế nhưng, về trường biểu đạt, chúng không hoàn toàn đồng nhất. Từ “nút”, một mặt vẫn giữ nguyên nét nghĩa chủ động, mặt khác mức độ tăng tiến nghĩa cao hơn so với từ còn lại. Điều này rất tương hợp với trường miêu tả cùng kiệt, thể hiện cái tôi trữ tình khao khát, đôi khi cuồng tưởng - một đặc điểm làm nên văn phong Bích Khê cũng như các nhà thơ tượng trưng phương Tây.
Ngoài hai lớp từ ngữ đã nhắc ở trên, trong thơ Bích Khê còn có một lớp từ thuần phương ngữ. Các từ thuần phương ngữ ở đây, theo quan sát bước đầu của chúng tôi, đều là từ đơn như: “rúng, long, sú, quynh, sững, trộ, ngó, bưa...". Đây là những từ được sử dụng khá phổ biến vào thời Bích Khê nhưng ngày nay, đọc lên ta có cảm giác cổ vì xu hướng song tiết hoá hoặc thay thế đã lấn át: rúng (rúng động), long (long lay), sú (sú mớm), quynh (quây kín), sững (đứng sững, nhìn sững), ngó (nhìn), bưa (vừa, chán), trộ (cơn, đợt)". Điều này không khỏi gây khó khăn cho người tiếp nhận. Nhưng rất may là các từ ngữ đang xem xét xuất hiện không nhiều. Hơn nữa, ngữ cảnh là chiếc chìa khoá để hiểu đúng hầu hết các trường hợp mở rộng nghĩa theo cách dùng của Bích Khê. Chẳng hạn như “sú” được giải thích là: đổ nước vào bột mà nhào: sú bột, sú cơm; trộn bột hoặc thức ăn với nước rồi khuấy đều nhào kỹ: sú bột, sú cám heo. Như vậy, “sú” theo cách giải thích trên chủ yếu là chỉ một phương thức chế tác. Dựa trên cơ sở này, khẩu ngữ Quảng Ngãi lại thêm nét nghĩa là “mớm” với sắc thái trìu mến yêu thương. Bích Khê đã kế thừa nét nghĩa này: Tôi còn sú ảnh trong môi miếng... Tôi sú cho nguồn khoái lạc... Tôi sú tình trong đôi mắt ướt... (Châu).
Đáng chú ý là những trường hợp mà các kết hợp trong khẩu ngữ địa phương lại là phương tiện biểu đạt khá đắc lực, giúp cho Bích Khê đi cùng tận một cách rốt ráo trong trường biểu đạt theo ý niệm của mình.
“Trời ơi! Khóc đã đứt tươm hơi
Tiếng lệ thôi theo với nhịp đời
(Cơn mê),
Hoặc:
Ô coi! Hồn đương say nghiền
Đã nư khoái lạc trong miền chiêm bao
(Mơ tiên),
Hay:
Người ngất ngư - Chết trong muôn thế kỷ
Chạy điên rồ đứng sựng giữa xương ma
(Sọ người)
Như vậy, từ địa phương không chỉ là thói quen ngôn ngữ mà còn tạo nên một sắc thái ý nghĩa, một sắc thái biểu cảm riêng giúp nhà thơ có thể cực tả đến tận cùng rốt ráo những cung bậc của cảm xúc, tâm hồn. Những tìm tòi sắc sảo về ngôn từ của Bích Khê có thiên hướng tạo ra những hình ảnh hết sức tân kỳ, làm thành nét đặc sắc trong ngôn ngữ thơ Bích Khê, gây ấn tượng bất ngờ đối với người đọc.
Biển Lặng
Nguồn: bienlawng.com
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Thanh tẩy Phần I Ra trông coi đền, chị Yến được ở ngay tại hậu điện. Chị ăn cơm tù hơn hai mươi năm rồi nhưng nếu gặp chị ở ngoài ...