Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Nỗi nhớ ngày xuân

Nỗi nhớ ngày xuân

Khi mai vàng sắp nở, hoa cỏ đâm chồi, đất trời phủ một màn sương huyền ảo là lúc tết âm lịch sắp về. Âm thanh ngày xuân vang lên qua những tiếng nói cười của các bà, chị, cô đi chợ mua sắm cho những ngày lễ hội đầu năm. Tôi bỗng nhớ đến mấy câu trong bài thơ CHỢ TẾT của nhà thơ Đoàn văn Cừ:
“Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ”.
Một hoạt cảnh chợ tết miền quê hiện ra qua nét bút thần tình đẹp như nét tranh vẽ. Tình yêu quê tha thiết hòa vào từng con chữ tạo nên những vần thơ sống động mượt mà… Tôi thuộc nằm lòng Chợ Tết không chỉ vì bài thơ quá hay mà còn vì nó có thể tái hiện lại những kỷ niệm ngày tôi còn ba mẹ. Đó là những khoảnh khắc tuyệt vời!
Bây giờ đã có gia đình riêng… tôi cũng đi chợ Tết như bao người. Và tôi nhớ đến những ngày bé thơ chạy lon ton theo mẹ để được mẹ mua cho vài thứ yêu thích… Tôi nhớ mẹ lắm mặc dù nay tôi đã lớn, đã già. Tôi nhớ mãi cảm giác ấm áp khi được mẹ vuốt tóc rồi tặng cho tôi chiếc kẹp hình con bướm dịp xuân về.
Tôi nhớ mẹ qua thau mứt gừng thơm ngát…
Tôi hình dung cảnh mẹ ngồi rim mứt, mồ hôi tuôn ra vì lò than nóng cả mặt. Ba bảo bọn tôi đến quạt cho mẹ. Mứt hoàn thành, bọn tôi được hưởng cái thau còn đường ngào thơm lừng, đổ vào cốc nước cho tan, uống, nghe ấm cả ruột.
Mẹ bày cho tôi làm mứt gừng khô, mứt gừng dẻo, mứt gừng xăm,… sao cho thật ngon, thật khéo để đãi khách khứa trong những ngày xuân.
Tôi nhớ mẹ qua thẩu dưa món đậm đà ăn với bánh chưng, bánh tét.
Mẹ dạy tôi cách tỉa đu đủ, cà rốt thành những bông hoa xinh xắn trang trí cho thẩu dưa món thêm đẹp mắt. Mẹ cũng giúp tôi nấu nước mắm pha với đường, nước mắm gần như kẹo lại, rồi để nguội, cho đu đủ, cà rốt, kiệu, hành… phơi khô ba nắng vào cho thấm. Làm dưa món theo kiểu mẹ bày để mấy tháng cũng không hư.
Nhớ mẹ qua thẩu thịt heo luộc dầm nước mắm có vị mặn ngọt.
Miếng thịt dầm thơm mùi mắm, trong suốt, ăn với rau sống, cuốn bánh tráng, ngon ơi là ngon! Khi có khách đến, mẹ bảo tôi xắt thịt sắp ra đĩa, dọn rau sống, bánh tráng. Ba tôi mời khách nhấm với ly rượu chát, khách tấm tắc khen: “Ngon quá mệ ơi!”. Mẹ tôi cười sung sướng!
Nhớ mẹ, rồi tôi nhớ đến ba.
Nhớ ba tôi qua nồi bánh chưng, bánh tét đậm đà, nhụy bánh thơm mùi đậu xanh, thịt ba chỉ, nếp ruộng bùi bùi, dẻo dẻo, ăn mãi vẫn thấy thèm.
Ba dạy tôi cách sắp lá chuối sao cho kín, dễ lột, nếp không bị xì ra ngoài. Gói bánh tét phải nén thật kỹ để khi tét ra, miếng bánh có hình tròn, nhụy đậu xanh và thịt nằm ở chính giữa cho đẹp.
Nhớ ba tôi qua bếp lửa bập bùng ngày giáp tết.
Mấy cha con quây quần canh nồi bánh tét và nghe ba kể chuyện đời xưa, ba thổi kèn ac-mô-ni-ca, rồi ba kể chuyện đi “tán” mẹ thời trẻ… Chuyện tình ba mẹ đẹp y như tiểu thuyết vì mẹ hơn ba đến 9 tuổi mà ba mê như điếu đổ. Ngày ấy ba đến nhà mẹ. Nhà ông ngoại có 4 cô con gái. Ba đem kèn ra thổi để mẹ xiêu lòng. Mẹ chê ba nhỏ tuổi mà bày đặt “trèo cao”. Mẹ xịt chó ra cắn. Ba nhanh chân trèo lên cây khế trước nhà nghiễm nhiên thổi kèn ac-mô-ni-ca, rồi vất xuống cho con chó miếng bánh. Hình như nó thích nghe kèn nên ba điềm nhiên trèo xuống mà nó không sủa, cũng không cắn! Mẹ tôi mắng: “Đồ chó ham ăn, hư sự!”. Ba tôi nghe vậy cười hi hi. Vậy mà nên vợ chồng và có bọn tôi như ngày hôm nay.
Bánh chín, mấy chị em tranh nhau vớt ra để thử cái “bánh tày” . Mặc dù nóng hổi hổi cũng tranh nhau ăn làm ba mẹ tôi cười, mắng yêu: “Mấy con chó con tham ăn quá, coi chừng phỏng hết miệng, làm răng ăn tết!”
Sẵn có bếp than hồng, tôi đem lùi mấy củ khoai cho cả nhà ăn thỏa thích. Hình như có một nhạc sĩ đã từng viết: “Khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng”. Cái ngon của khoai lùi tăng gấp bội vì ngày ấy có ba mẹ được ba mẹ chăm chút…
Hình: Thăm lại cửa Hiển Nhơn
Đại Nội Huế ngày 10/4/2014
Nhớ ba dắt tôi vào Đại Nội.
Những ngày gần Tết âm lịch, ba thường vào Đại Nội cùng với các mệ (cách gọi những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn) thu dọn các quả phẩm cũ, lau chùi bát hương, lư hương trong thế miếu, triệu miếu… Ba dắt tôi theo để cầm nước uống, hay khăn lau mặt và chạy chơi trong Đại Nội. Các mệ thấy tôi đi theo ba thì khen rằng: “Chà, con gái mệ Tưởng học giỏi lắm!”. Tôi ngạc nhiên thầm nghĩ: “Làm sao các mệ biết mình học giỏi mà khen chơ?”. Thôi kệ, được khen là mừng rồi! Và để tăng hiệu quả của lời khen, các mệ trút cho tôi mấy quả bồng cũ nặng trĩu bánh trái. Tôi có đem theo một cái bị có dây rút nên nhanh nhẹn, lễ phép cúi rạp mình cảm ơn và đưa bị ra nhận quà, đem về phân phát cho các em ăn một tuần vẫn còn! Tôi nhớ mệ Lương Linh (công chúa Lương Linh) biết tôi có học múa nên thường bảo tôi múa quạt hay múa đèn cho mệ xem và ban thưởng rất “hậu hĩnh”. Đó là một lô bánh gối, bánh in, bánh hạt sen, hoặc là mấy trái hường khô ngon hết chỗ chê!
Tôi nhớ ba dắt tôi và cả nhà dự lễ Hiệp kỵ ở lăng vua Tự Đức.
Không chỉ mẹ và các em tôi đi theo ba mà những người hàng xóm thân thiết cũng được ba cho “tháp tùng” để coi cho biết. Tôi hỏi ba “Hiệp kỵ là chi hở ba?” Ba nói rằng: “ Đó là lễ kỵ chung các vị vua nhà Nguyễn. Tôn nhơn phủ chọn một lăng của một vị vua nào đó, tổ chức lễ kỵ, có đức Từ Cung tham dự”. Ngày ấy, tôi học lớp 9 (lớp đệ tứ), dáng nhỏ nhắn y như đứa trẻ. Thấy đức Từ Cung vào, ba tôi ra hiệu cho tôi. Tôi liền quỳ ngay xuống đất khấu đầu hành đại lễ ba quì chín lạy vì đó là đức Đoan Huy Hoàng Thái Hậu-thân mẫu của vua Bảo Đại. Đức Từ rất hài lòng cho phép tôi đứng dậy, hỏi chuyện và ban thưởng. Đó là lần đầu tiên tôi được trông thấy đức Từ Cung, vóc dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, da trắng hồng, giọng nói thanh tao, rất có uy quyền.
Tiệc được bày biện ở ngoài trời. Tôi thấy các bàn gỗ dài nối tiếp nhau trên đó có các miếng lá chuối được cắt rất khéo đặt thịt heo quay, xôi các loại, thức ăn, thức tráng miệng, nước uống… Mọi người tự phục vụ mình là chính. Hình như tế tam sinh thì phải nên đồ ăn ê hề. Bà con hoàng tộc ở tất cả các phủ đệ trong thành phố Huế đều đến dự, đông lắm.
Tôi không chú ý đến việc ăn uống mà xin ba tôi cho đi coi cây cành vàng lá ngọc, coi lăng tẩm, xem nơi ở ngày xưa của phi tần đời vua Tự Đức. Tôi đã được ba giảng giải về luật phong thủy, về vẻ đẹp kiến trúc, mỹ thuật của Khiêm Lăng. Thật đúng như lời truyền tụng: “Vua Tự Đức rất giỏi về mỹ thuật, về thi ca. Điều ấy thể hiện rõ nét trong cách kiến trúc của Khiêm Lăng”.
Nhớ lễ cúng Giao Thừa đêm 30 Tết.
Đó là một lễ rất trọng đại đối với gia đình tôi. Tôi nhớ mẹ tôi đặt bàn cúng ngay trước cửa nhà, ba tôi treo phong pháo đại, thắp hương cúng lúc 12 giờ đêm. Pháo nổ đì đùng, ba mẹ tôi mời rượu nhau, bọn tôi cũng được hưởng một ly nhỏ vì đó là rượu chát. Cái bọn tôi chờ đợi nhất là sau lời chúc tết ba mẹ, bọn tôi đều được nhận bao lì xì đỏ chót. Mấy đứa em tôi liền mở ra coi và reo lên vì được nhiều tiền!
Hạnh phúc biết bao!
Hôm nay, xuân Đinh Dậu về, gợi không khí sum họp đoàn tụ gia đình. Dẫu biết rằng: “Có sinh ắt có tử” nhưng sao tôi vẫn nhớ nét ấm cúng của gia đình ngày xưa khi có đầy đủ ba mẹ. Tôi tìm về chốn cũ để tìm chút hương xưa, chính là ngôi nhà của ba mẹ nhưng mái nhà tranh với giàn bầu bí ngày trước không còn nữa! Ba mẹ đi xa, hàng chè tàu bị chặt bỏ, cây cảnh trồng trong chậu kiểng… Thay vào đó là ngôi nhà hiện đại, hàng rào đúc bê tông kiên cố…
Kỷ niệm xưa âu chỉ là hư ảo. Tôi thắp hương cho ba mẹ, ông bà và thầm nói rằng: “Con nhớ ba mẹ lắm. Con cảm ơn ba mẹ đã cho con những hồi ức đẹp đẽ về gia đình mình!”. 
30/1/2017
Huyền Tôn Nữ Huệ Tâm
Theo https://huynhthuckhangluongvancan.wordpress.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...