Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Đà Lạt: Lạnh, sương mù, thơ mộng, lãng mạn

Đà Lạt: Lạnh, sương mù,
thơ mộng, lãng mạn

Dạ vâng. Đó là Đà Lạt của những ngày xưa tháng cũ, khi tui còn thơ dại, từ những năm 1960.
Căn nhà của ba má tui nằm ở lưng đồi, hướng chênh chếch về phía Đông Bắc. Trước nhà chúng tôi là một con đường nhỏ, hồi đó có tên là Lãnh Địa Đức Bà. Từ nhà nhìn ra, sang tay phải là nhà thờ Domaine De Marie nổi tiếng của Đà Lạt, xếp hạng thứ hai sau nhà thờ Chánh Tòa (Con Gà) mà thôi. Lúc tui còn nhỏ, nhà cửa trên con đương này còn rất thưa thớt. Từ giao lộ Ngô Quyền-La Sơn Phu Tử vào đến nhà tui, chỉ có chừng hai chục nóc nhà trên một quãng dài khoảng 500 mét.
Bên kia con đường là vườn cây trái của bà Chín Trác. Căn nhà bà không ở, cho mấy thằng cha trọc đầu trú ngụ để trốn quân dịch. Vườn của bà dài tới chỗ thấp nhất của thung lũng, nơi có một con mương luôn đầy nước trong vắt chảy qua. Qua khỏi con mương đó là Lãnh địa Đức bà, tức là bắt đầu địa phận của nhà thờ Domaine. Lãnh địa này trải dài từ đó, hắt ngược lên đồi Mai Anh, giáp tới đường Ngô Quyền. Nó bao gồm cả trường Vinh Sơn, cả cái mũi tàu kẹp giữa đường Ngô Quyền và đường Thi Sách, ngược lên hướng Đông Bắc tới gặp đường Calmetter. Tới đây, lãnh địa chỉ còn phía bên phải của đường Mai Hắc Đế, chạy dài tới ngã năm Trần Bình Trọng, rồi theo đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thượng Hiền, và Yết Kiêu để cuối cùng qua xóm Giáo để vòng lại chỗ nhà tui.
Lúc nhỏ, tui thường lén ba má tui đi xuống thung lũng, tới tận con mương đó. Ngày đó, mương nước còn trong vắt, hoa dại đủ màu hai bên bờ. Nhiều lúc có hai bà chị kế đi theo, mấy bả lo hái hoa về cắm. Đủ thứ hoa cánh bướm, hồng, vàng, và cây dương xỉ, cây hoa đá…. Ngược lên đồi thỉnh thoảng có vài bụi sim, nhưng nhiều nhất là hoa mua, nó cũng màu tím như hoa sim nhưng nhạt màu hơn xíu… ngoài ra cơ man nào là cây quỳ (dã quỳ), hồi đó tui ghét cây này lắm vì lá nó hôi rình! Tui chỉ mải mê bắt chuồn chuồn vì chúng đẹp. Những con chuồn chuồn đầy màu sắc hấp dẫn tui, tui rón rén dùng hai ngón tay để tóm lấy đít nó, tưởng chừng như chắc cú rồi thì nó lại nhẹ nhàng bay đi một đoạn. Nói thiệt lòng, từ nhỏ đến lớn, tui chỉ tóm được có một con duy nhất, mà nó là chuồn chuồn kim, bị bịnh gì đó không bay nổi!
Dưới làn nước trong vắt vẻo kia là từng đàn cá bảy màu (đuôi của chúng có nhiều chấm màu khác nhau) sặc sỡ, vô tư bơi lội. Hồi đó nước còn sạch lắm, đặt bàn tay xuồng chờ cho chúng bơi vô, nhẹ nhàng vớt lên thế nào cũng được vài con. Ở nhà ba có xây một cái bể nước nho nhỏ, chị em tui hay vớt chúng về thả vô cho đỡ bớt lăng quăng. Đi chơi như vậy phải trốn ba má chứ không thì ăn roi nát đít! Hic. Cũng bị mấy lần mà hổng chừa đâu…
Căn nhà của ba má, tui vẫn còn nhớ là ba tui cùng mấy chú đã dựng lên căn nhà này vào năm 1967, khi mà thằng em tui chừng 1 tuổi, còn tui đủ khôn để ba tui bế tui đưa qua cửa sổ chui vô nhà để mở cái chốt cửa. Căn nhà đó, sườn bằng gỗ thông, lợp mái tole, xung quanh đóng bao che bằng thùng thiếc. Đó là những miếng sắt chặt ra từ những chiếc thùng đã đựng nước mắm hoặc dầu hôi mà người ta đã dùng hết. Lớp thùng thiếc này chỉ ngăn được gió, và không cản được cái lạnh của Đà Lạt thời đó. Cái lạnh nó phủ xuống từ mái tole kẽm không có lao phong (tức trần nhà), nó xuyên ngang từ lớp thùng thiếc bao quanh, lạnh thấu ruột gan. Thuở đó, tụi tui chỉ được nằm chiếu, và đắp bằng một cái mền nhà binh mỏng. Chăn bông là một khái niệm mơ hồ chỉ có trong sách vở.
Ba tui là một người nghiêm khắc, 6 giờ sáng giờ Sài Gòn (5 giờ bây giờ) là tui bị gọi dậy, ra sân tập võ. Đang cuộn mình trong mền, bị kêu dậy, rồi thò chân xuống nền nhà lạnh ngắt, cứ muốn chui lên giường lại. Nhưng đâu có được, phải ra sân ngay. Ngoài sân, trời còn tối nhờ nhờ, sương mù đổ xuống gần như là mưa phùn. Cùng tập ngày đó là mấy ông anh con cậu Năm tui. Chúng tui, phải chạy tại chỗ khoảng 10 phút, trước chậm sau nhanh cho ấm người trước khi tập quyền và binh khí. Nói chạy cho ấm người vì chạy xong chừng đó phút mà chưa thằng nào đổ mồ hôi, ngừng chạy là cảm thấy lạnh lắm, để thấy cái lạnh lúc đó của Đà Lạt nó khủng khiếp như thế nào. Cái lạnh nó làm cho các đầu ngón tay, ngón chân như muốn nứt toác ra. Mùa đông, môi, má ai cũng bị nứt nẻ và xù xì, rửa mặt lúc nào cũng nghe ran rát! Người Đà Lạt gọi là bị sương ăn đó!
Tập quyền cước xong chuyển qua tập vài món binh khí như côn, thương, đao kiếm, rồi song đấu. Cứ dăm bữa nửa tháng lại bị lỗ mũi ăn trầu, dập môi, bầm mắt là chuyện thường xuyên. Hầu như ngày nào cũng điểm tâm sớm bằng nắm đấm, cùi chỏ, ống quyển và đầu gối. Còn chuyện đấm bao, đá bao cát là chuyện bắt buộc sau khi đấu xong. Đá nhiều đến nỗi ống quyển cứng như củi. Có lần đá banh, bị thằng ông nội chơi cộp giò, nó cộp một phát vô ống mình rồi nó bỏ ra sân luôn.
Thường thì tập võ xong cũng hết 1 giờ hơn, tụi tui làm vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng. Hầu hết là ăn cơm sáng, và không có chuyện mì phở bún xôi như bi giờ. Ăn uống đạm bạc rồi đi học vì nhà lúc đó có tới 7 anh chị em. Tui thích nhất là giờ đi học từ nhà tới trường, ngôi trường Vinh Sơn chỉ cách nhà tui non một cây số thôi. Đà Lạt lúc đó còn vệ cỏ hai bên đường, trời mát, đất tốt, cỏ hai bên đường xanh mát mắt. Giờ đây, đường đi mà có lề cỏ chỉ có ở xứ giãy chết thôi…. Gần 8 giờ sáng, sương sớm vẫn còn long lanh trên ngọn cỏ xanh rờn. Thỉnh thoảng lại gặp mấy con bò nghênh ngang giữa lộ làm bọn con gái sợ chết khiếp.
Thị xã thưa người, họa hoằn lắm mới thấy một chiếc xe gắn máy. Thường thấy là xe Gobel hoặc Sasch, xe Vespa và Honda, Suzuki….sau này mới xuất hiện…. Con đường đến trường nó bình yên, mát lạnh. Nói chuyện với nhau, miệng đứa nào cũng như đang nhả ra khói vì trời rất lạnh. Trường Vinh Sơn là trường của dòng Domaine de Marie, hầu hết các cô giáo là các ma-xơ (soeur) dạy tụi tui. Thỉnh thoảng cũng có các cô không mặc áo nhà dòng giảng dạy, thường là lớp nhất hay lớp nhì (tức là lớp 5 hoặc lớp 4 bây giờ). Hai năm tiểu học đầu tiên của tui học với seour, còn các năm còn lại học với các cô giáo không tu trong dòng thánh này.
Các cô rất nghiêm khắc trong việc dạy học nhưng cũng rất nhân hậu. Thường thì đứa nào ngỗ nghịch thì bị đét đít, bị bắt quỳ trên bục giảng. Mỗi lần đứa nào viết chữ xấu hoặc quên viết bài thì bị khẻ tay, nghe một tiếng chát xuống lòng bàn tay mà sợ thấu tim gan. Tui hồi nhỏ bị khẻ hoài vì chữ xấu đó…
Cứ vài ba tuần các soeur lại dẫn bọn con nít tụi tui đi thăm các gia đình nghèo trong vùng để tặng quà cho họ. Thường là đường và sữa bột, quần áo, sách vở của nhà dòng. Không biết từ đâu ra mà nhà thờ có sẵn các mặt hàng này. Lũ nhóc chúng tui còn được đi thăm hết nhưng ngóc ngách của Lãnh địa Đức Bà, vòng lên vườn cây ăn trái dọc Mai Hắc Đế, ngang qua hồ Sale, nơi các soeur có một trại nuôi gà, rồi vô tới nhà thờ Vinh Sơn. Có khi được xuống sân banh lớn, gọi lá sân “bít táp” để đá banh. Hồi đó tui thấy cái sân nó mênh mông chi lạ…
Mỗi lần đi dã ngoại như vậy cũng mất cả buổi, các soeur cho tụi tui ăn bánh ngọt, uống sữa hoặc nước cam…đứa nào cũng thích. Trên đường đi, soeur chỉ cho các loại cây cối và tên gọi của chúng… nhưng mãi lo chơi, có nhớ khỉ gì đâu…
(Tuổi thơ 1)

Một số hình ảnh Đà Lạt xưa





8/8/2021
Theo https://huynhthuckhangluongvancan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...