Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Phần IV: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa dinh trấn Thanh Chiêm và di sản chữ Quốc ngữ

Phần IV: Bảo tồn và phát huy giá trị
di tích lịch sử văn hóa dinh trấn
Thanh Chiêm và di sản chữ Quốc ngữ

ĐIỆN BÀN VỚI DINH TRẤN THANH CHIÊM VÀ CHỮ QUỐC NGỮ?
Nguyễn Xuân Hà
Cùng nhiều hoạt động phối hợp để xúc tiến công nhận dinh trấn Thanh Chiêm là di tích cấp quốc gia gắn liền với tôn vinh nơi ra đời chữ Quốc ngữ; ngày 06.01.2016, UBND thị xã Điện Bàn đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung về dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. Đây là kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 với những nội dung cùng lộ trình thực hiện cụ thể như: Tiếp tục phối hợp để đề nghị cho phép và tổ chức khai quật khảo cổ tại Thanh Chiêm; Xây dựng mô hình toàn cảnh dinh trấn; Lựa chọn các địa điểm theo dấu tích khảo cổ học để phục dựng một số mô hình trong di tích; Tổ chức thiết kế, xây dựng Tượng đài chữ Quốc ngữ; Tổ chức quảng bá, tuyên truyền và triển khai các hoạt động nhằm phát huy giá trị di tích Dinh trấn Thanh Chiêm, chữ Quốc ngữ; Tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch… Định hướng của Điện Bàn là bảo tồn và phát huy các giá trị để dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ không chỉ có giá trị về lịch sử - văn hóa mà góp phần thiết thực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hẳn nhiên, không phải đến năm 2016, Điện Bàn mới chú trọng đến vấn đề Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. Từ những năm đầu sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, trong bộn bề gian khó, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn đã quan tâm sâu sắc đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử của vùng đất văn vật này. Bảo tàng Điện Bàn được khởi công xây dựng vào năm 1978 với nhiều hiện vật, hình ảnh quý, trong đó có dinh trấn Thanh Chiêm. Liên tiếp nhiều năm sau đó, Điện Bàn đã có nhiều hoạt động để quản lý cũng như khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu, sưu tầm về dinh trấn. Có thể kể đến là những đợt khảo cứu dài ngày, trong nhiều năm với chuyên môn cao như các đợt điền dã, khảo sát của GS. Trần Quốc Vượng, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân…; Hay các đợt khai quật khảo cổ học của GS. Kikuchi Seiichi và trường Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Hà Nội… 

Năm 2002, Điện Bàn đã phối hợp với Sở Văn hóa thông tin tỉnh Quảng Nam tổ chức thành công hội thảo 400 năm Dinh trấn Thanh Chiêm. Trong Hành trình di sản tỉnh Quảng Nam năm 2007, Điện Bàn đã tổ chức thành công Ngày hội 405 năm Dinh trấn Thanh Chiêm với nhiều hoạt động tái hiện lại một thời dinh trấn xưa ngay tại vùng đất lịch sử này… 

Những nỗ lực của Điện Bàn đã góp phần để UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích Dinh trấn Thanh Chiêm là di tích cấp tỉnh vào năm 2008. Ngay sau đó, Điện Bàn đã khoanh vùng cắm mốc, dành hơn 8.000 m2 đất trong khu vực dinh trấn xưa để làm không gian thực hiện các chuỗi hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, Điện Bàn cũng tăng cường công tác sưu tầm, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bổ sung những tư liệu quý. Trong Bảo tàng Điện Bàn hôm nay cũng dành một khoảng không gian trưng bày về dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. 

Việc đăng cai tổ chức hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ trong tháng 8.2016 là một khởi động rất có ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động về công tác này của Điện Bàn. Mặc dù vẫn còn một số ý kiến cho rằng, dinh trấn Thanh Chiêm xưa tọa lạc trên vùng đất khác, nhưng với những cứ liệu đã có, với những vết tích trên vùng đất Thanh Chiêm lịch sử như: Đền thánh Phước Kiều và những ngôi mộ cổ, nền móng chùa Long Hưng, cống tròn thành hào dinh trấn, bến Vạn Đông, chợ Củi, gò Xử, nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi… việc khẳng định dinh trấn Thanh Chiêm xưa đang nằm trên chính vùng đất Thanh Chiêm, Điện Phương, Điện Bàn hôm nay là hoàn toàn có cơ sở! 

Để sự khẳng định này không phải là duy ý chí của một cá nhân hay tổ chức nào, đồng thời đáp ứng một cách khoa học, giải tỏa những giả thiết nghi ngờ, trong thời gian sớm nhất, Điện Bàn rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để tiếp tục có những hoạt động khảo cổ học một cách toàn diện hơn về sự tồn tại của di tích Dinh trấn Thanh Chiêm trên vùng đất này. Đây cũng chính là “chìa khóa” để Điện Bàn xúc tiến các nội dung trong công tác tôn vinh chữ Quốc ngữ gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Việc tiếp tục phối hợp với các đơn vị ngành chuyên môn đề nghị công nhận dinh trấn Thanh Chiêm là di tích cấp quốc gia là xứng tầm với vai trò, vị trí của dinh trấn trong lịch sử. 

Về sự liên quan, gắn kết giữa dinh trấn Thanh Chiêm và nơi ra đời, hình thành chữ Quốc ngữ, Điện Bàn xin tỏ rõ quan điểm như sau: Trước hết, chữ Quốc ngữ là quốc hồn, quốc túy của dân tộc, theo Tiến sĩ Nho học Trần Quý Cáp - người con ưu tú của quê hương Điện Bàn “chữ Quốc ngữ là hồn trong nước”. Việc tôn vinh chữ Quốc ngữ là việc không chỉ riêng ai, nhưng với Điện Bàn, nơi tọa lạc dinh trấn Thanh Chiêm thì công tác này không chỉ là niềm vinh dự tự hào mà còn là trọng trách của những nhà quản lý, của toàn thể nhân dân Điện Bàn đối với truyền thống văn hóa - lịch sử của quê hương! 

Hơn nữa, việc xúc tiến các hoạt động như thiết kế, xây dựng tượng đài chữ Quốc ngữ, tổ chức ngày hội chữ Quốc ngữ… là chủ đích hướng đến sự tôn vinh, nâng cao giá trị dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, đối với Thanh Chiêm là vùng đất của nghề, nơi có làng đúc đồng Phước Kiều truyền thống, có bánh tráng, mì Quảng Phú Chiêm, có những cơ sở gốm đất nung, chạm khắc gỗ… đang phát triển thì các bộ chữ Quốc ngữ cũng chính là một gợi ý cho cảm hứng sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân. 

Điện Bàn hôm nay đang trên bước đầu của quá trình đô thị hóa. Khu vực Thanh Chiêm - Điện Phương cũng nằm trong lộ trình quy hoạch thành đô thị. Tuy nhiên, đây là khu đô thị sinh thái văn hóa lịch sử, định hướng này đã được đề cập rõ trong quy hoạch ngành về phát triển du lịch tại xã Điện Phương. Định hướng gắn kết công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử với phát triển du lịch đang là lợi thế, tiềm năng của Thanh Chiêm. Trong lịch sử, trục văn hóa Hội An - Thanh Chiêm đã mở ra một thời phồn thịnh cho khu vực từ dinh trấn đến cảng thị Hội An. Trong xu hướng phát triển hiện nay, Thanh Chiêm chính là vùng du lịch hấp dẫn, mang dấu ấn khác biệt và là điểm kết nối lý tưởng trên con đường di sản thế giới Hội An - Mỹ Sơn. 

Với tất cả tinh thần, ý nghĩa đó, Điện Bàn quyết tâm thực hiện tất cả các chuỗi hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ. Trong thời gian đến, Điện Bàn sẽ tập trung huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt là tổ chức thực hiện một cách khoa học, không làm sai lệch, biến dạng các giá trị văn hóa - lịch sử. Có như vậy, các thế hệ người Điện Bàn hôm nay mới không hổ danh là chủ nhân của vùng đất địa chính trị từng được lịch sử chọn lựa, là nơi có những đóng góp đặc biệt để hình thành ngôn ngữ của dân tộc Việt. 

BẢO TỒN KHU DI TÍCH THANH CHIÊM TỈNH QUẢNG NAM?

Trương Quốc Bình 

Tháng 9.2002, tại Hội thảo Vai trò lịch sử Dinh trấn Quảng Nam, do Sở VHTT tỉnh Quảng Nam tổ chức tại thành phố Tam Kỳ, chúng tôi đã có bài tham luận nhan đề Dinh trấn Quảng Nam - biểu tượng về vị thế của tỉnh Quảng Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó, sau khi xác định vị thế biểu tượng của dinh trấn Thanh Chiêm - dinh trấn Quảng Nam của xứ Quảng trong tiến trình mở rộng cương vực lãnh thổ của quốc gia dân tộc, chúng tôi đã đề xuất một số kiến nghị nhằm bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích tiêu biểu này, góp phần tôn vinh những giá trị đặc trưng của kho tàng di sản Quảng Nam. Từ sau năm 2002 trở lại đây, việc nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa ở Quảng Nam nói chung và khu di tích dinh trấn Thanh Chiêm nói riêng đã và đang được quan tâm xúc tiến và thu được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. 

Tính chung cho đến nay, tỉnh Quảng Nam đã có 300 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 60 di tích quốc gia, 2 di sản văn hóa thế giới (và cũng là di tích quốc gia đặc biệt) là Mỹ Sơn và Hội An. Đồng thời, có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận (gồm: Nghệ thuật bài chòi, Múa tâng tung ya yá, Dệt thổ cẩm Cơ Tu, Lễ rước cộ Bà Chợ Được, Nghệ thuật hát bả trạo, Cây nêu và bộ gu trong nghi lễ truyền thống của người Cor) và hiện vật độc bản mukhalinga, tại Mỹ Sơn E7 được công nhận là Bảo vật quốc gia. 

Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu liên ngành nhằm phát hiện, đối chiếu, so sánh các nguồn thư tịch cổ về lịch sử, địa lý, địa danh học, văn bản học, văn hóa dân gian về danh xưng “Quảng Nam”, “xứ Quảng”, “phủ Điện Bàn”, “Thanh Chiêm”, “dinh trấn Quảng Nam”, “dinh trấn Thanh Chiêm”… kết hợp với những kết quả khảo sát, khai quật khảo cổ của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã khẳng định về sự tồn tại và những dấu tích vật chất của dinh trấn Thanh Chiêm trên đất Điện Bàn, Quảng Nam từ năm 1602 cùng những vai trò hết sức to lớn của trung tâm hành chính này trong tiến trình dựng nước và giữ nước của quốc gia dân tộc. 

Đồng thời, các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội những năm qua, đặc biệt là ngôn ngữ học đã có những kết luận khách quan và khoa học, khẳng định rằng Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam chính là cái nôi sinh ra chữ Quốc ngữ - một tài sản văn hóa vô giá của cả quốc gia dân tộc. Đây là những cơ sở khoa học quan trọng để vào tháng 1.2008, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh cho khu di tích này. 

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc tiếp tục bàn thảo về dinh trấn Thanh Chiêm tại huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam và sự ra đời của chữ Quốc ngữ tại Điện Bàn là việc làm cần thiết nhằm khẳng định những chân giá trị cùng công tác bảo vệ và phát huy những di sản hết sức có ý nghĩa này. 

Trong những bối cảnh và điều kiện hiện nay, để triển khai những công việc hết sức có ý nghĩa này, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu hiện có, chúng tôi có một số ý kiến và kiến nghị sau đây: 

1. Những kết quả khảo sát, khai quật và nghiên cứu thư tịch khẳng định Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam là dinh trấn Quảng Nam từ năm 1602 

Cho đến nay, mặc dù vẫn còn những ý kiến khác nhau về vị trí cụ thể ban đầu của dinh trấn Quảng Nam, lỵ sở được tạo lập ở những năm cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, nhưng đến nay nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất cho rằng Thanh Chiêm, Điện Bàn là nơi đặt dinh trấn - là thủ phủ của vùng đất rộng lớn ở phía Nam của nước Đại Việt đương thời. 

Mặc dù Quảng Nam thừa tuyên đạo đã ra đời từ năm 1471 thời Lê Thánh Tông, nhưng nửa phía bắc của Quảng Nam đương thời là huyện Điện Bàn vẫn đang là một huyện của phủ Triệu Phong thuộc Thuận Hóa thừa tuyên đạo. Chỉ đến khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn sáp nhập vào dinh Quảng Nam (năm Giáp Thìn, 1604), thì kể từ đó một vùng đất rộng lớn của xứ Đàng Trong mới được xác lập kéo dài từ đèo Hải Vân đến tận đèo Cù Mông, bao gồm bốn phủ: Điện Bàn, Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. 

Chúng tôi tán đồng với ý kiến của học giả Nguyễn Q. Thắng khi xác định vị trí của trấn sở Quảng Nam: “…ban đầu dựng ở Cần Húc (huyện Duy Xuyên) sau dời về làng Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và sau năm 1832 mới chuyển lên La Qua (Vĩnh Điện ngày nay) mãi đến năm 1945…”. 1. 

Chúng tôi đồng tình với kết luận của nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân rằng: “… Dinh trấn Thanh Chiêm, nơi tổng trấn là con các chúa trị xứ Quảng Nam. Trước đóng ở xã Cần Húc nay là Vân Đông ở cạnh đó. Nơi đây có thành đất chu vi ngoài 300 dặm sát bờ sông. Sông cũ nay chỉ còn những đám ruộng thấp tên là sông Chợ Củi. 

Sông Chợ Củi mặc nhiên đổi thành sông Thu Bồn vào đầu thế kỷ này, sông lớn nhất và quan trọng nhất của Quảng Nam…”. 

2 2. Vị thế quan yếu của dinh trấn Thanh Chiêm trong lịch sử 

Từ sau khi trở thành đơn vị hành chính mới của nước Đại Việt, chính sự ổn định và phồn vinh của xứ Quảng, nhờ những chính sách cai trị khôn ngoan và thông thoáng của các chúa Nguyễn, sự khoan hòa và giao hòa của người Việt với cộng đồng cư dân Chăm và sự hợp cư với các cư dân Hoa và Nhật, cùng mối bang giao với những người phương Tây, khiến dinh trấn Quảng Nam có vị thế quan yếu về các mặt hành chính, kinh tế, quân sự và văn hóa của xứ Quảng. 

Việc trung tâm hành chính của xứ Quảng được xây dựng bởi người Việt ở đầu thế kỷ XVII, nhưng còn có tên là dinh trấn Thanh Chiêm - Dinh Chàm, theo chúng tôi có lẽ không chỉ bởi vì khu lỵ sở này đặt tại làng Thanh Chiêm, mà chắc chắn còn thể hiện những ý nghĩa về sự hòa hợp và tôn trọng cộng đồng người Chăm, những tiền chủ của vùng đất rộng lớn phía Nam của nước Đại Việt. 

Mặt khác, qua bộ hải đồ từ thế kỷ XVII của Chaya, một thương gia Nhật Bản, thì vị trí của dinh Thanh Chiêm - dinh trấn Quảng Nam đương thời được xác định là đóng ở ven bờ sông Thu Bồn và cách thương cảng quốc tế Hội An không xa… Đặc biệt, những nội dung được vẽ trong bộ hải đồ này còn đồng thời thể hiện những nguyên tắc trong quan hệ bang giao đương thời: trước khi đưa tàu vào cảng, các phái bộ thương gia phải đến dinh trấn trình văn khố để xin phép nhập cảnh và nhập khẩu hàng hóa. Sự xác định và tuân thủ nguyên tắc nói trên, theo chúng tôi, thể hiện sự tôn trọng quyền lực quốc gia của nước Việt Nam lúc ấy mà dinh trấn Quảng Nam là đại diện. 

Rõ ràng là, dinh trấn Thanh Chiêm là cơ quan đầu não, trực tiếp giao thiệp với người nước ngoài, kiểm soát xuất nhập khẩu và ngoại thương. Các tàu buôn, các thương gia, các du khách hay giáo sĩ ngoại quốc vào xứ Đàng Trong qua thương cảng Hội An và các cửa biển khác đều phải trình báo và tuân theo sự điều hành của các chúa Nguyễn mà trực tiếp là các quan Trấn thủ. 

Sự ổn định về chính trị, sự phồn thịnh về kinh tế là cơ sở để các chúa Nguyễn thực thi có hiệu quả việc mở rộng cương vực lãnh thổ về phía Nam. Đương thời, bên cạnh việc thực hiện những chính sách khôn khéo, các chúa Nguyễn còn xây dựng được một lực lượng quân sự hùng mạnh, thiện chiến, không chỉ quản lý có hiệu quả các vùng đất mới sáp nhập trong quá trình “mở cõi” mà còn thực thi và giữ vững chủ quyền quốc gia tại các khu vực biển đảo, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa. 

Đáng lưu ý là, dưới thời các chúa Nguyễn, Thanh Chiêm, Điện Bàn còn là một trong ba căn cứ thủy quân hùng mạnh nhất ở Đàng Trong, đã từng đánh bại lực lượng hải quân thiện chiến của Hà Lan dưới sự chỉ huy của Thế tử Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần vào năm 1644. 

Chính vì vậy, từ khi dinh trấn Quảng Nam được thành lập, việc giao thương với nước ngoài phát triển mạnh mẽ. Hội An là một thương cảng tấp nập, phồn vinh, thuyền bè các nước Tây phương, Trung Hoa, Ma Cao, Nhật Bản, Manila, Malacca… thường xuyên đến buôn bán. Với chính sách thông thoáng, mở cửa giao thương với nước ngoài, các chúa Nguyễn đã tạo điều kiện cho Quảng Nam phát triển thành vùng đất giàu có vào bậc nhất của xứ Đàng Trong. 

Thông qua các hoạt động về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, từ thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cho đến những thế kỷ sau, những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cũng để lại những dấu ấn trong kho tàng di sản văn hóa của xứ Quảng, góp phần tạo nên những giá trị đặc trưng không riêng của Quảng Nam, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cả quốc gia dân tộc, trong đó, những nỗ lực nhằm xây dựng và truyền bá chữ Quốc ngữ là một ví dụ điển hình. 

3. Thực trạng khu di tích và định hướng bảo tồn 

3.1. Theo các nguồn sử liệu, trong các năm 1771 - 1801, dinh trấn Thanh Chiêm bị phá hủy nặng nề do các trận chiến ác liệt giữa quân Nguyễn, quân Trịnh và quân Tây Sơn đến nổi mà sau khi thu phục đất nước, vua Gia Long phải tạm di dời lỵ sở về Hội An và từ đó, Thanh Chiêm không còn được chú ý xây dựng lại. 

Cho đến nay, những di tích kiến trúc về khu dinh trấn này không còn nữa, và những chứng tích vật chất của trung tâm hành chính của lỵ sở tỉnh Quảng Nam chỉ còn tồn tại dưới dạng các phế tích và địa điểm di tích - những đối tượng đã, đang và sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xác định cụ thể. Nhưng, với những vai trò và ý nghĩa đặc biệt của chúng, những địa điểm di tích này vẫn cần được coi là biểu tượng văn hóa của quá trình mở mang bờ cõi của quốc gia dân tộc, vẫn là những dấu ấn quan yếu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm xem xét xét đưa khu di tích này vào Danh sách di tích quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị. Đồng thời, xây dựng và từng bước thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích dinh trấn Thanh Chiêm với những nội dung cơ bản sau đây: 

3.1.1. Cần tiếp tục nghiên cứu điều tra, khảo sát để xây dựng bản đồ phân bố các địa điểm di tích, xác định khu vực khoanh vùng bảo vệ, dự kiến các địa điểm triển khai các hoạt động nhằm phát huy giá trị tại các địa điểm di tích lưu niệm như tượng đài, bia biển thuyết minh chỉ dẫn… Trong đó, tạo lập một sa bàn thể hiện những địa danh như dinh thự (hành cung - nay là nền đất của Trường THCS Nguyễn Du), thành vệ, chợ củi, kho muối, nhà lao, tàu tượng, mô súng, vọng khuyết, gò Sài, Văn miếu… phạm vi thể hiện của sa bàn này không chỉ ở địa phận của làng Thanh Chiêm mà cần mở rộng sang cả các làng lân cận như Phước Kiều, An Quán, Đông Khương, An Nhơn, Văn Đông (Cần Húc), Phú Chiêm (Triêm Trung, Triêm Đông, Triêm Tây, Triêm Nam), Điện Bình, Khúc Lũy và Uất Lũy, tức là toàn bộ xã Điện Phương và một phần của xã Điện Minh ngày nay, vốn là địa vực của dinh trấn Thanh Chiêm xưa. 

3.1.2. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khảo cổ do GS.TS. Kikuchi Seiichi (Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào các năm 1999, 2000, 2001, cần có kế hoạch để tiếp tục tổ chức thám sát, khai quật. Trong đó chú trọng phương pháp thám hiểm lòng đất bằng công nghệ ra-đa để có những hiểu biết chân xác về khu phế tích. 

3.1.3. Trong bối cảnh hiện nay, khi các tư liệu thám sát khảo cổ còn chưa xác định được những kết quả cụ thể mà chỉ khai quật mới có thể trả lời, đề nghị có ngay các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nguyên trạng các địa điểm, các phế tích như hai ngôi mộ ở phía sau nhà thờ Anrê Phú Yên (Điện Phương) mà trong đó có một ngôi được cho là của giáo sĩ Francisco de Pina - người có công đầu trong việc xây dựng chữ Quốc ngữ. 

3.2. Đi đôi với việc tập trung ưu tiên các hoạt động nghiên cứu khảo cổ học, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu về sử học, dân tộc học, về văn hóa dân gian ở Quảng Nam nói chung và khu vực Điện Bàn - Hội An nói riêng. 

Đồng thời, cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tiến hành việc điều tra, nghiên cứu về những yếu tố tự nhiên có liên quan về địa chất, địa mạo, thổ nhưỡng, về địa lý tự nhiên, môi trường cùng tình hình quản lý và sử dụng đất rừng, đất canh tác, thổ cư… ở địa phương để xác định những giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị khả thi, trên cơ sở những cái nhìn đúng đắn, đầy đủ về địa - văn hóa và tiểu vùng văn hóa Quảng Nam. 

3.3. Lập đề án xây dựng một biểu tượng lưu niệm về dinh trấn Quảng Nam tại Thanh Chiêm, Điện Bàn. Ngoài tượng đài lưu niệm, cần nghiên cứu hoạch định địa điểm và nội dung, để khi có điều kiện, xây dựng một cổng biểu tượng về vai trò mở cõi của Quảng Nam trong lịch sử dựng nước đặt trên trục lộ Bắc - Nam thuộc địa giới phía bắc tỉnh Quảng Nam hoặc tại địa vực thành phố Tam Kỳ nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử của xứ Quảng. 

3.4. Các di tích lịch sử - văn hóa về dinh trấn Thanh Chiêm là nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt, có mối liên hệ hữu cơ với các khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An, những cơ sở quan yếu và tiềm năng đặc biệt của sự nghiệp phát triển du lịch ở Quảng Nam. Do đó, cần đưa nội dung tham quan khu dinh trấn Thanh Chiêm vào chương trình tham quan nghiên cứu của các tour du lịch văn hóa vùng phụ cận của khu phố cổ Hội An. 

3.5. Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý di sản và các cơ quan du lịch ở Trung ương và địa phương, xây dựng và thực hiện những chính sách và biện pháp hữu hiệu để vừa tăng cường công tác quản lý nhà nước, vừa đẩy mạnh quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản, những nguồn tài nguyên du lịch đặc biệt. 

3.6. Cần khẳng định rằng, những di sản văn hóa trên địa bàn Quảng Nam nói chung và những di tích về dinh trấn Thanh Chiêm nói riêng không chỉ là những di sản vô giá của nhân dân Quảng Nam mà còn là những tài sản chung của quốc gia dân tộc. Và, dưới góc độ bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, có thể/ và cần phải/ xác định rằng dinh trấn Quảng Nam là những chứng tích và biểu tượng văn hóa của quá trình mở mang bờ cõi của quốc gia dân tộc, là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. 

Chính vì thế, việc bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích đặc biệt này là trách nhiệm chung của nhân dân cả nước, đặc biệt là những con em của xứ Quảng ở khắp mọi miền của Tổ quốc và mọi nơi trên thế giới.

Chú thích: 

1. Dẫn theo Nguyễn Q. Thắng, “Tỉnh Quảng Nam trong lịch sử mở cõi”, Văn hóa Quảng Nam - Những giá trị đặc trưng, (Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam, 2001), 46. 

2 - Nguyễn Văn Xuân, “Một số địa danh hành chính quan hệ với giao thương văn hóa ở Quảng Nam”, Văn hóa Quảng Nam, Số 30/2001; 

- Những địa danh: Thanh Chiêm, Kẻ Chiêm, Kẻ Chàm là cách gọi của các tài liệu sử Việt Nam; Chiêm Thượng theo cách gọi của người Trung Hoa; 

- Cacciam, Dinh Ciam, Ca Chão là cách gọi của các giáo sĩ Tây phương đến truyền giáo ở Đàng Trong đã được nêu lên trong các sách của nước ta và nước ngoài vào đầu thế kỷ XVII. 

- Tranh cuộn mang tên Giao Chỉ quốc mậu dịch hải đồ hiện lưu trữ tại chùa Jomyo-ji ở thành phố Nagoya, Nhật Bản. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Trương Quốc Bình (2001). “Bảo vệ và phát huy những giá trị đặc trưng của di sản văn hóa Quảng Nam”. Kỷ yếu hội thảo Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng. Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam tổ chức tại Tam Kỳ, Quảng Nam. 

2. Trương Quốc Bình (2002). “Dinh trấn Quảng Nam - biểu tượng về vị thế của tỉnh Quảng Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”. Kỷ yếu hội thảo Vai trò lịch sử Dinh trấn Quảng Nam, Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam tổ chức tại Tam Kỳ, Quảng Nam. 

3. Quốc sử quán triều Nguyễn (1962). Đại Nam thực lục tiền biên. Hà Nội: Sử học. 

4. Nguyễn Q. Thắng (2001). “Tỉnh Quảng Nam trong lịch sử mở cõi”. Văn hóa Quảng Nam - những giá trị đặc trưng. Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam xuất bản. 

5. Nguyễn Văn Xuân (2011). “Một số địa danh hành chính quan hệ với giao thương văn hóa ở Quảng Nam”. Văn hóa Quảng Nam. Số 30. 

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ
DI TÍCH DINH TRẤN THANH CHIÊM?

Hồ Xuân Tịnh

1. Vị trí dinh trấn Thanh Chiêm 

Dinh trấn Quảng Nam - còn được gọi là Dinh Chiêm hay dinh trấn Thanh Chiêm - là trung tâm chính trị quan trọng của Đàng Trong được chúa Tiên Nguyễn Hoàng thành lập vào năm 1602 để quản lý và khai thác vùng đất phía Nam đèo Hải Vân. Ban đầu dinh trấn đóng ở Cần Húc, ít lâu sau lỵ sở được dời sang Thanh Chiêm (Điện Bàn), cuối cùng năm 1833, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở Quảng Nam sang làng La Qua (Điện Bàn).1 Dưới thời chúa Nguyễn, các vị thế tử kế nghiệp được các chúa cử vào Dinh Chiêm để làm trấn thủ. Vì vậy, có thể nói, Thanh Chiêm là nơi tập sự của các thế tử trước khi lên ngôi chúa của xứ Đàng Trong. Không chỉ là trung tâm hành chính, dinh trấn Thanh Chiêm còn căn cứ quân sự hùng mạnh bậc nhất của Đàng Trong. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng, lực lượng thủy quân nơi đây đã yểm trợ đắc lực cho kinh đô và đủ sức đánh tan các cuộc cướp phá của bọn hải khấu giang hồ quốc tế, đáng kể nhất là vào năm 1644, Dũng Lễ hầu Nguyễn Phước Tần - trấn thủ Quảng Nam đã dùng lực thủy quân đánh bại hạm đội Hà Lan đến gây chiến ở vùng biển Quảng Nam.2 

Ngày nay, dinh trấn gần như không còn dấu tích gì trên mặt đất, rất khó xác định vị trí dinh trấn, chính vì thế, một vài nhà khoa học đã căn cứ vào thư tịch cổ và địa danh để tranh luận với nhau về nơi đặt lỵ sở của dinh trấn Quảng Nam. 

Theo tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: “Đến như Dinh Chiêm ở Quảng Nam thì có quan đóng giữ, gọi là dinh Quảng Nam, ở xã Cần Hào, huyện Duy Xuyên”.3 Cũng trong tác phẩm này, ông đã viết: “Từ tuần Hải Vân đi đến dinh Quảng Nam, tục gọi là dinh Chiêm ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, không quá hai ngày. Như đại quân đóng đồn ở Dinh Chiêm mà đi vào kinh lược thì qua sông đến Kẻ Thế (cầu có ván nhỏ) trên sông nhỏ Bảo Toán, qua quán Lang Châu, xã Vân Quật (cầu có ván), sông Bà Rén… đến xã Hà Lam một ngày...”.4 Chính từ tư liệu này mà có người cho rằng Dinh Chiêm đóng trên đất Duy Xuyên. Tuy nhiên nếu xét vị trí đại quân đóng đồn, khi đi vào phía nam phải qua sông đến Kẻ Thế, Lang Châu, Vân Quật... các địa danh này thuộc huyện Duy Xuyên, ở khu vực tiếp giáp với huyện Điện Bàn ngày nay, như vậy có thể hiểu Dinh Chiêm ngày xưa chủ yếu nằm trên địa phận huyện Điện Bàn. 

Trải qua hàng trăm năm với biết bao biến động của xã hội và thiên nhiên, hiện nay dinh trấn Thanh Chiêm gần như không còn lại dấu tích gì rõ ràng trên mặt đất. Tuy vậy, tại làng Thanh Chiêm và một số làng thuộc xã Điện Phương, Điện Minh vẫn còn lưu lại các địa danh có liên quan dinh trấn Quảng Nam xưa như: 

- Hành Cung: xưa là nơi ở và làm việc của quan trấn thủ, nay chỉ còn lại một khu đất cao khá rộng nằm trong khu dân cư, trong đó có một phần nền đất của trường THCS Nguyễn Du. 

- Tàu Tượng: là khu đất rộng nằm ở phía bắc Hành Cung. Xưa kia đây là nơi nuôi và huấn luyện voi, ngày nay trở thành thổ cư. 

- Mô Súng: phía đông Hành Cung có mô đất cao dùng làm nơi đặt súng thần công để bảo vệ phía đông bắc dinh trấn. Ngày nay vẫn còn vết tích mô đất cao phía trước nhà thờ tộc Đinh Công. 

- Kho Muối: xưa là nơi chứa muối, lương thực cung cấp cho dinh trấn, nằm cạnh Hành Cung, hiện nay là nhà thờ Tiền hiền và đình làng Thanh Chiêm. 

- Vườn Chùa: nằm gần Mô Súng, trên cánh đồng thôn Triêm Đông, nhiều người cho rằng đây là nền chùa Long Hưng - ngôi chùa có liên quan mật thiết với lịch sử dinh trấn Thanh Chiêm. 

- Văn Miếu: ngày nay là khu đất trường dạy nghề và trường PTTH Nguyễn Khuyến. 

- Thành Vệ: xưa kia là mặt thành phía tây của dinh trấn, nằm cạnh bờ sông trên đất xã Điện Minh, đã bị xói lở, nay chỉ còn một bãi cát. 

Qua khảo sát thực tế và với sự am hiểu về địa phương nơi mình ở, hai ông Đinh Trọng Tuyên và Đinh Bá Truyền cho rằng: “Những di tích còn lại cho thấy dinh trấn Thanh Chiêm hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX không chỉ nằm trên địa phận của làng Thanh Chiêm mà còn mở rộng sang các làng lân cận như Phước Kiều, An Quán, Đông Khương, An Nhơn, Văn Đông (Cần Húc), Phú Chiêm, Điện Bình, Khúc Lũy và Uất Lũy, tức toàn bộ xã Điện Phương và một phần của xã Điện Minh (huyện Điện Bàn) hiện nay”.5 

Để góp phần tìm hiểu dinh trấn Quảng Nam, từ năm 1999 đến năm 2000, các nhà khảo cổ Nhật Bản đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Việt Nam tiến hành nghiên cứu và khai quật tại thôn Thanh Chiêm, đồng thời sử dụng thiết bị khảo sát dưới lòng đất để tìm hiểu về các dấu vết khảo cổ học cũng như vị trí của dinh trấn Quảng Nam. Theo báo cáo khoa học của GS.TS. Seiichi Kikuchi, các nhà khảo cổ đã đào thám sát với kích thước 1 m x 2 m trên phần ruộng của ông Lê Em. Vì phát hiện được một phần di vật nên năm 2000 đoàn nghiên cứu đã mở rộng kích thước thêm 2 m nữa. Các nhà khảo cổ đã phát hiện trong hố khai quật này một dấu tích hình vuông kích thước khoảng 1,8 m x 1,8 m. Đó là các mảnh gạch nhỏ được nén chặt vào nhau tạo thành một lớp dày khoảng 30 cm. Các nhà khoa học nhận định, lớp gạch này có thể là dấu tích cột trụ của một móng nhà. Trong số các di vật có đồ sứ hoa lam của Phúc Kiến và Quảng Đông (Trung Hoa) niên đại khoảng thế kỷ XVIII. Ngoài ra, hố khai quật còn có cả đồ sành Việt Nam niên đại khoảng thế kỷ XVIII - XIX. Ở độ sâu 3 m, các nhà khảo cổ đã phát hiện đồ sành Việt Nam có niên đại khoảng thế kỷ XVII và đồ sứ Trung Hoa có niên đại từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII. Trong cuộc điều tra năm 2001, các nhà khoa học Nhật Bản đã mở rộng phạm vi điều tra khu di tích bằng máy thám sát mang nhãn hiệu SIR-2P, hãng G.S.SI-USA, tần số anten 400 MHz (30 cm2 ). Kết quả cho thấy phần di tích đã phát hiện là một tòa nhà lớn. Các nhà khảo cổ Nhật Bản cũng đã triển khai một hố khai quật kích thước 1 m x 4 m trên ruộng của bà Huỳnh Thị Náng, cách hố khai quật của trên đất ông Lê Em khoảng 20 m về phía bắc. Kết quả đã phát hiện ra 5 rãnh rộng từ 1,5 m đến 2 m. Rãnh thứ nhất và thứ hai là cùng một di tích. Từ rãnh thứ ba đã tìm thấy đồ gốm miền Trung Việt Nam thế kỷ XVII, bát hoa lam ở Bắc Bộ Việt Nam thế kỷ XVI. Từ rãnh số 2 đã tìm thấy đồ sứ Trung Hoa nửa đầu thế kỷ XVII, đồ sành miền Trung và đĩa men nâu của miền Bắc Việt Nam thế kỷ XVII. Ở cả 2 đường hào này đều phát hiện được đồ sứ Hizen Nhật Bản nửa cuối thế kỷ XVII. Điều cần chú ý là tại 2 rãnh này có sự xuất hiện của đồ sứ miền Bắc Việt Nam. Đây là loại hiện vật chưa tìm được ở Hội An. Vì vậy, có thể cho rằng niên đại của di tích có khả năng là nửa đầu thế kỷ XVII. Qua kết quả khai quật và thăm dò bằng máy thám sát, GS.TS. Seiichi Kikuchi cho rằng di tích ở Thanh Chiêm thuộc huyện Điện Bàn hiện nay chính là dinh trấn Quảng Nam đã được xây dựng năm 1602 để cai quản vùng Quảng Nam. Khu dinh trấn được xây dựng ở vị trí này đã nằm đúng vị trí trọng yếu của hệ thống giao thông thủy bộ. Nó vừa hội tụ được các đầu mối giao lưu và nguồn cung cấp lâm sản phong phú, nơi tập trung hương liệu từ vùng thượng lưu vừa quản lý được các cảng mậu dịch quốc tế ở hạ lưu. Đồng thời, ở vị trí này, dinh trấn cũng kiểm soát được con đường giao thông quan trọng nối liền Nam - Bắc.6 

Như vậy cho đến nay, ngoài những địa danh trong dân gian vẫn còn truyền tụng, các dấu tích và di vật nằm trong lòng đất được các nhà khoa học Nhật Bản khai quật và thăm dò được là những cứ liệu vật chất đáng tin cậy để xác định vị trí của dinh trấn Thanh Chiêm. 

2. Dinh trấn Thanh Chiêm và sự hình thành chữ Quốc ngữ 

Trong quá trình truyền đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, vào khoảng đầu năm 1615, các giáo sĩ Dòng Tên đã đến đất Quảng Nam. Ban đầu họ đặt cư sở tại Hội An, năm 1618 xây dựng cư sở Nước Mặn (Bình Định), năm 1623 xây dựng cư sở Thanh Chiêm. Để thuận lợi trong việc truyền đạo, các giáo sĩ Dòng Tên đã học tiếng Việt và tìm cách Latinh hóa được một số từ tiếng Việt sáng tạo ra một loại chữ viết mới. Loại chữ viết này phát triển qua nhiều giai đoạn mới trở thành chữ Quốc ngữ như ngày nay. 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương, giáo sĩ Francisco de Pina là người tiên phong dùng mẫu tự Latinh để phiên âm tiếng Việt, một trong những nơi gắn bó với Pina trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ chính là Thanh Chiêm. Pina thường đi lại giữa Hội An và Thanh Chiêm, một trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế của Đàng Trong thời bấy giờ để tiếp xúc với các nhà sư và giới nho sĩ để hợp tác với người Việt địa phương trong công trình Latinh hóa tiếng Việt. Ông dẫn lời của Francisco de Pina trong bức thư viết dở của mình: “Đối với tôi, việc nghiên cứu tiếng nói Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình: ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn những người trẻ tuổi đến mà họ là những cống sinh và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy sự giúp đỡ”.7 Cũng có một số nhà nghiên cứu với lập luận không kém phần khoa học, cho rằng Nước Mặn (Bình Định) mới là cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ. Ở đây chúng tôi không khẳng định Thanh Chiêm là nơi duy nhất hình thành chữ Quốc ngữ; cùng với Hội An, Nước Mặn, Thanh Chiêm, những địa phương đã đóng góp vào việc hình thành chữ Quốc ngữ còn phải kể đến những tỉnh ở Đàng Ngoài có người Việt theo đạo Thiên Chúa. Chính vì thế chúng tôi cho rằng Thanh Chiêm là một trong những chiếc nôi hình thành nên chữ Quốc ngữ. Góp phần không nhỏ vào việc hình thành chữ Quốc ngữ còn có vai trò của một số người Việt, đó là các tu sĩ, nhà Nho và những thanh niên mới theo đạo Thiên Chúa, họ có điều kiện gần gũi, tiếp xúc thường xuyên với các vị giáo sĩ phương Tây sử dụng chữ Quốc ngữ để truyền đạo vào buổi đầu, những người này vừa học chữ Quốc ngữ đồng thời cũng là những người góp phần hoàn thiện dần dần cách ký tự chữ Quốc ngữ. Trên đường hoàn thiện chữ Quốc ngữ, còn phải kể đến những nhà trí thức lớn của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX như Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký) - một nhà khoa học lỗi lạc và là nhà báo đầu tiên ở nước ta, Huỳnh Tịnh Của (Paulus Của) - người có công bồi đắp cho văn chương chữ Quốc ngữ trong thời kỳ đầu, Nguyễn Văn Vĩnh - nhà báo và dịch giả nổi tiếng đầu thế kỷ XX, Dương Quảng Hàm - nhà sử học, văn học và là thầy giáo xuất sắc của Việt Nam... 

3. Bảo tồn và phát huy giá trị dinh trấn Thanh Chiêm 

3.1. Lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia 

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích dinh trấn Thanh Chiêm, trước hết phải xác định tầm quan trọng của di tích này trong lịch sử, lập hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích để có cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và tu bổ - tôn tạo di tích. 

Với tầm quan trọng về mặt lịch sử, dinh trấn Thanh Chiêm đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 113/QĐ-UB ngày 10.01.2008. Vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm trong lịch sử phát triển của Quảng Nam và mở cõi 1027 về phương Nam trong hơn hai thế kỷ XVII - XVIII đã được khẳng định với tư cách là một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự của xứ Đàng Trong. Không những vậy, dinh trấn Thanh Chiêm còn có những đóng góp quan trọng để làm nên diện mạo cảng thị Hội An, đồng thời đây còn là một trong những chiếc nôi ra đời chữ Quốc ngữ. Với ý nghĩa đó, dinh trấn Thanh Chiêm xứng đáng được xếp hạng di tích quốc gia. 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của việc lập hồ sơ khoa học dinh trấn Thanh Chiêm để trình Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích quốc gia là xác định vị trí di tích để khoanh vùng bảo vệ. Mặc dù tính chất dinh trấn Thanh Chiêm là di tích lịch sử, khác với di tích kiến trúc nghệ thuật, không cần có những bản vẽ về kiến trúc, tuy nhiên theo thủ tục xếp hạng di tích là phải có bản đồ và biên bản khoanh vùng khu vực bảo vệ. Dinh trấn Quảng Nam ngày xưa chắc hẳn không chỉ phân bố trong khu vực thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, mà phải là một khu vực rộng lớn hơn nhiều, có khả năng đến khu vực tỉnh thành Quảng Nam ở giai đoạn sau. Toàn bộ khu vực Dinh Chiêm ngày nay đã trở thành khu dân cư, do đó việc khoanh vùng khu vực bảo vệ chỉ có thể xác định từng điểm riêng rẽ trong tổng thể di tích chứ không thể khoanh vùng toàn bộ di tích. Những địa danh thuộc về dinh trấn như: Hành Cung, Kho Muối, Văn Miếu, Tàu Tượng, Mô Súng, Thành Vệ, Vườn Chùa... và những điểm khai quật khảo cổ học do các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện đã xác định được vị trí, rất thuận lợi cho việc khoanh vùng khu vực bảo vệ. Các địa danh không xác định được vị trí cụ thể thì những tên gọi đó chỉ có ý nghĩa tham khảo về mặt lịch sử địa phương chứ không thể khoanh vùng bảo vệ và phát huy giá trị. 

Vì tất cả các địa điểm có liên quan đến dinh trấn Thanh Chiêm đều không còn công trình kiến trúc, chỉ còn lại nền đất hoặc là thổ cư, do đó, để bảo tồn và phát huy các vị trí đã xác định được, chúng ta chỉ có thể dựng bia ghi dấu từng địa điểm, những nhà bia này nên nhất quán một kiểu dáng và mang nét cổ kính của kiến trúc Việt giai đoạn thế kỷ VVII - XIX, kích thước của các bia nên bằng nhau, chỉ riêng bia ghi dấu vị trí Hành Cung có kích thước lớn hơn. 

Một công trình có khả năng tu bổ, phục hồi từng phần, đó là tỉnh thành ở La Qua. Mặc dù thành La Qua được xây dựng vào thời kỳ sau (dưới triều vua Minh Mạng), tuy nhiên về mặt lịch sử, đây là tòa thành gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dinh trấn Quảng Nam và tỉnh Quảng Nam, qua đó có thể giới thiệu một cách sinh động với khách tham quan và học sinh về lịch sử địa phương. 

3.2. Xây dựng Nhà trưng bày về dinh trấn Thanh Chiêm 

Bên cạnh các địa điểm liên quan đến dinh trấn Thanh Chiêm, cần có một công trình quan trọng để tôn tạo, làm nổi bật giá trị di tích đó là Nhà trưng bày hoặc Bảo tàng trưng bày các hiện vật thuộc về dinh trấn Thanh Chiêm cùng quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ, bao gồm: 

- Các hiện vật đã khai quật được ở Thanh Chiêm, các hiện vật còn lưu giữ trong nhân dân. 

- Hình ảnh các nhân vật có công lớn trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ như: Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, Alexandre de Rhodes... và những người Việt Nam tham gia hoàn thiện chữ Quốc ngữ trong các giai đoạn lịch sử như: Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của, Dương Quảng Hàm. 

- Các hiện vật, tài liệu có liên quan đến sự ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ bao gồm 2 cuốn sách: Tự điển An Nam - Bồ Đào Nha - Latinh, Phép giảng tám ngày do Alexandre de Rhodes biên soạn; các trước tác của các tu sĩ Thiên Chúa giáo viết bằng chữ Quốc ngữ giai đoạn đầu; Đại Nam quấc âm tự vị do Huình Tịnh Paulus Của biên soạn (1895); những tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam như: Gia Định báo (1865), Phan Yên báo (1868), Nhựt trình Nam Kỳ (1883), Thông loại khóa trình (1888), Nông cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh tân văn (1907), Nữ giới chung (1818)... 

3.3 Xây dựng tượng đài tôn vinh chữ Quốc ngữ 

Theo thiển ý của chúng tôi, đây không phải đơn thuần là công trình tượng đài chữ Quốc ngữ mà là tượng đài tôn vinh chữ Quốc ngữ, trong đó bao gồm tôn vinh những người có công sáng tạo chữ Quốc ngữ trong buổi đầu và sự đóng góp của chữ Quốc ngữ đối với sự phát triển văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật và kinh tế Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Từ ý tưởng đến phác thảo mô hình tượng đài tôn vinh chữ Quốc ngữ là một quá trình đầu tư suy nghĩ và sáng tạo nghiêm túc. Cần có sự thi thố, hợp tác của nhiều nhà điêu khắc và kiến trúc sư mới có thể cho ra một công trình tượng đài đạt yêu cầu về mỹ thuật và chuyển tải được nội dung tiêu biểu. 

Chú thích: 

1. Châu Yến Loan, Nguyễn Thiếu Dũng, “Dinh trấn Thanh Chiêm trong sự nghiệp xây dựng và phát triển xứ Đàng Ngoài của các chúa Nguyễn”. 

2. Nguyễn Q. Thắng, “Những chủ trương, biện pháp của các triều đại Việt Nam - Lê - chúa Nguyễn - trong việc xây dựng, củng cố đất Quảng Nam”. Kỷ yếu hội thảo Danh xưng Quảng Nam, 2001, 74.

3, 4. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2007), 185, 152. 

5. Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền, Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, 2011, 47. 

6. Seiichi Kikuchi, “Di tích dinh trấn Thanh Chiêm huyện Điện Bàn và mối liên hệ của nó với bức tranh Chaya”. 

7. Nguyễn Phước Tương, “Hội An - Thanh Chiêm và sự ra đời chữ Quốc ngữ”. Kỷ yếu Hội thảo Danh xưng Quảng Nam, 2001, 112. 

    BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI TÍCH DINH TRẤN THANH CHIÊM

Đinh Thị Hiệp

Năm 1989, trong ba ngày 17, 18 và 19.9, đoàn khảo sát lịch sử - văn hóa do GS. Trần Quốc Vượng (Trưởng bộ môn Khảo cổ học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Việt Nam của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) dẫn đầu, phối hợp cùng với cán bộ Phòng VHTT Điện Bàn, trong đó có tôi, cùng khảo sát các di tích ở hai xã Điện Minh và Điện Phương. 

Đây là một cuộc khảo sát mà tôi ấn tượng nhất trong đời làm công tác bảo tồn - bảo tàng của mình. Lúc đó, vào tháng 7, nắng như đổ lửa. Từ điểm trung tâm là Trường THCS Nguyễn Du, được sự hướng dẫn của giáo sư, đoàn đi khảo sát các hướng bắc, nam, đông, tây; mỗi hướng khoảng 700 m. Lúc đó, ruộng đã được cuốc lên phơi nắng cho oải đất, từng mảng đất trắng phao, rất chói mắt, nhưng ông đi rất nhanh và sãi bước rất dài. Là người sinh ra trên gốc rạ, như chúng tôi đi mà thở không nổi, mồ hôi ướt cả áo, nhưng GS. Trần Quốc Vượng im lặng, với kinh nghiệm lão luyện trong ngành, cứ thế, ông thẳng bước… 

Qua cuộc khảo sát các dải đất đắp còn lại từng đoạn một, cách rời rạc vào các địa danh được dân gian lưu truyền, đoàn đã đưa ra một sơ đồ có tính giả thuyết để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện trong tương lai. 

“… Theo sơ đồ, dinh trấn Thanh Chiêm nằm sát thôn La Qua ở phía bắc, phía tây là phường đúc Phước Kiều, phía đông giáp thôn Uất Lũy, phía tây giáp thôn Khúc Lũy và phía nam là con sông Lấp, một nhánh cụt của sông Câu Lâu, dinh được bao bọc bằng một lũy đất đắp ngày nay đã bị san ở bề mặt nên khó đoán định được độ cao…”.1 

Theo sơ đồ giả thuyết, dinh trấn là một tòa thành đất hình chữ nhật, tận dụng các dòng chảy tự nhiên bao quanh làm hào. Phạm vi của di tích là 700 m theo hướng Bắc - Nam, khoảng 250 m theo hướng Đông - Tây. 

“… Căn cứ vào các bố trí mặt bằng của các tòa thành muộn về sau thì rất có thể hướng của dinh trấn sẽ là hướng đông nam và cũng theo thông lệ sẽ bao gồm các cửa khác mở ra ở chính giữa các mặt thành của các hướng khác (Tây Nam - Tây Bắc - Đông Bắc). 

Cửa Đông Bắc có thể vị trí tương ứng là La Qua. 

Cửa Tây Bắc khoảng giữa Gò Chùa và Môn Súng. 

Cửa Tây Nam khoảng phía sau Văn Thánh". 

Từ cuộc khảo sát, mảnh đất mang nhiều dấu ấn lịch sử, bị chìm trong quên lãng bỗng xôn xao hơn, dân làng già trẻ càng tò mò, tìm hiểu. Ngày nào đoàn đi khảo sát cũng có vài người lớn tuổi như bác Tuyên, bác Đằng… và thanh niên trong làng theo cùng, với sự tích cực của dân địa phương làm cho cuộc khảo sát thêm rộn ràng, thuận lợi hơn. Diện mạo dinh trấn có phần rõ nét hơn trong lòng người dân Điện Phương. 

Sơ đồ dinh trấn, trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn

Các địa danh cổ trên sơ đồ được điền một cách tương đối theo điều tra điền dã của chúng tôi năm 1989, đồng thời có sự tham khảo của những người đi trước (Phạm Đình Khiêm, Nguyễn Văn Xuân).2 

Đặc biệt, đến khi đề tài Nghiên cứu đô thị cổ Hội An từ quan điểm khảo cổ học do GS. Kikuchi Seiichi (Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản) chủ trì, phối hợp với trường Đại học KHXHNV (Đại học Quốc gia Hà Nội), Sở VH,TT&DL Quảng Nam, Phòng VHTT Điện Bàn, được triển khai thực hiện ở Quảng Nam, tôi lại được cơ quan cử làm việc với đoàn, tiến hành khảo sát, khai quật tại thôn Thanh Chiêm. 

Trên cơ sở tư liệu sử học và các nghiên cứu của Việt Nam, GS. Kikuchi Seiichi cũng đã giả định dinh trấn Quảng Nam chính là di tích Thanh Chiêm thuộc huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn). Đó chỉ mới là giả định, để kiểm chứng cần phải tiến hành điều tra khai quật. Năm 1999 và 2000, đoàn đã đào bốn hố thám sát với tổng diện tích 16,2 m2 , tại Trường THCS Nguyễn Du, vườn nhà ông Lê Em, vườn nhà bà Nguyễn Thị Nang thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, đã phát hiện: 

- Về hiện vật: Mảnh bát gốm Quảng Đông có hoa văn và gốm Phúc Kiến (Trung Quốc); hai hũ lớn, đồ gốm được làm ở vùng Trung Bộ (Việt Nam) có niên đại vào thế kỷ XVIII - XIX; một bình gốm dài, một chiếc bát của Việt Nam thế kỷ XVII, đĩa gốm có hoa men ngọc của Trung Quốc cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, những mảnh bát có hình hoa văn được làm tại vùng Bắc Bộ - Việt Nam vào khoảng thế kỷ XVI, và những mảnh bát gốm có thành cao được làm ở vùng Trung Bộ thế kỷ XVII, bát có hình hoa văn, lõm, thời Cảnh Đức, nửa đầu thế kỷ XVII… Những hiện vật này được đánh số kiểm kê, lưu giữ bảo quản tại kho và chọn một số trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn. 

- Về kiến trúc: Phát hiện ra dấu vết kiến trúc hình vuông, có kích thước 1,8 m x 1,8 m. Dấu tích kiến trúc nằm sâu khoảng 1,2 - 1,3 m, lớp đất bao phủ là lớp đất màu đen và có thể chia làm ba lớp: lớp cát, lớp gạch vụn và lớp bột màu trắng. Ở lớp gạch, chúng tôi tìm thấy nó gồm những mảnh gạch mỏng được ép chặt tạo nên độ dày 0,3 cm và có 3 tấm ván. Trên bề mặt những tấm ván này có rất nhiều chỗ lõm mà người ta cho rằng đây là dụng cụ để chêm lót. Từ những di vật phát hiện có thể suy được dấu tích kiến trúc này có niên đại vào thế kỷ XVIII - XIX. Từ cấu trúc tấm ván, các nhà nghiên cứu xác định dấu tích kiến trúc tìm thấy là dấu tích của lỗ chôn cọc của một công trình kiến trúc xây dựng có quy mô lớn. 

Phát hiện dưới lớp đất phủ bề mặt 1,3 m, năm dấu tích hình rãnh. Trong năm dấu tích hình rãnh này, rãnh số một, ba và bốn theo hướng Nam - Bắc, còn rãnh số hai và năm chạy theo hướng Đông - Tây. Trong đó, rãnh số một và hai là cùng một dấu tích hình rãnh và vuông góc với nhau. Đầu trên khoảng 1 m, đầu dưới khoảng 0,6 m và độ sâu khoảng 0,4 - 0,6 m. Ngoài ra, còn phát hiện những lỗ tròn và cho rằng đó là những hố chôn cọc, từ những hiện vật thu được có thể cho rằng dấu tích kiến trúc có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII. 

- Thẩm tra dò tìm bằng thiết bị địa thám, rađa được sử dụng để thẩm tra dò tìm là loại có model SIR - 2P của hãng GSSI - Mỹ, ăngten có tần số 400 MHz… Do nhà cửa và cây cối, nên chỉ tiến hành trong phạm vi 25,5 m (theo hướng Nam - Bắc) và 21 m (theo hướng Đông - Tây), độ sâu được nghiên cứu theo quy định là 1,8 m, phát hiện 7 hố chôn cọc. So với hàng hố chôn cọc có khoảng cách 4 m, khoảng cách hàng hố chôn cọc hẹp hơn, khoảng trên dưới 3 m, được coi là phần góc của cùng một công trình… Kết quả dò tìm bằng rađa là cơ sở chứng minh cho dấu tích kiến trúc phát hiện khi điều tra khai quật. Dấu tích kiến trúc này có thể khẳng định rằng đó là vết tích của một công trình lớn thế kỷ XVIII - XIX… 

Theo tư liệu điều tra về di tích ở lưu vực sông Thu Bồn năm 1998, đã phát hiện nhiều di vật ở khu vực thôn Thanh Chiêm “những mảnh bát có hoa văn và bình thân dài được làm ở Trung Bộ vào thế kỷ XVII, những đồ vật bằng đất hình sư tử… có thể thấy rằng đây là vật dụng không được sử dụng trong tầng lớp bình dân nói chung mà chỉ được dùng cho tầng lớp cao quý”.3 Từ những phát hiện trên, qua các nghiên cứu khai quật, dò tìm bằng thiết bị địa thám và tư liệu điều tra thực địa di tích, có thể thấy được đặc trưng của di tích Thanh Chiêm như sau: 

- Xuất hiện di vật và dấu tích kiến trúc thế kỷ XVII, hơn nữa, trên những cấu trúc này còn có những hố chôn cọc có niên đại thế kỷ XVIII - XIX. Điều này chứng tỏ đây là dấu tích của một công trình lớn. 

- Các dấu tích hình rãnh có niên đại ở nửa thế kỷ XVII. Trong số những di vật thu được, có khá nhiều là được làm ở vùng Bắc Bộ vào thế kỷ XVI. Những vật được làm ở Bắc Bộ vào thế kỷ XVI cho đến lúc đó vẫn chưa xuất hiện ở Hội An. 

- Những đồ vật bằng đất có hình sư tử. Những đồ vật này không được sử dụng trong dân cư mà chỉ được dùng trong cung vua hay nhà thờ họ Nguyễn… 

Từ kết quả khai quật khảo cổ học và thẩm tra dò tìm bằng thiết bị địa thám GS. Kikuchi Seiichi đã đưa ra kết luận: “Để làm rõ cấu trúc không gian Hội An thế kỷ XVII, cần phải xác định vị trí của các cơ quan quyền lực đương thời và ý nghĩa chính trị của vùng đất này. Chúng ta đã kiểm chứng được vị trí của dinh trấn Quảng Nam được suy đoán ở phần trước và chỉ ra những bằng chứng cho những suy đoán đó”.4 

Qua các cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ học, giá trị lịch sử về mảnh đất Thanh Chiêm, trở thành đề tài cho báo chí, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo ngành văn hóa. Năm 2002, tỉnh Quảng Nam phối hợp với huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) tổ chức Hội thảo 400 năm dinh trấn Thanh Chiêm; vào năm 2008, dinh trấn Thanh Chiêm được UBND tỉnh công nhận là Di tích cấp tỉnh. Sau khi dinh trấn Thanh Chiêm được xếp hạng di tích cấp tỉnh, Phòng VHTT Điện Bàn phối hợp cùng xã Điện Phương và các ngành có liên quan khảo sát cắm mốc, khoanh vùng 8.000 m2 và đề nghị xã Điện Phương đưa vào quy hoạch chung để bảo vệ di tích này. Năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam phân bổ 20 triệu đồng từ nguồn Đề án tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh cho di tích dinh trấn Thanh Chiêm. Với kinh phí này, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Điện Bàn và cơ quan quản lý trực tiếp di tích là xã Điện Phương lúng túng không biết dùng số tiền quá nhỏ so với di tích vào việc gì? Trong khi, địa điểm khoanh vùng rất trũng, rộng như thế, lại chưa có quy hoạch. Không thể kinh phí ít làm theo kiểu ít, thì giá trị di tích và tính bền vững sẽ ra sao?

Trung tâm Văn hóa - Thể thao đề nghị UBND tỉnh cho chuyển nguồn để trùng tu di tích khác phù hợp hơn, vì theo Đề án nói trên, số tiền phân bổ phải dùng đúng mục đích trùng tu hoặc xây dựng bia. 

Từ khảo sát và nghiên cứu thực tế hiện trạng di tích dinh trấn Thanh Chiêm trong thời gian qua, bản thân tôi xin trình bày một số đề xuất với Hội thảo, với những người có thẩm quyền một số ý kiến sau: 

1. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thành lập Ban Quản lý trùng tu di tích dinh trấn Thanh Chiêm, gồm các ban ngành liên quan của tỉnh, thị xã, xã Điện Phương để tham mưu đề xuất phương án thực hiện. Từ nguồn kinh phí của Đề án tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh, phân bổ hằng năm cho việc trùng tu, phục dựng di tích này.

2. Tiến hành phân loại di tích, cụ thể: 

2.1. Những di tích chỉ còn địa danh, như: Hành Cung, Thành Vệ, Vọng Khuyết, Kho Muối, Mô Súng, Bến Lội, Tàu Tượng, Đàn Tiên Nông và Tịch điền, Gò Sứ (Gò Xử), Đình làng An Quán… 

2.2. Những di tích chỉ còn phế tích, như: Văn Miếu, Trường Đốc, Đền thờ Bà Vú… 

2.3. Di tích còn lại: Chùa Hội Phước, Chùa Phú Thọ, Đình làng An Nhơn, Đình làng Đông Khương, Nhà thờ làng đúc Phước Kiều, Nhà thờ Đức bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu, nhà cổ, giếng cổ… 

Trên cơ sở phân loại, chúng ta sẽ có từng phương pháp thực hiện khác nhau theo từng chủng loại. Có quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, thiết kế chi tiết, dự toán cho từng di tích, phân kỳ thực hiện công việc theo từng năm cho di tích dinh trấn Thanh Chiêm. 

Riêng chữ Quốc ngữ, nên khảo sát chọn địa điểm để đặt tượng hai vị linh mục là Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes để tri ân hai vị cố đạo đã có công biên soạn ra bộ chữ tiếng Việt và bộ Từ điển Việt - Bồ - Latinh. Địa điểm đó phải có ý nghĩa và thuận lợi cho khách tham quan, nghiên cứu, nhưng không làm ảnh hưởng đến sự yên tịnh của giáo đường. 

3. Tiếp tục khai quật các điểm trong quần thể di tích dinh trấn Thanh Chiêm, dịch thuật các văn bia mới được phát hiện. Có thư ngỏ kêu gọi các nhà nghiên cứu về chữ Quốc ngữ sưu tầm các tài liệu liên quan đến chữ Quốc ngữ ở trong và ngoài nước, nhất là ở Thư viện Quốc gia ở cung điện Ajuda - Lisbonne Bồ Đào Nha, để có tư liệu trưng bày và làm sáng tỏ thêm về lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ. 

4. Trong quá trình bảo tồn và phát huy, cần chú ý đến tính nguyên bản hoặc mô phỏng một cách chân thật có thể để nhân dân, khách tham quan, nghiên cứu không hiểu sai về một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế… vang bóng một thời, đã để lại trong ký ức bao thế hệ một dinh trấn Thanh Chiêm xưa. 

5. Đề nghị Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam quan tâm đôn đốc để di tích dinh trấn Thanh Chiêm sớm được nâng cấp thành Di tích cấp Quốc gia, để có nhiều cơ hội đầu tư phục dựng và nghiên cứu di tích này. 

Bảo tồn và phát huy một di tích có giá trị lịch sử to lớn như dinh trấn Thanh Chiêm không phải chỉ ngày một ngày hai mà cần có một quá trình lâu dài, sự đầu tư công sức nghiên cứu về tư liệu lịch sử còn lưu trữ trong và ngoài nước, kinh phí và trí tuệ tâm huyết của cả một thế hệ hôm nay. Nhưng tôi tin chúng ta sẽ làm được, vì bản chất con người Việt Nam vốn quý trọng truyền thống lịch sử tốt đẹp của ông cha, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” luôn là mạch nguồn ngầm chảy trong tim mỗi người…

Chú thích: 

1, 2 Vũ Hữu Minh, Báo cáo điền dã khu vực Thanh Chiêm, Điện Bàn, Ngày 17.7 - 19.7.1989, Trung tâm Thiết kế và Tu bổ các công trình Văn hóa, Bộ Văn hóa và Thông tin 

3, 4 Kikuchi Seiichi, Nghiên cứu đô thị cổ Hội An - Từ quan điểm khảo cổ học lịch sử, (Hà Nội: Thế giới, 2010). 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Báo cáo điền giả khu vực Thanh chiêm, Điện Bàn, ngày 17.7 - 19.7.1989 - Vũ Hữu Minh, Trung tâm Thiết kế và Tu bổ các công trình Văn hóa - Bộ Văn hóa và Thông tin 

2. Kikuchi Seiichi. 2010. Nghiên cứu đô thị cổ Hội An - Từ quan điểm khảo cổ học lịch sử. Hà Nội: Thế giới mới. 

3. Kết quả thám sát và khai quật Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam năm 1999 - 2000.
DINH TRẤN THANH CHIÊM BIỂU TƯỢNG
VĂN HÓA XỨ QUẢNG CẦN ĐƯỢC TÔN VINH?

Đông Phương 

Quảng Nam được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, sự ra đời của vùng đất này gắn với quá trình mở mang bờ cõi và phát triển đất nước về phương Nam của dân tộc Việt. Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, dù có nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử nhưng con người và thiên nhiên nơi đây đã tạo dựng nên một nền văn hóa có bản sắc riêng - gọi là văn hóa xứ Quảng. Trong dòng chảy bồi đắp nền văn hóa đó, dinh trấn Thanh Chiêm được coi là một trong những biểu tượng của văn hóa xứ Quảng có nhiều giá trị, đến nay cần được bảo tồn, tôn vinh. 

1. Dinh trấn Thanh Chiêm được xây dựng trên đất Thanh Chiêm, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, nay là thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Dinh trấn Thanh Chiêm ra đời gắn liền với sự kiện chúa Nguyễn Hoàng chọn làm cơ sở hành chính cho vùng đất mới Quảng Nam (năm 1602 chính thức thành lập dinh Quảng Nam). Dinh trấn nằm bên bờ sông Sài Thị (sông Chợ Củi, một nhánh lớn của sông Thu Bồn), có bến đậu tàu và chợ buôn bán tấp nập, đông đúc. Nằm dọc đường thiên lý Bắc - Nam, dinh trấn Thanh Chiêm nối liền miền núi với biển Đông, rất thuận lợi về giao thông đến các vùng miền lân cận và cảng thị Hội An, đem lại nhiều thuận lợi về quản lý hành chính, lãnh thổ, tạo điều kiện phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa của Quảng Nam và mang tính quyết định toàn bộ quá trình mở mang lãnh thổ của xứ Đàng Trong sau này. 

Vị trí, vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm trong lịch sử hết sức quan trọng, không những là điểm hậu phương, khởi đầu cho quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam của dân tộc Việt mà còn là cơ quan đầu não, toàn quyền điều hành, giải quyết các vấn đề xứ Đàng Trong. Được coi là “kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong”1 , nên dinh trấn Thanh Chiêm là cơ sở đào luyện các quốc vương Đàng Trong; xây dựng, cung ứng kinh tế hậu cần; tham mưu và điều hành việc giữ gìn an ninh, bảo vệ độc lập chủ quyền Đàng Trong. Đặc biệt, Thanh Chiêm còn là nơi khai sinh chữ Quốc ngữ, mở đầu cho việc hình thành một nền văn hóa xứ Quảng nói riêng, Việt Nam nói chung như ngày nay. 

2. Tính văn hóa của khu vực Quảng Nam nói chung, thời kỳ dinh trấn Thanh Chiêm nói riêng, trước hết được thể hiện ở văn hóa vật thể. Tại dinh trấn Thanh Chiêm, các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học đã phát hiện nhiều vật thể minh chứng cho một nền văn hóa thời kỳ “vàng son” nhất là vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Theo nhà nghiên cứu Trương Quốc Bình: “kết quả khai quật khảo cổ học tại 20 địa điểm trên địa bàn Quảng Nam đã khẳng định rằng, từ 6.000 năm trước đây, xứ Quảng là nơi cư trú của con người thời tiền sơ sử (di chỉ Bàu Dũ ở xã Tam Xuân, Núi Thành). Và, các di tích Sa Huỳnh có niên đại dưới 2.000 năm cách ngày nay ở Quảng Nam chứng minh cho những thành tựu phát triển kinh tế nông nghiệp của cư dân bản địa, trước khi tiếp xúc với những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài”.2 

Thời kỳ lịch sử tiếp theo được các nhà khảo cổ tìm ra nhiều cổ vật như: di vật bằng đồng, đồ trang sức bằng đá, các loại đồ gốm, sứ… thể hiện sự giao thương với các nước bên ngoài từ rất sớm ở các cảng thị Hội An, Cù Lao Chàm, sông Thu Bồn thuộc dinh trấn Thanh Chiêm. Ví dụ tiêu biểu như “cái cày” trong việc canh tác đất đai của người Việt, nếu như ở phía Bắc thì công cụ này không rộng, lớn như ở xứ Quảng vì đất đai nơi đây khô, cứng lại nhiều cỏ cây. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng nhận định: “Đất thuộc vùng Quảng Nam bị hoang hóa lâu ngày, cỏ mọc nhiều. Có lẽ vì vậy mà người xứ Quảng thuở đó phải dùng cái cày của người bản địa rồi cải tiến lại cho phù hợp với người Việt”.3 Hay cái “ghe bầu” - một phương tiện đi lại đường thủy của người xứ Quảng cũng có những nét riêng, ảnh hưởng từ ghe bầu người Chăm xưa. “Chính nhờ tiếp cận với phương tiện này mà về sau hải quân Đàng Trong có đủ chiến thuyền để thành lập hai hải đội lớn là Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải thường xuyên đi tuần tra suốt hải phận Đàng Trong… Tất cả chiến thuyền này đều đóng theo kiểu ghe bầu, mà ghe bầu được người Việt Đàng Trong cải tiến theo mô thức ghe của người Chăm”.4 

Gần đây, các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã tiến hành hai cuộc điều tra khai quật di tích ở thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (năm 1999 và 2001) đã thu được nhiều chứng tích liên quan đến dinh trấn Thanh Chiêm. Theo nhà nghiên cứu Châu Yến Loan, cuộc khai quật di tích đã: “tìm được một dấu tích kiến trúc hình vuông có kích thước 1,8 m x 1,8 m. Dấu tích kiến trúc nằm sâu khoảng 1,2 - 1,3 m, lớp đất bao phủ màu đen và có thể chia làm 3 lớp: lớp cát, lớp gạch vụn và lớp bột màu trắng. Lớp gạch gồm những mảnh gạch mỏng được ép chặt, dày 0,3 m và có 3 tấm ván. Trên bề mặt những tấm ván này có rất nhiều chỗ lõm mà người ta cho rằng đây là dụng cụ để thêm lót”.5 Những di vật khác cũng được phát hiện như mảnh gốm, đồ trang sức, các vật dụng hàng ngày có niên đại thế kỷ XVII, XVIII. Như vậy, tại thôn Thanh Chiêm, các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã tìm thấy dấu tích kiến trúc dinh trấn Thanh Chiêm được chúa Nguyễn xây dựng năm 1602, tồn tại cho đến 1775 khi quân Trịnh chiếm Dinh Chiêm. 

Ngày nay, dinh trấn Thanh Chiêm thuộc xã Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn là một làng quê yên bình như bao làng quê khác, tọa lạc bên Quốc lộ 1A, những dấu tích của Dinh Chiêm chỉ còn lại những vết tích, những địa danh trong ký ức của người dân địa phương như: 

Dinh trấn: nơi quan Trấn thủ sống và làm việc, nay không còn vết tích. Thành Vệ: xưa đắp bằng đất để bảo vệ dinh trấn nhưng nay bị san lấp thành ruộng vườn đất thổ cư. 

Mô súng: là khu đất nhô cao ở phía đông của dinh trấn, đặt khẩu súng thần công hướng ra biển và sông Chợ Củi để bảo vệ dinh trấn, nay không còn vết tích gì nữa. 

Tàu tượng: là các chuồng nuôi voi được xây dựng trên một khu đất rộng. Ngày nay nhiều nhà dân đã ở trên đó. 

Kho muối: là một dãy nhà kho để tích trữ muối, lương thực, tiền đồng để dự trữ, phục vụ cho dinh trấn, về sau cũng bị phá hủy. 

Tịch điền: nằm ở phía đông dinh trấn, là thửa ruộng công, nơi hàng trăm quan trấn thủ đến làm lễ, cày ruộng và sạ lúa để khuyến khích nhân dân trồng lúa. Số thóc thu hoạch hàng năm từ tịch điền được sung vào công quỹ để sửa chữa các công thự của dinh trấn Thanh Chiêm. 

Nhà lao: là khu đất rộng hơn 700 m2 , nằm ở phía tây bắc của Trấn sở, xưa kia là nơi giam giữ tù nhân. Trong một thời gian dài khu đất này bị bỏ hoang vì nhân dân kiêng kỵ không dám cất nhà trên đó. 

Vọng Khuyết: nằm ở phía đông của dinh trấn, trước đây là một lầu vọng có trống, chiêng để các quan ở Quảng Nam dinh chầu vọng về kinh đô Huế trong những ngày giỗ kỵ, vua chúa nhà Nguyễn hoặc những ngày khánh tiết. Ngày nay đã trở thành đất thổ cư. 

Văn Miếu: là đền thờ đức Khổng tử nằm phía tây dinh trấn, chính đường có 3 gian, 2 chái, tiền đường 5 gian. Văn Miếu đã bị phá hủy trong kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Đền Khải Thánh: thờ thân phụ đức Khổng Tử là Thúc Lương Ngột. Đền Khải Thánh nay cũng không còn. 

Gò Xử: cách nhà lao khoảng 700 thước về phía tây, gần miếu Âm hồn, là pháp trường xử các phạm nhân tử hình. Theo Alexandre de Rhodes, Gò Xử cách dinh trấn chừng nửa dặm, chừng 200 bước, tức là khoảng 1 km, về sau gọi thành Gò Sứ. Mỗi buổi xử có một viên quan Chủ sự, có lính bảo vệ và cho dân xem tự do. Chính nơi đây, Chân phước Anrê Phú Yên đã bị hành hình ngày 26 tháng 7 năm 1644. 

Chợ Củi: nằm ở phía tây nam của dinh trấn, bên bờ bắc của sông Chợ Củi (sông Sài Thị), dưới thời Chúa Nguyễn, chợ này buôn bán tấp nập nhiều mặt hàng nhưng chủ yếu nhất là cung cấp củi cho thuyền buôn. Gò Sài: còn gọi là Trạm Lai nằm phía đông bắc chợ Củi, là gò cao chứa củi để tránh ngập lụt, nay đã thành khu dân cư.6 

3. Về phương diện văn hóa phi vật thể, đó là toàn bộ đời sống tinh thần của các quan trấn thủ và nhân dân dinh trấn Thanh Chiêm đã sáng tạo và hun đúc thế kỷ XVII - XVIII. Trong đời sống văn hóa dân gian thì Bài chòi là một loại dân ca thịnh hành suốt thời kỳ dinh trấn Thanh Chiêm tồn tại. Về nguồn gốc của loại hình Bài chòi, nhà nghiên cứu Hoàng Chương cho rằng: “người Chăm dùng vật thể của người đàn bà và dương vật của người đàn ông để thờ (Tò - tem). Người ta vẽ những hình tượng ấy, hoặc nặn hình mang đi múa hát trong những ngày hội. Những vật thể ấy được vẽ trên con bài gọi là Bạch Huê, Nọc Thược của Bài chòi hiện nay”.7 Do đó, có thể khẳng định Bài chòi ban đầu xuất phát từ Chiêm Thành sau đó được người Việt cải biên trở thành một bộ môn nghệ thuật đậm đà chất địa phương và giàu tính nghệ thuật. 

Bên cạnh các loại hình nghệ thuật dân gian, thì tôn giáo cũng được các giáo sĩ phương Tây truyền bá và đi vào quần chúng nhân dân. Giáo sĩ Buzomi, người Ý là một trong các giáo sĩ đầu tiên thuộc Dòng Tên đến Đàng Trong truyền đạo và được quan trấn thủ Dinh Chiêm là thế tử Nguyễn Phước Kỳ đón tiếp trọng thị, lại bán đất để lập nhà thờ giáo ở gần dinh trấn Thanh Chiêm. Đến khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến giảng đạo (1624 - 1626), thì ông đã lui tới dinh trấn Thanh Chiêm nhiều lần để thực hiện công cuộc truyền giảng đạo và soạn các sách về ngôn ngữ ở xứ Đàng Trong. Công trình tiêu biểu nhất và có đóng góp to lớn đối với văn hóa xứ Quảng lúc này là cuốn Từ điển Việt - Bồ - La. Đây là công cụ sơ khai đầu tiên để tiến tới soạn dịch và cho ra đời chữ Quốc ngữ trên vùng đất Thanh Chiêm, Quảng Nam, trong những thập niên đầu thế kỷ XVII, đánh dấu một mốc son chói ngời trên tiến trình phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam. 

Năm 1625, các giáo sĩ tiên phong trong giáo đoàn đã lập trú sở truyền đạo thứ ba tại dinh trấn Thanh Chiêm sau Hội An và Nước Mặn (Quy Nhơn). Ban đầu, sứ mệnh gieo đức tin Thiên Chúa diễn ra một cách khó khăn do cách biệt ngôn ngữ, các giáo sĩ không thể hiểu dân địa phương nói gì. Vì thế, họ đã sử dụng những mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc học tập ngôn ngữ bản địa và quan trọng hơn là có thể trực tiếp giảng đạo mà không cần phiên dịch. Theo TS. Roland Jacques thì giáo sĩ Francisco de Pina là người đầu tiên bắt tay vào thực hiện công trình Latinh hóa tiếng Việt đầy khó khăn nhưng cũng không kém phần vinh quang này. Dinh trấn Thanh Chiêm vinh dự trở thành vùng đất khai sinh chữ Quốc ngữ khi giáo đoàn Francesco Buzomi đến dinh trấn để truyền bá đạo Kito. Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là quá trình lâu dài, trong quá trình đó người Việt đóng góp một phần trí tuệ không nhỏ như nhận định của Roland Jacques nhận định: “Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ không phải là công trình của phòng thí nghiệm mà có rất nhiều người Việt Nam dấn thân với sự nhiệt tình nào đó trong hành động”. Thật vậy, không phải đợi đến khi chữ Quốc ngữ hình thành người Việt mới tham gia cải tiến, hoàn thiện mà ngay từ buổi đầu họ đã có những đóng góp âm thầm mà vô cùng quan trọng để sáng tạo ra chữ Quốc ngữ chứ không phải đó là công trình riêng của các giáo sĩ người châu Âu. Trong những người Việt đó, “vấn đề để học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô thứ hai của triều đình. Kẻ Chàm theo thông báo của Pina chính là Dinh Chiêm”.8 Ngày nay, tiện ích tuyệt đối của chữ Quốc ngữ đối với nền quốc học và sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc đã được khẳng định, nhưng mấy ai biết chữ Quốc ngữ đã được khai sinh tại một làng quê dân dã ở tỉnh Quảng Nam, đó là làng Thanh Chiêm. Vì vậy, nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm những đóng góp to lớn của dinh trấn Thanh Chiêm nói riêng và vùng đất Quảng Nam nói chung là cần thiết để xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh. 

Tóm lại, mặc dù đã đi vào lịch sử hơn 400 năm, nhưng qua 200 năm hình thành và phát triển (khoảng 1602 - 1802), dinh trấn Thanh Chiêm tạo dựng một biểu tượng văn hóa có nhiều giá trị, in đậm nét trong ký ức, tâm khảm xứ Quảng, đóng góp to lớn vào kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. 

CHÚ THÍCH: 

1, 5, 6, 8 Châu Yến Loan, Dinh trấn Thanh Chiêm - Kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong, (Đà Nẵng, 2015), 62, 60, 5. 

2. TS. Trương Quốc Bình, “Dinh trấn Quảng Nam - biểu tượng về vị thế của tỉnh Quảng Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”, Vai trò lịch sử Dinh trấn Quảng Nam, (Đà Nẵng, 2002). 

3. Nguyễn Q. Thắng, “Vai trò lịch sử Dinh Quảng Nam vào hai thế kỷ XVII, XVIII”, Vai trò lịch sử Dinh trấn Quảng Nam, (Đà Nẵng, 2002). 

4. Huỳnh Thúc Kháng, Bức thư trả lời Cường Để, (Huế: Anh Minh, 1957). 

7. Hoàng Chương, Dân ca kịch bài chòi liên khu V, một nghệ thuật dân tộc đang phát triển. (Hà Nội: Văn nghệ, 1961).
NHÀ THỜ BÀ CHÚA TÀM TANG ĐOÀN
QUÝ PHI BÊN DÒNG CHỢ CỦI?

Lương Mỹ Linh

Ven quốc lộ 1A, cách cầu Câu Lâu về phía Bắc khoảng 500 m, có một tấm biển chỉ dẫn nhỏ, ghi: Nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi. Men theo con đường bê tông về phía tây khoảng 50 m sẽ gặp một ngôi nhà thờ với kiến trúc ba gian truyền thống. Đó là nhà thờ “Bà Chúa tàm tang” Đoàn Quý Phi do con cháu tộc Đoàn Công (ở thôn Đông Khương 2, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thờ tự. 

Địa phận tọa lạc của nhà thờ nằm trong khu vực Chợ Củi xưa, gần địa danh Gò Xử và cách bến sông Chợ Củi (Sài Thị giang, về sau đổi thành sông Thu Bồn), không xa. Nhà thờ quay về hướng Đông trong khuôn viên gần 500 m2 . Qua cánh cổng đơn sơ với mấy bậc tam cấp là bức bình phong, rồi khoảng sân nhỏ là đến từ đường với biển khắc trên chính diện Nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi. Mái ngói âm dương trang trí lưỡng long chầu nguyệt trên đường nóc đã nhuốm màu. Bên trong, gian chính tự là nơi thờ phụng Đức bà. Ngôi nhà thờ này được trùng tu vào thời điểm gần nhất là năm Canh Thìn (2000) do con cháu tộc Đoàn Công thực hiện. Từ dáng vẻ bên ngoài đến cách bài trí bên trong không khác biệt nhiều (và khá khiêm tốn) so với những ngôi nhà thờ đang có trên vùng đất Điện Phương, Điện Bàn. Thế nhưng, lật mở trang sử, đặc biệt là những văn tự mà gia tộc Đoàn Công còn lưu giữ mới thấy được giá trị lớn lao của ngôi nhà thờ này. 

Câu chuyện tình được dân gian cổ tích hóa “Đám mây ngũ sắc hình lá sen” (Theo Văn học dân gian Điện Bàn) 

Chuyện rằng: Có một hoàng tử thất trận chạy trốn trên chiến thuyền cùng tàn quân, trôi dạt trên dòng Chợ Củi. Thuyền lạc vào một bến vắng. Hoàng tử mỏi mệt chìm vào giấc ngủ. Chàng bị đánh thức bởi ánh mặt trời chói chang với tâm trạng đầy uể oải. Chợt trong đám dâu mênh mang ven bờ rung động vang lên câu hát véo von: 

Thuyền rồng gác phượng đâu đâu 
Cảm thương phận thiếp hái dâu một mình. 

Hoàng tử bỏ bữa ăn. Chàng men theo tiếng hát. Nhưng bốn bên mịt mù dâu xanh. Tiếng hát lại chỉ vang lên một lần như trêu ghẹo. Chợt hoàng tử thấy một đám mây hạ xuống lưng chừng không gian. Một đám mây ngũ sắc hình lá sen. 

Hoàng tử vạch lá dâu bước gấp. Đám mây vẫn lững lờ phô vẻ đẹp rực rỡ trong ánh sáng chói chang. Hoàng tử hồi hộp chạm vào chân mây, chạm vào cánh lá sen vĩ đại che mát cả một vùng. 

Một thôn nữ đang đơn độc hái dâu. Tay nàng thoăn thoắt. Mắt nàng đậu vào đôi mắt chan chứa khát vọng yêu đương của hoàng tử. Những lá dâu bị buông rơi. 

Hoàng tử chạy đến nhặt những lá dâu còn ướt đẫm sương mai trao cho nàng. Nàng run rẩy nhận lấy… 

Cô gái hái dâu xinh đẹp bên dòng Chợ Củi trở thành Đoàn Quý Phi trong lịch sử đời chúa Nguyễn, là vợ chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, được tấn phong Hiếu Chiêu Hoàng hậu. 

Bà Chúa tàm tang xứ Quảng 

Năm Tân Sửu (1601), tại châu Đông Yên, huyện Hy Giang, gia đình ông Đoàn Công Nhạn và bà thứ thất Võ Thị Ngọc Thành đã sinh hạ một mỹ nữ, tên là Đoàn Thị Ngọc. Gia đình ông Đoàn Công Nhạn sống bằng nghề nông tang. Năm 15 tuổi, cô thôn nữ hái dâu Đoàn Thị Ngọc đã có cơ duyên gặp được nhị công tử Nguyễn Phúc Lan, trở thành con dâu của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. 

Hơn 30 năm chung sống với chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, bà Đoàn Thị Ngọc đã sinh hạ 3 công tử và 1 công nữ: Nguyễn Phúc Vũ, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Quỳnh và Nguyễn Phúc Ngọc Dung. Trừ vị công tử thứ hai là Nguyễn Phúc Tần sau này trở thành chúa Hiền thì 3 người con còn lại đều mất sớm. 

Vốn xuất thân từ gia đình nông tang, với vị thế là chánh phi của chúa Thượng, mẫu thân của chúa Hiền nên thời gian ở chính dinh, Đoàn Quý Phi đã đem nghề tàm tang từ xứ Quảng Nam truyền lại cho dân miền Thuận Hóa. Năm 1638, khi chúa Thượng sai Thế tử Thái phó Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần vào Thanh Chiêm để trấn thủ dinh Quảng Nam, bà Đoàn Quý Phi theo con trở lại xứ Quảng. Bà sống và làm việc tại dinh trấn Thanh Chiêm cùng con trai Nguyễn Phúc Tần trong vòng 10 năm. Sau khi thế tử Nguyễn Phúc Tần ra Thuận Hóa để lên ngôi chúa Hiền, bà vẫn ở lại Thanh Chiêm cho đến cuối đời. Trong 22 năm còn lại sống tại Quảng Nam, bà Đoàn Quý Phi hết sức chăm lo cho việc phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tại hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Hàng loạt các làng nghề dệt lụa được mở ra và được lan truyền vào tận Phú Yên. Bà Đoàn Quý Phi đã có công lớn trong việc khuếch trương nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải ở hai miền Thuận - Quảng. Nhân dân yêu quý gọi là “Bà Chúa tàm tang”. Những trang gia phả của tộc Đoàn Công 

Ông Đoàn Công Bá, hậu duệ đời thứ 13 của tộc Đoàn Công hiện đang sống tại thôn Đông Khương 1, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn. Ông là người đang lưu giữ những trang gia phả quý giá của tộc Đoàn Công. Gọi là “những trang” bởi qua bao thời gian, loạn lạc, thiên tai, gia tộc Đoàn Công may mắn chỉ còn lưu lại một số trang gia phả với thời điểm ghi chép không liền nhau. Những bản gốc đã bị mối mọt đục thủng lỗ chỗ. Các trang giấy dó dính lại với nhau, giòn tan, không cẩn thận khi lật mở sẽ bị vỡ ra nhiều mảnh. May mắn thay, nội dung bằng Hán tự vẫn còn khá rõ. Ông Bá đã nhờ người chép tay và tạm chú dịch Việt ngữ sang một bản khác. 

Trang thứ nhất (tạm gọi), được lập vào tháng 3 năm Chánh Hòa thứ 4 (1683) ghi rõ, thủy tổ tộc Đoàn từ Hải Dương theo dòng người Nam tiến đến Quảng Nam, rồi định cư ở châu Đông Yên, huyện Hy Giang thuộc Duy Xuyên. Cũng theo tài liệu này, dưới triều Chánh Hòa (không ghi rõ năm), châu Đông Yên bị phân chia thành hai: Đông Yên Tây và Đông Yên Đông. Tộc Đoàn Công sinh sống tại Đông Yên Đông, còn gọi là Đông châu nhưng vẫn thuộc Duy Xuyên. Những trang kế không liền nhau về thời gian nhưng cũng đủ cung cấp cho người đọc về gia phả tộc Đoàn Công, bắt đầu từ ông Đoàn Công Huyền tổ phụ. Trang gia phả về Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Thị Ngọc được lập vào năm Thành Thái thứ 6 (1894). 

Theo lịch sử, ngày 17 tháng 5 năm Tân Sửu (12.7.1661), bà Đoàn Quý Phi qua đời tại dinh trấn Thanh Chiêm, hưởng thọ 60 tuổi. Chúa Hiền an táng mẫu phi tại gò Cốc Hùng, làng Chiêm Sơn, xây lăng Vĩnh Diên đồng thời cho dựng nhà thờ Đức bà tại Đông Yên. 

Một tài liệu khác ghi rõ, đến năm Canh Thìn 1680 thời vua Chánh Hòa Lê Hy Tông (1679 - 1705), tức năm chúa Nguyễn Phúc Tần thứ 32, một trận lũ lớn đã gây xói lở, sông Chợ Củi chia cắt châu Đông Yên thành hai vùng ở đôi bờ bắc nam. Nội dung này trùng với sự kiện được ghi trong trang gia phả tộc Đoàn. Sau trận đại hồng thủy này, nhà thờ bà Đoàn Quý Phi hoàn toàn bị hủy hoại. Đến thời chúa Ninh vương Nguyễn Phúc Thụ, thường gọi là Nguyễn Phúc Trú (1725 - 1738), nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi được xây dựng lần thứ hai trên đất Đông Yên Đông, lùi xa bờ bắc Sài Thị giang. 

Đến thời Tây Sơn, ngôi nhà thờ này bị phá hủy hoàn toàn. Sau khi vua Gia Long lên ngôi, nhà thờ Đức bà lại được dựng lại trên nền đất cũ. Năm Gia Long thứ 5 (1806), bà được truy tôn là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng hậu và được thờ cùng chồng là Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng đế ở án thứ nhất bên hữu tại Thái Miếu (Đại Nội Huế). 

Về sau, do sông Chợ Củi bị đổi dòng nên nhà thờ Đức bà bị nước xoáy cuốn trôi phần tiền sảnh. Đến năm Thành Thái thứ 6 (1894), nhà vua ra chiếu chỉ ban cho tộc Đoàn Công một ngàn lạng bạc để dựng lại nhà thờ tại vị trí hiện nay (thuộc thôn Đông Khương 2, xã Điện Phương). Dưới thời vua Bảo Đại, năm 1930, nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi tiếp tục được trùng tu. Sau hiệp định Genève, năm 1958, lại tiếp tục trùng tu và đến năm Canh Thìn (2000), nhà thờ Đức bà lại được tộc Đoàn Công trùng tu lại khang trang hơn cho đến hôm nay. Ngoài xuân kỳ thu tế, ngày 17 tháng 5 âm lịch hàng năm, con cháu tộc Đoàn Công lại quây quần về ngôi nhà thờ, thành kính dâng hương hoa bánh quả, tưởng nhớ và giáo dục cháu con về truyền thống gia tộc, về lòng tôn kính cũng như tự hào về cuộc đời và những đóng góp của Đức bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu đối với quê hương đất nước. 

Thay lời kết 

Thân thế và cuộc đời bà Chúa tàm tang Đoàn Quý Phi được sử sách ghi lại khá rõ. Công lao của bà đối với nghề dâu tằm, dệt vải vùng Thuận - Quảng cũng được ghi nhận. Lăng Vĩnh Diên tại Chiêm Sơn đã được nhà nước công nhận là Di tích cấp quốc gia, hiện do huyện Duy Xuyên là đơn vị chủ quản. 

Tuy vậy, đền thờ Đức bà bên dòng Chợ Củi tại làng Đông Yên xưa (Đông Khương nay), tính từ ngôi thờ đầu tiên được xây dựng khi Đức bà mất đến nay là vừa chẵn 355 năm. Thời gian và những bể dâu đã làm cho nhà thờ mất đi kiến trúc gốc cũng như bị dịch chuyển nhiều lần trên vùng đất ven sông Chợ Củi. Thế nhưng, những giá trị về văn hóa - lịch sử của ngôi nhà thờ vẫn cần được ghi nhận thích đáng để công tác bảo tồn, phát huy được tốt hơn. 

Theo ông Đoàn Công Bá, con cháu tộc Đoàn Công hiện nay sinh sống rải rác nhiều nơi, tại địa phương không còn nhiều, đa phần làm nghề nông, mưu sinh vất vả. Việc tôn tạo, tu bổ cũng như tế tự tại Nhà thờ Đức bà tuy không ai xao nhãng, nhưng vẫn gặp những khó khăn nhất định. Nhất là trong điều kiện khu vực nhà thờ tọa lạc gần sông Thu Bồn, thấp trũng, vào mùa mưa lũ nước chảy rất xiết. Không gian chung của nhà thờ cũng nhỏ hẹp, nhiều hạng mục xây dựng còn sơ sài. Việc đề nghị công nhận thành di tích cho nhà thờ có lẽ không chỉ là nguyện vọng của riêng ông mà là của tất cả cháu con trong dòng tộc để Nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi có thêm cơ sở để trùng tu tôn tạo cũng như công tác giáo dục phát huy công đức của Đức bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu được sâu sắc hơn. 

Với tôi, không chỉ hoàn toàn ủng hộ ý nguyện của ông Đoàn Công Bá, mà chắc chắn, trong thời gian sớm nhất, tôi sẽ tích cực hơn nữa để hỗ trợ gia tộc trong việc hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận di tích cho Nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi tại khu vực Chợ Củi lịch sử này. 

Tuy không dám nói với ông Đoàn Công Bá, nhưng thật lòng, tôi rất lo lắng, xót xa trước những trang gia phả gốc đang có dấu hiệu bị hư hỏng nghiêm trọng. Nếu không có sự lưu giữ, phục chế một cách khoa học hơn thì những trang giấy mong manh nhưng đầy giá trị kia ở một vùng quê đầy thiên tai gió bão, thấp lụt sẽ khó tồn tại lâu dài! 

Sự tồn tại của nhà thờ Đức bà Đoàn Quý Phi là một dấu tích rất quý và có mối liên kết chặt chẽ để minh chứng sự tồn tại của dinh trấn Thanh Chiêm bên dòng sông Chợ Củi. Hơn nữa, có một vấn đề rất đáng lưu ý từ những trang gia phả của tộc Đoàn Công, đó là sự tồn tại của một châu Đông Yên rộng lớn. Sau trận đại hồng thủy đời vua Chính Hòa (1680) đã chia cắt Đông Yên. Đông Yên Đông (Đông châu) là vùng đất bắc sông Chợ Củi và cũng chính là nơi sinh sống của một số con cháu tộc Đoàn, trong đó gia đình thân phụ Đức bà Đoàn Quý Phi - ông Đoàn Công Nhạn. Từ đó có thể đoán định rằng Đông Yên là một châu rộng lớn, kéo dài từ Chiêm Sơn đến khu vực Cầu Mống hiện nay. Trang gia phả cũng ghi rõ, sau khi bị chia cắt, Đông Châu vẫn thuộc Duy Xuyên. Cho đến thời thời chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, Đông Châu được cải thành Đông Giáp và đến thời vua Tự Đức, làng Đông Giáp mới được sáp nhập vào phủ Điện Bàn, đổi thành Đông Khương cho đến ngày nay. 

Thiết nghĩ, đây cũng là một manh mối quan trọng để các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm tòi, liên kết với vị trí tọa lạc đầu tiên của dinh trấn Thanh Chiêm (năm 1602) là địa danh Cần Húc, được ghi là thuộc huyện Duy Xuyên, đã gây nên bao tranh luận, đoán định khác về vị trí di tích dinh trấn Thanh Chiêm hiện nay!. 

NHÀ THỜ PHƯỚC KIỀU TRONG KHU VỰC
DINH TRẤN THANH CHIÊM?

Đinh Trọng Tuyên

Nằm trong khu vực di tích dinh trấn Thanh Chiêm, có một địa danh được Giáo hội Công giáo Việt Nam xem như đất thánh, đó là nhà thờ Công giáo Phước Kiều, nơi Pina đã từng sống và nghiên cứu tiếng Việt. Tại Phước Kiều hiện nay vẫn còn lưu truyền về một vùng đất mang địa danh Hoa Lang xứ. Ngược dòng lịch sử, từ năm 1615 khi những nhà truyền giáo Tây phương đến Đàng Trong, họ được dân địa phương gọi là người Hoa Lang. Vậy đã rõ, xứ đất Hoa Lang tại Phước Kiều chính là nơi các giáo sĩ Tây phương như: Pina, Borri, Fontes, Majorica, de Rhodes… đã từng sống và làm việc. Giáo sĩ Cristoforo Borri chép: “Năm 1619, một đại tăng, kẻ thù lớn của lòng tin thánh thiện của chúng ta thuyết phục nhà vua lưu đày các cố đạo và phá hủy nhà thờ nhưng nhà thờ vẫn sừng sững ở Kẻ Chàm (Thanh Chiêm) với tên gọi nhà của mẹ Jeanne”. 

Ngôi nhà thờ có tên gọi “nhà của mẹ Jeanne” là do Pina mua vào năm 1619 với mục đích làm chỗ trú chân tại Thanh Chiêm, thật vậy, chính Pina đã viết trong báo cáo gửi cho Cha bề trên Rodriguez: “Thưa cha kính mến, rằng con đã mua hai cái nhà của mẹ Jeanne ở Kẻ Chàm. Mỗi nhà có ba gian, một làm nơi ở, nhà kia làm tiểu giáo đường”. Không nghi ngờ gì nữa, xứ đất Hoa Lang tại Phước Kiều chính là nơi đã từng tọa lạc ngôi nhà và ngôi tiểu giáo đường mà Pina đã sống và làm việc. 

Nhờ quan hệ tốt với thế tử Kỳ ở dinh trấn Thanh Chiêm nên Pina đã lập một trú sở mới ở đây vào khoảng cuối năm 1624, đầu năm 1625 và đến tháng 5 năm 1625, Pina chính thức trở thành Cha bề trên quản nhiệm trú sở truyền giáo Thanh Chiêm (Residentia Dinh Ciam), trú sở quan trọng nhất tại Đàng Trong vì nó ở ngay cạnh dinh trấn Quảng Nam. Triều đình thứ hai của xứ sở này do thế tử Nguyễn Phúc Kỳ đứng đầu. Không chỉ có hoạt động nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ, tại trú sở Thanh Chiêm, Pina vừa là thầy dạy tiếng Latinh cho các thầy giảng người Việt vừa là giáo sư Việt ngữ cho hai giáo sĩ dưới quyền mới đến hồi cuối năm 1624 là Antonio de Fontes và A.de Rhodes - người sau này được thực dân Pháp tôn vinh một cách có dụng ý, như là ông tổ của chữ Quốc ngữ. Nói không ngoa, trú sở Thanh Chiêm là Học viện Việt ngữ đầu tiên trên thế giới, mà Pina có tư cách là vị giám đốc khai lập và A.de Rhodes là vị giám đốc kế nhiệm. Năm 1930, trên nền đất ngôi tiểu giáo đường của Pina. Linh mục Pierre Auguste Gallioz (cố Thiết) đã dựng lên nhà thờ Phước Kiều, nhưng do những biến động chính trị và chiến tranh mà từ năm 1945 đến năm 1954 nhà thờ Phước Kiều bị phá hủy hoàn toàn. Sau năm 1954, nhà thờ Phước Kiều được xây dựng lại nhưng không được sử dụng thường xuyên và gần như bỏ hoang cũng vì chiến tranh. Sau năm 1975, Phước Kiều trực thuộc giáo xứ Vĩnh Điện, mỗi tuần chiều chủ nhật linh mục từ nhà thờ Vĩnh Điện mới đến dâng lễ tại nhà thờ Phước Kiều. Vào năm 2000, nhân dịp thầy giảng Anrê Phú Yên được đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị (Jean Paul the Second) tuyên phong Á Thánh (Chân Phước), linh mục Phêrô Vũ Văn Khóa, cha sở Vĩnh Điện khởi sự công việc trùng tu nhà thờ Phước Kiều. Tháng 12.2006, giám mục Giuse Châu Ngọc Tri quyết định sáp nhập họ đạo Phước Kiều và Gò Nổi vào giáo xứ Hội An do linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng và Tôma Vũ Minh Danh coi sóc. Ngày 26.7.2007, giám mục Giuse Châu Ngọc Tri, giáo phận Đà Nẵng đã nâng nhà thờ Phước Kiều lên hàng Đền Thánh. Với tư cách là hậu thân của ngôi tiểu giáo đường do Pina thiết lập, nhà thờ Phước Kiều xứng đáng trở thành di tích lịch sử bởi nơi đây xưa kia đã chứng kiến buổi bình minh của chữ Quốc ngữ, đã phát ra những tia sáng hi vọng đầu tiên trên mảnh đất dinh trấn Thanh Chiêm để rồi lan tỏa ánh hào quang khắp cõi trời Nam. Đền thánh Anrê Phước Kiều đã được linh mục Phaolô Trần Ngọc Hoàng về phụ trách kể từ ngày 28.9.2014 cho đến nay. (Địa chỉ Đền thánh Anrê Phước Kiều tại thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)… 

Sau cuộc hội thảo Danh xưng Quảng Nam năm 2000, đến tháng 8.2002, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam lại tổ chức tiếp một cuộc hội thảo nữa mang tên Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam với mục đích làm rõ vị trí, tầm cỡ của dinh trấn Quảng Nam và các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ tham gia hội thảo Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam đã đề nghị Nhà nước cần xây dựng tại Thanh Chiêm một biểu tượng về dinh trấn, một đài tưởng niệm chiến thắng hạm đội Hà Lan năm 1643, đài tưởng niệm sự ra đời của chữ Quốc ngữ mà người có công đầu là giáo sĩ Pina. Đặc biệt cần phải xây dựng tại Thanh Chiêm một dinh trấn thu gọn để góp phần giáo dục truyền thống văn hóa và phát huy tiềm năng du lịch địa phương. 

Cụ thể hơn, trong bài tổng kết hội thảo GS. Trần Quốc Vượng khẳng định: Các nhà nghiên cứu đã thống nhất đi đến kết luận vị trí của lỵ sở Quảng Nam được đặt tại Thanh Chiêm và thay mặt các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chính thức yêu cầu chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Nam cần sớm có các biện pháp khôi phục và bảo vệ di tích dinh trấn Thanh Chiêm. Cuối bài tổng kết hội thảo GS. Trần Quốc Vượng còn thể hiện ước muốn rằng khoảng năm 2000 - 2005 khu di tích dinh trấn Thanh Chiêm sẽ trở thành Di sản văn hóa quốc gia.

Nhờ sự vận động của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ trong nước và sự đề nghị của UBND huyện Điện Bàn cũng như Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam mà di tích dinh trấn Thanh Chiêm được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh - thành phố, theo Quyết định số 133/QĐ-UBND do ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ký ngày 10.01.2008. Sự kiện này đồng thời cũng chấm dứt năm năm tranh luận về vị trí lỵ sở dinh trấn Thanh Chiêm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. Roland Jacques (2002). Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics Prior to 1650/ L’oeuvre de quelques pionniers Portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650. Bangkok: Orchid Press. 

2. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 - 1659. Sài Gòn: Đuốc Sáng. 

3. Thanh Lãng. “Những chặng đường của chữ Việt Quốc ngữ”. Đại học. Số tháng 2.1961 - Kỷ niệm giáo sĩ Đắc Lộ. 

4. Georges Taboulet (1956). La geste française en Indochine: 1858 - 1912. Paris: AdrienMaisonneuve. 

5. Dương Quảng Hàm (1943). Việt Nam văn học sử yếu. Hà Nội: Nha học chính Đông Pháp. 

6. Hoàng Tiến. Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX (Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, ký hiệu KX 06-17). 

7. Hoàng Xuân Việt (2006). Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ. Hà Nội: Văn hóa thông tin. 

8. L. Cadière (1904). “La question du quôc-ngu/Vấn đề quốc ngữ”. Revue indochinoise. N°1, Hanoi, Impr. d’Extrême-Orient. 

9. Alexandre de Rhodes (1991). Từ điển An Nam - Lusitan - Latinh (Từ điển Việt - Bồ - La), Bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính. Hà Nội: Khoa học xã hội. (đối chiếu nguyên bản Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, Rome, 1651). 

10. Cristoforo Borri (1631). Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine. Lille. Impr. de Pierre de Rache.
DINH TRẤN THANH CHIÊM - MỘT TIỀM NĂNG VĂN HÓA TRONG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TẠI QUẢNG NAM?

Nguyễn Thị Thanh Tùng

I. Mở đầu 

Cùng với những loại hình du lịch hiện đại như du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục,... trong thời gian gần đây, du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng... để tạo sức hút đối với khách du lịch bản địa và từ khắp nơi trên thế giới. Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ. Phần lớn hoạt động du lịch văn hóa gắn liền với địa phương - nơi lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa và vẫn còn nhiều hộ dân đói nghèo. Khách du lịch ở các nước phát triển thường lựa chọn những lễ hội của các nước để tổ chức những chuyến du lịch nước ngoài. Bởi thế, thu hút khách du lịch tham gia du lịch văn hóa tức là tạo ra dòng chảy mới và cải thiện cuộc sống của người dân địa phương. Quảng Nam là một địa phương trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ về loại hình du lịch văn hóa. Cùng với phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào kỳ họp lần thứ 23 năm 1999, Quảng Nam còn có khá nhiều tiềm năng văn hóa đang được quan tâm phục hồi, phát triển và định hướng gắn kết với du lịch. Các lễ hội như lễ tế cá Ông của cư dân ven biển, rước cộ chợ Được, lễ hội Bà Thu Bồn,…; Các làng nghề như đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, dệt Mã Châu, chiếu cói Bàn Thạch,… đều nằm trong định hướng phát triển du lịch bền vững của tỉnh. 

Một điểm đặc sắc nữa trong văn hóa của Quảng Nam đó là vùng đất ra đời của chữ Quốc ngữ gắn với dinh trấn Thanh Chiêm. Dinh trấn Thanh Chiêm là thủ phủ thứ hai của Đàng Trong sau Thuận Hóa, đóng một vai trò rất lớn trong lịch sử của dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng nếu như được quan tâm khẳng định đúng giá trị, vai trò của dinh trấn Thanh Chiêm, di tích lịch sử văn hóa này sẽ mang tới cho Quảng Nam nhiều tiềm năng để có thể phát triển loại hình du lịch văn hóa, gắn kết với các điểm du lịch đã có sẵn, góp phần nâng cao sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

II. Nội dung 

1. Du lịch văn hóa là gì? 

Ở những nước kém phát triển hoặc đang phát triển, nền tảng phát triển phần lớn không dựa vào những đầu tư lớn để tạo ra những điểm du lịch đắt tiền, mà thường dựa vào nguồn du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc dân tộc. Những nguồn lợi này đóng góp đáng kể cho sự phát triển của cộng đồng xã hội. Những quốc gia phát triển mạnh du lịch văn hóa trên thế giới là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, và một số nước thuộc khu vực Nam Mỹ... Tổ chức du lịch thế giới (WTO - World Tourism Organization) từng thống kê du lịch văn hóa đóng góp khoảng 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng khoảng 15% mỗi năm.1 

Tại Việt Nam, nhiều hoạt động du lịch văn hóa được tổ chức dựa trên những đặc điểm của vùng miền. Ví dụ: Chương trình lễ hội Đất Phương Nam (Lễ hội văn hóa dân gian vùng đồng bằng Nam Bộ), lễ hội Festival Huế (Nhã nhạc Cung đình Huế, Lễ tế đàn Nam Giao,…), Con đường Di sản miền Trung (Lễ hội dân gian kết hợp tham quan những di sản văn hóa được UNESCO công nhận)... là những hoạt động của du lịch văn hóa, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Vậy du lịch văn hóa là gì? Theo định nghĩa của WTO, du lịch văn hóa là những chuyến đi mà mục đích chính hoặc mục đích bao gồm trong đó là thăm các địa điểm, sự kiện mà giá trị văn hóa, lịch sử của chúng khiến chúng trở thành một phần trong di sản văn hóa của một cộng đồng. Như vậy, với định nghĩa này có thể thấy tham quan các điểm di sản văn hóa không nhất thiết là động lực chính của một chuyến du lịch văn hóa. Từ đó chúng ta có thể kết hợp du lịch văn hóa cùng các loại hình khác để tăng hiệu quả, sự hấp dẫn. Tiêu biểu hiện nay có thể kể đến loại hình “Eco-cultural” tourism, tức là kết hợp du lịch văn hóa và sinh thái thông qua những chuyến phiêu lưu, khám phá cảnh quan, sinh thái và văn hóa chứ không chỉ tham quan, nghỉ dưỡng đơn thuần. Cách làm này sẽ giúp các tour du lịch hấp dẫn, đa dạng hơn, khai thác được nhiều giá trị của địa phương. 

Theo bài viết "Về nội hàm văn hóa du lịch" thì văn hóa là nguồn tài nguyên độc đáo của du lịch (nguồn nguyên liệu để hình thành nên hoạt động du lịch). Nguồn nguyên liệu văn hóa có hai loại cơ bản: Văn hóa vật thể là những sáng tạo của con người tồn tại, hiện hữu trong không gian mà có thể cảm nhận bằng thị giác, xúc giác, chẳng hạn những di tích lịch sử văn hóa, những mặt hàng thủ công, các công cụ trong sinh hoạt, sản xuất, các món ăn dân tộc… Văn hóa phi vật thể như lễ hội, các loại hình nghệ thuật, cách ứng xử, giao tiếp… Theo quan điểm của ngành du lịch, người ta xếp các thành tố văn hóa vào tài nguyên nhân văn (đối lập với tài nguyên tự nhiên như biển, sông hồ, núi rừng, hang động…), cụ thể là: các di tích lịch sử - văn hóa; hàng lưu niệm mang tính đặc thù dân tộc; ẩm thực; lễ hội; các trò chơi giải trí; phong tục, tập quán, cách ứng xử, giao tiếp; tín ngưỡng, tôn giáo; văn học - nghệ thuật. 

Do đó, văn hóa là điều kiện và môi trường để cho du lịch phát sinh và phát triển. Cùng với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa là một trong những điều kiện đặc trưng cho việc phát triển du lịch của một quốc gia, một vùng, một địa phương. Giá trị của những di sản văn hóa: di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, các hình thức nghệ thuật, các tập quán, lễ hội, ngành nghề truyền thống… cùng với các thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội, các cơ sở văn hóa nghệ thuật, các bảo tàng… là những đối tượng cho du khách khám phá, thưởng thức, cho du lịch khai thác và sử dụng. 

Ngược lại, đối với văn hóa, du lịch trở thành phương tiện để truyền tải và trình diễn các giá trị văn hóa của một địa phương, một dân tộc. Nhờ có du lịch mà sự giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng, các quốc gia được tăng cường và mở rộng. Du lịch còn là phương tiện để đánh thức và làm trỗi dậy các giá trị văn hóa dân tộc đang bị chìm lắng hoặc mai một dần theo thời gian trước những biến cố của lịch sử. Nhờ có du lịch mà các tài sản văn hóa đó được khôi phục, khai thác và tôn tạo, phục vụ cho nhu cầu được thẩm nhận những giá trị của những di sản. Xét ở góc độ kinh tế, nhờ có du lịch đã tạo ra một nguồn thu nhập cho phép các địa phương tích lũy và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có văn hóa. Trên cơ sở đó, các tài sản văn hóa được bảo vệ, tu sửa, tôn tạo đồng thời với việc xây dựng mới các cơ sở văn hóa và làm phong phú thêm các giá trị văn hóa đương đại.2 

Chính vì những lợi ích to lớn này, trong Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Đông Á - Thái Bình Dương vào tháng 6.2004 tại Huế với chủ đề Du lịch văn hóa và giảm đói nghèo, một quan chức của Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Du lịch phát biểu: “Du lịch văn hóa là xu hướng của nhiều nước. Loại hình du lịch này rất phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, rất tốt cho hoạt động xóa đói giảm nghèo quốc gia, vì vậy phải được xem là hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam”.3 

2. Dinh trấn Thanh Chiêm và sự ra đời của chữ Quốc ngữ 

Theo tác giả Nguyễn Phước Tương trong bài viết "Địa danh Thanh Chiêm trong đơn vị hành chánh xưa và nay", thì Thanh Chiêm có thời kỳ là tên làng, có thời kỳ là tên xã thuộc phủ/huyện Điện Bàn. Nhưng cho đến nay chưa rõ địa danh này đã ra đời vào niên đại nào.

Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và Bùi Tiến Đạt biên soạn năm 1775 - 1776 thì dưới thời các chúa Nguyễn, phủ Điện Bàn gồm 5 huyện với 309 xã, phường, châu… nhưng không thấy nêu lên tên xã hay tên thôn là Thanh Chiêm. Nhưng gần đây, các dịch giả cuốn Ô châu cận lục của Dương Văn An là Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc đã cho biết rằng ngay từ dưới thời nhà Mạc đã có làng Thanh Chiêm khi viết rằng: “... theo khảo cứu của chúng tôi còn thiếu các làng An Khang, La Qua, Trà Kiệu, Thanh Chiêm” ở phần ghi chú [Thuận Hóa, 1992, 65]. 

Theo Địa bộ Gia Long lập năm 1814 thì xã Thanh Chiêm ở huyện Điện Bàn nằm ở vị trí: đông giáp với xã Phú Triêm, phường Phú Thượng Phước Kiều, phường An Nhơn, phường Phú Châu, xã Uất Lũy; tây giáp xã Nội phủ Chợ Quán, xã La Trào, châu Đông An; nam giáp châu Đông An; bắc giáp xã Lai Nghi, xã Thanh Hà, xã Cổ Lưu. Dưới thời vua Khải Định (1916 - 1925) theo tạp chí B. des Amis du Vieux Huế - xuất bản năm 1919 thì phủ Điện Bàn gồm 8 tổng (Hà Nông, Thanh Quýt, Dinh An, Phú Triêm, An Nhơn, Phú Khương, Thanh Châu và Đa Hóa), với 146 xã phường. Trong đó có xã Thanh Chiêm thuộc tổng An Nhơn cùng với các xã Phước Kiều, An Nhơn, Triêm Đông, Triêm Tây, Triêm Trung, Cẩm Lậu...4 

Mặc dù Quảng Nam thừa tuyên đạo đã ra đời từ năm 1471 thời Lê Thánh Tông, nhưng nửa phía bắc của Quảng Nam dinh là huyện Điện Bàn vẫn đang là một huyện của phủ Triệu Phong thuộc thừa tuyên đạo Thuận Hóa. Chỉ đến năm Giáp Thìn (1604), khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn sáp nhập vào dinh Quảng Nam, kể từ đó một vùng đất Quảng Nam thống nhất mới được xác lập. Đây là một quyết định sáng suốt thể hiện cái nhìn chiến lược của Nguyễn Hoàng đối với Quảng Nam trong sự nghiệp dựng nước và mở nước. Nó không chỉ đem lại những thuận lợi lớn lao trong công tác quản lý hành chính, lãnh thổ mà còn tạo điều kiện dẫn đến những phát triển vượt bậc về kinh tế và văn hóa của Quảng Nam, một vùng đất rộng lớn của xứ Đàng Trong kéo dài từ đèo Hải Vân đến tận biên giới Chiêm Thành bao gồm bốn phủ: Điện Bàn, Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. 

Lập dinh trấn Quảng Nam, Nguyễn Hoàng đã có một quyết định khác thường hiếm thấy trong lịch sử, đó là giao toàn quyền định đoạt mọi việc cho dinh trấn Quảng Nam, tạo cho Quảng Nam những điều kiện tối ưu để phát triển thành một hậu phương vững chắc cho Thuận Hóa và làm bàn đạp cho các vị chúa kế tiếp mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Từ khi dinh Trấn Quảng Nam được thành lập, việc giao thương với nước ngoài phát triển mạnh mẽ. Hội An là một thương cảng tấp nập, phồn vinh, thuyền bè các nước Tây phương, Trung Hoa, Ma Cao, Nhật Bản, Manila, Malacca… thường xuyên đến buôn bán. Với một chính sách thông thoáng, mở cửa giao thương với nước ngoài; các quan trấn thủ Quảng Nam dinh và các chúa Nguyễn đã tạo điều kiện cho Quảng Nam phát triển thành vùng đất giàu có vào bậc nhất của xứ Đàng Trong, đóng góp rất lớn vào ngân sách của Chính dinh và nâng cao đời sống của nhân dân. 

Nhà nghiên cứu Phan Khoang (Việt sử xứ Đàng Trong, Sài Gòn: Khai Trí, 1971) nói về sự ra đời của dinh trấn Thanh Chiêm như sau: “… Sau khi ở Đông Đô về (1600), Đoan Quận công dời Dinh sang phía đông dinh Ái Tử trước kia, bấy giờ gọi là Dinh Cát, rồi nhận thấy trấn Quảng Nam đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, số thuế thu vào nhiều hơn đất Thuận Hóa mà số quan thì cung bằng quá nửa, nên có ý kinh doanh đất này. Hoằng Định năm thứ ba (1602), Chúa đi chơi núi Hải Vân, thấy núi non hiểm trở, phán rằng “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, Chúa lại vượt qua núi xem xét hình thế, sai lập dinh ở xã Cần Húc (sau này là làng Vân Đông, kề làng Thanh Chiêm), xây kho tàng, chứa lương thực, rồi sai công tử thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên trấn giữ”.5 

Dinh trấn Thanh Chiêm nằm trên bờ sông Sài Thị (sông Chợ Củi), một nhánh sông Thu Bồn. Nhánh sông này thưở đó vốn là một con sông lớn, do sự hợp lưu của cả ba ngã nguồn: Thu Bồn, Chiên Đàn và Ô Da (Đại Nam nhất thống chí, “Tỉnh Quảng Nam”, Sơn xuyên, 38) và chảy gần bên thành dinh trấn, vì thế dinh trấn có bến tàu đậu và có chợ buôn bán đông đúc, tấp nập. Dinh trấn nối liền miền núi với biển Đông theo hướng Tây - Đông và nằm trên trục giao thông quan trọng nhất là đường thiên lý Bắc - Nam, rất thuận lợi về giao thông, vận tải đường thủy cũng như đường bộ. Phía nam và phía đông của dinh trấn Thanh Chiêm có sông Chợ Củi bao bọc, nối liền với cảng thị Hội An, thông ra biển Đông. Phía tây bắc tiếp giáp với một nhánh của sông Điện Bình (nay chỉ còn lại các đoạn bàu sen gọi là Bàu Ấu). Về đường bộ, Thanh Chiêm cũng nối với Hội An bằng hương lộ liên xã từ ngã ba chợ Tổng đến Hội An dài khoảng 9 km và thông với đường thiên lý Bắc - Nam đi qua Vĩnh Điện (Điện Bàn) chạy tới trạm Nam Gián (Miếu Bông) ở phía bắc để ra Hải Vân và với trạm Nam Phước (nay là thị trấn Nam Phước) ở phía nam để vào Quảng Ngãi. 

Nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm sau cuộc khảo sát điền dã tại vùng đất Thanh Chiêm năm 1958 đã cho rằng địa thế của “Dinh trấn Thanh Chiêm không quá thế thủ bằng cách tựa lưng vào núi non như quan niệm Chiêm Thành, cũng không chênh vênh ngoài bãi biển để hứng lấy những cuộc tấn công của bọn giang hồ quốc tế, thành cổ Quảng Nam quả thực đã chiếm cứ một vị trí lý tưởng, mà chiến lược gia ngày nay, khi đặt mình vào bối cảnh lịch sử xứ Nam hồi ấy, chắc còn phải lấy làm cảm phục”. 

Có thể nói, trong buổi đầu dựng nghiệp của chúa Nguyễn, dinh trấn Thanh Chiêm là cơ sở đào luyện các quốc vương của Đàng Trong. Dinh Chiêm là nơi lý tưởng để con cháu chúa tập sự điều hành đất nước trước khi ra Chính Dinh. Tại đây con chúa được bổ làm trấn thủ vương (theo cách gọi của Chu Thuấn Thủy), có toàn quyền giải quyết các vấn đề trong xứ (từ Quảng Nam trở về Nam). Các thế tử qua nhiều năm cai quản Dinh Chiêm đã rút được những kinh nghiệm quý giá trong việc điều hành chính sự, nhờ thế khi lên ngôi chúa rất vững vàng, bản lĩnh và đầy năng lực. 

Dinh trấn Thanh Chiêm là cơ quan đầu não, trực tiếp giao thiệp với người nước ngoài, kiểm soát xuất nhập khẩu và ngoại thương. Các tàu buôn, thương gia, du khách hay giáo sĩ ngoại quốc vào xứ Nam đều do hai cửa Đà Nẵng, Hội An phải trình báo về Dinh Chiêm và đợi lệnh của quan Trấn thủ. 

Dưới thời chúa Nguyễn, dinh trấn Thanh Chiêm là một căn cứ thủy quân hùng mạnh nhất trong số ba căn cứ thủy quân ở Đàng Trong là Chính Dinh, Quảng Nam dinh và Trấn Biên dinh. Với đạo thủy quân đóng trên sông Chợ Củi của Dinh Chiêm, năm 1644 thế tử Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Tần đã anh dũng đánh tan quân Hà Lan, một đội quân vô địch trên mặt biển Đông. Nguyễn Phúc Tần là người đầu tiên ghi vào lịch sử dân tộc chiến công oanh liệt đánh thắng quân Tây. Quân đội dinh trấn Thanh Chiêm đã hỗ trợ đắc lực cho Chính Dinh trong cuộc chiến chống lại họ Trịnh, họ Mạc ở Đàng Ngoài; và mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Trong khoảng thời gian 200 năm tồn tại dinh trấn Thanh Chiêm đã từng bước theo đoàn quân Nam tiến, mở rộng biên cương, đóng vai trò chủ động trong công cuộc cống hiến cho quốc gia một vựa lúa khổng lồ có thể nuôi sống cả nước. Cuộc Nam tiến khởi đầu từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến đời Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, các chúa Nguyễn đã hoàn tất kế hoạch mở rộng bờ cõi, khai chiếm toàn bộ vùng đất Nam Bộ gồm cả đất liền và các hải đảo thuộc biển Đông và biển Tây. 

Từ năm 1771 đến năm 1801, dinh trấn Thanh Chiêm qua các trận giao chiến ác liệt giữa quân Nguyễn, quân Trịnh và quân Tây Sơn đã bị phá hủy phần lớn, đến nỗi khi Gia Long thống nhất sơn hà thì nơi đây không còn chỗ để làm công việc hành chánh nên lỵ sở Dinh Chiêm phải dời về tạm đóng tại Hội An, mất vài năm mới đưa trở lại Thanh Chiêm. 

Như vậy, dinh Trấn Thanh Chiêm có vị trí quan trọng, đứng vào hàng thứ hai ở Đàng Trong sau phủ Chúa ở Thuận Hóa dưới thời chúa Nguyễn. Dinh trấn có vai trò quan trọng trong việc quản lãnh một vùng đất phì nhiêu rộng lớn, trong việc huy động các nguồn nhân lực và vật lực dồi dào cho sự phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền độc lập của Đàng Trong Đại Việt, trong việc mở cửa giao lưu buôn bán với các nước phương Đông và phương Tây qua đô thị thương cảng Hội An và là bàn đạp quyết định cho việc mở rộng biên giới đất nước về phương Nam. 

Năm Minh Mạng 14 (1833), lỵ sở của Quảng Nam dinh dời ra La Qua cách lỵ sở cũ khoảng 2 km, chấm dứt vai trò lịch sử của dinh trấn Thanh Chiêm qua hơn 200 năm.6 

Đầu thế kỷ XVII, lịch sử đã mang đến cho Dinh Chiêm vinh dự trở thành miền đất khai sinh chữ Quốc ngữ khi giáo đoàn Kitô đến dinh trấn mở đầu cho công cuộc truyền bá đạo Kitô. Tại đây các giáo sĩ, nhất là Francisco de Pina đã đặt nền móng cho việc sáng chế chữ Quốc ngữ. Pina đã sử dụng các mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt với mục đích truyền đạo Công giáo vào xứ Đàng Trong, 

Giáo đoàn Kitô gồm hơn 20 giáo sĩ Dòng Tên, đó là các linh mục và thầy giảng người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, trong đó đa phần là người Bồ Đào Nha, được phái đến xứ Đàng Trong thay vì Nhật Bản với mục đích truyền đạo Công giáo. Năm 1615, các giáo sĩ tiên phong trong giáo đoàn đã đến Đà Nẵng để tìm cách thiết lập cơ sở truyền đạo. Cho đến năm 1623, đã có hai trụ sở truyền đạo chính thức được mở, một tại Hội An (Residentia Fayfó) và một tại Nước Mặn (Residentia Nuoecman, Pulocambi) thuộc Quy Nhơn, và hai năm sau (1625) thì lập trú sở truyền đạo thứ ba tại dinh trấn Thanh Chiêm. Ban đầu, sứ mệnh gieo đức tin Thiên Chúa diễn ra một cách khó khăn do cách biệt ngôn ngữ, các giáo sĩ không thể hiểu dân địa phương nói gì bởi ngôn ngữ ở đây là một thứ tiếng như âm nhạc, nghe như chim hót. Vì thế các giáo sĩ đã sử dụng những mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc học tập ngôn ngữ bản địa và quan trọng hơn là có thể trực tiếp giảng đạo mà không cần phiên dịch. 

Theo Roland Jacques [Portuguese Pioneers ò Vietnamese Linguistics Prior to 1650/ L’oeuvre de quelques pionniers portugais dán le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650, (Bangkok, Orchid Press, 2002)], giáo sĩ Francisco de Pina là người đầu tiên bắt tay vào thực hiện công trình Latinh hóa tiếng Việt. Giáo sĩ Pina đã nhận xét tiếng Việt là một ngôn ngữ “có thanh điệu như một bản xướng âm, cần phải biết xướng âm trước đã. Chỉ sau đó mới học các chữ”. 

Vừa đặt chân đến Hội An, Pina học tiếng Việt, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã có thể trực tiếp đàm thoại với người bản địa. Giáo sĩ Gaspar Luis đã nói: “Linh mục De Pina đến Đàng Trong năm 1617. Đó là giáo sĩ đầu tiên đã miệt mài nghiên cứu tiếng nói”. Khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Thanh Chiêm vào cuối năm 1624 đã thấy Pina giảng Kinh Thánh mà không cần phiên dịch. Có thể nói, vào thời điểm đó, Pina là vị giáo sĩ đầu tiên và duy nhất giảng đạo trực tiếp cho giáo dân bản địa bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Thời gian đầu Pina học tiếng Việt tại Hội An, nhưng sau đó, vào khoảng năm 1619, ông chuyển đến dinh trấn Thanh Chiêm vì mong muốn học một ngôn ngữ thuần khiết và tránh những ảnh hưởng xấu đến quá trình học tiếng Việt có thể nảy sinh tại Hội An vì nơi này đã có hiện tượng lai tạp ngôn ngữ, bởi Phố Khách là nơi giao thoa của các nền văn hóa Việt, Trung, Nhật, Bồ… Hơn nữa, tại Hội An, người ta chỉ quan tâm đến việc buôn bán nên Pina khó có thể tiếp cận với tri thức giới trẻ ở địa phương ngõ hầu tìm kiếm sự cộng tác trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ nên Pina quyết định đến dinh trấn Thanh Chiêm. Ông nói: “Đối với con việc nghiên cứu tiếng nói, Kẻ Chàm vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm triều đình: ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy một sự giúp đỡ”. 

Về sự cộng tác của người Việt Nam, Roland Jacques cho biết: “Trong công việc của mình, linh mục Pina nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi có tên rửa tội là Phêrô, kiến thức uyên bác về chữ Hán của người trẻ tuổi này hẳn là rất hữu ích trong công việc của Pina”. Tại Thanh Chiêm, Pina cùng với Phêrô, một thanh niên địa phương, đã lần đầu tiên dịch Kinh Thánh sang chữ Quốc ngữ, sự kiện này được biết qua một bản phúc trình chính thức của Francisco Eugenio, tu sĩ dòng Tên người Ý ở Ma Cao: “Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng Kẻ Chàm, anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng… Anh tên thánh rửa tội là Phêrô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục Pina rất nhiều trong việc dịch kinh “Pater noster”, “Ave Maria”, “Credo” và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương, các kinh mà Kitô hữu đã thuộc lòng. Linh mục Pina cũng viết ra các điều phải tin các mầu nhiệm về Ba Ngôi, về Chúa nhập thể làm người, về chuộc tội, cũng như sự cần thiết của đức tin và các bí tích để được tham dự vào ơn tích của Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Các Kitô hữu chép lại tất cả những điều ấy, và đã bắt đầu lần hạt mân côi y như tại xứ chúng ta”. 

Pina cũng có ý định học chữ Nho và chữ Nôm (nhưng chưa thực hiện được) với một giáo viên bản địa tầm cỡ như thầy giảng Augusto, người thông ngôn của cha Buzomi hiện đang ở Pulo Cambi (Quy Nhơn) khi viết: “nếu con cũng có tiền trả công cho thầy dạy con học ngôn ngữ và văn chương thì ngày nay con đã là người thợ đầy đủ phẩm chất. Chỉ vì chính lý do này con không biết văn chương. Và đó là chỗ trống đáng tiếc. Về ngôn ngữ con đã tự mày mò học hỏi với nỗ lực của chính mình”. 

Nhờ quan hệ tốt với thế tử Nguyễn Phúc Kỳ ở dinh trấn Thanh Chiêm nên Pina đã lập một trú sở mới ở đây vào khoảng cuối năm 1624, đầu năm 1625 và đến tháng 5 năm 1625, Pina chính thức trở thành Cha bề trên quản nhiệm trú sở truyền giáo Thanh Chiêm (Résidentia Dinh Ciam), trú sở quan trọng nhất tại Đàng Trong vì nó ở ngay cạnh dinh trấn Quảng Nam, triều đình thứ hai của xứ này do thế tử Nguyễn Phúc Kỳ đứng đầu. Không chỉ có hoạt động nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ, tại trú sở Thanh Chiêm, Pina vừa là thầy dạy tiếng Latinh cho các thầy giảng người Việt vừa là giáo sư Việt ngữ cho hai giáo sĩ dưới quyền mới đến hồi cuối năm 1624 là Antônio de Fontes và Alexandre de Rhodes, người mà sau này được thực dân Pháp tôn vinh, một cách có dụng ý, như là ông tổ của chữ Quốc ngữ. Có thể nói, trú sở Thanh Chiêm là Học viện Việt Ngữ học đầu tiên trên thế giới, mà Pina có tư cách là vị giám đốc khai lập và Alexandre de Rhodes là vị giám đốc kế nhiệm. 

Francisco de Pina không may qua đời trong một tai nạn lật thuyền vào ngày 16.12.1625. Vương quốc Bồ Đào Nha đã tiến hành lễ quốc tang cho ông.7 

Dinh trấn Thanh Chiêm từng được các vua nhà Nguyễn phục hồi, tái thiết nhưng bất thành. Ngày nay thành cũ không còn do các biến cố dâu bể, thời gian, chiến tranh. Thành cổ chỉ còn những vết tích nền móng như tường thành, tàu tượng, kho súng, kho lương, phường đúc, gò sứ,… tản mác. Hiện Thanh Chiêm còn ngôi nhà thờ Phước Kiều, tương truyền xây lại trên nền xưa (nhà thờ Thiên Chúa giáo xây năm 1625, do Francisco de Pina làm Cha bề trên quản nhiệm trú), làng nghề đúc đồng Phước Kiều, đình làng An Nhơn, chùa Nhơn An, nhà thờ Bà chúa Tằm tang Đoàn Thị Ngọc và đặc biệt chính diện nhà thờ Tiền hiền có văn bia dinh trấn Thanh Chiêm được dân làng dựng khắc vào năm 2007 kỷ niệm 405 năm dinh trấn Thanh Chiêm, có câu: 

Xứ Thanh Chiêm xưa là dinh trấn 
Hậu cần cho Chúa Nguyễn khai cơ 
Đất phương Nam cò bay thẳng cánh 
Phố sông Hoài thuyền đậu buồn giăng 
Cũng do từ Thanh Chiêm khởi phát. 

Tháng 01 năm 2008, dinh trấn Thanh Chiêm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam công nhận di tích lịch sử. Thanh Chiêm không chỉ là di tích của Quảng Nam mà cũng là di sản chung của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định khi nó là một dải đất liền trong Quảng Nam dinh.8 

3. Phục hồi và khẳng định giá trị của dinh trấn Thanh Chiêm gắn kết với phát triển du lịch văn hóa 

Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Trong mỗi đất nước thì mỗi vùng, mỗi địa phương có những tiềm năng văn hóa đặc trưng của mình. Điều đó là lợi thế để phát triển du lịch cũng như thu hút đối với du khách - đặc biệt là du khách nước ngoài. Theo GS. Hoàng Chương thì: “Văn hóa là hồn của du lịch. Du lịch chỉ là một cái xác, nếu không có hồn không tồn tại được”.9 

Dinh trấn Thanh Chiêm với lịch sử ra đời, tồn tại và vai trò của mình gắn với một giai đoạn quan trọng trong quá trình mở rộng bờ cõi về phía Nam của đất nước. Đồng thời, dinh trấn còn là cái nôi của chữ Quốc ngữ. Do đó, dinh trấn Thanh Chiêm chứa đựng những giá trị văn hóa nhất định. 

Quảng Nam hiện đang có lợi thế về du lịch, trong đó định hướng phát triển du lịch bền vững với hai di sản thế giới là phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng phát huy lợi thế và đưa vào khai thác các giá trị văn hóa sẵn có để làm du lịch như các làng nghề trồng rau Trà Quế, đúc đồng Phước Kiều, lễ hội Cầu Bông, rước cộ Chợ Được, đêm phố cổ Hội An,.. Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã thử nghiệm thành công sự gắn kết giữa phát triển làng nghề và du lịch cùng với sự tham gia của cộng đồng theo hướng gắn lợi ích và trách nhiệm của người dân với quá trình phát triển du lịch bền vững. Chỉ tính riêng tại 7 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển du lịch hoạt động tại Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang, tổng doanh thu của các cơ sở này năm 2012 đạt 170 tỷ đồng, chiếm 10% tổng doanh thu của hoạt động các làng nghề truyền thống toàn tỉnh.10 

Dinh trấn Thanh Chiêm nằm trong tuyến phát triển du lịch của tỉnh đó là Điện Bàn, cách thành phố Đà Nẵng gần 30 km về phía nam và cách phố cổ Hội An chưa đầy 10 km về phía tây, do đó hoàn toàn có thể triển khai phát triển theo một tour du lịch bao gồm sinh thái và văn hóa. Đề cập tới việc phục hồi, bảo tồn dinh trấn Thanh Chiêm đã có rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra các đề xuất như: Nâng cấp các di tích cổ tồn tại đến nay, đặc biệt là đối với chùa Hội Phước trên cơ sở mô hình kiến trúc cũ cho khang trang hơn và cử người quản lý chuyên trách để chăm sóc, bảo dưỡng chùa; Quan tâm và trùng tu bảo tồn đình làng An Nhơn, nhà thờ Tiền hiền Thanh Chiêm. Đặc biệt coi trông việc giữ gìn nhà thờ Quý Phi Đoàn Thị Ngọc; miếu Bến Lội trước đây là một kiến trúc cổ có quy mô đã bị phá hủy sau 1975, về sau được nhân dân tự phát xây dựng lại với quy mô nhỏ bé, cần được xây dựng mới lại, đúng với quy mô cũ và khang trang; Cần chọn địa điểm thích hợp để xây dựng các kiến trúc mới ngay trên địa phận làng Thanh Chiêm xây dựng. Đài tưởng niệm sự ra đời của chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII, để tỏ lòng biết ơn những tiền bối của chúng ta ở đây đã góp phần quan trọng trong việc phát minh ra loại văn tự đó mà ngày nay đã trở thành chữ viết chính thống ở nước ta; Ở tại địa phận làng Văn Đông ngày nay, tiến hành xây dựng Đài tưởng niệm chiến thắng hải quân Hà Lan năm 1664 của thủy binh Quảng Nam dinh dưới sự chỉ huy của thế tử Nguyễn Phúc Tần. Cũng tại đây cần dựng Tượng đài Phó tướng Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần, quan trấn thủ Quảng Nam dinh, người anh hùng đánh thắng quân Hà Lan xâm lược cảng thị Hội An, về sau trở thành chúa Hiền (Hiếu Triết Hoàng đế 1620 - 1687). Tượng đài này cũng có thể dựng trên đất Thanh Chiêm; Cần có chủ trương và chính sách khôi phục và phát triển Phường đúc xưa, một làng đúc đồng truyền thống đã ra đời cách đây 400 năm, chuyên sản xuất đồ đồng (thau, mâm, chân đèn, lư hương, gương soi, chiêng, chuông,…) phục vụ cho hành cung của dinh trấn trước đây và đồ dùng gia dụng, nhạc cụ (cồng chiêng…) đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay thuộc làng Phước Kiều, đang trên đà suy thoái;11 Đề xuất Nhà nước công nhận dinh trấn Thanh Chiêm là di tích lịch sử quốc gia;… Thiết nghĩ những ý kiến trên đều là những đề xuất gắn liền với thực tiễn nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của Quảng Nam. Sự trùng tu, sửa chữa, xây dựng lại dinh trấn Thanh Chiêm kết nối với du lịch văn hóa sẽ vừa tạo được nguồn thu để có kinh phí bảo tồn, vừa giới thiệu cho người dân trong nước và bạn bè quốc tế về vùng đất văn hóa này. 

Chú thích: 

1. Trang Đoan, “Du lịch văn hóa - nhìn từ một số quốc gia Đông Nam Á”, Thứ hai, Ngày 28.12.2015. 

2. ThS. Bùi Thanh Thủy, “Nội hàm văn hóa trong du lịch”, Du lịch, Số 12/2009. 

3. Minh Quang, “Du lịch văn hóa: Xu thế mới của Việt Nam?”, Vietnamnet, Thứ ba, Ngày 8.6.2004. 

4, 11Nguyễn Phước Tương, “Địa danh Thanh Chiêm trong đơn vị hành chánh xưa và nay”, http://www.dinhtranthanhchiem.quangnam.vn. 

5. Phùng Tấn Đông, “Dấu xưa Dinh trấn Thanh Chiêm”, Dân trí. 

6, 8 Châu Yến Loan, “Dinh trấn Thanh Chiêm”, http://e-cadao.com/ngonngu/ dinhtranthanhchiem 7 Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền, “Khai sinh chữ Quốc ngữ”. 

9. “Khai thác giá trị du lịch từ yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc”, http://www.dulichhe. com/ 

10. Mai Vy, “Quảng Nam gắn phát triển kinh tế làng nghề với du lịch”, www.chinhphu.vn, ngày 31.10.2013. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

1. TS. Trương Quốc Bình, “Biểu tượng về vị thế của tỉnh Quảng Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”. http://www.dinhtranthanhchiem.quangnam.vn 

2. Châu Yến Loan. “Dinh trấn Thanh Chiêm”. http://e-cadao.com/ngonngu/ dinhtranthanhchiem 

3. Trang Đoan (2015). “Du lịch văn hóa - nhìn từ một số quốc gia Đông Nam Á”, Thứ Hai. Ngày 28.12. 

4. Phùng Tấn Đông. “Dấu xưa Dinh trấn Thanh Chiêm”. Dân trí. 

5. Nguyễn Phước Tương. “Địa danh Thanh Chiêm trong đơn vị hành chánh xưa và nay”. http://www.dinhtranthanhchiem.quangnam.vn 

6. Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền. “Khai sinh chữ Quốc ngữ”. 

7. ThS. Bùi Thanh Thủy (2009). “Nội hàm văn hóa trong du lịch”. Du lịch. Số 12. 

8. Nguyễn Q. Thắng. “Vai trò lịch sử dinh Quảng Nam vào hai thế kỷ XVII - XVIII”. http:// www.dinhtranthanhchiem.quangnam.vn. 

9. Minh Quang (2004). “Du lịch văn hóa: Xu thế mới của Việt Nam?”. Vietnamnet, Thứ Ba. Ngày 8.6.
NGHIÊN CỨU VỀ DINH TRẤN QUẢNG NAM?

Kikuchi Seiichi

Lời mở đầu 

Tôi xin báo cáo kết quả điều tra khảo sát về vị trí của dinh trấn Quảng Nam - trụ sở hành chính cùng với thời kỳ liên quan đến thương cảng quốc tế Hội An vào thế kỷ XVII mà chúng tôi đã thực hiện dựa vào tư liệu khảo cổ học, tư liệu lịch sử, văn hóa và kết quả thăm dò thực địa bằng thiết bị radar. 

Ngoài ra, nhân đây tôi cũng xin đề cập đến các kiến trúc và cảnh vật được miêu tả trong bức tranh cuộn Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ (Tranh vượt biển đến Giao Chỉ buôn bán của thương nhân Chaya Shinroku) đang lưu trữ ở Nhật Bản. 

1. Vị trí của di tích Thanh Chiêm - Điện Bàn 

Di tích Thanh Chiêm - Điện Bàn ở thôn 1, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cư dân địa phương gọi nơi đây là làng Thanh Chiêm. 

Phía đông và phía bắc của di tích giáp với xã Điện Minh, phía tây giáp với thôn Đông Khương, xã Điện Phương. Phía nam thôn Thanh Chiêm là sông Chợ Củi - một nhánh của sông Thu Bồn. Phía bắc Thanh Chiêm vẫn còn một cái hồ là dấu tích của dòng sông cũ. Mặt nước hiện tại của dòng sông (cũ) này cách mặt ruộng lúa khoảng 2 đến 3 m. Di tích Thanh Chiêm cách Hội An khoảng 10 km về phía tây, nằm trên Quốc lộ 1A, đó cũng là con đường dẫn tới Hội An. Đây vốn là tuyến đường quan trọng, được ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí là “quan lộ”, và cho đến nay tuyến đường này vẫn được xem là huyết mạch giao thông quan trọng. Người ta cũng cho rằng di tích này tọa lạc ở giao điểm giữa đường sông và đường bộ. 

Theo tài liệu điều tra di tích của Việt Nam, di tích Thanh Chiêm và các dấu tích liên quan trải dài khoảng 700 m theo chiều nam - bắc và 250 m theo chiều đông - tây, với những dấu tích được đào đắp bằng đất.1 Theo sách Đại Nam thực lục tiền biên, dinh trấn Quảng Nam được xây dựng vào năm 1602, và đây là nơi giữ vai trò là trung tâm hành chính của dinh Quảng Nam. Sách này cũng ghi chép quan trấn thủ nơi này là thế tử (của chúa Nguyễn).2 

Theo ghi chép trong sách Hải ngoại kỷ sự của tăng sĩ người Trung Quốc (Thích Đại Sán) vào năm 1695, dinh trấn Quảng Nam được xem như là trấn thổ vệ môn3 , còn trong sách Nhất thống địa dư chí viết năm 1806 chép dinh trấn Quảng Nam là Cư quán Thanh Chiêm. 4 Như vậy, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã tiến hành khảo sát (di tích Thanh Chiêm), và cho đến nay thì di tích Thanh Chiêm vẫn là nơi còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn về lịch sử. Chính vì thế, chúng tôi đã tiến hành khai quật thám sát di tích này. 

2. Khai quật và điều tra di tích Thanh Chiêm - Điện Bàn 

Để làm rõ lịch sử và đặc điểm của di tích, chúng tôi đã tiến hành khai quật khảo sát nơi này hai lần. Lần thứ nhất vào tháng 8.1999, lần thứ hai vào tháng 8.2000. Sau đó, vào năm 2001, chúng tôi cũng đã tiến hành thăm dò lòng đất di tích này bằng radar. 

Trong đợt khai quật khảo sát lần thứ nhất, tại khu vực di tích, chúng tôi đã lựa chọn vị trí để mở hố khai quật là: hai địa điểm ở phía sau Trường Tiểu học Nguyễn Du (hố khai quật số 1, hố khai quật số 2), một địa điểm tại phần ruộng của ông Lê Em (hố khai quật số 3) và một vị trí tại phần ruộng của bà Nguyễn Thị Náng (hố khai quật số 4). Về kết quả khai quật, tại hố khai quật số 1, chúng tôi đã tìm thấy những dấu tích thuộc thế kỷ XX; tại hố khai quật số 2 chúng tôi không tìm thấy dấu tích nào cả; tại hố khai quật số 3 và 4, chúng tôi khẳng định những dấu tích tìm thấy ở đây có niên đại khoảng từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Để hiểu rõ hơn về lịch sử phát triển và đặc điểm của các dấu tích này, chúng tôi đã tiến hành mở rộng các hố khai quật thám sát trong đợt điều tra lần thứ hai vào một năm sau đó. 

2.1. Di vật và dấu tích của hố khai quật thứ 3 

Trên phần ruộng của nhà ông Lê Em, chúng tôi đã đào hố khai quật có kích thước 1 m (hướng đông - tây) x 2 m (hướng nam - bắc). Vì đã phát hiện được một phần dấu tích nên trong đợt điều tra thứ hai, chúng tôi đã mở rộng chiều dài ở phía nam hố khai quật thêm 2 m và bề rộng thêm 1 m. Chúng tôi đã phát hiện thấy trong hố khai quật này có một vế tích hình vuông, kích thước khoảng 1,8 m x 1,8 m, độ sâu khoảng 1,2 m đến 1,3 m. Nó được che phủ với 3 lớp đất rõ ràng. Lớp trên là cát, lớp tiếp theo có các mảnh gạch và cuối cùng là lớp đất đen trộn lẫn lớp đất trắng. Trong đó, lớp có các mảnh gạch là lớp được gồm nhiều mảnh gạch nhỏ nén chặt vào nhau tạo thành một lớp dày khoảng 0,3 m và cấu trúc dạng tam diện. Theo nhận định, lớp gạch này được ép chặt với nhau bằng công cụ. Chúng tôi cũng đã nhìn thấy rất nhiều vết lõm trên bề mặt lớp gạch nén này. 

Từ dấu tích này chúng tôi đã tìm thấy một vài di vật khác. Dưới lớp gạch này chúng tôi đã tìm thấy bát sứ của Quảng Đông và Phúc Kiến (Trung Quốc) niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII. Ngoài ra, từ lớp gạch này chúng tôi đã tìm thấy vài chiếc lọ sứ lớn của miền Trung Việt Nam tồn tại vào khoảng thế kỷ XVIII đến XIX. Tuy di vật do chúng tôi tìm thấy rất ít nhưng từ những di vật này, chúng tôi có thể suy ra niên đại của chúng là vào khoảng từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX. 

Về đặc điểm của các dấu tích, từ cấu tạo của mảnh vỡ dùng trong công trình xây dựng, chúng tôi cho rằng đây có thể là dấu tích vị trí của một cột nhà của một công trình kiến trúc lúc bấy giờ. 

Ngoài ra, khi đào đến độ sâu 3 m ở góc phía bắc của hố khai quật, chúng tôi đã phát hiện thấy gốm sành Việt Nam có từ thế kỷ XVII, có cả đồ sứ hoa lam dòng Chương Châu của Trung Quốc có niên đại từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII. Sau khi xác nhận, chúng tôi thấy rằng dấu tích này chính là các dấu vết của các đường rãnh. Tuy nhiên, vì vấn đề an toàn nên chúng tôi không thể điều tra xa hơn nên chúng tôi đã dừng điều tra tại đây. 

Với kết quả điều tra này, từ niên đại của các dấu tích được cho là cột nhà xây dựng thì có thể suy ra rằng, các di vật có niên đại thế kỷ XVIII - XIX nằm ở phần trên lớp gạch, còn dấu tích nằm phía dưới lại là những di vật có niên đại thế kỷ XVII. Hơn nữa, những người dân ở đây nói rằng từ thế kỷ XX vùng đất này không hề có một ngôi nhà lớn nào được xây dựng, nên có thể đây là dấu tích của một công trình kiến trúc đã được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVIII - XIX. 

Với dấu tích được cho là cột nhà xây dựng, từ kích thước và cấu tạo của chúng, chúng tôi suy đoán rằng đây là công trình xây dựng lớn. Chính vì thế, với mục đích điều tra phạm vi của di tích, trong đợt khảo sát vào năm 2001 chúng tôi đã sử dụng thiết bị thăm dò radar dưới lòng đất trong phạm vi 25,5 m theo chiều nam - bắc, 21 m theo chiều đông - tây.6 Kết quả là chúng tôi đã tìm thấy vài hố chân cột của một công trình xây dựng. Và từ kích thước của các hố chân cột này, chúng tôi có thể xác định được rằng đây là hố chân cột của một công trình xây dựng lớn. 

Từ các dấu vết mà chúng tôi đã tìm thấy trong đợt điều tra nói trên và nhờ vào thiết bị thăm dò mà chúng tôi có thể biết được kết quả ẩn đằng sau chúng. Chính vì thế, chúng tôi có thể xác định được rằng đây là di tích của công trình xây dựng lớn vào khoảng thế kỷ XVIII - XIX. 2.2. Dấu tích và di vật của hố khai quật số 4 

Chúng tôi đã khai quật hố số 4 với kích thước 1 m (hướng đông - tây) x 4 m (hướng nam - bắc) trên phần ruộng của bà Huỳnh Thị Náng, cách hố khai quật số 3 khoảng 20 m về phía bắc. Trong đợt điều tra lần thứ nhất vào năm 1999, chúng tôi đã điều tra và xác định được dấu tích có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII, và trong đợt điều tra lần thứ 2 sau đó một năm, chúng tôi đã mở rộng hố khai quật và thực hiện việc điều tra. Kết quả là chúng tôi đã phát hiện ra 5 rãnh. 

Trong 5 rãnh này, rãnh thứ nhất, thứ ba và thứ tư hầu như chạy theo hướng nam - bắc, còn rãnh thứ hai và rãnh thứ năm thì chạy theo hướng đông - tây. Trong 5 rãnh này, tại rãnh thứ nhất, chúng tôi đã tìm thấy bát gốm hoa lam của vùng Bắc Bộ Việt Nam có niên đại vào thế kỷ XVI; đồ gốm ở miền Trung Việt Nam có niên đại thế kỷ XVII. Tại rãnh thứ hai, chúng tôi đã tìm thấy đồ sứ Trung Quốc vào nửa đầu thế kỷ XVII, còn bên dưới thì chúng tôi đã tìm thấy đĩa sứ Chương Châu, bát sành của khu vực miền Trung Việt Nam và có cả đĩa gốm men nâu của khu vực Bắc Bộ Việt Nam vào thế kỷ XVII. Đặc trưng của rãnh thứ nhất và thứ hai này là đều tìm thấy đồ sành sứ từ miền Bắc Việt Nam. Đây là loại hiện vật chưa được tìm thấy ở Hội An. Nên có thể đây là hiện vật đặc trưng đến thời điểm bấy giờ. 

Về niên đại của những hiện vật này, vì những đồ sành sứ này không phải là sứ Hizen ở nửa cuối thế kỷ XVII, nên có thể cho rằng niên đại của di tích có khả năng vào nửa đầu thế kỷ XVII. Vả lại, mặc dù di vật được tìm thấy từ các dấu tích dạng rãnh này là ít, nhưng trong số những đồ sành sứ tìm thấy ở đây có cả đồ sành sứ Việt Nam vào thế kỷ XVII và đồ sứ Trung Quốc vào cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XVII, cho nên có thể cho rằng đây là những dấu tích của thế kỷ XVII. Đặc tính của dấu vết dạng rãnh này được cho là rãnh của công trình xây dựng nào đó nhưng vì diện tích khai quật nhỏ nên vẫn còn nhiều điều chưa rõ. Vả lại, mặc dù chúng tôi đã thăm dò bằng thiết bị dò tìm radar nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. 

2.3. Tư liệu khảo sát di tích 

Trong đợt khảo sát di tích tại lưu vực sông Thu Bồn vào năm 1998, chúng tôi đã tìm thấy nhiều di vật trên các cánh đồng tại di tích Thanh Chiêm này. 

Trong số các di vật này thì có nhiều bình, lọ cao, bát và sản phẩm đất nung hình con sư tử của khu vực miền Trung Việt Nam vào thế kỷ XVII; nhiều bát sứ màu của Trung Quốc vào nửa cuối thế kỷ XVI; nhiều bát sứ thuộc dòng gốm Cảnh Đức Trấn; chén, bát, dĩa thuộc dòng gốm Chương Châu của Trung Quốc có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII; bát, dĩa gốm Hizen của Nhật tồn tại nữa cuối thế kỷ XVII… Riêng sản phẩm đất nung hình con sư tử, thì đây là lần đầu tiên di vật kiểu này được phát hiện tại khu vực miền Trung, và có thể thấy rằng chúng (loại hiện vật này) không được sử dụng trong các nhà ở, làng mạc bình thường, mà chỉ được sử dụng ở một công trình xây dựng đặc biệt nào đó lúc bấy giờ.7 

Cùng với việc khai quật, điều tra và thăm dò bằng radar trong lòng đất nói trên, cũng như cùng với tư liệu điều tra di tích, chúng tôi đã khái quát đặc điểm của di tích Thanh Chiêm như sau: 

- Với các di vật và dấu tích vào thế kỷ XVII đã được tìm thấy tại hố khai quật số 3, có thể thấy rằng các hố chôn cột nằm trên các dấu vết được tìm thấy ở đây tồn tại vào thế kỷ XVIII đến XIX và đây là dấu vết của công trình xây dựng quy mô lớn. 

- Tại hố khai quật số 4, niên đại của dấu tích hình rãnh đã phát hiện được đoán định là vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII. Trong số các di vật được tìm thấy ở đây thì đồ sành sứ của khu vực Bắc Bộ Việt Nam vào thế kỷ XVI khá nhiều. Những đồ sành sứ này chưa được tìm thấy trong các đợt khai quật, khảo sát ở phố cổ Hội An trước đó. 

- Trong tài liệu điều tra khảo sát di tích có viết về sản phẩm đất nung hình sư tử. Di vật này được cho rằng không được sử dụng tại các nhà ở, làng mạc bình thường mà nó được sử dụng ở một công trình xây dựng đặc biệt nào đó lúc bấy giờ (công trình xây dựng theo tiêu chuẩn hoàng cung, hoặc lăng tẩm). 

3. Đặc điểm của di tích Thanh Chiêm - Điện Bàn 

Dựa trên kết quả điều tra, chúng tôi đã suy nghĩ về đặc điểm của di tích Thanh Chiêm. 

Như đã đề cập trên đây, theo sách Đại Nam thực lục tiền biên, dinh trấn Quảng Nam đã được xây dựng vào năm 1602. Vì chiến tranh nên dinh trấn đã bị tàn phá nhưng sau đó đã được xây dựng lại. Do bạo loạn vào thời Tây Sơn nên vào năm 1773, đã có giao chiến xảy ra tại dinh trấn. Lợi dung cơ hội này, vào năm 1775 chúa Trịnh (ở Đàng Ngoài) đã tấn công vào Quảng Nam nên dinh trấn Quảng Nam đã bị tàn phá. 

Tỉnh thành Quảng Nam sau này được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823) nằm cách di tích này khoảng 4 km và hiện nay đã trở thành phế tích. 

Do vậy, Thanh Chiêm được ghi trong sử sách thì tồn tại từ năm 1602 thời chúa Nguyễn, và là dinh trấn của Quảng Nam cho đến năm 1775. Sau khi triều đại Tây Sơn kết thúc, vào năm 1804, dinh trấn Quảng Nam được tái dựng ở đây vào đầu thời nhà Nguyễn, tồn tại cho đến năm 1823. 

Dựa trên kết quả khai quật khảo sát lần này, cũng như từ những dấu tích tìm thấy ở các hố khai quật thứ 3 và hố khai quật thứ 4 (lần 2), chúng tôi đã tìm thấy dấu vết có hình rãnh vào thế kỷ XVII và dấu vết hố chân cột của một công trình xây dựng quy mô lớn, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII - XIX. Dựa vào những ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí, có thể suy đoán rằng: những dấu vết có dạng rãnh là vết tích của dinh trấn Quảng Nam đầu tiên và những dấu vết là hố chân cột là vết tích của công trình được xây dựng vào năm Gia Long thứ 2 (1803). Do đó, có thể xác định được niên đại của di tích công trình xây dựng lớn ở đây nằm trong khoảng thời gian từ năm 1804 đến năm 1824. 

Và, một khi suy nghĩ đến đặc điểm của di tích thì chúng ta sẽ tìm ra được nhiều di vật có ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là sản phẩm đất nung hình con sư tử và di vật xuất xứ từ Bắc Bộ vào thế kỷ XVI, là những thứ chưa tìm thấy tại phố cố Hội An. 

Gốm sứ Bắc Bộ ra đời vào thế kỷ XVI, lúc bấy giờ là thời kỳ xảy ra tranh chấp, hỗn chiến nội bộ chính trị nhà Hậu Lê. Vương quyền bị đảo chính, Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua lên nắm quyền. Thân tộc nhà Lê đã tập hợp lực lượng để chống nhà Mạc, do Nguyễn Kim - thân phụ của Nguyễn Hoàng - cầm đầu. Sau khi Nguyễn Kim bị đầu độc chết, con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm lên thay cầm quyền chỉ huy quân đội. Do sự áp bức của Trịnh Kiểm, năm 1558 Nguyễn Hoàng, con trai thứ của Nguyễn Kim, trên đường đào thoát từ Bắc vào Nam đã chọn xứ Huế để định cư. Sau đó nắm quyền thống trị Quảng Nam (hiện tại là khu vực Trung Bộ). Từ đó bắt đầu thời kỳ Nam - Bắc đối đầu, (giữa họ Nguyễn) với họ Trịnh. Tuy nhiên, theo sử sách ghi chép thì lúc đầu Nguyễn Hoàng theo nhà Lê. Trong cuộc xung đột giữa nhà Hậu Lê với nhà Mạc, năm 1592, Nguyễn Hoàng đem quân ra Bắc (phò nhà Lê). Quân nhà Trịnh đã giành lại Hà Nội từ tay nhà Mạc và khôi phục lại triều Hậu Lê. 

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của triều Lê, vào tháng 5.1593, Nguyễn Hoàng đã ra Bắc (Hà Nội) yết kiến vua Lê, sau đó Nguyễn Hoàng ở lại giúp vua Lê đánh dẹp các cuộc chống đối của họ Mạc và các cuộc phản loạn khác tại Hải Dương. Ông ở lại thủ đô (Hà Nội) khoảng 8 năm, đến năm 1600 thì quay lại Thuận Hóa. Sau khi ông mất vào năm 1613, con trai thứ 6 của ông là Nguyễn Phúc Nguyên lên kế vị, là vị chúa Nguyễn đời thứ 2. Từ năm 1627, cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh bắt đầu xảy ra. Cuộc phân tranh này kéo dài trong suốt nửa thế kỷ. 

Nếu suy nghĩ đến thời điểm trước khi phân tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài bùng nổ, Nguyễn Hoàng đã cầm đầu thủy quân tiến ra Bắc và yết kiến với vua Lê thì có thể nói gốm sứ Bắc Bộ có niên đại vào thế kỷ XVI - XVII được tìm thấy ở di tích Thanh Chiêm có thể là do chúa Nguyễn ở Quảng Nam (Nguyễn Hoàng) mang trực tiếp từ ngoài Bắc về. Tại sao có thể suy đoán như vậy? Bởi vì trong quá trình điều tra, chưa hề tìm thấy gốm sứ Bắc Bộ có tại thương cảng Hội An, Thanh Hà ở Huế và rất khó để suy nghĩ rằng chúng được thương nhân lúc bây giờ mang về. 

Từ những điều trên, chúng tôi có thể cho rằng có khả năng di tích dinh trấn Quảng Nam trực thuộc Dinh Quảng Nam đã được xây dựng vào năm 1602 chính là di tích Thanh Chiêm - Điện Bàn hiện nay. 

4. Về những kiến trúc và cảnh vật được miêu tả trong tranh cuộn Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ của Nhật Bản 

Tranh cuộn Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ mậu dịch độ hải đồ được xác định rõ là vẽ vào nửa đầu thế kỷ XVII.8 Nếu xem những cảnh vật trên tranh vẽ dọc theo dòng sông, ta sẽ thấy làng xã, một tòa nhà lớn và một hàng người đang nạp cống vật cho tầng lớp cai trị tại địa phương, đã được miêu tả trên tranh này. Chúng tôi cho rằng tòa nhà này chính là dinh trấn Quảng Nam, nhân vật người Việt được vẽ trong tranh đó là hoàng tử thứ sáu Nguyễn Phúc Nguyên, con trai chúa Nguyễn Hoàng, là vị chúa Nguyễn thứ hai ở Đàng Trong. Trước khi lên cầm quyền (1613 - 1635), ông chính là người đầu tiên cai quản dinh trấn Quảng Nam ở gần Hội An (1602 - 1613). 

Vị trấn thủ thứ hai ở Quảng Nam này là Nguyễn Phúc Kỳ - con trai trưởng của Nguyễn Phúc Nguyên (1601 - 1631), là người cai quản dinh trấn từ năm 1614 đến năm 1631, sau khi cha của ông là Nguyễn Phúc Nguyên qua đời. 

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên có 4 người con gái, và sách Đại Nam liệt truyện tiền biên cũng có chép rằng con trai trưởng Nguyễn Phúc Kỳ cũng có một cô công chúa. 

Như chúng tôi đã giới thiệu, để có thể xác định rõ vị trí của tòa nhà này, chúng tôi đã tiến hành điều tra, khảo sát. Tham khảo từ những dữ liệu lịch sử và dấu vết đã được phát hiện, chúng tôi có thể khẳng định rằng di tích Thanh Chiêm chính là tòa nhà đã được vẽ trong bức tranh này. 

Cuối cùng, chúng tôi muốn đề cập đến đứa trẻ đứng bên cạnh thái tử đang có mặt tại nơi nhận cống phẩm trong bức tranh. 

Nếu cho rằng tòa nhà được vẽ trong bức tranh là dinh trấn Quảng Nam, trực thuộc khu vực Hội An, thì vị hoàng tử của chúa Nguyễn ở Quảng Nam - chúa Nguyễn Hoàng - về sau chính là người đầu tiên cai quản dinh trấn này. Ông là đã tiếp quản ngai vàng ở kinh đô Thuận Hóa, và người thay thế ông để trấn thủ Quảng Nam chính là con trai trưởng của ông - Nguyễn Phúc Kỳ. 

Sử sách cho biết chúa Nguyễn Phúc Nguyên có bốn người con gái, trong đó có ba người con gái là chị em cùng mẹ với Nguyễn Phúc Kỳ. Được biết, Nguyễn Phúc Kỳ có một cô con gái đầu, nhưng tên của cô con gái cũng như tên của vợ ông ấy đều không rõ. Về cô con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã được gả cho Araki Sotaro, như ghi chép trong Đại Nam liệt truyện tiền biên, thì đó là người con ruột của người vợ thứ hai hoặc thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhưng không rõ danh tính. Nếu nhân vật được vẽ trong bức tranh cuộn là Nguyễn Phúc Nguyên, người đầu tiên cai quản dinh trấn, thì bé gái đứng bên cạnh chính là vợ của Araki Sotaro sau này. Đương thời, cô được người dân ở Nagasaki gọi là “Anio san”, có lẽ tên tiếng Nhật là Wakakutome. Nhưng nếu trong trường hợp nhân vật chính trong bức tranh là thế tử Nguyễn Phúc Kỳ, vị trấn thủ thứ hai của dinh trấn (Quảng Nam) thì cô bé được vẽ trong tranh có thể là con gái của ông. Nếu đứa bé trong tranh là bé trai thì có khả năng đó là con trai trưởng Nguyễn Phúc Kỳ. 

Dù sao đi nữa thì bức tranh này đã miêu tả được diện mạo (của dinh trấn Quảng Nam) từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đến đời con trai trưởng Nguyễn Phúc Kỳ, hay nói cách khác đây là bức tranh mô tả một phần diện mạo của vùng đất này từ năm 1602 đến 1631. Hơn nữa, trong bức tranh còn miêu tả hình ảnh chiếc tàu Madre de Deus của Bồ Đào Nha bị Arima Harunobu đốt vào năm 1609. Do đó, có thể nói rằng bức tranh này đã phác họa được diện mạo lịch sử (của Nhật Bản và Quảng Nam) từ năm 1609 đến năm 1631. Vì vậy, đây chính là tư liệu lịch sử quan trọng đã miêu tả diện mạo của dinh trấn Quảng Nam lúc bấy giờ. 

5. Kết luận 

Dinh trấn Quảng Nam là nơi giao nhau giữa tuyến giao thông đường bộ - đường sông quan trọng. Đây được xem như là nơi giám sát, quản lý thương cảng Hội An và là nơi bảo tồn nhiều loại lâm sản quý như cây quế, hương trầm… ở các khu vực đồi núi vùng thượng nguồn. Đồng thời đây cũng là huyết mạch giao thông Bắc - Nam. Hơn nữa, đây cũng từng là nơi giữ vị trí quan trọng về quân sự và chiến lược để (chúa Nguyễn) đối phó với quân Champa ở phía Nam. 

Phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1999. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện lịch sử thời chúa Nguyễn ở Quảng Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX thì di tích Thanh Chiêm, là dinh trấn của Quảng Nam cần phải được nghiên cứu và bảo tồn. Do đó, tôi rất mong có sự hợp tác của các cơ quan, ban ngành đơn vị liên quan để cùng nhau tiến hành điều tra và bảo tồn khu di tích Thanh Chiêm này. 

Chú thích: 

1. Vũ Hữu Minh, Báo cáo điền dã khu vực Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam từ 17.7.1989 đến 19.7.1989. 

2. Đại Nam thực lục tiền biên, Chương 2, Năm Mizunoetora thứ 45. 

3. Hải ngoại ký sự, Chương 4. Tư liệu lịch sử mới thế kỷ XVII của Hiroshiminami Noriyuki, Trung Hoa dân quốc năm thứ 49. 

4. Nhất thống dư địa chí, Chương 5, Kho tàng sách Hán Nôm Việt Nam. 

5. Phạm Đình Khiêm, “Đi tìm địa điểm và di tích hai thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII”, Việt Nam khảo cổ tập san, Số 1.1960, 71-96. 

6. Nishimura Yashushi: “Kết quả nghiên cứu về quần thể di tích tại Hội An”, Nghiên cứu mang tính khảo cổ học về Việt Nam và Champa nhìn từ “Con đường tơ lụa trên biển”, Tập 12, 2002. 

7. Việc đưa một con thú bằng đất nung lên mái nhà của một cung điện trong Tử Cấm thành Bắc Kinh ở Trung Quốc, được coi là một lá bùa. 

8. Kikuchi Seiichi, Nghiên cứu hình ảnh các tàu thương mại, (Tác giả biên soạn và xuất bản, 2014).
Quảng Nam, tháng 8/2016
Theo http://www.dienban.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...